Tác giả và Tác Phẩm

QuangThiện : TÌNH XƯA NẺO CŨ

TÌNH XƯA NẺO CŨ

 

T

hân nắm tay em gái, xiết chặt để giả từ. Đối với anh, những ngày về thăm quê hương thường qua rất nhanh. Nhìn cô em gái sau hơn một năm xa cách anh nhận thấy Trang vẫn không thay đổi mấy dù phải sống trên đất nước nghèo nàn khốn khổ, chạy gạo từng ngày. Thân không thể quên những kỷ niệm thời thơ ấu của hai anh em ngày còn sống chung dưới mái ấm gia đình cha mẹ. Chỉ có Trang là người em gái duy nhất nên anh đã dành tất cả lòng thương mến đặc biệt cho nàng. Đối với cha mẹ, ngay từ thời niên thiếu, Thân đã được khen là người con hiếu thảo. Đến lúc thành nhân, dù ông bà cụ không đòi hỏi, anh tự thấy mình có trách nhiệm phải lo lắng chu đáo cho đến lúc song thân qua đời.

Sinh trưởng trong gia đình Nho phong thuộc từng lớp xã hội đặc biệt thời xưa, nên những năm dài niên thiếu và trưởng thành của Thân cũng như Trang, đã chịu ảnh hưởng sâu xa của nếp sống đạo đức và luân lý Khổng, Mạnh, dạy phải phục tùng cha mẹ tuyệt đối. Hai anh em đã được giáo dục phải biết vâng lời và bổn phận đối với gia đình được phân định rõ ràng, do đó, Thân chưa lần nào dám làm trái ý cha mẹ. Cho tới nay, sau những năm dài ly hương, sống ở thế  giới Tây Phương và hấp thụ tư tưởng tự do, Thân mới bắt đầu băn khoăn với ý tưởng vì sao ngày trước anh đã chịu phục tùng tuyệt đối khi nghe bố mẹ nhất quyết buộc anh phải từ bỏ Thuý, người tình đầu đời anh đã yêu và say mê đắm đuối? Thân chẳng thể rõ lý do nào khiến anh thuở đó không dám mạnh dạn phản kháng ý tưởng thiếu xác đáng và hầu như áp chế của cha mẹ đối với chuyện tình cảm riêng tư của anh, khi hai ông bà không viện dẫn chứng cớ mà cứ một mực cho rằng nếu anh kết hợp với Thuý, nàng sẽ đem tai họa chết chóc đến cho anh?

Đang suy nghĩ miên man, chợt Thân sực nhớ vẫn đang đứng trước mặt em gái. Anh hãnh diện vì sắc đẹp mỹ miều thượng đế đã  ban cho nàng. Trang chỉ nhỏ hơn ông anh mấy tuổi nên thuở ấu thơ đủ khoảng cách để hai đứa trẻ chơi đùa với nhau. Sau này lớn lên cho tới lúc bước vào tuổi trung niên, tình thương huynh đệ giữa hai anh em vẫn bền chặt, không hề suy suyển theo thời gian và Thân vẫn tự nhủ lòng phải bảo bọc cho Trang. Tuy nhiên, định  mệnh và cuộc sống đã khiến hai anh em phải cách xa nhau trong khoảng không gian bằng nửa vòng trái đất. Thân kịp di tản ngay ngày miền Nam Việt Nam lọt vào tay Cộng Sản Bắc Việt, tháng Tư tang tóc điêu linh năm bảy lăm, trong khi cô em gái bị kẹt lại ở Sàigòn. Sau này, ở đất mới, sau khi đã ổn định nghề ngiệp,Thân có ý muốn bảo lãnh cô em sang Hoa Kỳ, nhưng Trang cương quyết khước từ, nại cớ phải ở lại quê hương để giữ gìn những gì ông bà lưu lại và chăm sóc mồ mã cha mẹ cùng lo việc cúng giỗ. Trong khi đó, Thân sau những năm dài học hành ở Hoa Kỳ, anh đã đạt được mảnh bằng kỹ sư chuyên nghiệp và làm việc tại một hãng sản xuất thuộc hạng lớn ở Mỹ nên công việc rất đa đoan. Thời gian trôi qua, cuộc thế lại đổi thay, Cộng Sản vì kinh tế xã hội chủ nghĩa sa sút trầm trọng, đã phải chấp nhận mở cửa cho người ngoại quốc và Việt kiều thăm viếng Việt Nam, Thân mới có dịp trở về quê hương, nhưng cũng chỉ giới hạn trong những dịp lễ đặc biệt của gia đình và thân nhân còn kẹt lại ở quê nhà. Lần này Thân trở về Việt Nam vì cái chết của Trung, người em rễ, đã qua đời đột ngột vì bạo bệnh.

