Tạp ghi

Giao Chỉ : ÐỀ TÀI LỊCH SỬ

ÐỀ TÀI LỊCH SỬ

Nhân Lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ Tháng 11-2009

Từ con tầu May Flower đến Thuyền Nhân Việt Nam

Loạt bài đặc biệt của Giao Chỉ, San Jose

Ghi dấu 35 năm định cư tại Hoa Kỳ (1975-2010)

 

                                                        

 

Phần 1: Lịch sử 400 năm Lễ Tạ Ơn Hoa Kỳ.

 

Phần 2: Lịch sử 50 năm di cư tỵ nạn Việt Nam.

               

Ði tìm ngày biểu tượng tỵ nạn Việt Nam?

                Một số dữ kiện.

20 tháng 7-1954: Chia đôi đất nước. / 30 tháng 4-1975: Mất nước tan hàng. / Ngày ODP năm 1980. / Ngày con lai Home Coming Act 1987. / 14 tháng 11-1988 Cao Ủy Tỵ Nạn đặt trọng tâm vào thuyền nhân Ðông Nam Á. / Ngày 14 tháng 3-1989: Mở đầu thanh lọc và cưỡng bách hồi hương. / 20 tháng 7-1989: Tự do cho tù chính trị. / 20 tháng 6-2000: Ngày Quốc tế tỵ nạn. / 11 tháng 5-2001 Ngày tuyên dương người tỵ nạn tại Hoa Kỳ.  

Dân số Việt Nam tại Hoa Kỳ:

 1970: NA,  1980: 250,000.   1990: 600,000,   2000:1,124,000,   2007: 1,750,000,   2010: 2,000,000 Est.. Hiện nay Á châu xếp hạng qua Census 2000 như sau. Tàu, Phi, Ấn, Hàn, VN.(# 5)

Census 2010 tiên đoán: Tầu (#1) Việt (#2)

               

                                                                                                 Phần 1

         NGƯỜI VIỆT và LỄ TẠ ƠN 2009 TẠI HOA KỲ

                                                                                                     Giao Chỉ,  San Jose

 

        LỊCH SỬ 400 NĂM CỦA THANKSGIVING HOA KỲ:

       

Mùa Lễ Tạ Ơn năm 2009, người Việt chúng ta tại Hoa Kỳ sẽ tham dự Thanksgiving Day lần thứ 10, thứ 20 hay là lần thứ 30. Và những người Việt tại Úc, Canada, tại Âu châu cũng đều có mùa tạ ơn trên khắp thế giới. Là người dân Việt tha hương, chúng ta sẽ có nhiều lý do để tạ ơn cuộc đời vì còn tồn tại đến ngày nay.

        Trước năm 1975, nửa triệu chiến binh Hoa Kỳ có mặt tại Việt Nam đã đem đến Sài Gòn một nền văn hóa đặc biệt cùng với những con gà tây hiện diện trên bàn ăn suốt từ Thanksgiving tháng 11 đến mùa Lễ Giáng Sinh tháng 12. Tuy nhiên, thực sự tục lệ tạ ơn vẫn còn xa lạ với phần đông người Việt.

        Qua định cư tại Hoa Kỳ, ảnh hưởng của nền văn hóa Hiệp Chủng Quốc đã đến với các gia đình Việt Nam, nhất là trường hợp con cái chúng ta làm ăn xa, tháng 11 kéo về xum họp một nhà.

        Bên lò sưởi ấm, gia đình tỵ nạn quây quần tưởng nhớ bà con thân thuộc, nhắc lại chuyện xưa và bữa ăn gà tây vì làm theo đám nhỏ yêu cầu nên thực đơn không khác gì gia đình người Mỹ đến xứ này 400 năm về trước.

        Câu chuyện sự tích mà chúng tôi kể lại hầu quý vị ngày hôm nay thực sự là một loại sử liệu rất tầm thường mà các bà giáo hiền lành đã bắt đầu kể cho các trò lớp tiểu học tại khắp nước Mỹ vào đầu tuần này.

        Tục lễ ăn uống hội hè gọi là lễ tạ ơn trời đất vốn đã được người La Mã và Hy Lạp truyền bá từ lâu. Sau đó người Anh, Nga, Na Uy, Hòa Lan, Ba Lan đều có ngày Lễ Tạ Ơn vào mùa Thu.

        Câu chuyện Lễ Tạ Ơn của Hoa Kỳ phải bắt đầu từ lúc con tàu May Flower chở di dân Thanh Giáo từ Anh quốc đi Tân Thế Giới vào ngày 6 tháng 9-1620 với các gia đình di dân chỉ vỏn vẹn có 44 người. Con tàu Hoa Tháng Năm lịch sử này lại được yểm trợ đông đảo bởi hơn 60 thành viên thuộc thủy thủ đoàn.

