Bình luận

Phan Lạc Phúc : Qua Cơn Mê

Biếm họa Bùi Bá: Năm Tân Mão 2011, con mèo châm ngòi cho nổ banh xác pháo.


Câu Đối Tết Con Mèo.

Ba Đình tâu với Thiên Đình, thú thật Triều Đình không nói dối. Hà Sĩ Phu (xướng).

Ái Quốc bám theo Trung Quốc, e gần Phản Quốc có đâu xa.  Hữu Tình (họa).

Bài đọc suy gẫm: Qua Cơn Mê ( hay Văn Nghệ Tết Trong Trại Tù Yên Hạ) – Phan Lạc Phúc (hình ảnh sưu tầm trên net chỉ có tính cách minh họa)

…”Bạn ơi nếu tôi có một điều ước, tôi ước mong cho ngày nào trời đất phong quang, chúng ta được trở về đất nước Việt Nam yêu dấu, muốn đi đâu thì đi. Tôi sẽ đi tới những trại tù năm cũ, thăm lại người xưa, thăm lại các bạn tù chúng ta còn nằm lại. Tôi sẽ tới trại Yên Hạ, tới quận Phù Yên hỏi xem ông cụ Việt trại trưởng năm xưa còn sống hay không? Nếu gặp được ông cụ tôi sẽ nầm lấy tay mà nói “Tôi là là cựu tù nhân Yên Hạ đây, cụ còn nhớ tôi không, thưa cụ?”…Một mai qua cơn mê, xa cuộc đời bềnh bồng, tôi lại về bên em…- Trần Trịnh- Nhật Ngân.

Cả nước làm bạn với khoai mì, khoai lang.

Còn gần một tháng nữa mới đến Tết nhưng không khí thi đua văn nghệ giữa 2 khu A, B đã lan truyền khắp trại. Anh em khu A đi làm ngoài, có bữa kiếm được củ khoai, miếng sắn lại dấm dúi đem cho. Chúng tôi hiểu được sự chăm lo, kỳ vọng của anh em. Cuộc chiến tranh quân sự tàn rồi, cuộc chiến tranh văn hóa còn đang tiếp diễn.
Một hôm đang nửa buổi, trại trưởng ông cụ Việt vào hội trường dự khán anh em chúng tôi tập dượt. Thấy gần trưa rồi mà ban Văn nghệ khu A vẫn xuông tình, ông cụ hỏi: “Anh em không nghỉ ăn bồi dưỡng hay sao?” Mấy người có trách nhiệm mới trình bày với trại trưởng là chúng tôi vẫn tập “xuông” không có “bồi dưỡng”. Ông cụ Việt liền cho gọi thi đua (mấy anh tù được cất nhắc lên làm chân chạy việc cho ban giám thị) lên chỉ thị: “Cung cấp ngay chế độ bổi dưong hằng ngày cho đội văn nghệ khu A”. Ông cụ còn dặn thêm: “lệnh trại trưởng cấp thêm cho mỗi đội văn nghệ của A lẫn B mỗi ngày một gói trà. Anh em tập dượt ca, kịch cần thấm giọng”. Thế là hàng ngày, “phụ tá khói lửa” là tôi lại thêm việc đun nước pha trà cho anh em nhấm nháp.

Đi vào thực hiện kịch lịch sử đối với chúng tôi, nó có ưu điểm nhưng cùng một lúc nó kéo theo nhiều điều phức tạp. Thứ nhất tập dượt cầu kỳ. Người “ngày xưa” ăn nói cử chỉ khác người ngày nay. Một ông quan văn với một ông quan võ chào hỏi, vuốt râu nó khác nhau, không giống nhau. Cách phát âm hay nói theo giọng nhà nghề “đài từ” của kịch lịch sử khác với kịch thời đại. Hơn nữa trang trí sân khấu, cách phục sức cho nhân vật kịch “ngày xưa” nó đòi hỏi nhiều nghiên cứu, nhiều phụ tùng hơn kịch “bây giờ”, cái kho đạo cụ của trại không thỏa mãn được. Vào việc đạo diễn Th. già bấn xúc xích về việc dàn cảnh, về đạo cụ nên bạn già yêu cầu tôi lo giúp về phần tập luyện.

