VĂN THƠ LẠC VIỆT- ĐẶC SAN XUÂN ẤT TỴ-2025
CÁCH TÌM MỤC LỤC TRONG SÁCH LẬT ĐẶC SAN XUÂN ẤT TỴ 2025:
Sau khi mở sách ra: Bấm vào hình CÓ 4 Ô VUÔNG BÊN PHẢI NHƯ TRONG HÌNH BÊN DƯỚI. Bạn sẽ thấy một dãy TÊN TỰA ĐỀ CÁC BÀI VIẾT.
KÉO XUỐNG tìm và BẤM VÀO TỰA ĐỀ BÀI VIẾT CỦA MÌNH HAY CỦA TÁC GIẢ NÀO MÌNH MUỐN ĐỌC.

***
CÁCH THỨ 2 – Xem hướng dẫn bằng YouTube video
***
**
THƠ NGUYÊN PHƯƠNG
Tưởng Em Còn Đang Ở Huế
**
Vẫn cứ tưởng em đang còn ở Huế
Nên anh về tìm lại chút hương xưa
Để đứng chờ bến Thừa phủ chiều mưa
Và lóng ngóng bên cổng trường Đồng Khánh
*
Mưa vẫn mưa chẳng bao giờ thấy tạnh
Em vẫn lạnh lùng muôn thuở trời đông
Anh đã đi và quay lại chốn lọt lòng
Vẫn không thấy nơi em duyên tình cũ
*
Vẫn cứ tưởng Huế còn em Tôn nữ
Bến đò xưa hai chuyến đến và đi
Áo trắng dài mang bao mối tình si
Anh tinh khiết đợi chờ và vỡ mộng
*
Vẫn cứ tưởng Huế trời cao đất rộng
Chốn dung thân không nỡ bỏ mà đi
Tưởng là em khép kín tuổi xuân thì
Ôm chặt Huế cho muôn đời còn Huế
*
Vẫn cứ tưởng nên trở về (dù trễ)
Còn may ra tìm lại chút dung nhan
Của riêng em và của Huế muộn màng
Cho mình thấy được mình còn hạnh phúc
*
Em còn ở Huế sao vẫn buồn ly hận
Nét ưu tư chìm đắm cả mày ngài
Em ở đó còn có chút ngày mai ?
Hay đã mất thiên thu trời phố thị
*
Nếu còn ở Huế, xin đừng trách anh tệ
Nắng vàng phai, anh cũng lắm vàng phai
Quay trở về tìm qúa khứ dông dài
Xin em cứ thay anh gìn giữ Huế
*
Em vẫn còn ở Huế thì tim anh không bi lụy
Không pha màu ngang trái chuyện chia ly
Để bên này bên nớ chẳng hề chi
Có em ở huế sông xưa xanh mát mãi
*
Tưởng em còn ở Huế nên năm chờ tháng đợi
Vẫn tìm ra dấu vết bước thăng hoa
Trong khóe mắt dầu pha trộn nhạt nhòa
Vẫn tìm thấy bạt ngàn màu sắc Huế
Nếu em còn ở Huế. Anh về. Sẽ ghé
Con đường xưa áo trắng bóng em qua
Núi Ngự kia. Sông Hương nọ. Hẹn hò
Dành cho Huế (và em) đời miên viễn
*
Dẫu em còn ở Huế (hay không) . Anh vẫn đến
Để biết mình còn máu Huế trong tim
Để đất trời dù mưa gió ngã nghiêng
Về với Huế trong nghĩa tình hoài vọng
*
Xin em đừng bỏ Huế với mùa Xuân bất tận
Để anh về còn hoa nở tối ba mươi
Để nhìn em trong lòng Huế rạng môi cười
Cho Huế mãi ngàn thu là Huế cũ
*
NGUYÊN PHƯƠNG
Chợt Nghĩ
Môt chiếc lá vàng rơi
Một mùa đông băng tuyết
Một tuổi đời nổi trôi
Một đời người cạn kiệt
Tháng ngày qua kẽo kẹt
Mưa nắng buổi hoàng hôn
Tối trời trời tối sớm
Nhăn nhó nước da mòn
Hong tuổi già chờ đợi
Gió lùa nhẹ chơi vơi
Liu riu đêm chờ sáng
Ngày đến rồi vội trôi
Xoa tay còn mười ngón
Ngón cái hãy còn suông
Sao không tìm ngón út
Để nắm lại vuông tròn
Nay còn nhìn nhau nói
Mai chẳng nói chẳng nhìn
Chiếc lá vàng cỏn rụng
Chợt nghĩ đến niềm tin
NGUYÊN PHƯƠNG
Xuân 2023


Chiến Thắng Đống Đa, Mồng 5 Tết, Xuân Kỷ Dậu!
