Phê Bình

Nhận định về CD album Đoạn Trường Tân Thanh của nhà thơ Tâm Thơ và nhóm nghiên cứu (HDH)

NHẬN ĐỊNH VỀ CD ALBUM ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH  CỦA NHÀ THƠ TÂM THƠ VÀ NHÓM NGHIÊN CỨU
 
HÀ ĐÌNH HUY
 
 
Nhà thơ Tâm Thơ – Cúc Nguyễn, thủ quỹ của Cơ sở Thi Văn Đàn Lạc Việt có đưa cho tôi một CD Album về Truyện Kiều, nhã ý nhờ tôi có một vài nhận xét về CD Album này của nhà thơ. Thành thật mà nói, tôi không dám nhận lời này của nhà thơ Tâm Thơ, bởi nhiều lý do tế nhị, chính yếu là khả năng nhận định, nghĩa là phải nhận định thế nào cho trung thực và nhất là tác phẩm truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đã có quá nhiều văn thi sĩ cũng như các nhà làm văn học nghiên cứu và viết cảm tác nhiều rồi. Tuy nhiên, vì cùng là bạn thơ và đồng quan điểm với các đàn anh trong Cơ Sở Văn Thi Đàn Lạc Việt làø: giúp đỡ cho những cây bút trẻ phát triển mạnh mẽ trong lãnh vực sáng tác, đồng thời nghĩ rằng, dù trước đây có nhiều nhà nghiên cứu viết nhiều cảm tác đối với Truyện Kiều , nhưng chắc mỗi người đều có nét độc đáo riêng nên tôi mạo muội nhận lời.
Theo một số tài liệu khả tín thì có hơn 100 người làm công việc này, nhưng mỗi người đều có một đặc thù riêng trên phương diện nghiên cứu và viết cảm tác. Có người chỉ đề cập đến lãnh vực đạo đức trong Truyện Kiều, người khác thì về tính dục hoặc về triết lý …
Đối với nhà thơ Tâm Thơ lại có cái nhìn khác, nhà thơ đã bỏ nhiều thời gian để cùng nhóm nghiên cứu đến nhiều lãnh vực của Truyện Kiều như  nguồn gốc , tiểu sử, giá trị văn chương…
Mở đầu CD Album nhà thơ và nhóm đã chọn bài thơ Đường của tiến sĩ  Phạm Húy  Thích, người bạn cùng thời của đại thi hào Nguyễn Du để khai lưu cảm tác của mình với Truyện Kiều.
 
Giai nhân bất thị đáo tiền đường
Bán thế yên hoa trái vị thường
Ngọc diện khởi ưng mai thụy quốc
Băng tâm tự khả đối kim lang
 
Đọan trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chu oán hận trường
Nhất phiến tài tình phiên cổ lụy
Tân thanh đáo để vị thùy thương
 
Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan
Phong ba chưa chắn nợ hồng nhan
Lòng tơ còn vướng chàng Kim Trọng
Gót ngọc khôn đành giấc thụy khoan
 
Nửa gối đọan trường tan giấc điệp
Một giây bạc mệnh giấc cầm loan
Cho hay những kẻ tài tình lắm
Trời bắt làm gương để thế gian
 
Nhóm nghiên cứu và nhà thơ Tâm Thơ, chọn bài đường luật của tiến sĩ Phạm Húy Thích âu cũng có dụng y,ù vì nhóm  đã biết rõ ông là bạn thân của thi hào Nguyễn Du, nên có nhiều gần gũi với Nguyễn Du. Lại nữa ông là một danh sĩ  giữ nhiều chức vụ quan trọng của ngành  văn hóa trong triều đình thời bấy giờ. Cho nên nhóm và nhà thơ Tâm Thơ đã không ngần ngại chọn thơ của ông để mở đầu CD Album của mình.
Đi theo  Phạm Húy Thích để gần gũi với thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Tâm Thơ cùng nhóm đã tìm hiểu thật ngọn ngành về tiểu sử của thi hào Nguyễn Du, nguồn gốc tác phẩm và giá trị văn chương.
 