Thân thông cảm nổi buồn của cô em gái khi Trang bỗng dưng bị mất đi người chồng thân yêu, khiến nàng cảm thấy hụt hẩng trong cuộc sống hiện tại. Thân thầm cảm ơn vợ chồng Trang dù phải sống trong hoàn cảnh khó khăn qua những năm đầu Cộng Sản mới nắm chính quyền, cũng đã cố giữ gìn ngôi biệt thự từ đường truyền lại từ đời ông bà nội cho tới nay. Mặc dù Thân chấp nhận gửi tiền về để vợ chồng Trang lo tu sửa gìn giữ ngôi nhà, nhưng hai người cũng đã nhất quyết góp phần cho bằng ông anh trong việc chỉnh trang trong ngoài lúc nào cũng mới, dù Việt Nam là  xứ nhiệt đới mưa mùa khiến nhà cửa rất dễ bị hư hỏng nếu không được chăm sóc thường xuyên. Trang và Trung đã tìm đâu ra tiền trong thời buổi kinh tế khó khăn để đóng góp, Thân không thể hiểu nổi. Nhưng trước lòng cương quyết của vợ chồng cô em gái, Thân đành phải chấp nhận. Thực ra Thân và Dung, nguời vợ hiện tại của anh, cũng cần tiền để chăm sóc và đóng thuế cho ngôi dinh cơ khá lớn và đắt giá của hai người ở Hoa Kỳ.

Thân lửng thửng tiến ra cửa trong lúc Trang bước lên thang lầu khi nghe tiếng gọi gấp rút của dì Thanh. Thân đưa mắt liếc nhìn gian phòng ăn vừa được Trang dọn sạch sẻ sau bữa  tiệc đãi khách tham dự đám tang củaTrung. Trước khi ra phi trường trở về Mỹ, Thân đã ngồi với Trang  mấy giờ đồng hồ, bàn bạc việc anh sẽ gửi thêm phần mình để giúp cô em sinh sống trong cảnh goá bụa và tiếp tục gìn giữ ngôi biệt thự từ đường. Tuy nhiên Trang vẫn tỏ ra cứng đầu, nhìn ông anh bằng ánh mắt cương quyết cho biết Trung có lẽ do linh tính báo nên những năm trước khi lìa đời, đã làm việc cật lực và để lại cho nàng một số lợi tức đáng kể.

 

T

hấy không thể thuyết phục cô em gái ngay lúc này, Thân nghĩ nên để thời gian giải quyết sự việc. Sau đó, hai anh em nhìn nhau trìu mến rất lâu trước khi giã từ. Thân nhận thấy em gái mình rất giống mẹ, trong khi anh lại có nét hao hao giống cha. Khuôn mặt hai người tuy khác nhau nhưng cử chỉ và tiếng nói vẫn giúp nhận ra là anh em.

Thân đã khước từ lời cô em đề nghị lái xe đưa anh ra phi trường để đáp chuyến bay đêm đi Mỹ. Thân cho biết anh muốn ghé khách sạn Thống Nhất ở gần khu nhà của Trang để chung vui với mấy người bạn trước khi lên phi cơ. Hơn nữa tại đó cũng có xe du lịch Nhà Nước chở khách tới phi trường.

