MỪNG LỄ,  Văn Thơ

VTLV TRANG ĐẶC BIỆT-MỪNG GIÁNG SINH 2024

**

ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG.     

CAO MỴ NHÂN

Đêm Thánh vô cùng trân quý ơi

Đoá hoa nhân ái nở bên trời 

Khát khao yêu mến người thiên hạ

Tất cả xin vào dự hội chơi

*

Ánh biếc vì sao lấp lánh xa

Tươi vui bếp lửa ấm muôn nhà

Chúa ơi, Đêm Thánh vô cùng tận

Người với người thương ta với ta

*

Bạn với bè trên mỗi bước xuân

Hoan ca nơi khắp ngả dương trần

Mây vương sắc áo mầu nhân ảnh

Đêm Thánh vô cùng đẹp dấu chân.

*

Mãi mãi hoa thơ kết vạn lòng

Dâng lên Thiên Chúa mỗi mùa đông

Bình an dưới thế đêm vô tận

Chúa ở cùng anh chị em mong …

      CAO MỴ NHÂN

*

NOEL CẢM LUỴ.     

CAO MỴ NHÂN

*

Đứng trên đỉnh cầu vồng

Người có nhớ gì không

Hay một trời dĩ vãng

Đã tan ra thành sông

*

Dòng sông cuộc đời xưa

Nước mắt đầy như mưa

Người vương thương khổ luỵ

Trên những chuyến đò trưa

*

Đã ở thật xa xôi

Cuộc tình cũng chơi vơi

Mười năm trôi mộng mị

Bài thơ viết không lời

*

Noel cuối thật  buồn

Đón Chúa vào linh hồn

Rồi bay theo huyễn cảm

Cùng nỗi  sầu sắt son

*

Người đi, xin bái biệt

Bồng bềnh lúc chia tay

Mười năm hương nguyền tắt

Sót lại nỗi đau này …

     CAO MỴ NHÂN

*

TRƯỚC LỄ GIÁNG SINH.      

CAO MỴ NHÂN

*

Chúa ơi, con chẳng còn nao nức

Nghe tiếng chuông, chờ Lễ Nửa Đêm

Con thấy lòng con yên lặng quá

Thản nhiên vào giấc ngủ êm đềm

*

Bao nhiêu bạn trẻ đã ra đường

Phải họ đi tìm Chúa mến thương

Hay họ chỉ đi tìm bóng họ

Bên nhau, mai mốt lại muôn phương

*

Ở đây, cạnh Chúa vẫn cô đơn

Ngửa mặt nhìn sao, nén tủi hờn

Con muốn lênh đênh trên biển cả

Một lần sóng gió, Chúa gần hơn

*

Chúa ơi, Chúa đến làm chi nhỉ

Con khóc như mưa, Chúa lại …cười

Con khổ sở hoài, xin Chúa giúp

Chúa kêu thử thách với con thôi

*

Con vừa cầu nguyện gởi cho ai

Thôi nhé, Noel này lạc loài

Con viết thơ buồn trên giá thánh

Ngày mai thức giấc, chắc sầu vơi…

  (Saigon 24  -12  –  1981)

           CAO MỴ NHÂN

ĐÊM CHRISTMAS.     

CAO MỴ NHÂN

*

Anh đứng nhìn em lâu

Sân nhà thờ, đêm thâu

Lời thánh ca chưa dứt

Tan vào cuộc tình sau

*

Bài thơ không buồn phiền

Chúa ở mãi bên em

Ôm em  cho chặt nhé

Đừng để rớt trái tim

*

Nhạc thánh ca lâng lâng

Hồn chơi vơi bâng khuâng

Bạn đời vô quá khứ

Người tình lỡ trăm năm

*

Hồi chuông ngân vang xa

Chúa vẫn ở bên ta

Sao anh im lặng thế

Ta đang trong mộng mơ

*

Thơ rơi theo tình buồn

Em sợ sầu vương thương

Mông mênh đêm Christmas

Nước mắt hoà khói sương …

        CAO MỴ NHÂN

*

HÁT THÁNH CA.     

CAO MỴ NHÂN

*

Buổi sáng em ngồi hát thánh ca

Cả không gian sáng rỡ quanh nhà

Anh đang xa tít chân mây rộng

Em nguyện trời ân sủng chúng ta

*

Ôi, nguyện trời cao, tuyệt đỉnh cao

Giơ tay em với tới phương nào

Không gian vần vũ, anh yêu hỡi

Sương khói mơ hồ giữa ánh sao

*

Chúa ở cùng anh, Chúa bỏ em

Bâng khuâng hờn tủi những ưu phiền

Ngay khi anh đến, khi anh đến

Mang nỗi u hoài, trễ muộn thêm

*

Buổi tối thánh ca vẳng ngập ngừng

Chao ôi, có thật Chúa bên lưng

Đỡ em đi hết đường đau khổ

Dấu lệ yêu thương, đọc ” Kính mừng …”

           CAO MỴ NHÂN

*

ĐÊM THÁNH.     

CAO MỴ NHÂN

Đêm thánh vô cùng hạnh phúc sao

Đường vô nhà Chúa gió len vào

Từng cây, từng lá, từng hoa lạnh

Christmas chan hoà chuông vọng cao

*

Anh có bao giờ ngó thật xa

Đêm rơi huyền ảo khói la đà

Hàng thông đứng đợi đôi hè phố

Vươn bóng mơ màng nghe thánh ca

*

Lễ nửa đêm chuông thả ngút trời

Người về ấm áp giữa sương rơi

Vòng ôm xiết chặt tình thân ái

Đếm bước thương yêu đẹp tuyệt vời

*

Mấy chục năm mà tưởng mới đây

Noel xưa lưu lạc phương này

Vẫn nơi ký ức thời thơ dại

Bài thánh ca buồn hát đắm say…

     CAO MỴ NHÂN

Ý NGHĨA CỦA LỄ GIÁNG SINH

Lễ Giáng Sinh là ngày Christmas khá trọng đại. Trọng đại vì đây là ngày đã được mọi quốc gia, mọi tôn giáo coi như ngày vui chung của nhân loại, chứ không riêng gì đối với tín đồ Thiên Chúa Giáo. Do đó, có người đã nói, Christmas là một cơ hội hãn hữu để nhắc nhở mọi người  có bổn phận đối với những người mà ta không quen biết cũng như đôi khi không ưa thích.Và đồng thời mọi người cũng hân hoan hát các điệu nhạc Giáng sinh như “We wish you a Merry Christmas”, như “Silent Night”, Đêm Thánh Vô Cùng mừng Chúa Hài Đồng ra đời.

            …Ôi Chúa thiên đàng, cam nếm cơ hàn
            Nhấp chén phiền vương phong trần
            Than ôi Chúa thương người đến quên mình
            Bơ vơ chốn quên nhà lúc sinh thành
            Ai đang sống trong lạc thú
            Nhớ rằng Chúa đang đền bù…

            Theo lời ghi lại thì khi Chúa Jesus cất tiếng khóc chào đời trong một cái máng cỏ ở hang Bethlelem có ba vị Vua phương Đông mang ba món quà đến để bày tỏ sự thành kính của họ. Trong khi đó, những người chăn cừu nghèo khó cũng lòng thành tặng Chúa Jesus hoa quả và những món đồ chơi do chính họ làm ra…

            Lễ Giáng Sinh Christmas là lễ kỷ niệm  ngày sinh của Chúa Jesus. Christmas gồm có chữ Christ và Mas. Christ là tước vị của Đức Giêsu, chữ Mas là Thánh lễ. Thượng Đế đã gửi con yêu quý của mình xuống thế để chuộc tội và mang lại tình thương, hòa bình, hạnh phúc cho nhân loại. Tuy là lễ riêng của tín đồ Cơ Đốc Giáo, nhưng hầu như mọi người đều trân trọng, chung vui. Với tất cả, Lễ Giáng Sinh là thời gian tuy ngắn ngủi nhưng tràn ngập thương yêu với những gói quà dưới cây Noel, sao sáng lung linh nơi cửa sổ, những cánh thiệp chúc tụng gửi đó đây, những bữa ăn đoàn tụ thân bằng quyến thuộc với tiếng cười nói hân hoan hạnh phúc, với tuyết trắng phủ kín sân nhà, đường phố…

Cho nên, tinh thần của Lễ Giáng Sinh là chia sẻ, bao dung, thương yêu và giảm thiểu giận hờn.

Tiểu thuyết gia Oren Arnold gợi ý về quà tặng Giáng Sinh như sau: “Với kẻ thù, cho sự Tha thứ; với đối thủ cho sự Chịu đựng; với bạn bè cho Trái Tim; với khách hàng cho Phục Vụ Chu Đáo; với các cháu bé Làm Gương Sáng để cháu noi theo và với chính mình, cho niềm Tự Trọng”.

Trong thông điệp gửi cho nhân dân Hoa Kỳ, vị Tổng Thống thứ 30 của quốc gia này là Calvin Coolidge (1872-1933), nhắn nhủ: “Christmas không phải là một thời gian hoặc một mùa nhưng là một tâm trạng. Để chào mừng hòa bình và thiện ý, để có đầy đủ tình yêu thương”.

Tiểu thuyết  gia nước Anh là Charles Dickens ((1812–1870) cũng đồng ý với “ Tôi luôn nghĩ Christmas như là thời gian vui thú ; một thời gian thân tình, tha thứ, độ lượng, thoải mái; thời gian mà nam cũng như nữ dường như tự do rộng mở trái tim, do đó tôi xin Thượng Đế chúc lành cho Christmas”.

Tác giả Wilda English viết :”Thượng Đế ban cho ta ánh sáng của Christmas, đó là niềm tin;  ấm áp của Chrismas, đó là tình yêu; rực rỡ của Christmas, đó là sự trong sáng;  chính trực của Christmas, đó là công lý; lòng tin tưởng ở Christmas, đó là sự thật; mọi ý nghĩa của Christmas, đó là Chúa Giê Su”.

Kế cận những bên nhau hạnh phúc, Giáng Sinh còn quá nhiều người không mua, không nhận được quà tặng, không lo được bữa ăn ngon, những em bé bán diêm chết cóng trong đêm băng giá, những đứa con bị cha mẹ bỏ rơi, những người bệnh không được thuốc thang chăm sóc…

Nhưng có Mother Teresa, người được Chúa Jesus kêu gọi để phục vụ những kẻ bất hạnh từ Giáng Sinh năm 1948. Bà từng nói “Mỗi năm tôi khởi  sự việc làm vào ngày Christmas”.

Vì, theo bà, “Là Lễ Giáng Sinh mỗi khi ta để Thượng Đế thương yêu người khác qua ta…và  là Lễ Giáng Sinh  mỗi khi ta mỉm cười với anh em của ta và cứu giúp họ”.

Đó là thánh ý Thiên Chúa.

Mà trong Lễ Giáng sinh, thường thường người ta cũng hay cầu nguyện

Cầu nguyện không phải chỉ là sự thờ phượng mà còn là một nguồn sinh lực dồi dào, mạnh mẽ mà con người có thể tạo ra. Ảnh hưởng của sự cầu nguyện lên tinh thần và thể chất có thể chứng minh được.  Ảnh hưởng đó được đo lường bằng sự phục hồi thể xác, đưa tới một trí tuệ sáng suốt, một lương tri ổn định và sự thấu hiểu những mặt khàc nhau trong sự giao thiệp giữa mọi người.

Nếu ta thành thật tạo ra một thói quen cầu nguyện, cuộc sống của ta sẽ thay đổi rõ ràng. Lời cầu nguyện sẽ để lại trong hành động và thái độ của ta những dấu ấn khó xóa nhòa. Một tác phong bình thản, một nét mặt ung dung tự tại ở những ai đã có một nội tâm phong phú. Trong chiều xâu của lương tri là ngọn lửa của nhân ái. Và con người tự nhìn thấy mình. Họ nhìn ra tính ích kỷ, thái độ kiêu hãnh, tâm trạng  sợ hãi, lòng tham lam, những sai lầm ngớ ngẩn của mình. Họ sẽ triển khai một nghĩa vụ đạo đức, một trí tuệ khiêm cung lâu dài.