        Họ đi theo hải trình mà các nhà thám hiểm tiền phong đã mở đường từ trước, vượt Ðại Tây Dương 65 ngày để đến miền bờ biển miền Ðông Hoa Kỳ.

        Khi đến miền đất mới, đám di dân đã trải qua một mùa đông đầu tiên vô cùng khắc nghiệt làm chết 47 người trong số hơn 100 thành viên của May Flower.

        Qua mùa Xuân, với sự giúp đỡ của thổ dân da đỏ thuộc một bộ lạc hiền lành kế cận, di dân bắt đầu canh tác và vị thống đốc là William Bradford tổ chức Lễ Tạ Ơn vào năm 1621. Di dân và thổ dân đã có một lễ Thanksgiving đầu tiên tại Hoa Kỳ với các món gà rừng, đậu, bắp của năm đầu gặt hái được mùa. Tất cả các thực đơn chế biến pha trộn theo kinh nghiệm từ các món ăn quê hương Âu Châu phối hợp với các thức ăn của thổ dân da đỏ ở Mỹ châu.

        Lịch sử ghi lại là gần 100 di dân tỵ nạn đã cùng với 90 thổ dân tham dự một lễ hội hòa bình suốt ba ngày. Sau mỗi bữa ăn còn có các cuộc thi tài giữa hai bên.

        Buổi Lễ Tạ Ơn đầu tiên dù đã mở đầu nhưng rồi tiếp theo những năm sau vì những khó khăn, thiên tai, chiến tranh nên chưa chính thực tạo thành truyền thống.

        Năm 1789, tổng thống Washington mới ra tuyên ngôn ngày 26 tháng 11 là Ngày Tạ Ơn, nhưng cũng chỉ có một ngày.

        Trong suốt 240 năm tiếp theo, Hoa Kỳ có tổ chức nhiều Lễ Tạ Ơn trong các dịp ký hòa ước, tuyên ngôn hòa bình, mừng chiến thắng trên chiến trường nhưng chưa có một ngày Thanksgiving với ý nghĩa thuần túy dâng lời cảm ơn về cuộc sống lên thượng đế. Do đó Hoa Kỳ vẫn chưa có một ngày Thanksgiving thống nhất.

        Năm 1830, một nhà báo phụ nữ lên tiếng đòi hỏi chính phủ phải chính thức tuyên ngôn một ngày lễ tạ ơn cho toàn quốc. Bà tiếp tục đòi hỏi như vậy suốt 30 năm.

        Cho đến năm 1863, sau khi chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng thống Lincoln mới có cơ hội tuyên bố ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 hàng năm sẽ là Ngày Lễ Tạ Ơn.

        Từ 1863 đến năm nay 2009 là đã trải qua gần 150 năm, Hoa Kỳ đã làm gì với những ngày Thanksgiving. Một mặt họ giữ truyền thống văn hóa gồm các thực đơn căn bản và đốt ngọn lửa tâm linh trong tinh thần xum họp gia đình. Mặt khác nước Mỹ hùng cường đã có dịp thương mại hóa để ngày Lễ Tạ Ơn trở thành tuần lễ mở đầu cho mùa lễ hội cuối năm, kích thích cả guồng máy kinh tế quốc gia.

        Khác với Lễ Giáng Sinh, Thanksgiving vượt lên trên các tập tục tôn giáo. Hầu như mọi gia đình đều có thể tổ chức Ngày Lễ Tạ Ơn theo các tôn giáo khác nhau đúng như 3 ngày Lễ Tạ Ơn của tiền nhân Bắc Mỹ vào năm 1621. Lúc đó các di dân và thổ dân không hề có một lễ nghi tôn giáo nào khác ngoài việc ăn uống, vui chơi.

        Ngày Lễ Tạ Ơn hiện nay ấn định vào ngày thứ Năm đã cho Hoa Kỳ có cơ hội dành luôn 4 ngày cuối tuần được coi là tuần lễ bận rộn nhất trong năm. Các xa lộ, phi trường, các trạm xe đều tấp nập. Các tiệm ăn, các chợ thực phẩm phải chuẩn bị nhiều ngày cho các gia đình mua sắm. Những hàng trái cây, các con gà tây nhồi thịt được đặt trước, các siêu thị tấp nập khách ra vào.

        Và sắc dân từ bốn phương trời đến định cư tại Hoa Kỳ đã đồng thời đem đến biết bao nhiêu thực đơn đặc thù bày trên bàn tiệc Thanksgiving những màu sắc văn hóa khác biệt để xây dựng Mỹ quốc thành một Hiệp Chủng Quốc đích thực trên toàn thế giới.

