Văn Thơ

CAO ÁNH NGUYỆT: HƯƠNG HỒNG QUẾ của VŨ LƯU XUÂN

THIỆP MỜI

 Sự Hiện diện của Quí Vị là món quà tinh thần quý báu của Tác Gỉa,

và là niềm hãnh diện cho ban tổ chức.

Ngày Chúa Nhật, 27 tháng 6 năm 2010. Tại Hội Trường Học Khu Trung Học East Side.

Số : 830 N. Capitol Ave. San Jose, CA 95133.

Trân Trọng Kính Mời.

Lê Văn Hải.  


Vài cảm xúc nhân đọc
 HƯƠNG HỒNG QUẾ của VŨ LƯU XUÂN  

                                                    CAO ÁNH NGUYỆT
Gấp lại tập truyện ngắn Hương Hồng Quế không tránh khỏi  cảm giác bâng khuâng, có lẽ phải lặng chìm trong một khoảnh khắc để nắm bắt trọn vẹn mọi xúc cảm tưởng chừng đã bị bỏ quên đâu đó thật lâu. Sự khơi gợi cũng đồng nghĩa với sự bắt gặp đồng điệu. Man mác gần xa vẫn là tiếng vọng của một nỗi niềm, dù là sự pha trộn giữa hạnh phúc chóng vánh hay nỗi đau nghiệt ngã của phận người, phận đời và cả tâm tình u uất khó thể giải bày cũng đủ làm cho ta quay quắt nhìn lại chặng đường đã qua với tâm trạng lạc lõng, cô đơn. Nếu văn chương chính là lối thoát triệt để thì có thể thấy ở đây sự giải tỏa ẩn ức, phải chăng là sự gởi gắm khéo léo thể hiện trong từng nhân vật, dù hư cấu hay có thật vẫn là những hình tượng đang xoay chuyển trong cõi đời mà ta nhất định phải tìm gặp.
Đọc Vũ Lưu Xuân để thấy đâu đó những góc tối lặng câm, cô quạnh rồi cũng từ những nơi chốn ấy sự vượt thoát rực rỡ để thăng hoa của cái đẹp tiềm ẩn, cuốn hút. Cho dù sự cuốn hút ấy thể hiện nỗi đau đớn khôn nguôi của thân phận, nỗi đau như sự gặm nhấm dần mòn, cam chịu nhưng lại đầy hứng thú. Bởi vì  không có nỗi đau ngất ngưỡng ấy ngôn từ làm sao diễn đạt được tận cùng của bóng tối và ánh sáng, chia ly và gặp gỡ, làm sao diễn tả được sự mất hút của thời gian để cuộc đời vẫn mãi hắt hiu, vô tận.
 Truyện ngắn đầu tiên cũng là tựa đề chính của tập truyện Hương hồng Quế, là chuyện tình của người con gái Kinh Bắc năm xưa, câu chuyện tình đẹp và lãng mạn như muôn ngàn câu chuyện tình của nhân gian, nhưng ở đây Hương hồng quế chính là sự gửi gắm của một hoài niệm. Hoài niệm về một khoảnh khắc tuyệt vời, cái khoảnh khắc đôi khi chỉ đến một lần trong đời nhưng mãi mãi hiện diện ở chốn không cùng, bất chấp mọi quy luật của thời gian, không gian. Bất chấp mọi nỗi đau đớn, tuyệt vọng và sẽ hiện diện bất diệt trong cuộc sống. Dù trong tuyệt vọng thì tình yêu hay một thứ gì đó được gọi là tình yêu vẫn bừng bừng mà âm ỉ, quyết liệt nhưng lại rất âm thầm . Ở đây tác giả chưa hề nhắc đến hai từ tình yêu trong suốt câu chuyện của mình nhưng phải chăng mùi hương hồng quế chính là mùi của thời gian, của đợi chờ tuyệt vọng, của hắt hiu, cô quạnh nhưng vẫn mãnh liệt từng phút từng giây để từ đó hình thành cái định luật khốc liệt của hai từ tạm gọi là tình yêu.
Trái với hình ảnh trong vắt, lãng mạn của người con gái Kinh Bắc, câu chuyện mang tên Đôi mắt là nét ẩn hiện héo tàn, nhợt nhạt của  một nhan sắc vô cảm và chai cứng nơi một cô gái làng chơi. Thế nhưng chìm khuất thăm thẳm dưới sự tàn tạ vẫn ánh lên một đôi mắt  với nửa phần dại dột ngu ngơ trong cách nhìn đời, nửa phần sâu kín, ảm đạm, chán chường ẩn hiện dưới những vết chân chim
