Văn

Trần Khải : Những Ngày Tháng Năm

Những Ngày Tháng Năm

Trần Khải

Tháng năm ở quê nhà có quá nhiều chuyện. Không chỉ chuyện Biển Đông, mà cả chuyện ngay giữa Hà Nội. Không chỉ chuyện của người, mà cả chuyện của hoa. Mới biết, vào cõi này là khổ trăm bề…
Trước tiên, tháng 5 năm nay là bắt đầu vượt qua dấu mốc 35 năm Miền Nam thất thủ. Nghĩa là trải qua hơn ba thế hệ tuổi trẻ, ba thế hệ của những người không liên hệ gì tới cuộc chiến dai dẳng giữa hai miền Nam-Bắc VN, vừa là nội chiến và vừa là tranh chấp ý thức hệ.
Vậy là xong, chỉ thêm 10 năm nữa hoặc hơn, sẽ có thêm nhiều triệu người Việt của một thời Nam-Bắc phân ly trở về với cát bụi, và các thế hệ trẻ sẽ phải lo với các ưu tư mới — của khai thác mỏ bauxite để mai phục Tây Nguyên, của Biển Đông dậy sóng, của hàng trăm ngàn mẫu rừng cho các công ty phương Bắc thuê khó đòi lại được, của môi trường ô nhiễm cạn sông chết cá, của phố thị khói xe mịt mù, của những lá thư chính phủ Hà Nội có câu đầu là chữ Oa-sinh-tơn và câu kế tiếp là chữ huy-vọng thay cho hy-vọng… Trời ạ, quê nhà biến dạng tới nổi không nhìn thấy có gì là quen thuộc nữa.
Cũng tháng này, nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi ngày 6 tháng 5-2010. Một vì sao đã băng trên bầu trời thi ca quê nhà. Ông vẫn luôn luôn là một ngọn núi sừng sững, bất kể bao nhiêu áp lực đày đọa — thậm chí phi lý tới mức, như khi Bộ Công An đã quyết định trả tự do theo nhắc nhở của Lê Đức Thọ và áp lực quốc tế, thì chỉ vì một câu nói của Tố Hữu cũng đủ giam nhà thơ Hoàng Cầm thêm một năm tù. Đó là lời của nhà thơ Hoàng Hưng viết trong bài “Trước linh cữu nhà thơ Hoàng Cầm,” đăng trên các mạng Talawas và Boxitvn. Hoàng Cầm đã trở về cõi vô cùng, nhưng chắc chắn rằng những dòng thơ của ông vẫn tưới mát ngôn ngữ dân tộc Việt Nam không thôi.
Nếu chúng ta nhớ rằng, trong tháng 4 cuả 35 năm trước là những cuộc di tản kinh hoàng của Quân Lực VNCH, và để nói chính xác, là những cuộc di tản hàng hàng lớp lớp của nhiều triệu người dân bình thường từ các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên từng có kinh nghiệm về sự đàn áp chuyên chính khốc liệt của những người CSVN.
Trong tháng 5 năm nay, là một cuộc di tản trong đêm của một người ở Hà Nội: Đức Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, người nửa đêm được đưa lên phi cơ, bay từ Hà Nội sang Mỹ. Cuộc di tản này là sự sắp xếp của nhà nước CSVN, vì không muốn thấy ông Kiệt hiện diện ở VN nữa, bất kể rằng Hội Đồng Giám Mục VN đã thu xếp để đưa TGM Kiệt về Châu Sơn dưỡng bệnh  sau khi thu xếp để Tòa Thánh Vatican ưng thuận cho ông từ chức.
