Chưa được phân loại,  Văn

Mầu Hoa Khế : Ông Tư Đờn

Bây giờ tóc trên đầu cũng đôi ba sợi bạc, tấm lòng vàng của hai vợ chồng ông tôi cứ thấy nặng mãi ở trong tim. Thôi thì cứ theo dòng đời đưa đẩy, nếu kiếp này không cho tôi gặp lại hai người, hai vị ân nhân giúp người không cần báo đáp. Cho tôi hẹn lại kiếp sau bởi nợ gì cũng trả được chứ nợ ân tình làm sao mà trả cho xong !?… Mầu Hoa Khế Oct. 28. 2009 *Tôn Tẩn: nhân vật trong Tam Quốc Chí

Ông Tư Đờn

  • Có một chuyện cứ để nằm trong bụng , lâu lâu lại thấy như có lỗi với người ta vậy đó. Dễ chừng đã hai mươi lăm năm, nhớ hồi dẫn con Cà Na đi vượt biên nó mới hai tuổi đui. Hai má con theo sự sắp đặt của mấy người tổ chức. Chạng vạng cở đâu sáu bảy giờ tối, có chiếc xe Honda chạy xề tới nhà, người đàn ông mặt mày lạ hoắc bước vô nhà lấm la lấm lét như đi ăn trộm đưa ra tờ giấy xếp tư được nhét sâu trong túi quần. Tôi đọc thì mới hay là phải đi theo người này tới chỗ “ém gà “là địa điểm của một căn nhà trong đường giây tổ chức vượt biên, đặng khuya lên “taxi” là cái thuyền máy nhỏ, ém cở mười người để đưa ra thuyền lớn đang đậu núp ở một cái góc khuất nào đã được ăn chia với công an địa phương. Hai giỏ đồ được chuẩn bị cả tuần lễ trước, gồm mấy bộ đồ, ít lương khô, con Cà Na còn nhỏ nên mua thêm một ống sửa giống như ống kem đánh răng, rủi khi lên tàu nó có đói thì nặn ra cho có chút chất bổ dưỡng. Quan trọng là phải có thêm cái áo ấm dày, chứ trên biển cả làm gì có lửa củi mà hơ. Tôi bồng con Cà Na trên tay, con nhỏ ngơ ngơ hai mắt tròn đen tưởng má bồng đi chơi, nó đâu biết từ giây phút này hai má con đang giao số phận cho ông trời định đoạt. Bà ngoại con Cà Na rưng rưng nước mắt, còn ông ngoại nó quay ngoắt lưng để che giấu sự xúc động mãnh liệt ,bởi tôi nhìn cái bờ lưng ốm nhách của ông già như đang run rẩy .Tôi bồng con mạnh dạn đi bương ra cửa leo lên xe HonDa của người ta mà mắt không dám nhìn ngoái vô nhà, mà có nhìn vô chắc tôi cũng chẳng thấy gì bị nước mắt đã oà ra như mưa . Tới điểm hẹn , thì có người đàn bà ra dấu bảo đi theo sau bằng khoảng cách xa xa, bả làm người tốt xách dùm hai giỏ đồ mà tôi đã để hết tâm trí lo lắng. Nào là mang cái này hay mang cái kia, thêm cái này, bớt cái nọ . Vậy mà ác nhơn hết sức, khi tôi xuống cái ghe nhỏ thấy có thêm tám người nữa ngồi sẵn ở đó. Thì con mẹ lách mình ở ngõ nào đem theo luôn hai giỏ đồ sinh tử của tôi. Tôi sững sờ có miệng cũng không nói ra lời, nghẹn đắng họng, đắng hầu. Người đi cùng chuyến cũng lặng câm, ai nấy đều có chung một sự lo lắng không biết phong hiểm ra sao, nhưng tâm sự thì mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nên cứ ngồi im mà ôn lại những gì đã có, đã qua trước giờ phút chia ly. Trời tối thật mau, tội con Cà Na không có chi ăn nằm trong lòng tôi khóc rấm rức, tôi thấy con khóc muốn đứt ruột rồi còn bị người cùng đi trừng mắt, khó chịu . Tôi thiệt là không biết kêu đâu cho thấu, chỉ biết ôm con dỗ sao cho mau nín , mà nó đói quá thì cũng lã người ra ngủ trên tay tôi . Chiếc ghe máy đi độ mấy tiếng thì ra tới sông Thủ Thiêm, chỉ chừng mười giờ đêm