Câu nói, “Hãy cầu xin và sẽ được đáp ứng” đã được chứng minh bằng kinh nghiệm của nhân loại.Thực ra, cầu nguyện không thể mang lại sự sống cho em bé đã chút hơi thở cuối cùng hoặc chấm dứt được cơn đau thể chất. Nhưng cầu nguyện, như hạt radium, là nguồn sinh lực tự tạo sáng chói không bao giờ hết. Khi cầu nguyện, ta đã kết nối bản thân với nguồn sức mạnh bất tận đang quay cuồng trong vũ trụ. Ta xin một phần năng lượng đó cho nhu cầu thiếu hụt của ta để tăng cường bổi bổ. Nhưng đừng cầu nguyện Thượng Đế để thỏa mãn lòng ham muốn nhất thời.

Ta có thể cầu nguyện bất cứ ở đâu, một mình hoặc với người khác. Hãy nghĩ tới Thượng Đế nhiều hơn là hơi thở khiến cho cầu nguyện trở thành một thói quen.Và đừng cầu nguyện vào buổi sáng rồi suốt ngày sống như một con người man rợ độc ác.

            Hơn bao giờ hết, cầu nguyện bây giờ là một gắn bó cần thiết trong nếp sống của con người. Thiếu quan tâm tới ý nghĩa của tôn giáo đã đưa thế giới tới ngưỡng cửa của sự diệt vong. Nguồn sức mạnh xâu sắc, toàn hảo nhất của chúng ta đã bị lãng quên một cách thảm bại. Cầu nguyện phải được tích cực áp dụng trong nếp sống của chúng ta. Vì nếu sức mạnh của sự cầu nguyện được áp dụng trong đời sống thường nhật thì còn nhiều hy vọng rằng những lời cầu nguyện cho một thế giới tốt đẹp hơn sẽ được đáp ứng.

            Để kết luận, xin mượn lời của nhà văn danh tiếng nước Anh Charles Dickens như sau, khi ông nói tới Christmas: “I will honor Christmas in my heart, and try to keep it all the year”, Tôi sẽ tôn vinh Christmas trong trái tim của tôi và trân trọng Christmas suốt năm”.

 Bác sĩ Nguyễn Ý Đức 

MÙA GIÁNG SINH AN LÀNH

Lễ Tạ Ơn đã qua, mùa Giáng Sinh lại về. Nhiều nhà thờ được trang hoàng rực rỡ đón Giáng Sinh, nhà nhà chuẩn bị mua cây thông, có người lên rừng đốn cây thông đem về cho gia đình mình, cho bằng hữu của mình. Có một số gian hàng bán cây thông ngoài đường nhưng chúng tôi thích mua cây thông ở nhà thờ hơn vì mua cây thông ở nhà thờ ít nhất mình cũng giúp cho nhà thờ một chút gì đó. Ở Orange County, nhà thờ nào có linh mục Việt Nam, có giáo dân Việt Nam thì nhà thờ đó được trang hoàng rất đẹp, đèn rực rỡ khắp nơi ngoài nhà thờ, cây cỏ ở nhà thờ được chăm sóc một cách cẩn thận, nhất là tượng Đức Mẹ lộ thiên đầy hoa, hoa cúc, hoa lan, hoa vạn thọ, Đức Mẹ đứng giữa rừng hoa. Đức Mẹ đã đẹp, hoa làm cho Đức Mẹ đẹp hơn. Hằng ngày, nhiều  tín đồ đến cầu nguyện Đức Mẹ ban phép lành, người nào (không phân biệt tôn giáo) có tâm sự đều đến cầu xin Đức Mẹ ban cho mình sự bình yên, không phải chỉ có người lớn tuổi cầu xin điều gì đó mà ngay cả những người trẻ tuổi cũng cầu xin.

Khi đồng hương đến những nơi linh thiêng cầu nguyện thì khuôn mặt rất thành khẩn, rất chân thành, chúng tôi đã gặp nhiều người già ngồi trên xe lăn, người tật nguyền chống gậy đến trước tượng Đức Mẹ cầu nguyện ở nhà thờ Saint Barbara, Santa Ana, nhà thờ Saint Polycap, nhà thờ Westminster, nhà thờ Anaheim, nhà thờ Saint of  Alexandria Temecula, v.v. Khuôn mặt  của những người có niềm tin tôn giáo lúc cầu nguyện rất hiền lành, thánh thiện, lúc đó hình như họ không ở trần gian, mà họ đến nơi nào đó, nơi đó là Thiên Đàng. 

Chúng tôi còn nhớ năm đầu tiên tị nạn ở Hoa Kỳ dự thánh lễ Giáng Sinh đầu tiên ở một nhà có cổ kính ở thành phố Glendale, Los Angeles County. Tối hôm đó có vài người Việt Nam tham dự, vì ở trại tị nạn thì nóng, sang Hoa Kỳ đêm Giáng Sinh quá lạnh, áo lạnh không đủ ấm, chúng tôi vừa đứng trước tượng Đức Mẹ vừa run, nhà thờ tuy nhỏ mà số người tham dự thì đông, thấy người lạ đến nhà thờ, một bà Mỹ lớn tới nắm tay chúng tôi dẫn vào bên trong nhà thờ. Không khí đêm Giáng Sinh tưng bừng chưa bao giờ thấy, đương nhiên ở trong trại tị nạn làm sao có không khí vui tươi như thế này, ở trong trại tị nạn hồi hộp chờ từng ngày để được định cư.

Gần tới mùa Giáng Sinh nhà nào cũng đẹp, văn phòng, cơ sở thương mại cũng trang hoàng đẹp hơn ngày thường, cây thông, thiệp Giáng Sinh với ông già Noel để trên cây thông, những chiếc vớ dài thật đẹp để trên lò sưởi. Lúc nhỏ, chúng tôi thường nghe nói nếu mình mơ ước điều gì thì ông già Noel sẽ cho mình, ông già Noel sẽ đi từ ống khói xuống lò sưởi. Ông bà, cha mẹ thường nói những đứa trẻ phải ngoan ngoãn thì ông già Noel mới cho quà, trẻ con thì hay tin lời của ông bà cha mẹ mình nói, dù không ngoan ngoãn nhưng tới ngày gần lễ Giáng Sinh cũng phải ngoan để được quà của ông già Noel. Trên đời này có đứa trẻ nào học giỏi mà không nghịch ngợm đâu chứ? Nghe nhạc Giáng Sinh, mặc áo mới, có quà, trẻ con nào mà không thích mùa Giáng Sinh chứ? Các nhà thờ đẹp, trang hoàng cây thông rực rỡ, bóng đèn đủ màu, cũng nhờ bàn tay của Giáo dân, sân ở nhà thờ không có một lá cây cũng nhờ bàn tay của Giáo dân, của linh mục quan tâm đến nhà thờ của mình.

Trước lễ Giáng Sinh, tôi thường gọi thăm các linh mục mà chúng tôi quen. Linh mục Vũ Đảo, đã hưu trí, là học trò trường trung hoc Lý Thường Kiệt thập niên 50 lúc người Bắc mới vừa di cư vào Nam. Linh mục Vũ Đảo học rất giỏi, có khiếu văn nghệ, đóng kịch rất xuất sắc, sau này là nhà giáo, rồi là sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau 30/4/1975, ngài ở tù 3 năm. Ra tù, ngài vượt biên qua Thái Lan, định cư ở Chicago, Hoa Kỳ. Ngài đi học ở nhà dòng, được thụ phong linh mục ở miền Đông vào tháng 4/1988.

Cựu học sinh trung học Lý Thường Kiệt ở Quang Trung, quận Hóc Môn rất hãnh  diện về ngài, và không biết đất lành ở trường sao đó mà trường có nhiều dì phước, linh mục và có một giám mục cũng là học trò của Lý Thường Kiệt. Cựu học sinh Lý Thường Kiệt ở California tổ chức chào đón ngài trước khi ngài về Phi Luật Tân làm việc trong các trại tị nạn ở Phi Luật Tân.

Đến Phi Luật Tân vào tháng 6/1988, linh mục Vũ Đảo giúp rất nhiều đồng hương tị nạn trong trại tị nạn. Phi Luật Tân gồm có 4000 đạo họp lại thành một quốc gia Phi Luật Tân, đạo Công Giáo và Tin Lành phát triển rất mạnh mẽ, các vị lãnh đạo tinh thần được tôn trọng, hằng năm linh mục Vũ Đảo về Hoa Kỳ một lần, ngài được bằng hữu đón tiếp một cách nồng nhiệt, chúng tôi thường gởi sách, báo, nhạc để ngài đem về Phi Luật Tân tặng cho đồng bào tị nạn, ngài cho biết trong trại tị nạn hằng năm vẫn tổ chức lễ Giáng Sinh một cách long trọng.

Linh mục Vũ Đảo là linh mục bề trên của dòng Ngôi Lời mới thành lập ở Mỹ chừng 50 năm. Ngày xưa ở Việt Nam không có dòng Ngôi Lời, khi biến cố lớn xảy ra ở Lousiana, tượng thánh Louis bị những người nổi loạn cột dây vào đầu và định giựt sập thì linh mục Stephen Schumacher vừa chịu chức chưa được một năm của tổng giáo phận St. Louis, đứng dưới tượng Thánh Louis cùng một số Giáo dân bảo vệ tượng. Nếu họ kéo dây thì tượng Thánh Louis sẽ ngã, linh mục trẻ và một số giáo dân này sẽ chết ngay tức khắc, nhưng nhờ sự khôn khéo của linh mục trẻ này và nhờ Chúa ban phước, linh mục cố kéo dài thời giờ đối thoại để cho cảnh sát đến. Hơn 1 tỷ người trên thế giới theo dõi cảnh đối thoại từng giây từng phút, nhiều người hội hộp và muốn đau tim, người nào đau tim sẵn có thể chết bất cứ lúc nào, thế rồi Cảnh Sát đến giải tán đám biểu tình.

Tôi gọi ngay linh mục Vũ Đảo, xin số điện thoại và email của vị linh mục trẻ đó, và cuối cùng tôi phỏng vấn được ngài, một linh mục trẻ gan dạ, không sợ chết đứng giữa bão táp phong ba, leo thang cứu tượng Thánh Louis thoát khỏi bị giựt sập.

Tôi cám ơn linh mục Vũ Đảo, tôi cám ơn những vị lãnh đạo tinh thần đã giúp chúng tôi về mặt truyền thông. Nếu không có linh mục Vũ Đảo thì tôi làm sao có được số điện thoại của vị linh mục anh hùng kia một cách kịp thời.

Làm phóng sự về sinh hoạt tôn giáo thì những nhà thờ là nơi nên tìm đến, những bài thánh ca đi vào hồn người, những đứa trẻ được bố mẹ bế vào nhà thờ trong những ngày lễ, nhất là đêm Giáng Sinh, đứa trẻ nào lớn lên cũng đam mê âm nhạc và có thể thành ca sĩ, vì âm nhạc đã vào máu rồi.

Hãy cầu nguyện, cầu nguyện thật nhiều, đời sống sẽ bình yên hơn, lòng sẽ thanh thản. Người nào có niềm tin ở tôn giáo thì đời sống sẽ vui hơn, lạc quan hơn, và sống yêu đời hơn, dù gặp trở ngại trong đời sống cũng sẽ vượt qua một cách dễ dàng.

KIỀU MỸ DUYÊN, Giáng Sinh 2024

Xin Ngôi Sao Lạ                       

                                        Thơ Trần Quốc Bảo

Inline image

           Xin Ngôi Sao Lạ

Theo ngôi sao lạ phương đông,

Ba Vua gặp Chúa Hài Đồng giáng sinh.

