Giới thiệu sách

K.Đ – Truyện dài : Những tháng năm cuồng nộ (kỳ cuối)

K.Đ – Những tháng năm cuồng nộ (kỳ cuối)

03/06/2010 | 1:00 sáng | 3 phản hồi

Tác giả: K.Đ

Chuyên mục: Sáng tác
Thẻ: > > >

 Xem kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3, kỳ 4, kỳ 5, kỳ 6, kỳ 7kỳ 8 và kỳ 9

 17.

Giữa những con phố đầy cờ nửa xanh nửa đỏ, mọi người mệt mỏi trở về sau khi đã cố sức chạy theo quân miền Nam mà không kịp. Hay đúng hơn là cũng không còn biết chạy đi đâu nữa. Lịch sử đang viết tiếp những dòng dữ dội. Hết Phan Rang, Phan Thiết, đến Long Khánh, Biên Hòa rơi rụng như những đồng bạc vô hồn trong tay một con bạc tháu cáy. Sài Gòn bị bao vây bởi một số lớn những máy cày giả làm xe tăng. Tổng thống một ngày Dương văn Minh chỉ kịp ghi cái dấu chấm nhỏ vào lịch sử bằng cách tuyên bố đầu hàng vô điều kiện!

Dù sao thì cũng đã hoà bình, tuy rằng con chim bồ câu một cánh thì xanh, một cánh thì đỏ. Từ đây các bà mẹ không phải đêm đêm ra thắp nhang giữa trời, cầu xin Trời Phật chở che cho con trai khỏi phải bị hòn tên mũi đạn. Các chị vợ lính khỏi phải ngất xỉu vì nhận giấy báo tử của chồng. Và lúa chín sẽ có người chờ gặt!

Trở về! Hai tiếng nghe náo nức làm sao!

Trên đường về làng, nhộn nhịp những người hồi cư. Vẫn gồng vẫn gánh, vẫn tay xách nách mang, vẫn luộm  thuộm rách rưới như ngày nào bỏ cả nhà cửa ruộng đồng mà đi. Sau bao nhiêu năm dấp dúi bên hông phố chợ, những con người của đồng ruộng cũng chẳng giàu có văn minh hơn chút nào. Đôi mắt ai cũng mờ đi ít nhiều. Giọng nói còn đục và buồn hơn. Biết sống làm sao đây khi ruộng đồng cỏ lác cao ngập đầu người. Những đồng lương ít ỏi của những đứa con đi lính xẻ chia đã không còn nữa. Trên đầu đứa nào cũng cao lêu nghêu một cái mũ ngụy quân ngụy quyền.

Tôi đã gặp các ông hương kiểm, hương bộ, các ông biện, ông câu… Với cây gậy trong tay các ông run rẩy đi theo con cháu. Chừng ấy năm chạy loạn, chừng ấy năm sống bụi sống bờ, các ông hãy còn liêu xiêu bước đi đã là may. Đem được cái nắm xương về với quê nhà thì con chim hoà bình màu gì cũng được!

Đã tới làng rồi đây!

Tôi lội qua sông leo lên cái mô đất bên cầu. Giữa cây cỏ hoang vu, một cây khế đúng là đã mọc trên chỗ cô tôi nằm. Những bông khế đầu mùa tim tím đang lặng lẽ toả  hương. Tôi cứ tưởng mình sẽ phải khóc nức nở khi được quỳ trên mộ của cô. Nhưng thật lạ, tôi lại thấy lòng mình rất ấm áp. Như thể tôi đang gặp lại cô. Tôi nói thầm: Con đã về rồi, thưa Mẹ!

Trong lúc tôi đang lay hoay thắp nhang cho cô thì có tiếng đạn lên nòng và có tiếng  quát:

– Mày là thằng Được chó đẻ phải không?

Tôi nói:

– Đúng, Lê Văn Được là tôi.

– Đi theo tao!

Tôi nói:

– Để tôi thắp cho cô tôi cây nhang đã!

Nhưng bọn họ túm nắm nhang vừa mới đốt ném vào bụi.

– Đi ngay! Không nhang khói gì hết. Đồ chó đẻ mà cũng bày đặt nhang với khói!

Tôi bị dí súng vào lưng bắt phải đi đến trụ sở Ủy ban quân quản lúc này đang che tạm trên nền nhà ông chánh nhạc. Một người hơn 30 tuổi đầu đội mũ tai bèo lưng đeo súng colt xô ghế đứng dậy hỏi tôi:

– Hừ, thằng chó đẻ mày có biết tao không?

