Bình luận

GS Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh: NGUY VÀ CƠ

GS Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh: NGUY VÀ CƠ

Mấy tuần trước, Giáo sư David M. Kennedy dạy lịch sử tại Đại học Stanford, đã nhắc đến từ “nguy cơ” của chữ Hán và tách rời hai chữ “nguy” và “cơ”, để dùng phép ẩn dụ chỉ ra rằng trong hiểm họa cũng có cơ may. Trong lịch sử Mỹ, Franklin. D. Roosevelt (Dân chủ), năm 1920 đã viết một câu nhận định có nhiều ý nghĩa cho đảng ông: “Đảng Dân Chủ không có hy vọng lên cầm quyền, trừ phi đảng Cộng Hòa đưa đất nước đến một thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng”. Mười năm sau, trong thập niên 30, nước Mỹ lâm vào một nạn suy thoái kinh tế nguy hiểm hơn Roosevelt dự tưởng, khiến ngày nay người ta gọi đó là một cuộc “đại suy thoái” của Mỹ. Năm 1933, F. D. Roosevelt được bầu làm Tổng Thống và ông đã từ trần năm 1945 vào giai đoạn chót của Thế chiến II. Ngày nay lịch sử ghi nhận sau TT Lincoln, F. D. Roosevelt là vị Tổng Thống vĩ đại đứng hàng thứ 2 của nước Mỹ.

Từ hơn 80 năm trước, nhận định của Roosevelt đã cho thấy sự tranh chấp chính quyền giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã gay gắt như thế nào. Ông đã để lại một bài học quan trọng cho hậu thế: “Hãy tìm sự thỏa hiệp giữa hai đảng để đưa nước Mỹ đi lên, vì chính đảng làm việc cho quyền lợi và hạnh phúc của dân chớ không phải vì quyền lợi riêng tư của đảng”. Thỏa hiệp luỡng đảng hay tinh thần làm việc lưỡng đảng, ai cũng nói được nhưng làm thì rất khó. Bài học của quá khứ ai cũng thích nói, nhưng lịch sử đã cho thấy quá khứ khác với hiện tại, và sẽ còn khác hẳn so với tương lai bởi vì trong chuỗi dài của lịch sử, nếp sống và tư tưởng của người dân tiến hóa hóa mỗi ngày một mạnh. Bởi vậy sự thỏa hiệp lưỡng đảng cần phải đặt trên một căn bản không phải chỉ ký kết một thỏa hiệp nhất thời, mà còn tạo ra một sự “giao ước mới” với người dân (chính trường Mỹ đã có từ gọi là New Deal), để vận động đa số dân chúng ủng hộ. Cái New Deal của đầu Thế kỷ 21 này vỏn vẹn nằm trong một cụm từ duy nhất: “An toàn cho người dân chớ không phải an toàn cho đảng”.

Vậy Tổng Thống Barack Obama ngày nay đã lãnh hội được bài học như thế nào? Và Quốc hội Mỹ đã làm gì để thực hiện sự giao ước xã hội mới với người dân? Ngay sau khi Obama được bầu làm Tổng Thống cuối năm 2008, người ta đã thấy đảng Cộng Hòa lên tiếng chỉ trích như thông lệ, rồi sau các phần tử cực đoan của đảng này đã tổ chức một mặt trận quy mô để chống đối mọi việc làm, mọi quyết định của TT Obama kéo dài trong suốt nửa năm đầu của 2009 mỗi ngày một quyết liệt hơn sau khi đảng Dân Chủ chiếm đa số ở cả hai viện Quốc hội. Nhóm cực đoan này đánh phá mọi chủ trương của đảng Dân Chủ trong các vấn đề đối ngoại, kể cả hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, và đặc biệt là các vấn đề đối nội, trong đó quan trọng nhất là tình hình kinh tế và ngân sách quốc gia. Về mặt này phe thiểu số cực đoan có sách lược là cứ phá phách mọi kế hoạch cho bằng được để đến năm 2012 kinh tế vẫn không ngóc đầu lên được là đảng của họ sẽ nắm phần chắc lấy lại được Bạch Ốc trong tay Obama.

Thế nhưng chính nhóm thiểu số này đang làm đảng Cộng Hòa rạn nứt, nhiều đảng viên ôn hòa, có óc cởi mở tỏ ra bực bội với nhóm cực đoan. Đảng Cộng Hòa là đảng bảo thủ, phần lớn những nhân vật quan trọng của đảng đều là những nhà đại tư bản. Những tư tưởng bảo thủ vẫn đáng quý ở một nước như nước Mỹ mới lập quốc có hơn 230 năm, chưa có truyền thống giá trị đạo đức giữ vững cả ngàn năm như các nước khác. Mặt khác chủ nghĩa tư bản đến một mức độ nào đó không phải là xấu, nếu biết tự loại bỏ lòng tham quá trớn và vô trách nhiệm. Tôi nghĩ phần đông người Cộng Hòa sẵn sàng tiếp nhận chủ trương “giao ước xã hội mới” do TT F.D. Roosevelt đề ra.

Nói chung những người Cha tạo ra Hiến pháp để khai sáng Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ đã thiết lập một nền trật tự chính trị đặt trên nguyên tắc “kiểm tra và quân bình”. Nguyên tắc này đã có lúc làm tê liệt hệ thống chính trị. Nó cản trở sự thích ứng mau lẹ với những thực tế của những thay đổi về kinh tế và xã hội của con người. Thành ra có khi nó đưa đến một trạng thái mà không một văn bản chính trị nào dư liệu được, đó là sự toa rập tệ hại giữa hiểm họa và cơ hội chủ nghĩa. Nói cách khác đó là nạn song hành của cặp “thí mạng cùi và lòng tham không đáy”.

Vậy Tổng Thống Obama đối phó với tình tình “nguy và cơ” lúc này như thế nào? Ngay lúc chưa hết tuần trăng mật 100 ngày, Obama đã bị các phần tử cực đoan của đảng Cộng Hòa đánh phá tơi bời. Tôi nghĩ một nhà luật học như Obama không ngạc nhiên chút nào trước tình trạng này. Mấy tháng trước, khi một ký giả trên TV hỏi ông có cảm thấy gánh quá nặng vì những cuộc khủng hoảng đang đua nhau đè lên đất nước này hay không, Obama nói “Lúc này đầy hiểm nguy, nhưng cũng đầy khả năng”. Đó là lúc hệ thống chính trị bắt đầu tiến lên một cách hữu hiệu.

Roosevelt thời xưa cũng không có lời phát biểu nào hay hơn thế. Vị Cựu TT vĩ đại của Mỹ đã chủ trương một sự cải cách mà trung tâm điểm là sự an toàn của người dân. Tiếc rằng cuộc Thế chiến II Mỹ lâm vào để đánh nạn độc tài Quốc xã đã khiến Roosevelt không có thời giờ thực hiện cuộc cải cách đó. Thế nhưng muốn được so sánh với Roosevelt, Obama cần được dư luận quần chúng Mỹ phán xét, không phải chỉ riêng việc ông cứu nguy nền kinh tế như thế nào, mà quan trọng nhất là ông đã biết nắm lấy cơ hội để thúc đẩy chúng ta có ý chí vùng lên tự chấn chỉnh và thích ứng với thời thế mới của Thế kỷ 21.

Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh.