Tạp ghi

Những kẻ cẩu tửu (Trần Bình Minh)

Những kẻ cẩu tửu
Phóng sự: Trần  Bình Minh
 
 
Xưa nay rượu đã là một thứ không thể thiếu trong cộng đồng xã hội, trong bữa tiệc ngày tết, nhân dịp lễ hội cưới xin, giỗ tết, rượu thường được dùng như một thứ để khai vị, rượu cũng là cớ để cho các nhà văn, nghệ sĩ tụ họp mỗi khi có tác phẩm lớn được hoàn thành. Tản Đà đã viết rất hay về một cuộc thưởng rượu với bạn thơ Trần Huyền Trân
Rồi ra ta rót cho nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này
Song số người dùng rượu để nâng cao tầm tư tưởng, tinh hoa phát tiết ra ngoài, tạo ra những áng thơ hay lệch đất nghiêng trời như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vũ Hoàng Chương, Tản Đà thật là hiếm. Ngược lại tác hại của rượu gây ra cho cộng đồng xã hội thật không nhỏ. Người Trung Quốc tùy theo tửu lượng rượu và trạng thái ứng xử của người đó sau bữa tiệc, lúc tàn canh mà phân thành 9 bậc: Tiên tửu, phật tửu, thánh tửu, nhân tửu, cuồng tửu, tục tửu, cẩu tửu, ngộ tửu v.v…
Trong phạm vi bài viết nhỏ, tác giả chỉ dám đề cập tới mức độ thấp nhất trong bậc thang phân loại đó là cuồng tửu, tục tửu, cẩu tửu.
Uống rượu đạt đến độ… cuồng tửu là khi "rượu vào cũng lắm, lời ra cũng nhiều", đến mức không đủ độ tỉnh táo, lý trí để dừng lại giữa ranh giới con và người, không làm chủ được lời nói của mình dẫn đến nói văng mạng, nói quyết liệt, hết lời khôn ra lời nhàm, đổi cả lời thanh thành lời tục… Từ cuồng tửu đến tục tửu chỉ cách nhau trong giây lát, chưa đầy gang tay,  nghiã là nói quàng nói xiên, nói nhăng, nói cuội kèm cả chửi bới tục tằn, nói cho sướng miệng, hạ hỏa mới thôi. Cuối cùng điều tất yếu phải xảy ra là… cẩu tửu. Không làm chủ được hành vi ứng xử của mình, cùng với những lời cuồng, tục, còn thích quăng quật đâm chém, bậy cái gì vớ cái đó đập, đốt, cấu xé, đánh, kết cục lành ít, dữ nhiều… Người vào bệnh viện, kẻ ở lại trại giam chờ hậu xét. Có trường  hợp đau lòng  hơn, cả cẩu tửu lẫn người bị cẩu tửu còn phải nằm sâu dưới  ba thước đất. Người bị đâm, người bị bắn, chỉ cách nhau có một phiên tòa. Xin nói có sách mách có chứng sau:
Tối 4/4/2007, sau một ngày làm việc căng thẳng, Võ Phi Long (Sinh 1984) cùng đám bạn tổ chức cuộc nhậu vui vẻ. Suốt 5 tiếng đồng hồ cả bọn quyết định…đem trái đất ngâm thành rượu, lấy càn khôn nướng thành mồi và sẵn có đám bạn "tri kỷ" quây quần, tất cả cùng "đem rượu", "đem mồi" ngất ngưởng say.
Gần 10 giờ đêm cuộc vui mới tàn, Long và  đám bạn lên xe phóng về quốc lộ 50. Đường vắng, cả bọn được sự khích lệ của cô nàng "ma men", thi nhau phóng. Không ngờ đến đường Nguyễn Văn Linh, Long đụng phải một người đàn ông tên Huy đang đi ngược chiều. Vì quá say, không làm chủ được tay lái, Long lấn hẳn sang phía đường trái và đâm thẳng vào chiếc xe do anh Huy đang chạy. Cả hai  văng ra đường, bất tỉnh.
Trở dạy Long thấy mình ở trong bệnh viện, hỏi bạn bè mới rõ, người đàn ông tên Huy – cựu chiến sĩ cảnh sát cơ động. Người chủ cuả một gia đình nhỏ gồm cha già 84 tuổi tật nguyền, vợ yếu và hai con nhỏ dại,  đã chết bất đắc kỳ tử do bị dập và phù não.
Ngay sau đó, ngày 8/5/2007, trong khi vết thương ở chân còn chưa lành hẳn, phải chống nạng lê từng bước nặng nề, Long đã phải hầu toà và trả giá cho bữa nhậu của mình là 30 tháng tù giam cùng  toàn bộ chi phí mai táng cho nạn nhân, và phải chịu trách nhiệm nuôi dưỡng hai con của nạn nhân đến năm 18 tuổi. Tổng tiền " tích cực phí " tại  toà, gia đình  Long phải trả cho phía nạn nhân là 82 triệu đồng, chưa kể tiền "tiêu cực phí" phải trả ở cửa sau cho toàn bộ hội đồng xét xử, từ thẩm phán, công tố viên, bồi thẩm đoàn, thư ký toà cũng như phía công an (đồng đội của nạn nhân) và viện kiểm sát, với số tiền lên tới cả trăm triệu đồng. Chưa kể tiền "ngu phí" tại bệnh viện cho việc cấp cứu và chăm sóc vết thương do tông xe. Cho dù có sớm được ra tù thì Long cũng đã tiêu tán cơ đồ, sự nghiệp và cả cuộc đời còn lại  phải chìm trong nợ nần, vất vả, ân hận, tiếc nuối…
 
