Văn

Đông A : Hương Ngọc Lan và Định Kiến

Hương Ngọc Lan và Định Kiến

Hương Ngọc Lan và Định Kiến Hồi bé tôi thường được nghe câu ca dao « Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An ». Tôi được nghe giải thích rằng nó tượng trưng cho nếp sống người Hà Nội, thanh cao mà dịu dàng như hoa nhài. Tôi thích hoa ngọc lan hơn, dù hoa nhài cũng thơm một cách rất dễ chịu và khó quên. Tuy vậy mỗi khi nghe câu ca trên, tôi luôn cảm thấy bị dị ứng. Trước hết là vì khen lối sống của người Hà Nội, mà lại nói Tràng An, kinh đô cũ của nước Tầu: thật là vô lý. Giử thử nói câu này khen người Trung Quốc ở Tràng An lịch sự, thì dù rằng chẳng biết đúng sai, ít ra còn có thể thông cảm về mặt ngữ nghĩa. Đằng này, viết Tràng An mà lại bảo Hà Nội vì « cùng là kinh đô », thì quả là một sự nhập nhằng, thậm chí một sự nhận vơ đáng xấu hổ. Huống hồ, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tôi thấy đây chỉ là một định kiến vì người Hà Nội không luôn thanh lịch như lời ca dao dẫn.

Nếu nói đúng, phải nói là người Hà Nội có những nét thanh lịch không thể phủ nhận, nhưng cũng còn có nhiều thứ khác, khá lủng củng và đôi khi không thể giải thích. Để dẫn chứng, mời bạn đi dạo chợ Đồng Xuân từ khu ba mươi sáu phố phường. Tôi tin bạn sẽ phải dựng tóc gáy vì văn hóa chợ búa ở đây. Mua hàng bị cân thiếu và được ăn chửi là chuyện bình thường. Mà đã lăng mạ nhau thì rất lắm khi giữa cả người bán lẫn người mua. Thời kỳ bao cấp, cứ chỗ nào có vui chơi là có ăn trộm tụ tập, nổi tiếng nhất tại Bờ Hồ và vườn hoa Giám. Ngày hôm nay Bờ Hồ đã được « giải phóng », vườn hoa Giám được quy hoạch khang trang thành khu Văn miếu, nhưng vô số tệ nạn khác lại phát sinh ở khắp nơi. Các công viên buổi đêm vẫn là những tụ điểm của xì ke, nghiện hút, những người không lương thiện. Các con đường vẫn là những nơi xả rác vô tư, và các bờ hồ buổi tối bị biến thành những « chợ tình » bất đắc dĩ. Với tôi, Hà Nội đã và luôn là nơi chất chứa của vô số các tầng văn hóa, từ vô công rồi nghề, đến chợ búa, tiểu thương, hàn lâm, học sỹ. Nó chưa bao giờ thể hiện một sự thanh lịch tinh khiết, nhưng cũng không thể vì thế mà có thể đánh đồng nó với một thói xấu hoàn toàn. Tuy tồn tại và có thể cảm nhận được, nhưng nếp sống Hà Nội chỉ là một khái niệm không định hình. Khái niệm ấy vẫn bị tha hồ nhào nặn để người ta có thể chê bai hoặc khen khống nó, tùy theo tâm lý người nói chuyện với mình. Ôi, thành phố của tôi, thủ đô ngàn năm văn hiến.

Những người có đủ dũng cảm để viết ôn hòa về những thói xấu của Hà Nội vẫn là rất hiếm. Thông tin về Hà Nội luôn nằm giữa hai thái cực. Một bên là những bài văn lung linh hoành tráng mà trong đó Hà Nội hiện lên với những nét mờ ảo thiêng liêng, hào hùng, không đợm tì vết. Bên kia là vô số những tin vặt, tin giật gân, tin 3 dòng viết về những tệ nạn thành phố. Trong những mẩu tin này, chẳng ai nêu đích danh Hà Nội, chẳng ai dám gắn nó với nếp sống người Hà Nội, tất cả đều là tự hiểu. Tệ hơn nữa, có thể bắt gặp cả những lời chê bai cũng đầy định kiến của những người không sống tại Hà Nội. Nhưng để hiểu Hà Nội, và yêu nó, cần phải biết vứt bỏ các định kiến.

Dẫu không phải là người Hà Nội gốc, nhưng tôi vẫn thích mùi ngọc lan, hương thơm dịu dàng rất dễ chịu, khó quên mà hồi bé tôi vẫn được nghe giải thích là trượng trưng cho Hà Nội, nếp sống người Hà Nội thanh lịch, cũng giống như hoa nhài. Thật khó cho một đứa trẻ như tôi hình dung được nếp sống thanh tao ấy.

