Tin tức

CHÙM THƠ Cao Mỵ Nhân & CÁC BÀI VIẾT: CHỮ “LỄ” – ĐÀ NẴNG XA MỜ

MÙA XUÂN CÒN NÁN LẠI.    CAO MỴ NHÂN 

*

Lại một đêm thiếu ngủ 

Em nằm đợi nhớ nhung

Chan hoà trên mặt gối 

Những giọt lệ mông lung

*

Vùi đầu giữa gối chăn 

Tưởng châu thân ấm áp

Hoá ra lòng bâng khuâng

Tiếc thương bao mất mát

*

Trăng rơi vào rét mướt

Hồn bất chợt chơi vơi

Em chờ nghe tiếng bước 

Anh về từ xa xô

*

Hai mươi lăm tháng ba

Mùa xuân còn nán lại 

Bông hồng vàng kiêu sa 

Mỗi năm thêm hoang dại 

*

Anh nhìn em ái ngại 

Thương xót cuộc tình buồn 

Người yêu ơi huyễn mộng 

Che kín cả  nụ hôn …

*

    CAO MỴ NHÂN 


TUỔI MỚI SANG.    CAO MỴ NHÂN 

*

Ngủ đi Em hỡi, ngủ cho ngoan

Mưa vẫn rơi theo lệ ứa tràn

Nhắm mắt, sao Em còn khóc vậy 

Đón chờ sinh nhật, tình đâu tan

*

Ngủ đi Em, đã mấy mươi xuân

Tháng có bao nhiêu, bảo lỡ lầm 

Ngày tưởng dài thêm, hồn bỡ ngỡ

Và rồi chiu chắt, đợi từng năm 

*

Đếm ư, tuổi tác sẽ vàng thêm 

Mộng mị dâng đầy mơ ước Em

Anh ở phương trời tha thiết nhớ

Tay anh thay gối lót êm đềm 

*

Hai mươi lăm tháng ba, Mai A

Anh tặng Em nguyên chuỗi ngọc ngà

Thôi nhé, quàng lên vòng cổ áo 

Sắc mầu thổ cẩm của Chapa

*

Em vui rồi chứ, đoá hồng vàng 

Cứ mỗi năm chờ một tuổi sang

Anh vẫn bên Em, dù cách trở

Đôi mình đang kéo lại thời gian …

*

 Hawthorne  25 – 3 – 2021

       CAO MỴ NHÂN 

CHỮ ” LỄ “.    CAO MỴ NHÂN 

Các cụ ngày xưa bảo rằng: ” Tới chết mới biết được lòng dạ ai đối với mình thế nào, là khi mình chết rồi, chứ không phải còn hấp hối đâu “.

Thế thì khó hiểu quá, nếu bản thân mình muốn thấy được lòng dạ người ta đối với mình, lỡ chết rồi, e phải được sống lại mới có tình trạng thấy được chứ trời ạ.

Đúng ra các cụ ta nói thế này này: ” Khi người nào đó chết rồi, ám chỉ những người già thôi, con cháu trong nhà, mới thấy được thiên hạ chung quanh, đối với nhân vật xấu số đó ra sao” . 

Ôi chao cũng khó hiểu lắm, đối với người nằm xuống ( chết) hay những người đứng chung quanh ( sống ), cứ lởn vởn cái điều những người sống đối với người đã chết thế nào. 

Chúng tôi làm công tác xã hội, có thể nói ké chút việc này. Thí dụ : 

1/ Nếu người mãn phần là thân nhân ruột thịt với một hay

   nhiều thành phần có danh tiếng, quyền lực … 

   Lập tức đám ma rất đông, là vì người ta đi viếng cho người sống biết, chứ không phải đi cho người chết thấy . 

Do thế mới có việc ” chia buồn “, chia nỗi buồn của người sống, vốn là thân nhân người đang quá vãng kia . 

2/ Nếu người mãn phần có tình có nghĩa với chung quanh, 

     Có thân nhân, thậm chí không có thân nhân đi nữa, vì lẽ 

     mến thương thật sự người qua đời ấy, đám ma cũng có thể đông, đông lắm là khác . 

3/ Khách đi đưa ma đông vừa hay đông lắm, có khi không 

     quen biết với người mãn phần, nhưng những khách đi đưa ma đó muốn gặp nhau, đám ma nhân vật chung cuộc lại là nơi gặp gỡ, đỡ tốn công hẹn hò vv… 

Nhiều lý do lắm, đối với dân tộc ta: Quan, Hôn, Tang, Tế là 4 cái lễ quan trọng nhất của đời một người. 

Vấn đề Quan, Tế thời đại này, mỗi lúc mỗi xa rời thực tế. Nhưng 2 lễ gần như chính, và thường xẩy ra một cách máy móc, ấy là Hôn và Tang. Nói nôm na là Đám Cưới và Đám Ma . 

Đám cưới để chia vui, mừng hai họ có rể quý, dâu hiền . 

Có khi chỉ cô dâu, chú rể tự mời đám cưới, vì đã lớn, đôi khi còn đã già vv…

Đám ma để chia buồn, bầy tỏ nỗi bi thương với vong linh người quá cố, hay gia đình người hẩm phận ấy. 

Đi kèm vào 2 sự việc trên, là hàng chục thứ phong tục tập quán Á Đông hay riêng của VN. 

Nhưng mỗi lúc về sau, mỗi gia giảm nhiều. 

Đồng thời mỗi lúc về sau, mỗi không cần làm đúng theo phong tục tập quán xa xưa, có thể vô cùng lạc hậu, nhưng lại nẩy sinh ra một mớ thói quen thời đại mới.

Ở quốc nội thì kiểu CSVN, ở hải ngoại thì  Âu Mỹ tuỳ theo nơi sinh sống hiện tại của gia chủ . 

Nói chung không có vấn đề phiền hà nữa, với một đám cưới hay một đám ma. Tất cả như dịch vụ chung chung, tuỳ sở cầu của mỗi gia đình có đám. 

Hôm nay tôi từ chối tham dự một đám cưới, chỉ chia mừng qua thư từ thiệp chúc, đồng thời cũng không tới chia buồn một đám ma, chỉ phân ưu qua phân ưu trên báo chí . 

Tôi cũng tự hỏi tại sao làm vậy? 

Tôi không đi nơi này chốn nọ được, vì chẳng có phương tiện chuyển vận, và sức khỏe cũng chẳng OK lắm. Lỡ khi sự hiện diện của mình có gì không bình thường, lại khiến chủ đám phải ưu tư, lo lắng vân vân khác…

Chị Đoan Quỳnh là một bậc nữ lưu, có nhiều xã giao quen biết, một chục người con thành đạt, thành danh, đang cư ngụ trong cũng như ngoài nước. 

Tang lễ chị chẳng kém gì một yếu nhân đương đại, chúng tôi ở hải ngoại chung nhau một vòng hoa kính điếu, lẽ ra tôi phải có một bài điếu văn diễn tả mối giao tình  bạn bè đông đảo với anh chị, vì quen biết lâu vv…nếu tôi còn ở Saigon. 

Nhưng nay ai nấy ở xa, anh Lê Thanh, phu quân chị, vốn là nhà nhập cảng phim Kodak Nhật trước 30-4-1975 ở Đalat. 

Anh dặn tôi :” Thôi mai giờ đó, sẽ đưa ma chị Đoan Quỳnh, Cao Mỵ Nhân mở cửa ra đường, rồi nhìn lên một đám mây, chị Đoan Quỳnh đang bay về cõi Vĩnh hằng…”

Tôi đã làm đúng như thế, ngó những đám mây trên 9 tầng cao ngất, tưởng tượng chị bạn của mình,  đang đơn lẻ bay về tít mù không gian huyễn ảo. ..

Có những đám cưới quá lố ở VN bây giờ, cô dâu thay 5 bộ: Áo dài ta, áo đầm tây cắt bánh, áo xẩm tàu ca hát, rồi áo khiêu vũ, kết cuộc là bộ đồ hổ lốn ra cửa chào khách về. 

Đám cưới đừng quá lố, thì đám ma cũng chớ quá tải việc biểu lộ đau buồn. 

Cái đám ma kia của một nhà dân có chút khá giả, lại quen biết nhiều đoàn thể chuyên ngành, nên sự kiện hơi trình diễn thời trang hợp tuyển, cũng lại trong nước thôi. 

Số sinh thời ông là thành viên đoàn mô tô, tất nhiên để tỏ lòng thương cảm tuyệt cùng của anh em ở lại, đoàn đã đưa y mấy chục xe mô tô chạy trước xe tang, để mở đường đi thiên cổ. ..cho người mệnh chung.

Đồng thời ông lại chơi bóng rổ, hoá cho nên nguyên đội bóng rổ đã hiện diện trong lễ phục thể thao. Đội này tiếp bước ngay sau “tang xa”tức là xe tang như nói trên . 

Thế rồi vv…tiếp theo tang lễ . 

Tôi không có ý “tám ” kiểu phê phán, mà chỉ kể quý vị nghe mỗi ngày một chuyện thôi, nên đôi khi tôi cũng có thể méo mó nghề viết “ngàn lẻ một đêm”.

