Phê Bình

Nhạc Sĩ Ngọc Loan : Từ thuở tôi mất em

00000001.jpg

 

Từ thuở tôi mất em

 Lâm văn Sang

Nhạc sĩ Ngọc Loan vừa tung ra dĩa CD số 5, mang tên “từ thuở tôi mất em”. CD gồm 11 tình khúc được “chọn lọc” trong chiều hướng “tạo thành những âm thanh mới và đẹp” gửi đến cho mọi người. (*)

Giống như dĩa CD đầu tay, (ra mắt cách nay bao nhiêu năm, dĩa CD không in năm tháng) “nhớ gì không em” được gọi một cách đơn giản, “tình khúc ngọc loan”, dĩa CD mới này cũng nằm trong tiêu chuẩn “tình khúc” đó.

Một người nhạc sĩ viết tình khúc và xuất bản tới tập thứ 5, Ngọc Loan chắc hẳn có nhiều điều để nói và hơn thế nữa, không bao giờ nói hết điều mình muốn nói. Người nhạc sĩ viết tình khúc cũng như nhà thơ làm thơ tình, họ có bao giờ chấm dứt điều muốn nói? Hay chấm dứt điều muốn nói, đã được nói? Có phải nói là lập lại điều đã nói, một cách nào đó? Hay nói là mang đến một thứ ánh sáng mới, soi rọi lại điều đã nói? Xuất bản tới tập thứ 5, tác giả dường như không có vẻ gì sẽ ngừng lại ở đó.

Vấn đề không phải là tác giả sẽ ngừng ở đâu hay bắt đầu lại thế nào mà là cô sẽ tiếp tục viết ra sao. Làm sao người ta có thể biết được điều này nếu không biết được tác giả thực hiện tác phẩm này (hay trước đây) ra sao. “Chất liệu” của tác phẩm đến từ “đời sống hợp cùng những cảm nhận trong thiên nhiên” đã tạo ra “những ý tưởng” giúp tác giả tạo ra những nhạc phẩm này. Nguyễn Du viết khi xưa, “Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Ngày xưa có thể Nguyễn Du chỉ đi từ chỗ “lòng buồn” để thấy cảnh vật chung quanh cũng buồn. Ngày nay Ngọc Loan, ngược lại, có thể cảm nhận từ cái buồn của cảnh vật đến cái buồn của nhân thế. Cô tâm sự trước “Một buổi chiều bên bờ sông vắng của thành phố Antioch, dòng sông nước phẳng lặng, trời mưa ướt át trên một thành phố cũ & buồn…” để cô viết thành bài “chiều bên sông vắng” (Diệu Hiền hát) có những câu: “Nước vẫn trôi, trái tim vẫn buồn. Nắng vẫn cứ rơi, lòng người vẫn nặng nề.” Nhưng không phải chỉ có buồn. “Những giọt mưa rơi xuống trên ngọn cỏ xanh . . . Tất cả mọi thứ chung quanh đều trở nên xanh tươi, mới mẻ sau cơn mưa . . . Trời đất hình như vui hơn, muộn phiền hình như giảm bớt đi…” là điều cô cảm nhận để viết thành bài “mưa rơi” (Hồ Trung Dũng ca) có những câu: “Trong đất trời, một niềm vui mới đã sang. Trong tim người, một niềm tin mới tái sinh. Cho tim ta hy vọng bình yên mới. Trong ngày mai tươi sáng hơn. An vui kiếp người.” Người theo cảnh hay cảnh theo người? Cảnh trước người sau hay người trước cảnh sau? Tại sao ta chỉ tin theo tư tưởng một chiều? Tại sao ta cứ phải tin rằng một phải sâu sắc hơn hai hay ngược lại hai phải thấp hèn hơn một? Ở đây, Ngọc Loan có mới hơn Nguyễn Du? Nếu không mới, ít nhất cô cũng khác hơn Nguyễn Du.