Nhưng lớn lên rồi, tôi vẫn không tài nào định hình được nét thanh lịch trong dòng ngỗn ngang đủ thứ tạp nhàng của Hà Nội hôm nay. Nếp sống người Hà Nội mang đầy chê bai, định kiến, từ chính những người ngược xuôi trong lòng Hà Nội và cả những người không ở Hà Nội.

Cố công tìm hiểu bề dày lịch sử của Hà Nội để hiểu thêm về nếp sống người Hà Nội, để định nghĩa được thế nào người Hà Nội, và rộng hơn là để biết điều gì làm nên văn hóa Nội thành, tôi chợt nhận ra rằng khái niệm nếp sống Hà Nội là một điều bí ẩn vì thiếu cơ sở lịch sử minh chứng, biến nét thanh lịch của người Hà Nội xưa thành một danh tiếng hầu như không được chứng thực mà chỉ được lan truyền ; và như thế, tạo nên định kiến đối với những người di cư vào Hà Nội đang làm nên Hà Nội. Và một nguy cơ to lớn là văn hóa Hà Nội đang có khuynh hướng trở thành một thứ tạp pí lù, bao trùm khắp to nhỏ.

Tôi muốn tin là Hà Nội thanh lịch. Tôi muốn Hà Nội trở nên thanh lịch…(*)
***
Hà Nội có một bề dày lịch sử mà không phải ai cũng cố công tìm hiểu. Do đó nếu nhận xét nó mà không đặt vào một cái nhìn bao quát lịch sử, thì nhầm lẫn sẽ là chuyện thường tình. Là thủ đô được vinh danh rồng bay thời vua Lý, là nơi thành không nhà trống chống quân Nguyên thời Trần, là nơi phế đô bị quên lãng ngắn ngủi đời nhà Hồ, rồi là nơi hội tụ hiền tài và tinh hoa đời vua Lê, Hà Nội đã ghi lại những biến động lịch sử lớn nhất của nước Việt. Đây là nơi hoàng đế Quang Trung đã đánh tan hơn hai mươi vạn quân Tàu, dạy cho chúng biết nước Nam là có chủ. Đây cũng là nơi Hoàng Diệu tử tiết, đánh dấu cho việc người Pháp thôn tính Việt Nam làm thuộc địa kéo dài suốt 80 năm. Hà Nội đã không ngừng thay đổi, kh&oc
irc;ng ngừng được xây dựng và phát triển. Nếu như nền văn hiến được thật sự đánh dấu bằng việc mở Quốc tử giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nét thanh lịch của người dân được dần dần quy tắc hóa trong suốt nhiều thế kỷ sau đó để trở thành môt tập hợp các cách ứng xử trong cuộc sống hàng ngày. Đó, trước hết, là đạo đức của sự hiếu học và văn hóa tôn trọng người thầy, được rèn rũa trong tiến trình văn minh của Hà Nội. Tôi vẫn nghe kể, và chính mình đã được học những quy tắc lễ nghi gia giáo. Phải lễ phép với người lớn, phải vâng dạ rõ ràng, đi đâu phải chào hỏi, khách đến nhà phải mời ngồi, mời nước …vân vân và vân vân.


Tập hợp các quy tắc này hẳn đã phải chịu thất lạc và thay đổi để thích ứng với các giao đoạn lịch sử. Cũng như địa giới hay dân số, nếp sống ở Hà Nội luôn thay đổi và không phải bao giờ cũng nằm trong khuôn thanh lịch. Do đó nói người Hà Nội thanh lịch có nguy cơ gặp phải hai lần lỗi. Lỗi thứ nhất là vì Hà Nội không hề là duy nhất, trước sau như một. Nó luôn là nó mà lại không phải là nó. Cũng như thế, thành phần dân số nơi đây luôn biến động. Vì thế khái niệm người Hà Nội cũng còn là một khái niệm mập mờ và không được nắm bắt kỹ lưỡng. Không hề có người Hà Nội chuẩn mực. Lỗi thứ hai là vì những người sống tại Hà Nội cũng không hoàn toàn thanh lịch, mà cũng còn có vô số thói hư tật xấu khác. Kết quả của hai yếu tố này là ta hoàn toàn có thể:

a. bị sốc vì người Hà Nội không thanh lịch, đơn giản vì trót có định kiến họ thanh lịch và,

b. khen người Hà Nội thanh lịch mà không biết rằng họ chưa chắc đã là « người Hà Nội » theo cách hiểu đơn phương và chủ quan của chính mình.