Vị Chủ biên …tôi, ông” Đồ Ngu ” giả vờ…ngu thôi, vẫn luôn khuyến khích tôi viết xả láng, viết thả cửa, nhưng phải có …cơ sở, nghĩa là dựa trên sự thật, mà sự thật, thì mất lòng ghê lắm. 

Do đó tôi đã dấu bớt đi vài ba danh tính, bởi nếu tôi đơn cử chuyện “real” ra, là có mòi bất ổn ngay…

Chủ biên …tôi, lại lập tức cười kiểu  ” Đồ Ngu” rằng : phải biết ” tiên liệu ” trước, “lui  bước ” sau, mới không hố ở đời …

Vậy ngày mai, tôi sẽ tới sân Trình, cửa Khổng, coi ông ” Đồ Ngu” thanh lọc môn sinh, nghe bài: ” Đất Nước nhập môn. Gia : nhà, Quốc: nước, Tiền: trước, Hậu:sau …vv…” 

sẽ kể lể tiếp nhé . 

             CAO MỴ NHÂN 

 ĐÀ NẴNG XA MỜ.    CAO MỴ NHÂN 

**

 Vầng trăng đó to quá, tròn vành vạnh, mầu vàng rực rỡ, mọc ở bên sông Hàn Đà Nẵng . 

Trăng 16 nên không chê được, từ sắc diện đến dáng hình , cứ lồ lộ giữa không gian, vào cuối mùa xuân, nên trời mây quang đãng . 

Nhìn lên trời chỉ thấy một mầu xanh biếc, cùng rải rác vài ánh sao …

Trăng lên đã đứng đối diện mặt sông, lòng sông sáng rỡ như …ban ngày . 

Xe chúng tôi đã rời cư xá Trưng Nữ Vương ra đường, chạy tới đường bờ sông, nên phải ngang qua cổ viện Chàm, trường Trung học Sao Mai, và nhất là ngang qua một cây đa xà, cũng lớn dưới vầng trăng đang sáng tỏ trên trời . 

Đó là hình ảnh những đêm trăng tròn nơi thành phố mà tôi đã trưởng thành ở đấy: Tourane, hay Đà Nẵng .

Tuy trước 30 – 4 – 1975, quê hương đang chìm trong khói lửa chiến tranh, đại tộc KaKi đang luôn luôn đặt trong tình trạng báo động . ..giặc giã lộng hành . 

Nhưng xe đã đậu lại bên đường, nhập vào đoàn xe của các gia đình quân nhân khác, đậu thành hàng dài sát lề đường, để hóng gió mát bên sông, và ngắm trăng rực rỡ. 

Chúng tôi chơi ở bờ sông trước Toà Thị Chính. 

Khách đi câu giải trí , cũng đã tề tựu đông đủ bạn làng câu . 

Bạn làng câu có khi đi câu một mình, có khi đi cùng gia đình, vì đó là một hình thức thư giãn cuối tuần, chứ chẳng phải vì lợi lộc vài ba con cá . 

Gần toà thị chính là dãy khách sạn lớn từ thời tây để lại , nên cuốn hút du khách ngoại quốc  .

Vì nơi đó có phòng ăn lớn, nên du khách ăn ở tại chỗ, sáng đón mặt trời lên, chiều ngó mặt trời lặn trên dòng sông Hàn êm ả , thơ mộng . 

Nếu người vốn trữ tình, lãng mạn …thì Đà Nẵng là nơi đáp ứng đầy đủ không gian mát mẻ, đến phương tiện sinh hoạt dư dả nhất miền Trung . 

Thời quân đồng minh còn hiện diện ở miền Nam, Đà Nẵng được kể là thành phố lớn thứ 2 sau đô thành Saigon Chợ lớn .  

Không phải tôi trưởng thành ở miền địa đầu giới tuyến, mà ca tụng Đà Nẵng là một thành phố chiến lược  căn bản, đến nỗi nó, Đà Nẵng hơn hẳn Cam Ranh, và hơn cả Hải phòng sau này . 

Lý do : Đà Nẵng có sân bay cấp Quốc tế, có hải cảng cũng cấp Quốc tế, là nơi giao lưu đường bộ giữa Bắc Nam và có thể cả 2 nước  láng giềng phía tây là Laos và Campuchia . 

Xem như Đà Nẵng là một cửa ngõ,  có thể tiến sâu vào Đông Nam Châu Á.

Vì thế,  sau cuộc đổi đời, Bên Cướp Cuộc đã mở rộng đường số 9, từ Đông Hà sang tới Savanakhet Nam Lào . 