        Trong các gia đình Việt Nam, Lễ Tạ Ơn có cả đèn nhang cúng ông bà, heo quay, bánh hỏi, chạo tôm, nem nướng, chả giò và phở tái tương gừng.

        Khi những đứa con, đứa cháu từ xa về xum họp, tiếng Việt, tiếng Anh ồn ào trên bàn ăn với thực đơn ba miền vừa dọn dẹp xong thì cũng là lúc ông nội kể lại về chuyến tàu vượt biên Hải Hồng chở 2,500 người cả Hoa lẫn Việt cắm neo ở bờ biển Mãi Lai vào tháng 11-1978. Năm đó cả nhà Việt Nam mang tên giả Trung Hoa ghi danh đi bán chính thức phải nằm chờ đói khát hơn hai tháng trong mùa Lễ Tạ Ơn trên con tàu vượt biên vĩ đại ở biển Ðông. Hình ảnh tàu Hải Hồng đã làm rung động thế giới.

        Ðó là lý do chúng ta mang câu chuyện tàu May Flower 400 năm về trước của thế kỷ 16 nối kết với các con tàu vượt biển Nam Hải của thế kỷ thứ 20.

*      *      *

        TỪ DI DÂN ÐẾN TỴ NẠN:

        Vào thế kỷ thứ 16, hơn 400 năm trước, May Flower đem di dân đến Bắc Mỹ không có phủ Cao Ủy Tỵ Nạn, không có Sở Di Trú. Ðến thế kỷ thứ 20 thì di dân Việt Nam vượt biển được gọi là tỵ nạn và bách khoa tự điển bắt đầu có chữ Boat People-Thuyền Nhân.

        Ðể bắt đầu bài học lịch sử, chúng ta hãy chuẩn bị một chút kiến thức để làm hành trang cho cuộc đời tỵ nạn. Sau bao nhiêu gian khổ mà còn sống đến ngày nay thì hãy ngồi xuống để chiêm nghiệm xem mình là ai.

       

1.     Tỵ nạn là ai?

        Liên Hiệp Quốc định nghĩa rằng: “Người nào bị bắt buộc phải rời bỏ quê hương để tránh tù đày, hành hạ, vì lý do sắc tộc, tôn giáo, chính trị, hay xã hội, văn hóa khác biệt thì người đó là dân tỵ nạn. Nếu anh phải rời nơi cư trú, vượt biên, vượt biển vì chiến tranh, vì biến cố hay vì nhân quyền không được tôn trọng, rồi bây giờ không muốn trở về hay không trở về được thì anh sẽ thành người tỵ nạn.”

        Một cách văn vẻ triết lý hơn, người ta nói rằng: “Tỵ nạn là con người bình thường ở trong một hoàn cảnh khác thường.” Như vậy, sau khi đã hiểu thân phận tỵ nạn thì chúng ta nên biết rằng dù có mang căn cước gốc tỵ nạn nhưng người Việt tại Hoa Kỳ hiện không còn là tỵ nạn đương nhiệm. Chúng ta đã trở thành công dân Mỹ gốc tỵ nạn Việt mà thôi.

        Trên thế giới ngày nay có 15 triệu dân tỵ nạn còn nằm trong trại ở các quốc gia đệ tam và 22 triệu dân tỵ nạn lưu đày ngay trên xứ sở của mình vì lý do chiến tranh, biến cố chính trị hay thiên tai. Ðó mới là những người tỵ nạn đương nhiệm.

       

2.     Sách vở tỵ nạn:

        Lại nói một cách văn vẻ thì hiến chương tỵ nạn nằm trong điều 14 của tuyên ngôn thế giới nhân quyền ghi rằng dân tỵ nạn có toàn quyền đi tìm nơi để sinh sống. Các quốc gia đều phải có nghĩa vụ tiếp nhận và định cư người tỵ nạn nếu họ muốn đến nơi đó để lập nghiệp.

        Trên thực tế thì chính các quốc gia tự do tùy lòng bác ái và khả năng tiếp nhận sẽ đứng ra lựa chọn người tỵ nạn. Và cũng trên thực tế, từ cuối thế kỷ 20 đến nay thế giới đã mỏi mệt và phần lớn đã làm ngơ. Các nước không còn tích cực thi hành sứ mạng nhân đạo mà sách vở đã ghi rõ cho quyền tỵ nạn.

        Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng lúc còn ở đảo khi được tin các phái đoàn quốc tế trở lại trại tỵ nạn để phỏng vấn tiếp nhận thuyền nhân đã vô cùng xúc động viết lên bản nhạc bất hủ với lời ca cay đắng: “Người đã cứu Người.”

       

3.    Lịch sử của di dân tỵ nạn         

         Thực ra lịch sử của di dân tỵ nạn đã bắt đầu ngay từ lúc có loài người. Khi có tranh chấp, có chiến tranh là có di cư tỵ nạn. Tuy nhiên, thảm họa thực sự mang kích thước toàn thế giới là sau thế chiến thứ hai kết thúc năm 1945. Toàn thể Âu châu đầy rẫy di dân tỵ nạn của thời hậu chiến. Ba năm sau, 1948, Liên Hiệp Quốc ban hành tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, trong đó quyền tỵ nạn và quyền mưu cầu hạnh phúc.

        Năm 1950, Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn ra đời và năm 1951 soạn xong tuyên ngôn quốc tế về tỵ nạn. Bản tuyên ngôn này mới được duyệt lại và ký tên bởi 140 quốc gia vào tháng 2-2002.

 

4.     Ðâu là miền đất khổ:

        Cuối thế kỷ thứ 19, tâm điểm của tỵ nạn thế giới là Ðông Nam Á. Ðông Dương chính là miền đất khổ. Việt Nam là quốc gia đứng đầu trang sử tỵ nạn thế giới và trở thành công việc hàng ngày của Phủ Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc.

        Con số ngân sách tỵ nạn thường niên của Cao Ủy năm 1975 là 80 triệu Mỹ kim mà chỉ 5 năm sau vào năm 1980, thế giới phải đóng góp cho ngân sách Cao Ủy lên đến 500 triệu Mỹ kim.

        Cũng vào năm 1980, con số tỵ nạn ở các trại Ðông Nam Á lên đến 140 ngàn người với 37 cơ quan thiện nguyện từ khắp thế giới về đảm trách điều hành sinh hoạt và lo kiếm đường cho tỵ nạn đến các quốc gia đệ tam.

        Ðó là thời gian vừa là thảm kịch vừa là vàng son của tỵ nạn Ðông Nam Á. Cả miền Nam Việt Nam đều ngó ra biển Nam hải. Những chuyến đi 5 ăn 5 thua. Người đi năm lần bảy lượt. Những câu chuyện về thảm kịch, sóng gió, hải tặc, người ăn thịt người cùng với những tấm hình màu từ Bắc Mỹ gửi về. Gia đình chú Sáu, cô Năm đi Mỹ gửi về tấm hình mặc áo lông đứng cạnh xe Mỹ, trước căn nhà tuyết phủ trông như ở cõi thiên đàng.

        Rồi thì mặc cho sóng gió bão bùng, nhạc Phạm Duy như lời tiên tri của thế kỷ với những lời ca thúc dục lòng người trong bài Viễn Du. “Ra đi thấy trời Âu Á, Ra đi biết mặt trùng khơi. Ra đi thấy ta hãi hùng.”

        Kèm theo những tấm hình màu là những gói quà gửi về quê hương. Những tờ giấy 100 Mỹ kim cho vào túp thuốc đánh răng. Và cho cả vào bao Plastic nhét dưới hộp cá mòi. Thư gửi về nói là cá này ăn bổ lắm, đứng có bán đi, mà cũng đừng nấu chín. Cá hộp của Mỹ phải mở ra ăn sống mới ngon. Quê nhà làm đúng lời dặn ngớ ngẩn của người phương xa đã tìm thấy đồng tiền Mỹ còn tanh mùi cá.

        Từ San Jose, Việt Dzũng và Nguyệt Ánh cất tiếng ca gửi về cho mẹ những chiếc kim may, gửi về cho em hộp diêm nhóm lửa.

        Những ngày cũ đã hơn 20 năm rồi. Những ngày cay đắng nở hoa. Khổ thì thật khổ, ra đi cả nhà đến trại chỉ còn một nửa. Chờ đợi hai năm ở đảo khi được đi đã vội mừng quên cả khổ đau. Ngày nay thì bao nhiêu đau khổ cũng chỉ là tiền kiếp.

        Bước vào thế kỷ thứ 21, trang sử tỵ nạn đã lật qua. Tâm điểm hiện nay của thế giới là Trung Ðông và Phi châu. Tại rừng già Phi châu đen tối, dân nước nọ chạy qua nước kia. Chiến tranh tôn giáo ở Trung Ðông như cơn giận dữ trừng phạt của Thượng đế. Ðàn bà trẻ con cũng bị giết.

        Mục tiêu của chiến tranh ngày nay không phải là trại lính với quân trường. Mục tiêu bây giờ là trường học, nhà thờ, quán ăn và chợ búa. Tất cả mọi người đều là mục tiêu và vũ khí lại chính là thân xác của người tử đạo. Thế giới đã quên tỵ nạn Việt Nam. Bây giờ khổ đau đến lượt người khác lên phiên.

