Tài liệu

Những chặng đường Y Khoa của tôi

Những chặng đường Y Khoa của tôi

Nguyễn Thị Kim Thoa

***

Tôi rất có duyên trong chuyện học. Cái duyên ấy được tạo tác nên bởi thầy cô từ cấp tiểu học biết kích thích tính tò mò của học sinh, và bản thân tôi luôn khao khát “khám phá những điều bí mật” trong sự sống tự nhiên và con người. Sách giáo khoa trình bày những kiến thức minh nhiên mà tôi thì cứ cho là bí mật, bởi vì tôi thường tự mình “khám phá” từ đầu hè hầu như tất cả các chương trình trong năm học tới. Cuối năm lớp nhì (lớp 4 bây giờ), anh Bửu Hàm, bạn học y khoa của anh trai tôi đem cho tôi cuốn sách Khoa Học Thường Thức do cha anh – cụ Ưng Luận biên soạn và xuất bản. Thế là mùa hè năm đó ngoài những cuộc rong chơi với bạn bè, hoặc một mình len lỏi “vườn Vỹ Dạ”, tôi đã miệt mài với cuốn Khoa Học Thường Thức và những cuốn sách giáo khoa lớp nhất khác. Cuối hè nói như ngôn ngữ ngày nay, tôi coi như “cơ bản” nắm bắt được chương trình lớp nhất.

Tôi thích cây cối, hoa lá, chim muông, sỏi đá và đặc biệt: Con Người. Từ thời học trung học đệ nhất cấp (cấp hai bây giờ) học Vạn vật (bây giờ là sinh học) với cô Minh Cầm, cô Nhàn… tôi có bộ sưu tầm hình ảnh cây lá, côn trùng, chim thú, Con Người dày và đẹp nhất lớp. Tôi thích con khỉ Paker được các nhà du hành Mỹ đưa lên vũ trụ lần đầu tiên. Tôi thích con mèo Orengey đóng phim. Tôi thích hình vị thần Atlas trong bộ sách địa lý của cha tôi. Tôi thích hoa Diên Vỹ trong tranh của họa sĩ Van Gogh. Tôi thích hoa Thạch Thảo trong thơ Apollinaire qua bản dịch của Bùi Giáng và nhạc Phạm Duy. Tôi thích ngắm bình minh trên biển Thuận An. Tôi thích ngắm chiều tím trên những ngọn núi xa nhìn từ bên này sông Hương. Tôi thích…Tôi thích…

Ôi cuộc đời học trò của tôi sao mà đẹp như vậy nếu mẹ tôi không bị chính quyền đánh bể nồi cơm sau khi môn bài gạo gia đình bị đình chỉ do vụ “gạo miền Trung” năm 1958, nếu cha tôi không vì bệnh mà chết sớm, nếu không có chiến tranh chết chóc trận Mậu Thân, nếu không có những cảnh đời đói khổ, chết chóc, bệnh tật…

*

Vào đệ nhị cấp (cấp ba bây giờ), tôi tham gia nhóm Hướng Thiện do bác Phạm Đăng Siêu chủ trì. Nhóm Hướng Thiện được thành lập tại nhà tôi với bốn thành viên trụ cột, kết nghĩa huynh đệ: Nguyễn Đắc Hồng (anh cả tôi), Phan Đăng Huy (còn gọi anh Sáu), Tống Viết Thành và Đoàn Thiện. (Nhóm Hướng Thiện sau này phát triển lên đến cả trăm thành viên. Cha Petitjean – thầy dạy thêm pháp văn của tôi cũng thỉnh thoảng lui tới và đóng góp. Cha Petitjean và bác Phạm Đăng Siêu thường gặp gỡ trò chuyện về đề tài tôn giáo – văn hóa trong tinh thần thân thiện và tương kính có tôi chầu rìa). Cuối mỗi tuần, nhóm thường họp tại nhà tôi trước khi bắt đầu các cuộc hành thiện. Chủ trương của nhóm Hướng Thiện là gom góp gạo, áo quần cũ, tiền bạc trong bạn bè thân quen đem chia sẻ cho những gia đình nghèo khó tại thành phố Huế hay tại các làng xóm ở nông thôn. Tôi thường hay đạp xe theo bác Siêu tới một vài làng quê vùng ven nào đó cách Huế năm, mười cây số. Những lần đi như thế, bác Siêu thường dạy tôi cách thực hành Phật pháp giữa cuộc vô thường. Bác gợi ý sau này lên đại học nên chọn ngành y vì đất nước đang rất cần hàn gắn quá nhiều vết thương.

Kết thúc chương trình phổ thông, tôi nhìn lại xem như một cuộc du ngoạn. Kỳ thi tú tài một (1968) và tú tài hai (1969) tôi đều đạt thứ hạng cao.

Kết quả học tập như thế, con đường vào đại học của tôi khá rộng. Tôi có thể nộp đơn xin học bổng du học Mỹ về giáo dục; du học Đức về triết, du học Úc, Tân Tây Lan học về hóa dầu…; hoặc ở lại Huế học sư phạm hay y khoa. Tôi đã chọn y vì tôi thích nhiều hơn những bí mật còn tiềm ẩn trong Con Người cả về tinh thần lẫn thể xác. Tôi chọn y vì có thể giúp ích được nhiều người giảm bớt đau thương như gợi ý của bác Siêu.

Chương trình y khoa lúc bấy giờ gồm bảy năm. Năm dự bị và sáu năm chính thức. Đó là chương trình y khoa tổng quát (y đa khoa). Các sinh viên tốt nghiệp sau một kỳ thi, trình luận án được công nhận là bác sĩ. Các bác sĩ được đào tạo tại các trường y lúc bấy giờ được bổ nhiệm vào các bệnh viện từ trung ương Sài Gòn, Huế, đến các bệnh viện tỉnh. Không ai phải chạy vạy đút lót xin việc như sau này trong chế độ Xã hội chủ nghĩa. Một số bác sĩ được trường Y giữ lại, đưa đi học chuyên khoa tại ngoại quốc, về làm phụ giảng. Các bác sĩ nam đến tuổi quân dịch được trưng tập vào quân đội, được phân bổ đến các quân y viện hay các đơn vị tác chiến đã tỏ ra thành thạo tay nghề và lương tâm chức nghiệp không thua kém các đồng nghiệp được đào tạo tại Sài Gòn hay ngoại quốc. Cũng không có sự chênh lệch quá xa giữa các thế hệ bác sĩ về văn hóa hay chuyên môn.

*

Để chính thức vào trường Y, tôi phải qua năm dự bị còn gọi là năm học chứng chỉ SPCN. Chứng chỉ SPCN được tổ chức tại trường đại học khoa học gồm 5 lớp. Hai lớp dự bị y khoa và ba lớp dự bị khoa học. Giảng đường rộng nên chứa được cả trăm sinh viên.

SPCN là viết tắt của bốn chữ: Sciences Physiques, Chimiques et Naturelles. Đây là chương trình khoa học cơ bản nên từ việc dạy của các thầy cô, đến việc học của sinh viên, và các kỳ thi học kỳ cũng như kết thúc rất nghiêm túc. Hai lớp dự bị y khoa có khoảng 200 – 250 sinh viên, nhưng chỉ có chừng 120 sinh viên hoàn thành chứng chỉ SPCN. Các sinh viên thi hỏng chứng chỉ SPCN tìm đường khác cho tương lai của mình, hoặc phải vào lính (nếu là nam).

Năm dự bị chúng tôi học chương trình đại cương gồm nhiều môn học: Toán gồm các môn: Toán thống kê – xác suất với thầy Lê Tự Hỷ, Tích phân vi phân với thầy Cao Doãn Nhơn, Tân đại số với thầy Nguyễn Dương. Lý gồm các môn: Nhiệt học với thầy Thọ, Cơ học với thầy Hoàng, Điện từ với thầy Thái. Sinh hóa học với thầy Cúc, cô Tuyết Mai. Anh văn với thầy Tôn Thất Viễn Bào…Tất cả các môn khoa học đều có giờ thực hành ở phòng thí nghiệm. Môn Sinh học: Làm các phẫu thức cây lá hoa, rồi vẽ lại các lớp cấu thành: hệ sube, hệ lõi, các tế bào diệp lục… Mổ các con vật nhỏ như dán, chuột, sán đũa, cá rô… Mổ xong ghim trình bày trên giấy bìa cứng các bộ phận của nó như xúc biện của dán, hệ tiêu hóa của chuột, của sán… Vẽ lại các phẫu thức ấy trên giấy rô – ki. Tôi nhớ có một người bạn mổ trình bày rất đẹp, nhưng khâu vẽ chị ấy trình bày kém: chị vẽ con chuột không ra con chuột, con dán không ra con dán, đành không theo học y được. Môn Vật lý: đo độ nhớt của các loại dầu, tính sức căng bề mặt của các loại chất lỏng… Hóa học: thực hiện các phản ứng thủy phân, acide hóa và kiềm hóa…