Chưa kể thời chiến tranh của riêng đất nước Lào , một số dân chúng Lào đã vượt Trường Sơn, qua tới núi rừng Tiên Phước  thuộc Quảng Tín, cách Đà Nẵng # 60 Km . 

Trở lại hình thái đất đai, Đà Nẵng có nhiều danh lam thắng cảnh  tự nhiên, không cần tô vẽ thêm . 

Trên nửa lố cửa biển, tính từ chân đèo Hải Vân vô thành phố , rồi ra căn cứ vùng 1 duyên hải , theo thứ tự là Nam Ô, Thanh Bình. 

Qua sông Hàn, rẽ tay phải, tính từ Non Nước, đi về Mỹ Thị , Mỹ Khê, Sơn Trà và cửa biển danh tiếng Tiên Sa. 

Sơn Trà nguyên xưa, dân chúng nói là Sơn Chà, vì người Chà  nuôi bò, nuôi dê ở chân rặng núi ” ấm áp ” đó. 

Tiên Sa, bờ biển quân sự, nơi đây là hải phận của Vùng I Duyên Hải, thuộc QĐI/QKI. 

Nay Bên Cướp Cuộc đã bắc qua sông Hàn gần chục cây cầu, từ Trẹm, cửa sông Hàn ngược về Cẩm Lệ, để ” lười biếng ” sự việc quá giang, cho là tiết kiệm thời gian nếu đi từ thành phố Đà Nẵng qua bán đảo Sơn Trà, vô biển Tiên Sa, bờ biển đẹp đúng với danh xưng của nó, và đi các bờ biển nêu trên. 

Nhưng hiện tượng một chục cây cầu đè lên dòng sông, thì quả là mất đi bao nhiêu tính chất thơ mộng của dòng sông lẫn thành phố vốn yêu kiều, hiếu khách. 

Khách làng câu có mặt khắp nơi , không chỉ dừng lại ở bờ sông Đà Nẵng , mà bay nhẩy tới các bờ biển nêu trên , có đi xa nhất là Nam Ô , Non Nước , hay Tiên Sa , vẫn có thể trở về trong vài tiếng đồng hồ . 

Tôi xa Đà Nẵng kể từ 29/3/1975 , nơi tôi đã quen thuộc từng …tấc đất địa phương,  kể từ những thói quen dân dã, tới những mơ ước riêng tư ở thành phố này .

Nếu tôi đã có một quê hương nào đó,  rất mơ hồ trong ký ức , thì Đà Nẵng là quê hương thứ  hai rõ nét nhất, và rất hiện thực trên hành trình cuộc đời tôi …

Thế mà có đâu ngờ tôi bị mất luôn cái quê hương đằm thắm, thiết tha, cũng là nơi tạo cho tôi những điều kiện dễ dàng để lập thân trong binh nghiệp. 

Tôi đã phải rời thành phố Đà Nẵng trước khi nó bị tan hoang, buổi sáng ngày 29 -3 – 1975, Hạm trưởng và thuỷ thủ đoàn lên boong tầu chào cờ mà họ gọi là ” Vĩnh biệt Đà Nẵng “.

Tầu đó là của Phi Luật Tân chở 3000 ngàn nhân viên sở Mỹ và gia đình họ, đi di tản qua Philippine, khởi hành từ Tiên Sa đêm 27 -3 – 1975, tôi được theo tầu tới Saigon, xin xuống bến Khánh Hội vì còn dở dang việc nhà. 

Ngay khi rời tầu, phần hành trách nhiệm trên tầu, đã thông báo tình hình VN trước, là sẽ khó có phương tiện ra đi nay mai…

Thế nhưng tôi vẫn cứ xuống bến Saigon, để rồi 16 năm sau tôi mới tới được bến bờ Tự Do, là qua Hoa Kỳ theo diện tị nạn, gọi vui vẻ là chương trình HO. 

43 năm trôi qua, hay sắp nửa thế kỷ, những đám mây lạnh thường bay nhàu nát trên bầu trời buồn bã, nhưng tôi chưa khi nào muốn về lại nơi mình tình cờ giã biệt, Đà Nẵng u hoài của tôi, thành phố duy nhất ở VN có biển nhiều hơn sông . Bây giờ tôi cũng đang ở một thành phố mà cũng có nhiều biển, nhưng không có dòng sông nào từ trời rớt xuống.

Vì biển tây Hoa Kỳ này kéo dài từ Alaska xuống tới San Diego, chặn cả một phần thành luỹ sóng nước trùng khơi, thì cần chi sông với rạch…

 Ôi, bên kia Thái Bình Dương …là Đà Nẵng xa vời yêu dấu đấy … 

                CAO MỴ NHÂN