Tôi không trả lời. Thực ra tôi biết. Nó là thằng Khấu con ông Năm Qườn chăn vịt. Ngày trước ở làng người ta gọi đùa ông là thiếu tá vì dưới cây sào của ông lúc nào cũng có cả ngàn con vịt đẻ. Bà vợ ông cũng đẻ nhiều như vịt, nhiều đến nỗi ông không nhớ hết tên con. Để khỏi nhầm, ông gọi kèm với một đặc điểm nào đó. Như Sủng lé, Mận còi, Khấu thẹo… Một lần đuổi theo mấy con vịt lạc bầy, ông đã bị nước lụt cuốn trôi. Khấu thẹo thay cha nắm cây sào. Chẳng biết có phải vì lý lịch chăn vịt mấy đời mà nay nó được chăn dắt dân làng An Định lúc này cũng đang lao nhao chẳng khác gì một bầy vịt đói.

Múa cây colt trong tay như một viên thiếu tá thực thụ, nó nói:

– Giải phóng đã từ lâu rồi sao mày còn ôm chân đế quốc?

Tôi nói:

– Hôm nay mới mùng 10 tháng 5.

– Tao nói từ khi giải phóng Bình Định kia!

– Nhưng nay cũng đâu đã hết hạn.

– Mày cãi lý với tao hả. Nếu không gông cổ mày tới đây, đã chắc gì mày chịu trình diện. Mày có biết cái tội của mày lớn đến chừng nào không?

– Tôi trốn không được thì phải đi lính vậy thôi. Tôi nào đã bắn chết ai đâu!

– Mày đem chó khui hầm bắt đồng chí Thảnh và nhiều đồng chí khác mà không bắn giết ai à? Những đồng chí ấy đáng giá cả trăm cả ngàn người. Lại còn đồng chí Khứ nữa. mày ác đến độ để lũ chó kéo xác cho lũ giặc xem.

– Ông ấy cố lết ra miệng cống uống quá nhiều nước nên chết. Tôi muốn cứu cũng không được.

– Vậy là mày nói đồng chí ấy ngu?

– Không. Tôi nghe người ta nói bị thương mà uống nước nhiều nước là chết không kịp ngáp.

Thế là hắn quát:

– Tống cổ nó vào xà lim.

Thực ra đó là cái nhà tắm của cô Thảnh đã bỏ hoang từ khi có một thằng phải gió nằm trên mái nhìn trộm. Sau bao nhiêu năm dưới bom đạn, chẳng hiểu sao nó vẫn còn! Nó đầy cóc đầy nhái và trên tường đầy những hình vẽ tục tĩu. Tôi bị trói, một tay quặt ra sau lưng, một tay vòng sau ót, hai chân không bị cùm nhưng cột vào một khúc cây nên chỉ có trời cứu được. Tôi cố chịu trận suốt đêm.

Sáng hôm sau chúng đem tôi ra trước dân, thực ra là trước một đám du kích, chỉ lèo tèo vài cụ già ốm yếu. Tôi biết là mình đang bị đem ra đấu tố. Tôi được cởi trói, nhưng bị bắt quỳ chống hai tay xuống đất. Tiếng Khấu thẹo:

– Bò tới đây!

Tôi bò tới. Hắn thảy một gói gì hôi hôi trước mặt bảo ăn đi. Tôi không ăn, cả bọn cùng cười. Hắn chế nhạo:

– Chó mà chê cứt à?

Tôi im lặng vì biết những gì sắp xảy ra. Đó là sau khi bị làm nhục đủ điều sẽ ăn đấm ăn đá, bị báng súng nện vào đầu, gậy đập vào lưng và sau cùng là bị quẳng xác xuống sông. Y như chó chết. Tôi đang chờ đợi cái kết thúc cuộc đời một cách khốn nạn như thế thì có đứa đến nói nhỏ vào tai Khấu thẹo gì đó. Hắn bực bội chửi thề, rút súng bắn lên trời mấy phát. Hắn chỉ thẳng vào mặt tôi, nói:

– Tội của mày đáng băm vằm ra trăm mảnh chứ không phải chỉ có mỗi lá gan như của thằng Mậu đâu. Trước đây thì mày đã nát xương với tao rồi. Nhưng nay hoà bình thì để Trên xử. Mày đã hại các cụ lớn thì hãy để phần cho các cụ trị mày. Thôi đưa nó lên Huyện. Đồ chó đẻ!

Bọn chúng không bắt tôi phải đi theo kíểu chó. Nhưng cả chân tay đều bị trói, lại có cả tiểu đội du kích áp tải, nên suốt dọc đường đi mọi người nhìn tôi thương hại như nhìn một tử tội trên đường ra pháp trường.

Tại Ủy ban quân quản huyện, tôi được đối xử nhân đạo hơn. Người ta cho tôi ăn, dĩ nhiên là cơm độn. Rồi người ta đưa giấy bút bảo tôi kê khai những tên biệt kích Mỹ. Tôi nào nhớ hết. Vả lại tôi cũng chỉ nhớ mang máng một vài đứa. Tôi định viết hai chữ: không biết, nhưng nhớ lại hồi bị giam ở quận, nếu không khai bậy vài tên sẽ bị đánh nhừ đòn, nên tôi phịa ra cả một danh sách dài với những tên Mỹ và Nùng mà dù có thắp đuốc đến năm 2000 cũng không tìm ra được.

Có danh sách ấy người ta coi tôi như thằng thủ ngữ Đực dạo nào. Nghĩa là từ tôi sẽ phăng ra bọn biệt kích mà người ta tin là còn được cài lại để chống phá Cách mạng. Tôi được phép mua thuốc hút, được mua bia nếu muốn. Cứ như tiêu chuẩn của cán bộ cao cấp. Nhưng rồi tôi phát hoảng khi nhớ lại rằng, cũng chính vì thế mà thằng thủ ngữ Đực đã bị đem ra bắn bỏ ở đồng Cây Sanh!

Cũng may là người ta có quá nhiều việc phải làm, nào đổi tiền, nào cải tạo công thương nghiệp, nguỵ quân nguỵ quyền… nên người ta quên mất cái danh sách bậy bạ của tôi. Sau đó, người ta đưa tôi đi cải tạo mặc dù tôi không phải là sĩ quan. Tôi bị ghép vào tội ác ôn gây nợ máu với nhân dân. Cái danh sách ở làng An Định đi học tập, chẳng những tên tôi đứng đầu mà còn gạch đít màu đỏ đến những hai lần.

Đến trại K…

Một tháng sau, người ta rà soát lý lịch thấy tôi chỉ là một thằng lính chó nên đuổi về. Nhưng vừa về tới làng thì Khấu thẹo bảo tôi bỏ trốn lại thộp cổ đưa đi. Lại đuổi về. Rồi lại bị áp giải đưa lên. Đá qua đá lại như thế, sau cùng người ta ném tôi vào chung với bọn ma cô đĩ điếm, bọn anh chị cướp giật trước đây.

Có vào đây mới biết địa ngục là có thật. Nó ở ngay trên cái trần gian này chứ không cần phải xuống tận âm phủ. Chẳng biết do ai đồn thổi mà chúng tưởng tôi đã từng làm chủ bar nên rất giàu. Có đứa còn bảo tôi đi biệt kích Mỹ đã từng nhảy sô ra Bắc nên tiền tử và tiền thưởng để đâu cho hết. Cứ sau khi cán bộ quản giáo vừa quay lưng là chúng lôi tôi ra tẩm quất bằng những cái lên gối muốn ói máu, những cái thúc cùi chỏ đến nghẹn thở. Rồi chúng bắt tôi uống một thứ nước quỷ quái gì đó, nửa như nước đái bò nửa như nước rửa thớt để tôi nôn thốc nôn tháo ra. Không thấy gì, chúng lại bắt tôi uống một thứ nước khác đau thắt ruột, rồi bắt một đứa ngồi xem tôi ỉa có hột xoàn hay không. Chúng hành hạ tôi suốt cả tháng trời đến nỗi chỉ còn là cái xác khô nằm trong xó. Cán bộ tưởng tôi chết cho đem đi chôn. Bọn chúng không thèm đào lỗ, chỉ quăng tôi xuống suối. Có một người mò cá vớt được, cho tôi uống nước gừng và quế. Nhờ đó tôi sống lại, một mình bò về trại.

Mãi sau này chúng mới biết tôi là đứa không mẹ không cha, mới sinh đã bị đem thả trôi sông, đi lính chỉ là lính quèn! Từ đó, chúng coi tôi như cùng một giuộc, nghĩa là cùng bị cuộc đời chó má chà lên đạp xuống không biết bao nhiêu lần. Chẳng những chúng thôi hành hạ mà còn cho chác, khi miếng đường khi điếu thuốc. Chúng còn bảo khi ra tù chúng sẽ bày cho mánh làm ăn!

Tôi cố gắng cải tạo thật tốt, nghĩa là cố gắng giữ đúng nội quy của trại. Sáng nhận một củ khoai nhỏ bằng ngón tay để đánh thức cái dạ dày đã ngủ yên. Rồi vác rựa vào rừng để chặt cây hay vác cuốc xuống ruộng tuỳ theo đội. Trưa về, đúng một chén cơm trộn bo bo và một phần tư con mắm thối. Chiều lại đi vào rừng, lại xuống ruộng. Lại một chén khô rốc gọi là cơm và một phần tư cái xác thối gọi là mắm. Tối xem TV để thấy cả nước đang hăng say xây dựng chủ nghĩa xã hội!

Sau cùng đến giờ ngủ. Cứ tưởng với cái thân xác đói khát mệt rũ người ra, đứa nào cũng sẽ ngủ như chết. Nhưng trong đêm tối đủ thứ tiếng động lịch kịch. Tiếng rên, tiếng khóc, đôi khi tiếng thét như một đường gươm. Tôi co quắp người, bịt tai lại như con trút. Có những cảnh cưỡng dâm khủng khiếp như trong cái buồng tắm của bar thằng Hậu!