Cũng ở năm học này có một môn học tôi rất thích dù chỉ là môn nhiệm ý ( không có trong chương trình thi): “Con người và môi trường sống”. Đây là môn học mới do sáng kiến của thầy khoa trưởng Nguyễn Văn Hai. Trong môn này sinh viên tự chọn và dịch một cuốn sách khoa học ( không có sự kiểm soát của giáo sư). Cuốn sách tôi chọn là cuốn Médecin sous les Tropiques của Pierre Fourré. Tôi đã dịch cuốn này với sự giúp đỡ của cha Petitjean. Ngoài ra sinh viên còn được mời tham dự những buổi thuyết trình hay hội thảo về nhiều vấn đề ngoài chương trình thuộc các lãnh vực xã hội, tôn giáo, luật, kinh tế, văn học, nghệ thuật…

Tôi còn nhớ buổi nói chuyện rất hay của thầy Tôn Thất Viễn Bào với đề tài: “From the volcanoes to the rain”. Hay một bữa nói chuyện về thuốc ngừa thai của một dược sĩ tại hội trường của viện đại học. Trong buổi nói chuyện này có sự tranh luận rất sôi nổi giữa thầy khoa trưởng Nguyễn Văn Hai và thầy viện trưởng Lê Thanh Minh Châu: Có nên có hay không có sự quảng cáo thuốc ngừa thai? Thầy Nguyễn Văn Hai là một nhà giáo dục cấp tiến. Thầy muốn sinh viên nắm bắt một vấn đề thiết thực đối với xã hội và tuổi trẻ: Vấn đề dân số và kế hoạch hóa gia đình. Thầy Lê Thanh Minh Châu là người Công giáo: Vấn đề hạn chế sinh sản bằng biện pháp kỹ thuật động đến tín điều của giáo hội. (Sự thực này mãi mấy ngày sau chúng tôi mới sáng tỏ khi trao đổi với các bạn là giáo dân ở lớp Pháp văn của Cha Petitjean). Sau khi hai vị giáo sư lãnh đạo trường và viện bày tỏ nhận thức, quan điểm của mình, đến lượt sinh viên phát biểu. Sinh viên cũng chia làm hai cánh tự do bày tỏ ý kiến: Cánh ủng hộ thầy khoa trưởng, cánh ủng hộ thầy viện trưởng. Cuộc thuyết trình biến thành cuộc hội thảo: sôi nổi và tự do. Thầy viện trưởng không hề dùng quyền lực áp đặt tư tưởng lên cấp dưới và sinh viên.

Một buổi thuyết trình khác được tổ chức tại trường Luật do hai giảng viên rất trẻ thuyết trình, đề tài là Quốc tế công pháp. Cả hai thuyết trình viên đều rất hùng biện, cung cấp cho sinh viên chúng tôi các kiến thức sơ khởi và có tính cách lý thuyết về sự sự bình đẳng giữa các quốc gia, và luật pháp quốc tế bảo đảm hòa bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia trong Liên Hiệp Quốc… Các thuyết trình viên còn cho biết mục tiêu, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Quản thác, Ban thư ký và các tổ chức thành viên như Lương – Nông, Văn hóa – Giáo dục…

Cuối những buổi nói chuyện như thế thường là những buổi chiếu phim. Love Story, Spartacus, Docteur Zivago… là những phim hay chúng tôi được xem sau những buổi nói chuyện này.

Mặc dù chương trình học dày đặc các môn lý thuyết và thực hành, nhưng xen kẽ là những buổi nói chuyện ngoại khóa khiến sinh viên thích thú.

Sau khi đạt chứng chỉ SPCN để chính thức vào năm thứ nhất trường Y, các sinh viên phải qua một cuộc thi vấn đáp.

*

Tại buổi thi vấn đáp:

Ban giám khảo gồm 9 vị giáo sư: Bùi Duy Tâm, Lê Văn Bách, Nguyễn Văn Tự, Lê Xuân Công, Lê Bá Nhàn, Võ Đăng Đài, Lê Bá Vận, Bùi Minh Đức, Nguyễn Mạnh Hùng. Các sinh viên được gọi vào theo thứ tự a,b,c.

Sinh viên thí sinh ngồi trên một bàn nhỏ đối diện với bàn các giáo sư giám khảo, lần lược trả lời các câu hỏi của từng vị giáo sư một.

Các câu hỏi đa phần thiên về kiến thức tổng quát: văn hóa, xã hội, lịch sử, văn học nghệ thuật… Qua đó, các vị giáo sư giám khảo đánh giá sinh viên có thích hợp với nghề y hay không.

Tôi không biết các bạn tôi được hỏi và trả lời như thế nào. Phần mình, tôi xin ghi lại:

Câu hỏi đầu tiên thầy Bùi Duy Tâm đặt cho tôi là: “Tại sao cô chọn ngành y? ”. Tôi đã trả lời như những gì tôi đã viết ở trang đầu bài này. Tiếp theo thầy Bùi Duy Tâm hỏi: “Cô có biết Trường Chinh và Trương Chính là ai không ?” Tôi trả lời rằng tôi không biết Trường Chinh là ai, nhưng Trương Chính thì tôi biết: Trương Chính là nhà nghiên cứu văn học dân gian của miền Bắc, tác giả cuốn sách Những bông hoa dại. Giáo sư Bùi Duy Tâm hỏi tiếp: “Do đâu cô biết như thế?” Tôi trả lời là hồi học trung học đệ nhất cấp, cô giáo dạy văn bảo học sinh sưu tầm ca dao tục ngữ. Tôi chạy đôn chạy đáo “điền dã” trong tất cả các mối quan hệ. Đặc biệt, cha tôi cho phép tôi sử dụng chiếc radio Philip của ông để tôi chờ nghe chương trình dẫn giải ca dao tục ngữ do linh mục Nguyễn Văn Thích phụ trách trên đài phát thanh Huế. Qua chương trình này tôi biết thêm nhiều chuyện, trong đó có chuyện Trương Chính là tác giả cuốn sách Những bông hoa dại. Giáo sư Bùi Duy Tâm tỏ vẻ hài lòng khi nghe tôi trả lời như thế.

Câu hỏi của thầy Võ Đăng Đài: “Cảm nhận của chị về vị béo khi ăn phở?”. Tôi trả lời là tôi không biết đích xác mùi vị của phở, vì tôi chưa được ăn. Tôi chỉ biết mùi vị của phở qua một “phế phẩm” là xương phở còn được gọi là “xí quách”. Mỗi tối ngồi học khuya nghe tiếng mõ lốc cốc, lốc cốc từ chiếc xe phở sắp tới trước đường, lòng dạ chị em chúng tôi nôn nao vì sắp được mẹ mua cho mấy cục xương có mùi vị thật hấp dẫn. Một vài rẻo thịt tuơ xác, mấy sợi gân và mấy vành sụn rã rời còn dính trên các ống và đầu xương, các sợi tủy chực long ra trong lòng các ống tủy… tất cả đều mềm lụn, thơm phức và béo ngậy, kích thích khứu giác, vị giác và cái bụng đói cồn cào của chúng tôi. Nó giúp chúng tôi có thêm năng lượng để tiếp tục buổi học khuya. Cái “phế phẩm” mà ngon lành như vậy huống hồ gì một tô phở nóng hổi đầy đủ các thứ nguyên liệu và phụ gia. Nghe tôi trả lời, cả hội đồng giáo sư đều phì cười.

Giám khảo thứ ba là thầy Lê Văn Bách: “Hai câu thơ mà người Huế ai cũng biết: Khô héo là gan cây đỉnh Ngự / Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương là của ai?” Tôi bật miệng đọc luôn: “Con ơi ruột mẹ bấn như tương / Bảy nổi ba chìm quá thảm thương / Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự / Đầy vơi giọt lệ nước sông Hương. Tác giả bốn câu thơ này là mẹ vua Duy Tân, vợ vua Thành Thái. Tôi mở cờ trong bụng vì cho rằng mình đã “trúng tủ”, nhưng giáo sư Bách đã làm tôi tiu nghỉu với câu hỏi tiếp theo: Mẹ vua Duy Tân tên gì? Tôi lấy làm xấu hổ vì không trả lời được.

Hội đồng giáo sư chỉ hỏi tôi có chừng ấy và cho tôi ra về.

*

Kết quả tôi lọt vào top 20 /100 thí sinh chính thức được công nhận là sinh viên y khoa khóa 10 đại học Y khoa Huế. Tin vui tiếp theo là tôi nhận được học bổng Y tế. Ngày đó trường Y có hai loại học bổng: học bổng Quốc gia do bộ Giáo dục đài thọ, học bổng Y tế do bộ Y tế đài thọ. Học bổng Y tế nhiều gấp 3 học bổng Quốc gia và được nhận một lần vào cuối năm. Học bổng Quốc gia gần bằng lương của một công nhân tân tuyển ngoại ngạch, đủ cho sinh viên ăn ở (tại ký túc xá và quán cơm sinh viên), và các nhu cầu căn bản của đời thường.