Câu hỏi được đặt ra là cần xác định Hà Nội như thế nào, để sau đó xác định thế nào là người Hà Nội ? Để có thể trả lời, chúng ta cần biết hai yếu tố. Thứ nhất là không gian địa lý của Hà Nội. Trong suốt thời gian tồn tại của mình, đô thị Hà Nội không ngừng được xây dựng, được thay đổi. Quá trình đô thị hóa lan dần từ hoàng thành, trung tâm Hà Nội ra các không gian sản xuất và trao đổi xung quanh, biến chúng thành các khu dân cư. Từ đó hình thành bộ mặt của thành phố. Cho đến tận cuối thế kỷ XIX, Hà Nội vẫn rất ít được xây dựng và bao gồm vô số các làng cổ. Xác định được không gian sống của người Hà Nội là điều không hề đơn giản. Thứ hai là phải dùng đối tượng dân cư nào để xác định người Hà Nội ? Liệu chỉ có thể tính những người dân đã sống tại đây từ nhiều đời, hay có thể tính cả những cư dân từ nơi khác dời đến đây sống ?

Trước hết hãy nói về yếu tố địa lý. Một thói quen thường thấy khi nói về Hà Nội cổ xưa, là dẫn chiếu đến khu 36 phố phường, khu hoàng thành, và Hồ Gươm, nghĩa là không tính các khu sản xuất. Chúng ta biết rằng sau khi được khai sinh, Thăng Long vươn ra từ các khu phụ cận với hoàng thành. Giảng võ đường, là nơi huấn luyện võ nghệ cho binh sỹ, Quốc tử giám, là trường đại học đầu tiên của Việt nam. Bản đồ 1 (trang 69, Papin). Ngày hôm nay, Hà Nội cổ ở mức ấy chỉ còn là vết tích các công trình xây dựng cũ: một mảnh tường thành cửa Bắc, cổng Ô Quan Chưởng, và rùa đá ở Văn Miếu. Khu hoàng thành cũ bị sử dụng làm là doanh trại quân đội. Hồ Gươm và 36 phố phường vẫn còn đó, nhưng bị biến thành những khu buôn bán và du lịch. Nhà cửa chật hẹp, cổ lỗ, các điều kiện vệ sinh và điện nước không đảm bảo một không gian sống. Nếu dừng lại ở giới hạn công trình xây dựng, thì Hà Nội quả là quá nhỏ hẹp. Nó chỉ là sự tập hợp của một nhúm người sống trong những địa điểm có chiều dày kiến trúc lịch sử. Khó lòng có thể tưởng tượng được nếp sống của họ thanh lịch như hoa nhài, và nhất là liệu có thể chấp nhận họ là đại diện cho những người Hà Nội gốc ?

Một khuynh hướng thứ hai là dẫn chiếu đến Hà Nội bao gồm tất cả các khu kiến trúc nói trên, và thêm vào đó Hồ Tây và các làng cổ phụ cận phục vụ sản xuất hàng hóa sinh hoạt thiết yếu. Đây hẳn phải là một cách dẫn chiếu hợp lý nhất vì nó làm cho đô thị (agglomeration) hiện hữu một cách tự thân đầy đủ. Đây cũng là cách dẫn chiếu được các nhà quy hoạch hiện đại sử dụng nhiều nhất, theo đó một đô thị có thể bao gồm thành phố trung tâm và các không gian kinh tế và không gian sống phụ thuộc vào nó. Các không gian này cung cấp hàng hóa, dịch vụ và sức lao động cho khu vực trung tâm.

Nếu sử dụng cách dẫn chiếu này thì Hà Nội sẽ bao gồm tất cả các làng cổ và làng nghề thủ công. Bản đồ của người Pháp vẽ Hà Nội vào thế kỷ XVIII, cuối thế kỷ XIX cho thấy các làng này còn chiếm một phần rất lớn địa giới của Hà Nội. Ngoài khu 36 phố phường, Hà Nội sẽ bao gồm lên các làng hoa ở Ngọc Hà, Quảng Bá, làng đào ở Nhật Tân, các làng mai ngày nay không còn tồn tại nhưng dễ dàng được nhận ra nhờ tên gọi cũ : Bạch Mai, Hoàng Mai, Mai Động…, các làng trồng rau ở Láng, làm giấy ở Yên Thái, Cầu giấy, làm lụa ở Nghi Tàm, đúc đồng Ngũ Xã. Nếu đi xa hơn nữa, ra hẳn ngoài ranh giới chính thức của nội đô, ta có thể tìm thấy ở Bát Tràng, Thanh Trì, Định Công, Vạn Phúc, Ngọc Hồi, dấu tích các làng cổ khác. Sự hình thành các làng cổ này tương ứng với thời điểm mà Hà Nội trở thành một điểm giao thương lớn của cả nước, nguồn gốc của cái tên Kẻ Chợ.

