Tạp ghi

Hoàng Thảo : Dòng chữ HS.TS.VN

Bài từ blog: 1975hoangthao.multiply.com

Chúng tôi là những sinh viên vùng cao miền Tây Bắc của tổ quốc. Những ngày học ở dưới xuôi, chúng tôi thường hay thấy các bạn sinh viên dưới đó kẻ dòng chữ HS.TS.VN. Rồi đọc ở những trang mạng như bauxite, danluan, chantroimoi… chúng tôi mới biết các bạn sinh viên khắp các tỉnh thành trong cả nước đang thể hiện mãnh liệt tinh thần yêu nước, bảo vệ chủ quyền lãnh hại, quần đảo trước sự xấm lấn của giặc Tầu bằng dòng chữ trên.

Mấy anh em chúng tôi nói với nhau, chả lẽ quê mình không có những dòng chữ này sao? Quê mình ngay sát biên giới Tầu, nhất định cần phải có, không thể thua kém các bạn tỉnh khác. Hè rồi về quê, anh em chúng tôi chở nhau bằng xe máy đi dọc con đường từ Lai Châu sang đến Điện Biên để thực hiện việc kẻ dòng chữ yêu nước như các bạn dưới xuôi đang làm.


Lúc đầu chúng tôi kẻ dòng chữ HS.TS.VN được mấy nơi. Lúc sau bọn tôi thấy dân đi qua họ nhìn như không hiểu. Mấy anh em bàn nhau viết tắt thế này, bà con ở đây kém thông tin, không hiểu được đâu. Phải viết rõ thôi, thế là chúng tôi quyết định viết xen kẽ, cứ dòng HS.TS.VN lại đến dòng chữ rõ ràng Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam. Khi viết dòng chữ rõ ràng này thì có một ông trung niên đến hỏi tại sao các cháu lại viết thế. Chúng tôi trình bày về sự an nguy của hai quần đảo này trước tham vọng của bọn Trung Quốc và tình hình thanh niên cả nước đang nỗ lực kẻ những dòng này, riêng tỉnh nhà ta  giáp biên giới với Trung Quốc mà lại chưa có, nên chúng cháu phải kẻ. Người đàn ông nghe xong tức giận nói:


– Chú cũng là lính biên phòng hồi chống Tàu đây, chúng mày kẻ như thế chưa đủ, phải viết thêm vào cho chú câu ” đéo phải của Tầu”.

Chúng tôi nói cho chú biết, mình làm thế này cần phải văn minh, nói như thế người đọc không thiện cảm. Người đàn ông càng tức hơn, chú ấy quát:

– Mẹ, ở đây miền ngược không như dưới xuôi, cái gì cũng phải thẳng luôn. Chúng mày sợ không dám làm thì sơn làm gì. Mày viết đi để bà con đây đọc xong, tao sẽ giải thích. Chứ viết của Việt Nam thì người ta chả hiểu gì hết. Chúng mày có viết không thì để tao viết.

Anh em chúng tôi nhìn nhau, sau cũng đành gật đầu chiều ông cựu chiến binh máu nóng đó. Thế là thành dòng chữ Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam lại thêm cái đoạn Đéo Phải Của Tầu ở phía dưới là vậy.

Sang đến địa phận khác, đang viết thì có một thanh niên dân đi qua bỗng đứng lại nhìn. Hỏi chuyện chúng tôi, nghe chúng tôi giải thích. Anh ấy giằng lấy cái bình xịt nói

– Các chú cho anh viết với.

Anh viết xong dòng chữ Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam xong, yêu cầu chúng tôi chụp tấm ảnh làm kỷ niệm. Chúng tôi hỏi chụp ảnh này công an  biết anh viết, bắt anh xóa hết tất cả thì sao. Anh ấy nói:

– Tao làm đường đoạn này, bắt tao xóa hôm nay, ngày mai tao lại viết. Bọn mày để lại cho tao cái bình sơn. Tao làm đến chỗ nào đẹp tao sơn mấy nhát.

Chúng tôi tiếp tục đi, vì trời đổ mưa, sơn không ăn vào tường, thành cầu nên chúng tôi dừng lại. Tuy thế cũng điểm lại gần 300 cây số của hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu đã rải rác những dòng chữ Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam. Có lúc đang sơn có những chiếc xe biển xanh chạy qua, nhưng anh em chúng tôi không hề nao núng vẫn cố sơn thật nắn nót. Chúng tôi bảo nhau mình làm phải đàng hoàng, nắn nót để chọ họ (chính quyền) khi thấy mình làm, hay khi đọc những dòng chữ ngay ngắn đầy đủ họ càng phải ý thức về tâm nguyện của thanh niên. Một tâm nguyện cực kỳ chính đáng mà nhà nước cần phải quan tâm.

