Tài liệu

Tôi tìm lại Tự Lực Văn đoàn

 

Tiến Sĩ MARTINA THUCNHI NGUYỄN

Phong Hóa bị đóng cửa sau bốn năm vì quá táo bạo

Một bộ sưu tập số hóa đầy đủ nhất từ trước tới nay của báo Phong Hóa và báo Ngày Nay của nhóm Tự Lực văn đoàn đã được công bố cuối tuần qua, nhằm ngày 22/9, đúng ngày cách đây 80 năm nhóm nhà văn và nhà báo đề cao tự do cá nhân ra đời.

Có thể được xem là nhóm trí thức quan trọng nhất trong thập niên 1930 ở Bắc Kỳ, Tự Lực văn đoàn nổi tiếng với việc xuất bản tờ báo châm biếm đầu tiên ở Việt Nam, hiện đại hóa văn học Việt Nam và theo đuổi những cải cách mà trong đó bác bỏ sự phù hợp của Khổng giáo.

Họ là những người đi tiên phong trong thế thệ trí thức trẻ của Việt Nam – những người được đào tạo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt đương thời và xa lạ với quan điểm của các văn sỹ Khổng giáo đi trước họ.

Bom trong làng báo

Khi dạy môn khoa học ở Trường Thăng Long, ông Nguyễn Tường Tam đã thất bại khi đề nghị chính phủ thực dân cho phép ra mắt một ấn phẩm bằng chữ quốc ngữ mà ông định đặt tên là Tiếng Cười.

Hiệu trưởng Trường Thăng Long, Phạm Hữu Ninh, khi đó đã bắt đầu ra báo Phong Hóa và tờ này đang có nguy cơ đóng cửa sau 13 số.

Nắm cơ hội tới tay, ông Tam đề nghị tiếp quản tờ báo.

Nguyễn Tường Tam lấy bút danh Nhất Linh và trở thành Tổng biên tập báo Bấm Phong Hóa bắt đầu từ số 14, ra ngày 8/9/1932.

Chỉ trong thời gian ngắn, ông đã biến Phong Hóa từ một tờ báo lay lắt thành báo châm biếm đầu tiên ở Việt Nam.

Cùng sát cánh với Nguyễn Tường Tam có Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Vinh (Thạch Lam), Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), Nguyễn Thứ Lễ (Thế Lữ), Ngô Xuân Diệu (Xuân Diệu).

Với Nhất Linh và nhóm cộng sự, Phong Hóa rũ bỏ văn phong của những số trước và ngay lập tức xác lập hình dáng, giọng điệu, tư tưởng và nội dung của riêng mình.

Trước hết, Phong Hóa trông khác với những số báo đã ra: kiểu thiết kế mới bao gồm hình tiêu đề, biếm họa, giải đố ô chữ, quảng cáo, minh họa nằm trong bài viết và phông chữ độc đáo.

Thứ hai nữa, tờ báo có văn phong khác lạ. Ngòi bút hài hước và châm biếm của Phong Hóa không tha ai cả.

Phong Hóa chọc quê tất cả mọi người, từ các trí thức đi trước như Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh và Tản Đà tới những nét trong xã hội Việt Nam mà báo thấy là lạc hậu và cổ lỗ.

Độc giả vui mừng với giọng văn mới mẻ và thiết kế hấp dẫn của báo. Chỉ trong vài tháng, số người đọc tăng gấp ba. Một năm sau, lượng lưu hành vượt quá 8.500 một tuần và Phong Hóa trở thành một trong những báo được lưu hành rộng rãi nhất Bắc Kỳ.

Sau sự thành công của Phong Hóa, Tự Lực văn đoàn cho ra mắt một tờ báo mới mang tên Ngày Nay vào tháng Một năm 1935.

Báo này là một trong những diễn đàn sớm nhất của nhiếp ảnh ở Việt Nam nhưng dự án tỏ ra quá tân tiến vào thời điểm đó khi mà in ảnh khá tốn kém.

Ngày Nay đã đóng cửa sau 13 số.

Khi Phong Hóa bị kiểm duyệt và đóng cửa vào năm 1936, Tự Lực văn đoàn vực dậy Ngày Nay và biến báo này thành tổ chức vận động cải cách chính trị và xã hội.

Tờ báo cũng đánh dấu sự thay đổi của nhóm từ chế nhạo xã hội để mong mang lại cải cách sang mạnh mẽ đòi cải cách.

Lý Toét là nhân vật trào lộng của báo Phong Hóa để đả phá hủ tục

Điều quan trọng nhất là Tự Lực văn đoàn dùng các tờ báo của nhóm để thúc đẩy chương trình cải cách toàn diện và động chạm tới nhiều tầng lớp trong xã hội Việt Nam.

Họ nhìn tới các xã hội phương Tây để tìm mô hình và vay mượn một cách có lựa chọn và có chủ định từ văn hóa phương Tây để đưa ra viễn kiến về một xã hội Việt Nam mà một ngày kia sẽ được các nền văn minh hiện đại xem là ngang hàng.

Chương trình cải cách bao gồm nhiều vấn đề trong đó có quan hệ giữa thành thị và nông thôn, nghệ thuật, trang phục quốc gia, chính trị quốc tế và quốc nội, vấn đề liên quan tới phụ nữ, xuất bản, thời trang và kiến trúc.