Khó khăn lớn nhất ở đây là phải biết liệu các làng này có tồn tại như những quần thể tương đối độc lập ? hay bị hòa nhập với toàn bộ Hà Nội như là một bộ phận của đô thị ? Nghĩa là nếu tính các làng cổ này, thì phải chỉ ra được chúng là những làng nào? được coi là Hà Nội từ những thời điểm nào ? Thời gian đã xóa nhòa rất nhiều thứ. Ngày hôm nay Nghi Tàm không còn dệt lụa, Giảng Võ không còn dạy võ, Ngọc Hà không còn trồng hoa. Đấy là chưa kể các làng nghề khác ở xa hơn chỉ trở thành một phần Hà Nội rất lâu sau này. Bao nhiêu người liệu có thể nói được các làng cổ cổ đến mức nào ? Tự bao giờ chúng là một phần chính thức của Hà Nội? Đến khi nào chúng không còn giữ những chức năng ban đầu của mình – Nghi Tàm thôi dệt lụa, Giảng võ ngừng thao luyện và Ngọc Hà hết đất trồng hoa ? Vào những thời điểm đó, những người sống tại các làng này đến từ đâu ? và có được coi là người Hà Nội hay không ? Sự thiếu vắng cơ sở xác định những yếu tố trên đã góp phần biến khái niệm nếp sống Hà Nội trở thành một điều bí ẩn, và biến nét thanh lịch của người Hà Nội xưa thành một danh tiếng hầu như không được chứng thực mà chỉ được lan truyền.

Một điều có thể chắc chắn là nếu tính những làng cổ, thì số dân trồng hoa, trồng rau và làm thủ công phải lớn hơn nhiều lần số người thanh lịch biết uống trà thưởng hoa thanh nhã. Điều này thiết tưởng cũng không lấy gì làm lạ vì về bản chất, Việt Nam là một đất nước nông nghiệp. Trong quá khứ, Hà Nội có thể đã là một nơi đô thị sầm uất hơn hẳn nơi khác, nhưng tránh khỏi nếp sống nông nghiệp là điều không thể. Đành rằng các làng trồng hoa không hẳn đã là nông dân như người kéo cày trồng lúa, nhưng cũng không vì thế mà không có sự nhọc nhằn vất vả. Sự vất vả của nghề nông có lẽ chính là một nguyên nhân đã làm biến mất nghề trồng hoa ở nội đô. Nhìn từ góc độ xã hội và với sự tôn trọng rất lớn những nghề nghiệp này, người ta không thể không nghi ngờ hai chữ thanh lịch khi chúng đại diện cho người Hà Nội. Đấy là chưa kể sự phát triển của chợ sẽ kèm theo sự ra đời của những hệ lụy không hay như rác rưởi bừa bãi, và các tệ nạn như cò con, lừa đảo, và trộm cướp.