Về mặt tiểu sử:
 
Theo nhóm và nhà thơ Tâm Thơ: Nguyễn Du có tên úy là Du, tự là Tố Như , hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn Hiệp Lộ, hay Nam Hải Điếu Đồ. Sinh năm Ất Dậu niên hiệu Cảnh Hưng thứ 26 năm 1765. Mất vào ngày mồng 10 tháng 8 năm đầu niên hiệu Minh Mạng  năm 1820. Là con thứ 7 của ông Xưng Quận Công Nguyễn Nghiễm. Người Làng Tiên Điền Huyện Nghi Xuân Trấn Nghệ An. Nguyễn Du thiên bẩm hậu về tình, hùng về khí , cao về tài , uyên bác học vấn. Cảnh ngộ 11 tuổi mất cha 13 tuổi mồ côi mẹ. Thiếu thời sống nhờ anh ruột là Nguyễn Khản , làm con nuôi của một võ quan họ Hà . Lập gia đình rồi lại có thời phải tá túc nhà anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn. Gặp lúc tình hình đất nước biến động Trịnh Mạc rồi đến Lê Triều suy , Tây Sơn dẹp giặc Thanh họ Nguyễn Tiên Điền cũng sa sút. Nguyễn Du trải qua 10 năm gió bụi cho đến năm 1802 mới ra làm quan triều đình nhà Nguyễn được thăng chức rất nhanh, từ tri huyện lên tham tri vào năm 1815, làm chánh sứ đi Tàu đời nhà Thanh vào năm 1813. Nhờ từng trải nhiều cảnh ngộ , với tư chất chúng nên văn chương Nguyễn Du dung hóa , thấu lý nhập thần. Nguyễn Du sáng tác nhiều tác phẩm  viết bằng Hán Văn như Thanh Hiên Thi Tập, Nam Trung Tạp Ngâm,Bắc Hành tạp Lục. Lời thơ vô cùng điêu luyện, bút pháp hoàn mỹ . Tác phẩm được xem như tiêu biểu nhất cho Nguyễn Du là Đoạn Trường Tân Thanh và Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh đều được viết bằng quốc âm, tức là chữ nôm xưa kia. Cả hai tác phẩm này có trình độ nghệ thuật bậc thầy đầy ắp tình nhân đạo, phản ánh sinh họat xã hội bất công, cảnh đời dâu bể . Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh là một tác văn ngắn viết theo thể văn tế. Trong khi Đoạn Trường Tân Thanh là một trường thiên viết bằng văn vần, thể thơ lục bát có một giá trị văn chương tuyệt tác trước sau chưa từng có trong văn học Việt Nam.
 
Về nguồn gốc:
 
Nhóm nghiên cứu và nhà thơ Tâm Thơ, cũng xác quyết rằng từ giữa thế kỷ 18 qua đến thế kỷ 20  Truyện Kiều được in ấn, chú giải được phổ biến từ Bắc chí Nam Việt Nam dưới dạng chữ Nôm và phiên ấm quốc ngữ , nhưng vì bản gốc thất truyền nên có hơn 20 dị bản chữ Nôm lẫn quốc ngữ được lưu hành ở Việt Nam cũng như cất giữ trong các thư viện quốc gia nước ngoài. Kể từ bản khắc nôm cổ của Liễu Văn Đường in vào năm Bính Dần Tự Đức thứ 19 năm 1866, vừa phát hiện và đang lưu giữ tại nhà lưu niệm Nguyễn Du ở Tiên Điền cũng có nhiều chỗ khác biệt so với bản in  của chính Liễn Văn Đường in năm 1871, đang lưu giữ tại liên trường sinh ngữ Paris.
 
