Văn Thơ

Ngọn lửa Kiều, Nguyễn Du lần đầu tiên lóe sáng trên Miền Tây Bắc Mỹ

Ngọn lửa "Kiều Nguyễn Du" lần đầu tiên lóe sáng trên Miền Tây Bắc Mỹ.

* Chiều thơ nhạc chủ đề "Truyện Kiều với đại thi hào Nguyễn Du" thành công rực rỡ.

SEATTLE (TMN News).- Trước hình ảnh pho tượng Đại thi hào Nguyễn Du lộng trong khung kính lớn. Ban tế lễ gồm 3 tên tuổi quen thuộc trong cộng đồng đốt nến và hương trầm, vái lậy Cụ Nguyễn Du. Hai bên sân khấu là 2 lọng vàng, cùng 2 câu đối viết lớn bằng Chữ Nôm ghi là “Nơi đất khách thương nhau dùng tiếng Việt – Chốn quê người nhớ nước học văn Kiều”.
Tiếng trống chiêng vang lên bởi Danh trống Văn Thịnh (nghệ sĩ hơn nửa thế kỷ chuyên nghiệp trống và sáng tạo một số nhạc cụ dân tộc, từng biểu diễn trên màn hình Thuý Nga Paris). Ba nhân vật trong Ban tế lễ Đại thi hào là nhân sĩ Nguyễn Hảo (cựu Tổng thư ký Hội Đồng Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng), nghệ sĩ sáo trúc Phan Uy Nghị tức nhà thơ Thuận Thiên và thi văn sĩ Quốc Nam. Cụ Nguyễn Hảo dõng dạc đọc: “Kính thưa quí vị:
Sau khi sáng tác xong truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã viết hai câu:
“Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như” tạm dịch:
Không biết ba trăm năm sau, trong thiên hạ có ai khóc Tô Như?
Tố Như khóc Kiều, Vũ Hoàng Chương đã khóc Tố Như rằng:
Ba trăm năm vời vợi
Đường xa hiện pháp đăng và
Lòng băng tan rã lệ trào
Bật lên tiếng khóc thi hào Tố Như.
Trong bài tổng vịnh của Dực Anh Tông Hoàng Đế Tự Đức viết:
Truyện này Thánh Thán soạn ra
Diễn thơ lục bát nước ta Tiên Điền.
Trong bài Tổng Thuyết của Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế Minh Mạng viết:
Trên khỏi phụ công kiểm điểm của khách lan đài
Dưới góp thêm phần giai thoại trong vườn văn nghệ
Thiết tưởng cũng là việc hay, đối với khách tài tình kim cổ vậy.
Xem thế, ảnh hưởng của truyện Kiều lớn lao biết chừng nào.
Đại thi hào Nguyễn Du, một danh nhân thế giới, đã lưu lại cho hậu thế một Tác Phẩm Văn Chương tuyệt mỹ, một kho tàng từ ngữ văn học lớn lao cho tiếng Việt. Hôm nay, quí vị cùng chúng tôi đến đây không phải để khóc Tố Như Tiên Sinh, mà để tưởng niệm Đại Thi Hào Nguyễn Du.
Xin mời quí vị cùng chúng tôi đứng dậy, dành một phút tưởng niệm Đại Thi Hào Nguyễn Du của dân tộc Việt Nam chúng ta…”
Tất cả người Việt trong hội trường đã đứng bật dậy, cùng cúi đầu tưởng niệm Đại thi hào với lòng kính trọng vô biên.
Tiếp theo là nhạc phẩm Tình Ca của Phạm Duy song ca bởi 2 nữ ca sĩ Kim Khuê & Mi Lăng thực tuyệt vời, trong đó có câu "Một yêu câu hát Truyện Kiều. Lẳng lơ như tiếng sao diều làng ta". 
Dứt bài hát đượm tình tự quê hương, thi văn sĩ Quốc Nam lên diễn đàn nói về tiểu sử Đại thi hào Nguyễn Du từng được UNESCO (Tổ Chức giáo dục, khoa học & văn hoá Liên Hiệp Quốc) vinh danh là "Danh Nhân của Thế Giới". Cụ chào đời ngày 3 tháng 1 năm 1766 tại Thăng Long, và tạ thế ngày 16 tháng 9 năm 1820, lúc 54 tuổi. Cụ sáng tác nhiều tác phẩm bằng chữ Nho và chữ Nôm. Tác phẩm chữ Nôm nổi bất nhất của cụ Nguyễn Du là Đoạn Trường Tân Thanh tức Truyện Kiều gồm 3254 câu thơ lục bát bất hủ. Thời VNCH, Truyện Kiều được đưa vào chương trình trung học và đại học Văn Khoa. Tuy nhiên hơn 40 năm qua, tác phẩm này rất ít được học tại quốc nội, và ngay tại hải ngoại cũng không được giảng dậy tại các Trường Việt Ngữ. Trước tình trạng bi đát này, Cơ Sở Văn Hóa Đông Phương đã cùng với một số văn nghệ sĩ Miền Tây Bắc Hoa Kỳ quyết định thực hiện một sinh hoạt văn học nghệ thuật chủ đề "Truyện Kiều với đại thi hào Nguyễn Du" để đốt lên một ngọn lửa cho mọi con dân Việt tìm đọc và nhắc nhở các thế hệ tương lại hãy bảo tồn nền văn hóa Việt-Tộc với Truyện Kiều Nguyễn Du tới hàng ngàn năm nữa.