Bạn Th. già biết dạo xưa tôi có sinh hoạt trong Sông Hồng Kịch Xã ở Hà Nội trước khi động viên vào quân đội, trong khi đó Th. già viết cho báo Giang Sơn. Chúng tôi biết nhau từ ngày ấy. Vả chăng tôi vốn sinh trưởng ở nhà quê mà làng tôi vốn là đất chèo, có một phường chèo thường trực ở trong làng nên tự nhiên tôi quen thuộc với một số ước lệ của tuồng, chèo cổ. Những năm đi kháng chiến ngoài bưng, tôi đi theo một đoàn Tuyên truyền xung phong nên tôi cũng tàm tạm có một số kinh nghiệm về sân khấu. Cho nên nhận lời bạn già, tôi đang là “phụ tá khói lửa” lại thêm một chức vụ nữa “phụ tá đạo diễn”.

Không gian kịch là tư dinh Đinh Đề Lĩnh, viên quan trấn thủ kinh thành Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội). Thời gian là đêm mồng 4 tháng Giêng năm Kỷ Dậu đêm trước của toàn quân vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Vở kịch đòi hỏi 5 vai quan trọng: Đinh Đề Lĩnh, trấn thủ Thăng Long; thất vọng trước sự yếu hèn của hôn quân Lê Chiêu Thống, căm hận trước sự tham tàn bạo ngược của quân tướng nhà Thanh nên phút cuối cùng Đinh Để Lĩnh nghe theo lời khuyến dụ của La Sơn Phu Tử, đặc sứ của vua Quang Trung Nguyễn Huệ, mở cửa thành, đốt kho lương thảo khi nghĩa quân tấn công. Vai chính Đinh Đề Linh do Nguyễn Huy T., đại úy đài Tự Do cục Tâm lý chiến đảm trách. T. là một con người tài hoa, hát hay, nhảy giỏi, dáng người cao mà thanh, vừa văn vừa võ, đã nhập vai Đinh Để Linh rất đẹp. Anh chơi kịch từ thời sinh viên nên có đủ bản lĩnh trên sân khấu vừa say mê vừa tỉnh táo.

Vai La Sơn Phu Tử do Nguyễn T. cũng đại úy bên Tổng cục Chiến tranh Chính trị (người ở Seattle vừa viết thư cho tôi) nhận lãnh. Nguyễn T. vốn là em một người bạn tôi, nên tôi biết T. từ khi chưa bị động viên vào quân đội. T. đi Hướng đạo nên quen thuộc với sân khấu. T. không dám tin ở tài sức của mình nhưng tôi khuyến khích T. nhận vai La Sơn Phu Tử. T. vốn người Thanh Hóa, nói được giọng già, dáng người văn nhã mà cứng cỏi, lại chuyển sang gíọng Nghệ An – Hà Tĩnh rất ngọt nên có đầy đủ dáng vẻ của một mưu sĩ “đàng trong”. Một vai phản diện rất gay là vai tướng nhà Thanh, nói tiếng Việt ngọng líu ngọng lo mà tham dâm hiếu sắc do Trung tá Lê Văn Hóa, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn văn nghệ Quân đoàn 4 phụ trách. Anh là người tràn đầy kinh nghiệm sân khấu lại thêm là “vua cười” của đội, luôn mồm hát, no cũng hát, đói cũng hát “Ngộ bên Tàu à… ngộ mới sang – sang Nam Việt bán buôn làm giàu…” nên vai tướng Tàu như là vai viết riêng cho anh vậy.