TGM Ngô Quang Kiệt, 58 tuổi, phảỉ ra đi, để bàn giao Tổng Giáo Phận Hà Nội lại cho Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Nhơn, 72 tuổi. Chuyện đã được tiên đoán từ nhiều tuần trước: TGM Kiệt phải ra đi, vì nhà nước CSVN không thích có những cuộc biểu tình nhiều ngàn người – trên hình thức là xuống đường cầu nguyện đòi công lý, lúc đầu là đòi nhà nước trả đất Tòa Khẩm Sứ, và sau là đòi trả đất Giáo Xứ Thái Hà. Khởi sự cuộc cầu nguyện tập thể là trong tháng 12-2007. Tính tới bây giờ, kể như là gần 2 năm rưỡi, sau khi qua những sóng gió cả về xô xát, về pháp lý, về can thiệp của Vatican khi đưa TGM Kiệt sang Rôma chữa bệnh.
Một tuần lễ trước ngày sinh nhật ông Hồ (ngày 19 tháng 5), TGM Ngô Quang Kiệt trong đêm 12-5-2010 đã được bí mật đưa lên phi cơ bay sang Mỹ. Không để chậm hơn được sao, và không để ban ngày cho có tiệc chia ly cho phải lẽ? Nhà nước CSVN sợ dân chúng ra đưa tiễn đông, lại sợ giaó dân mang biểu ngữ ra tràn ngập phi trường Nội Bài, thế nên phải lặng lẽ đẩy TGM Kiệt di tản đêm…
Nhưng tại sao bay sang Mỹ? Có ông Đạị Sứ Mỹ Michael Michalak tiễn chân TGM Kiệt ở Nội Bài hay không? Có phải visa nhập cảnh Mỹ làm theo thủ tục khẩn cấp, theo yêu cầu của CSVN đẩy đi càng sớm càng tốt?
Nhưng tại sao phải sang Mỹ, sao không sang Rôma như kỳ chưã bệnh lần trước? Có phải vì Đức Ông Cao Minh Dung ở Tòa Thánh Vatican muốn như thế?
Tình hình di tản khẩn cấp tới mức, theo bài viết nhan đề “TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt bất ngờ đi nước ngoài” đăng ngày Thứ Năm 13-5-2010 trên trang Nữ Vuơng Công Lý, trích:
“Đức TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt đã bất ngờ bay đi nước ngoài vào đêm 12/5/5010 làm xôn xao dư luận Hà Nội.
Ngày 9/5/2010, TGMHN Giuse Ngô Quang Kiệt vào Toà Giám mục Vinh chúc mừng Kim khánh Giám mục Phaolo Cao Đình Thuyên. Ngài đã ở laị Toà GM Vinh một đêm với Đức cha Cao Đình Thuy&ec
irc;n và sáng 10/5/2010, Ngài đã dâng Thánh lễ cho Dòng Mến Thánh giá Xã Đoài.
Sau khi dâng Thánh lễ, Ngài đã về đan viện Xito Châu Sơn – Ninh Bình, nơi đã chuẩn bị cho Ngài chỗ nghỉ ngơi sau ngày 13/5/2010 hôm nay – Ngày Ngài phải rời chức TGM HN để giao lại quyền TGM cho TGM Phó Nguyễn Văn Nhơn cách chính thức. Theo dự định, Ngài sẽ trở lại Đan viện Xito Châu Sơn vào ngày 18/5/2010.
Ngày 11/5/2010, bất ngờ Đức TGM Phó Hà Nội Nguyễn Văn Nhơn đến Châu Sơn tha thiết mời Ngài về HN để “có việc gấp”.
 Chiều 12/5/2010, từ 9h, Ngài về Toà TGMHN bình thường, đột ngột đêm 12/5/2010, Ngài lên đường đi nước ngoài (theo Văn phòng Toà TGM thông báo) trước sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.
