Tin VN

Sách giáo khoa VN “cóp” sai chuyện ngụ ngôn La Fontaine

Nguyễn Thị Bích Hậu

Sách lớp 1 có bài Ve và gà, nói là của Minh Hòa kể lại từ ngụ ngôn của cụ Jean de La Fontaine. Với nội dung tối nghĩa vô cùng và có thể suy diễn bậy bạ ( coi hình)

Mình bèn lên tra lại toàn bộ các bài thơ ngụ ngôn của cụ, coi cụ có viết vậy hay không. Kết quả tìm được bài Ve và kiến. Trong toàn tập thơ của cụ mà mình có thì không có bài Ve và gà nào hết. Vậy có phải khịa hay không nhờ các cao nhân chỉ rõ, theo chủ quan của mình tới nay là bài này khịa.

Và nguyên văn cụ viết bằng tiếng Pháp rất hay. Mình đọc hiểu được mà không thể dịch cho hay được, nên xin để bản dịch của cụ Nguyễn Văn Vĩnh đăng trên Đông Dương tạp chí số 40 (năm 1914). Đọc bản dịch này các bạn sẽ thấy khác xa với bài đăng trên sách lớp 1 thế nào.

“Ve sầu kêu ve ve

Suốt mùa hè

Đến kỳ gió bấc thổi

Nguồn cơn thật bối rối

Một miếng cũng chẳng còn

Ruồi bọ không một con

Vác miệng chịu khúm núm

Sang chị Kiến hàng xóm

Xin cùng chị cho vay

Dăm ba hạt qua ngày

Từ nay sang tháng hạ

Em lại xin đem trả

Trước thu, thề đất trời!

Xin đủ cả vốn lời

Tính Kiến ghét vay cậy

Thói ấy chẳng hề chi

Nắng ráo chú làm gì?

Kiến hỏi Ve như vậy

Ve rằng: Luôn đêm ngày

Tôi hát, thiệt gì bác!

Kiến rằng: Xưa chú hát

Nay thử múa coi đây”

Và mình xin trích một bản dịch từ truyện ngụ ngôn Aesop là nguyên bản xa xưa nhất của truyện Ve và kiến này cho các bạn hiểu hơn. Vì cụ La Fontaine chú rõ trong sách là viết dựa theo truyện của Aesop và Phrygian

“Vào một ngày mùa đông đẹp trời, vài con kiến đương bận với việc sấy khô ngô đã bị ướt sau một trận mưa dài. Lúc đó, một con ve từ đâu bay tới xin lũ kiến cho ít hạt ngô “vì” nó nói “tôi sắp chết đói đây”. Lũ kiến ngừng làm việc một lúc mặc dù trái với qui định của chúng. “Chúng tôi có thể hỏi” chúng nói “anh đã làm gì trong suốt cả hè qua? Tại sao anh không đi tìm thức ăn để dự trữ cho mùa đông?” “Sự thực là” ve trả lời “tôi quá bận với việc hát ca nên không còn thời gian nữa” “Nếu anh dành mùa hè để hát” lũ kiến trả lời “thì không gì tốt hơn là hãy dành mùa đông để nhảy”. Nói xong, chúng mỉm cười và lại tiếp tục công việc của mình.

(Người dịch: Thu Anh, Ngọc Bích) Ngụ ngôn Ê-Dốp/ NXB Văn hoá thông tin, 2005.

Truyện ngụ ngôn nguyên gốc hay như vậy, có tính giáo dục như vậy thì bị đổi nội dung hoàn toàn trong sgk. Còn tên của truyện là Ve và kiến thì bị đổi thành Ve và gà trong sgk. Nhân vật cũng đổi luôn.

Hơn nữa ve và kiến có thể chơi với nhau trong tự nhiên, chứ gà thấy con ve có thể mổ luôn chứ nó ngán gì.

Mong các người làm sgk ngồi yên đừng làm gì, để bà con tự vô lấy truyện của cụ La Fontaine hay cụ Aesop ra dạy con cháu, còn hơn là dạy mà xuyên tạc và phá hoại.