Vui lòng bấm vào sách để đọc
Họp Khóa trên trời
Giao Chỉ báo cáo họp khóa quân trường
Cương Quyết Đà Lạt 1954.



Chúng tôi đã báo cáo bằng hữu quá nhiều lần. Có thể đây là lần cuối. Thứ bảy vừa qua anh em chúng tôi hợp khóa 3 người. Bác Lộc, bác Đôn và thêm bác Đạt. Vũ Văn Lộc, Vũ Thượng Đôn và Phạm Mạnh Đạt nhập ngũ khóa trừ bị tại trại Ngọc Hà, Hà Nội tháng 3 năm 1954. Cùng tuổi trên dưới 20. Bây giờ ngoài 9 chục. Thêm bác Trịnh Tùng không quân đã lên đường trước 2 năm. Bác Tùng là niên trưởng đã 95. Vào Đà Lạt chỉ có tôi và bác Đôn. Bác Đạt bị bệnh nên được trả về Hà Nội để làm nghề nhạc sĩ. Tay chơi hạ uy cầm nổi tiếng một thời, nay lưu lạc về San Jose gặp lại anh em bèn tham dự ngày họp khóa cao niên. Con gái bác Đôn tổ chức họp bạn đầu xuân để tuổi 60 toàn áo dài chúc thọ các ông già 9 chục. Giữa thế giới chiến tranh và nước Mỹ chính trị điên đảo, chúng tôi tạm quên thế sự để vui xuân Ất Tỵ bước vào năm 2025 vừa tròn nửa thế kỷ lưu vong. Dù tạm vui với tuổi cao niên nhưng mãi mãi không quên nhiệm vụ. Bác Giao Chỉ xin nhắc lại các mẩu chuyện đáng ghi nhớ của cả khóa một đời.
Ba trăm anh em chúng tôi trong tuổi động viên trình diện tại Ngọc Hà, Hà Nội. Phần lớn tuổi 20 và một số nhỏ có cả vợ con. Máy bay Tây chở anh em ta vào Sài Gòn nhưng trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức hết chỗ nên GMC đưa khóa sinh Cường Quyết động viên vào học trường hiện dịch Đà Lạt. Xin nói lại một lần cho đúng, Khóa Cương Quyết Thủ Đức vốn là khóa 4 của ông trung tướng Ngô Quang Trường và ông trung tá Nguyễn Mộng Hùng tức Hùng sùi. Khóa 4 phụ Cương Quyết Thủ Đức vào sau 4 tháng là khóa của đại tá Lê Khắc Lý và trung tá Đỗ Hữu Nhơn. Riêng khóa chúng tôi có thể gọi là khóa tư phụ trừ bị Cương Quyết học tại Đà Lạt. Sau này thì chiến tranh kéo dài nên chẳng còn phân biệt trừ bị hay hiện dịch.
Điểm danh Cương Quyết tại San Jose. Như vậy vào đầu năm 2025 điểm danh Cương Quyết trước sau tôi được biết có anh Hùng Sùi khóa tư chính. Khóa Cương Quyết Đà Lạt còn anh Đạt, anh Đôn, anh Bùi Quý Chiến và Giao Chỉ. Đặc biệt tôi đã có dịp đi thăm 3 anh rất đáng ghi lại. Anh Lê Văn Bang nằm trong trại cao niên của bác sĩ Ngãi. Cả hai vợ chồng đều ở trong này. Hôm nay vào thăm không thấy chị Bang. Tôi hỏi vợ đâu. Bang cố trả lời. Về rồi. Tôi hỏi về đâu. Bang nằm im lặng. Không còn nói năng chi. Tôi buồn bã bắt tay anh rồi từ giã.