Người nữ độc nhất, cô chủ quán mê hoặc tướng Tàu do đại úy Tôn Thất L. thủ vai. Anh đi tù cực khổ, đói khát như vậy mà vẫn da trắng tóc dài, mắt sắc như dao làm gái Thăng long rất đẹp. Riêng có một vai quê mùa, vai ông già chăn ngựa thọt chân, luôn luôn say xỉn do một đại úy Cảnh sát đảm nhận vai mà tập mãi chưa vô. Anh có nhân dáng quê mùa, cục mịch, say mê vai diễn nhưng tiếng cười, giọng nói của anh nó văn minh quá, thành thị quá thiếu mất chất nhà quê. Mà đây là vai quần chúng vai đại diện cho nhân dân phản kháng nên trại để ý lắm. Thiếu úy Công an Q. đại diện cho phòng Giáo dục, hằng ngày theo dõi chúng tôi tập dượt, lắc đầu trước vai ông già chăn ngựa mà phê bình đủng đỉnh “chưa được”. Sau rồi, đạo diễn Th. già mới tham khảo ý kiến anh em mà bảo tôi rằng: “Ông khỏi mất công dượt cho anh ấy nữa. Ông thì vừa già, vừa chân tập tễnh, lại vừa có chất quê… thế thì ông chơi ngay cái vai ấy đi cho nó tiện việc sổ sách.” Anh em cũng ồn ào đề nghị nên tôi lại kiêm luôn vai cụ Triệu ông già chăn ngựa. Sở dĩ đạo diễn Th. già và tôi chú ý đến giọng nói là vì khi diễn kịch ở đây, chúng tôi diễn “chay” không có ban nhạc làm nền (background music). Vì vậy phải đặt trọng tâm vào giọng “thoại”, đưa vào đó nhiều màu sắc để phần nào quên đi cái thiếu vắng nhạc nền kia.

Có giọng Bắc trầm hùng cứng cỏi của Đinh Đề Lĩnh, giọng miền Trung uyển chuyển, sâu sắc của La Sơn Phu Tử, giọng ngọng nghịu của tướng Tàu, giọng Bắc pha Huế đài các của cô chủ quán, giọng quê mùa bạo liệt của ông già chăn ngựa. Nút kịch được thắt khi La Sơn Phu Tử đang đêm được ông già chăn ngựa nhà ở gần bên đưa vào gặp Đinh Đề Lĩnh ở tư dinh, thuyết điều hơn, lẽ thiệt. Kịch được thắt thêm 1 nút khi tướng Tàu sục sạo đi tìm cô chủ quán xinh đẹp bất ngờ xộc vào tư dinh Đinh Đề Lĩnh khi La Sơn Phu Tử còn đang hiện diện. Để tránh cho cơ mưu của “đàng trong” đừng bại lộ, cũng là cởi nút cho vở kịch… ông già chăn ngựa liền dũng cảm nhảy vào đâm chết tướng Tàu rồi cùng chết. Cái chết bất ngờ của ông già chăn ngựa như một giọt nước làm tràn ly khiến Đinh Đề Lĩnh còn đang do dự, chuyển hẳn sang thế nghĩa quân… mở cửa thành, đốt kho lương thảo khi đại quân vua Quang Trung tràn tới. Sau đó, bình minh ngày 5 tháng 1 năm Kỷ Dậu cũng vừa hiển hiện.

Để lo việc trang trí sân khấu và phục sức cho nhân vật kịch, trung tá Quân cụ Tr., nguyên sinh viên Mỹ Thuật ngày nào bây giờ là trưởng ban đạo cụ liền đem cái tài hoa còn lại của mình sửa chữa mấy đôi bốt hư của cán bộ thành hia cho văn quan, võ tướng nhà Lê , cải biến mấy cái mền dạ cũ màu đỏ, màu xám thành nhung y cho Đinh Đề Lĩnh, cho tướng nhà Thanh. Mấy cái đường kẻ đen trên tấm mền đỏ ngày nào bây giờ dưới bàn tay thần tình của Tr. đã biến thành hoa văn “thủy ba sóng rợn”. Tướng nhà Thanh thì nhung y lẫm liệt, hia mão đàng hoàng. Nhưng khi Đinh Dề Lĩnh, võ quan nhị phẩm triều đình đội mão theo đúng nghi thức thì tôi có ý kiến là Đinh Đề Lĩnh không nên đội mão chỉ nên đội khăn. Đội mão xem ra nó “cải lương” hơn, không truyền thống bằng cái khăn lượt Việt Nam. Đạo diễn Th. già đồng ý. Anh Tr. cũng đồng ý tuy rằng anh rất tiếc chiếc mão “võ quan nhị phẩm” rất công phu của anh.