Thế là vùng Tây Bắc xa xôi của tổ quốc cũng không hổ thẹn với các bạn dưới xuôi. Những dòng chữ đỏ thắm tình yêu quê hương đất nước đã được thể hiện đầy đủ, rõ ràng trên những tuyến đường quốc lộ đông người đi lại. Thông điệp về tình yêu quê hương, về ý chí khẳng định chủ quyền đất nước đã được ghi dấu rành rẽ trên hai tỉnh Điện Biên, Lai Châu. Dù ở vùng núi cao địa đầu tổ quốc nhưng tấm lòng của người miền núi vẫn hướng tới những quần đảo xa xôi của tổ quốc mãi ngoài khơi. Những người ngư dân Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Khánh Hòa và những người sơn tràng Điện Biên, Lai Châu mãi mãi là cùng một dân tộc Việt Nam, sẽ gắn bó chung cùng số phận không phân biệt vùng miền. Bởi bất cứ một miếng đất, vùng biển, hòn đảo nào của đất mẹ Việt Nam bị cắt lìa đều gây đau đớn cho đất mẹ Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục kẻ những dòng chữ này trên quê hương mình, và vận động các bạn ở quê hương cùng góp tay để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi trong ý thức, tâm khảm người Việt Nam dù ở bất cứ đâu đều phải ghi khắc rằng là của chúng ta, của dân tộc Việt Nam, của đất mẹ Việt Nam hàng ngàn năm lịch sử.
 


http://1975hoangthao.multiply.com/journal/item/3/3?replies_read=1

Nhóm Thanh Niên Hành Động Vì Đất Nước Dán Tờ Rơi HS.TS.VN

Giới Trẻ "Đói" Thông Tin Về Biển Đông

 

Nguồn: Tumasic.tk

– Sáng hôm nay, thông tin về sự xuất hiện của "nhóm Thanh niên hành động vì Đất nước" được làn truyền đi nhanh chóng, kèm theo những thông tin về hành động dán tờ rơi có in chữ "Hoàng Sa Trường Sa Là Của Việt Nam" tại một số địa điểm ở thành phố Sài Gòn và thành phố Biên Hòa.

Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Văn Tân, "nhóm Thanh viên hành động vì Đất nước" có một số thanh niên đã tham gia vào cuộc biểu tình của sinh viên – học sinh trước Đại sứ quán Trung Quốc cuối năm 2007 để phản đối âm mưu xâm chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của họ. "Những cuộc biểu tình này đã bị chính quyền Việt nam ngăn cản. Chúng tôi có người đã phải bỏ học vì áp lực của nhà trường, sau khi bị công an kêu lên thẩm vấn, làm khó khăn. Từ đó, anh em xuống tinh thần, không dám làm gì, mặc dù sự bức xúc đối với các vấn đề biên giới, hải đảo và chủ quyền đất nước vẫn còn nguyên vẹn", họ nói.

Hoàng sa trường sa là của Việt Nam

Tờ rơi "Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam" của nhóm Thanh niên hành động vì Đất nước trên một tấm biển quảng cáo.  (ảnh: nhóm Thanh niên hành động vì Đất nước )

Tuy nhiên, sau khi thông tin về hành động phát tờ rơi "kêu gọi toàn dân Việt hãy phát huy hào khí dân tộc, chống lại tham vọng xâm lấn của Trung Quốc" của Ủy ban phối hợp hành động vì Dân Chủ được lan đi, những thanh niên này đã tỏ ra rất phấn chấn, hào hứng vì " Ít ra người Việt Nam đã không bất lực ngồi yên để bọn Trung Quốc tiếp tục lấn lướt, trước sự đồng lõa của chính quyền hiện nay".

Những thanh niên trong nhóm này cho rằng sự lấn lướt của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp chủ quyền, đặc biệt các vấn đề trên biển Đông, là do sự đồng lõa của chính quyền Việt Nam.

Hoạt động được nói trên của nhóm Thanh niên hành động vì Đất nước được thực hiện 1 tuần trước, ngày 22/04, sau khi đã bàn bạc kĩ lưỡng nhằm mục đích "góp phần thúc đẩy một số người Việt Nam khác mạnh dạn bày tỏ ý kiến" và "nói lên tinh thần yêu nước", tiếp tục những nỗ lực mà Ủy ban phối hợp hành động vì Dân Chủ đã thực hiện đầu xuân Canh Dần năm nay.