 

5.       Vì đâu nên nỗi:

        Như vậy là, suốt cả 100 năm qua, thế giới đã vật lộn với vấn đề chiến tranh và tỵ nạn. Nhưng ngày nay thì cuộc chiến đã thay đổi. Khủng bố và chống khủng bố là đề tài số một. Tất cả còn lại chỉ là thứ yếu. Ðối với dân Việt tỵ nạn trên khắp thế giới, đây là giai đoạn tìm về sự ổn định và sống trong cuộc vui buồn với quê hương mới. Trong cái hỗn mang của thế giới ngày nay, ngồi kiểm điểm lại trang sử tỵ nạn của riêng ta trong suốt 50 năm qua để đi tìm ngày căn cước cho thế hệ mai sau.

*      *      *

             

(Tàu Tự Do ra đi từ Phú Quốc chở 39 người, tháng 9-1977, vượt qua vịnh Thái Lan và đến Mã Lai. Ðược tiếp tế rồi đi tiếp với phương tiện

    rất giới hạn đã đến Darwin, Úc Châu tháng 11-1977, vượt trên 6,000 miles. Tàu Tự Do hiện thuộc về viện bảo tàng hàng hải của Úc.)

 

Tuy nhiên, tất cả những người vươn lên được, tiến xa hơn được là nhờ đã rũ bỏ được những vướng bận của quá khứ để tiến bước vào tương lai.

        Nếu quả thực cộng đồng Việt Nam đã tiến một bước dài suốt 34 năm qua thì đây là lúc chúng ta cùng nghỉ chân để cùng tìm lại kỷ niệm, xác định căn cước, bảo toàn các di sản cho thế hệ tương lai.

        Nhưng nếu trong thời gian qua, người tỵ nạn vẫn còn đứng nguyên một chỗ khóc than cho quá khứ suốt một phần tư thế kỷ thì việc đi tìm kiếm căn cước tỵ nạn sẽ không cần thiết vì người ta chưa hề rời bỏ được gánh nặng của danh nghĩa tỵ nạn để nhập cuộc vào một dòng đời rào rạt trong nhịp sống mãnh liệt tại Hoa Kỳ.

        Sau cùng thì đề tài căn cước của di dân không phải là của cả cộng đồng mà lại trở thành vấn đề của mỗi gia đình, mỗi người trong chúng ta.

Giao Chỉ , San Jose

*************************************************************

 

                                                                                                   Phần 2

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ TỊ NẠN VIỆT NAM

Giao Chỉ, San Jose 2009

 

        Ngay sau khi Ðệ II Thế Chiến 1939-1945 chấm dứt, thế giới hòa bình lại là lúc dân tộc Việt Nam bắt đầu bước vào một cuộc tranh đấu mới. Cuộc đấu tranh dành độc lập đưa đến những khổ nạn của cả dân tộc.

        Trong suốt 30 năm, từ năm 1945 đến 1975, đầy những xung đột can qua đã làm cho dân Việt Nam 2 miền Nam Bắc đều phải tản cư, di cư, tỵ nạn rồi tạm cư và định cư. Biết bao nhiêu gia đình ly tán, chia cắt và biết bao nhiêu tan tác đau thương.

        Suốt 30 năm sống trong hận thù chiến tranh, nồi da nấu thịt, cuộc nội chiến khoác chiêu bài ý thức hệ- vì độc lập, vì tự do dân chủ để sau cùng gần 2 triệu người hy sinh, 1 triệu dân tị nạn trên quê hương từ Bắc vào Nam sau, Hiệp Ðịnh Geneve 1954 và sau cùng 3 triệu dân lưu vong sau Hiệp Ðịnh Paris 1973.

       

1.     Cuộc di cư thứ nhất sau hiệp định Geneve chia đôi đất nước

        Một triệu người Bắc vào Nam từ 1954 đến 1956, đồng thời 130,000 dân miền Nam tập kết ra Bắc. Người Bắc vào Nam bằng tàu Mỹ và Pháp. Người Nam ra Bắc trên tàu Ba Lan và Nga Sô.

       

2.     Tản cư trong chiến tranh.

        Sau đó, trong chiến tranh, ở miền Nam dân quê có hàng trăm ngàn người đã phải di tản, nhiều nhất là vùng hỏa tuyến. Tại miền Bắc trong các trận không tập đầu thập niên 70 của Hoa Kỳ, dân thành phố gần 3 triệu người phải chạy về các miền quê.