Thân nói thực với Trang chỉ có một  phần, vì thâm tâm muốn trước khi rời Việt Nam, anh phải trở lại nẻo cũ thăm ngôi nhà Thuý từng ở trước kia, nơi đối với anh, ghi dấu rất nhiều kỷ niệm của tình yêu đầu đời. Mặc dù Thân biết nàng không còn ở đó, và ngôi nhà cũng đã đổi  chủ, có lẽ mấy bận, kể từ sau khi người yêu qua đời. Thân nghĩ dù sao anh cũng phải qua ngang đấy để nhìn lại nơi dấu yêu xưa trước khi trở lại cuộc sống quá bận rộn ở Hoa Kỳ.

Không thể nào quên mối tình đằm thắm với Thuý vẫn còn in sâu trong  ký ức, nên những lần về  thăm quê hương trước, đã nhiều lúc Thân muốn ghé thăm lại ngôi  nhà của người anh yêu nhất đời, nhưng lần nào cũng có vợ đi theo và cũng vì thời gian cấp bách nên anh không thể thực hiện được ý định. Thực ra Thân không muốn để cho những người đàn bà đến với anh, sau Thuý, biết tới nơi chốn đặc biệt của người yêu đã quá cố mà anh hằng ấp ủ trong lòng.

Thân vẫn nhớ mãi tình yêu đam mê của anh đối với Thuý, mặc dù chỉ ngắn ngủi qua mấy tháng anh được gần gủi nàng, trong thời gian còn là sinh viên đại học Văn Khoa ở Sàigòn.  Nàng đã đem đến cho anh thứ tình yêu kỳ diệu khiến từ đó hình ảnh nàng in sâu trong tâm tưởng anh mãi mãi. Đối với Thân,  tình yêu Thuý dành cho anh đã trở  thành những gì cao cả để anh tôn  thờ suốt cuộc đời còn lại cho dù về sau đã có nhiều người đàn bà khác đi qua đời anh. Thực ra Thân cũng thương yêu những người vợ sau này, nhưng không thể nào so sánh với Thuý trong tâm tưởng anh.

Đường tình của Thân rất lận đận, không kể tình yêu đầu tiên của Thuý thuộc về ký ức chẳng thể nào phôi phai, tính ra Thân đã phải ba lần chắp nối nhân duyên. Hồng, người vợ đầu  tiên của anh đã qua đời vì bạo bệnh, Liễu, người vợ thứ hai bỏ anh, đi theo tiếng gọi tình yêu của người đàn ông  khác, nên anh âm thầm tiến hành thủ tục ly dị, bạn hữu không ai hay biết. Sống với tình duyên mới, nàng vẫn ở cùng khu vực, nên anh thường gặp nàng đi với chồng trong những buổi tiếp tân và dạ tiệc của đám bạn bè. Tuy Thân đã có vợ khác, hai người vẫn thấy thích nhau, nhưng dù sao Thân vẫn yêu Dung người vợ hiện thời đang ở với anh hơn, tuy sau một thời  gian chung sống, anh với nàng cũng đã có một số tư tưởng khác biệt, nhưng vì đã mệt mõi với những đổi thay tình ái nên anh phải chấp nhận và Dung cũng vậy.

Trong chuyến về Việt Nam lần này, vì Thân dự đám táng người em rể, nên Dung không đi theo chồng, nàng muốn thăm cha mẹ định cư ở Canada.  Thực ra vấn đề mưu sinh trên đất nước văn minh như Hoa Kỳ đã khiến vợ chồng Thân chẳng được gần gủi nhau nhiều, vì mỗi người có việc làm riêng rẻ. Anh thường  phải đi công tác cho công ty, làm việc dài hạn ở Trung Đông, nơi không thích hợp để Dung theo, nên vào những dịp nghỉ thường niên, nàng thường đáp phi cơ sang Canada.

