VĂN- ĐỖ DUNG: Hồi Ức – Duy Thanh, Chàng Đây! – Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam … MỘT VÌ SAO ĐÃ TẮT!!
Duy Thanh, Chàng Đây!
Đỗ Dung
Buổi sáng Thứ Bẩy Ngày 9 Tháng 11, 2019 thằng cháu út Lam Sơn chở bố mẹ sang thăm hai bác Duy Thanh – Trúc Liên. Anh chị ở căn phòng trên lầu hai của một chung cư tại San Francisco. Hình ảnh anh Duy Thanh ngồi lọt trong lòng ghế khiến chúng tôi giật mình. Mới mấy tháng không gặp mà anh thay đổi quá, người gầy xộc hẳn, mặt hốc hác chỉ còn đôi mắt tinh anh. Nghe tiếng chào của chúng tôi anh lên tiếng:
– Đến thăm người sắp chết hả! Đừng chúc tôi sống lâu trăm tuổi nhá! Tôi chỉ muốn chết thôi!
Chị Trúc Liên im lặng ngồi bên cửa sổ nhìn xe cộ chạy dưới lòng đường. Để hai anh em và bác cháu tâm tình, tôi đến ngồi bên chị:
_ Chị có nhớ em là ai không?
Chị mỉm cười, nét mặt đẹp hiền hoà như một nữ tu hay như một bà tiên:
_Ờ… Em!
Thế rồi giọng chị nhẹ nhàng như thủ thỉ, chị kể về những chuyện xa xưa, chuyện của một thời con gái của chị, chuyện về những ngày sống trong ngôi nhà cũ ở Hàng Xanh bên ba, bên má…
Một lúc sau có bà giúp việc đến thay quần áo và lo cho chị ăn, tôi ra trò chuyện với ông anh. Anh và tôi tương đối thân vì anh em hay nói những chuyện vui văn nghệ, văn gừng, nói về những nhà văn, nhà báo anh biết và tôi hay bông đuà, giỡn hớt với ông anh. Mỗi khi tôi viết được bài nào cũng đưa anh chị đọc trước và vẽ xong bức tranh nào cũng đem ra khoe với anh chị.
Thấy bát súp để trên bàn tôi cầm lên định đút cho anh thì anh xua tay:
_ Cô để đó đi, tôi cầm lấy được mà, chỉ húp một cái là xong. Há mồm để được đút đồ ăn trông thảm quá!
Anh cầm bát súp ăn được hai ba thìa nhỏ thì bỏ xuống liền, không chịu ăn nữa:
_ Sống thế này chán quá, già rồi chán quá, tôi chỉ muốn chết phứt đi cho xong. Kéo lê thê ngày nọ sang ngày kia thế này chán quá!!
Nghe và nhìn anh thấy thật thương nhưng tôi cũng cố nói:
_ Anh ơi… Sống chết là chuyện của ông Trời, mình có tính được đâu anh. Anh cứ ăn uống cho khỏe để còn ngày nào vui ngày đó. Anh phải vui lên, buổi sáng mở mắt ra còn thấy cuộc đời này, còn thấy nắng vàng tươi ngoài kia, ta vui thêm ngày nữa. Đến đúng ngày, đúng giờ thì… ta đi. Anh mong chẳng được và anh muốn cũng chẳng được thì anh tự làm khổ mình làm gì. Thôi cười đi nhá! Cười lên mới đẹp trai… hìhì…
Tôi lấy điện thoại ra giơ lên “Anh cười đi nào, cười đi, em chụp hình nè…” Anh phì cười và sau đó tôi cứ ngồi nói chuyện trêu chọc để thỉnh thoảng anh lại mỉm cười. Hỏi anh có thích đọc sách không để tôi đem sang. Anh lại ca điệp khúc: “ Mắt mờ, tai điếc, đi đứng không vững. Mình mẩy đau nhức. Chỉ muốn chết nhanh cho rồi…”
Ngồi chơi với anh chị khoảng gần hai tiếng chúng tôi phải xin phép về để anh chị đi nghỉ. James, chồng của Yên Chi ở lại trông bố mẹ. Anh chị có ba cô con gái mà anh luôn gọi là “Ba con đào yêu quý, Phương Thảo, Yên Chi, Hoàng Điệp”. Ba cháu rất hiếu thảo và ba chàng rể cũng rất ngoan và tốt, lại ở gần bên nên chăm lo cho bố mẹ thật chu đáo.