Niềm tin mặc khải, sấp mình,

Tiến dâng lễ vật, tôn vinh Ngôi-Lời!

“Sáng danh Thiên Chúa trên trời,

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”

Thiên cung nhạc nhã vang âm.

Hang Bê-Lem ngát hương trầm thơm tho!

Inline image

Đất trời mầu nhiệm giao thoa,

Nguồn Ơn-Cứu-Độ tuôn oà chứa chan!

Nằm trong máng cỏ cơ hàn,

Người là ánh sáng thế gian muôn đời!

Người là sự sống bởi Trời!

Là chân thiện mỹ ngời ngời tâm linh!

Ba Vua theo ánh cứu tinh,

Lại về mỗi dịp Chúa sinh ra đời.

Inline image

Con qùy lạy Chúa… Chúa ôi!

Cho ngôi sao lạ chiếu trời Việt Nam!

Xua tan “quốc nạn sao vàng”

Quê hương con được bình an muôn đời!

Muôn ngàn lạy Chúa… Chúa ôi!

Xin ngôi sao lạ chiếu trời Việt Nam!

             Trần Quốc Bảo

                   Richmond, Virginia

            Địa chỉ điện thư của tác giả:

            quocbao_30@yahoo.com

CHUYEN-XUA

KON TUM – MÙA GIÁNG SINH CUỐI CÙNG

(Trích đoạn trong truyện dài Đức Tin)

…Tháng 8 năm 1974, đơn vị hắn nhận lệnh luân chuyển từ Bắc Bình Định lên trấn đóng vùng cao nguyên đất đỏ. Hắn náo nức trở lại nơi mà người bạn Biệt Động Quân đã vô tình cứu hắn thoát chết dạo trước, và thăm lại người em gái hậu phương thường mở cho hắn nghe bản nhạc “Em tên…em tên Mộng Thường…mẹ gọi em bé ngoan”.

Đến nơi, pháo đội trừ đóng quân ở căn cứ Trần Ngọc Lân, còn trung đội 2 của hắn, được chỉ huy bởi vị trung uý pháo đội phó, thì kéo hai khẩu đại bác 105 ly nhét vào hai lô-cốt, nòng súng ló ra ngoài hướng về phía bắc. Ông tập hợp trung đội để ban hành mệnh lệnh:

-Đây là phòng tuyến cuối cùng, chúng ta không còn bắn yểm trợ cho đơn vị nào nữa. Nhiệm vụ của chúng ta là trực xạ vào các chiến xa T54 nếu nó xuất hiện từ hướng Ngô Trang. Các anh em hãy hết sức chú ý để kịp thời vào vị trí tác xạ. Ai vi phạm, chiếu quân lịnh thi hành kỷ luật.

Nơi hắn đóng quân có tên là Eo-Gió, cách thị xã Kon-Tum khoảng 6 cây số về phía bắc, là một ngọn đồi thấp và trơ trọi, nằm án ngữ trên đường 14, con đường độc nhất nối liền với các tỉnh phía nam. Sau khi Đắc Tô-Tân Cảnh thất thủ, nơi đây trở thành vị trí chiến lược phòng thủ hàng đầu.

Từ ngọn đồi nhìn ra bốn phía là núi cao chớn chở và rừng xanh bát ngát. Buổi chiều sương lam âm u tỏa xuống những khí lạnh ghê người. Còn ban đêm, gió thổi qua hun hút, nghe như tiếng kêu gào của các cô hồn uổng tử đã chết dọc theo con đường di tản từ mùa hè đỏ lửa 1972.

Ngày tháng ở đây nhàn nhã hơn thời kỳ còn đóng quân ở Tam Quan-Bình Định, bọn hắn không phải phơi lưng dưới nắng làm đạn cả ngày hay thức giấc giữa đêm khuya để bắn vài quả đạn quấy rối vu vơ. Công việc thường ngày là canh gác và lau chùi súng đạn, những quả đạn Beehive chống biển người được đưa ra sắp sẵn vào hai bên ụ súng. Loại đạn này, theo vị chỉ huy cho biết, nó có giá một triệu hai trăm ngàn đồng một quả, trong khi lương binh nhì của hắn-đã trừ tiền ăn-chỉ hơn mười hai ngàn đồng mỗi tháng. Trong cái đầu non nớt của hắn, hắn nghĩ thầm -“ Giá mà người mỹ dùng số tiền khổng lồ này mua sữa và bánh mì phát cho dân hắn được no nê thì hạnh phúc biết bao!”.

Mỗi ngày sau khi xong phần việc của mình, hắn thường đi tha thẩn quanh doanh trại, tán dóc với các chiến hữu biệt động quân. Đời lính nơi miền biên cương vô cùng gian khổ, thiếu thốn đủ bề. Quanh năm chỉ thấy rừng già và súng đạn, chưa kể cái chết luôn luôn rình rập chung quanh. Mỗi tuần họ được một lần tiếp tế, khẩu phần là 7 ca gạo, một mớ cá khô, mắm muối bột ngọt và mấy bó rau xanh. Lãnh Lương ra không biết tiêu pha ở đâu cho hết, bèn châu đầu đánh bạc, thằng không may sạch túi thì đành đi lượm “dế mèn” quấn hút, thằng ăn được tiền cũng chả biết làm gì khác hơn là kiếm sòng khác nướng tiếp. Thỉnh thoảng cũng có phái đoàn các “em gái hậu phương” kèm theo vài ca sĩ tỉnh lẻ đến thăm và tặng quà. Lính lác thì được giao lưu ban ngày, còn khi đêm đến, mấy cô ca sĩ rút vào trong các căn hầm sĩ quan, ở đó vọng ra tiếng nhạc xập xình, lẫn với tiếng cười đùa vui vẻ. Có hôm đúng phiên gác, hắn tò mò lén nhìn qua lỗ châu mai. Trong căn phòng ấm cúng, nồng nàn mùi nước hoa và mùi thuốc lá thơm, hắn tê mê nhìn những thân hình gợi cảm của các cô gái đang tay trong tay, mặt nhìn mặt cùng các viên sĩ quan dập dìu khiêu vũ theo điệu nhạc quay cuồng. Lòng hắn bỗng bừng dậy một nỗi khát khao mà bấy lâu hắn kìm nén. Hắn thèm mùi da thịt đàn bà. Thì có sao đâu? Hắn mới hai mươi tuổi…và hắn khao khát được yêu, được ôm người hắn yêu trong vòng tay nóng bỏng và đặt vào đôi môi mọng ướt của nàng một nụ hôn nồng cháy…

Nhưng…cho đến bây giờ, hắn vẫn chưa có người yêu!

Một lần tình cờ gặp lại một người học trò cũ của Cha hắn lúc ông còn dạy tiểu học ở quê. Anh ta là trung uý đại đội trưởng một đại đội biệt động quân thuộc LĐ 23/BĐQ đi hành quân ngang qua. Anh mừng rỡ, kéo hắn vào lều, hỏi thăm về vị thầy cũ, mời hắn ăn một bữa cơm, rồi khi ra về còn cho hắn nửa cây thuốc Capstan. Cảm động hắn làm một bài thơ tặng lại anh. Bài thơ có tựa đề là Biên Giới Ca:

Núi cao chớn chở mồ uổng tử

Rừng xanh bát ngát hồn ma thiêng

Chiến địa máu trào như là suối

Biên giới hề, âm u dị thường!

Biên giới ngày nắng nung chảy mỡ

Biên giới đêm lạnh như cắt da

Xác chết rủ nhau ngồi ngay dậy

Đốt lửa rừng lên mà hát ca…

Ta mang thân trấn thủ lưu đồn

Ba năm biên giới nhận là con

Ba năm man dại theo rừng rú

Buổi chiều ngồi vuốt chòm râu non!

Bạn ta áo bạc màu sương gió

Đem tuổi xuân phơi giữa chiến trường

Từ buổi lên đường xa phố nọ…

Chưa từng san sẻ chuyện yêu đương!

Chiều nay sương xuống mờ quan ải

Nghe tiếng hồn hoang hú não nề

Vỗ tay ta hát hề, biên tái

Súng đạn người đi chẳng trở về!.

Anh ta đọc, khen “mày làm thơ được đó, nhưng buồn quá, đời mày chắc sẽ còn nhiều gian khổ”

Hắn yên lặng không nói gì.

Một tháng đôi ba lần hắn cũng chuồn về được thị xã Kon-Tum. Đến thăm thằng bạn “trung sĩ biệt động quân”, rồi kéo nhau lê la từ quán Cafe Giao, Da Vàng, đến quán Cây Ổi. Ở đó ”có vẻ” em Phương tóc dài đã có chút cảm tình với hắn. Hắn nghĩ “có vẻ”thôi, bởi vì tâm lý các cô gái thời bây giờ chỉ nhắm vào các chàng sĩ quan hào hoa đẹp trai phong độ, chứ còn hàng ngũ cái thứ lính “đơ dem cùi bắp” như hắn thì các cô chả thèm để ý tới bao giờ!.

Em Phương có mái tóc dài ôm kín cả bờ lưng thon thả, sau buổi học về, em thường thay mẹ ra ngồi ở quầy tính tiền. Những khi vắng khách, em lơ đễnh một tay chống cằm, tay kia hí hoáy vẽ trên tờ giấy, nghiêng cả mái tóc mây óng ả về phía hắn. Hắn đánh bạo, phết đại vài câu thơ vớ vẩn rồi trao cho nàng:

“Trời đang rét nhưng lòng anh ấm lạ

Khi ngồi đây trông mái tóc em dài

Vở học trò em đã chép tên ai

Cho anh gửi bài thơ tình của lính…”

Đọc xong, em quay lại nhoẻn môi cười với hắn. Thừa thắng xông lên, hắn kéo ghế qua gần quầy, rồi-vừa nhả khói thuốc vòng tròn, theo kiểu của nhân vật Trần Đại khi đến tán tỉnh em Tường Vi xinh đẹp của quán cafe Gió Nam trong phim Điệu Ru Nước Mắt-hắn vừa phun ra hàng tá thơ tình lãng mạn, từ thơ yêu nồng nàn của Xuân Diệu, Huy Cận cho đến thơ thất tình của Nguyễn Bính. Tuổi học trò nhiều mộng mơ thường thích văn thơ, cho nên em cười híp mắt, ngồi lim dim nghe hắn đọc thơ và bình thơ chứ còn để trở thành người yêu của hắn thì…chắc còn xa lắm!

Mùa giáng sinh năm đó, hắn chuồn về được thành phố sau khi lội bộ 6 cây số. Đến tìm thằng bạn “trung sĩ biệt động quân” thì mới hay nó vừa về phép hôm qua. Buồn tình, hắn một mình tha thẩn tới quán cafe Cây Ổi và gạ gẫm nàng đi lễ nhà thờ với hắn. Nàng đáp gọn lỏn:

-Em không có đạo!

Hắn lên giọng đóng vai cha cố:

-Chúa xót thương tất cả loài người, những người không có đạo Chúa lại thương hơn..

Nàng nghi ngờ nhìn hắn:

-Thôi đi! Đừng xạo…sao anh biết?

Hắn hùng hồn chứng minh:

-Anh là bằng chứng đây, vì lòng mong muốn được đến với Chúa trong đêm thánh vô cùng mà chỉ huy của anh đã cho phép anh đi, trong lúc cả đơn vị cắm trại. Nếu ngài không dùng quyền năng của ngài để làm động lòng vị chỉ huy của anh thì còn ai có thể làm được? (Hắn đã nói láo, thực ra hắn chui rào trốn đi chứ có chỉ huy nào cho phép lính tráng rời đơn vị ban đêm vào những lúc mà việt cộng rình rập tấn công)

Nàng có vẻ xuôi tai:

-Ơ…nhưng mà em không quen đi lễ, tới đó em chả biết làm gì cả?