Nhóm nghiên cứu và nhà thơ Tâm Thơ cũng cho rằng  các nhà xuất bản hay các nho gia và các học giả tên tuổi cuối thế kỷ thứ 19 và đầu 20  đều có thủ đắc riêng những ấn bản nhưng đều dị biệt. Di biệt ngay trang đầu của ấn bản . Thí dụ ngay trang bìa của ấn bản do nhà in Quan văn Đường phát hành vào năm Thành Thái thứ 9 thì có tựa là : Kim Vân Kiều Thi Tập Thời Hiền Thi Cự. Trong khi bản in chữ nôm của Kiều Óanh Mậu năm 1902 thì có võn vẹn 4 chữ Đoạn Trường Tân Thanh , còn bên trong có hàng trăm câu chữ không đồng nhất mà ý kiến của mỗi nhà chú giải cũng có nhiều chỗ dị đồng đôi khi trái ngược hẵn nhau. Xin  dẫn bằng 2 câu 7 và 8 của Truyện Kiều . Đó là hai câu mà hầu hết  ai thuộc ít nhiều câu Kiều cũng đều biết  chẳng cần gì đến 
các bậc học giả:
 
“ Cảo thơm lần dỡ trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh”
 
Đã có những dị bản câu thứ 8 như: “ Phong tình cổ lụy còn truyền sử xanh” hoặc “Phong tình cổ tích còn truyền sử xanh” hoặc “ Phong tình có lúc còn truyền sử xanh”. Và những ý kiến khác nhau của những nhà chú giải đã gây ra nhiều cuộc tranh luận gay gắt trên báo chí sách vở từ trước đến giờ. Vần đề dị bản truyện Kiều là một lãnh vực chuyên môn . Vì thế nhà thơ Tâm Thơ đánh tiếng , đó không phải là đường hướng nghiên cứu của nhà thơ, và vì nhà thơ thực hiện CD Album theo hình thức thanh nhạc dân tộc , nghĩa là có ngâm thơ, nên nhà thơ đã chon một ấn bản truyện Kiều có tính thuần lý và  dung hòa , phổ thông nhất ở Việt Nam là ấn bản của học giả Đào Duy Anh để làm văn bản cơ sở nghiên cứu. Và nhà thơ cũng mong sự đồng cảm của các bậc thức giả trong chọn lựa tế nhị nay của nhà thơ.
 
Sự lên tiếng kính cẩn của nhà thơ Tâm Thơ đối với vấn đề chọn lựa ấn bản để thực hiện sự nghiên cứu, đó là thái độ lịch thiệp của một con người cầm bút chân chính phải có . Theo thăm dò một số ý kiến của các bậc trí giả, họ đều đồng ý rằng ấn bản của Đào Duy Anh vẫn rõ ràng hơn về mặt nội dung cũng như hình thức.
 
Tuy nhiên để bổ sung vào việc truy tìm nguồn gốc của tác phẩm Đọan Trường Tân Tân gần đây nhất người ta tìm thấy bản Kiều cổ nhất ấn bản năm 1852.
Theo người viết tin tín cẩn về sự việc này là Vũ Toàn thì gần 100 pho sách cổ về gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) vừa được phát hiện trong gia đình một công chức ở TP Vinh (Nghệ An).
Điều thú vị nhất trong 100 pho sách này là lần đầu tiên độc giả của Truyện Kiều và giới Kiều học được nhìn thấy dòng chữ viết tay của học giả Lê Thước về giờ, ngày, năm sinh, nơi sinh của đại thi hào Nguyễn Du và một bản Kiều cổ nhất.
 
Không khỏi ngạc nhiên về giá trị văn học, lịch sử, địa lý… đang tiềm ẩn trong gần 100 pho sách rất cổ. Đặc biệt, nhiều cuốn sách chữ Hán Nôm được những tên tuổi dòng họ nổi tiếng này viết tay. Đặc biệt hơn, cuối một số cuốn còn nguyên lưu bút những suy ngẫm về thời thế, văn chương của họ.
 