Bước qua khu bên cạnh tìm lối vào thăm Ngô Văn Định, đại tá lữ đoàn trưởng một thời mũ xanh đánh trận Quảng Trị. Tôi hỏi có nhận ra ai không? Định nói Lộc. Và hỏi tiếp. Ngoài đó còn tay nào không? Tôi nói. Cũng chẳng còn ai. Tôi đọc tên các bạn. Có người anh biết. Có người cũng không biết. Tôi nhắc chuyện các bạn ra đi. Định có nhớ Nghiêm Kể. Trung tá Công Bình Nghiêm Kể bị địch bắt trận Tân Cảnh năm 72. Qua năm 73 được thả về ở Quảng Trị. Trung tá nhảy dù Nguyễn Thế Nhã đi đón tù binh Nghiêm Kể trở về đã nói rằng: Kế ơi, sao đời mày khốn nạn thế này. Kế nói. Chúng nó hô: Hàng sống chống chết. Hôm nay chúng mày thấy tao còn sống chưa chết. Chỉ 2 tháng sau trung đoàn trưởng Nguyễn Thế Nhã của Sư đoàn 1 bị đại bác nổ mất đầu. Đám ma chôn tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn. Tôi làm cho đại tá Nhã vòng hoa cườm Thương tiếc Nguyễn Thế Nhã Anh hùng. Nghiêm Kế khóc bạn nói rằng Nhã ơi Nhã, sao đời mày khốn nạn thế này. Tôi chia tay với Đồ Sơn, Ngô Văn Định sau khi nhắc lại 3 anh bạn cùng khóa đánh trận Quảng Trị đều là SVSQ của đại đội 6 Đà Lạt.
Đại tá Phạm Văn Chung mũ xanh và đại tá mũ đỏ Trần Quốc Lịch. Anh em đi cả rồi. Ngay cả trung tá Đỗ Đình Vương trước làm phó cho Định rồi về làm trung đoàn trưởng cho Sư đoàn 5 cũng đi rồi. Sau cùng chúng tôi nhắc đến Nguyễn Hữu Luyện, đại uý nhảy Bắc từ 1966. Tôi cho Định biết Luyện hiện nay vừa yếu vừa mơ màng chẳng còn biết gì nữa. Trong số anh em tôi biết chỉ còn Bùi Quý Chiến cũng ở San Jose vẫn tinh tường tuy điếc nặng, Tôi bắt tay Định rồi ra về. Hẹn sẽ gặp lại vào 30 tháng tư. Thương nhau tay nắm lấy bàn tay. Tuổi này thời gian không tính năm tính tháng. Chỉ tính bằng ngày. Nào biết có còn đến tháng tư hay không. Sợ thì ông đếch sợ. Nhưng buồn thật là buồn. Bạn bè chẳng còn ai cũng trang lứa. Bèn gọi cho cô Hồng Phượng bàn giao chức hội trưởng Cương quyết Đà Lạt cho người phụ nữ trường đầm. Phu nhân của trung tá Lê Xuân Định nguyên giám đốc USCC LA. Giao Chỉ sẽ lên hợp khóa trên trời.
Bài thơ họp khóa 20 năm trước
Giao Chỉ San Jose.
Thôi rồi. Lại thêm 1 đêm mất ngủ. Tôi không bao giờ là thi sĩ. Nhưng 20 năm trước có làm một bài thơ. Tháng 3 năm 2004 tôi tổ chức họp khóa 50 năm tại quận Cam. Cái khóa lạ lùng của chúng tôi có 300 thanh niên 20 tuổi Bắc Kỳ động viên vào khóa Tư Phụ trừ bị nhưng Thủ Đức hết chỗ nên đưa lên học Đà Lạt. Kỳ đó tập hợp được 70 người. Tất cả 8 trung đội, mỗi trung đội cũng còn khoảng dưới 10 người. Tuổi trung bình trên 70. Còn phong độ và còn hào hứng. Tôi viết một bài thơ kể cuộc đời của cả khóa. Rất hãnh diện và tự cho là bài thơ rất hay. Nhưng mấy năm nay lạc mất tiêu. Đêm nay lục trong hồ sơ Việt Báo đã tìm thấy. Nếu còn nước mắt là khóc đấy. Cả khóa 300 sau 50 năm về họp 7 chục. Chỉ có 20 năm qua mà tôi viết lời phân ưu quá trời. Tưởng mình trở thành nhân viên nhà đòn hay thuộc đơn vị Chung Sự. Trong bài thơ này có một câu tôi viết tự cho là xuất sắc nhất. Hỏi rằng Chết nhiều như vậy có sợ không. Đáp rằng: Sợ thì ông đếch sợ nhưng buồn thật là buồn. Lại hỏi rằng: anh em còn ít quá hội hè làm sao. Lại đáp rằng: Còn thằng nào chơi thằng đó. Năm vừa qua họp mặt lèo tèo chẳng bao nhiêu. Chỉ còn toàn quý bà quả phụ. Ông hội trưởng mời quý phu nhân ra chụp hình hàng ngang. Một bà nói rằng anh có lấy hết được không. Tôi đáp chụp hết thì được, lấy hết không được. Một vài người thôi. Mời các bạn vui lòng đọc bài thơ họp khóa của tôi. Một lần làm thi sĩ. Thơ rằng:
Thưa chư liệt vị.