-Chúa sẽ làm tất cả. Em chỉ việc đi cùng anh tới đó, đứng im chắp tay cầu nguyện…rồi Cha xứ sẽ làm lễ, ngài sẽ cho em được nếm bánh thánh, uống nước thánh…em sẽ được đầy ơn phước, sẽ có chồng giàu sang và sinh những đứa con bụ bẫm, có gương mặt xinh đẹp rạng ngời giống hệt khuôn mặt phúc hậu của Đức Mẹ Maria…

Nàng vẫn bướng bỉnh:

-Nếu em không đi thì sao?

Hắn dọa dẫm:

-Thì khi lìa đời, em sẽ xuống hỏa ngục, nơi đó có những con quỷ đuôi dài đầu sừng, nó sẽ tán tỉnh và hù dọa em, em sẽ chết khiếp…

Hắn còn tuôn ra hàng tràng dài những điều mà hắn học lóm đâu đó trong Kinh Thánh. Nàng vô phương chống đỡ trước những lời lém lỉnh của hắn nhưng vẫn không chịu đầu hàng:

-Nhưng…nhưng mà…má em sẽ la, nếu đi với anh… em hổng dám đâu!

Tới đây thì hắn đành phải bạt mạng nói càn:

-Không người mẹ tốt bụng nào lại la mắng con gái khi đi lễ nhà thờ vào đêm giáng sinh với một chàng trai tử tế…như anh.

Nàng liếc đôi mắt sắc như dao cạo quét khắp người hắn:

-Liệu có tin được mấy cái anh chàng lính tráng như anh không?

Thấy nàng có vẻ xiêu lòng, hắn gật đầu lia lịa:

-Tin được…tin được! Bên trong bộ đồ phong trần này là một linh hồn thánh thiện. Anh là một chàng trai tử tế hiền lành nhất mà em có thể tin tưởng. Thề có Chúa chứng giám, anh sẽ hộ tống em đến nơi an toàn và sẽ trả em về nhà đúng giờ sau khi tan lễ mà không làm em bị mất một sợi lông chân nào…

Nghe hắn quả quyết, nàng cũng động lòng, nên sau vài giây lưỡng lự nàng bèn gật đầu:

-Vậy…anh ra đứng ở cuối đường đợi em, em sẽ thay đồ rồi ra sau…nhớ là đưa em về ngay sau khi tan lễ đó…nghe chưa?

Hắn mừng rơn.

Thế là…lần đầu tiên trong đời, hắn được sánh bước bên một người con gái, dịu dàng trong chiếc áo dài trắng tinh khôi cùng đi lễ nhà thờ.

Con đường dẫn đến ngôi giáo đường chính của thành phố tràn ngập sương mù, đêm đó lại là một đêm có trăng . Ánh trăng mờ tỏa, quyện cùng lớp sương mù lãng đãng tạo thành một thứ ánh sáng huyền ảo mông lung, khiến hắn có cảm giác như là đang bơi trong không gian của một tầng trời xa thẳm nào đó, chứ không phải đang đi giữa một thành phố bị chiến tranh vây bủa tứ bề.

Thấy nàng có vẻ lạnh, hắn cởi chiếc áo Philaket của mình choàng lên vai nàng trong động thái của một bàn tay sẵn sàng chở che bảo vệ. Nàng cảm động, trìu mến đi sát vào hắn, hắn nghe được mùi hương tóc và mùi da thịt của nàng thoảng ra ngây ngất. Ôi chao….Hắn ước gì cho đường đi không tới và đêm cứ dài ra, để mãi mê, hắn sẽ cùng nàng trôi đi…trôi đi qua lối vào tình sử và cùng bay đến một thiên đường mộng ước xa xôi. Nơi chỉ có tình yêu và mật ngọt, nơi xa lìa trần thế đau thương!….

Nhưng con đường thực tế thì quá ngắn ngủi. Mười lăm phút sau-dù đã cố đi chậm hết sức-hắn và nàng cũng đã đứng trước cửa nhà thờ. Người đến dự lễ và người đi xem cũng rất đông. Hắn chật vật đưa nàng vào bên trong. Khi đã yên vị ở một chỗ mà hắn nghĩ là có thể nhìn bao quát cả khung cảnh của giáo đường, hắn ấn nàng ngồi xuống chiếc ghế trống duy nhất còn lại, hắn đứng sau lưng. Nàng trả lại chiếc áo khoác lính cho hắn vì lúc này hơi nóng của số đông người đã đẩy cái lạnh ra bên ngoài khung cửa.

Đang lúc hắn đang say sưa giảng bài về sự tích của đêm giáng sinh thì một bàn tay thô bạo kéo mạnh hắn về phía sau. Cùng với một tràng cười “đểu cáng” là một giọng nói quen quen:

-Thằng quỷ! Trốn ở đâu mà tụi tao tìm mãi mới ra mày…Đi!…đi nhậu với tụi tao!

Hắn ngó lên, thì ra là hai thằng “ôn dịch” cùng đơn vị. Hổng biết nó làm cách nào mà cũng trốn được về đây?

Hắn bèn xuống nước năn nỉ:

-Tao đi với em gái, tụi mày thông cảm, hẹn quán nào đi, chút xíu đưa em về xong tao đến.

Không đếm xỉa gì lời năn nỉ của hắn, hai thằng bạn thân kéo tuột hắn ra ngoài:

-Huynh đệ chi binh gì mà bỏ bạn bè đi chơi với em út? Để em đi lễ đó, nhậu với tụi tao xong quay lại đón em về…không nói on-đơ gì ráo…

Miệng nói tay kéo, hai thằng “quỷ sứ” lôi thẳng ra quán. Vốn tính nể trọng bạn bè, nhất là đối với bạn bè vào sinh ra tử, hắn ngoan ngoãn bước theo mà không kịp quay lại dặn dò “em Phương thân mến” một câu nào.

Hắn định bụng ngồi một lát với hai thằng “ôn dịch”, uống với tụi nó vài ly rồi tìm cách chuồn. Nhưng, người tính không lại ý trời!

Khi cái thứ nước màu hổ phách “quỷ quái” trong chai “Napoleon lùn” chạm đáy, hắn ngật ngưỡng đứng lên bắt tay từ giã bạn, thì cũng là lúc hắn đổ ập xuống sàn nhà, không còn biết trời trăng mây nước gì nữa cả!

                         o0o

Khi tỉnh lại vào buổi sáng hôm sau, hắn thấy mình nằm co trên chiếc bàn sắt trong phòng khách của một quán trọ rẻ tiền. Cổ họng đắng nghét và cái đầu nặng trịch, hắn chẳng biết tại sao mình lại ở đây?

Chợt nhớ tới nàng, hắn giật mình phóng xuống đất – chết mẹ! mình quên đón nàng rồi!

Hắn vội vàng đi tìm nước rửa mặt, rồi sờ khắp túi quần, túi áo, chẳng có thứ gì ngoài một manh giấy viết nghệch ngoạc mấy chữ:

“Mày say quá mà khách sạn hết chỗ, tụi tao đành bỏ tạm mày ở đây, tiền bạc giấy tờ tụi tao giữ, mai về đơn vị lấy”.

Hắn trở lại quán cafe Cây Ổi để gửi đến nàng một lời xin lỗi. Thấy hắn, nàng chẳng nói chẳng rằng, quay lưng bước vào nhà sau mất dạng.

Hắn đứng yên một lát, nhìn trời hiu quạnh…rồi thọc hai tay vào túi quần lặng lẽ rời đi!.

Mùa giáng sinh 1974-đối với hắn-đã trở thành một kỷ niệm đẹp và…buồn!

Ngày 14 tháng 3/1975. Kon Tum được lệnh di tản, đơn vị hắn kéo súng theo đoàn quân lầm lũi từ giã chiến trường, hắn không kịp đến chào “em Phương thân mến”. Cuộc di tản chiến thuật biến thành một cuộc tháo chạy kinh hoàng. Bom đạn, đói khát và bịnh tật đã giết chết rất nhiều binh lính và thường dân vô tội. Hắn tìm kiếm khắp nơi và hỏi thăm rất nhiều người, không ai biết tin tức gì về cô Phương cà phê Cây Ổi.

Hắn thở dài nghĩ đến một điều không dám nghĩ:

– Có thể “em Phương thân mến” đã vùi thân trong một góc rừng nào đó giữa vùng lửa đạn chiến tranh rồi!

Chàng Đông Ry Nguyễn

Cuộc Ngưng Bắn đêm Giáng Sinh

NGƯNG BẮN TRÊN XỨ NGƯỜI…

CÒN XỨ TA THÌ SAO… HUẾ, MẬU THÂN 1968?

Khi họ nói KHÔNG Với Chiến Tranh 650 chDavid G. Stratman – TháiLan dịch –

22/6/2012

Đó là vào ngày 25 tháng 12, năm 1914, chỉ mới 5 tháng kể từ khi bắt đầu Thế Chiến thứ I. Lính Đức, Anh và Pháp đã thật chán chường và mệt mỏi với những cuộc bắn giết vô nghĩa, đã bất tuân thượng cấp của họ và đã thành huynh đệ với “Kẻ thù” trong suốt hai phần ba của Mặt Trận phía Tây (một trọng tội với bản án tử hình vào thời chiến). Những đội quân Đức giương cây thông Giáng Sinh lên trên các chiến hào với biểu ngữ “Chúc Mừng Giáng Sinh”.

“Bạn không bắn,chúng tôi cũng không bắn”. Hàng ngàn dòng quân lính lũ lượt băng qua một vùng đai trắng với toàn thân người thối rửa rãi cùng khắp. Họ ca những bài hát mừng Giáng Sinh, trao đổi hình ảnh của gia đình thân thương ở quê nhà, chia nhau phần lương thực, chơi túc cầu với nhau, hoặc ngay cả quay thịt. Binh lính ôm hôn những người mà trước đây vài giờ họ đã nhắm bắn.

Bộ Tư Lệnh Tối Cao của cả hai phe đều cảm thấy ghê sợ. Đây là thảm họa đang hình thành: binh lính tuyên bố tình huynh đệ với nhau và từ chối đi chiến đấu. Tướng lãnh của cả hai phe tuyên bố việc hòa giải tự phát sinh là mưu phản và bị đưa ra tòa án quân sự. Vào tháng 3 năm 1915 phong trào huynh đệ chi binh đã bị triệt hạ và máy chém đã được đưa vào xử dụng . Đến thời điểm ngưng chiến vào năm 1918, mười lăm triệu nạn nhân đã bị hành hình.

Rất ít người nghe nói đến câu chuyện về Cuộc Ngưng Bắn đêm Giáng Sinh. Vào ngày Giáng Sinh năm 1988, một câu chuyện của Boston Globe kể rằng một xướng ngôn viên đài phát thanh FM địa phương đã cho phát rất nhiều lần bài ” Giáng Sinh ở Chiến Hào”, một ballad ( bài dân ca hoặc về truyền thống dân tộc) về Cuộc Ngưng Bắn đêm Giáng Sinh- và họ đã rất sững sốt về hậu quả của việc này .Bài hát đã trở nên bài được yêu cầu nhiều nhất trong suốt kỳ nghi lễ ở Boston trên rất nhiều trạm phát thanh FM. Và người xuống ngôn viên nói thêm” Tôi càng kinh ngạc hơn khi thấy không phải số lần bài hát được yêu cầu mà chính là phản ứng sau đó của những thính giả trước đây chưa bao giờ được nghe bài hát đó :  “Họ gọi cho tôi với tâm trạng rất xúc động, đôi khi nghẹn ngào và bật khóc, nói rằng ” Ôi Trời, tôi vừa được nghe những lời gì vậy?”

Quý vị thật dễ dàng đoán được vì sao những thính giả đó phải bật khóc chứ? Câu chuyện về Cuộc Ngưng Bắn đêm Giáng Sinh đi ngược lại với phần lớn tất cả những gì chúng ta được nghe về loài người.