       

3.     Di tản tháng 4-1975.

        Hiệp Ðịnh Paris đình chiến năm 1973, hai năm sau Saigon thất thủ, miền Nam có 130,000 người di tản, đa số định cư tại Hoa Kỳ. Ðây là kết quả của đạo luật khẩn cấp Indochina Migration and Refugee Act 1975 do tổng thống Ford ban hành.

       

4.     Trại tù cải tạo.

        Sau khi miền Bắc chiến thắng, thống nhất đất nước, tại miền Nam, trên 1 triệu quân cán chính phải đi học tập trong các trại cải tạo. Tuỳ theo hoàn cảnh và cấp bậc, từ vài tuần, vài tháng đến nhiều năm. Có người bị giam lâu nhất là 17 năm. Nhiều người đã qua đời trong trại cải tạo. Gia đình của tù cải tạo phải tái định cư ở các khu kinh tế mới.

       

5.     Tống xuất Hoa Kiều.

        Trong khi đó kể từ năm 1978, người Hoa tại Việt Nam bắt đầu bị thanh trừng và cùng một lúc các chuyến vượt biên của người Việt bằng thuyền khởi sự để rồi thành một phong trào từ 1979 kéo dài đến đầu thập niên 1990. Một số 250,000 Việt gốc Hoa miền Bắc đã tìm đường tị nạn tại Trung Hoa.

       

6.     Thuyền nhân.

        Vào cuối năm 1978 đã có hơn 60,000 thuyền nhân tại các trại tị nạn Ðông Nam Á. Từ các thuyền đánh cá mong manh chở 1 gia đình 5 người đến Thái Lan cho tới con tàu trên 2,500 người đến Mã Lai như trường hợp tàu Hải Hồng.

       

7.     Làn sóng vượt biên lên cao, Ðông Nam Á từ chối.

        Riêng tháng 6-1979 đã có 54,000 thuyền nhân đến các trại. Nếu cho rằng chỉ có 50% thành công thì đã có 100,000 người ra đi trong một tháng. Cũng vào cuối tháng 6, các quốc gia Ðông Nam á gồm Indonesia, Mã Lai, Phi, Singapore và Thái Lan đã họp khẩn và tuyên bố sẽ đẩy thuyền ra biển.

        Liền lập tức tháng 7-1979, đã có biết bao nhiêu thảm kịch xẩy ra. Thái Lan công khai dung dưỡng cho hải tặc hoành hành. Mã Lai kéo tàu vượt biển ra khơi cho chết chìm. Tiếng kêu khóc của người vượt biển thấu Trời xanh, Liên Hiệp Quốc họp khẩn, viện trợ tiền bạc nuôi dân tị nạn, xin thêm cấp khoản định cư trên thế giới và thậm chí cầu khẩn để Cộng Sản Việt Nam giữ cho dân đừng liều chết ra đi.

       

8.     Giải pháp ODP, Orderly Departure Program: Ra đi có trật tự.

Ðể giải quyết vấn đề thuyền nhân qua khía cạnh nhân đạo, thế giới tự do và Hoa Kỳ đưa ra chương trình ODP. Tại Mỹ, The Refugee Act 1980 ra đời và chương trình ra đi có trật tự bắt đầu. Chương trình này kéo dài đến ngày 14-9-1994 thì chấm dứt. Các thành phần còn lại được đưa qua các chương trình đoàn tụ gia đình thường lệ của luật di trú Hoa Kỳ.

       

9.     Con đường định cư, Niềm đau thương trong máu và nước mắt.

Từ thảm kịch tháng 7-1979 cho đến tháng 7-1982, nỗ lực 3 năm đã định cư được 623,000 người trên thế giới mà đa số là tại Hoa Kỳ. Và cũng do hậu quả của thảm kịch Biển Ðông liều chết ra đi trăm ngàn người một tháng, mà tháng 5-1979 Chương Trình Ra Ði Có Trật Tự được soạn thảo. Phải đến năm 1984 thì bài toán mới có đáp số vì lúc này tổng kết ghi nhận năm đầu tiên con số vượt biển ít hơn số người ra đi ODP. Năm 1984, con số ODP lên đến 29 ngàn người và thuyền nhân ra đi hạ xuống chỉ còn 24,800 người.