Gần tới hè, nhận được học bổng Y tế, tôi rất phấn khởi, lần đầu tiên có được một số tiền lớn như vậy. Tôi tặng mẹ một phần ba, một phần ba sắm áo quần cho chính mình và các em, cũng tặng các em mỗi đứa một ít, một phần ba còn lại tôi dành cho chuyến đi Sài Gòn sắp tới. Năm nào cũng vậy, chuyến đi Sài Gòn nhằm mục đích mua sách ở Mỹ Hiệp và lục tìm sách báo cũ trên vỉa hè Lê Lợi. Đến cuối hè 1974, tủ sách của tôi có năm báy trăm đầu sách. Tôi mở một ngoặc đơn ở đây để nói với các bạn trẻ ngày nay rằng là mỗi cuốn là một người bạn, cũng là một vị thầy, chúng ta tha hồ mà hỏi han tâm sự. Các bạn thử tính xem, xong ba cấp học: tiểu, trung và đại học, các bạn có bao nhiêu thầy cô và bằng hữu? Bốn năm mươi thầy cô chăng? Năm bảy chục bằng hữu chăng? Hay nhiều hơn số đó? Các bạn cộng các thầy cô và bằng hữu đó với mấy trăm bằng hữu và thầy cô là những cuốn sách, các bạn sẽ có một gia tài khấm khá tri thức và tâm hồn. Đóng ngoặc đơn. Chuyến đi Sài Gòn đầu tiên bằng tiền học bổng y tế, ngoài mục đích mua sách, thăm viếng…, tôi còn có mục đích canh cánh từ sau cuộc thi vấn đáp để chính thức vào trường y là “ăn một tô phở”. Chuyến đi Sài Gòn lần ấy tôi đi với Hoài, cô bạn cùng lớp thân thiết. Hoài có nhà ở Sài Gòn nên trở thành người hướng dẫn tôi trong mọi chuyện. Hoài đưa tôi tới tiệm phở nổi tiếng Miền Nam lúc bấy giờ, Phở Tàu Bay. Nếu tôi nhớ không nhầm, Phở Tàu bay nằm trên đường Võ Tánh, số 47. Phở Tàu Bay di cư từ Hà Nội sau 1954. Hoài nói mấy ông tướng gốc Bắc nghiện Phở Tàu Bay đến độ ra Huế hành quân, mỗi sáng chờ máy bay của Air VN mang phở từ Sài Gòn ra để ăn điểm tâm.

Lần đầu đối diện với tô phở, tôi bồi hồi xúc động bởi cái mùi thơm riêng biệt mà tôi không cảm nhận được từ những tô bún bò hay những tô mỳ quảng đặc sản của quê nội và quê ngoại Huế – Quảng của tôi. Rất nhiều gia vị phối hợp một cách hài hòa với nguyên liệu chính là thịt xương bò hầm quấn quít lấy khứu giác tôi. Cái tô sứ màu trắng ngõa miệng, cộng với màu xanh của hành ngò, màu nâu nhạt của mấy lát nạm, màu đỏ sẫm của mấy lát tái, màu trắng sáng, màu trắng trong của bánh phở và nước dùng gây ấn tượng một bức tranh nhỏ. Ở giữa hai tô phở của tôi và Hoài còn có một dĩa rau mùi gồm ngò gai, húng quế, một khay nhỏ gồm một chai tương ớt màu đỏ, một chai tương đậu màu nâu, một thẩu nhỏ ớt cắt miếng xanh đỏ dầm chua, một chai tiêu bột và một chai nước mắm; còn có một dĩa nhỏ đựng mấy lát chanh. Hoài nói: “Những thứ rau và gia vị này thực khách tùy nghi sử dụng ít nhiều hay không do yêu cầu của từng người. Ai ăn mặn thêm nước mắm, Ai ăn cay thêm ớt … Theo mình (Hoài), nên vắt thêm lát chanh và ngắt thêm mấy lá rau thơm. Ăn phở nhiều lần mới tìm cho mình một thói quen thích hợp…” Tôi vốn dị ứng với những gia vị chế biến ngoài gia đình; vả lại, rất nôn nao trước sự mời gọi của tô phở còn bốc khói. Tôi vắt chanh, ngắt rau bỏ vào tô và dùng đũa muỗng trộn theo lời Hoài. Những cảm nhận ban đầu không hề mất đi khi tôi dùng đũa và muỗng chậm rãi đưa thức ăn vào miệng rồi từ từ nhai, từ từ nuốt. Lúc này không còn màu sắc, chỉ còn mùi và vị quyện vào nhau cho tôi những cảm nhận tinh tế và sâu sắc mà tôi chỉ có thể thầm nói lên một tiếng: Ngon. Tiếng Ngon không chưa đủ. Nếu có tài văn chương, tôi có thể mô tả những cảm nhận ấy bằng những thuộc từ chính xác và đầy đủ hơn.

*****

Năm thứ nhất trường Y Huế chúng tôi được học các môn học cơ bản. Các thầy đều là người Việt, dùng tiếng Việt nhưng các từ chuyên môn và sách tham khảo đều dùng tiếng Pháp, tiếng Anh, hoặc tiếng Đức (ít hơn). Các môn học gồm: Sinh lý (physiology) thầy Lê Văn Bách. Sinh hóa (biochemistry) thầy Võ Đăng Đài. Cơ thể học (Anatomy) thầy Lê Xuân Công. Mô phôi học (histiology) thầy Trà Văn Đỏ, thính giảng từ đại học Y Sài Gòn. Môn Sinh hóa học có phần thực tập tại phòng thực tập sinh hóa: pha chế các phản ứng, chế nghiệm viên phụ trách thực hành là dược sĩ Bội Tiên và kỹ sư hóa Lê thị Phước Hạnh. Môn cơ thể học có phần thực tập trên các mẩu xương người khô. Mỗi sinh viên chúng tôi có thể mượn các đầu lâu, xương tay chân đem về nhà để học. Vào năm thứ 2, thực hành môn cơ thể học có phần mổ xác. Trợ giảng phần thực hành này là bác sĩ Nguyễn Văn Chữ và anh Trần Tiễn Ngạc lớp trên tôi chừng 4 khóa.

Phòng mổ xác khá rộng, có hai bàn. Đến ngày học mổ xác, bác Khôi nhân viên của trường vớt các xác từ hầm formol đặt lên bàn. Sinh viên chia từng tốp nhỏ ba, bốn người dùng pince, kéo mổ theo chỉ dẫn của các bác sĩ trợ giảng.

Lễ Machabée: Hằng năm sau ngày khai giảng nhà trường tổ chức lễ Machabée, lễ cúng vong linh các thân xác vô thừa nhận đã giúp sinh viên học hỏi. Lớp y năm thứ hai trực tiếp học là lớp đứng ra tổ chức. Lễ được tổ chức theo cả hai nghi thức Công giáo và Phật giáo. Tuy tổ chức đơn giản nhưng từ trong tâm thức của mỗi sinh viên đều cảm nhận được cái trang trọng, kính cẩn và biết ơn bằng những nén hương, những lời cầu nguyện, và cả nước mắt của không ít nữ sinh viên.

Vê phần lý thuyết, hầu hết các thầy giảng bài và chúng tôi ghi chép, không có giáo án in sẵn. Ghi chép như thế nào cho kịp lời thầy giảng, ghi tắt, lấy note, tốc ký tùy từng sinh viên, sau đó vào thư viện đọc sách tham khảo thêm, soạn bài cho riêng mình. Sách tham khảo hầu hết bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức, không hề có sách tiếng Việt.

Các sách cơ bản về sinh hóa như Biochemistry của Mary Campell, Medical biochemistry, Clinical biochemistry, Biochemistry and genetic hoặc các sách về sinh lý như Medical Physiology của Barett, Physiology của Stefan Silbernag là những sách đắt hàng ở thư viện.

Nghe giảng, ghi chép và soạn bài là như thế, nhưng học y trí nhớ rất quan trọng; không thuộc nằm lòng không thể làm bài và thực hành được. Một đặc tính khác của sinh viên y khoa là óc phân tích và tổng hợp, nếu không có khả năng này, không học được. Tôi còn nhớ một câu hỏi trong bài thi Sinh hóa của thầy Võ Đăng Đài. “Hãy cho biết các phản ứng chuyển biến của hạt cơm khi ăn từ miệng cho đến khi thành chất phế thải?” Với cách thức ra đề như thế này, nếu học thuộc bài mà không nắm cơ chế, không biết lý luận thì không thế nào làm bài được cho dù có mang theo tài liệu.

*

Qua hai năm học các môn cơ bản, lên năm thứ ba chúng tôi đi thực tập bệnh viện buổi sáng, buổi chiều về trường học lý thuyết.