Khóa chúng tôi đây. Dở giăng , dở đèn. Môn chẳng ra môn, khoai chẳng ra khoai. Cầm giấy khai sinh Thủ Đức, chẳng phải đấng sinh thành. Công ơn dưỡng dục mẹ nuôi, đàn con nhớ về Đà Lạt.
Năm hai mươi tuổi, anh đi quân đội. Ngày vào trường, năm Năm Mươi bốn. Tổ quốc còn đủ hai đầu Sài Gòn-Hà Nội. Khi mãn khóa ngày Một Tháng Mười. Genève cưa đôi đất nước, chia ra hai mảnh Bắc Nam. Đang thụ huấn, Điện Biên Phủ, Tây kéo cờ hàng. Trong quân trường, điểm trung bình, đôn lên hai nấc. Lúc quỳ xuống, vẫn còn là sinh viên sĩ quan. Khi đứng lên, có anh chỉ còn cặp lon trung sĩ. Chân dậm đất, tay đấm ngực, miệng kêu trời. Rồi sau cùng, Dù lính dù quan, cũng chia nhau mà về đủ các vùng chiến thuật. .
Anh đội mũ đỏ nhảy dù, tôi về mũ xanh lính thủy. Đi tới đi lui cũng quanh quẩn Cà Mau-Bến Hải. Sáu mươi phần trăm lấy vợ Nam Kỳ…Bỏ lại nửa mối tình đầu Hà Nội.
Hai mươi mốt năm, chinh chiến ngược xuôi. Anh đi tàu suốt, tôi ốm yếu xanh xao…Nhận sổ quân y ba mươi ngày tái khám. . Người lên lon lá huy hoàng, ngực đỏ huân chương cứu quốc. Có cậu lả lướt dăm bảy mảnh tình. Có anh hiền lành, giữ mãi tơ duyên một chỗ.
. Vào cuộc chiến, tôi đánh Bình Xuyên. Xuống miền Tây, ông vây Hòa Hảo. Vào trận Mậu Thân, bị đánh phủ đầu, Quân ta đã huy hoàng đứng dậy. Mùa Hè đỏ lửa, bị địch quân đập trúng ngang lưng. Mà sao lính Cộng Hòa vẫn còn gân mạnh mẽ phi thường.
. Từ Bình Long anh dũng, Nguyễn Kiếm Diệm gan lỳ ngồi trên nóc hầm, đội pháo, ăn cơm. Cho đến khi vào Hạ Lào gian khổ, Ngô Lê Tĩnh đái một bãi trên đất Tchepone, theo đúng lệnh quân hành ông Thiệu.
. Nhưng chiến tranh đâu phải chuyện đùa. Nhất tướng công thành vạn cốt khô.Giữa chốn sa trường Quảng Trị, Xuân Phan đền xong nợ nước. Trong hầm hành quân Hạ Lào, Văn Hiền tự sát hiển linh.
. Rồi có lệnh hạ thành Quảng Trị. Nhảy dù Quốc Lịch thay quân cho mũ xanh Ngô Định lên phiên. Hào khí ngất trời.
. Cho đến ngày trời sầu đất thảm tháng Tư Đen. Đỗ Đình Vượng dẫn trung đoàn về đồn trại thân yêu. Ngước nhìn trời Lai Khê thấy cay cay khóe mắt. Người ngậm tăm, súng đeo vai buồn bã. Ăn trưa với ông Tư Lệnh cơm nuốt không vô. Miếng vải trắng ai đã treo trên nóc ngọn cờ. Lê Nguyên Vỹ đi một đường tự sát. Đình Vượng cho quân lính tan hàng để sĩ quan Cương Quyết xếp hàng, vào tù cải tạo. Riêng Nguyễn Đình Duy tự kết liễu cuộc đời cùng với thành Sài Gòn sụp đổ.