 
                                             
                        Bị cáo Võ Phi Long trong phiên toà xử án
 
Xưa nay người ta chỉ nói "bố vợ phải đấm", chỉ nỗi tủi hổ bực bội của bố vợ với chàng rể trong nhà chứ chưa hề có hiện tượng bố vợ phải… đánh và bị giết bao giờ. Ấy thế đã không ít những chàng rể coi việc đánh đập, chửi bới bố vợ sau lúc rượu say là niềm vui, nỗi mê say bất tận của mình, không cần biết đến hậu quả đau xót sau đó.
Ông Trần Minh Hoàng 52 tuổi (ấp Hòn Chông, xã Bình An, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) vốn là người có công với cách mạng, bị chết giữa trưa 2-9 trong lúc cả nước đang "từng bừng trọng thể" chào đón ngày vui trọng đại của dân tộc, chỉ vì một lý do hết sức vô lý, bất nhã… Số là buổi  trưa hôm đó sau bữa cơm sang, do có tiền "quốc khánh" ông ngà ngà say, định đi ngủ thì nghe tiếng hai vợ chồng con gái và con rể cãi nhau. Nóng máu, ông lật đật chạy sang, định dùng lời hay lẽ phải ngăn con rể, khuyên con gái, hãy biết bảo ban nhau tu chí làm ăn chứ đừng có hơi một tí lại cãi nhau như thế này, nhất trong một ngày trọng đại, cả nước đang vui vẻ  "ăn mừng" như thế… không ngờ rượu vào lời ra, những lời khuyên can của ông như lửa đổ thêm dầu khiến con rể ông – vốn đã coi bố vợ như một lão gàn, nay lại còn định "chơi trèo", làm càn, dám xâm phạm vào việc riêng của vợ chồng hắn, lên giọng nạt nộ, mắng chửi hắn trước mặt vợ… tên Tề liền nhảy dựng lên đấm đá, song phi rồi nhân cơ hội ông còn đang luống cuống chống đỡ, né tránh, đã không ngần ngại cắn đứt 1/3 vành tai trái của ông khiến ông Hoàng chết không kịp ngáp vì bệnh nhồi máu cơ tim, khi chưa bước sang tuổi 53. Còn tên con rể say rượu thì cứ leo lẻo rằng tại ông tự… rước lấy hoạ vào thân, chứ hắn đâu có muốn bố chết (!)
Cay đắng hơn cả là chuyện của ông Y, bố vợ tên Bùi văn Thanh (xã Yên Bình, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Do uống rượu say Thanh về kiếm cớ gây sự với vợ, nhăm nhăm đánh chửi vợ như bao lần say rượu trước đó. Thương con đầu xanh tuổi trẻ, không may lấy phải thằng chồng không ra gì,  thường lên tiếng bênh vực con. Nào ngờ ngày 11/9 năm ấy lại là ngày cuối cùng của đời ông, khi con rể quá chén về kiếm vợ để hạ hỏa, ông – một mặt bảo con con gái trốn đi, mặt khác ra nghênh tiếp chàng rể bằng những lời lẽ hết sức ôn hòa, nhã nhặn. Biết chàng rể say quá, hóa lú lẫn, ông vẫn chiều theo mọi ý muốn quái gở của nó mong cơn say qua đi nó sẽ hối lại và xin lỗi mình… Khi ông y lệnh nằm sấp trên phản để con rể giảng giải cách dạy bảo con gái, bị y dùng gậy đánh thật. Quá ngỡ ngàng trước lối hành xử có một không hai của thằng rể khốn kiếp, ông bật dậy la lối, liền bị Thanh  thẳng tay phạng vào chỗ hiểm và chết ngay lập tức trên giường, không  kịp nói một lời trăn trối .