Trong thành tích trang trí tư dinh của Đinh Đề Lĩnh ngày Tết, anh Tr. đắc ý nhất là 3 chữ đại tự anh viết trên bức hoành phi (bằng giấy): Huyết do hồng. Tr. vừa là nghệ sĩ vừa là trí thức. Th. già và tôi hiểu ý anh, nắm tay anh thông cảm. Thiếu úy Công an Q. người thường xuyên sinh hoạt với chúng tôi một bữa mới hỏi Th. già về ý nghĩa mấy chữ nho này. Th. giải thích: đây là 3 chữ cuối trong vế đối, nhắc lại chiến công chống xâm lược phương Bắc của tiền nhân “Đằng Giang tự cổ Huyết do hồng” (Nước sông Bạch Đằng từ xưa đến nay vẫn còn đỏ máu). Tôi thấy Thiếu úy Q gật gù, ngẫm nghĩ, và từ đó thái độ đối với chúng tôi có khác. Anh em chúng tôi dù sống kiếp tội đồ khổ sở, đói khát nhưng trong công tác văn nghệ này ai củng cố gắng đóng góp một chút gì, để hi vọng nói lên rằng: chúng tôi thua trận, bị cầm tù, bị lăng mạ nhưng chúng tôi có văn hóa theo cách riêng của chúng tôi.

Đã đến ngày 30 Tết, năm Tỵ sắp sang năm Ngọ (1977-1978). Nghe anh em lưu cựu ở đây 1âu nói rằng chưa có bao giờ trại ăn Tết to như thế. Có lệnh của trại trưởng là bao nhiêu tiền quỹ của năm cũ chi cho bằng hết nên Tết đến thịt trên 10 con heo, 1 con bò; tát ao lấy cá chắm, cá chép lên ăn Tết. Mấy vườn su hào cũng nhổ “đại trà” làm dưa. Toàn là món “cao cấp” cho toàn trại, toàn thể tù nhân ăn Tết. Trong 10 năm đi tù cải tạo, tôi ngẫm lại chưa có năm nào, ở đâu được ăn một cái Tết tù như vậy. Ngoài các món ăn, anh em tù nhân còn được lĩnh mỗi người hai bánh chưng, thuốc lá, thuốc lào, và đêm 30 đi xem kịch tất niên về toàn trại còn có cháo lòng bò bồi dưỡng. Nghe phong thanh là sau Tết trại trưởng trung tá Trần Việt sẽ nghỉ hưu nên ông xã cảng “cái gì của tù là trả hết cho tù”.

Vài ngôi mộ của những người tù cải tạo.

Bữa tổng dượt có mặt đủ ban Giám thị trại, chương trình của khu A chúng tôi được cán bộ giáo dục Nguyễn Hồng L. chăm chút rất kỹ. Y ta để ý rất nhiều đến những sự “đóng góp” của chúng tôi vào vở kịch, hỏi khá kỹ về câu đối “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng “. Vốn bản tính đa nghi nên y không muốn đưa vào bất cứ điều gì không có trong kịch bản. Ông cụ Việt, có lẽ ông ta là người rộng rãi kiến văn nên ông cụ nói: “Tư dinh một viên võ tướng có tâm hồn với đất nước mà treo bức hoành Đằng Giang tự cổ huyết do hồng thì được lắm. Để đối phó với cường lân phương Bắc lại càng hay nữa .” Nhưng cán bộ giáo dục tỏ ý ngần ngại, khi chúng tôi định hát đoạn đầu của bài Thăng Long Hành Khúc của Văn Cao vào đoạn kết của vở kịch. Nguyên văn trong kịch bản chỉ có “tiếng hô sát của đại quân ta nhỏ dần rồi màn hạ”. Ỏ đây chúng tôi trong hậu trường sẽ hô “sát, sát” đồng loạt rồi hát từ từ nhỏ đến to dần lên “Cùng ngước mắt về phương Thăng Long thành cao đứng, trông khói sương chiều ám trên dòng sông. Nhị Hà còn kia Nhị Hà còn đó, lũ quân giặc Tôn sập cầu trôi đầy sông.” Màn từ từ khép và đến đó là dứt kịch. Chúng tôi muốn cho cái “coup de rideaư’ nó thêm sức thuyết phục. Đã thử lại lúc màn hạ này mà không có tiếng đồng ca Thăng Long Hành Khúc ở bên trong. Nó nguội đi nhiều lắm. Cán bộ giáo dục cuối cùng chấp nhận “cách đạo diễn” của chúng tôi nhưng nhất quyết không bằng lòng 2 chữ “giặc Tôn” mà phải đổi ra là nhà Thanh “cho nó rõ nghĩa” (chữ của y ta, bởi vì giặc Tôn có thể liên tưởng đến Tôn Đức Thắng chăng?).