Dời khỏi nhà anh chị chúng tôi lại ghé thăm cô em dâu, vợ chú Hoà mới bị stroke phải gọi emergency đưa vào nhà thương ở Castro Valley. Cũng may cô bị nhẹ và đưa đi kịp thời nên thấy cũng đỡ lo. Các cháu bị một phen hoảng hồn. Tôi đành phải an ủi cô hãy ráng tĩnh dưỡng, ăn uống lành mạnh cho khỏe và chịu khó tập thể dục.
Bước ra khỏi bệnh viện, trời chiều cuối thu Cali se lạnh, hai bên đường lá đã chuyển sang màu vàng, đỏ. Hai vợ chồng nhìn nhau ngậm ngùi… Lứa chúng tôi trên bẩy, tám chục tuổi cả rồi, như những chiếc lá vàng kia, từng chiếc, từng chiếc sẽ lià cành để trở về với cát bụi. Đời người thật ngắn ngủi, chỉ như một thoáng mây bay.
Sáng Thứ Năm 21 tháng 11 tiếng chuông điện thoại reo, nhìn thấy tên cháu Phương Thảo, tôi giật mình hoảng hốt, sợ có tin chẳng lành.
_ Thím ơi, phải gọi xe cứu thương đưa bố con vào bịnh viện rồi. Bố không chịu ăn uống gì cả, chỉ đòi chết thím ơi.
_Bố có biến chứng gì sao? Tại sao phải đi emergency?
_ Bố con bị té!
_Bây giờ bố con sao? Xương cốt có bị gì không?
_Bố té nhẹ thôi thím nhưng tại bố con yếu quá nên phải đưa vào nhà thương.
Thứ Bẩy, 23/11 vợ chồng cháu Khôi sang chở chúng tôi vào General Hospital SF thăm bác.
Anh Duy Thanh nằm đây mong manh bên bờ sinh tử. Thật nghẹn ngào. Hôm nay không đùa, không cười được nữa! Ghé sát vào tai anh để nói thì mắt anh chỉ chớp nhẹ. Miệng thều thào: “Nước!”. Đưa muỗng nước đến miệng thì anh há ra nhận chứ không còn xua tay từ chối. Bốn người chúng tôi đứng quanh giường chỉ biết lặng lẽ nhìn. Khuôn mặt hiền hòa kia sắp biến mất và chúng tôi sẽ không bao giờ trông thấy nữa. Anh Thọ nắm bàn tay anh, bàn tay anh Duy Thanh cử động nắm lấy tay ông em. Tôi vuốt nhè nhẹ cánh tay gầy guộc. Anh đưa ngón tay lên như muốn viết chữ gì mà tôi cố nhìn theo mà cũng không thể nhận ra. Cháu Khôi lên tiếng “Hay là bác muốn vẽ tác phẩm cuối cùng?”. Cháu trai lớn của tôi rất yêu ông bác nghệ sĩ vui tính. Mới ngày nào khi bác gái và các chị còn ở VN, bác đến nhà hay dắt cháu đi chơi và mỗi khi nhấc điện thoại, biết là các em hay các cháu gọi thì bác luôn cười ha hả: “Duy Thanh, chàng đây!” để thằng bé con cũng khoái chí bắt chước bác vỗ ngực kêu lên: “Thiên Khôi, chàng đây!”
Đêm hôm ấy lên giường nằm mà tôi không thể nào chợp mắt, những kỷ niệm về anh chị cứ lần lượt hiện về. Năm 1971, khi mới về nhà chồng, tôi còn đang đi học lại kém anh nhiều tuổi, nhỏ hơn cả cô em út, nên anh cũng gọi tôi là “cái con đào này” như anh gọi mấy đứa con của anh. Những ngày rảnh rỗi tôi hay sang nhà anh chị ở Hàng Xanh chơi, ra vườn sau nằm võng đu đưa dưới những tàng cây râm mát. Thỉnh thoảng anh lái chiếc xe Simca trắng về thăm mẹ thì lại chuyện trò rổn rảng với “con đào” này. Năm 73 anh theo sở làm sang Thái Lan và đến Tháng Tư 75 thì kẹt không về VN được mà sang định cư tại San Francisco cho đến bây giờ. Năm 1980 gia đình chúng tôi vượt biên sang ở nhà cô em gái tôi tại San Pablo, anh cũng sang ngay để thăm. Từ đó hình ảnh ông anh nghệ sĩ tay luôn cầm chiếc máy ảnh, sang đưa các cháu đi chơi và chạy theo các cháu để chụp hình.