nhưng trên sông mênh mông thì thấy tối thui. Đang chạy ngon lành, trên ghe ai nấy cũng còn im thích chưa ai nói gì với nhau thì bỗng đâu nghe tiếng súng nổ, ban đầu nghe chừng ba phát, sau nghe thêm đùng đùng như đang tới gần chiếc ghe. Trên ghe bắt đầu hổn loạn, tôi nghe cái cậu trẻ lái ghe nói . – Chết mẹ rồi, công an tới rồi. Cả ghe nhốn nháo tròng trành như muốn lật nhào úp xuống nước, tôi quá hãi hùng càng ôm con chặt hơn. Tiếng cậu lái ghe lớn hơn giữa trời lồng lộng gió: – Bà con nghe tui , tui lủi vô chỗ cạn ai nấy nhanh chân nhảy xuống nhớ núp xuống xình nghen. Miệng chưa dứt câu cái ghe đã là là vô cái đám xình lau sậy ven sông. Trời tối không ai nhìn ra mặt ai, mọi người nhảy tủm xuống nước biến mất trong bóng đêm. Trên ghe chỉ còn hai má con tôi, thêm một ông già và một cô gái. Vừa lúc thuyền công an trờ tới bắc loa gọi bằng cái giọng bắc 75 đanh thép: – Mấy người bên kia bước ra lên thuyền mau. Vừa gọi vừa rọi đèn pha, họ thòng cho cái ván, cũng may khoảng cách gần xịch nên tôi ôm con bước lên không mấy khó khăn. Họ đưa vô một căn nhà giữa đồng không mông quạnh . Khi tới nơi thì tôi mới biết nơi đây đã có một số người cùng chung số phận với má con tôi. Cái đám người bắt chúng tôi nói có gì trong người phải nộp sạch . Cứ giống như mấy cuốn phim kiếm hiệp tôi coi trước đây là gặp phải bọn thảo khấu. Ai nấy đều lột ra hết bỏ trong cái nón lá .Còn tôi cái lá gan cũng to, dấu hai chỉ vàng cột trong đuôi tóc nhất định không lấy ra, ngẫm nghĩ nếu họ tìm thấy thì cứ giả ngu giả khờ kiểu Tôn Tẩn giả điên cho qua phà . Qua một đêm họ gọi là “mần việc”, sáng ra họ chở tới bến đò đưa ra trại giam ở Cần Giờ . Trên chuyến đò chúng tôi khoảng hai mươi người được 4 người công an đi theo canh giữ. Cùng đi trên tàu cũng có những người thường dân đi buôn bán. Họ thấy con Cà Na khóc vì đói nên có người hảo tâm cho nó cái bánh ú, tôi phải mâm mâm rồi đút cho con, hai tuổi mà ăn bánh ú dễ mắc nghẹn như chơi . Cả nhóm bị nhốt ở Cần Giờ mười ngày, thì nghe đâu tổ chức bỏ vàng ra xin chuộc, bị tôi đi cũng đã đóng trước 3 cây vàng, chờ tới đảo hay đâu đó thì đưa tiếp 3 cây vàng nữa . Ở tù thì ai mà chẳng biết nó cơ khổ tới mức nào, cũng nhờ có con nên tôi được châm chế cho mấy chuyện gọi là lao động . Nhà tù chưa xây cất thêm, nên nhóm người vượt biên được lùa chung ở một góc trại, chỉ có mái che chứ chung quanh trống rốc. Đêm trong tù lạnh lẽo, muỗi mòng, ai thấy con bé nhà tôi cũng thương, họ cho mượn cái khăn quấn kẻo bị muỗi cắn. Còn tôi thức trắng mấy đêm nằm đập muỗi cho con, phần lạnh buốt da không sao ngủ được . Có bà cụ cho mượn bộ đồ để thay , chứ đã năm ngày không tắm rữa hôi hám như ăn mày. Còn con Cà Na, thì có cái khăn quấn, nên hai Má con mang hai bộ đồ đi xã nước lạnh câu từ cái giếng nhỏ, chỉ có nước lên vào buổi sáng chứ tới trưa là cạn queo rồi mang ra phơi ở hàng rào kẽm gai để có mà thay đổi . Suốt mười ngày trong trại tù ở Cần Giờ, con Cà Na dễ thương hay không biết má nó dễ thương mà nó ngày được trái chuối, ngày được củ khoai. Lúc đi lấy cơm tù phần cơm cũng nhiều hơn người