Bộ sưu tập sách cổ
 
Khởi thảo cuốn bản thảo gia phả dòng họ Nguyễn Tiên Điền do cụ Nguyễn Nghiễm viết. Sau đó cụ nghè tiến sĩ Nguyễn Mai tục biên (chép lại) thành bản gốc. Đây là cuốn gia phả gốc, rất chi tiết về dòng họ Nguyễn Tiên Điền lần đầu tiên được phát hiện.
Tiếp theo là cuốn gia phả lược trích tên, chức vụ phần đại tôn của dòng họ, tóm tắt những nét cơ bản và những biến đổi trong xã hội gây tác động lớn lao tới dòng họ từ đời thứ nhất đến đời thứ mười.
Cuốn này do con trai và con rể cụ Nguyễn Trọng (cháu cụ Nguyễn Mai) là Nguyễn Hiệu và Lê Văn Diễn viết vào đời Minh Mạng thứ 9 năm 1828. Cũng tại cuốn gia phả gốc, học giả Lê Thước (1891-1976) đã viết thêm vào phần cuối về cuộc đời, sự nghiệp của Nguyễn Du. Có thể đọc thấy những dòng chữ: “Cụ Nguyễn Du sinh giờ Dần ngày 23-11 năm Ất Dậu (năm 1765 âm lịch – NV), hiệu Cảnh Hưng thứ 26, triều vua Hiến Tôn, nhà Lê (tức ngày 3-1-1766 dương lịch). Nơi sinh, ở biệt thự Trung cần công Nguyễn Nghiễm, tại phường Bích Câu, thành Thăng Long”.
 
Kế bên là Truyện Kiều chép tay (do mất bìa và một số trang nên chưa rõ năm ra đời) và cuốn Kim Vân Kiều lục, gồm 64 hồi (biến thể Truyện Kiều dùng cho hát trò Kiều) được chép tay năm 1852. Đây là bản Kiều được xem là cổ nhất hiện nay sau bản Kim Vân Kiều tân truyện của nhà tàng bản (khắc in) Liễu Văn Đường, in năm Tự Đức thứ 19 (1866) được phát hiện năm 2004 trong một gia đình giáo viên ở xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương (Nghệ An). Phần sau cuốn Kim Vân Kiều lục là toàn bộ Hịch Văn Thân Nghệ Tĩnh cũng được viết tay bằng những nét chữ khá đẹp.
 
Bản Kiều chưa rõ năm ra đời
Ngoài ra, còn có rất nhiều cuốn sách quí khác, ví như cuốn Hát trò Kiều (ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân); Ngọc Hoa cổ tích truyện của vua Khải Định; tập thơ Nam Sơn Thám hoa của Nguyễn Đức Đạt viết tặng; một số bài thơ, câu đối đặc sắc của Nguyễn Hành; Huấn tự quốc ngữ ca (sách dạy con); bộ sách thuốc, châm cứu – 50 cuốn; bộ sách địa lý, thiên văn – 10 cuốn và cuốn Địa lý gia truyền bí quyết (gồm bản thảo, bản gốc) do cụ Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du) viết tay.
 
Cuối cuốn sách này, cụ Nguyễn Quỳnh viết: “Nếu đọc được sách hay và viết được sách hay có ý nghĩa như thế này thì cuộc đời tôi sẽ không làm gì hơn là chỉ đọc sách và viết sách. Vì những việc làm từ câu chữ trong sách sẽ giúp ích lớn cho đời”.
 
Ông Nguyễn Hải Nam, giám đốc Trung tâm Văn hóa – thông tin – thể thao huyện Nghi Xuân, người phát hiện, sưu tầm 100 pho sách cổ này, cho biết: “Chủ nhân số sách quí là một cán bộ công chức ở TP Vinh, thuộc dòng họ Nguyễn Tiên Điền. Khi tôi đến tìm, ông cho biết sách được cất giữ trong các thùng cactông, gác cẩn thận trên xà nhà. Ông bảo: “Trước khi mất, cha tôi dặn tất cả sách này đều rất quí nhưng quí nhất là hai cuốn Truyện Kiều, cuốn gia phả và bộ sách thuốc nên được cất riêng trong một tráp gỗ sơn son”. Nhưng từ đó cho đến khi mang được toàn bộ số sách về trung tâm văn hóa huyện phải mất hai ngày thuyết phục, vì ông tưởng tôi đi buôn sách cổ thì hỏng hết. Rất may, tôi cũng là con cháu họ Nguyễn Tiên Điền, lại làm ở Trung tâm Văn hóa Nghi Xuân nên ông tin và cả quyết giao cho”.
 