Mặc dù năm nào tổng kết, tôi cũng được coi là tiến bộ, được đề nghị cho ra trại. Nhưng địa phương vẫn cứ bảo là tôi cần phải cải tạo nữa không chịu nhận. Sau nhiều lần như vậy, quản giáo đâm gắt: cái làng An Định chết tiệt, có giỏi thì lên đây mà cải tạo. Nhờ vậy tôi được cho về sau đúng năm năm giáo dưỡng! Nếu tính ra thiên thu thì biết mấy ngàn cái thiên thu trong một đời người!

Khi về đến làng, việc trước nhất của tôi là đến thăm mộ cô Sáu. Lần này thì tôi khóc nức nở như một đứa bé bị lạc mất mẹ. Đến những mười lăm năm kể từ ngày cô mất, giờ tôi mới được bình yên ngồi bên cạnh mộ cô, thực ra là ngồi trên chỗ cô nằm mà chỉ có mỗi cây khế thay cho bia mộ. Tôi bồi hồi nhớ lại những ngày sống bên cô. Những lần đi mót lúa, đi mua mía và cái áo mới cổ vuông. Đó là những ngày êm đẹp nhất. Tôi thiếu cơm, thiếu áo nhưng không bao giờ cảm thấy thiếu Mẹ.

Cái chòi của cô đương nhiên không còn. Cái rẻo đất ấy người ta cũng không cho làm nhà. Tôi được anh Cọng trưởng tràng ngày nào giờ là trưởng ban thôn cho ở tạm trong nhà kho của Hợp tác xã. Rồi tôi được giao cho việc giữ sổ sách, mỗi ngày được 10 điểm, quy ra thóc là được 500 g.

Mọi việc có vẻ êm xuôi như thế là nhờ Khấu thẹo không còn ngồi trên cái ghế chủ tịch nữa. Anh ta sau mấy năm được cho đi học bồi dưỡng nhưng không qua được cái bổ túc công nông cấp 1 bèn chửi đổng: Đù mẹ, thà làm thằng chăn vịt sướng hơn làm thằng cán bộ. Anh ta lại tậu một bầy vịt và dưới cây sào của anh, bầy vịt ngoan ngoãn để cho anh đếm dễ dàng hơn là làm mấy con tính cộng trừ nhân chia.

Đời sống ở Hợp tác xã so ra cũng chẳng khác gì mấy ở trại giáo dưỡng. Cũng sáng đánh kẻng ra đồng. Trưa đánh kẻng về, chiều lại đánh kẻng ra. Lúa thóc đến mùa được đưa hết vào những cái kho to đùng mới cất trên các gò đầy mồ mả. Ban quản trị Hợp tác xã nắm hết tất cả soi ruộng trong làng, trở thành một đại địa chủ còn to gấp trăm lần ông tổng Bá. Chỉ khác một điều là anh có thể cầm cuốc đứng nhơi nhơi cho hết giờ rồi về. Và tối đến anh có thể đi ăn trộm!

Cứ đem theo một cái bao cát rồi nằm sấp trên bờ ruộng mà trườn đi. Chân thì đạp tay thì tuốt. Tuốt, tuốt mãi cho đến khi đầy bao hay chảy máu tay thì thôi. Năm Quầng, Sáu Quẳng mà có sống lại cũng phải cúi đầu bái phục! Ở trại giáo dưỡng tội ăn cắp của tập thể là bị bỏ đói, nhiều lần thì bị cùm chân. Nhưng ở làng thì chẳng ai làm gì anh vì gần như cả làng cùng đi ăn trộm như thế. Biết bỏ đói ai, cùm ai bây giờ! Với lại cũng phải làm ngơ cho người ta sống chứ. Một hạt lúa bây giờ cõng đủ thứ trên lưng. Nào quỹ này quỹ nọ, nào phải mua nông cụ, nào tái sản xuất, nào xây dựng kênh mương và phải nuôi mấy chục người trong Ban quản trị nên công điểm tụt dần, mỗi ngày công chưa được vài lạng.

Còn đói hơn hồi chín năm. Và để có cái áo cho con, cái quần cho vợ, trai tráng trong làng kéo nhau đi buôn. Ngày xưa, chợ là của đàn bà, bây giờ chợ là của đàn ông. Bởi vì chẳng những phải biết khiêng biết vác mà còn phải biết chạy. Chạy và chạy. Nếu chạy không giỏi thì bị quản lý thị trường và thuế vụ tịch thu! Bây giờ có hàng ngàn ông Khứ  đang ngày đêm chực chờ rình rập ở các bến xe, các con tàu, các sân ga, các ngõ vào thành phố…

Ham vui và cũng đi một lần cho biết Sài Gòn, tôi đã theo bọn họ thử làm con buôn! Với 20 ký gạo buộc trên lưng, ăn ngủ nằm ngồi cũng không được rời ra, trông cứ như một cái bướu. Bọn họ, kẻ thì mang giỏ gà, kẻ thì mang heo con. Buồn cười nhất là anh bán heo. Anh ta mang hai con heo trên lưng cứ như Phạm Công mang hai con ra trận. Cốt Đột thấy thương quá bèn cắt cho cái đầu rồi bãi binh. Nhưng thuế vụ thì không. Anh ta bị rượt chạy mà không trốn vào đâu được vì hai con heo cứ mãi kêu éc éc!