Nhạc gắn liền với người viết nhạc. Điều này còn có nghĩa nhạc bắt đầu bằng hiện tại; hiện tại ngay từ qua cách mô tả quá khứ hay một quá khứ kéo dài cho tới hiện tại (như nhạc phẩm “từ thuở tôi mất em” do Hồ Trung Dũng trình bày). Nhạc phẩm trở thành quá khứ (cách khác, cổ điển) khi nó (may mắn) còn sống (còn được hát) cho tới một hiện tại nào đó trong tương lai. Ước mơ của người viết nhạc (nhạc phẩm) là ước mơ nằm trong giới hạn (ngược chiều) từ hiện tại cho tới quá khứ đó. Làm cách nào người ta có thể biết (chắc) nhạc phẩm nào lọt vào danh sách “may mắn” kia nếu người ta không sống ở tương lai? Người ta chỉ có thể biết một số tiêu chuẩn “mới” được ứng dụng trong một số nhạc phẩm trong dĩa CD này có thể sẽ còn được ứng dụng trong tương lai (bởi nhạc sĩ khác), chẳng hạn như phần kết của nhạc phẩm sẽ là phần điệp khúc (đoạn giữa của nhạc phẩm) hơn là đoạn kết bình thường (người ta vẫn viết, nghe cho tới nay). Ở Ngọc Loan, bài “bỏ lại” (do Hồ Trung Dũng ca) là cái kết thúc bằng điệp khúc giữa này.

Người không nghe nhạc thường xuyên thật khó theo dõi giọng ca nào đang lên, đang được ăn khách nhất bây giờ ở Việt Nam hay hải ngoại. Tôi tin Ngọc Loan là người sành sỏi về điều này hơn ai (tôi) hết. CD “từ thuở tôi mất em” mang đến lần này các ca sĩ như: Diệu Hiền, Hồ Trung Dũng, Lan Phương, Xuân Phú, Hạ Trâm, Mỹ Lệ. Tôi không biết (chưa nghe) một giọng ca nào trong số này, ngoại trừ Mỹ Lệ đã có mặt trong CD “tìm trong nỗi nhớ.” Tôi chỉ biết Hồ Trung Dũng hát 5 trong số 11 nhạc phẩm trong CD này, hình anh lại ở bìa ngoài của CD, anh phải là giọng ca sáng giá bây giờ, trong nước. Tôi không biết gì hết về Hồ Trung Dũng (bao nhiêu tuổi, đi hát bao lâu rồi…) tôi chỉ biết anh hát chững chạc như một người đứng tuổi. 

Người ta có thể nói gì hơn nữa qua CD “từ thuở tôi mất em” này? Bài “chiều  bên sông vắng” tác giả đưa ra một câu hỏi lưng chừng “ta về phương nao.” Bài “ngày tháng vẫn qua đây” (Hồ Trung Dũng ca) tác giả hỏi lại lần nữa “mai biết về phương nao.” Bài “về đâu” (Mỹ Lệ hát) tác giả liên tục hỏi, trước hết “Về đâu người ơi?” và sau nữa “Một ngày sẽ đi về đâu?”. Một cách nào đó, những câu hỏi không cần đến câu trả lời là một nửa của câu hỏi. Người đặt câu hỏi (tác giả) có khi hỏi người, có khi hỏi thời gian. Người hỏi như nói chuyện cùng hư vô như một họa sĩ nói chuyện bằng tranh trừu tượng. Câu chuyện được nói (câu hỏi được hỏi) có khi không mang ý nghĩa nào cả, có khi mang trong tim cả đất và cả trời.

Khi giới thiệu dĩa CD mới, tác giả đã chuẩn bị một chương trình ca nhạc được tổ chức tại Santa Clara Convention Center vào ngày Chủ Nhật, ngày 30 tháng Chín, lúc 4 giờ chiều. Chương trình mang tên “tình khúc Lê Uyên Phương, Ngọc Loan.”

Lê Uyên xuất hiện lần này ở San Jose với tình khúc của Phương, và một số khác là nhạc Phạm Duy. Ngọc Loan sẽ có mặt với những ca khúc mới nhất (trong CD “từ thuở tôi mất em” dĩ nhiên) và một số nhạc phẩm đắc ý nhất của tác giả trong các CD trước.

Góp mặt trong chương trình có ca sĩ Thanh Hà, và Trần Thu Hà. Mọi người đều biết họ là giọng ca như thế nào ở hải ngoại. Ngoài ra còn có các ca sĩ khác như Gia Huy, Nguyên Khang, Anh Tuấn. Gia Huy là ca sĩ gần đây vẫn hay hát nhạc Ngọc Loan. Anh cũng ra dĩa CD “Tình yêu & Kỷ niệm 6” mang tên “trong tôi có những” gồn 12 nhạc phẩm của Ngọc Loan.

Chương trình còn mang tới ba MC: Khổng Trọng Hinh, Thụy Dung và Vân Khanh.

 Ghi chú:

(*) Những trích dẫn trong bài rút ra từ trong CD “từ thuở tôi mất em” này.