Tối 30 Tết, trại Yên Hạ nôn nả hẳn lên. Mới 7 giờ đêm, mà hội trường đã chật cứng. Phạm nhân khu A ngồi bên phải. Khu B bên trái. Những dãy ghế phía trên là dành cho quan khách, gồm cán bộ khung xã sở tại, huyện ủy Phù Yên, cán bộ Công an và gia đình. Cứ như ý kiến bữa tổng dượt thì đêm 30 Tết, ban Văn nghệ sẽ diễn trong trại. Mồng 4 Tết chúng tôi sẽ ra huyện lỵ Phù Yên diễn cho dân chúng tới xem. Cho nên buổi diễn hôm nay là buổi diễn trong chương trình vui Tết đón Giao thừa, vừa là buổi phúc khảo trước khi ban Văn nghệ “đem chuông đi đấm xứ người”.

Chương trình khu B, bên hình sự được diễn đầu tiên. Cũng đồng ca, đơn ca, một màn kịch ngắn “đánh Mỹ” và kết bằng màn dân ca Quan họ Bắc Ninh. Anh em hình sự chơi chương trình này đã “thuộc” nên đối đáp, tung hứng rất là nhuần nhuyễn. Nhưng vì “bổn cũ soạn lại” nên nó làm cho tù chính trị chúng tôi chăm chú hơn là khán giả sở tại.

Bên hình sự có một ca sĩ tên Ng. hát rất hay, rất kỹ thuật; nghe nói anh ta đã tốt nghiệp thanh nhạc nên hát đâu có thua gì ca sĩ trên đài phát thanh. Ca sĩ bị tù mút mùa vì nghe nói anh mắc tội làm tem, phiếu giả. Kịch “đánh Mỹ” thì không có gì mới. Vẫn theo công thức cũ. “Mỹ cút, ngụy nhào, quân ta kẻ thù nào cũng đánh thắng, khó khăn nào cũng vượt qua”. Nhưng phải công nhận anh em hình sự chơi nhạc cảnh Quan họ “Mời trầu, giã bạn” rất đằm thắm, ý nhị và duyên dáng. Đây là một tiết mục hay. Khi anh em cúi đầu chào khán giả, chúng tôi dù ở trên sân khấu, đang sửa soạn “ra trò” mà chúng tôi cũng không ngừng vỗ tay tán thưởng. Đoàn trưởng đoàn kịch khu B. Quách H., đứng ở cánh gà phía bên kia, đứng nghiêm, để tay lên ngực cúi đầu chào lại chúng tôi như một sự cảm thông cái tình tri âm, tri kỷ.

Có lẽ “cái đinh” của đêm văn nghệ hôm nay đối với khán giả địa phương là Văn nghệ khu A, tù chính trị. Họ chưa bao giờ được biết miền Nam thật sự như thế nào? Miền Nam đã thua, đã tan nát nhưng những tàn dư của miền Nam, lũ tù chính trị chúng tôi, vẫn còn đây. Họ đã được nghe “nhà nước ta” nói rất nhiều về miền Nam, nhưng “trăm nghe sao bằng một thấy”. Văn nghệ, là một thái độ sống. Họ muốn biết thái độ sống của miền Nam thế nào qua những đại diện khốn khổ nhưng trung thực là chúng tôi Chúng tôi cũng cảm nhận được điều đó nhưng trong tình trạng tù đày, bó buộc như thế này, biết ăn, biết nói làm sao? Thôi thì “sức người có hạn, được đến đâu hay đến đó”.