Điều đáng nói, là cách đó hai ngày, CTV Nữ Vuơng Công Lý cho chúng tôi biết, một cán bộ của Mặt trận Tổ quốc VN đã tiết lộ: Trước sự phản kháng mạnh mẽ của giáo dân Hà Nội và khắp nơi, nhà cầm quyền Hà Nội biết rằng nếu Đức TGM Giuse dù về hưu hay ở đâu thì cũng không thể giải quyết triệt để “Vấn đề Ngô Quang Kiệt". Đặc biệt khi Thư Thỉnh nguyện của Giáo dân với hơn 15.000 chữ ký đã đến Vatican…”
Tháng Năm quả nhiên là đầy sóng gió. Dù là ở Biển Đông, hay ngay giữa Hà Nội.
Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 5 năm nay, Hà Nội quyết định chỉ chơi hoa giả. Nghĩa là, nghị quyết của thành ủy là, hoa thật là để thế giới chơi, còn dân Hà Nội là phải chơi hoa giả. Chuyện tưởng như đùa, nhưng mà là thật: Lễ hội Hoa Anh Đào do Trung Tâm Việt Nhật tổ chức taị Hà Nội sau liên tục ba năm 2007, 2008 và 2009, năm nay 2010 quyết định chỉ xài hoa anh đaò giả.
Và Lễ Hội Hoa Anh Đaò được đổi tên thành Lễ Hội Satsuki Nhật Bản, theo các báo quốc nội. Lễ hội này khai mạc hôm 8-5-2010 tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Giảng Võ – Hà Nội. Báo Tiền Phong, bản tin nhan đề “Satsuki thế chỗ lễ hội anh đào” hôm 9-5-2010 viết, “…Diễn ra trong hai ngày 8 và 9-5 tại Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội), lễ hội Satsuki chứng tỏ sức hấp dẫn khác biệt so với lễ hội hoa anh đào các năm trước.”
Vì xài hoa giả, nên đổi tên là Lễ Hội Satsuki, tức Lễ Hội Tháng Năm. Tuy giả, nhưng vẫn “hấp dẫn khác biệt…” Thế mới lạ.
Báo Thể Thao và Văn Hóa số ngày Thứ Bảy 8-5-2010, bản tin nhan đề “Vì sao Lễ hội hoa anh đào đổi tên?” đã viết:
“Tiếp nối thành công của Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tại VN trong 3 năm 2007, 2008, 2009, thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ và nhân dân VN, năm nay BTC quyết định đổi tên thành Lễ hội Satsuki (tiếng Nhật nghĩa là Tháng năm) sẽ diễn ra trong 2 ngày 8 – 9/5 tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm VN (148 – Giảng Võ, HN), với mong muốn lễ hội như một bó hoa tươi thắm góp một phần nhỏ trong các sự kiện chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với chị Đỗ Thị Minh Phương, Ủy viên Ban điều hành Lễ hội.
* Lý do gì dẫn đến sự đổi tên này, thưa chị?
Lý do đổi tên có rất nhiều. Trong 3 năm qua, khi lễ hội hoa anh đào kết thúc đều có những lời phàn nàn về lễ hội như: hoa anh đào chưa được đẹp, dân mình cũng chưa có ý thức giữ hoa… Vì thế, năm nay BTC phía VN quyết định không tổ chức lễ hội hoa anh đào nữa. Còn phía Nhật Bản thì cảm thấy như vậy sẽ thiếu đi một sân chơi giao lưu văn hóa giữa hai 2 nước, và vẫn quyết định tổ chức lễ hội. Năm nay, BTC quyết định sẽ chỉ trưng bày một cây hoa anh đào giả. Vì không có hoa anh đào, nên phía Nhật không tổ chức lễ hội hoa anh đào được. Ở Nhật Bản cũng có lễ hội tháng 5 và BTC quyết định đổi thành lễ hội tháng 5…” (hết trích)
Hoa giả nhưng cũng “hấp dẫn khác biệt….” Thật vậy sao? Tại sao nhà nước CSVN muốn tuổi trẻ tập cho quen với búp bê sex, thay vì giúp tuổi trẻ đi tìm người để thật lòng yêu thương?
Trời ạ, quả nhiên là Tháng Năm đầy chuyện bí hiểm.