Bình luận

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh: Tính Sổ Chiến Tranh

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh: Tính Sổ Chiến Tranh

Nước Mỹ đã mắc phải hai cuộc chiến ngay từ lúc khởi đầu Thế kỷ 21, đến nay vẫn kéo dài suốt 10 năm chưa dứt, và cuốn sổ nợ chiến tranh đã báo hại nền kinh tế Mỹ, làm lủng túi tiền của người dân và cũng làm mồi cho chủ nghĩa phe đảng muốn lợi dụng mọi cách để hạ dối thủ trong cuộc bầu cử trung hạn sắp tới. Hai cuộc chiến đó là Afghanistan và Iraq. Chúng tôi muốn nhắc lại vài nét lịch sử bởi vì nếu biết rõ được quá khứ, chúng ta có thể hình dung được tương lai phần nào. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là tại sao Mỹ và cả các đồng minh dính vào hai cuộc chiến nói trên. Sau Thế chiến II, có hai nước chiến thắng nổi bật là Hoa Kỳ và Liên bang Sô Viết đã đánh tan phe trục là Ðức, Ý và Nhật. Sau đó LHQ thành hình nhưng điều đáng buồn là Nga Sô đã gây ra cuộc chiến tranh lạnh đưa đến hậu quả là tình hình thế giới trở nên gai góc như ngày nay.

Chiến tranh lạnh do Liên Sô gây ra với tham vọng bành trướng chủ nghĩa Mác-xít khắp hoàn cầu. Cố nhiên Mỹ đã làm mọi cách để chặn đứng sự bành trướng này. Chúng tôi muốn bỏ qua vấn đề Việt Nam vì chúng ta đã biết quá rõ, để trước hết nói đến Afghanistan hợp với thời cuộc hơn. Ðây là một nước Trung Á, nằm giữa Iran và Pakistan xa về phía Bắc, thành ra không có bờ biển Á Rập mà tiếp giáp với Turkmenistan, vốn là một thành phần của Liên bang Sô Viết thời trước. Khoảng năm 1980 giữa thời chiến tranh lạnh, Liên Sô đã cho một số cán bộ Turkmenistan thu nhận những thanh niên từ Afghanistan qua để truyền bá chủ nghĩa Cộng sản.

Nhóm cán bộ Cộng sản Afgha về nước, ngấm ngầm bành trướng, thu thập những người còn trẻ và khi đã có thanh thế nhờ Cộng sản chuyển giúp vũ khí, chúng đã cướp được chính quyền và lập ra chế độ Mác-xít ở Thủ đô Kabul. Thời này cũng là lúc Mỹ chú ý đến tình hình ở Ðông Nam Á kể cả Trung Nam Á. Khi Cộng sản Afgha chiếm được Kabul, Mỹ lập tức liên lạc chặt chẽ với chính quyền Hồi giáo Pakistan cũng đang lo lắng về vụ nước láng giềng Afgha do Cộng sản cai trị. Tình thế bắt đầu đổi khác khi người Hồi Pakistan qua lại biên giới nói chuyện với người Hồi Afgha. Từ thời xa xưa, đối với những người đạo Hồi ở hai bên không có đường biên giới. Nhiều nơi vùng giữa Pakistan và Afghanistan lại là một làng mạc thôn xóm của người Hồi.

Vì thế khi Cộng sản thành hình ở Afgha, dân Hồi bên này và bên kia biên giới đi lại với nhau như đi chợ. Ðó cũng là lúc CIA và biệt kích Mỹ đến Pakistan để bí mật huấn luyện và trang bị vũ khí cho thanh niên Hồi giáo Afgha có mặt tại Pakistan. Năm 1983 đám thanh niên này về nước, bắt đầu đánh du kích chống quân Chính quyền Cộng sản ở Kabul. Hồng quân Sô viết đàn áp dữ dội, dùng trực thăng và đại bác tiễu trừ “loạn quân”. Nhưng loạn quân cũng có vũ khí tối tân, chẳng hạn rốc kết bắn chiến xa hay trực thăng của địch. Hồng quân chịu không thấu, đến năm 1987 quân đội Nga phải rút hết về nước, kéo theo lũ cán bộ Cộng sản cao cấp Afgha. Và trớ trêu thay, trong số những thanh niên Hồi giáo đánh đuổi Cộng sản Nga, không phải chỉ có những thanh niên Hồi giáo Afgha mà còn có nhiều thanh niên Hồi giáo ở Trung Ðông lén lút qua để tình nguyện đánh Nga cứu đạo Hồi. Trong số những người đi học môn du kích Mỹ lúc đó có một chàng trai tên là Osama bin Laden.