khác. Tối tối được nghe một người tù hát cải lương, hát hay như Út Trà Ôn nên ông trưởng trại tù cũng nghiền nghe. Sau mười ngày cam khổ, cả nhóm vượt biên được thả ra cùng một lúc, một số người có người nhà đến đón. Lúc này thì tôi mới biết là cùng một đường giây tổ chức. Hai má con được thả ra khỏi trại giam vào lúc 5 giờ chiều, bơ vơ nơi đất Cần Giờ, có hai chỉ vàng mà đâu dám lấy ra bán sợ này sợ nọ. Cũng may mắn số người được ra cùng ngày họ có gì thì đưa hết cho tôi, trong giỏ đồ có ít bánh. Tôi nghĩ thôi đêm nay ra sạp chợ ngủ đại một tối, bị sáng sớm mới có chuyến tàu về Vũng Tàu vào lúc 6 giờ sáng. Đang lúc bồng con trên tay lơ ngơ đi tìm coi chợ nằm ở đâu. Lúc đi ngang qua một tiệm may đồ, thì thấy có hai vợ chồng tuổi chừng bốn mươi đưa tay ngoắc hỏi: – Phải mới trỏng ra hôn? Nhìn gương mặt hiền lành chất phát của họ, tôi gật đầu xác nhận. Người vợ đứng lên ra nắm tay tôi dắt vô cửa tiệm. Nói là cửa tiệm chứ căn nhà rất nhỏ độ bề ngang 4 mét bề dài 6 mét , họ ở trên gác còn bên dưới thì mở tiệm may. Vô tới nơi ông chồng lên tiếng: – Tối nay tui cho ở rồi sáng mai ra bến đò mà về. Ông quay qua bà vợ dặn dò cơm nước rồi chỉ ra mé sau cho hai má con được tắm một bữa thoả thích. Nước ngọt ở xứ này cũng phải mua, chứ giếng đào chỉ có nước lờ lợ không dùng được. Tối đến được ăn cơm trắng, canh chua với tôm thẻ kho rim. Bữa ăn hôm đó tôi nhớ suốt đời, cái tài nấu nướng của hai vị ân nhân và khắc sâu ân tình của họ. Sau bữa cơm họ giăng cho tấm mùng thật lớn trên gác, họ nhường chỗ ngủ cho hai má con, còn họ thì ngủ dưới nhà. Đúng 5 giờ sáng họ lên đánh thức, không thôi tôi đã bị ngủ mê, một giấc ngủ ngon kể từ lúc bị bắt mới có được . Ông chồng đưa hai má con ra bến đò, tôi nắm tay bà vợ mà nước mắt muốn trào nói lời cám ơn tận đáy lòng. Ra tới bến đò vị ân nhân mua cho tôi ly cà phê đen uống cho ấm bụng, mua cho con Cà Na cái bánh giò chéo quảy. Tàu cũng vừa trờ đến, tôi loay hoay định nhờ ông bán dùm chỉ vàng để làm lộ phí. Ông xua tay cầm ít tiền dúi vô tay rồi hối thúc tôi lên tàu cho kịp chuyến. Tới giây phút đó tôi mới thấy mình đoảng hậu ghê, tên của hai vợ chồng ông tôi chưa hề biết, chỉ nghe kêu là ông Tư. Người miền Nam tên theo thứ tự thì quá nhiều tên gọi như thế làm sao sau này tìm mà trả lại cái ơn nghĩa này. Tôi đứng vô tàu ngoái mặt ra ngoài hỏi: – Ông Tư ơi.. ông tên là gì ? Ông cười sảng khoái nói – Ở đây ai mà không biết ông Tư Đờn . Con tàu nổ máy lướt ra khỏi bến, trời lờ mờ sáng tôi vẫn còn thấy bóng ông Tư Đờn đứng im trên bến nhìn theo . Ông Tư Đờn, đã trên hai mươi lăm năm tôi chưa hề trở lại Cần Giờ. Bây giờ tóc trên đầu cũng đôi ba sợi bạc, tấm lòng vàng của hai vợ chồng ông tôi cứ thấy nặng mãi ở trong tim. Thôi thì cứ theo dòng đời đưa đẩy, nếu kiếp này không cho tôi gặp lại hai người, hai vị ân nhân giúp người không cần báo đáp. Cho tôi hẹn lại kiếp sau bởi nợ gì cũng trả được chứ nợ ân tình làm sao mà trả cho xong !?… Mầu Hoa Khế Oct. 28. 2009 *Tôn Tẩn: nhân vật trong Tam Quốc Chí

Email được gửi lúc: 23:34:18 – 19/07/2010

Màu Hoa Khế
Theo: Văn Thơ Lạc Việt