Tin Văn Thơ Lạc Việt

Lê Văn Hải : Thông Báo ra mắt tác phẩm Hương Hồng Quế.

Hương Hồng Quế
Và Những Cảnh Ngộ Nghiệt Ngã Của Kiếp Người

 

Theo “thổ lộ” của tác giả, truyện Hương Hồng Quế được viết trong một thoáng tình cờ chụp bắt từ một mẩu chuyện bên lề, không chủ ý.

Một lần từ Sài Gòn ra Bắc, tác giả nghe người bạn thuật lại lời nói của một bà già bị bệnh hủi: "Trước khi chết tôi chỉ mong được ngửi mùi hương hồng quế một lần". Ước mơ giản dị đó của một người sắp rời cõi thế xoáy vào suy nghĩ của tác giả: Phải có “cái gì đó” gợi cho người đàn bà bất hạnh kia nhớ tới mùi hương hồng quế và kỷ niệm nào đó trong đời…

Câu nói đơn giản ấy đã làm tác giả rợn người, khiến tác giả nghĩ tới thân phận người trí thức còn sống trong nước. Người trí thức cũng què cụt, cũng đui mù rồi, nhưng ở tận đáy lòng vẫn nuôi dưỡng một niềm mơ ước dù rằng rất nhỏ, gắn với một kỷ niệm chẳng biết đáng gọi là vui, hay buồn, nhưng rất đẹp. Chính vì thế tác giả đã lấy ba chữ Hương Hồng Quế làm tên tập truyện.

Có lẽ ẩn ý này của tác giả khó được người đọc nhận ra, vì đây chỉ là một cảm nghiệm hoàn toàn riêng tư.

 

Nhìn lại suốt dọc dài lịch sử thăng trầm của đất nước, giới sĩ phu luôn luôn giữ vai trò hướng đạo trong mỗi thời kỳ sơn hà biến động, cũng như lúc xã tắc an bình. Giới sĩ phu thời xưa và thành phần trí thức thời nay dù cách xa nhau hàng thế kỷ nhưng thiên chức và vai trò của họ trước vận mệnh dân tộc không có gì thay đổi.

Dưới các triều đại quân chủ, cùng với nhà vua, giai cấp sĩ phu đã từng chủ động và chứng tỏ vai trò ưu thế của mình trong việc an định nước nhà, mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân. Nhiều bậc sĩ phu là những nhà nho, ngay từ thời nhà Trần đã xây đắp một nền văn học Việt Nam sáng chói với những văn tài như Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Hồ Quý Ly, Nguyễn Thuyên, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Phi Khanh, Phạm Ngũ Lão…

Dòng văn học đó tiếp nối theo giòng lịch sử với những danh nhân tên tuổi như Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Đoàn Thị Điểm, Hồ xuân Hương…

Và từ thời cận đại đến cuối thế kỷ 20, một thế hệ cầm bút mới tiếp nối sự nghiệp tiền nhân như  Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Nguyễn Mạnh Côn, Hồ Hữu Tường, Phùng Quán, Trần Dần, Phùng Cung v.v.

Dấu mốc lịch sử, Hiệp định Geneve 1954 kết thúc chiến tranh Việt – Pháp, đất nước chia đôi, Văn học Việt Nam rẽ thành hai giòng chảy: vàng đỏ, trong đục khác biệt…

Văn học miền Bắc, như lời thú nhận của những người làm văn học “ăn cơm chúa múa tối ngày” đã viết trên giấy trắng mục đen rằng một trong những “Đặc điểm cơ bản của nền văn học mới” là “một nền văn học thống nhất, có tổ chức, đặt dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng” (1).

Ở một chỗ khác, tương đối kín đáo hơn, những người làm văn học XHCN ở miền Bắc lại viết:

“Mấy chục năm qua, dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và được sự lãnh đạo của Đảng, giới nghiên cứu văn học đã tiếp thu một cách chọn lọc những kinh nghiệm và truyền thống của việc nghiên cứu văn học thời trước để tìm hiểu sự phát triển của văn học Việt Nam…” (2)

Trong khi đó, người cầm bút, giới văn nghệ sĩ, nói chung trong 20 năm Văn học miền Nam hoàn toàn được tự do sáng tác, phát hành, phổ biến.