Câu chuyện ấy đã cho chúng ta một ý niệm về thế giới theo ước mong của chúng ta, và nói lên rằng” Việc này đã thật sự xảy ra một lần rồi”. Điều này nhắc chúng ta nhớ về những cảm nghĩ mà ta đã giấu kín, vượt ra ngoài tầm của các câu chuyện trên truyền hình và báo chí, và cho ta biết cuộc sống con người thật tầm thường và thấp kém như thế nào. Sự kiện này giống như ta được nghe rằng những ước mơ sâu kín nhất của ta thật sự là có thật: Thế giới thật ra có thể khác đi.

Trích dẫn từ “Chúng ta CÓ THỂ Thay Đổi Thể Giới”, David G. Stratman : Ý Nghĩa Thật của Cuộc Sống Hằng Ngày (New Democracy Books, 1991)

  TháiLan dịch

BÀI CA GIÁNG SINH TRÊN CHIẾN HÀO –875 chữ John McCutcheon- TháiLan dịch

Christmas in the Trenches –  : Tác giả & trình bày John McCutcheon

CHRISTMAS IN THE TRENCHESJohn McCutcheon

” My name is Francis Tolliver. I come from Liverpool.

Two years ago the war was waiting for me after school.

To Belgium and to Flanders, to Germany to here,

I fought for King and country I love dear.

It was Christmas in the trenches where the frost so bitter hung.

The frozen field of France were still, no Christmas song was sung.

Our families back in England were toasting us that day,

Their brave and glorious lads so far away.

I was lyin’ with my mess-mates on the cold and rocky ground

When across the lines of battle came a most peculiar sound.

Says I “Now listen up me boys”, each soldier strained to hear

As one young German voice sang out so clear.

“He’s singin’ bloddy well you know”, my partner says to me.

Soon one by one each German voice joined in in harmony.

The cannons rested silent. The gas cloud rolled no more

As Christmas brought us respite from the war.

As soon as they were finished a reverent pause was spent.

‘God rest ye merry, gentlemen’ struck up some lads from Kent.

The next they sang was ‘Stille Nacht”. “Tis ‘Silent Night'” say I

And in two toungues one song filled up that sky.

“There’s someone commin’ towards us” the front-line sentry cried.

All sights were fixed on one lone figure trudging from their side.

His truce flag, like a Christmas star, shone on that plain so bright

As he bravely strode, unarmed, into the night.

Then one by one on either side walked into no-mans-land

With neither gun nor bayonet we met there hand to hand.

We shared some secret brandy and wished each other well

And in a flare-lit soccer game we gave ’em hell.

We traded chocolates, cigarettes and photgraphs from home

These sons and fathers far away from families of their own.

Young Sanders played his squeeze box and they had a violin

This curious and unlikely band of men.

Soon daylight stole upon us and France was France once more.

With sad farewells we each began to settle back to war.

But the question haunted every heart that lived that wonderous night

“Whose family have I fixed within my sights?”

It was Christmas in the trenches where the frost so bitter hung.

The frozen fields of France were warmed as songs of peace were sung.

For the walls they’d kept between us to exact the work of war

Had been crumbled and were gone for ever more.

My name is Francis Tolliver. In Liverpool I dwell.

Each Christmas come since World War One I’ve learned it’s lessons well.

That the ones who call the shots won’t be among the dead and lame

And on each end of the rifle we’re the same. “

— John McCutcheon “Christmas in the trenches”

Tên tôi là Francis Tolliver , tôi sống ở Liverpool.

Hai năm trước, chiến tranh chờ đợi tôi khi tôi vừa rời ghế trường học, ở Bỉ, ở Flandres, ở Đức Quốc, ở đây.

Tôi chiến đấu cho quốc vương và đất mẹ mà tôi yêu tha thiết.

Bây giờ đang là mùa Giáng Sinh và thời tiết đông giá đang hoành hành một cách dữ dội nơi các chiến hào.

Những cánh đồng băng tuyết ở Pháp thật yên ắng, không nghe thấy một bài hát Giáng Sinh nào vang lên trong không gian..

Và những gia đình thân yêu của chúng tôi, bên Anh Quốc xa xôi, đang vinh danh các con em của họ, những dũng tướng tràn đầy nhiệt huyết, đang ở rất xa quê hương của họ.

Tôi đang nằm cạnh anh bạn trên nền đất sỏi lạnh giá, bỗng dưng từ bên kia chiến tuyến một âm thanh thật đặc biệt vọng lại.

Tôi bảo” Anh em ơi, hãy lắng nghe này”, thế là các anh lính nghễnh tai ra nghe.

Một tiếng hát  với âm sắc thật trong trẻo vang lên một giai điệu tiếng Đức.

 Ôi này, anh ta hát hay tuyệt”, anh bạn tôi nói.

Rồi dần dần từng giọng hát bằng tiếng Đức hòa nhập vào đội hợp xướng. Đại bác giờ đã im tiếng, và những đám mây khí độc đã tan ra thật xa một khi Giáng Sinh đang cho chúng tôi vài khoảnh khắc ngơi nghỉ khi còn đang ở giữa cuộc chiến. Khi họ đã hát xong bài hát, và sau một lúc tỉnh tâm, vài anh bạn ở Kent ( Đông Nam nước Anh) xướng lên bài ” God rest Ye , merry gentlemen” Hồng Ân Thiên Chúa (Nỗi Lòng Mục Tử). Kế đó, vài người hát Stille Nacht. Tôi giải thích: Đó là bài “Đêm Thánh Vô Cùng”.

Và rồi bài hát được cất lên bằng hai ngôn ngữ, cùng một bài hát bao trùm cả bầu trời quanh đó.

“Có ai đang đi về phía chúng ta kià”, anh lính gác la lên.

Tất cả mọi người đều nhìn về phía một bóng đen cao ngồng vừa xuất hiện ra bên cạnh họ.

Trên tay anh ta ngọn cờ trắng phất phơ theo gió, như một ánh sao đêm Giáng Sinh, sáng rực trên cánh đồng trong khi anh đang tiến bước một cách hùng dũng, trên người không hề mang vũ khí, và rồi bóng đêm thật dày đặc  lại bao trùm quanh anh ta …

Thế rồi, từng người một, từ cả hai bên chiến tuyến, chúng tôi tiến về phía  vùng đai trắng , không ai mang súng ống, không lưỡi lê, và chúng tôi bắt đầu siết chặt tay nhau,

Tất cả chúng tôi chia nhau phần rượu mạnh đã được cất giấu bấy lâu, chúng tôi chúc mừng nhau, rồi dưới ngọn đèn vàng mờ nhạt, chúng tôi chơi một trận túc cầu, và  đã làm cho đối phương bao phen phải vất vả.

Chúng tôi chia nhau những phong sô cô la, thuốc lá, rồi những đứa con và những người cha trao đổi cho nhau từng bức hình gia đình thương yêu từ nơi xa xăm mịt mù kia…

Cậu bé Sanders thì chơi đàn phong cầm, còn phía bên kia thì họ chơi đàn vĩ cầm, ôi một đám bạn thật kỳ ngộ và huyền hoặc làm sao, thật là khó tin!

Thế rồi ánh mặt trời đã lên, chiếu sáng cả khu chiến hào và thêm một lần nữa, nước Pháp lại trở lại là nước Pháp.

Sau những lời chia tay thật não nề, tất cả chúng tôi chuẩn bị để chiến sự lại tiếp diễn, nhưng rồi, một câu hỏi đã ám ảnh tất cả những thành viên đã hiện diện trong cái đêm tuyệt vời thật khó tin ấy cứ luẩn quẩn trong trí chúng tôi: Có người thân nào của tất cả những người ấy đã nằm trong tầm ngắm của chúng tôi từ bấy lâu nay không?

Lúc đó lễ Giáng Sinh đã về trên các chiến hào, ở đó mọi vật đã bị bao trùm bởi đợt rét căm quá tàn bạo, nhưng những cánh đồng của Pháp đã được sưởi ấm bởi  khúc hát của đội hợp xướng, vì bao nhiêu bức tường được dựng lên giữa hai phe chúng tôi để buộc chúng tôi phải thực hiện nhiệm vụ ở chiến trường ấy đã bị rạn nứt luôn mãi rồi.

Tên tôi là Francis Tolliver , tôi sống ở Liverpool,

và nếu tôi cần phải nhớ một bài học ,

đó là những người đã  ra lệnh cho chúng tôi phải bắn giết  lẫn nhau họ sẽ không thuộc nhóm người bị giết hoặc bị thương

và rằng ở trên mỗi đầu súng, chúng tôi đều như nhau. “

***

Theo những nhân chứng của thời ấy, hình như là đám lính Đức đã là những người tiên phong để thực hiện tình huỳnh đệ ấy.

Rồi tùy theo sự khôn ngoan hoặc vô nghĩa của các quan lại trong quân đội, vài cuộc nổi dậy đã bị dập  tắt ngay trong trứng nước; dù sao, cuộc ngưng chiến đã được kéo dài cho đến đầu tháng giêng năm 1914.

John McCutcheon-  TháiLan dịch-

You Raise Me Up  

Ngài Nâng Tôi Lên

Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng nghe qua ít nhất một lần ca khúc bất hủ này. Tên của ca khúc là You Raise Me Up.

Youtube: https://youtu.be/UzXjYjwi2Zc

Đây là bài ca khởi nguồn từ một đoạn nhạc mở đầu (Prelude) cho album Silent Story của Secret Garden do nhạc sĩ Lovland sáng tác. Sau đó vị nhạc sĩ này đã đề nghị nhà soạn nhạc lừng danh và cũng là nhà văn người Ireland Brendan Graham viết lời ca.

Tưởng cũng nên biết ca khúc này dựa trên một câu chuyện rất đẹp.

Chuyện kể rằng:

Có một bạn trẻ kia than trách với Chúa sao những lúc cô đơn, đau buồn và thất vọng…Ngài lại vắng mặt?

Chúa không trả lời mà chỉ lẳng lặng cho anh xem một đoạn phim. Đoạn phim ấy chỉ ghi lại hình ảnh dấu in của hai đôi chân trên bãi cát biển.

Anh nói với Chúa:

  • Ồ, đây là lúc mà con đang thành công và hạnh phúc, đúng là Ngài đang bước đi bên con.

Thế rồi đoạn phim chiếu đến cảnh biển nổi sóng trong một ngày giông bão, trên bãi cát chỉ còn lại dấu in của một đôi chân.

Chàng trai trẻ nói ngay với Chúa:

  • Đó, Ngài xem! Lúc con gặp khó khăn, thử thách, Ngài để con lủi thủi một mình trong cô đơn và thất vọng.

Chúa hỏi lại chàng trai:

  • Con có biết đôi chân ấy là của ai không?

Anh đáp:

  • Hẳn là của con rồi!
  • Không, đó là đôi chân của Ta.
  • Vậy thì đôi chân của con đâu ạ?

Chúa âu yếm nhìn chàng trai và trả lời:

  • Lúc đó, Ta đang vác con trên vai của Ta đấy!

Và bài hát này chính là lời thổn thức của bạn trẻ ấy với Chúa:

When I am down,
and, oh my soul, so weary
When troubles come
and my heart burdened be
Then I am still
and wait here in the silence
Until you come
and sit awhile with me

You raise me up
so I can stand on mountains
You raise me up
to walk on stormy seas
I am strong
when I am on your shoulders
You raise me up
to more than I can be

Tôi mạn phép chuyển ngữ sát với giai điệu, để ca khúc này có thêm lời Việt sau đây:

Nghẹn ngào xa vắng

Hồn tôi băn khoăn ngập buồn đau

Đường đời đen tối

và xót xa chiếm tâm hồn

Bồi hồi lo lắng

Ôi cô đơn tâm tư rã rời

Kìa Chúa đến bên

Ủi an cho tôi bình yên

Ngài nâng tôi lên

cho tôi vững chân giữa núi đồi

Ngài nhấc cao hơn

an tâm bước qua biển khơi

Rồi thêm sức

cho tôi tin tưởng niềm vui sống

Ngài đỡ nâng tôi

đưa tôi đến nơi bình yên.