       

10.  Tổn thất trên Biển Ðông.

        Thảm kịch thuyền nhân Biển Ðông đã tạo ra rất nhiều vấn nạn mà trước đây thế giới không hề xẩy ra.

        a.     Từ các dân đánh cá hiền lành, tất cả ngư dân Thái Lan lần lượt trở thành hải tặc điên cuồng suốt 2 thập niên

        b.     Hàng ngàn thương thuyền trên biển đông hoàn toàn không tuân thủ luật lệ đạo đức hành hải vì tất cả đã làm ngơ cho thuyền nhân chết trên biển cả.

        c.     Không ai có thể xác định được số tổn thất của thuyền nhân trên biển, từ 20% đến 40% số người vượt biển đến các trại tỵ nạn.

        d.     Lần đầu tiên và duy nhất trên thế giới có chính phủ Việt Nam công khải tổ chức cho dân vượt biên để thu góp toàn bộ tài sản để lại.

        e.     Các quốc gia Ðông Nam Á đóng vai trò rất phức tạp vừa nhân đạo và bất nhân tùy giai đoạn và đã khai thác tối đa những ngân khoản lớn lao của thế giới về tỵ nạn.

 

11.  Vượt biên đường bộ.

        Sau một thời gian lắng dịu năm 1984, số tị nạn lại gia tăng trên đường bộ qua Cam Bốt vào năm 1987. Một số lớn không có điều kiện ODP đã tìm lối đi qua Thái Lan từ miền Nam và qua Hong Kong từ miền Bắc.

        Năm 1988 đã có 18,000 người vào Hong Kong và mặt khác Mã Lai lại bắt đầu kéo tàu ra biển vào năm 1989.

       

12. Cứu người vượt biển.

        Từ Pháp, Úc, Canada và Hoa Kỳ các tổ chức tư nhân, các bác sĩ ngoại quốc và Việt Nam đã lần lượt tổ chcừ các chuyến ra khơi cứu người vượt biển. Phong trào này đã tạo ra nhiều hy vọng và đã cứu được hàng ngàn thuyền nhân trên biển Ðông. Một cuộc biểu tình thắp nến trước Bạch Cung đã được tổng thống Carter đáp ứng và ra lệnh cho đệ thất hạm đội tiếp tay cứu thuyền nhân vượt biển.

       

13. Biện pháp mới.

        Cuối thập niên 80 các đợt sóng thuyền nhân mới gia tăng khi các nước cắt bớt cấp khoản định cư. Các trại tị nạn Ðông Nam Á trở thành ứ đọng. Các quốc gia Biển Ðông quyết định một ngày định mệnh, đó là ngày 14/3/1989. Thuyền nhân đến trại sau ngày 14/3/1989 sẽ bị thanh lọc. Và chữ thanh lọc- “đậu hay xù” trở thành ngôn ngữ của thuyền nhân trên đảo, đã lấy đi biết bao máu, mồ hôi và nước mắt của dân Việt trên Biển Ðông.

       

14. Vấn đề con lai, Ameriasian Home Coming Act 1987.

        Người Mỹ đã bắt đầu tìm đến di sản chiến tranh của chiến binh Hoa Kỳ đã để lại Việt Nam và mở rộng vòng tay đón nhận 25,000 hồ sơ con lai với gia đình thân quyến tổng cộng 100,000 người.

       

15. Cựu tù chính trị.

        Ngày 30/7/1989 Hoa Kỳ và Việt Nam ký thỏa hiệp để cho cựu tù chính trị ra đi có trật tự cùng gia đình. Chiến dịch này đã gia tăng ODP lên đến 86,451 người riêng vào năm 1991 gồm cả 21,500 cựu tù chính trị và 18,000 con lai.

        Thoả ước Việt Mỹ về tù chính trị đã mở cửa trại tù cải tạo cho 109,000 chiến hữu VNCH trở về với gia đình và một số lớ đã làm giấy tờ xin định cư tại Hoa Kỳ.

       

16. Cưỡng bách hồi hương.

        Bắt đầu từ 1989, từ thanh lọc bị loại, Phủ Cao Ủy và các quốc gia Ðông Nam Á phối hợp với chính quyền cộng sản Việt Nam bắt đầu cho cưỡng bách hồi hương. Hàng trăm cuộc biểu tình tuyệt thực tổ chức tại các trại và nhiều người tự tử hay tự gây thương tích để phản đối.

       

17. Tự nguyện hồi hương.

        Một chương trình của Liên Hiệp Quốc là khích lệ thuyền nhân ở trại tự nguyện hồi hương. Con số này đã lên đến 56,000 người. Mỗi gia đình được lãnh từ 300 Mỹ kim đến nhiều nhất là $20,000 Mỹ Kim làm vốn tái định cư. Thành phần tự nguyện hồi hương sau đó đã có cơ hội xin đi Hoa Kỳ và có một số lớn hiện đã qua Mỹ.

       

18. Trẻ em tị nạn.

        Trong số hàng trăm ngàn dân tị nạn đã có nhiều trẻ em không có thân nhân. Một thể thức đặc biệt đã được áp dụng và sau này hàng ngàn trẻ em không có thân nhân hay cha mẹ chết trên đường vượt biên đã được định cư tại Hoa Kỳ do các gia đình bảo trợ.