Khỏi cần lý luận dông dài, mọi người đều thấy rõ bản chất của văn học miền Bắc” là một nền Văn học được “soi sáng” bởi chủ nghĩa Mác-Lênin, dưới sự chỉ đạo, kiểm soát và khống chế của đảng CSVN.

Lịch sử nói chung và văn học, nói riêng đã bị nhào nặn, vo tròn bóp méo, cố tình nhận định sai lạc nhằm phục vụ chế độ, theo kiểu “mặt trời chân lý” của Tố Hữu. 

Giới trí thức miền Bắc dưới chế độ Cộng sản trong hàng chục năm qua đã phải thúc thủ trước “bạo lực cách mạng”. Vì cơm áo và sự sống, một số đông đã bị “què cụt, đui mù”, giấu kín trong lòng những ước mơ và kỷ niệm…  – Ước mơ một lần được ngửi mùi hương tự do dân chủ – Một số vẫn kiên cường vung bút đòi hỏi tự do sáng tác, ghi lên sách báo sự thật lịch sử, những hiện tượng và hành vi bất lương của thời đại họ đang sống, chấp nhận mọi hậu quả trả thù ác nghiệt. Đó trường hợp của Nhân Văn Giai Phẩm và các nhà văn, nhà báo, giới trí thức, luật gia hiện nay ở trong nước.

 

**

Tôi nhận bản thảo “Hương Hồng Quế”, đọc từ truyện đầu sách cùng tựa đề, đến truyện thứ 28 cuối sách, mỗi truyện một nội dung, một cảnh ngộ, kết cấu khác nhau nhưng luồng văn có sức thu hút, lôi cuốn người đọc không thể dừng lại sau mỗi truyện, mà phải giở sang trang sau, đọc tiếp truyện khác.

Tập truyện chia làm hai phần.

Phần I gồm 22 truyện ngắn.

Phần II có 6 truyện, là một loại phóng tác, làm mới lại và đưa ra một cái nhìn mới về những huyền thọai dân gian, lịch sử, giả tưởng từ Trương Chi-Mỵ nương, Lưu Thần-Nguyễn Triệu, Hậu Nghệ, đến Từ Hải, Trọng Thủy-Mỵ châu…

Hầu hết các cốt truyện trong phần I là những cảnh ngộ nghiệt ngã của những kiếp người trong một xã hội đã băng hoại đạo lý. “Nạn kỳ thị vẫn độc hơn lưỡi dao giết người”. Hương Hồng Quế giống như cuộc tình mong manh, nhưng dường như nó không chỉ là một thoáng tình, mà còn là niềm khát vọng, sau chuỗi dài cay đắng.

Trong “Bản Hợp đồng”, không phải một Đan Thanh mà có thể hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn cô gái bất hạnh khác lênh đênh trong một mảng xã hội lọc lừa sa đọa. Tác giả nói với mình hay nói với mọi người: “Điều nghiệt ngã là trong một thế giới còn bất công, chúng ta có qúa ít sự lựa chọn, bởi thế ranh giới giữa tội phạm và nạn nhân, không phải lúc nào cũng rạch ròi…”

Sự đổi chác giữa hai phái tính nam nữ tưởng là “sòng phẳng, lạnh lùng” nhưng vẫn không thể đẩy nỗi xúc động, xót xa nhân bản ra khỏi trái tim của một con người. “Đan Thanh tồn tại và biến mất giữa một thế giới thừa thãi sự tiến bộ, nhưng thiếu hụt tình người. Cô sống như cỏ cây, như hạt bụi đọng”. (Bản Hợp đồng)

Cảnh bịp lừa, dối trá, chơi đểu lẫn nhau không chỉ ở những mảng xã-hội-đen mà còn khá phổ biến khắp nơi, ở các công sở, xí nghiệp, công ty. Tại một công ty sản xuất lớn, có hàng trăm cán bộ, công nhân, “nghe nói có mấy thằng trong cơ quan muốn chơi anh”. Thế là xếp bỏ tiền ra – chẳng phải tiền của xếp – cho anh kỹ sư thiết kế chiếc máy “tét” nói dối. Và máy phát hiện “xếp ngu như bò”. Anh kỹ sư nghĩ bụng: “ngu như bò hay ngu như lợn thì cũng na ná như nhau, mà có lẽ lợn còn tệ hơn bò một bậc, vừa ngu vừa bẩn…” (Máy Tét). 