Kính thưa chư liệt vị, Khóa chúng tôi đây, Khóa di cư chạy loạn, từ Bắc vào Nam cùng nhân dân đã kiến tạo hai nền Cộng Hòa… và hai mươi mốt năm xây nhà, dựng nước.
Paris ký Hiệp Ước Hòa Bình, Nguyễn Thế Nhã đón tù binh Nghiêm Kế trở về bến sông Thạch Hãn. Tưởng rằng phen này trong ấm ngoài êm.Chẳng hiểu vì sao, chỉ một tháng trời oan nghiệt, quân cán chánh chạy dài từ dọc xuống ngang… để anh em chúng tôi cũng phải chia phần, làm tan đàn sẩy gánh.
Đám nhanh chân chạy thoát khá nhiều, người ở lại chịu đọa đày cũng lắm. Bước chân đi mặt còn ngoảnh lại, phía chân trời xiềng xích trông theo.
. HO qua Mỹ, tổn thất quá phần ba. Gặp lại anh em vừa yếu lại vừa già. Hai mươi mốt năm chinh chiến đã trôi qua. Thêm hai mươi chín năm cải tạo cộng với lưu đày. Là vừa đủ năm chục năm tròn gian khổ.
. Vì vậy nên mới có hôm nay, tháng Ba năm Lẻ Bốn. Chúng tôi về đây, dành lại một ngày cho Năm Mươi Năm Họp Khóa Ngậm Ngùi. Để đếm đầu người, xem anh em, ai còn, ai mất.
. Ba trăm chàng trai đất Bắc, giờ đây chỉ còn lại bảy chục bác cao niên. Già thật là già. Lão ơi là lão. Nước mắt đã khô rồi. Gặp nhau chỉ cười thôi. Đây là lần đầu nhưng biết đâu đây sẽ là lần cuối. Sợ thì ông đếch sợ, nhưng buồn thật là buồn.
Thưa quý vị.
Bầy ong thợ về già sẽ bay đi bốn phương trời trong cuộc hành trình vĩnh biệt. Nhưng con cá Hồi suốt đời vùng vẫy biển khơi vẫn phải trở về họp bạn ở nơi nguồn gốc. Khóa chúng tôi không phải lũ ong chơi xong rồi bỏ cuộc. Chúng tôi là những con cá Hồi lương thiện, năm mươi năm trở về tìm lại anh em.
Vì vậy nên có thơ rằng:
Hai mươi năm tuổi trẻ, hai mươi năm chiến chinh.
Hai mươi năm tù ngục.
Hai mươi năm điêu linh.
Năm bảy lăm tiền kiếp.
Tháng tư đuổi sau lưng.
Mang tuổi đời chồng chất,
cùng vượt thác băng ngàn.
Tuổi hoa niên cắt ngắn. mái tóc bạc dài thêm.
Tay nắm tay cằn cỗi.
Lòng mở rộng tấm lòng.
Năm mươi năm hội ngộ.
Một thế kỷ vừa qua.
Hoa mai vàng nở sớm.
Gặp nhau những muộn màng
(Giao Chỉ, tháng 3-2004.)
Từ Việt Museum San Jose đến Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại Hà Nội.
Bài của Giao Chỉ:
Tâm thư trong năm lưu vong thứ 50 tại Hoa Kỳ
Thân gửi các chiến hữu VNCH

Sau đây là tài liệu trích dẫn nguyên văn báo chí và hình ảnh tại Hà Nội:
Chia sẻ :”Từ ngày 01/11/2024, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa đón, phục vụ khách tham quan và miễn phí tham quan đến hết tháng 12/2024.
Bảo tàng mới được xây dựng với thiết kế hiện đại, tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng mới trên địa bàn hai phường Tây Mỗ và Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội từ năm 2019, trên diện tích 386.600m2.
Bảo tàng hiện đang lưu giữ hơn 150.000 hiện vật, trong đó có 4 bảo vật quốc gia và nhiều hiện vật quý.