“You raise me up to walk on stormy seas” – Ngài nâng con lên vượt qua giông bão biển khơi.

Bắt nguồn cảm hứng về câu chuyện trong Kinh Thánh nói đến một môn đệ của Chúa Giêsu khi thấy Ngài bước trên sóng nước. Bằng cả đức tin tuyệt đối, ông xin Chúa: “You raise me up – Ngài nhấc con lên”. Kết quả phép lạ thật diệu kỳ, vị môn đệ ấy cũng được bước đi trên sóng nước.

Đó là câu chuyện của niềm tin và tình yêu bao la vào Đấng Quyền năng được kết dệt qua âm nhạc để trở thành một ca khúc tuyệt vời. Nhiều người cũng nhìn nhận ca từ của ca khúc này dưới góc độ một câu chuyện tình yêu lứa đôi tuyệt đẹp. Nhưng dù là đối với Thiên Chúa hay người tình thì cũng là những cảm xúc vô cùng mỹ diệu và cao thượng.     Điều đó cho ta một triết lý: tình yêu và niềm tin cao thượng sẽ nâng chúng ta lên…

Tôi nghĩ rằng, đây là bài hát không riêng cho một tôn giáo nào, và có lẽ các bạn cũng đồng ý với tôi rằng, chúng ta không thể phủ nhận sự hiện diện Thượng Đế trong đời sống của kiếp nhân sinh. Thậm chí chính ngay những người vô thần hay chủ thuyết vô thần (Atheism) mà họ thường nào là: “Tôn giáo là liều thuốc phiện” với những “Duy Vật Biện Chứng” và “Loài người do khỉ mà ra…”

Cho tôi lan man ngoài lề một tí.

Thật ra, chính những người vô thần này họ lại tin thần linh hơn ai hết (Chủ nghĩa vô thần có ở cả người theo chủ nghĩa duy tâm lẫn cả người theo chủ nghĩa duy vật) Vì kinh nghiệm đã cho ta thường thấy nếu điều gì ngoài sức lực và kiểm soát của con người, họ thường chạy đến các thần linh để ước nguyện và cầu xin. Thí dụ muốn được những điều may mắn, được thăng chức, việc làm tốt; ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi… họ van vái bốn phương, muốn được nhiều tiền và giàu có; họ “hối lộ” thần linh. Họ mê tín,dị đoan, xem bói, cầu cơ, khấn xin, van vái Thần núi, Thần sông, Thần biển, Thần hồ…

Những điều này cho ta suy nghĩ và khẳng định gì?

Thưa, dẫu là vô thần, nhưng tận trong sâu thẳm tâm hồn, họ vẫn tin có Thượng Đế đã tạo dựng nên vũ trụ và vạn vật, để mỗi khi gặp hoạn nạn mà cầu cứu và van xin. Nghĩa là họ tin có Đấng Thần Linh, tin có Ông Trời dù rằng họ từ chối các tôn giáo mặc dù họ biết mọi tôn giáo luôn hướng con người đến điều thiện – lành…

Nhà Bác học Einstein (Thuyết tương đối) là một trong những nhà khoa học nổi tiếng nhất mọi thời đại nói rằng:

“Khoa học không có Tôn giáo là mù lòa…”

Thế nên người vô thần tự định nghĩa theo cách “Chủ nghĩa vô thần không phải là sự hoài nghi nơi các thần, hay chối bỏ các thần; mà là thiếu niềm tin nơi các thần”. Như vậy, chủ nghĩa vô thần vì sự hoài nghi và là sự thiếu niềm tin. Tư tưởng này phát xuất từ lòng kiêu ngạo mà trong Kinh Thánh cũng đã có đề cập: “Kẻ ngu dại nói trong lòng mình rằng, “Không có Thiên Chúa” (Thánh Thi 19:1; 97:6) Nghĩa là họ tự nhận mình trí tuệ vượt trội hơn niềm tin nơi Thiên Chúa.

Nhà bác học vật lý Newton trong thời đại chúng ta đã trải qua bao nhiêu năm tìm hiểu định luật vạn vật hấp dẫn chuyển động trong trái đất đã khẳng định rồi thốt lên rằng:

“Trong Kinh Thánh có nhiều biểu hiện chắc chắn về tính có thực hơn trong bất cứ một câu chuyện nào chống lại sách đó”

Cũng do thiếu thông tin đúng đắn để họ kết luận rằng chẳng có gì tồn tại ngoài vũ trụ. Những nguyên nhân đó khiến một số người xác nhận mình là vô thần và rồi kiêu ngạo.

Thiếu hiểu biết.

Thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết khái quát về địa lý, văn hóa, về không gian và thời gian trong Kinh Thánh, khiến họ nghi ngờ rồi tạo ra các ý tưởng suy diễn lý lẽ mù lòa theo cách của mình để vá víu vào các khoảng đó. Việc này thường dẫn tới suy luận tôn giáo sai lầm, cũng như thể kiến thức sơ sài về Thiên Chúa thường bị bôi nhọ bởi những điều siêu nhiên mà Thiên Chúa tạo dựng, nghe như thần thoại hay là một câu chuyện cổ tích. Cũng không ngoại trừ từ lòng đố kỵ và ác cảm của một số vị chức sắc, tu sĩ thù ghét tôn giáo, thậm chí bị ảnh hưởng vì những người mang danh là có đạo mà lối sống và hành vi của họ bề ngoài, thiếu công bằng, đen tối, tàn nhẫn và độc ác…

Trong thời gian vừa qua, chúng ta có lẽ đã thấy và nghe trên YouTube những bài thuyết pháp của những tu sĩ nói sai – cố ý nói sai để mạ lỵ và xúc phạm tôn giáo, gây hoài nghi niềm tin nơi những tín đồ có nhận thức giới hạn, tạo mất tình đoàn kết giữa các tôn giáo. Và nay, cái giá phải trả; các vị tu sĩ này đã bị cộng đồng mạng đồng loạt lên án và tẩy chay, làm ảnh hưởng xấu đến chính tôn giáo của mình.

Ý niệm về mọi tôn giáo và sự tồn tại của nó chính là “Cái Đẹp” – “Cái Đẹp cứu rỗi thế giới”.

Một người có cách sống đạo đức nằm ngoài các mệnh lệnh tôn giáo là điều rất cần thiết. Vì trong thế giới hôm nay, đã có một số người mà họ mất đi ý niệm về tội lỗi, nên đã gây ra những điều đau khổ cho con người.

Tôn giáo của người nào đó là điều cao cả và thiêng liêng bất khả xâm phạm trong trái tim người ấy. Tôn trọng Tôn giáo của người, có nghĩa là ta tôn trọng và làm rạng rỡ Tôn giáo của chính ta!

Trở lại bài hát You Raise Me Up.

Thường khi con người gặp những hoạn nạn, đau khổ, bất toàn, bất hạnh… Họ lại chạy đến cầu xin Thần linh.

Ước gì không phải lúc ta gặp hoạn nạn mới cần đến Thiên Chúa, mà ngay những lúc ta hạnh phúc, đầy đủ, sướng vui… Nhiều khi ta cầu xin liên lỉ điều này điều kia mà sao chẳng thấy được ban phát? Thế nhưng, biết đâu Ngài lại ban cho ta những điều khác, và chính những điều này mới là thật sự rất cần thiết mà ta chưa cảm nhận.

Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài biết rõ ta cần gì!

Sau cùng, kính mời quý vị và các bạn mở YouTube để nghe ca khúc You Raise Me Up dưới đây.

Ca khúc này tôi đã viết thêm lời Việt như đã nói ở trên, cũng như sáng tác thêm đoạn kết (Coda) rồi hòa nhạc dựa trên phong cách nguyên thủy của bài hát theo link sau đây:

Quý vị và các bạn cũng có thể ươm giọng ca của mình vào ca khúc nổi tiếng này theo link karaoke kèm theo dưới đây:

Không quên xin cảm ơn nghệ sĩ Trúc Tiên đã thực hiện video diễn ảnh rất ý nghĩa.

Trân trọng,

Văn Duy Tùng

NHỮNG MÙA GIÁNG SINH TRONG KÝ ỨC

Nguyễn Hoàng Quý

Làng quê nơi tôi sinh ra là một vùng bán sơn địa thuộc thung lũng Quế Sơn, địa danh một thời nổi tiếng trong các trận qiao tranh giữa một bên là quân giải phóng và một bên là quân đội Đồng minh & VNCH. Quế Sơn ở phía Nam Đà Nẵng, cách  chừng 60km, ở Tây Nam Hội An cách chừng 40 – 50km.

Thập niên 50 thế kỷ trước, ở quê tôi không hề thấy những Nhà Thờ Thiên Chúa Giáo, chỉ rải rác vài chùa Phật giáo, đa số là các Thánh thất Cao Đài ở nhiều xã trong quận.

Những năm học tiểu học, 1956 – 61, mỗi năm đi học được nghỉ lễ “Bấc” một tuần, cứ ngỡ là gió bấc. Lớn dần thì hiểu ra đó là Lễ Phục Sinh (Pâques). Con nít, nghỉ học là vui nên không quan tâm mấy, cũng không nhớ có nghỉ Noen hay không, nghỉ ít hay nhiều ngày vì mãi đến năm 1960, làng tôi mới có một Nhà Nguyện Công Giáo. Nhà Nguyện dựng trên đất nhà anh Năm Sắc con bà Luân, vách tranh, lợp tranh. Không rõ nơi này quy tụ được bao nhiêu người tới cầu nguyện theo lễ nghi Công giáo vì với đầu óc một cậu bé lên mười, điều chú ý không phải là việc này. Điều còn nhớ được là có một linh mục ở tỉnh về giúp đỡ mọi việc thời gian đầu, anh Năm Sắc xưng với ông là “Cha”, vợ con anh cũng xưng là Cha, Bà Luân, mẹ anh không đồng ý và nói rằng: “Nếu con và vợ con xưng với ông này là Cha thì dứt khoát các con của con phải xưng là “ông nội”!”. Chuyện hoàn toàn có thật, không mảy may thêu dệt vì người dân quê, khi chưa hiểu, dễ dị ứng với những cái mới.

Phải đợi đến cuối thập niên 60, khi tôi lên Đà Lạt học năm đầu đại học tôi mới có nhận thức tương đối đầy đủ về LỄ NÔ – EN, NGÀY GIÁNG SINH khi thành phố này có nhiều trường Công Giáo, nhiều Nhà Thờ, bạn bè tôi là con Thiên Chúa, Đại học Đà Lạt nơi tôi học là trường Công Giáo. Khi nhà Thờ Con Gà, Domaine de Marie, nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, các xóm đạo từ số 6 vào Thánh Mẫu đều trang trí mừng Giáng sinh, lòng mình rộn lên những cảm giác vui tươi khi nhìn và nghĩ đến câu: “Sáng danh Thiên Chúa trên Trời/ Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Có một lần anh em tôi vào nhà thờ Dòng Chúa Cứu thế đêm 24.12, được nghe từ đó tiếng đàn harmonium dạo bài “Đêm Thánh vô cùng” (Silent night – Holy night) và bài “Hang Bêlem”. Tiếng đàn thoát ra từ bên trong bức tường đá của Nhà Thờ rất tuyệt. Chỉ đến sau này, có lần đến Nhà Thờ Kỳ Đồng Sài Gòn cũng đêm Giáng Sinh mới được nghe lại, y hệt, dù ở đây ồn ào hơn do xe cộ chạy qua.