Họat cảnh xã hội Việt Nam đương thời dưới ngòi bút của Vũ Lưu Xuân đã phơi bày nhiều tệ trạng, đủ mọi thứ nạn nhân bị xô đẩy, bị vùi dập giữa dòng sống thác loạn. Con người luôn luôn gặp phải trở lực, ngõ cụt, không lối thóat. Ở đó là những mảnh đời, những thân phận, những dằn vặt, vật lộn, giằng xé, những nỗ lực đến tuyệt vọng để được làm người.

“Thảm quá! Tôi bảo thật, chú vô tội, có tội là cái xã hội đã đẩy con người vào bước đường cùng”. (Trắng đen)

Bên cạnh sự thừa thãi phung phí của con cái những nhà giàu của, lắm tiền, quyền cao chức lớn, thì ước mơ nhỏ bé tầm thường của một học sinh con nhà nghèo khó, xin ông già Noel chỉ là quyển vở học trò và bộ quần áo đồng phục: “Con muốn xin ông nhiều thứ lắm. Trước hết con xin bộ đồng phục cho thằng Út, nó khai giảng lớp một hết mấy tháng rồi mà vẫn chưa có đồ mặc. Con cũng xin ông hai cuốn tập trăm trang giấy trắng…” (Quà Giáng Sinh).

Còn nữa, trong những truyện khác, nhiều cảnh ngộ bi đát kiếp sống con người dẫy đầy trên mặt nổi xã hội Việt Nam hiện nay. May thay, tàng ẩn giữa môi trường sống bon chen, giành giựt, trấn lột lẫn nhau, với ngòi bút hướng thượng, nhân bản, tác giả Vũ Lưu Xuân đã không quên nét đẹp tâm hồn của người con gái vùng vẫy vượt lên số phận, như cô bé trong truyện “Từ Trong Bóng Tối Bước Ra”. Hay những con người hy sinh quên mình, nhường cả hạnh phúc lớn lao cho tha nhân như Minh, người điều hành trung tâm người mù đã nhường ca mổ mắt lấy lại ánh sáng cho người khác … 

 

Đọc sang phần II tập truyện, độc giả sẽ không thể không dừng lại nghe Hậu Nghệ tái sinh trình bày:

“Hôm nay Nghệ được lệnh tiếp xúc cùng qúy vị, để chận đứng bàn tay đẫm máu của những kẻ vẫn tự nhận mình là duy nhất đúng… Nghệ đã ngẩng cao đầu, lần lượt bắn rụng chín mặt trời và bị đầy xuống đáy mười tám tầng địa ngục. Bọn đồ tử, đồ tôn của Nghệ đã nhân danh một thứ chân lý tuyệt đối, duy nhất đúng, để tiêu diệt những ai không cùng một quan điểm với mình, chúng đáng bị đầy xuống tầng mười bẩy, tầng này hiện đã quá chật…” (Hậu Nghệ).

Tác giả Vũ Lưu Xuân trong phần Tự bạch có bài thơ Vô Đề, hai câu mở đầu:

Hồn ta đâu là bãi sông đò vắng,

Mà nghe vọng hoài tiếng hát buồn tênh!

 

Bài thơ viết ở tuổi 40 của một con người sinh ra và lớn lên giữa bủa vây của âm thanh bom đạn và khói mù khét lẹt của chiến tranh, để rồi khi đất nước hòa bình, ngỡ ngàng thất vọng truớc một kết cuộc bi thảm phủ trùm khắp mọi đường ngang lối dọc.

Năm 1981, Vũ Lưu Xuân bỏ nghề dạy học, gom toàn bộ sách vở cân ký bán “ve chai”, tự nguyện làm “tên vô học”, nhưng Vũ Lưu Xuân đã không thể buông bút, bỏ chữ nghĩa, nên ông đã làm thơ, dù chỉ có một bài duy nhất – một bài thơ tưởng đã đủ nén vào đó tâm sự cả một đời người – và dần dà từng truyện ngắn lần lượt ra đời, làm món quà tinh thần quý giá cho các thế hệ hôm nay và cho văn học mai sau.

Cơ sở Thi Văn Cội Nguồn hân hạnh là trung gian chuyển tới bạn đọc tác phẩm văn học giá trị này. Và đây là một trong những mục tiêu mà chúng tôi theo đuổi như tôn chỉ đã được đặt ra từ ngày thành lập, muời lăm năm truớc.

 

SONG NHỊ 

20 tháng 7-2009