 

Đ

iều gì đã thúc đẩy Thân có ý định phải đến thăm cho được nơi Thuý, người yêu quá cố của anh, đã ở, chính Thân cũng không thể biết được. Thân nghĩ thực ra đã do sự cuốn hút kỳ lạ mà anh không thể giải thích hoặc diễn tả bằng lời lẽ. Thân chỉ nhận thấy anh hăng hái rảo bước nhanh trên đường đến nhà nàng, về nẻo cũ, một cách mạnh dạn như thuở còn là sinh viên mười chín tuổi  đang độ yêu đương mê đắm. Anh nhớ thưở đó, nhiều lúc đã phải thẩn thờ, tiến bước thật chậm, đôi khi hầu như lang thang, nhưng tâm tưởng tràn đầy niềm vui và hạnh phúc với ý nghĩ sắp được gặp Thuý.

Thân bất chợt nhớ rất rõ những lời cha mẹ đã thẳng thắn cự tuyệt chuyện tình giữa anh với Thuý khiến anh hết sức buồn lòng mỗi lần nghĩ đến. Anh không ngờ sự việc lại có thể như vậy, và cho tới bây giờ, bao nhiêu năm trôi qua và nàng đã thành người thiên cổ, anh vẫn thấy khó thể hiểu nổi tâm lý khắt khe và nguyên nhân cha mẹ mình không chấp nhận Thuý làm con dâu. Thân liên ttưởng tới thời đại rất khác biệt thuở đó khi hai người yêu nhau không được quyền tự do kết hợp, hoặc quyết định chung sống nhau, nếu không được cha mẹ đồng ý. Thân nghĩ cha mẹ chắc đã quyết liệt phản đối vì không muốn nhận một cô dâu tương lai như Thuý có quá khứ là người đàn bà từng ly dị chồng và hơn con trai mình đến mười tuổi.

Thân không thể quên thái độ cương quyết cùng nét mặt cứng cõi của bà cụ thân sinh, mỗi khi bà chờ anh trước cửa và nói thẳng thừng: 

– Này, con không được giao du với người đàn bà đó đấy nhá!

Mẹ Thân  không bao giờ nhắc đến tên Thuý dù bà đã biết rõ mà chỉ gọi nàng bằng hai chữ ”con đó” với vẻ mỉa mai. Và mỗi lần như vậy, để mẹ được vừa lòng, anh thường lập lại câu nói đã thuộc lòng:   – Vâng, con nghe lời mẹ.

Và như vậy, bà cụ sẽ nói thêm để đánh mạnh vào tâm lý của Thân:

– Mẹ  tin chắc ”con đó” có số sát phu, con ưng nó là rước họa chết chóc vào người!

Cha Thân, cũng thường phụ hoạ, khi ông lập lại ý tưởng  của bà cụ:

  Mẹ con nói đúng, cô ấy sẽ mang họa đến cho con.

Ngay cả chú Tỉnh và mấy bà dì cũng đều cho rằng nếu anh cãi lời khuyên can của gia đình, cứ yêu Thuý, thì khẳng định anh sẽ mang đại họa vì nàng.

Mỗi lần gặp người yêu, Thân giấu biệt những ác cảm mà những người trong gia đình anh đã phán đoán về nàng. Anh chỉ nói hai ông bà cụ thân sinh của mình cương quyết không chấp nhận nàng làm dâu. Trong lúc Thân mù mờ đối với sự kiện cha mẹ cấm đoán tình yêu của anh dành cho nàng thì Thuý tỏ ra hiểu rất rõ lý do bị từ chối. Nhưng mặc kệ, nàng chỉ biết một lòng yêu Thân mà không hề bận tâm thắc mắc đến những đố kỵ khắc khe của lễ giáo.

