Tạp ghi

Không ai ngăn nổi lời ca

Sông Lô Lê Nam Sơn

Chúng tôi 4 người gồm: Thụy Uyển, Lữ Du, Đặng Lâm và tôi được “Hội văn hóa nghệ thuật” người Việt ở thành phố Chemnitz mời đến tham dự buổi sinh hoạt văn hóa giao lưu với chủ đề “Chiều Thơ Tình Thu” được tổ chức vào ngày 15.10.2017 tại thành phố này.

Chemnitz là một thành phố thuộc Đông Đức cũ đã từng bị đổi tên, như Sài Gòn của VN bị đổi tên thành Hồ Chí Minh, thành phố Chemnitz bị đổi tên thành Karl Marx kể từ 1953 khi chế độ CS đông Đức nắm chính quyền, mãi cho đến 1990 sau khi nước Đức thống nhất, nhà nước Cộng Hòa Liên Bang Đức mới lấy lại tên đích thực của nó. Đây là một thành phố có khoảng 250.000 cư dân và là thành phố lớn thứ ba của tiểu bang Sachsen thuộc Cộng hòa Liên bang Đức, sau thành phố Leipzig và thành phố Dresden. Có khoảng trên 1000 người Việt sinh sống tại đây.

Nhân đây tôi cũng xin nói thêm để những ai chưa sống ở nước Đức có thể biết về cuộc sống và sinh hoạt của người Việt tại Đức là như thế nào. Có 3 dạng người VN khác nhau sinh sống ở Đức: Dạng thứ nhất là những thuyền nhân, ra đi bằng con đường vượt biên sau năm 1975. Dạng người này cho đến nay có khoảng 40 ngàn người, hầu hết định cư ở Tây Đức cũ và Berlin , nhìn chung họ có đời sống ổn định và con cái của họ đa số học hành giỏi, tương đối thành đạt do được sinh ra và lớn lên ở Đức. Thế hệ thứ hai này được người Đức đánh giá là một điển hình tốt cho sự hội nhập với xã hội, văn hoá Đức hơn cả những cộng đồng ngoại quốc khác sống ở nước này.

Dạng thứ hai là những người từ phía Bắc và Trung Việt Nam đi lao động tại Đông Đức từ thời Đông Đức còn là một nước xã hội chủ nghĩa. Cho đến nay những người thuộc dạng thứ hai này cũng đã có giấy tờ và có cuộc sống ổn định, nhìn chung, hầu hết họ là những người buôn bán nhỏ, sống loanh quanh trong cộng đồng với nhau, cần cù, chăm chỉ kiếm tiền và cũng như dạng người thứ nhất, họ dồn tất cả tiền bạc vào việc đầu tư cho tương lai của con cái.

Dạng thứ ba là những người qua Đức từ sau năm 1990, họ ra đi bằng đủ mọi con đường khác nhau nhưng đa số cho đến nay vẫn chưa có giấy tờ hợp pháp. Số người này cũng đã lên đến khoảng 40 ngàn người. Vì không có giấy tờ, không được phép đi làm chính thức nên cuộc sống nhiểu bất ổn, có một số bị trục xuất về nước.

Số người Việt sinh sống bên phía đông hầu hết còn bị lệ thuộc và chi phối bởi Sứ Quán CSVN tại Đức, họ đã thành lập những hội đoàn như hội Đồng Hương, hội Doanh nghiệp, hội Cựu chiến binh, hội phụ nữ v.v.. theo chỉ thị của Sứ Quán. Nói chung, họ là những người còn “tình nghĩa” với cái gọi là nhà nước CHXHCNVN, nên chi khi khách du lịch VN, nhất là khách du lịch VN đến từ Hoa Kỳ cũng đừng ngạc nhiên khi vào một nhà hàng VN của họ mà thấy có treo cờ đỏ sao vàng và hình ông Hồ một cách trân trọng cũng như cho thực khách nghe những nhạc đỏ.

Chúng tôi đến với “Hội văn hóa nghệ thuật” để tham dự buổi sinh hoạt văn hóa giao lưu chủ đề “Chiều Thơ Tình Thu” trong hoàn cảnh không mấy thuận cho lắm, nên chi trước khi đồng ý tham dự, chúng tôi có đề nghị ban tổ chức là không treo cờ, không có mặt sứ quán hay đại diện của sứ quán cũng như phô trương những hình ảnh tuyên truyền ca tụng chế độ tại hội trường và không ngờ những đề nghị của chúng tôi được BTC đồng ý.

Với chủ trương dùng văn hóa văn nghệ để giao lưu, không áp đặt, nhưng mang tính chính nghĩa và thuyết phục là một hình thức đấu tranh trong nhiều cách đấu tranh với những mong muốn sao cho đất nước VN thân yêu của chúng ta thoát khỏi chế độ độc tài CS, sớm có được tự do dân chủ và quyền con người được tôn trọng mà trước sau chúng tôi vẫn luôn tâm niệm như vậy. Thế là ngoài những sáng tác, những giọng ngâm cùng tiếng hát mà 4 anh em chúng tôi lần lượt trình bày cho mỗi tiết mục, đến một tiết mục kế tiếp của mình với giọng ca có sức lôi cuốn lạ thường, Thụy Uyển đã hát vang lên với niềm tin mãnh liệt vào sự thật vào chính nghĩa và cô đã chinh phục được hầu hết khán giả qua một nhạc phẩm đấu tranh mang tình tự quê hương dân tộc “Gánh Cả Quê Hương của nhạc sĩ Chiêu Khiêm, bài hát chấm dứt với tràn vỗ tay như không dứt và kể tứ lúc ấy Thụy Uyển đã trở nên nhân vật đầy thiện cảm và gần gũi với hầu hết mọi người. Cảm ơn Thụy Uyển rất nhiều, mong Thụy Uyển luôn chân cứng đá mềm trên bước đường đấu tranh phía trước.