Diện mạo mới của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam: Khu nhà bảo tàng nổi bật với sân trước và tòa tháp Chiến thắng cao 45m, cùng với đó là khối nhà bảo tàng gồm 4 tầng nổi và 1 tầng trệt, diện tích xây dựng 23.198m2. Tổng diện tích sàn tòa nhà chính rộng 64.640m2, tổng chiều cao 35,8m.
Cánh bên phải, trái là khu trưng bày các hiện vật ngoài trời. Phía bên trái, trưng bày những vũ khí, trang bị của Quân đội và nhân dân Việt Nam sử dụng trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược và sử dụng trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu thời kỳ xây dựng và bảo vệ đất nước.
Phần nhận định của Giao Chỉ
Với tư cách là người đơn phương sưu tầm và xây dựng Việt Museum tại San Jose, chúng tôi rất quan tâm đến dự án Bảo tàng của quân sự Hà Nội. Đã xem qua các đoạn phim triển lãm và xin ghi nhận như sau.
Hà Nội đã dành rất nhiều công phu, tiền bạc và tài liệu để hoàn tất một công trình tuyên truyền vĩ đại về cuộc chiến tranh Việt Nam. Trên khu đất mênh mông, các kiến trúc sư đã xây dựng một bảo tàng viện tuyên truyền, và ngày khai mạc đã có hàng ngàn dân chúng đến thăm viếng. Hà Nội đã sử dụng tối đa các chiến lợi phẩm do Hoa Kỳ và VNCH bỏ lại trên chiến trường để phô trương các chiến thắng trong chiến tranh. Không phải bảo tàng viện lịch sử.
Trong ngôi nhà bảo tàng kiến trúc theo kiểu Tây phương nhưng nội dung rất nặng về tuyên truyền một chiều. Không phản ánh thực sự cuộc chiến tranh, dù là đứng về phe cộng sản, từ ngày nổi dậy sau Đệ nhị Thế chiến (1939-1945) cho đến 1954 bắt đầu chiến tranh Nam – Bắc. Điều rất đáng tiếc là với biết bao nhiêu tiền bạc và công phu, nhưng Việt Nam không đủ sức vượt qua nhu cầu gian dối để bỏ qua những đau thương thực sự của cuộc chiến tương tàn tại Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu, người quốc gia Việt Nam đã phải lựa chọn giữa hai con đường: theo Pháp đánh cộng sản hay theo cộng sản đánh Pháp. Tiếp theo sau Hiệp định Genève 1954, cả miền Nam xây dựng trong 21 năm vừa chiến đấu vừa bảo vệ tự do không có mặt trong chiến sử. Các trận đánh từ Mậu Thân 1968 đến mùa hè 1972 với Kontum, Bình Long và Quảng Trị hoàn toàn bị chôn vùi trong quân sử cộng sản. Trong chiến tranh, Hà Nội qua thời kỳ đấu tố và bao cấp. Không hề có dấu vết về những sự hy sinh to lớn của cả thế hệ thanh niên miền Bắc và dân quê của phong trào Giải phóng miền Nam.
Sau chiến tranh, không hề có tài liệu về hậu chiến. Không hề thấy tài liệu về hàng ngàn trại tù và trăm ngàn tù nhân “Học tập cải tạo” từ 3 năm cho đến 17 năm gian khổ oan khuất. Tuyệt nhiên không hề có tin tức về hậu quả của công cuộc “giải phóng miền Nam” của quân đội cộng sản miền Bắc.
Tất cả đều thể hiện bằng một chiếc xe Jeep cộng sản cướp được từ miền Trung và chạy theo đoàn quân tiến về Sài Gòn, được sơn phết cải lương xanh đỏ, được xưng tụng là di vật anh hùng của trận chiến thắng sau cùng. Và thực sự, chuyện sau cùng là quân sử chiến tranh của cộng sản không thể đề cập đến hàng triệu người dân Việt đã bỏ nước ra đi sau khi được “giải phóng”. 300 ngàn người đã hy sinh trên đường tìm tự do, và ngày nay đã gửi về quê hương hàng tỷ Mỹ kim để nuôi đất nước giàu mạnh tiếp tục gian dối với lịch sử dân tộc.
Quân sử cộng sản Việt Nam đã hoàn tất một viện bảo tàng vĩ đại và gian dối với lịch sử. Các anh đã bỏ quên hàng trăm ngàn lính trẻ sinh Bắc tử Nam vẫn còn nằm mãi mãi ở dãy Trường Sơn, ở cả hai bên từ Đông sang Tây.