Thân đã gặp gỡ Thuý trong thư viện đại học Văn Khoa Sàigòn vào thời gian nàng là nhân viên ở đó. Hầu hết thì giờ, nàng làm việc ở quầy kiểm sách và vui lòng tìm giúp những loại sách Thân cần tới. Cho đến lúc hai người gặp nhau trong quán cà phê ở bên kia đường, đối diện khuôn viên đại học, trong một bữa ăn trưa, Thân có thể nhận thấy ánh mắt đầy cảm tình Thuý  dành cho anh khi nàng ngồi một mình ở cách mấy chiếc bàn. Sau đó, Thân đã tình nguyện giúp Thuý đưa một mớ sách về phòng trọ của nàng. Thuý đã mời anh lưu lại, pha cà phê và tình thân  lần hồi đến, nàng giữ anh ở lại dùng cơm tối do nàng tự tay nấu lấy. Từ đó cả hai tỏ ra mến thích nhau cho đến lúc tình yêu phát sinh chỉ trong thời gian ngắn ngủi. Thân không thể diễn tả tình cảm của mình đối với nàng lúc đó và cho tới bây giờ anh vẫn không thể giải thích nổi, như chưa bao giờ thấu đáo được mối tương quan tình cảm đối với người khác phái trong đời sống của mình và niềm hoan lạc nàng đem đến cho anh vẫn tồn tại trong tâm trí tới những ngày hôm nay. Suy nghĩ miên man, Thân tự thấy hiện tại, ảnh hưởng của ông bà cụ thân sinh, của cô em gái  hay của các bà vợ, không quan trọng mấy so với tình cảm sâu đậm anh dành cho Thuý.

 

N

gôi nhà người yêu đầu đời của anh từng cư trú chẳng xa lắm. Đến nơi, Thân nhận thấy quang cảnh khu phố có ngôi nhà tọa lạc đã tiêu điều rất nhiều. Thuở Thuý còn sống, nơi đây là khu gia cư khang  trang, nhưng bây giờ Thân thấy nhiều nhà đã treo những tấm bảng trước cửa với mấy chữ ”Coi Chừng Chó Dữ”, ”Phòng Cho Thuê Có Bàn Ghế Tủ Giường”, “Nhà Bán – Có Thể Thương Lượng”. Lề đường thì nứt nẻ, loang lỗ nhiều nơi, cỏ mọc vướng chân, hầu như chính quyền thành phố đã bỏ, không tu sửa, không người quét dọn, nên nơi đây trở thành xóm bình dân tồi tàn, dơ bẩn với rác rến vung vải khắp nơi.

Một cậu bé cửi xe đạp qua ngang suýt chút nữa tông vào người Thân lúc anh tiến đến gần ngôi nhà người yêu từng ở trọ. Đến nơi, anh ngước mặt nhìn chăm chăm lên cửa sổ một gian phòng trên lầu hai. Ánh dương đã khuất hẳn, bóng tối đang phủ xuống vạn vật nên Thân thấy rõ ánh đèn sáng tỏa ra ở cửa sổ, nơi nàng từng làm phòng khách. Cảnh cũ còn đây, người xưa đâu mất? Thân lẩm bẩm như kẻ tình si và muốn phóng nhanh lên thang lầu như từng làm trong thời còn là sinh viên trẻ trung, để gỏ cửa phòng nàng. Tuy nhiên anh vẫn đứng yên tại chỗ, tiếp tục dõi mắt nhìn lên, liên tưởng đến niềm vui và nỗi sướng anh từng hưởng với Thuý ở đó.

Thân trầm ngâm, bất động khá lâu, mắt đăm đăm hướng về chốn cũ, tâm trí tràn ngập kỷ niệm của những ngày thân ái xưa. Anh hồi tưởng thời quá khứ ấm êm và tình yêu tuyệt vời mà người đàn bà hơn mười tuổi đời đã mang đến cho anh. Thân lẩm bẩm: ”Tình yêu không phân  biệt tuổi tác và bất chấp hoàn cảnh, mình yêu nàng tha thiết”.