Họ nói sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tương tự tại nhiều nơi và dưới nhiều hình thức khác nhau. Chia sẻ những suy tư của mình về thái độ của thanh niên Việt Nam nói chung với những vấn đề của đất nước, đặc biệt là vấn đề chủ quyền dân tộc, đại diện nhóm Thanh niên hành động vì Đất nước nói "hy vọng là dấy lên được một phong trào "thanh niên hành động vì đất nước". Vì đối với chúng tôi, chỉ khi nào thanh niên Việt Nam ý thức được đất nước đang lâm nguy và nhập cuộc bằng nhiều cách thức khác nhau, thì mới hy vọng thay đổi được tình hình, buộc chính quyền Việt Nam phải dứt khoát hơn thái độ đối với bọn bá quyền Trung Quốc".

Gần đây, một số thanh niên ở Hà Nội, Sài Gòn, … đã có những hành động thiết thực để lên tiếng về quyết tâm bảo vệ chủ quyền của dân tộc Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi người.

hoàng sa trường sa là của việt nam

hoàng sa trường sa là của việt nam

việt nam

hồ chí minh city

Tờ rơi với nội dung yêu nước của nhóm Thanh niên hành động vì Đất nước được dán trên biển quảng cáo, cột điện, … tại thành phố Sài Gòn và Biên Hòa ngày 22/04. (ảnh: nhóm Thanh niên hành động vì Đất nước )

Hiện nay, sự nhận thức của một bộ phận giới trẻ Việt Nam về mối đe dọa đối với chủ quyền dân tộc đã phát triển rõ rệt, thông qua những hành động phun chữ "HS.TS.VN" lên tường, phát tờ rơi, phát áo mũ có in nội dung "Hoàng Sa – Trường Sa Việt Nam", … cùng những hình thức độc đáo khác. Tuy nhiên, vẫn còn đại đa số thanh niên Việt Nam tỏ ra thờ ơ với vấn đề này, hoặc muốn tìm hiểu cũng không biết tìm hiểu ở đâu.

Người Trẻ "Đói" Thông Tin Về Biển Đông

(PV Phương Loan – VNN)

"Việt Nam không thể im lặng để chịu cảnh bị lấn lướt trên Biển Đông, cầncông khai hóa, cho thế giới được biết những hành động sai trái của bên kia. Và quan trọng hơn, phải công khai với người dân mình trước", nhà nghiên cứu Dương Danh Dy trò chuyện với sinh viên ĐH Ngoại thương.

Chiều 26/4, hội trường nhà D, ĐH Ngoại thương chật cứng sinh viên. Họ đến để thỏa cơn khát thông tin về chủ quyền biển đảo, về số phận của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, về những diễn biến mới nhất xung quanh vấn đề trọng đại này của đất nước.

Gần 300 cánh tay đã cùng giơ lên khi được hỏi, liệu các bạn có biết quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang nằm trong tay Trung Quốc? Và cũng ngần ấy con người ngậm ngùi trước câu hỏi, liệu có ai trong số các bạn biết sự thật đau lòng ấy trước khi vào cổng trường đại học.

Đói thông tin là nỗi niềm chung của sinh viên khi trao đổi với hai vị khách mời, TS sử học Nguyễn Nhã, và nhà nghiên cứu Dương Danh Dy.

vietnam

TS Nguyễn Nhã trong một buổi triển lãm tư liệu về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Ảnh: vapa.org.vn

Nam sinh viên tên Đức tâm sự. "Ngay bây giờ, ở quê, bạn bè và thế hệ cha mẹ em vẫn nghĩ, Việt Nam vẫn còn quần đảo Hoàng Sa".

Thế nên, trong suốt ba tiếng trao đổi về chủ quyền Biển Đông, phòng hội thảo luôn chật kín, với những khuôn mặt sinh viên háo hức lần đầu được chính thức cho biết thông tin và vui buồn với những thông tin mới mẻ về vấn đề trọng đại của đất nước.

"Chất vấn" trưởng ban tổ chức Hội thảo, Bí thư Đoàn trường Ngoại thương, anh Nguyễn Văn Triệu đang là giảng viên sử, về trách nhiệm của người dạy sử khi sinh viên kêu "đói" thông tin, anh cho hay: "Không thể trách được người dạy sử… Không phải chúng tôi không nói cho sinh viên hay, nhưng chỉ ở một phạm vi, mức độ nhất định mà thôi".

"Đến các nhà nghiên cứu, biết cả đấy, nhưng chia sẻ được hay không, ở mức độ nào là cả một vấn đề", anh trăn trở.

Ngay ý tưởng tổ chức cuộc tọa đàm cho sinh viên về chủ quyền biển đảo đã được Đoàn trưởng ĐH Ngoại thương đưa ra từ năm ngoái, thế nhưng cũng chờ đợi sau một năm mới tổ chức.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy không dưới 3 lần đã nhắc lại sự dũng cảm của ban lãnh đạo và Đoàn trường Ngoại thương khi đã dám chấp nhận điều kiện "được nói thẳng, nói thật" của ông.