Ba diễn gia thâm cứu Truyện Kiều đã lên sân khấu nói về một số nét đặc sắc trong tác phấm này của đại thi hào Nguyễn Du, gồm:
– Thi sĩ Song Xuyên 80 tuổi sau khi kể nhiều câu thơ Kiều được xử dụng trong dân gian, ông phân tích sự "GHEN" độc đáo trong Truyện Kiều.
– Thi sĩ Lam Nguyên (tác giả thi tập chữ Nho "Mặc Tư" từng được giới văn học Hongkong khen ngợi) nói về những vần thơ chữ Nôm tuyệt tác của Truyện Kiều, với triết lý Phật Giáo ẩn chứa trong đại tác phẩm này. 
– Thi sĩ Trần Thế Phong thuyết trình về tính “nhân bản” trong Truyện Kiều. Ông phân tích tỉ mỉ qua 3 phần: Tình yêu lứa đôi, lãnh vực tình người và lãnh vực xã hội.
Mỗi diễn giả nói chuyện với cử tọa khoảng 30 phút. Một vị thức giả đến từ Portland nhận xét: Cả 3 vị diễn giả đều nghiên cứu nội dung Truyện Kiều rất kỹ.
Xen giữa các diễn giả
là tiết mục ngâm 4 đoạn thơ Kiều bởi nhà thơ Chính Tâm và nữ nghệ sĩ Phương Thu, từng được biết là hai giọng ngâm thơ hàng đầu tại tiểu bang Washington.
Đặc biệt nữ ca nhạc sĩ Hoài Trang đã trình diễn xuất sắc 2 nhạc phẩm phổ thơ Kiều của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, tựa đề là “Người đâu gặp gỡ mà chi & Chữ Tài chữ Mệnh”. Trang phục của cô khá giống Thuý Kiều trong bức tranh cổ. Có lẽ vì thế mà khi ca nhạc sĩ Hoài Trang trình diễn, một số khán giả đã la lên “Nàng Kiều, Nàng Kiều!”
Trước khi cô Hoài Trang hát nhạc bản Kiều đầu tiên, nhà báo Bùi Quốc Hùng (MC toàn bộ chương trình) đã giới thiệu Tác Giả phổ thơ Kiều nguyên văn như sau: “Nhạc sĩ/Kỹ sư Quách Vĩnh Thiện hiện là Viện Sĩ của Hàn Lâm Viện Nghệ Thuật Âu Châu. Ông là người Việt đầu tiên đã phổ nhạc nguyên văn tất cả 3254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Trong thời gian qua, nhạc sỉ tài hoa Quách Vĩnh Thiện đã được cộng đồng người Việt ở nhiều quốc gia đón chào ông vô cùng nồng nhiêt. Hôm nay, nữ ca nhạc sĩ Hoài Trang sẽ cống hiến quý vị 2 nhạc phẩm phổ thơ Truyện Kiều của nhạc sĩ/kỹ sư Quách Vĩnh Thiện. Trước tiên là nhạc phẩm "Người đâu gặp gỡ mà chi". Kính mời quý vị cùng thưởng thức…”
Ngoài ra, 10 cây đàn tranh của Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt dẫn đầu bởi nhạc sĩ đàn tranh/Bác sĩ Việt Hải, đã trình tấu 2 nhạc phẩm cổ truyền, được khán giả vỗ tay tán thưởng nồng nhiêt.
Saigon HD Radio ghi dấu 22 năm phục vụ đồng bào, với 150 ngàn 450 giờ phát thanh.
Trước khi mở ra phần thơ nhạc chủ đề "Truyện Kiều với đại thi hào Nguyễn Du", thi văn sĩ Quốc Nam (Tổng Giám Đốc Global Saigon HD Radio) trong diễn văn khai mạc đã gởi cảm tạ đến quý thính giả khắp nơi đã hỗ trợ tài chánh một phần nào cho Bổn Đài tồn tại được tới ngày hôm nay. Theo ông, có lẽ đây là đài Việt Ngữ duy nhất còn hoạt động được 22 năm qua, nhờ sự "donation" của một số quý thính giả và một ít thân chủ quảng cáo dài hạn. Nay thì nợ nần cũa Bổn Đài đã chống chất. Ông kêu gọi mọi giới đồng bào (nhất là quý cơ sở thương mại, dịch vụ) hỗ trợ tài chánh để Saigon HD Radio được tiếp tục phục vụ tập thể Người Việt Quốc Gia tại địa phương và nhiều nơi khác trên toàn cầu .