Mấy năm sau chị và các cháu sang đoàn tụ, rồi qua chương trình HO, đầu thập niên 90, toàn thể gia đình chú Hoà cũng sang được hết. Cả ba gia đình anh em Thanh – Thọ – Hoà ở quanh quẩn vùng bắc Cali nên có dịp gặp nhau luôn. Ít nhất mỗi năm tất cả tụ họp ba lần, ngày Tết Nguyên Đán, ngày giỗ ông nội và ngày giỗ bà nội. Các cháu của ba nhà lần lượt lớn lên, lập gia đình và đã ra ở riêng. Hàng năm chúng tôi vẫn họp mặt đông đủ cả ba lần, luân phiên từ nhà cháu này đến nhà cháu kia. Hai vợ chồng già DT và TL vẫn ở lại căn phòng cũ tại SF và sáng sáng anh xuống phố đi tản bộ loanh quanh. Anh ở đó quen rồi, nơi phố đông vui nên anh chị không chịu đến ở với con nào hết, dù các cháu tha thiết mời và các cháu đều có nhà cửa rộng rãi, khang trang. Mặc dù vậy nhưng kỳ họp gia đình nào anh chị cũng đến. Ba thế hệ đề huề, họp nhau là ăn uống, chuyện trò, hát karaoke, nhẩy nhót tưng bừng. Anh rất yêu trẻ con, những đứa trẻ thế hệ thứ ba ra đời ông dang tay ôm vào lòng từng đứa mỗi khi gặp mặt. Mấy năm về sau anh già yếu đi nhiều, không còn nói cười sang sảng nhưng vẫn đến và cưng chiều con cháu. Chúng nó hát Karaoke thì khi ông hứng ông cũng cầm micro hát và khi ông mệt thì cứ thoải mái ngồi cạnh đó mà… khò khò.
Khi chị bắt đầu lú lẫn anh phải ở nhà nhiều hơn để săn sóc chị. Buổi sáng không xuống phố mà ở nhà lo cho chị ăn uống. Ở nhà để canh chừng không để chị xuống đường một mình rồi đi lạc. Năm vừa qua anh chị đã không đến với những buổi họp gia đình nữa.
Cả ngày chủ nhật tôi nhớ về anh, viết vài kỷ niệm về anh. Buổi chiều cháu Hạnh Quyên, cô con gái lớn của tôi điện thoại nói là đang ở bịnh viện với bác và buổi tối cháu đã nghẹn ngào qua phone:
_ Bác … mất rồi!!
Hai vợ chồng tôi đang sững sờ mặc dù biết tin này sẽ đến thì cháu Khôi cũng gọi sang:
_ Mẹ biết gì chưa? Bác Duy Thanh… đi rồi!
Và tiếng Hoàng Điệp cũng nức nở qua điện thoại:
_ Thím ơi… Bố con mất rồi, nghe Chi gọi, con đang trên đường đến nhà thương.
Rồi nghe cháu khóc nấc trong phone.
_ Con bình tĩnh, lái xe cẩn thận, có gì phone báo ngay cho chú thím nghe con!
Lúc đó là khoảng 10 giờ đêm Chủ Nhật 24 Tháng 11 năm 2019.
Ông anh cả của chúng tôi đã bỏ cõi đời này!!
Duy Thanh, Chàng đây!! Đã bỏ chúng tôi mà đi!!
Với nền Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam … MỘT VÌ SAO ĐÃ TẮT!!
Với gia đình chúng tôi, Anh là một người chồng chung thuỷ, một người cha tuyệt vời, một người anh cả vui vẻ, đáng quý, một ông bác đáng yêu của lũ cháu gọi ông bằng bác, bằng ông. Các cháu nghe tin bác mất, ông mất đã khóc oà… thương tiếc ông thật nhiều!!