Cả bọn trốn vào các nhà gần ga. Khi con tàu mệt nhọc bò tới, có cả trăm con người với đủ thứ lỉnh kỉnh trên lưng cùng leo lên. Bọn trên tàu sập cửa, bọn dưới đất liền phá cửa. Một cuộc hỗn chiến như du kích tập đánh xáp lá cà. Kẻ lên được thì chết ngộp trong hơi người, hơi heo gà mắm muối. Kẻ chưa lên thì cố đu theo như những con nhái. Trên mui đương nhiên là đặc kín người. Thỉnh thoảng có kẻ ngủ quên hay qua cầu bị gạt rơi xuống!

Xe qua Vân Canh như đi vào một cuộc phục kích của thổ phỉ. Một cơn mưa cây và than trút vào các toa. Ai không tránh được thì đành ôm đầu máu hay cái tay gãy! Xe qua Suối Dầu là mưa chuối cây. Xe vào Phan Thiết là mắm muối, cá khô…

Phì phò, è ạch mãi đến hai ngày đêm, con tàu mới lết nổi tới Sài Gòn. Cái thành phố khổng lồ gần như đang bị bao vây sống lây lất nhờ bọn con buôn đem những thứ không ăn được như lốp xe, vải vóc, thuốc trừ sâu… đổi lấy những thứ ăn được. Một cuộc bán buôn chụp giựt diễn ra dưới sự bố ráp của đủ thứ lực lượng. Tu huýt kêu toét toét… Mặc kệ! Đạn bắn chỉ thiên kêu chóc chóc! Cũng mặc kệ! Bị rượt đuổi như chuột… Mặc kệ tuốt! Vừa chạy vừa bán. Vừa trốn vừa bán. Đang té ngã cũng cứ bán.

Tôi bị đạp ngã nhào. Chưa kịp ngồi dậy đã bị đè nghiến. Chỉ nghe một tiếng rẹt, cái cục gạo dính chặt suốt mấy ngày trên lưng bỗng biến mất. Khi tôi đứng lên được thì một gã đeo băng đỏ quát vào mặt: Cút xéo đi, đồ con buôn!

Vậy là, mất hết cả vốn liếng, tôi lại bị ném về làng.

Thế rồi, bỗng dưng bức tường Bá Linh kiên cố là thế lại sụp đổ. Các nước Đông Âu rơi rụng y hệt như những thành phố Miền Nam năm 75. Liên xô thành trì Cách mạng vô sản thế giới cũng tan rã theo như tuyết tan trên sông Vônga.

Cả nước bàng hoàng!

Người ta không còn thách thức “Ai thắng ai!” nữa, mà làm một cuộc Đổi Mới là trả ruộng lại cho dân! Thực ra là chia và tôi cũng được đúng 475 thước. Bây giờ, tôi có nhiều cục đất để ném chó ỉa và không còn bị gọi bằng thằng như trước nữa.

Nhưng bấy nhiêu ruộng đất đó cũng chỉ đổi đời bằng tiếng gọi ông chứ nghèo vẫn hoàn nghèo. Tôi dành 75 thước cất một cái nhà chỉ lớn hơn cái lều cô Sáu tôi một chút, còn lại suốt năm cặm cụi trên mảnh đất đó như con gà bươi mãi trên cát.

Những nhà khác được chia nhiều hơn vì có đông nhân khẩu. Nhưng cũng lại đông hơn những cái miệng há ra đòi ăn như những con chim tu hú trong các tổ chim sáo! Và cũng chẳng hơn gì tôi, cũng lại nghèo, có khi còn thê thảm hơn vì ốm đau phải đem cầm thế, bán lần bán hồi rồi cũng lại trắng tay.

Cả làng, toàn là nhà tranh vách đất, ngoại trừ nhà cô Thảnh vừa mới xây nhà ngói to rộng. Chẳng phải vì cô là cán bộ to mà vì bỗng dưng cô được một món tiền to như ngày trước cụ Chánh nhạc được bạc của thằng Tây. Câu chuyện tưởng như chỉ có thể xảy ra ở thời phong kiến không ngờ lại xảy ra dưới thời xã hội chủ nghĩa đổi mới cuối thế kỷ 20 này.