Năm thứ ba về lý thuyết chúng tôi bắt đầu học triệu chứng: triệu chứng học nội khoa, triệu chứng học ngoại khoa, triệu chứng học sản phụ khoa.

Ở giai đoạn này những cuốn sách triệu chứng học như Medical semiology của Bariety, Surgical semiology của Leger, Osbstetric and Gynecology semiology là những sách cần thiết. Thế nhưng không phải ai cũng mua được. Chúng tôi phải vào thư viện đọc, ghi chép về để học. Khoảng cuối năm 1972 đầu năm 1973, nhà sách Ưng Hạ có bán một số sách y khoa dạng photocopy của nhà sách Mỹ Hiệp Sài Gòn, sách có giá tương đối rẻ so với sách nguyên bản nhập về, do vậy sinh viên có thể mua được, nhưng số hạng cũng còn ít so với nhu cầu.

Phần thực tập tại bệnh viện: chúng tôi được chia thành từng nhóm, mỗi nhóm gồm 4 hay 5 sinh viên y ba, ba hay hai sinh viên y năm và một sinh viên nội trú (sinh viên y6). Mỗi nhóm do một bác sĩ trợ giảng chỉ dẫn, theo dõi kèm kẹp và cho điểm cuối mỗi kỳ thực tập ở một buồng bệnh.

Mỗi buổi sáng các sinh viên đến sớm làm bệnh án theo dõi diễn tiến của bệnh. Năm thứ ba chúng tôi nhận diện các triệu chứng, tổng hợp các triệu chứng thành hội chứng. Sinh viên năm thứ năm thêm một bước nữa là tổng hợp các hội chứng để định bệnh, lý giải các triệu chứng, tìm chẩn đoán phân biệt và theo dõi tiến triển. Sinh viên năm nội trú xem như là một bác sĩ thực thụ: chẩn đoán, tìm biến chứng, theo dõi tiến triển bệnh và điều trị. Sinh viên năm ba có gì chưa sáng tỏ hỏi thêm các anh chị y năm, các anh năm thứ năm trao đổi hỏi thêm anh nội trú. Cứ thế chúng tôi cùng nhau học hỏi, xem nhau như anh em. Đến giờ bác sĩ trợ giảng khám bệnh, các anh vừa khám bệnh vừa giảng giải vừa cầm tay chỉ vẽ cho từng sinh viên năm ba chúng tôi, vừa giảng cơ chế bệnh lý, cách điều trị cho các anh năm trên. Tất cả những công việc trong ngày từ các em năm ba đến các anh chị nội trú mỗi người đều phải ghi chép từng ngày vào sổ thực tập, cuối tuần nộp lại tại văn phòng bộ môn; các thầy, các bác sĩ trợ giảng xem lại, sửa sai, phê bình, đóng góp ý kiến cho chúng tôi. Khi ngồi viết lại những dòng ký ức này tôi thật sự xúc động khi lần giở lại tập ghi chép thực tập năm xưa. Nhìn các thầy, các anh, sửa từng lỗi chính tả, chua thêm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức các từ y học, những câu khen thưởng, những lời nhắc nhở cần đọc thêm sách gì, ở đâu… Nhờ sự tận tâm chỉ vẽ trong những năm tháng thực tập ngày đó, chúng tôi mới có được những kiến thức cơ bản khi bước những bước đầu tiên trong nghề Y.

Cũng cần nói thêm sinh viên y khoa hồi đó đi thực tập tại bệnh viện ai cũng cặp kè những cuốn handbook trong túi áo blouse. Handbook là những cuốn sách bỏ túi có đủ chuyên nghành: Handbook medecin, handbook pediatric, handbook surgical… Những loại sách này có thể gởi mua ở sách vỉa hè Sài Gòn. Một đôi anh chị còn có loại sách lớn hơn một chút (cỡ 10×15) như Vademecum, Vademecum encyclopédique, Merck Manual.

Trong năm thứ ba, qua 9 tháng học tập chúng tôi đã qua ba khu bệnh lý: nội khoa, ngoại khoa, sản phụ khoa.

Tại khu nội thương, hai bác sĩ trợ giảng là bác sĩ Bùi An Bình và bác sĩ Trần Lương Hoa trực tiếp cầm tay chỉ việc, hàng tuần thầy Lê Văn Bách còn tổ chức trình bệnh và giảng giải những trường hợp khó. Tại những buổi trình bệnh sinh viên chúng tôi học hỏi được rất nhiều.

Tại khu ngoại thương các bác sĩ trợ giảng là bác sĩ Tôn Thất Hứa, bác sĩ Tôn Thất Chiểu, bác sĩ Đinh Sơn Thắng, bác sĩ Đỗ Như Đài trực tiếp hướng dẫn. Bác sĩ trưởng bộ môn Lê Xuân Công cũng tổ chức những buổi trình bệnh cuối tuần. Thực hành bệnh lý ngoại khoa chúng tôi được các đàn anh đàn chị chỉ dẫn tận tình từ cách dùng các loại pinces, kéo, kìm… từ cách sử dụng kim cong, kim thẳng dần đến phụ mổ…

Bệnh lý học phụ sản có các bác sĩ trợ giảng: Văn Quảng, Phan Xuân Tứ, Lê Duyêt Tảo trực tiếp chỉ dẫn. Bác sĩ trưởng bộ môn Nguyễn Văn Tự cũng có những buổi trình bệnh giảng dạy trong tuần. Cái vui cũng là cái khó của chúng tôi khi đi thực tập tại sản phụ khoa là phải làm đầy đủ các chỉ tiêu được giao: bao nhiêu trường hợp sinh thường, bao nhiêu trường hợp sinh con so… do vậy chúng tôi thường giành nhau nhận bệnh. Nhiều lúc nghĩ lại thấy đời sinh viên y thật thú vị.

Hết năm thứ ba chúng tôi có được kiến thức và kỹ năng căn bản về nội, ngoại, sản phụ khoa cả về lý thuyết lẫn thực hành.

*

Năm thứ tư chúng tôi học bệnh lý nhi khoa với bác sĩ Nguyễn Thị Tinh Châu và bác sĩ Hồ Đình Quế. Các chuyên khoa lẻ: Mắt với bác sĩ Lê Bá Vận. Tai mũi họng với bác sĩ Bùi Minh Đức, da liễu với bác sĩ Dương Đình Châu và bệnh Lao với bác sĩ Phạm Thị Xuân Quế.

Năm thứ tư chúng tôi thực tập tại khoa nhi nửa năm, tại các chuyên khoa lẻ nửa năm còn lại.

Ngoài bệnh lý nhi khoa, bệnh lý mắt, bệnh lý tai mũi họng, bệnh lý da liễu, bệnh lao, năm thứ tư chúng tôi học thêm các môn học cơ bản:

– Vi trùng, ký sinh trùng (Bacteriology – Parasitology) với thầy Lê Bá Nhàn. Thực tập môn vi trùng, ký sinh trùng chúng tôi được xem, đọc, học cách nhuộm các tiêu bản để nhận dạng các loại vi trùng, ký sinh trùng.

– Giải phẫu bệnh lý (Anapathology) với bác sĩ Tôn Thất Chiểu. Thực hành môn anapathology tại phòng thực tập, chúng tôi xem, đọc và học cách làm các phẩu thức bệnh lý.

– Huyết học với bác sĩ Villagoes (người Tây Ban Nha), thầy Villagoes giảng bài bằng tiếng Pháp với giọng Tây Ban Nha nên rất khó nghe. Thực tập môn huyết học cũng được xem, đọc và làm các tiêu bản bệnh lý huyết học.

– Dược lý học ( Pharmacology) với thầy Nguyễn Mạnh Hùng. Thầy Nguyễn Mạnh Hùng là người Việt nhưng giảng bài bằng tiếng Pháp.

Trong năm ba và năm tư chúng tôi học Y tế cộng đồng (Public Health) và Dịch tễ học (Epidemiology) với các bác sĩ quân y Mỹ: Zerzavi, Candela (các bác sĩ này giảng bài bằng tiếng Anh). Phẫu thuật nhi với bác sĩ Dupuis (bác sĩ Dupuis giảng bài bằng tiếng Pháp).

Từ năm thứ tư, những cuốn sách hầu như không một sinh viên y khoa nào không thể không biết là Harrison’ principles of internal medecine, Textbook of pediatrices của Nelson, Goldman Cecil medecine. Chúng tôi chầu chực nhau để mượn ở thư viện. Thư viện trường y hồi đó luôn đông sinh viên, tan trường ra về nếu đến chậm có khi hết chỗ ngồi. Mùa thi thư viện mở cửa đến 8 hay 9 giờ đêm.

*

Lên năm thứ năm chúng tôi quay trở lại học bệnh lý và điều trị. Phần bệnh lý nội thương (medical pathology), bệnh lý ngoại thương (surgical pathology) và bệnh lý sản phụ khoa (Gyneco – obstetrico – pathology); các thầy giảng dạy là thầy Lê Văn Bách, thầy Lê Xuân Công, thầy Nguyễn Văn Tự.