Về Huế, tôi được tiếp xúc với Linh mục Trần Thắng Trung là tuyên úy Công Giáo, về sau Cha về quản lý Tòa Giám mục, tôi gặp  Soeur Marie de Bernard, Soeur Jean du Calvaire Kim Thúy. Hai chị tu dòng Saint Paul, làm việc thiện nguyện ở BV Trung Ương Huế. Cha Trung và các chị vốn có giao tình với chị ruột tôi ở Đà Nẵng từ trước nên coi tôi như con – em, luôn dành cho những tình cảm yêu thương và ai cũng muốn tôi “trở lại đạo”. Có lẽ tôi không nhận được sự quan phòng của Thiên Chúa nên dầu ngày ấy, tôi đi lễ chúa nhật với người bạn cùng phòng ở ký túc xá, đọc Thánh Kinh, tôi vẫn chỉ dừng lại ở việc nhận Hồng Ân của Người. Vào cuối tháng 12, khi thời tiết bên ngoài rất đẹp, trời không còn mưa, có ngày nắng vàng trải trên khóm cây các sân nhà thờ đã trang trí thông Nô – en, máng cỏ, hang lừa lòng tôi vẫn rộn lên những nao nức và nghĩ đến việc dọn mình chờ đợi đón mừng ngày Chúa Giê su Ki tô chào đời.

Đến nhà thờ xem lễ Giáng Sinh, nghe Phúc Âm, nghe Thánh Ca cũng như nghe các Cha giảng, tôi thấy lòng mình thanh thoát, những bài giảng của các Cha luôn giúp ích cho việc bảo tồn trật tự xã hội khi con chiên thực hiện đúng 10 điều răn của Chúa. Tôi cũng đã dự một vài Thánh lễ cưới của người thân, Thánh lễ luôn đem lại cho mình cảm giác vui mừng cho hạnh phúc của cô dâu chú rễ nhất là khi giáo luật có những điều ràng buộc họ với nhau để biết nhẫn nhịn trong cuộc sống hàng ngày theo kiểu “Chồng giận thì vợ bớt lời. . . “.

Khi ra trường đi dạy, tôi có vài lần dự lễ mở tay của học trò cũ ở ngay chính giáo xứ mình sinh ra, tôi mặc complet, thắt cravat như đi họ đám cưới vì, cũng giống như dự lễ khấn của các nữ tu (khấn tạm, khấn lại, khấn trọn đời) đều không khác lễ cưới của người ngoại đạo. Có lần tôi dự Thánh lễ nửa đêm ở Nhà Thờ Đồng Dài, cách nhà chừng 15km. Lễ xong về dự tiệc canh thức ở nhà riêng của Chủ tịch Hội Đồng Giáo xứ có Cha chánh xứ và các chức sắc nhà thờ cùng tham dự. Tất cả những việc này và còn nhiều nhiều nữa đã luôn nằm ở một ngăn đẹp trong tủ đựng những kỷ niệm đời mình. Do vậy, cứ đến đầu tháng 12 hàng năm là bao nhiêu kỷ niệm với đất, với người trỗi dậy để thấy mình trẻ lại và lòng mình ấm áp.

Cha mẹ tôi thờ Ông Bà, về sau, tôi tìm hiểu đạo Chúa, tuổi trung niên, tôi tìm hiểu đạo Phật, đọc sách Phật và sống theo giới luật của một Phật tử nhưng trong tôi luôn có một Đấng Toàn Năng chi phối mọi con người. Với tôi, đấng Toàn Năng đó là Thiên Chúa Ba Ngôi, luôn yêu thương và cứu chuộc trần gian.

TRÁI TIM TỪ BI CỦA NGƯỜI THỢ XỨ LÁ PHONG -Adèle Bibaud- 1173 words

Người người đều quấn mình thật ấm, họ bước đi rất nhanh, trời quá rét. Mọi người đều lo âu vội vàng để chạy nhanh về tổ ấm: lưới trượt của những xe trượt tuyết rền lên trên con đường lớn ở Mile-End *, gió rít thật xé tai làm đám tuyết ụn thành đống dưới chân những cây cao phủ đầy sương giá, trước đó trận bão đã làm rung chuyển những cánh tay sầu não của chúng. Những hạt bông tuyết xoáy tròn trên không, như thể bụi mù vùng sa mạc, làm mất hướng nhìn của người bộ hành. Hôm ấy thật sự là một buổi tối Giáng Sinh, thời tiết xuống hai mươi lăm độ âm. Ở khúc ngoặt con đường, một đám nhà nhỏ nghèo nàn đang khoe chùm mái đổ nát. Nào ta hãy vào căn đầu tiên nhé:  có bốn người: họ đang ở căn phòng phía trước, hai người phụ nữ, hai đứa bé.

 Bọn nhỏ đang lăn lộn, đùa giỡn, rồi cãi nhau. Ở lò sưởi, từ cái nồi bóng loáng như gương mặt của một người Phi Châu, tiếng ồng ộc của món súp hầm tỏa ra mùi vị thật ngon. Trên bàn, bốn bộ thìa dĩa dao đặt ngày ngắn với chiếc khăn trải thật tươm tất, một miếng bơ, một miếng phó mát, một cái liễn bằng sành chứa đầy sữa, một ổ bánh mì. Họ chỉ còn chờ người chủ gia đình. Trên tủ bếp, một bức tượng của thánh Antoine, cánh tay bị gãy đang bế chúa Hài Đồng Giê Su  do một phép mầu, ở dưới chân bức tượng thì một con ngựa gỗ đang kéo xe ba gác, cái xe này cũng đã qua cuộc chiến nên chỉ còn ba bánh xe; ở đầu bên kia của tủ thì bên dưới một quả cầu thủy tinh có hai bàn tay bằng sáp đang chắp vào nhau thật chặt, trên một cái khay bằng nhung đỏ; rồi xa hơn là một cái bình thủy tinh không quai, hai cái tách bị rạn nứt, một con chó bằng gốm, một con cừu với người chăn, tất cả những thứ này làm đồ trang trí cho căn nhà và được sắp xếp một cách không thứ tự và thật xa con mắt mỹ thuật. Trên tường thì treo lủng lẳng xoong nồi và dụng cụ nhà bếp. Ngoài ra, còn mấy cái ghế khập khiễng, một cái ghế trường kỷ xếp được dùng làm tủ, đó là toàn bộ đồ nội thất trong phòng; cho dù với sự nghèo nàn thiếu thốn, căn phòng vẫn toát ra một không khí thoải mái vì tất cả đều thật sạch sẽ chu đáo.

Tiếng gù gù của chú mèo nằm trên chiếc ghế đẩu cũ kỹ cho biết rằng thực khách này của căn nhà hèn mọn được yêu thương và cưng chiều như thế nào.

Hai người phụ nữ rì rầm nói chuyện với nhau, thỉnh thoảng đôi mắt của người trẻ bị mờ đi vì ngấn lệ.

– Tội nghiệp cô ấy quá, bà nói. Cô ấy sẽ không sống nổi. Ai sẽ chăm sóc con của cô ta? Lúc trước khi tôi bị bịnh, chính cô ấy đã chăm lo bọn nhóc của tôi. Ôi, giá như ông nhà tôi muốn làm điều đó!… nhưng mùa đông năm nay thật khắc nghiệt, quá khắc nghiệt, nên tôi không dám hỏi ông ấy, chị biết không, tôi thật đau đớn nghẹn ngào mỗi khi sang thăm cô hàng xóm. Ban đêm tôi không thể ngủ bởi vì tôi đã đọc được trong đôi mắt to sắp tàn lịm của cô ấy điều mà cô ấy muốn hỏi tôi nhưng không dám, cô ấy chờ tôi sẽ mở lời trước.

– Chị nghĩ cô ấy sẽ không qua khỏi hay sao?

-Chị ạ, cô ấy bị viêm phổi, và khi đã bị bịnh này rồi thì thua thôi, cộng thêm với nỗi lo âu về sự nghèo đói, rồi ý nghĩ phải để con mình lại cho người lạ nuôi lại càng làm cho cô ấy suy mòn nhanh hơn nữa, ôi thương quá.

Người thiếu phụ trẻ lấy vạt tạp dề lau nước mắt đang từ từ chảy dài xuống.

Rồi, may sao, cánh cửa đột ngột mở bật ra và một luồng gió mạnh mang theo những mảng tuyết ào vào nhà cùng với một người đàn ông cao to trông rất hoạt bát khỏe mạnh có dáng một lực sĩ, nét mặt nghiêm nghị, nhưng có vẻ chân thành và lương thiện.

– Ôi, với khí hậu chết tiệt này, về nhà thích làm sao, trời ạ! tôi tưởng là cơn bão tuyết sẽ chôn sống tôi ngoài đường rồi chứ! Rốt cuộc ta cũng về đây rồi. Ông ấy vừa nói vừa ném cho bọn nhóc một túi kẹo hạnh nhân.

– Này các con, ngày mai là lễ Giáng Sinh rồi đó, chúa Hài Đồng Giê Su không quên các con đâu này; nhưng mà này đừng có mà kiện cáo hay cãi cọ đấy nhé.

 -Ba!

 Hai đứa bé chạy đến bên cha, một đứa ôm lấy chân ba chúng, đứa kia thì leo lên vai, còn ông ta thì ôm hôn các con, thảy chúng lên trên cao, đứa này rồi đến đứa kia, rồi đến bên vợ mình.

– Cái gì thế này, hôm nay lại có nước mắt ư, điều gì làm cho em ray rút thế, đây là lần thứ hai trong tuần mà ta thấy em khóc, điều này không bình thường rồi. Em không tin tưởng nơi ta để nói cho ta biết việc gì làm em buồn khổ sao?  Hôm nay là một ngày tốt, ta làm việc rất có kết quả và ta muốn tất cả mọi người đều hạnh phúc trong ngôi nhà này. Nào, hãy nói ngay cho ta biết em cần điều gì nào.

 Người thiếu phụ trở nên sợ sệt.

– Chắc là anh sẽ rầy la em mất thôi.

– Em nói đi.

– Đây ạ! Anh biết không, cô hàng xóm tội nghiệp, cô ấy sắp ra đi, rồi con của cô ta…

-A! đúng rồi, cô nàng khốn khổ tội nghiệp, anh quên khuấy đi mất, rồi con cô ta, đúng vậy, thật buồn cho cô ấy quá.

– Nếu anh muốn..

–  Này mẹ nó, nếu như con của cô ấy làm cho em xúc động và lo âu, thì em hãy qua bồng nó về đây đi, đó là món quà của em đó. Ta sẽ làm việc thêm, về trễ một chút, như thế sẽ có đủ cái ăn cho tất cả chúng ta.

Thế là trong cái đêm mà con của Chúa Cha xuống trần thế để cứu rỗi nhân loại, thì bên trong ngôi nhà nhỏ bé ấy, cái nôi mà lâu nay đã đem cất trên gác xép, lại được mang xuống để đón nhận một em bé gầy còm yếu ớt, và cùng lúc đó linh hồn của một kẻ đọa đày vì nghèo khổ đã bay lên trời, với vẻ bình tâm mãn nguyện.

Adèle Bibaud – TL dịch

* Mile-End: khu phố thuộc thành phố Montreal, Quebec, Canada.

CÂU CHUYỆN SAU ĐÊM GIÁNG SINH

KHUYẾT DANH– TL dịch -679 chữ

Một khi những người chăn chiên đã ra đi và mọi việc đã trở nên yên tĩnh trở lại, em bé trong máng cỏ ngẩng đầu lên và nhìn về phía cánh cửa hé mở. Một câu bé đang đứng đó, e dè bẽn lẽn… rụt rè và sợ sệt.

– Đến đây nào cậu bé, Chúa Giê-Su bảo. Tại sao con e sợ đến vậy con?

– Dạ bẩm, con không dám…Con không có gì để tặng ngài cả, cậu bé trả lời.

– Ta ước mong cậu sẽ tặng cho ta một món quà biết bao, bé sơ sinh nói.

Cậu bé xa lạ đỏ mặt lên vì hổ thẹn.