Một số vị quan khách đã lên diễn đàn khen ngợi sự đóng góp tích cực cho cộng đồng này suốt 22 năm qua, với tổng số 150 ngàn 450 giờ phục vụ. Đó là Hoà Thượng Thích Nguyên An, ông Phạm Quý Hậu (cựu Chủ Tịch Cộng Đồng Công Giáo VN Tổng Giáo Phận Seattle), ông Nguyễn Kim Long (Hiệu Trưởng Trường Việt Ngữ Chu Văn An) và cựu Hải Quân Thiếu Tá Trần Bá Hạnh. Kết qủa sơ khởi là quý khách hiện diện đã ủng hộ tổng số tiền tại chỗ hơn 2 ngàn Mỹ kim. 
Mở đầu chương trình ghi dấu 22 năm phục vụ của Saigon HD Radio là quốc ca hát bởi nữ sinh Lucy Nguyễn, quốc ca VNCH thì toàn hội trường đồng hát lớn, và phút mặc niệm.
Xen kẽ chương trình phần đầu là sự trình diễn của các nữ ca sĩ Kim Khuê, Mi Lăng, Thanh Loan và Hoài Trang.
Giới truyền thông báo chí trong vùng có mặt đông đủ, như các tuần báo: Việt Báo Miền Nam, Seattle Việt Times, Người Việt Ngày Nay, Saigon Nhỏ, Người Việt Tây Bắc v.v…
Quan khách gồm mọi giới đồng bào, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, trí thức, giáo dục, cựu Sĩ Quan Võ Bị Dalat & Trừ bị Thủ Đức, cựu Sĩ Quan Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, SVHS, gia đình HO, phụ nữ Mê-Linh v.v… Buổi tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du và kỷ niệm 22 năm phục vụ của Saigon HD Radio còn có sự hiện diện của quý khách phương xa, như Tiến sĩ Kim Thanh, nhà thơ/cựu Thiếu Tá CTCT Trịnh Đình Bội, nhà hoạt động cộng đồng Phạm Quốc Nam, nữ thi sĩ Song Phương và phu quân (đền từ Portland, Oregon) và Tiến sĩ Nguyễn Công Đàm (đến từ Chicago, Illinois).
Quan khách và quý đồng hương đã kéo đến tham dự quá đông đảo chương trình đặc biệt nêu trên. Họ ngồi ghế hoặc đứng chật kín hội trường của Cổ Lâm Pagoda (ngôi chùa đồ sộ nhất tiểu bang Washington). Ban Tổ Chức của Chiều Thơ Nhạc này gồm: Quý thi sĩ Phan Uy Nghi, Bùi Quốc Hùng, Hoàng Mai Nhất, Trúc Ngọc, Trần Thế Phong, Quốc Nam và nhân sĩ Nguyễn Hảo.
Kết thúc 2 phần chương trình là màn đồng ca nhạc bản "Chung khúc Việt Nam của Phạm Duy" bởi tất cả Ban Tổ Chức, các diễn giả và các nam nữ nghệ sĩ trình diễn, để tiễn khách ra về.
Được biết đây là lần đầu tiên một sinh hoạt văn hóa chủ đề lớn lao về "đại thi hào Nguyễn Du" thực hiện tại Miền Tây Bắc Hoa Kỳ và Canada. Saigon HD Radio đã xử dụng 3 cameras thu hình trực tiếp và sẽ phát hành bộ DVDs tạm gọi là "Ngọn lửa Truyện Kiều Nguyễn Du" để trao tặng những người Việt vẫn yêu ngôn ngữ Việt, như cố học giả Phạm Quỳnh khẳng định "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn".
Dư luận chung cho rằng Chiều thơ nhạc chủ để "Truyện Kiều với đại thi hào Nguy
ễn Du" tại đô thị Seattle ngày 10/10/2015 đã thành công hơn sự mong đợi của Ban Tổ Chức. Tiếc rằng "show văn hoá đầy ý nghĩa” như vậy không tổ chức ở California, nên không có sự ghi nhận hình ảnh của một số đài truyền hình lớn như SBTN, Viên Thao, Hồn Việt, VBS, VNA v.v…

Chú thích 5 tấm hình.-
22 ND-1: Quang cản hội trường. Photo by Master Trịnh.
22 ND-2: Ban Tế Lễ đại thi hào Nguyễn Du. Photo by Đặng Công Minh.
22 ND-3: Ca nhạc sĩ Hoài Trang hát nhạc phổ thơ Kiều. Photo by Đặng Công Minh.
22 ND-4: Đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt. Photo by Đặng Công Minh.
22 ND-5: Đồng ca nhạc bản "Chung khúc Việt Nam". Photo by TMNNews.