Việc củng cố và phát triển kiến thức của năm thứ năm như vậy vô cùng cần thiết, nhưng rồi chương trình năm thứ năm của tôi cũng như những chương trình của hàng triệu sinh viên, học sinh khác trên khắp miền Nam phải dừng lại nửa chừng, bởi vì miền Bắc và Mặt Trận chuẩn bị tiến hành chiến dịch Hồ Chí Minh – Xuân 1975.

*****

Từ đầu tháng 2. 1975 quân Cộng sản đánh chiếm thị xã Phước Long, 10 tháng 3 Ban Mê Thuột bị xe tăng Bắc Việt nghiền nát, thành phố Huế kinh hoàng nhớ chết chóc Tết Mậu Thân 1968. Chợ búa náo loạn những tin đồn, trường học rã rời, đường phố nháo nhác, hàng ngàn gia đình bồng bế, gánh gồng di tản theo đường bộ, đường thủy vào Đà Nẵng. Đà Nẵng hỗn loạn, sân bay, bãi biển tràn ngập người tị nạn. Lính tráng, dân thường, đàn ông, đàn bà, người già, trẻ em mạnh ai nấy được, kiếm cho mình một chỗ trên máy bay, trên ghe thuyền tư nhân và tàu hải quân. Bạo lực tháo chạy và bạo lực tấn công không phân biệt gây chết chóc, tội ác và tuyệt vọng. Ngày 29 tháng 3 quân Cộng sản chiếm Đà Nẵng. Gia đình tôi và hàng chục ngàn gia đình khác không may mắn đành lục tục bồng bế gánh gồng quay trở lại Huế.

30.4 Sài Gòn thất thủ. Chiến tranh chấm dứt, nhưng bạo lực cách mạng Xã hội chủ nghĩa kiểu Cộng sản bắt đầu. Trường học mở cửa lại theo lệnh của chính quyền quân quản.

Khoảng 50% giáo sư, và khoảng 90% sinh viên trường Y quay trở lại với tâm trạng “hàng thần lơ láo”. Bộ khung cán bộ giảng dạy từ miền Bắc vào cùng với Ủy ban quân quản tách thầy trò chúng tôi làm hai nhóm lao động buổi sáng và học chính trị buổi chiều. Đạo đức xã hội chủ nghĩa được đúc kết thành vè “Lao động là vinh quang – Ngồi không ở nể xóm làng cười chê”. Theo đó, người Cộng sản cho rằng chỉ có làm việc bằng cơ bắp dưới chỉ trỏ của cán bộ đảng viên mới là lao động đúng nghĩa. Theo đó người công nhân làm việc trong các nhà máy xã hội chủ nghĩa, người nông dân làm việc trong các nông trường quốc doanh, các hợp tác xã nông nghiệp mới có giá trị hơn hết, và đáng sống hơn hết. Các loại hình lao động sản xuất khác, các thành phần xã hội khác cần phải được cải tạo theo mô hình và định hướng Xã hội chủ nghĩa mới có lý do tồn tại. Giữa các buổi lao động và học chính trị, chúng tôi phải tập hát Quốc tế ca và các bài ca ngợi đảng, ca ngợi bác, ca ngợi tình hữu nghị vô sản quốc tế, ca ngợi quân đội nhân dân đã đánh thắng hai cuộc kháng chiến thần thánh… Tôi còn nhớ một câu hát mà mỗi lần cất lên tôi cảm thấy đau đến xé lòng: “Như có bác Hồ trong niềm vui đại thắng”.

Về lao động, chúng tôi phải phải tập hợp thành đội ngũ dưới sự chỉ đạo của các đoàn viên (những tín đồ cộng sản tân tòng, những cách mạng 30/4) cuốc xới các mảnh ruộng trước trường trồng rau muống, đào xới bất cứ mảnh đất nào còn sót lại quanh trường để trồng khoai sắn. Theo lệnh các đoàn viên lãnh đạo, chúng tôi vượt hàng rào phía đông bắc, phá vườn hoa hồng rất đẹp của các nữ tu Công giáo để trồng rau lang. Lúc bấy giờ, qua các “vị” này, chúng biết được rằng rau muống, rau lang và lá sắn có hàm lượng dinh dưỡng không thua kém thịt bò. Chúng tôi còn tham gia đào kênh thủy lợi nam sông Hương. Đây là công trình thủy lợi trọng điểm của Thừa Thiên – Huế nhằm kéo nước từ sông Hương băng qua núi đồi làng mạc phía tây nam thành phố để tưới cho 5000 mẫu ruộng thuộc khu vực huyện Hương Thủy. Nhưng, nước không thể chảy ngược, nên nước không thể về tới ruộng đồng theo ý chí của đảng Cộng sản, mặc dù hàng trăm ngàn công sức lao động đã bỏ ra, hàng ngàn ngôi mộ và hàng trăm ngôi nhà phải di dời. Kênh thủy lợi biến thành đường đi và hang ổ của chuột. Có người nói đây là biện pháp cải tạo trí thức tiểu tư sản thành trí thức xã hội chủ nghĩa nói riêng, và cải tạo nhân dân miền Nam nói chung.

Trí thức tiểu tư sản còn bị tẩy não bởi chương trình học chính trị. Chủ nghĩa Mác Lênin, chủ nghĩa Duy vật biện chứng, biện chứng lịch sử, Tuyên ngôn đảng Cộng sản, lịch sử đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử phong trào Cộng sản quốc tế là những từ ngữ tôi còn nhớ cho đến ngày nay với các khẩu hiệu: Trí phú địa hào – Đào tận gốc trốc tận rễ, Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, chủ nghĩa xã hội nhất định thắng – chủ nghĩa tư bản nhất định thua, chủ nghĩa xã hội dân chủ một ngàn lần hơn chủ nghĩa tư bản, cải tạo xã hội chủ nghĩa là ăn cướp những gì đã bị ăn cướp, cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội… Trong khi chúng tôi đang học chính trị và lao động xã hội chủ nghĩa thì đảng Cộng sản tiến hành cải tạo Ngụy quân Ngụy quyền, cải tạo tư sản công thương nghiệp và đổi tiền. Tư sản công thương Huế tập trung trên hai dãy phố Trần Hưng Đạo và Phan Bội Châu với khoảng 100 cửa hàng bán lẻ trong số đó có khoảng 10 cửa hàng có mặt tiền rộng ( 5 – 7 mét ) bị cải tạo. Ở Gia Hội, An Cựu, Bến Ngự, Vỹ Dạ. Kim Long…, mỗi nơi cũng có vài cửa hàng chịu chung số phận. Thực tế là các cửa hàng này bị ăn cướp: hàng hóa bị tịch thu, nhà bị lấy, gia chủ bị đày đi ở nơi khác hoặc lùi về phía bếp. Độc giả đời sau cần ghi nhớ là những gia đình bị cải tạo này trong chiến tranh họ đã đóng góp cho “cách mạng” qua các cơ sở nội thành.

Cải tạo xong thì đến lượt đổi tiền. Đổi tiền hai lượt cách nhau mấy tháng. Không riêng gì tư sản, tất cả nhân dân Miền Nam đều bị lột sạch, bất kể giàu nghèo. 1000 đồng tiền Ngụy đổi lấy 01 đồng tiền cách mạng. Qua hai lần đổi tiền như thế từ tháng 6. 1975 gia đình tôi có 6 nhân khẩu cầm hơi hàng ngày với ba khẩu phần được mua hàng tháng tổng cộng 12kg gạo, 36kg khoai sắn mốc hay bột mì, bo bo, 1,5 kg thịt heo. Tôi xin nói rõ hơn chuyện này: Gia đình tôi 6 người gồm mẹ, anh kế, tôi và 3 đứa em. Anh kế tôi, tôi và em gái kế đều là sinh viên nên được cấp sổ gạo và tiền học bổng mỗi tháng 15 đồng một người. Mẹ tôi và hai em đang học phổ thông không có gì. Tất cả 6 người sống qua ngày với ba tiêu chuẩn như thế. Nhiều gia đình khác còn bi đát hơn. Gia đình anh cả tôi chẳng hạn. Anh cả tôi là đại úy quân y Ngụy đi học tập cải tạo, chị dâu tôi là cán bộ lưu dung đang giảng dạy tại trường Y. Một mình chị với khẩu phần 4kg gạo, 12 kg khoai sắn, 0,5 kg thịt nuôi sống ba đứa con dưới 10 tuổi. Chị Gái tôi còn bi đát hơn, chồng là sĩ quan Ngụy bị mất tích trong cuộc tháo chạy mấy tháng trước. Chị là cán bộ lưu dung tại Thư viện đại học Huế. Một mình chị với khẩu phần 4kg gạo, 12 kg khoai sắn khô, 0,5 kg thịt mỗi tháng nuôi sống 4 đứa con dưới 10 tuổi và cha mẹ chồng. Còn có nhiều gia đình bi đát gấp mười gấp trăm lần anh chị chúng tôi: Cha anh đi học tâp cải tạo chẳng biết bao giờ về, anh vượt biên bị bắt, nhà cửa bị cướp, mẹ mất việc, con không được vào đại học phải lê la đói khát đầu đường xó chợ hoặc phải đi kinh tế mới. Tình cảnh chung của nhân dân Huế và nhân dân miền Nam là như thế. Không có gia đình nào là không bị cải tạo. Không Ngụy quân thì Ngụy quyền, không tư sản, trí thức thì cũng là dân Ngụy đều bị cải tạo, có nghĩa là đều bị ăn cướp. Như thế là từ chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy mang tên Hồ Chí Minh mùa xuân 1975, Cộng sản miền Bắc đã chiến thắng hai lần và nhân dân miền Nam đã thua hai lần. Lần đầu là quân sự, lần sau là kinh tế, văn hóa, xã hội. Sau hai lần thắng và thua, đất nước tan hoang, mấy triệu người vượt biên, mấy trăm ngàn người đi học tập cải tạo, mấy chục ngàn người chết trong các nhà tù, mấy triệu người bị làm nhục, chết trên biển, mấy chục triệu người lâm vào tình trạng đói rách, tuyệt vọng. Công cuộc cách mạng long trời lở đất với khẩu hiệu “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” của ông Lê Duẩn và đảng Cộng sản hoàn toàn thất bại. Thất bại này không chỉ là sai lầm mà còn là tội ác, di hại chẳng biết đến bao giờ?