"Thời gian qua, với vấn đề Biển Đông, Đảng, Nhà nước ta cũng đã làm được nhiều việc: từ chỗ im lặng đến chỗ lên tiếng, từ chỗ phiếm chỉ, chúng ta đã nêu đích danh thủ phạm", ông Dy ghi nhận.

Theo ông Dy, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn điều này. "Phải nói rõ cho nhân dân, cho đảng viên chúng ta biết, vấn đề là thế này, chủ trương của ta như thế này… Người dân Việt Nam chúng ta cần được biết".

Ông Dy cho hay, với Trung Quốc, vấn đề Biển Đông không chỉ là chuyện bá quyền, nước lớn, mà còn là vấn đề sống còn. Sau mấy chục năm phát triển quá nhanh, Trung Quốc đang đối mặt với sự cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, hoang hóa đất đai, và họ gửi gắm phần đền bù tài nguyên đó ở Biển Đông.

Vì thế, vấn đề Biển Đông càng trở nên phức tạp, khó giải quyết hơn.

Hơn nữa, dẫn báo chí chính thống Trung Quốc, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy cho hay,"Trung Quốc đã chuẩn bị xong cho dư luận về việc sẵn sàng thu phục Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực. 92% của hơn 300 triệu dân mạng Trung Quốc tán thành chủ trương đó"

"Việt Nam chúng ta thì sao?", ông Dy đặt câu hỏi. "Rồi mới đây, chính quyền Quảng Đông đã cho phép đấu thầu các hòn đảo không người ở. Nếu một ngày, Quảng Tây cũng sẽ làm như vậy, quần đảo Trường Sa của chúng ta sẽ ra sao?"

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy chỉ rõ "muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, muốn hòa bình, chúng ta phải bàn thảo, và cả thỏa hiệp".

Đồng thời, Việt Nam cũng phải tập trung xây dựng thực lực cho mạnh. Việt Nam không chạy đua vũ trang, không hiếu chiến, nhưng chúng ta phải tự trang bị để bảo vệ mình.

"Chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc về Việt Nam, nhưng chúng ta phải biết nhân nhượng, hòa hợp. Phải gỡ cho được mọi mâu thuẫn có thể gỡ được", ông Dy nói. "Bên nào cũng đòi hết, thì chỉ có cách cầm súng, mà như thế, không ai là người có lợi. Cả Việt Nam, Trung Quốc và các nước liên quan đều phải tính".

Ông nói thêm, Việt Nam muốn ngả ván bài này cũng không dễ, nếu không muốn đối tác nghĩ mình ở thế yếu mà dấn hơn lên. "Phải trí tuệ, bản lĩnh, nghệ thuật mới làm được".
"Trung Quốc sợ đa phương hóa, muốn giải quyết song phương để bẻ từng que đũa cho dễ. Ta càng phải đa phương hóa, tận dụng tối đa đối tác.
Trung Quốc ngại công khai hóa, ta càng phải nêu rõ cái sai của Trung Quốc đối với chủ quyền Việt Nam, để được sự ủng hộ của quốc tế".

"Việt Nam không thể im lặng mãi để chịu cảnh bị lấn lướt trên Biển Đông, phải công khai hóa, cho thế giới được biết những hành động sai trái của bên kia. Và quan trọng hơn, phải công khai với người dân mình trước".

Các diễn giả cũng nhắn nhủ sinh viên chủ động tìm kiếm và trao đổi thông tin. "Mỗi người góp một tiếng nói, chúng ta sẽ được lắng nghe. Nhìn thực tế sẽ thấy, họ biết và họ có lắng nghe", ông Dy nhắn nhủ.

TS Nguyễn Nhã nói: "Bất cứ ai có hành động làm cho dân tộc suy vong, yếu hèn, kẻ đó làm có tội với tổ tông, dân tộc". Làm tốt công việc của mình, đóng góp cho cuộc đấu tranh chủ quyền của Tổ quốc là cách để người trẻ sống có ích và trách nhiệm.

Bởi như một bạn sinh viên ngoại thương phát biểu: "vô cảm với vấn đề Biển Đông cũng đã là có tội với tổ tông".

Và ngược lại, theo anh Nguyễn Văn Triệu, "với những vấn đề hệ trọng của quốc gia dân tộc như Biển Đông, Đảng, N
hà nước cần chủ động cung cấp thông tin cho người trẻ, thu hút sự quan tâm của họ. Khi quan tâm, biết dân tộc mình đang như thế nào, ở đâu, có khó khăn gì, cơ hội gì, người trẻ sẽ được đánh thức, sẽ biết mình làm gì để góp vào sự vươn lên của đất nước"
.