Trưa 7-2 -2009, từ nơi trồng rừng về nhà, ông Đinh văn Điền (sinh 1955, xã Phú Phong huyện Nho Quan, Ninh Bình) nghe ông Quyết gọi, liền vào nhà cùng uống rượu. Cuộc tỉ thí kéo dài từ trưa đến chiều, cho đến khi hai chai cuốc lủi cạn tận đáy và thức nhắm trên bàn cũng sạch trơn thì ông Điền mới lè nhè tạm biệt ra về. Biết ông say, bà Ánh vội vàng dìu ông vào nhà đắp chăn đánh cảm… Nằm chưa ấm chỗ, mà chất cồn trong cơ thể ông vẫn không sao hạ hoả được, ông tung chăn vùng dậy, lè nhè chửi bới. Quá quen với cảnh này, cả nhà không ai dám đối đáp với ông một lời… Cho rằng người nói không có người nghe thì bằng đổ rượu vào hang chuột, ông vác súng kíp vẫn dùng để đi rừng cảnh báo bọn lâm tặc, lao ra khỏi nhà… đầu óc u minh lẫn lộn, lại ngựa quen đường cũ, ông dừng lại trước cửa con gái hét lớn: "Con Biên đâu ra đây tao bảo. Ra ngay". Biết cha đã say, chị Biên bực mà không dám lên tiếng cũng không dám ra mở cổng, mặc ông đứng ngoài xỉa xói, bới móc. Sợ cảnh bố vợ… say rượu phải gió, chửi mắng lung tung, ảnh hưởng tới quan hệ giữa gia đình mình và hàng xóm, láng giềng, anh Trương Quý Trọng chồng chị, lặng lẽ ra định nhỏ to thưa thớt, ân tình khuyên nhủ, nào ngờ, vừa kịp lên tiếng: – Sao bố lại chửi nhà con như thế, nào cô ấy có tội tình gì đâu?… Bí quá không trả lời được, ông Biền quyết định đối thoại với con rể bằng súng đạn. Thế là án mạng xảy ra. Anh Trọng gục xuống ngất ngay tại chỗ, máu chảy lênh láng. Chị Biên thấy vậy sợ quá vội vàng kêu cứu… Mọi người xúm vào đưa anh Trọng đi bệnh viện cấp cứu nhưng không  kịp, viên đạn súng kíp đã vĩnh viễn cướp mất cuộc đời trai trẻ của anh khi chưa đầy 30 tuổi. Tràn đầy hy vọng và ngan ngát ước mơ lập nghiệp đổi đời, chí thú bên vợ con… Khi đó, ông Điền mới choàng tỉnh khỏi cơn say, lầm lũi ra trụ sở công an tự thú… Bây giờ ngồi trong trại, mỗi khi nhớ lại cái chết  của chàng rể mà bình thường ông vốn vô cùng tin tưởng yêu quý, ông lại đấm ngực gào lên: Tôi không phải là con người, người đáng chết là tôi chứ không phải là nó, trời ơi, sao lại ra nông nỗi này, sao nó không cướp súng bắn vào ngực tôi lại để tôi bắn nó?…
 Trăm nghìn kiểu say, cách say, nhưng say mãi thì đều dẫn đến kết cục nhỡn tiền này, nhẹ thì cãi cọ chửi bới đánh nhau, nặng thì đổ máu… thông thường máu đổ một giây di hoạ đủ một đời. Từ xưa đến nay máu đổ do rượu say không phải là ít. Cứ một người nằm xuống là cả đại gia đình trắng xoá khăn tang, còn hơn cảnh chiến tranh tao loạn, một tiếng nổ giữa thời bình, một mạng người chỉ vì lý do không đâu bỗng bị xoá sổ trên mặt đất. Bao con người ruột thịt từ vợ con, cha mẹ… mất đi một chỗ dựa cần thiết, tin yêu. Thật là đau xót.
Không biết đến bao giờ, những thảm cảnh đau lòng này chấm dứt? Nếu được phép làm một phép thống kê so sánh hẳn số người chết vì rượu, do rượu mà chết không thể đếm được trên đầu ngón  tay và hẳn là không ít hơn các tai nạn khác như giao thông sập hầm, ngộ độc thức ăn ngộ độc thực phẩm, nghiện hút ma tuý, nhiễm  HIV..v.v.. Tiếc rằng biện pháp đề ra thì nhiều mà thực hiện được  quá ít, lại chỉ ở mức răn đe chứ không ngăn cấm triệt để, đồng bộ được như với các con nghiện ma tuý hoặc các tệ nạn nguy hiểm khác.
Chừng nào xã hội không loại bỏ được rượu, chừng ấy các "cẩu tửu" còn nuôi mộng ước: Ta đem trái đất ngâm thành rượu
Ta lấy càn khôn nướng thành mồi
Ước sao gặp được người "tri kỷ"
Đem "rượu", đem "mồi" lúy túy say.
Thì chừng đó tệ nạn rượu còn đất sống trên mặt đất, gây bao điều phiền toái nhức nhối, chí ít cũng như lời nhại của bài hát: Bao lần rót bia ra, bao lần nốc cạn sạch sẽ, các con say mềm, mình mẹ dọn mâm… Đất nước tôi… Đất nước tôi… Đất nước tôi… có thế thôi… ôi ôi…
Đất ngỗ Long Thành ngày Quốc tế phụ nữ 8-3-2009
 TBM
error: Content is protected !!