Bỗng dưng Thân chợt tỉnh, tiến tới dưới ánh đèn đường nhìn chiếc đồng hồ tay và nhận thấy thời gian sống với quá khứ đã làm anh trễ chuyến bay phải đáp trở về Mỹ. Tuy nhiên Thân chẳng bận tâm, tự nhủ không sao, anh sẽ đáp chuyến bay khác. Chỉ biết hiện tại, anh chưa muốn rời xa dấu kỷ niệm xưa. Cảnh cũ nơi người yêu nhất đời từng ở trọ đã như có hấp lực mê hoặc và giữ chân anh.

Nhớ lại những lần gặp gỡ xưa, Thân không thể mường tượng nổi cả hai đã nói với nhau những gì, dù anh và nàng từng thốt rất nhiều lời. Ngay cả anh cũng không thể phân biệt được ánh mắt người yêu cùng màu tóc đích thực và vóc dáng của nàng như thế nào. Thân chỉ có thể nhớ mối tình đằm thắm cùng những cử chỉ yêu đương trìu mến, và niềm hạnh phúc anh tận hưởng khi ở bên nàng.

Đang miên man suy tư về người yêu xưa, bất chợt trong tận cùng tâm thức của Thân xuất hiện những lời cha mẹ và ông chú đã nói gỡ khi nhận xét về Thuý. Thân cho rằng cha mẹ anh đã không hề biết tính dịu dàng khả ái và lòng quảng đại của nàng. Đối với Thân, dù sao, Thuý cũng đã tạo cho anh niềm sung sướng cũng như hạnh phúc khó thể diễn đạt thành lời, và chỉ biết nàng đã dành cho anh tình yêu đam mê trọn vẹn. Nhưng cha mẹ Thân lại cả quyết:

– ”Người đàn bà đó sẽ mang họa đến cho con!”

Những lời này được lập đi lập lại không  biết bao nhiêu lần trong thời gian Thân hưởng trọn vẹn yêu đương với Thuý mà cho đến bây giờ tâm trí anh vẫn còn bị ám ảnh, mặc dù nàng qua đời đã lâu, khiến nhiều lúc Thân tưởng như những lời bất biến này sẻ phủ chụp xuống cuộc đời anh mà không có cách nào thoát được. Nỗi ám ảnh đã khiến Thân liên tưởng đến những lời nguyền ác hiểm phát ra từ miệng những nhân vật trong chuyện thần thoại Hy Lạp.

Bỗng dưng Thân thấy bất mãn cùng cực vì sự vô lý của cha mẹ đối với Thuý, anh hét thật lớn tiếng, lòng tràn ngập bất mãn: – ”Không thể nào như vậy!” Thân tự biết trước kia, anh chưa từng một lần phản kháng ý muốn của cha mẹ mình. Bây giờ anh có cảm tưởng hai ông bà đang ở sau lưng nên nhất định phải phản đối, phải chống cự quyết liệt một khi bị áp chế. Tuy nhiên chỉ trong chớp nhoáng thức tỉnh vì sự đau đớn ghê gớm xuất phát từ tận cùng tâm não, Thân mới nhận thức được những gì hai đấng sinh thành nói trước kia nay đã trở thành như lời tiên tri không thể phủ nhận là tình yêu đối với Thuý đã khiến anh dẫn thân đến nẻo cũ và tự đưa mình vào chỗ chết. 

Trong những giây phút cuối cùng tri giác còn có thể hoạt động, như ngọn nến bùng lên trước khi tắt ngấm vĩnh viễn, anh mơ hồ nghe những tiếng nói lao nhao: – “Mau lên mày! Chuồn nhanh không người ta báo công an đến bây giờ! Thằng cha Việt kiều này khoẻ thật, la hét chống cự dữ quá! Kỳ này chúng mình vớ được món bở, đồng hồ Rolex thứ thiệt với lại cả xấp đô la trong túi… Bây giờ hãy lôi xác vào giấu sau hẽm đi!” ª

                                                                                                            QUANG THIỆN