Hãy trở lại Thế kỷ 21 với Tổ chức Khủng bố có tên là al-Qaida. Vào năm 2001, bọn khủng bố đã cướp một phi cơ chở khách ở Mỹ rồi dùng phi cơ đó lao vào tòa nhà Trung Tâm Thương mại Thế giới ở New York gây ra một vụ khủng bố khủng khiếp chưa từng thấy. Hôm sau một ông già xuất hiện trên màn hình TV nói tổ chức đánh bom là al-Qaida do ông ta huấn luyện. Ông già đó chính là Osama bin Laden. Vào tháng 10 năm 2001, TT George W. Bush ra lệnh quân Mỹ tấn công, đổ bộ vào vào Afghanistan để truy lùng bin Laden và đồng bọn là Taliban nhưng không có kết quả. Ba năm sau TT Bush ra lệnh quân Mỹ đổ bộ vào Iraq đánh tan chính quyền của Saddam Hussein vì lý do tên độc tài này có vũ khí giết người hàng loạt (tức bom nguyên tử), nhưng tin tình báo đã sai. Dù vậy Saddam Hussein cũng bị kết án tử hình và bị thắt cổ chết.

Hai cuộc chiến kéo dài đến nay mà vẫn chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Bây giờ là lúc tính sổ chiến tranh. Chiến tranh càng dài sổ nợ càng lớn. Nợ ai vậy? Tiền bạc không phải từ trên trời rớt xuống mà do người dân đóng thuế để chính quyền có tiền chi dùng và quân bình ngân sách. Nếu không làm được như vậy, người dân sẽ lãnh đủ khi kinh tế suy thoái không cách nào gỡ. Thay vì cứu nguy sự sống còn của người dân, người ta chỉ thấy trên chính trường Mỹ hai phe đối nghịch gia tăng các chiêu thế chính trị càng gần ngày bầu cử càng đánh lớn đến độ “xáp lá cà” để ăn thua đủ.

Ðầu tuần này, TT Obama loan báo chương trình rút quân Mỹ khỏi Iraq để trao trách nhiệm cho chính quyền Iraq, ông nói: “Tôi đã nói rõ vào ngày 31-8-2010 sứ mạng chiến đấu của quân đội Mỹ sẽ chấm dứt”. Vụ rút quân này gồm 50,000 quân, so với số quân 144,000 khi Obama tựu chức. Số quân Mỹ còn lại có nhiệm vụ “cố vấn và yểm trợ các lực lượng an ninh Iraq, bảo vệ các viên chức và các cơ sở của Mỹ, tổ chức các cuộc hành quân chống khủng bố”. Sứ mạng của Mỹ thay đổi từ “Hành quân cho Tự do Iraq” thành “Hành quân Bình minh mới”. Số quân Mỹ lưu lại 50,000 người sẽ rút hết vào cuối năm 2011, như TT George W. Bush đã thỏa hiệp với chính quyền Iraq trước ngày ông Bush rời khỏi ghế Tổng Thống.

Chúng tôi nghĩ quyết định rút quân của TT Obama là điều đáng hoan nghênh. Bởi vì xét theo tình thế hiện nay, việc tiễu trừ khủng bố al-Qaida ở nước nào phải là nhiệm vụ của chính quyền và dân chúng nước đó. Mỹ chỉ có thể yểm trợ bằng mọi cách kể cả không lực, chớ không nên đổ quân vào nước có khủng bố hoành hành, bởi vì làm như vậy bọn al-Qaida hay đồng lõa có thể tố cáo quân Mỹ là ngoại xâm để hô hào dân trong nước nổi lên chống đối.

Riêng về tình hình tranh cử ở Mỹ hiện nay, việc tính sổ chiến tranh đang trở thành những trận đánh giáp lá cà để ăn thua đủ giữa các thành phần chính trị, bất chấp những khó khăn kinh tế do hậu quả của hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan. Ðó là điều đáng buồn.

Sơn Ðiền Nguyễn Viết Khánh