Đảng Cộng sản đã biến cả dân tộc thành những con chuột bạch thí nghiệm cho một học thuyết, một ý thức hệ ngu xuẩn họ học mót từ Nga từ Tàu. Cách mạng gì mà coi trí thức là kẻ thù hàng đầu? Dân chủ gì mà đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối? Đạo đức gì mà dùng biện pháp ăn cướp và bạo lực để cải tạo con người?

*

Trở lại câu chuyện trường Y

Sau lao động cải tạo và học tập chính trị, trường Y và lớp Y5 của tôi lần hồi đi vào cơ chế xã hội chủ nghĩa. Thêm một số thầy và sinh viên lẳng lặng bỏ đi Sài Gòn hoặc vượt biên. Hai sinh viên lớp dưới tự tử không thành. Một anh nhảy lầu, một anh uống thuốc độc. Một trong hai anh bất khuất này là con của một cán bộ tập kết trở về. Cha con bất đồng chính kiến dẫn đến bi kịch.

Chương trình Y5 thuộc chế độ cũ của tôi bỏ dở vì chiến sự nay bị đình chỉ hẳn. Để bù vào thời gian bị mất do chiến tranh và thời gian lao động tẩy não, ban giám hiệu quyết định lớp Y5 của tôi thay vì ra trường vào hè 1976, nay kéo dài thêm gần một năm, tháng 6. 1977 chúng tôi mới tốt nghiệp.

Như thế, tôi trải qua năm năm rưỡi trường Y Việt Nam Cộng Hoà và một năm rưỡi trường Y Xã hội chủ nghĩa. Một năm rưỡi Y Xã hội chủ nghĩa chủ yếu là đi cuốc đất trồng rau, đào kênh thủy lợi; và thực tập tại bệnh viện. Trong một năm rưỡi Y Xã hội chủ nghĩa này chia làm hai thời đoạn. Nửa năm đầu, ngoài thời gian lao động cải tạo và học chính trị như đã trình bày ở trên, chúng tôi đi thực tập tại bệnh viện với các giáo sư và giảng viên lưu dung: Lê Văn Bách, Nguyễn Văn Tự, Hoàng Trọng Châu, Văn Quảng, Phan Xuân Tứ… Một năm cuối thực tập bệnh viện với hai bác sĩ của “bên thắng cuộc”.

Trước năm 1975, trường Y còn gọi là Đại học Y khoa có chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa. Giáo sư phụ trách các bộ môn gọi là trưởng bộ môn. Nay (sau 1975) đại học Y Huế theo mô hình miền Bắc, tổ chức chuyên khoa sau năm thứ tư. Lớp Y5 của tôi không theo mô hình nào cả. Một nhóm nhỏ gồm 10 sinh viên trong đó có tôi được phân đi chuyên khoa nhi (gọi là nhi sơ bộ) dưới sự dẫn dắt của bác sĩ Nguyễn Cước (chủ nhiệm bộ môn) và bác sĩ Nguyễn Tấn Viên (trưởng khoa nhi bệnh viên Huế). Số sinh viên còn lại tiếp tục học đa khoa.

Hai bác sĩ Nguyễn Cước và Nguyễn Tấn Viên nghe đâu là những bác sĩ chuyên nhi hàng đầu của miền Bắc. Hai vị này dù dày dạn kinh nghiệm lâm sàng nhưng chỉ nắm bắt bệnh trên triệu chứng, xử lý có tính cách kỹ năng không ngoài các giáo trình tiếng Việt; về phần lập luận cơ chế bệnh lý hầu như hai vị này mù tịt. Họ không sử dụng được ngoại ngữ vì vậy mà cần có thời gian để “thầy” và “trò” hiểu biết nhau qua các từ chuyên môn. Tôi có một kỷ niệm không thể nào quên với bác sĩ Cước: Một đêm trực tại khoa nhi với cuốn Merk Manual, bác sĩ Cước bắt được tôi đang chú tâm đọc quyển sách này. Ông đã tịch thu cuốn sách của tôi. Nghe nói ông đã đem sách của tôi đi hỏi các thầy lưu dung và sau đó nhờ một đoàn viên đem trả lại cho tôi.

Một kỷ niệm khác với giáo sư Tôn Thất Tùng.

Tại khoa ngoại bệnh viện Trung ương Huế, chúng tôi gặp giáo sư Tôn Thất Tùng từ Bắc vào cùng anh con trai của ông, bác sĩ Tôn Thất Bách. Trong một buổi giao ban, tôi trình bày một trường hợp u trung thất (tumeur médiastine) chẩn đoán phân biệt với u lao (tumeur tuberculosis), ông hỏi tôi PPD là gì, tôi đã trả lời PPD là từ viết tắt của nhóm từ Purified Protein Derivative. Trong buổi giao ban chúng tôi hầu như sử dụng toàn tiếng Pháp, giáo sư Tôn Thất Tùng tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Tiếp theo ông giảng giải về phương pháp “mổ gan khô”. Sau này tôi mới biết đó là “phương pháp mổ gan nổi tiếng thế giới Tôn Thất Tùng”.

Giáo sư Tôn Thất Tùng có lối giảng giải thiên về cơ chế bệnh lý giống các thầy giáo của trường Y Huế trước 1975 của tôi. Ông nói giọng Huế pha Bắc nhẹ nhàng và cử chỉ thân thiện, lịch lãm. Đặc biệt tôi thấy ông rất vui khi nghe lại giọng Huế của tôi, có lúc ông đã nhại tiếng: “như rứa đó nã…” Tôi có cảm tưởng ông như một lão trượng đi xa bao năm nay trở về mái nhà xưa, tìm lại được những kỷ niệm thân thương sau một thời gian dài ly biệt. Khi ra về, chúng tôi gặp lại anh Tôn Thất Bách tại cổng bệnh viện; anh có vẻ lạ lẫm khi nhìn chúng tôi mặc áo dài.

*

Lớp Y5 của tôi ra trường vào hè 1977. Nhóm mấy chục sinh viên đa khoa thi trước một hội đồng giám khảo gồm các giáo sư lưu dung: Cuộc thi nghiêm túc, khó khăn nhưng cuối cùng đều được công nhận tốt nghiệp vì ban giám hiệu mới quyết định như thế. Nhóm sinh viên “nhi sơ bộ” của tôi chỉ thi với hai giám khảo là bác sĩ Nguyễn Cước và bác sĩ Nguyễn Tấn Viên. Nói là thi cho oai chứ thật ra chỉ là một buổi trình bệnh cho có lệ. Suốt cả năm qua hai vị bác sĩ của “bên thắng cuộc” có dạy thêm cho chúng tôi bài học chuyên môn và đạo đức nào đâu!

Nhân đây tôi xin nói thêm về khóa 10 Y khoa Huế của tôi: Có chừng 120 sinh viên dự bị, vào vấn đáp còn lại chừng 80 sinh viên chính thức, cộng với số sinh viên năm trước ở lại thành ra tổng số chừng 100 người. Tổng số chừng 100 sinh viên khóa 10 bị đào thải từ từ từng năm một, cộng với hai người vượt biên sau tháng 5.1975, cuối cùng có chừng 40 được công nhận là bác sĩ. Kết quả này chứng tỏ đầu vào đại học Y Huế nói riêng và các đại học khác trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa không khó lắm, nhưng qua học tập, thi cử rất nghiêm túc nên đầu ra toàn là những người xứng đáng cả về mặt chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Trong Xã hội chủ nghĩa thì trái lại: Đầu vào quá khó khăn, nhưng học hành thi cử lại quá cẩu thả, dễ dàng, đầu ra nhằm đáp ứng phong trào thi đua, càng nhiều càng tốt.