… Một đôi mắt lấp lánh tương phản dưới lớp phấn son nhạt nhòa của phận đời vùi dập, nổi trôi. Đôi mắt ấy mở đầu cho câu chuyện được diễn tả với hai gam màu sáng tối, dưới mọi góc nhìn cái đẹp vẫn ẩn hiện, dù mong manh nhưng có thật, lấp lánh như một điểm sáng bất diệt không thể thiếu trong bức tranh đời. Điểm sáng  từ đôi mắt của một nhan sắc đã sớm phai tàn. Nhưng rồi cũng chính người con gái ấy đang khỏa thân làm người mẫu dưới ánh sáng rực rỡ của buổi ban mai chan hòa, đã sáng ngời đến độ có thể thiêu cháy tất cả bụi bặm của cuộc đời để chỉ còn thấy ở đây nét thanh khiết, mượt mà. Không cần phải có cái nhìn độ lượng với cuộc đời nhưng với nhân sinh quan của một tâm hồn rộng mở và biết cảm nghiệm cái đẹp, đâu đó vẫn thấp thoáng nét rạng ngời đáng  ngưỡng mộ và trân qúy.
Nhưng đến câu chuyện mang tựa đề Nửa hồn trong tranh thì quả là cái ranh giới giữa ảo giác và hiện thực thật khó phân giải. Hình ảnh một lão đãng tử già, tay ôm giá vẽ bước liêu xiêu trong bóng nắng hắt hiu, tìm đến ngôi chùa cổ bên bờ sông vắng chiều 30 Tết. Tựa cội mai già, tĩnh lặng chờ thời khắc của năm cùng tháng tận đang dần qua. Đợi khi nắng chết hẳn trên đỉnh núi, mái chùa lẫn giòng sông đã đắm trong ánh mờ của sao. Rồi trong thời khắc lung linh tận cùng ấy, lão thắp một ngọn đèn vẽ bức tranh chứa ngập hồn người, đem hết những sắc màu sáng tối mong thổi hồn vào tranh. Đến đây xuất hiện bóng dáng một người con gái, cũng mong manh như sương khói, có lẽ tác giả
muốn dùng gam màu ấm cho bức tranh đang viết của mình và cả bức tranh đang vẽû của lão đãng tử già trong câu chuyện. Bức tranh lão vẽ trong trạng thái miên man, trong tận cùng của  mê đắm, cũng chính là sự biến hóa, pha trộn thật tuyệt vời giữa hai khái niệm còn và mất, giữa đến và đi, diễn tả nỗi niềm khắc khoải, tiếc nuối, trân qúi từng thời khắc trôi qua dẫn đưa đến tâm trạng thật bồi hồi và cũng thật quay quắt. Bức tranh chỉ có độc ngôi  chùa cổ lặng chìm bên dòng sông quạnh và một con thuyền vắng bóng người, thấp thoáng xa xăm rặng núi mờ mà bóng nắng chiều đã chết lặng từ lâu. Có lẽ cái lãng mạn của một người nghệ sĩ đã lên đến đỉnh điểm, đánh thức sự lạnh  lùng, vô cảm. Khơi gợi thức tỉnh nơi tri thức loài người bằng một tiếng than của vị sư già: Trầm luân một cõi đi về phù du
…
!
Phần hai của cuốn truyện là những ý tưởng đột phá, biến đổi tâm trạng của những nhân vật huyền thoại bằng sự biện minh, khoác lên vẻ tươi mới, rạng ngời đầy tính  thăng hoa. Trong Trương Chi & Mỵ Nương. Tác giả đã kêu lên: Này Mỵ Nương, trong cõi người vô minh, nàng là ai? Ta xin thắp lên ngọn nến nhỏ, để một lần được thấp thoáng thấy khuôn mặt nàng. Cần phải biện minh cho nàng, người của thiên thu ấy từng đem tiếng đàn réo rắc có khả năng làm héo hắt lòng người của mình, hòa quyện với tiếng sáo khi cao vút chín từng mây, khi hạ thấp u uất làm cho giá rét cả bầu trời của chàng Trương Chi. Đã nhiều đêm, một đàn, một sáo ấy  vĩnh viễn kết thành khúc tương giao vạn cổ, thì có sá gì vẻ ngoài xấu xí, gớm ghiếc của chàng Trương. Miệng đời hãy buông tha, bởi Mỵ Nương vẫn một lòng, một dạ ôm khối ngọc u tình lên thuyền trong đêm tối, đàn khúc ai sầu, con thuyền cứ trôi, tiếng đàn, tiếng sáo quyện vào nhau chìm, nổi rồi khuất dần trong sương khói mịt mùng.