Ngày tôi bị bắt, nói theo kiểu hồi ấy là bị truy tróc, tức là vừa truy nã vừa tróc nã, bắt được là bắn bỏ. Lúc ấy cô vừa từ Chí Hòa trở về, đang giữ chức chủ tịch Ủy ban quân quản huyện, một chức to kềnh thật xứng với bao nhiêu năm hò hét. Khi được tin tôi đã bị truy tróc, cô liền cho người về bảo Khấu thẹo không được bắn bỏ mà phải đưa ngay lên huyện. Chẳng phải vì cô thương tôi mà vì muốn dùng tôi để truy tróc bọn biệt kích. Công việc chưa thành thì cô đã bị tố cáo là phản Đảng vì trong tù đã khai ra rất nhiều bí mật. Người ta bảo nếu không có cha và anh, cô đã bị đi tù, tức là bị đưa đi cải tạo chẳng khác gì tôi. Thực ra, cô bị chụp mũ sau khi đã chụp hàng trăm cái mũ lên đầu người khác.

Cô trở về làng với tất cả hậm hực và căm hận. Cô sống âm thầm lặng lẽ, không tham gia bất cứ công tác nào. Một người ưa gào thét như cô mà suốt ngày không mở miệng ra là cả một nỗi khổ đau ngấm ngầm còn hơn cả nỗi khổ đau chưa chồng. Cụ Chánh nhạc, lúc đầu vì giận con làm ô danh gia đình cũng không chịu về làng. Cụ sống còm cõi với đồng lương hưu ít ỏi, cố sức chịu đựng sự chì chiết của bà dâu cả. Đến khi cụ bị bệnh ba hay bốn “căng xông” gì đó, cụ đành phải để cho cô con gái út đem về.

Từ đó hai cha con một thời lẫy lừng giờ lui vào bóng tối. Và tất cả sẽ quên hết trơn, nếu không có cái sự kiện Liên xô tan rã và Đổi mới. Vì đổi mới cần phải có những con người mới, nên thằng cháu nội lúc đi tập kết mới được hai tháng tuổi, nay đã là ông  vụ trưởng một vụ gì đó to lắm, quanh năm xách cặp đi nước ngoài như đi chợ.

Thế là từ trong bóng tối cụ lại được rước ra đánh bóng như những chân đèn lư hương trong mấy ngày giỗ chạp. Người ta vô cùng xúc động khi biết cụ là vị cách mạng tiền bối và nay chỉ còn thiếu mười mấy ngày nữa là đúng một trăm tuổi.

Để làm vui lòng ngài vụ trưởng, người ta liền tổ chức một đại lễ với cái tên nghe rất cảm động là Trăm Năm Mừng Thọ. Giống như những ngày đầu cướp chính quyền, người ta rộn ràng lo cờ xí, khẩu hiệu. Hội người cao tuổi cấp tỉnh cấp huyện lo làm thơ chúc mừng, cấp trung ương gửi tặng câu đối. Con đường làng vắng vẻ giờ xe mẹ, xe con bóp còi tin tin suốt ngày. Bọn trẻ con được dịp nhảy tưng tưng trong bụi mù, vừa hít bụi vừa hít xăng, bảo là rất thơm.

Nhưng, càng đến gần cái ngày trọng đại cụ lại có vẻ như muốn đi. Suốt một trăm năm làm người mà lại là người làm cách mạng nên đến giờ phút này cụ hụt hơi là phải. Mặc dù bác sĩ Tây y đã chuyền rất nhiều đạm, bác sĩ Đông y cho uống cả hộp sâm, cho ăn cả yến nữa, nhưng ai cũng lo là cụ không sống được đến cái ngày đáng sống. Khổ nỗi thiệp đã in ngày tháng rồi, đâu có phải muốn bày ra lúc nào là cứ bày. Không ai biết mà đến chúc mừng thì tổ chức làm chi.

Trong lúc đang bối rối như thế, bỗng lão Văn Văn Ba, tức là lão phù thủy ngụy quyền được một đứa cháu ngoại cõng đến thăm. Lão khô rốc như một con cá hố phơi khô, nhưng cái miệng nhót nhép vẫn còn rất tỉnh táo. Lão cầm cái bàn tay đang run như duôi thằn lằn bị đứt của ông cụ. Một lúc sau lão phán chỉ độc một tiếng: Bú! Người ta ngơ ngác hỏi: Bú gì? Thì lão bảo bú vú chớ bú gì!

Lúc đầu người ta cho là lão nói tầm phào, nhất là cô Thảnh không tin được cái miệng phản động của lão. Nhưng sau các vị đông y nhớ lại các bài thuốc trường sinh của các hoàng đế Trung Hoa nên đồng loạt vỗ đùi khen hay. Vậy là người ta quyết định tìm cho cụ một chị vú.