Điều khác biệt là tại Việt Museum nhỏ bé ở San Jose vẫn còn vĩnh viễn mô hình của Nghĩa trang Quân đội VNCH tại Biên Hòa với bia mộ 16 ngàn tử sĩ.
Để đối trọng với Bảo tàng Viện vĩ đại của quân đội cộng sản Hà Nội, chúng ta có một Việt Museum nhỏ bé tại San Jose nhưng hết sức ý nghĩa, thể hiện sự can trường trong chiến bại của anh em ta. Tại đây tuyệt đối không có đại bác, tàu bay hay chiến xa. Chỉ có hình ảnh của người chiến binh và cây súng trường. Bản đồ và thống kê con đường vượt biển tìm tự do. Các tượng đài trận đánh và chiến thắng từ 1968 đến 1973. Những cái chết anh hùng tự sát tháng Tư năm 1975.
Di sản anh hùng của bảo tàng miền Bắc là xác chiếc máy bay B52 của Mỹ nằm lại tại Hà Nội. Di sản nhỏ bé của Việt Museum là chiếc gạt tàn thuốc tầm thường của tướng Lê Văn Hưng – người anh hùng tự thủ thành công trận Bình Long vào chiều 30 tháng Tư tại Cần Thơ. Ông đã hút điếu thuốc lá cuối cùng, gạt tàn thuốc và dặn vợ nuôi con rồi tự vẫn bằng cây súng lục. Chiếc gạt tàn thuốc được đặt cạnh những ngôi sao cấp tướng Hoa Kỳ đầu tiên của cậu bé thuyền nhân Lương Xuân Việt.
Bên cạnh đó là chiếc đồng hồ của phi công VNCH Bùi Đại Giang, chỉ đúng một giờ khi anh và máy bay đâm đầu xuống đồng ruộng quê hương tại Hồ Bò, Hậu Nghĩa. Chúng tôi đã tảo mộ tìm xác anh phi công trẻ Bắc Kỳ di cư với toàn bộ quân phục và tài liệu. Hình ảnh còn lại của anh phi công miền Nam trẻ đẹp tuyệt vời đã làm rung động cả làng cộng sản đi đưa đám ma chôn lại trên khu đất phi cơ đâm đầu xuống.
Vâng, thưa các chiến hữu, tại Việt Museum của chúng tôi đã có các tượng đài bên ngoài và 200 di vật, tác phẩm nhỏ bé bên trong. Các họa phẩm về thuyền nhân do chính các thuyền nhân đã hy sinh sáng tác. Những bức hình thuyền nhân vào được gần bờ phải tự mình đánh đắm thuyền để được cứu vớt. Câu chuyện phải kể lại: anh chồng đục thuyền chìm rồi quay lại thấy vợ con đã trôi theo con thuyền tự mình đánh đắm.
Di sản của Việt Museum bao gồm những chiếc thùng chứa đồ thật lớn của HO, đem theo các đồ làm ruộng và nhà bếp. Bên ngoài ghi rõ là HO 15. Chúng tôi không đem theo được cái cột đèn mà mỗi đêm các cháu vẫn ra ngồi học bài.
Việt Museum nhỏ bé không hề tuyên truyền. Tất cả đều là sự thực đầy ý nghĩa của cuộc chiến, nhưng không tránh được thất bại cuối cùng. Viện bảo tàng thuyền nhân và Việt Nam Cộng Hòa không phải là nơi tuyên truyền dối trá suốt nửa thế kỷ thời hậu chiến.
Bức tường với một ngày trong đời người tù binh Cộng Hòa trong ngục tù cộng sản. Những tấm giấy của người tù ra trại với tội “Y tá” hay “Thầy giáo” trở thành tấm vé cho cả gia đình qua Mỹ tìm tự do, được đưa vào khung ảnh tấm áo ra trường của con em tốt nghiệp.
Một khu trưng bày đơn sơ nhưng thực sự là bao gồm các di sản của thuyền nhân dưới đáy Biển Đông. Qua thực tế với những di sản sưu tầm được, gồm 200 món hàng, đã làm Việt Museum xứng đáng là nơi ghi dấu lịch sử duy nhất trên thế giới của Người Việt Tự Do.