Về giá trị văn chương:
 
Về phương diện giá trị văn chương, nhà thơ Tâm Thơ và nhóm nghiên cứu cũng đồng quan điểm với các nhà nghiên cứu trước đây tác phẩm Đọan Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du là một kiệt tác, một khúc nam âm tuyệt xướng. Lời lẽ xinh xắn mà văn hoa, âm điệu ngân vang mà tròn trịa. Nói tình thì vẽ được hình trạng, hợp ly, cam khổ, mà tình không rời cảnh; tả cảnh thì bày hết thú vị tuyết nguyệt phong hoa, mà cảnh thì tự vướng tình, khiến người cười, khiến người khóc, khiến người giở đi giở lại ngàn lần, càng đọc thuộc, lại càng không biết chán từ hàng vua quan, khoa bảng đến người dân đều nhiệt liệt ca ngợi. Cho nên hàng bao thế kỷ đi qua, đến nay chưa có tác phẩm nào thay thế được trong nền văn học Việt Nam, và vì  tính văn chương cao như thế nên truyện Kiều được diễn dịch ra nhiều ngôn ngữ để truyền bá nền văn học của nước nhà.
 
Kết luận
 
Tóm lại nhà thơ Tâm Thơ và nhóm đã bỏ công thực hiện CD Album theo hình thức Thanh Nhạc Dân Tộc, có thể nói đây là một hình thức khá mới mẻ đối với việc thực hiện cảm tác đối với truyện Kiều từ trước đến nay. Việc làm này có tính thời đại về kỹ thuật và văn minh . Lại nữa CD Album được có sự cộng tác của nhiều nghệ sĩ tên tuổi trong và ngoài nước như Tô Kiều Ngân , Đoàn Yên Linh, Hồng vân, Thanh Trung, Tuấn Phong, Thúy Vinh, Kim Lệ, Đài Trang, Bích Ngọc, Ngô Đình Long, Thanh Quang, Văn Xuân Thy, Bảo Cường, Vân Khanh, Hương Sen, Kim Luyên,THùy Dương, và Thy Thảo. Cùng với dàn nhạc : Thạch Cầm, Thúy Hạn, Thanh Bình, Vũ Thành , Xuân Huyền, Kim Long, Tô Kiều Ngân, Mạnh Hùng.
Một trong những nhà làm văn học lão thành hiện đang ở hải ngoại, khi nghe qua CD Album Đoạn Trường Tân Thanh của nhà thơ Tâm Thơ và nhóm nghiên cứu ông buộc miệng nói: “ Đây là một tác phẩm có tính nghiên cứu thời đại với kỹ thuật cao và mới mẽ nhất trong các loại thực hiện nghiên cứu , của các bậc trí giả từ trước đến nay” . Một nhà thơ khác lại phát biểu: “ Đây là một công trình có tính thực tiễn văn học mà nhà thơ Tâm Thơ và nhóm nghiên cứu thực hiện, với tâm huyết tạo cho những người yêu văn thơ Việt Nam có một tác phẩm qua hình thức nghe hơn là đọc. Với CD Album này, hy vọng là một phương tiện tạo cho người nghe về Truyện Kiều dễ dàng hơn và thích thú hơn . Cũng mong qua hình thức này của nhà thơ Tâm Thơ và nhóm nghiên cứu  người Việt sẽ hiểu rõ một cách đích xác về truyện Kiều, và càng ngày càng yêu mến Truyện Kiều hơn”. Yêu Truyện Kiều tức là yêu quê hương đất nước. Bởi học giả Phạm Quỳnh có nói: “ Truyện Kiều còn là tiếng ta còn” . Vậy người viết bài này cũng xin mạo muội viết : Tiếng ta còn, là đất nước còn” và cũng là câu cuối cùng để kết thúc bài nhận định này đối với CD Album của nhà thơ Tâm Thơ và nhómthực hiện CD Album Truyện Kiều.
 
HÀ ĐÌNH HUY