Cứ tưởng cái việc cỏn con ấy quá dễ, không ngờ lại rất nhiêu khê. Bởi vì phải là một chị có con so, phải khoẻ mạnh và cái điều sau cùng này mới thật gay go. Ấy là lý lịch phải trong sạch, tức là không phải vợ con của nguỵ quân nguỵ quyền! Cụ thì sắp chết đến nơi rồi mà tiêu chuẩn khắt khe như thế thì biết đào đâu cho ra!

Cũng may, đứa con gái của Khấu thẹo vừa mới chết con. Đúng là lý lịch hoàn toàn trong sạch, người như thế mới xứng đáng cho cụ bú chứ! Nhưng khi tìm được nó thì con nhỏ mắc cỡ không chịu. Cô Thảnh phải dỗ ngon dỗ ngọt, phải hứa cho vải vóc và cả nhẫn vàng. Rồi khi nó chịu thì thằng chồng lại không chịu. Nó bảo ai động đến vú của vợ nó là nó chém. Lại phải dỗ dành, phải cho ngay một chiếc honda “xì cần hên” nó mới thôi không đòi chém.

Đến cái lúc cho cụ bú lại càng gay go hơn nữa. Bồng cụ lên như đứa bé thì không được mà nằm xuống bên cạnh lại cũng không. Sau cùng phải để cụ ngồi trên xe lăn, đứng dạng chân ra, loay hoay một lúc con nhỏ mới cho cụ ăn được. Thế là như nước cam lồ của Phật bà Quan âm, cụ dần dần tươi tỉnh lại. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm.

Đại lễ mừng thọ quả là có một không hai. Cái nhà kho giờ không còn lúa hợp tác xã được sửa lại làm hội trường. Cụ mặc áo đỏ, đội khăn đỏ, được bồng cả xe lên sân khấu. Ông vụ trưởng phải bỏ dở một buổi họp để đứng sau lưng hầu cụ. Một trăm em bé cầm đúng 100 bông vạn thọ lên dâng hoa chúc mừng. Rồi diễn văn, rồi ngâm thơ và sau cùng là các vị chức sắc của cả tỉnh đến chúc mừng. Mỗi người một phong bì đỏ nghe đâu ít nhứt cũng vài triệu. Sau đó có cả hát tuồng vì dẫu sao cụ cũng đã từng là bầu gánh của Thanh Bình ban. Lẽ ra cụ cầm chầu khai hội nhưng cô Thảnh lấy cớ cụ mệt xin đưa cụ về.

Như thế là cụ có lộc lúc về già. Lộc quá lớn. Chỉ tiếc là cụ không hưởng được chút nào vì ngay lúc về đến nhà cụ đã tịch .Và, cũng ngay chiều hôm đó, cụ đã được đem đi chôn một cách vội vàng, trong khi tiếng trống hát tuồng vẫn còn điểm những tiếng tùng tùng và dân làng An Định vẫn còn đang say sưa với những đào kép mới.

Đứa con gái của Khấu thẹo ngày hôm sau đeo đến hai chiếc nhẫn vàng sáng choé, được thằng chồng chở honda bình bịch lượn khắp làng.

Và cũng từ miệng con nhỏ lý lịch trong sạch đó, người ta biết được rằng cụ đã đi trước đó hai hôm. Chính nó đã cùng cô Thảnh cột cụ vào xe, mặc áo đội mũ đưa đến hội trường. Mỗi khi có khách đến chúc mừng, ngài vụ trưởng lại khẽ ấn cái đầu của cụ xuống một chút. Như thế thì đố ai mà biết được là cụ đã tịch.

Nhờ cái đức của cụ quá lớn, cô Thảnh có được cái nhà to nhất làng, không đến nỗi quá hẩm hiu như lão Khứ hay thằng thủ ngữ Đực. Thôi cũng mừng cho cô.

Kết

Bây giờ đã là năm 2000. Mặt trời vẫn mọc. Nắng vẫn vàng như mật ong. Trời vẫn xanh màu xanh muôn thuở. Chẳng có gì là đã đến ngày tận thế. Chúa cũng chỉ hù dọa mà thôi.

Dù sao được sống đến cái năm mà cả thế giới hồi hộp đón chờ cũng thật là hạnh phúc. Các ông già đã được con cháu lần lượt khiêng qua bên kia sông. Tôi tròn sáu mươi tuổi. Cũng sắp được lên lão làng.

Từ một đứa bé bị thả trôi sông, trải qua sáu mươi năm, trở thành một ông già, quãng thời gian thật dài. Những tháng năm cuồng nộ đã đi qua đời tôi như một bầy ngựa điên. Nhiều lúc tôi tưởng đã bị chúng giẫm đạp cho nát tan. Tôi bị tung lên, bị quật xuống, bị đá qua bên này, bị đạp qua bên nọ.