Trong hồi ký của mình, bác sĩ Lê Quang Thông kể lại Kỷ niệm với thầy Lê Văn Bách rằng là có một bạn cùng lớp chỉ thiếu nửa điểm môn Sinh lý đành phải ở lại lớp (Bay Vút – Lê Quang Thông). Bạn tôi Trần thị Quí về ăn Tết ở Đà Nẵng, năm mới ra chậm một ngày thực tập, thầy Lê Văn Bách không nói gì chỉ ghi vào sổ thực tập: ngày hè đi lại một tuần. Đến hè, bạn ấy phải ở lại Huế một mình để đi thực tập thêm một tuần.

*

Sinh viên khóa 10 Y khoa Huế còn học thêm Đông y theo sáng kiến của thầy Bùi Duy Tâm. Bác sĩ Trương Thìn dạy về huyệt đạo. Bác sĩ Trần Văn Tích dạy đông dược và ông Võ Như Nguyện dạy hán văn. Việc học Đông y chỉ diễn ra gần nửa năm, khi thầy Bùi Duy Tâm thôi chức khoa trưởng, thầy Lê Bá Vận lên đảm trách thì môn Đông y bãi bỏ.

*****

Việc học sau đại học của tôi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa.

Năm 1986, Viện Nhi Hà Nội mở lớp chuyên khoa I chính qui đầu tiên. Tiêu chuẩn cho bệnh viện Đà Nẵng là ba học viên. Dĩ nhiên là ưu tiên cho các cấp lãnh đạo và đảng, đoàn viên. Các bác sĩ đảng, đoàn viên, người thì bận rộn chuyện đấu đá tranh giành vị trí tại khoa và tại các phòng, người thì bận chuyện nhà, chỉ có chị khoa trưởng buộc phải đi học để có bằng cấp mà giữ ghế; tôi và một anh đồng môn đàn em sau ba khóa bị cắt cử đi học. Ra Hà Nội học được một tháng, anh bạn đồng nghiệp bị gọi về không cho học nữa vì sưu tra lý lịch “gia đình có nợ máu với nhân dân”. Một mình tôi lang thang quanh Hà Nội. Hà Nội xanh đẹp nhưng nếp sống quả là quá xa lạ với tôi… Xa lạ đến mức tôi không thể nghĩ nó là như thế…

Lớp học toàn là người miền Bắc, đa phần là con ông cháu cha; các chị hàng ngày cứ chào xáo với nhau chuyện mua hàng ở chợ Tôn Đản. Ngồi nghe thầy giảng bài mà hai tay các chị cứ thoăn thoắt đan len. Chẳng nghe ai nói gì đến sách vở trong lúc tôi cố tìm hiểu họ đang đọc và học sách gì? Tôi ở trọ tại nhà một người quen, chị bạn đang làm nghiên cứu sinh lấy bằng phó tiến sĩ. Chị ấy hãnh diện khoe: “Thầy chủ trì luận văn đi Thái Lan về tặng chị một chiếc xi-líp màu đỏ”! Tôi bộp chộp phản ứng liền: Văn hóa gì mà lạ thế? Thầy tặng đồ lót cho học trò nữ! Chị bạn trả lời nhanh không kém: “Chị lạc hậu quá rồi, không thực tế gì hết. Thời buổi này mà mơ mộng như người Miền Nam thì lấy gì nuôi con?” Chị bạn tôi cũng là người miền Nam, làm dâu trong một gia đinh tập kết là cán bộ cao cấp, đi chợ Tôn Đản, nhà ở khu tập thể Trung Tự chỉ dành riêng cho cán bộ cấp bộ, thứ trưởng, mới ra Hà Nội có mấy năm mà đã “tiến bộ” hơn người miền Nam như tôi đến muôn đời. Thời điểm 1986 cả nước đang đói, nhà chị bạn không thiếu thứ gì, nhưng vẫn chưa thấy đủ. Một câu ca dao phổ biến ở miền Bắc: Tôn Đản là chợ vua quan / Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần / Bắc Qua là chợ thương nhân /Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng. Trong chế độ Cộng sản: vua quan và nhân dân anh hùng cách biệt một trời một vực.

Việc học chuyên khoa I tại Viện Nhi Hà Nội chẳng có bài bản gì, học ở các khoa phòng, thầy giảng tại giường bệnh. Các thầy Chu Văn Tường (chuyên ngành tiêu hóa), thầy Lê Nam Trà (chuyên ngành thận niệu) Thầy Khanh (chuyên ngành huyết học), cô Nguyễn Thị Thu Nhạn (chuyên ngành nội tiết)… Tất cả các bài giảng lâm sàng cũng thiên về triệu chứng học hơn là cơ chế bệnh lý học… Sau một năm học, nghĩ lại tôi chẳng thu hoạch được gì về chuyên môn: không có cái gì mới, không có cái gì hay… Chỉ biết thêm miền Bắc có lắm chiêu trò.

Giữa một Hà Nội 1986 ăn kem Bờ Hồ với cái muỗng ăn phở, ăn bánh tôm Hồ Tây với cái rá nhựa đựng rau…Nhưng rồi tôi khám phá ra một Hà Nội tinh tế ngàn năm văn vật. Một hôm nọ, chị bạn – bác sĩ Minh Nguyệt mời đến nhà ăn bún ốc. Nhà bé tí tẹo như cái lỗ mũi, là một góc chéo của một ngôi nhà cải tạo chia cho nhiều hộ gia đình. Bún ốc, cái tên dân dã, nhưng gia chủ lại là một phần của tinh hoa Hà Nội còn sót lại, còn bảo lưu những giá trị truyền thống một cách nhẫn nại và tự tin. Thức ăn được bài trí rất đẹp với những dụng cụ đều bằng sứ. Bún ốc không phải là cao lương, nhưng mỹ vị thì không chê vào đâu được. Sau bún ốc, tôi được mời tráng miệng với chuối bà hương chấm cốm làng Vòng. Cũng rất nhiều mỹ vị sau món tráng miệng đặc chất Hà Nội này. Thì ra, giữa Hà Nội điêu tàn do chiến tranh và sự cai trị thô bạo của đảng Cộng sản còn có một niềm hy vọng.

*

Năm 1994 Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh mở lớp chuyên khoa II nhi chính qui đầu tiên. Tôi ghi danh thi để theo học. Lý do duy nhất là muốn gần gia đình (chồng và các con tôi đang ở Sài Gòn).

Thi đầu vào chỉ có hai môn là ngoại ngữ và chuyên ngành nhi. Có 47 người tham gia thi, 9 người đủ điểm để học. Lớp học do các giáo sư, phó tiến sĩ phụ trách: cô Tạ Thị Ánh Hoa và các thầy Hoàng Trọng Kim, thầy Võ Công Đồng, thầy Nguyễn Trọng Lân…

Chúng tôi gồm bảy người chia nhau đi thực tập tại các khoa phòng bệnh viện Nhi đồng I và Nhi đồng II, tham gia giao ban ở các khoa, tham dự các buổi trình bệnh và báo cáo khoa học chung với sinh viên trường Y, các bác sĩ chuyên khoa một, các bác sĩ làm nghiên cứu sinh cao học. Về mặt lý thuyết: chương trình cập nhật các thông tin mới về nhi khoa, đặc biệt là ba chuyên ngành: miễn dịch học, tim bẩm sinh, bệnh lý sơ sinh. Ngoài các buổi lý thuyết và thực hành tại các bệnh viện nhi Sài Gòn, mỗi năm ba tháng chúng tôi về lại nơi làm việc của mình thu thập dữ liệu, chuẩn bị viết luận văn chuyên ngành. Cuối năm1997, chúng tôi trình luận văn tốt nghiệp.

*****

Như thế là tôi trải qua 11 năm học Y: 7 năm y tổng quát và 4 năm y chuyên ngành nhi trong hai chế độ. Tôi đã làm bác sĩ gần 30 năm trong chế độ Cộng sản; nghỉ hưu 15 năm, trở lại bệnh viện nhiều lần trong tư cách người bệnh. Thời gian học tập, hành nghề và chữa bệnh đủ để tôi đưa ra nhận xét về hai chế độ y tế sau đây:

1/ Trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa: Người học và làm nghề y tế, gần như tuyệt đại đa số xem công việc của mình là một đam mê, đồng thời là sứ mệnh nhằm phục vụ bệnh nhân là những Con Người. Họ đối xử với nhau tận tụy, thân ái và tôn kính trong quan hệ thầy trò, đồng nghiệp. Họ đối xử với bệnh nhân hết lòng trong công việc và ấm áp trong giao tiếp, quan tâm đến hoàn cảnh sống mà không can dự vào đời tư của bệnh nhân.

Trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa bệnh viện được gọi là nhà thương. Ở đó người bệnh không phân biệt tầng lớp xã hội và khác biệt chính kiến, tất cả đều được miễn phí hoàn toàn từ khâu ăn ở, chẩn đoán, điều trị, thuốc men. Tại bệnh viện trung ương Huế, tôi đã thấy những bệnh nhân là cán bộ Phong trào đô thị của Mặt trận. Tại quân y viện Nguyễn Tri Phương, tôi cũng đã thấy những chiến binh miền Bắc được cấp cứu chung phòng với những binh lính Việt Nam Cộng Hòa. Hoàn toàn không có chuyện bệnh nhân bị đùn đẩy, bị từ chối, bị khai thác bóc lột, bị phân biệt đối xử. Đa phần các bác sĩ có phòng mạch tư nhưng hoàn toàn không có chuyện công tư nhập nhằng, bệnh nhân không bị kê đơn trái với yêu cầu chuyên môn, không bị chèo kéo lừa mị, bóc lột. Các công ty dược không khống chế được các cơ sở y tế nhà nước từ bộ xuống các ty và chi, cũng không khống chế được các bệnh viện và các phòng mạch tư. Sự thật này không tuyệt đối, nhưng đại thể là như thế. Nhân đây cũng nói thêm về việc tuyển chọn học viên cho các trường y tế trung sơ cấp và việc tuyển chọn sinh viên cho các đại học y khoa: Mọi thanh niên nếu hội đủ các điều khiện sức khỏe, tuổi tác, học vấn đều có cơ hội ngang nhau, không phân biệt thành phần xã hội, không phân biệt giai cấp và ý thức hệ chính trị. Nói chung là đầu vào không khó lắm nhưng đầu ra là khung cửa hẹp. Khóa 10 Y khoa Huế của tôi đầu vào chừng 200 – 250 ( ở 2 lớp dự bị), đầu ra còn khoảng 40. Các khóa đàn anh về trước, kết thúc trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa đều có tỷ lệ gần như thế. Trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa mọi sinh viên tốt nghiệp tại các trường: Sư phạm, Y khoa, Nông lâm súc, Kỹ thuật Phú Thọ đều được bổ nhiệm theo yêu cầu của cơ sở chuyên môn và thành tích học tập qua kỳ thi tốt nghiệp (chọn nhiệm sở theo thứ tự ưu tiên thứ hạng tốt nghiệp), không có chuyện đào tạo ra rồi bỏ đó. Các bác sĩ được trả lương đủ để sinh sống cho cá nhân và gia đình. Các bác sĩ có phòng mạch tư trở nên khấm khá bằng việc hành nghề chính đáng và khả năng chuyên môn của mình. Tôi lớn lên ở Miền Nam, là nơi báo chí tự do trong các lãnh vực đời thường (y tế, giáo dục…), chưa bao giờ tôi nghe một vụ tai tiếng nghề nghiệp do các y, bác sĩ gây ra.

2/ Trong chế độ Cộng sản trái lại, nghề y thông thường được xem là con đường làm quan đồng thời là nghề kiếm tiền như con buôn, thậm chí như kẻ trộm cướp. (tôi nói thông thường không có nghĩa là tất cả). Trong dân gian một thời phổ biến câu châm ngôn: Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa, Nông lâm qua loa, chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm. Quan niệm như vậy nên cánh cửa vào trường Y mở đóng, rộng hẹp tùy theo người có quyền lực: đảng Cộng sản. Một câu châm ngôn khác, thời bao cấp, thể hiện thứ tự quyền lực ấy: Nhất thân, nhì thế, tam tiền, tứ chế. Thời kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa lại có câu khác: Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, bốn trí tu (học giỏi-NTKT). Hai ưu tiên đầu thuộc về con ông cháu cha trong đảng, ưu tiên thứ ba thuộc về người có tiền chạy đúng cửa đảng viên chuyên trách, ưu tiên thứ tư thay đổi từ con em gia đình có công trong chiến tranh, trong xây dựng xã hội chủ nghĩa sang những học sinh giỏi. Tóm lại: Đảng và tiền gắn liền trường y và ngành y nói riêng. Đầu vào như thế, đầu ra cũng như thế.

Chương trình đại học Y trong chế độ Cộng sản kéo dài 6 năm. Một phần ba hay một phần tư thời gian trong 6 năm ấy sinh viên còn phải học chính trị (chủ nghĩa Mác Lê Nin và lịch sử đảng…). Quan hệ thầy trò trong chế độ Cộng sản vừa là quan hệ đồng chí, vừa là quan hệ đối tác lợi quyền. Chương trình và chế độ đào tạo, học tập như thế nên sinh viên ra trường chưa làm được việc xét về mặt chuyên môn lẫn đạo đức. Nếu không thân không thế, bác sĩ ra trường còn phải chạy việc với giá cả không nhỏ tùy vị trí công việc có kiếm ra tiền nhiều hay ít?

Đa phần, lương khởi đầu hiện nay của bác sĩ chừng 3.000.000 (ba triệu). Đầu tư tốn kém, lương bổng èo uột nên công việc chính của người bác sĩ trong chế độ Cộng sản là kiếm tiền và tạo thế. Kiếm tiền trực tiếp từ bệnh nhân, từ kinh phí quảng cáo, từ tiền đút lót của các công ty dược, các công ty vật liệu và trang thiết bị y tế tư bản nước ngoài, từ ngân sách nhà nước, từ quỹ bảo hiểm, từ các loại thuốc quí hiếm trong kho của bộ của các sở y tế hay các bệnh viện,… Kiếm tiền để trở thành đảng viên, giành lấy một chức vụ kiếm ra tiền để lấy lại vốn, để kiếm lời. Người đảng viên bác sĩ trong chế độ Cộng sản ăn bất cứ thứ gì: từ sữa của các em bé sơ sinh, đến thuốc đặc trị của người bệnh ung thư, đến thủy tinh thể của người bị bị bệnh mắt, đến que thử và hóa chất trong kiểm tra HIV… Một dược sĩ làm cho một công ty dược nước ngoài nói với tôi rằng: Nền y tế của đất nước vận động theo sự điều hướng của các công ty dược và các công ty vật liệu, trang thiết bị y tế tư bản. Các công ty này gõ được cửa bất cứ nhân vật quyền lục nào từ trung ương xuống địa phương. Những chìa khóa vàng lớn nhỏ được các công ty tư bản kia sắm sửa để mở cửa các ông bà quyền lực. Để tranh giành các chìa khóa vàng, để chiếm đoạt công quĩ, các ông bà quyền lực trong đảng Cộng sản đã đấu đá nhau như kẻ thù, đã xem ngành y tế như một nghề béo bở để sắm xe sang, tậu nhà lớn và tích lũy bất động sản…Người bác sĩ đảng viên bất chấp sức khỏe, mạng sống của bệnh nhân và sự khốn cùng của gia đình họ.

Để kết thúc tôi xin kể hai câu chuyện về hai bác sĩ đảng viên.

Câu chuyện thứ nhất: Ngày tôi về hưu một nhóm nhỏ đồng nghiệp mời tôi một bữa cơm thân mật. Bữa cơm diễn ra tại quán “Cơm niêu đỏ” tại Đà Nẵng với 7 người. Bữa ăn gồm các món đặc sản Việt Nam: rau muống trộn tỏi, canh chua cá lóc, cà tím nướng tỏi. Ăn xong cô phục vụ đem biên lại đỏ tính tiền tới, theo thói quen các chị xúm lại xem tiền bao nhiêu, mắc rẻ như thế nào để lần sau còn đi. Một chị đảng viên sau khi xem, xếp tờ biên lại đỏ lại, bỏ vào ví thản nhiên nói:

“Cho tớ tờ biên lai đỏ này, con dâu tớ làm kế toán cho một cơ quan, nó rất cần biên lại đỏ để thanh toán”.

Tôi nghe người đảng viên này nói xong, các thức ăn trong bao tử tôi chực trào ra…

Câu chuyện thứ hai: Cũng ngày tôi về hưu, một nhóm nhỏ khác mời đi ăn nem lụi trong một buổi chiều chủ nhật. Ăn xong, mậu dịch viên đếm que tính tiền, một đảng viên trong nhóm kể rằng: “Thằng Đ con mình nó thông minh lắm, hồi mới năm tuổi đi ăn nem lụi như thế này nó đã dấu bớt que vào giỏ rác bên dưới”. Chị bạn kể một cách rất hãnh diện, chân thật và hồn nhiên.

Tôi không nêu tên hai bác sĩ đảng viên trong câu chuyện trên, bởi tôi nghĩ không cần thiết. Bạn đọc thử nghĩ xem có đảng viên nào trong đảng Cộng sản mà không khôn ngoan như thế, từ tổng bí thư trở xuống.

Nguyễn Thị Kim Thoa

Theo Internet