Tài liệu

KỶ NIỆM VỚI LƯU QUANG VŨ

KỶ NIỆM VỚI LƯU QUANG VŨ

BÙI CHÍ VINH

Một trong những kẻ sĩ ngoài Bắc đầu tiên mà tôi tiếp xúc sau 1975 là Lưu Trọng Văn, con trai thi sĩ tiền chiến Lưu Trọng Lư. Ngay từ hồi mới quen, Lưu Trọng Văn đề nghị tôi nên viết hồi ức về những gì mà chính tôi nếm trải trong chiến tranh. Tôi trích từ tự truyện HAI HÀNG DỌC, TRƯỚC THẲNG vừa hoàn thành trong tháng 5 – 1975 ra một chương gần cuối đặt tựa là “LOÀI CHIM ĐI BIỂN” và gửi Lưu Trọng Văn đăng báo Văn Nghệ Trung Ương ngoài Bắc. Các bạn nên biết bốn chữ LOÀI CHIM ĐI BIỂN thoạt nghe có vẻ cực kỳ thơ mộng, nhưng thực chất đó là tên gọi triển khai một cách hài hước của bốn từ “LAO CÔNG ĐÀO BINH” gọi tắt là “LCĐB”, là tên gọi chung những sĩ quan binh lính Việt Nam Cộng Hòa đào ngũ, bỏ ngũ, phản chiến, bị giam ở quân lao, cuối cùng gom lại tập trung đưa đi làm lao công chiến trường như một thứ “bia đỡ đạn” . LCĐB còn được gọi nôm na là “Lũ Chó Đái Bậy” hoặc “Lính Chiến Đồng Bằng”… Ngay khi vừa xuất hiện trên mặt báo, truyện ngắn LOÀI CHIM ĐI BIỂN đã gây tiếng vang và được dư luận ngoài đó nhận xét như một thứ bút pháp lạ.

Image result for lưu quang vũ
Lưu Quang Vũ

Qua Lưu Trọng Văn, tôi có dịp làm quen với cặp vợ chồng nhà thơ nổi tiếng ngoài đó là Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh. Tôi có một kỷ niệm riêng đặc biệt với Lưu Quang Vũ một đêm ở Hồ Con Rùa mà không tiện kể ra đây. Chỉ biết lúc đó anh đã kể với tôi về thời gian tuyệt vọng không lối thoát khi B52 dội bom miền Bắc, thậm chí anh đã có ý định tự sát dưới mưa bom (nhưng bất thành) khi tổ chức và đồng nghiệp tỏ ra nghi ngờ lòng yêu nước của mình. Cuối năm 1977 Lưu Quang Vũ là một trong vài người ngăn cản tôi đi bộ đội khi tôi cho anh xem những lá đơn tình nguyện ra biên giới chiến đấu. Bằng kinh nghiệm cá nhân của một người cầm súng phía Bắc, có lẽ anh hiểu rằng tôi không thích hợp với trò chơi phe nhóm của chiến tranh. Kỷ niệm văn nghệ của chúng tôi được ghi nhận bằng tuyển tập thơ NHÌN NHAU VÀ NÓI do tôi và anh Tôn Thất Mạnh Tường phụ trách tập hợp, đặt tên và biên tập. Trong tuyển tập thơ NHÌN NHAU VÀ NÓI ra đời cuối năm 1975 mang ý nghĩa thống nhất thơ ba miền do Thành Đoàn xuất bản này, tôi đã chọn một bài thơ của Lưu Quang Vũ dù lúc đó chưa quen biết anh. Bài thơ nói lên tâm trạng trống rỗng của người lính sau khi đất nước thống nhất, bài thơ độc đáo đối với độc giả phương Nam bởi không nằm trong dòng chảy của thơ minh họa và thơ đồng phục. Bài thơ ăm ắp tính người. Đáng tiếc đến giờ này kho sách của tôi đã bị mất tuyển tập đầu tiên ấy.

Kỷ niệm riêng với tôi và Lưu Quang Vũ một đêm ở Hồ Con Rùa thực ra khá lãng mạn nếu không có bài thơ RAU MUỐNG của tôi chen vào. Đêm đó khi Lưu Quang Vũ phác thảo về những vở kịch của anh và yêu cầu tôi đọc thơ thì tôi đã chọn bài mang tựa nêu trên để trắc nghiệm sự chịu đựng của anh. Còn phải hỏi, tôi là dân gốc Nam Định nhưng sinh ra ở Sài Gòn, ở xứ sở của những người trọng nghĩa khinh tài, ăn ngay nói thẳng, dám chơi dám chịu nên không thể giả dối với ai hoặc lắt léo theo kiểu miền Bắc. Tôi đã đọc bài thơ làm anh choáng váng:

RAU MUỐNG

Các bạn đã sống một thời hiếm hoi cá thịt
Các bạn chiêm bao nhà ngói cây mít
Và ước mơ một cái ao rau muống trong vườn
Các bạn hết còn tin trái đất có thiên đường
Thiên đường trước mặt là cái hàng rào có khóa

Các bạn rủ nhau vào Nam và trở thành khá giả
Chiêm bao và ước mơ có dịp được nhân lên
Các bạn được nhân lên ngay cả niềm tin
Năng nhặt chặt bị bằng túi tiền nửa nước
Các bạn viết kịch thành công mà không tự mình diễn được
Bởi những nhân vật lớn vẫn còn nguyên trong những hàng rào
Các bạn định dùng văn chương làm chìa khóa à ? Còn lâu !

Dù có cố gắng thủ vai cho đến lúc bạc đầu
Các bạn cũng không thoát khỏi những cọng dây rau muống…

Coi, phải nói rằng tôi khâm phục sức chịu đựng của Vũ. Sau một phút lặng người, anh đã cười ha hả quàng vai tôi và nói như khóc: “Tôi muốn làm thơ như ông nhưng không làm được, và có làm được cũng không đạt được”.
Năm 1994, ra Bắc tôi không còn cơ hội gặp Lưu Quang Vũ. Đơn giản là vì anh đã chết một cách bất đắc kỳ tử. Bất đắc kỳ tử đến độ cái chết của anh tới bây giờ vẫn còn là một dấu hỏi với quá nhiều lời giải đáp. Tôi chỉ biết tưởng niệm hai vở kịch NHÂN DANH CÔNG LÝ và TÔI VÀ CHÚNG TA của Võ Khắc Nghiêm – Doãn Hoàng Giang và của anh như sau:
CÔNG LÝ là một KÝ LÔNG
Lúc cân, chẳng biết phải NHÂN DANH gì ?

Mới đầu TÔI VÀ CHÚNG TA
Đến khi màn khép TAO VÀ CHÚNG BAY !


BCV
(Trích hồi ký GIAI THOẠI CỦA THI SĨ)