Nhưng cuộc đời dù khốc liệt đến đâu vẫn có cách san sẻ riêng của nó. Tôi kể ra đây câu chuyện cuối cùng để kết thúc những trang hồi ký buồn nhiều hơn vui này.

Một buổi chiều, trời cũng đẹp như chiều hôm nay. Đó là lần giỗ thứ ba mươi lăm của cô Sáu tôi. Đám giỗ ngay tại cái mô đất bên cầu. Bên cạnh cây khế giờ đã xum xuê hoa trái, tôi đặt một đĩa cơm vắt và muối rang, là hai thứ mà cô tôi thích vì cho rằng đó là những thứ quý nhất trên đời. Tôi đang lâm râm khấn khứa, bỗng có cảm giác nóng ran một bên má. Tôi quay lại. Đứng trên cầu là một người đàn bà đang lặng nhìn tôi. Hai hàng nước mắt sáng lên trong nắng cùng những sợi tóc bạc.

Tôi kêu lên thảng thốt:

– Chị Thảo! Có phải chị Thảo không?

Chị gật đầu.

Tôi sụp lạy. Vừa lạy cô tôi, vừa lạy tạ đất trời.

Khi tôi ngẩng đầu lên, một người con trai cao lớn ở đâu đến đứng sau lưng chị. Tôi nghe tiếng nói như từ trong mơ hay từ một cõi trời nào đưa lại:

– Chào cha đi con!

Lần này thì tôi khóc. Đứa con trai ôm lấy tôi, áp cái đầu đang muốn nổ tung vì bất ngờ vào lồng ngực vững chãi của nó. Một lúc sau nó mới ngửa mặt tôi ra, hôn lên cái trán đã bắt đầu nhăn nheo thay cho một lời chào.

Bản thảo do tạp chí Thư quán Bản thảo (Hoa Kỳ) sưu tập.

Liên lạc:

Thư Ấn Quán
P.O Box 58
South Bound Brook, NJ 08880 USA

© 2010 K.Đ/Thư Ấn quán

© 2010 talawas


ShareThis

Phản hồi

3 phản hồi (bài “K.Đ – Những tháng năm cuồng nộ (kỳ cuối)”)

  1. Nguyễn Việt nói:

    Một tác phẩm tuyệt vời, mô tả một cách sinh động cuộc sống thê thảm của những người dân An Định trong suốt 50 năm, trải qua 3 chế độ, bằng một giọng văn hài hước hiếm thấy.

    Là người cũng đã 60 tuổi, đọc nhiều về lịch sử, tôi cứ tưởng mình biết nhiều, thế mà tác giả K.Đ đã làm cho tôi té ngửa nhiều chỗ, nhất là đoạn “Cải cách ruộng đất” hai chiều trước và sau tập kết trong những năm 1954-1956 tại khu 5 cũ.

    Tôi đã được nghe kể về cả khủng bố đỏ lẫn khủng bố trắng đè lên nhau ở miền Nam, nhưng không đâu sự chồng chất khủng bố lên thân xác người dân được mô tá sống động như ở đây.

    Theo tôi suy luận thì tác giả K.Đ vẫn còn sống ở Bình Định. Giá có dịp được gặp anh!

  2. Tôn Văn nói:

    GÓP NGỌN GIÓ HOANG

    *
    Chia sẻ nhận xét trong phản hồi của một bạn, tôi cũng thường đợi cho tới hồi cuối của một câu chuyện dài được đăng tải. Cũng giống khi xem tài liệu: Đọc phần đầu và phần cuối thì có thể biết tới tám phần nội dung. – Tôi đã đọc kỹ phần này và thấy đây là những hồi niệm (hồi ký) thực và cảm động. Tuy nhiên, cũng vì là hồi ký, tác giả có thể đưa ra những nhận xét nhẹ nhàng (có chút phần „hài“) mà sâu sắc. Xin lấy thí dụ và liên hệ; Tác giả viết:
    „Thực ra, cô bị chụp mũ sau khi đã chụp hàng trăm cái mũ lên đầu người khác.“
    Tôi chợt bật cười vì nghĩ cái thói „chụp mũ“ quen đến mức có người không chụp cho ai cái mũ nào vẫn có thể bị mang một/mấy cái nón chẳng theo ý mình. Tục ngữ: „Cơm ăn không sớm thì trưa, / Nón đội trên đầu không mưa thì nắng“ – Trong đám đông, không có nón cũng là một sự kỳ!

    *
    Nhớ câu nói của nhạc sỹ Phạm Duy trong cuốn „Thúy Nga đặc biệt“ về ông: Khóc cười theo vận nước nổi trôi…; Xin góp một đoạn suy nghĩ như lời chia sẻ:
    Ngổn ngang thế sự bời bời,
    Càng coi càng thấy phận người mong manh;
    Gió hoang là cuộc đời mình,
    Góp thêm xào xạc để thành mùa thu.