Qua mấy màn ca nhạc, đồng ca, đơn ca, tôi nghiệm ra là về kỹ thuật, chúng tôi không sánh bằng anh em hình sự. Điều dễ dàng nhận thấy là tù chính trị già hơn, nên hơi hám kém hơn. Nhưng hiệu quả sân khấu thì chưa chắc ai hơn ai. Lấy ví dụ như ca sĩ Văn B . của chúng tôi hát làm sao tốt bằng, khỏe bằng Ng. bên khu B, nhưng khi anh hát xong tiếng vỗ tay có lẽ nhiều hơn, nồng ấm hơn. Ng. hát giọng ngực, lớn, vang nhưng anh hát theo lề lối thường thấy ở ngoài Bắc, không rõ lời. Nhiều khi không biết anh hát cái gì nữa chỉ thấy trước sau giọng ngân vang rền rĩ mà thôi. Còn Văn B. anh là ca sĩ tài tử (ngoài Bắc kêu bằng nghiệp dư, thích thì hát chơi không phải nhà nghề) nên hát bài nào anh phổ tâm tình vào bài hát đó. Anh không trưng bày giọng hát mà như văn nghệ thường thấy ở miền Nam, anh có một tâm sự để mà kể lại. Anh thuộc loại ca sĩ trữ tình (chanteur de charme) không phải ca sĩ Opera như khuynh hướng ngoài Bắc. Cho nên nghe Văn B . ca sĩ miền Nam, hát không giỏi bằng, không khỏe bằng nhưng nó dễ nghe hơn, nó thấm thía hơn, nó con người hơn. Mà cũng có thể vì cách hát của anh khác lạ hơn nên anh được chú ý và tán thưởng.

Tiết mục gây được nhiều tiếng cười sảng khoái là màn tốp ca. Anh em chúng tôi dựng tiết mục này theo lối AVT, nhằm kiếm được nụ cười trong tình trạng tối ám của nhà tù. Mà điều này cũng là một thực tế. Chúng tôi là phạm nhân nhưng trong đời sống chúng tôi vui cười nhiều hơn cán bộ coi tù. Ở ngoài Bắc, hoặc là người ta sống căng thẳng quá hoặc là người ta phải ngụy trang lối sống cho nên phần đông mọi người mặt khó đăm đăm. Đây là bệnh táo bón tinh thần thường thấy nơi xã hội thiếu tự do. Ba bạn Đỗ H., Văn B., Trịnh P. hát hò, đối đáp với nhau thoải mái. “Cái gì nhúc nhích là ta chén liền “. Tiếng cười đồng cảm vang lên. Từ cánh gà nhìn xuống, tiếng cười lan tỏa chỉ có người cau mặt là cán bộ giáo dục…

Màn gây ấn tượng sâu sắc là độc tấu Tây ban cầm. Đây là loại đàn nhiều người chơi. Nhưng tập tành đến nơi đến chốn chơi được nhạc cổ điển hay bán cổ điển thì có rất ít người. Người anh em chơi Tây ban cầm của chúng tôi đã có trên 10 năm cầm đàn. Anh bữa ấy độc tấu một bản bán cổ điển. Một cây đàn Tây ban cầm mà như một dàn nhạc. Có lúc réo rắt như violon, lúc nhảy nhót như mandoline, khi rộn rã như piano, khi trầm hùng như một đoàn quân nhạc đón đoàn chiến binh chiến thắng trở về . Tôi nghĩ đám đông khán giả kia chưa chắc đã hiểu hết ý nghĩa của bài vừa diễn tấu nhưng nhìn bàn tay buông bắt đầy kỹ xảo, nghe âm thanh tiết tấu phong phú, họ hiểu rằng chơi đàn như vậy là một kỳ công. Kỳ công ấy là văn hóa.

Giọt nước mắt người vợ tù cải tạo trong ngày cựu tù Bình Điền họp mặt tại Nam California, ảnh Huy Phương. Hình dưới: triển lãm hình ảnh về trại tù cũ.

Links:

Share on FacebookShare on Twitter