My Nương đã được giải mối oan tình mà người xưa gán ghép. Nỗi lòng đau đáu của người xưa cũng chính là nỗi niềm chua xót của người thời nay. Chẳng thể trang trãi lòng mình thì mượn đỡ khối ngọc của Mỵ Nương mà nhỏ vài giọt nước mắt cay đắng vậy thay. Đáng tiếc, nước mắt người xưa làm cho khối ngọc vằn lên ánh máu, nhưng nỗi uất nghẹn của người thời nay thì chỉ có biết nuốt trọn vào hồn. Thôi thì:
Nàng như người ở chiêm bao
Ta như lạc tự thuở nào tới đây
Hương Hồng Quế là sự pha trộn giữa ảo giác và thực tại dẫn đưa người đọc bước vào thế giới mênh mang của ngôn từ cũng như đạt đến đỉnh điểm của sự diễn tả, chính là thành công của tập truyện dài 260 trang với 28 truyện ngắn viết khá đều tay, đôi khi câu chuyện thật ngắn nhưng hàm chứa trọn vẹn điều cần diễn đạt. Thế giới đầy gai góc, từng góc khuất u uất của tâm tư đến sự thăng hoa đôi khi mang một chút kịch tính, nhưng lại là sự pha lẫn tuyệt vời.
Đọc Vũ Lưu Xuân để thấy qua từng nhân vật thể hiện chính xác thân phận của con người, mỗi câu chuyện tuy là hư cấu  lại mang đúng tâm trạng của một kiếp người khó vẫy vùng giữa  sự bất lực của chính mình, bất mãn với chính cuộc đời nhưng vẫn tha thiết muốn đi tìm một cái đẹp vĩnh cữu dù biết là vô phương. Bởi vì con người chính là một thực thể phi lý khó biện giải cho vẹn toàn. Đi tìm chính mình đã muôn vàn khó khăn làm sao kiếm tìm tha nhân. Thế nhưng con người nghệ sĩ vẫn luôn thoát khỏi mọi ràng buộc khá dễ dàng bằng nhiều cách thể. Ngoài việc cầm bút, Vũ Lưu Xuân lại còn cầm cọ. Sau khi đọc Nửa hồn trong tranh người đọc đã tự hỏi, cái cung cách pha màu trong tác phẩm này phải chăng có nguồn gốc từ hội họa, từ đó tò mò giúp cho sự thắc mắc trở thành chính xác khi thấy tên tác giả của bức tranh in rất nhỏ ở bìa sách cũng là Vũ Lưu Xuân. Chưa được xem những bức tranh ông vẽ (dù chưa chắc đã có đủ trình độ hội họa để thưởng thức), nhưng đoán mò phải là những gam màu thật trầm và thật lắng. Ít nhiều sắc màu ấy thấp thoáng  ẩn hiện trong cách thể hiện đậm nét, khi thì huyền hoặc, chơi vơi lúc thì trần trụi, lơi lõng trong tác phẩm của mình.  Với cái nhìn thật gần gũi trong từng góc cạnh u tối nhất của cuộc sống, bên cạnh những thời khắc mong manh nhưng tuyệt diệu vô ngần.
Người nghệ sĩ đâu dễ gì bị ràng buộc, cái tự do tuyệt đối chính là cái tự do bất biến của tâm thức mà không có quyền năng nào phá vỡ nổi, cũng như chẳng có xiềng xích nào trói buộc được. Con đường vẫn thênh thang, người cầm bút tự hào ta còn sức vẫy vùng, cho đến một lúc nào đó tự mình nhận ra chính mình. Mãi mãi đi tìm nhưng vĩnh viễn rời xa, lạc lõng ở chốn nhân gian để làm thân phận của kẻ bị lưu đày, quên lãng. Dồn nén mọi uất hờn trong văn tự, lửa ở ngọn bút không đốt nổi nghẹn ngào mấy chục năm đời ngắn ngũi. Có phải chăng t&a
circ;m tư của người cầm bút đầy khó nhọc, gian nan…?!!

Cao Ánh Nguyệt
Tháng 6/ 2010