Một vài đoạn tôi đã viết về bức họa MAI VỀ TÌNH THƠ HÔM NAY
(…Sau ngày cưới chàng và nàng đã có một tuần lễ thần tiên tại thành phố thơ mộng Đà Lạt. Khách sạn Mộng Đẹp nằm trên một con dốc, từ bao lơn phòng ngủ nhìn xuống bên trái là khu Hòa Bình, bên phải con đường dẫn đến hồ Xuân Hương. Sáng sáng hai người tay trong tay xuống phố, vào tiệm phở điểm tâm rồi ghé sang cà phê Tùng ngồi nhâm nhi tách cà phê bốc khói. Sau đó xuống khu chợ mới mua vài loại trái cây tươi và một ít đồ ăn lặt vặt rồi tản bộ đi thăm những thắng cảnh gần hoặc ra bến xe đi chơi những nơi xa. Hình ảnh Đồi Cù và Thung Lũng Tình Yêu của Đà Lạt xa xưa như vẫn còn in đậm nét trong tâm trí Khuê. Không khí êm ả trong nắng vàng tươi, nàng đã sung sướng lăn mình trên những thảm cỏ xanh ấy và chàng đã chụp rất nhiều hình cho nàng.
Thiên đã kể nàng nghe về bức tranh của ông anh họa sĩ mà chàng rất thích. Bức tranh anh Duy Thanh cũng vẽ một thảm cỏ xanh dưới nắng, khung cảnh thật tĩnh lặng, an bình. Một chiếc xe thổ mộ ở gần góc của bức tranh như đang đi trên một con đường mòn nhỏ cắt ngang thảm cỏ, nhẹ nhàng như thơ, như mơ. Chàng đã tự nhủ lòng sẽ xin ông anh tác phẩm ấy sau buổi triển lãm của họa sĩ. Nào ngờ bức tranh đã được người mua ngay ngày đầu tiên với giá thật cao. Chàng còn nhớ sau khi anh Duy Thanh hoàn thành tác phẩm đó hai ông bạn thân là Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền cùng ngồi ngắm và ông Mai Thảo đã gật gù đặt tên cho bức vẽ: “Mai Về Tình Thơ Hôm Nay”. Ông TTT thì “Ước gì “moi” được lăn kềnh trên thảm cỏ này”. Khuê rất mê văn Mai Thảo và nghe tên tranh ông đặt cũng không khỏi tò mò, tại sao lại “Mai Về Tình Thơ Hôm Nay”. Có dấu chấm hay dấu phẩy nào ở giữa không. Thiên trả lời là không có dấu gì hết, viết liền như vậy thôi và chàng nhớ là bức tranh đẹp lắm, mầu nắng, mầu cỏ như có sức thu hút lạ lùng. Khi biết bức tranh có người mua đem đi rồi chàng đã tiếc ngẩn tiếc ngơ. Hồi đó chưa có máy hình thông dụng như bây giờ nên cũng chưa kịp chụp để giữ làm kỷ niệm.
Và:
Trên con đường nhỏ dành cho khách bộ hành, một bên là đồi cỏ xanh một bên là rặng hoa đào, ông già tóc bạc trông còn tráng kiện và lưng còn thẳng, người đàn bà đi bên cạnh dáng đi chậm chạp. Ông khẽ nắm tay bà, tay trong tay vẫn ấm và hai người thong dong, khoan thai đi bên nhau trong buổi sáng mùa xuân, nắng vàng đẹp, gió nhẹ hây hây, hoa reo vui, lá reo vui trong không gian thật êm đềm. Tiếng chim ríu rít trên cành. Nhìn lên đồi cỏ xanh có mấy con bò đang khoan thai gặm cỏ, Khuê bất giác nghĩ đến bức tranh “Mai Về Tình Thơ Hôm Nay” của anh Duy Thanh. Ông Mai Thảo, người đặt tên cho tác phẩm ấy không còn nữa. Khuê định bụng đến Mùng Một sang chúc Tết anh chị Duy Thanh sẽ hỏi cho rõ về ý nghĩa của bức tranh, mặc dù biết là ông anh nghệ sĩ sẽ trả lời “Cô muốn hiểu sao thì hiểu!”
Phải chăng bây giờ là MAI mà “chàng và nàng” đang trở VỀ với TÌNH THƠ HÔM NAY cuả ngày tháng xa xưa ấy.)
Anh Duy Thanh,
Em đang tưởng tượng, hình dung anh đang ngồi thong dong, thảnh thơi trên chiếc xe thổ mộ của “MAI VỀ TÌNH THƠ HÔM NAY” để đi về vùng An Lạc, về cõi Vĩnh Hằng. Tám mươi tám năm rong chơi trong cuộc đời này, với Anh là quá đủ, phải không Anh!
ĐD
26/11/2019