       

19. Các con số thống kê.

        Tổng kết từ năm 1975 đến 1995 con số thuyền nhân Việt Nam đã đến trại tị nạn là 796,310 người và tị nạn qua đường bộ là 42,918 người.

        Trong số này đã có 822,977 người định cư tại Hoa Kỳ và 2 quốc gia UÔc và Canada, có đồng đều mỗi nước có 137,000 thuyền nhân tị nạn.

        Có thể nói là cứ hai người tị nạn tại Hoa Kỳ đã có 1 người nếm mùi gia khổ trên biển đông tại các trại tị nạn.

       

20. Thuyền nhân tật nguyền.

        Các quốc gia nhỏ bé nhưng đầy tình nhân đạo như Thụy Sĩ, Thụy Ðiển đã cử phái đoàn đến chỉ nhận bảo trợ cho các gia đình thuyền nhân tật nguyền, các trẻ em bất hạnh chậm lớn. Những thành phần bất hạnh, vô thừa nhận của thảm kịch biển Ðông đã vui mừng chứa chan hạnh phúc khi được bồng bế nhau đi định cư ở Tây Âu gồm cả xe lăn và nhiều người nằm trên cáng trên đường đến xứ tự do.

       

                                                               

                                                          Tàu Cam Ranh. dài 35 foot chở 35 người. Sau 10 ngày vượt biển được tàu chiến

                                                          của Hoa Kỳ vớt ngày 15-05-84 ngoài khơi Ðông Bắc Cam Ranh 350 miles. tất cả

                                                          định cư tại Mỹ. Tàu Cam Ranh sau khi vớt người đã được phá hủy trên biển Ðông

 

21. Ðợt sóng cuối cùng.

        Câu chuyện thuyền nhân tại Phi Luật Tân được coi như đợt sóng cuối cùng. Trong khi tất cả các trại tỵ nạn Ðông Nam Á đóng cửa thì chỉ còn lại câu chuyện về các thuyền nhân tại Phi Luật Tân. Trải qua các đợt cưỡng bách hồi hương, tình nguyện hồi hương, sau cùng trại Palowan của Phi đóng cửa năm 1997.

        Hàng ngàn người Việt tỵ nạn tại Phi được giáo hội Thiên Chúa nhận định cư và thành lập Làng Việt Nam. Hàng triệu Mỹ kim của đồng hương trên thế giới quyên góp để xây dựng cho một quê hương Việt trên đất Phi. Kế hoạch không thành vì nhu cầu sinh kế người Việt tỵ nạn phải phân tán kiếm sống trên đất Phi. Dân làng ở lại rất ít.

        Hồ sơ tỵ nạn đợt cuối cùng bàn giao từ thế kỷ 20 qua thế kỷ 21. Sau cùng nhờ sự đấu tranh bền bỉ của một luật sư trẻ gốc Việt từ bên Úc tên là Trịnh Hội, Hoa Kỳ bắt đầu nhận phần còn lại vào Mỹ. Sau 18 năm chờ đợi, các gia đình tỵ nạn đã tới Mỹ tháng 10 năm 2005.

        Bốn năm trước, với đợt thuyền nhân cuối cùng đến Mỹ từ Phi Luật Tân để chào mừng Thanksgiving năm 2005 tại Hoa Kỳ, một trang sử tỵ nạn Việt Nam chính thức đóng lại. Chúng ta ước mong sẽ khép lại được một quá khứ đau buồn và cùng cầu nguyện cho một tương lai tốt đẹp hơn cho một thế giới không còn tỵ nạn. Chẳng biết đến bao giờ.

Giao Chỉ , San Jose 2009

**************************************************************************

      

 

Ghi chú: Những con tàu lịch sử.

Tàu Tự Do ra đi từ Phú Quốc chở 39 người, tháng 9-1977, vượt qua vịnh Thái Lan và đến Mã Lai. Ðược tiếp tế rồi đi tiếp với phương tiện rất giới hạn đã đến Darwin, Úc Châu tháng 11-1977, vượt trên 6,000 miles. Tàu Tự Do hiện thuộc về viện bảo tàng hàng hải của Úc.

Tàu Cam Ranh. dài 35 foot chở 35 người. Sau 10 ngày vượt biển được tàu chiến của Hoa Kỳ vớt ngày

15-05-84 ngoài khơi Ðông Bắc Cam Ranh 350 miles. tất cả định cư tại Mỹ. Tàu Cam Ranh sau khi vớt người đã được phá hủy trên biển Ðông.