– Thật sự con không có gì cả , thưa ngài… con không sở hữu được bất cứ gì cả ạ; nếu như con có món gì, con sẽ tặng ngài …ngài xem đây ạ.

Rồi moi móc lục lọi trong hai túi quần vá chằm vá đụp của mình, cậu bé lôi ra một lưỡi dao cũ đã rỉ sét .

– Dạ con chỉ có chừng này thôi, nếu ngài muốn con xin tặng ngài ạ.

– Không đâu, con cứ giữ đi, chúa Giê-Su trả lời. Ta muốn những thứ khác của con kia. Ta muốn con cho ta ba món quà.

– Con rất hân hạnh, thưa ngài, cậu bé nói, nhưng con sẽ làm gì cho ngài ạ?

– Hãy tặng ta hình vẽ sau cùng của con đi.

Vẻ mặt của cậu bé trở nên lúng túng và đỏ rần lên . Cậu ta bước đến gần máng cỏ và để tránh cho Marie và Joseph không thể nghe mình nói gì, cậu thì thầm vào tai Chúa Hài Đồng Giê-Su:

– Thưa ngài, con không thể… hình con vẽ quá tệ hại xấu xí…không ai muốn nhìn thấy đâu ạ!

-Con ạ, chính vì nó xấu nên ta mới nói con đưa cho ta, em bé trong máng cỏ trả lời…Con phải luôn luôn tặng cho ta tất cả những gì người khác gạt bỏ đi, và những gì  mà chính con cũng không ưa thích.

-Và nữa nè, ta muốn con đưa cho ta cái đĩa của con, em bé tiếp tục.

 -Nhưng mà sáng nay con đã làm bể đĩa mất rồi, thưa ngài! chú bé ấp úng trả lời.

– Bởi vì vậy nên ta muốn con đưa cho ta… Con luôn phải tặng cho ta tất cả những gì bị gãy bể trong suốt cuộc đời của con, ta muốn dán chúng lại…

– Còn bây giờ con hãy lập lại cho ta nghe con đã trả lời ba mẹ con như thế nào khi họ hỏi lý do làm sao con đã làm bể cái đĩa, Chúa Giê Su nhất định hỏi để xem chú bé kể lại sự việc ra sao… Chú bé liền sa sầm nét mặt, cúi mặt xuống, xấu hổ và nói thì thầm một cách buồn bã:

-Con đã nói dối.. con đã nói rằng vì sơ ý nên cái đĩa đã tuột khỏi tay con; nhưng sự thật thì không phải như thế.. Lúc đó con đang tức giận và con đã đẩy mạnh cái đĩa cho nó rớt xuống nền gạch hoa và đã vỡ ra!

– Con ạ, đó chính là điều ta muốn con thổ lộ ra! Chúa Giê Su nói. Con hãy giao hết cho ta tất cả những thứ xấu xa phiền toái trong cuộc đời của con, nào là những điều dối gian, những lần vu khống, những sự hèn nhát và những điều ác độc của con. Ta muốn con hay trút hết những gánh nặng đó cho ta…Con không cần đến những thứ đó… Ta muốn làm cho con luôn hạnh phúc vui sướng và con hãy nhớ rằng ta luôn luôn tha thứ cho những lỗi lầm của con, con ạ.

Rồi vừa ôm hôn cậu bé vì đã tặng mình ba món quà đó, chúa Giê Su nói:

– Bây giờ thì con đã biết đường dẫn đến Trái Tim của ta rồi, ta ước mong mỗi ngày con đều đến thăm ta con nhé.

KHUYẾT DANH– TL dịch

Nếu Ông Già Noel quên ghé thì…

Mone Dompnier –thailan dịch

 
CÂU CHUYỆN THẬT CỦA MỘT NGƯỜI BẠN BÊN PHÁP
VÀ THẬT ĐAU, KHI NGHĨ VỀ CÁC VỊ ANH HÙNG TRONG QLVNCH- BAO NHIÊU THÁNG NGÀY GÔNG CÙM TÙ TỘI, MỘT MẪU ĐƯỜNG ĐEN, ĐƯỜNG BÁT (Đọi) LÀ CẢ MỘT KHO TÀNG- THƯƠNG ĐAU!!


Một buổi sáng Giáng Sinh. Dưới gốc cây thông, những tờ giấy màu bị xé toạc, những chiếc hộp mở toang cả ra, và bọn trẻ thì phấn khích giữa bao nhiêu là quà mà ông già Noel mang đến cho chúng vào đêm qua. Bà tôi thì ngồi hơi xa một chút, đang mỉm cười khi thấy niềm hạnh phúc và sự ngạc nhiên vui thích của các cháu.

– Bọn nhỏ này được cưng chiều quá chừng. – Bà nói khẽ, có vẻ như bà sợ rằng tôi sẽ nghĩ bà trách móc khi thấy vô số đồ chơi và những thiết bị tân thời cho những môn chơi trên máy như thế.

Đúng là tôi không thể cưỡng lại để lựa chọn khi lướt qua các món ở cửa hàng đồ chơi. Là thú vui của tôi khi chọn từng món đồ và chắc chắn sẽ khiến các con reo lên vì thích thú. Đem giấu tất cả những món ấy đi. Rồi cuối cùng sắp chúng dưới gốc cây thông, với niềm nôn nao chờ đợi giây phút khi bọn nhỏ thức dậy và khám phá…

– Cháu biết không, bà vẫn nhớ một Giáng Sinh từ thời thơ ấu. Từ rất lâu lắm rồi…

*

Một đêm đầy sao, lạnh cóng. Một cô bé trằn trọc, quay qua quay lại trên giường, quá bồn chồn để có thể nhắm mắt. Ở trường, chiều nay cô giáo đã kể về ông già Nô En, các chú tuần lộc và chiếc xe trượt tuyết của ông ấy, những món quà ông phân phát cho trẻ em.

– Và chẳng mấy chốc, ông sẽ đi qua tất cả các trang trại của làng. Nếu con đã tỏ ra ngoan ngoãn trong suốt năm học, ông ấy sẽ mang đến cho con một món quà vào đêm Giáng Sinh. Nhưng các con đừng quên đặt đôi guốc của mình trước lò sưởi con nhé.

Bọn trẻ nghe cô giải thích, vẻ kinh ngạc. Cô giáo trẻ của họ đến từ thành phố, cô ấy biết rất nhiều, cô ấy không thể sai được. Vì vậy, khi Sylvie về nhà cũng kể mọi chuyện cho cha mẹ và các chị nghe, và em cũng mang đôi guốc gỗ của mình đặt ngay ngắn trước lò sưởi, như lời cô giáo đã dặn dò.

Nhưng sau khi làm điều đó, bé cũng có vẻ bồn chồn lo âu.

– Nếu ông già Nô En quên đến nhà mình thì sao? Trang trại của chúng ta ở trên dốc rất cao của ngôi làng. Có lẽ ông Nô En sẽ không nhìn thấy nhà của ta đâu, Ba Mẹ ạ.

– Bé cưng của mẹ, con đừng lo, con ạ. Trước khi đi ngủ, ba mẹ sẽ máng đèn lồng ở cửa chuồng ngựa nhe con. Đôi mắt các chú tuần lộc rất tinh tường, chúng sẽ nhìn thấy, con yên tâm nhé con.

Đêm ấy, cô bé Sylvie thật khó mà dỗ giấc ngủ. Nếu như mình vẫn còn thức, có lẽ mình sẽ nghe 

tiếng ông già Nô En và chiếc xe trượt tuyết với tiếng chuông rung trên con đường đầy tuyết. Nhưng cô chỉ nghe thấy những lời thì thầm, tiếng cười thật khẽ vọng lên từ dưới nhà bếp. Cô bỗng nhìn thấy một tia sáng vàng giọi lên ở khe gỗ sàn nhà. Và nhìn lên ô kính cửa sổ, những hạt bông tuyết lấp lánh thật đẹp. Cha cô đã treo đèn lồng lên rồi. Sylvie mỉm cười, yên tâm. Và rồi cuối cùng đêm tối cũng mang bé đi vào giấc mộng đẹp.

Khi cô mở mắt ra… “Ôi, hôm nay là Giáng Sinh rồi!”

Một niềm hy vọng to lớn làm tim cô đập rất mạnh. Vẫn còn đang mặc áo ngủ, đi chân trần, cô

chạy ngay đến đôi guốc của mình, và nhìn thấy góc một chiếc khăn tay ca rô màu xanh trắng nhô ra, giống như khăn của cha mình.

– Ôi, con có quà nè! Ông Nô En đã tặng con một món quà! Cha ơi, Mẹ ơi!

Bên trong chiếc khăn tay… là một miếng đường thật to! Chỉ của mình con thôi phải không?

– Cha nhìn này! Có phải thật sự là của riêng con không?

– Ôi, đúng rồi đó con. Chắc là ông già Nô En biết rằng con là một đứa bé rất thích ăn quà đó con.

Các chị của cô bé cười vang khi thấy bé vui thích. Họ biết rằng thỏi đường mà cha để bên trong chạn thức ăn được bọc cẩn thận trong một chiếc khăn, là nỗi thèm thuồng của cô bé mỗi khi cha cô lấy con dao nhíp nạo một miếng nhỏ cho bé, đôi mắt bé sáng lên như muốn nói cha cho thêm tí nữa… Sau đó cô bé liếm ngấu nghiến những đầu ngón tay một cách tiếc nuối. Vậy mà giờ đây cô sở hữu nguyên cả một miếng thật to, chỉ riêng cho mình cô thôi!

– Đừng ăn hết một lần con ạ, cha bảo cô bé.

Ôi không, đẹp quá, ngon tuyệt quá, phải kéo dài niềm hạnh phúc này càng lâu càng tốt. Mở khăn tay ra và rón rén liếm cục đường nhiều lần trong ngày thật vui thích biết bao! Cô bé nóng lòng chờ đợi cho hết ngày lễ để kể về món quà của mình cho cô giáo, một người dạy học biết rất nhiều câu chuyện tuyệt vời.

Và rồi khi cô giáo vừa cười vừa hỏi bọn trẻ về kỳ nghỉ lễ của chúng, thì Sylvie là người rất nóng lòng nên đã lên tiếng trước, cô bé có rất nhiều điều để kể. Chiếc đèn lồng trong đêm, chiếc khăn tay trắng xanh, miếng đường… Nhưng, đến khi cô kể xong câu chuyện và im tiếng thì tất cả bạn bè cô bé trở nên im lặng một cách kỳ lạ.

Ở ngôi làng miền núi này, nơi mà sự nghèo đói, thậm chí khốn khổ, đã càn quét toàn vùng, thì chỉ có Sylvie được Ông già Noel đến thăm vào ngày 25 tháng 12. Những đôi guốc của bạn bè cô bé vẫn trống rỗng một cách đáng thương trước lò sưởi.

– Có lẽ chúng ta không ngoan như lời ông Nô En dặn dò rồi, cô bé Marie thốt lên một cách buồn bã.

Trên bục giảng, nụ cười cô giáo bỗng trở nên héo hắt và đôi mắt cô đẫm lệ.

*

Tôi cũng nhìn thấy đôi mắt của Sylvie ướt đẫm khi bà vừa kể cho tôi nghe ngày ấy niềm hạnh phúc của bà bỗng chốc tan biến khi nhận thấy nỗi buồn của các bạn trong lớp, những người khốn khổ mà ông Nô En đã quên ghé nhà chúng.

Ôi bài học về cuộc đời mà bà Ngoại đã truyền cho tôi qua câu chuyện trên thật quý hóa biết dường nào!

Bà có biết chăng món quà Giáng Sinh mà bà vừa ban tặng cho tôi mang ý nghĩa như thế nào đối với tôi không?

Con xin dâng tặng câu chuyện này cho bà ngoại S. của con, đã kể cho con nghe về lễ Giáng Sinh của bà thời thơ ấu, năm 1900.

 Mone Dompnier -tháilan dịch