Chặng đường tìm kiếm

Với tư cách là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm sưu tầm, bản thân tôi thu thập các số báo của Tự Lực văn đoàn trong khoảng thời gian từ năm 2005 tới 2007.

Lần đầu tiên tôi biết tới các tác phẩm của nhóm là khi đang theo học cao học tại Khoa Lịch sử, Đại học California ở Berkeley, nơi tôi được sự hướng dẫn của Giáo sư Peter Zinoman.

Tôi không thấy thỏa mãn với các bài viết học thuật về nhóm này của cả các học giả phương Tây và Việt Nam và quyết tâm thu thập tất cả những gì họ viết và đọc cho bằng hết để có kết luận của riêng tôi.

Tôi nhận được học bổng Fulbright-Hays để tiến hành nghiên cứu luận án tiến sỹ và bắt đầu cuộc tìm hiểu.

Tôi tới tám thư viện và kho lưu trữ tại Hoa Kỳ, Pháp và Việt Nam để có một bộ sưu tập tương đối đầy đủ các tờ báo của nhóm. Tôi bỏ ra một năm ở Hà Nội để nghiên cứu bộ sưu tập các báo thời thực dân của Thư viện Quốc gia, ngày nào cũng chụp ảnh các tờ báo đã ố vàng và sờn rách cho tới giờ đóng cửa.

Quá trình nghiên cứu cũng có lúc khiến tôi thất vọng. Qua mạng lưới những người sưu tầm sách báo, tôi được biết một nhà sách ở thành phố Hồ Chí Minh đang bán 200 số báo Phong Hóa và Ngày Nay được bảo quản tốt.

Cơ hội được đọc các số báo bằng bản in thay vì ở dạng phim hay số hóa khiến tôi không cưỡng lại được và ngay lập tức vào thành phố Hồ Chí Minh, đi taxi thẳng từ sân bay tới nhà sách.

Khi tới nơi tôi được biết các số báo đã được bán cho con của Thế Lữ. Tôi không biết rằng tôi vẫn còn duyên với những số báo này.

Vào thời điểm kết thúc tìm kiếm, tôi đã chụp ảnh được hơn 190 số báo Phong Hóa và 224 số báo Ngày Nay.

Tài năng Nhất Linh: Tranh ‘Cảnh chợ Đông Dương’ của ông

Ngoài ra tôi cũng thu thập được 2.500 bài báo về Tự Lực văn đoàn từ 60 ấn phẩm thời thực dân.

Tôi cũng có được rất nhiều sách do nhà xuất bản Đời Nay của nhóm phát hành trong đó có các truyện ngắn và tuyển tập thơ, các ấn bản đầu tiên và tái bản của các tiểu thuyết, truyền đơn và một số lượng lớn loạt truyện cho thiếu nhi mang tên Sách Hồng.

Cơ duyên

Khi đang viết luận án hồi năm 2008, tôi gặp ông Nguyễn Trọng Hiền, con của nhà thiết kế thời trang Nguyễn Cát Tường, người đưa ra hình mẫu chiếc áo dài tân thời. Tôi cho ông xem bài viết chưa công bố về công trình của cha ông và ông cho tôi xem tài liệu từ kho lưu trữ riêng của gia đình.

Và để trả ơn cũng như để đáp lại sự hào hiệp và tình bạn của ông, tôi đã cho ông xem toàn bộ bộ sưu tập Phong Hóa và Ngày Nay của tôi.

Ông Hiền liên hệ với bà Phạm Thảo Nguyên, con dâu của Thế Lữ, người sở hữu những số báo Phong HóaNgày Nay mà tôi đã vào tận thành phố Hồ Chí Minh để tìm mua.

Bộ sưu tập của tôi đã gần trọn vẹn nhưng một số báo bị mất trang hoặc không đọc rõ.

Ông Hiền đã mất công xem từng số một, bổ sung các trang bị mất, sửa những trang không rõ. Bà Thảo giới thiệu rộng rãi bộ sưu tập và liên hệ với các trường đại học và các tổ chức để đưa các số báo lên mạng.

Hiện bộ sưu tập được cung cấp miễn phí tới độc giả tại trang web của Đại học Hoa SenĐại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Bộ sưu tập này là kết quả của sự hợp tác giữa người Việt hải ngoại ở Hoa Kỳ và Pháp với các học giả và nhà nghiên cứu Việt Nam và một thế hệ mới các học giả người Mỹ gốc Việt.

Chúng tôi hy vọng bộ sưu tập sẽ khuyến khích các nghiên cứu mới về Tự Lực văn đoàn và đóng góp của họ không những chỉ cho văn hóa và văn học mà còn đặc biệt là trong xã hội và chính trị.

Martina Thucnhi Nguyen sinh trưởng tại Texas, Hoa Kỳ và có thời gian về Việt Nam nghiên cứu. Cô nhận bằng Tiến sỹ Lịch sử từ Đại học California-Berkeley và đang chỉnh sửa luận văn “Nhóm Tự Lực Văn Đoàn: Chủ nghĩa Hiện đại Thực dân ở Việt Nam 1932-1941” để xuất bản.

Bài đăng từ bản tiếng Anh tác giả gửi cho BBC Tiếng Việt.

 

*********

Nguồn:

http://www.hocxa.com/VanHoc/TapChi/TLVD_ToiTimLaiTuLucVanDoan_MartinaNguyen.php