Vũ Trung tùy bút của Phạm Đình Hổ có một đoạn rất thú vị viết về nạn lừa đảo và trộm cướp, xin được trích dẫn ở đây. « Phường Diên Hưng (Hàng Ngang) và phường Đồng Lạc (Hàng Đào) là nơi phố hàng áo, bán các thứ tơ lụa vóc nhiễu rất nhiều. Phiên chợ là những ngày: mồng một, mồng sáu, mười một, mười bốn, rằm, hai mươi mốt, hai mươi sáu, ba mươi. Phiên chợ phường Bạch Mã (Hàng Buồm) cũng là một chỗ buôn bán rất huyên náo. Những quân trộm cắp hay thừa cơ cướp giật, có khi thò tay vào túi người ta móc lấy hết cả. Có khi chúng cố ý làm cho ồn ào, đổ xô nhau mà chạy để rồi cắp bọc áo người ta, hoặc khuân đồ vật hàng hóa. Có khi chúng huyên truyền là voi lồng ngựa sổ để các người chợ búa và người đi đường xô nhau chạy, hàng hóa đồ vật vứt bừa bãi; lúc biết là chúng huyên truyền láo thì quân kẻ cắp đã phỗng hết cả rồi. Một hôm, ở phường Đông Các (Hàng Bạc) có một bà lớn đi võng mành mành cánh sáo, đầy tớ lính hầu rậm rịch, đến trước cửa một nhà hàng bạc, truyền thị tỳ dừng võng lại để hỏi mua mấy chục nén bạc. Mà cả giá chưa xong, bà lớn ngồi trên võng truyền vú già hãy cầm chục nén bạc đem về dinh, trình quan lớn xem qua, sẽ định giá. Chủ nhà hàng cũng không ngờ gì. Một lát, thị tì và lính hầu lẻn dần đi hết, hai tên lính khiêng võng cũng cút mất. Trời đã gần tối, chờ mãi chẳng thấy người vú gi
à cầm bạc trở lại, nhà chủ mới đến trước võng hỏi bà lớn để đòi bạc. Mở mành mành xem thì té ra là một mụ lão ăn mày, mù cả hai mát, mặc áo nhiễu điều, ngồi chễm chệ trong võng, mơ màng không biết nói ra sao. Nhà chủ cho đi tìm hết mọi nơi, không còn thấy tăm hơi đâu cả, chỉ bắt được có cái võng cũ nát, giá không đáng mấy quan tiền. Ấy, những lối ăn cắp lừa dối như thế rất nhiều, không thể kể hết được. Cái tài giỏi của kẻ gian cũng lắm lối rất buồn cười, xem thế đủ hiểu cái thịnh suy của đời thăng bình vậy ».


Ngày hôm nay, việc xác định Hà Nội chỉ còn có thể dựa vào tiêu chí cuối cùng là mốc địa giới của Nhà nước. Vấn đề là tiêu chí này chỉ làm việc nhận chân nếp sống Hà Nội là càng không thể. Trước kia, Đống Đa hoàn toàn là nơi ngoại ô (nằm ngoài cửa ô), hôm nay là một quận đông dân nhất thành phố. Sóc sơn, Gia Lâm trước là ngoại tỉnh, nay đã là những huyện ngoại thành. Và Hà Nội sẽ còn phải mở rộng nhiều để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của quốc gia. Khi chính phủ vừa quyết định đưa địa giới Hà Nội về Hà Tây và Hòa Bình, liệu chúng ta đã sẵn sàng để coi người dân những vùng này là người Hà Nội? Nếp sống Hà Nội càng lúc càng trở thành một khái niệm không thuần nhất. Bạn đọc xin đừng cho rằng tôi phê phán điều đó. Tôi chỉ muốn nói rằng không hề có một nếp sống thuần Hà Nội để có thể gọi nó là thanh lịch. Xin đừng quên Hòa Bình và Hà Tây cũng có những nét văn hóa riêng, và dù tốt, dù xấu trong mắt nhiều người, những luồng văn hóa này chưa chắc đã cần phải gắn mác Hà Nội để có thể tồn tại.

« Thời gian đã xóa nhòa rất nhiều thứ. Ngày nay Nghi Tàm không còn dệt lụa, Giảng Võ không còn dạy võ, Ngọc Hà không còn trồng hoa. »

Bây giờ xin đề cập đến yếu tố dân số. Dân số Hà Nội vào ngày tiếp quản thủ đô là 53,000 người, vào năm 1990 là 2,6 triệu người, vào năm 2009 là hơn 6 triệu người. Số chênh lệnh di dân hơn 10 000% đó đã làm nên sự thịnh vượng của thủ đô. Họ từ đâu đến ? Từ một vùng quê nào đó của nước Việt. Họ có phải người Hà Nội không ? Làm sao có thể nói không khi cuộc sống của họ gắn liền với cuộc sống của thủ đô ? Những con số này buộc chúng ta phải nghi vấn khái niệm người Hà Nội ? phải là người Hà Nội gốc ư ? Hay chỉ cần sống một thời gian đủ dài tại Hà Nội. Tôi ngả về tiêu chí thứ hai bởi vì lịch sử của Hà Nội là lịch sử của sự hội tụ. Những người đã làm nên Hà Nội đâu phải đều là người Hà Nội. Lịch sử của mảnh đất này được viết nên bằng máu của tất cả những người đã gìn giữ nó, và gìn giữ đất nước. Đó là những anh hùng dân tộc như Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương. Hay những danh nhân như Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Lương Văn Can. Trong số này, không có ai là người Hà Nội « gốc ».

Suy nghĩ rằng người Hà Nội thanh lịch phải là người xuất thân từ phố cổ và làng cổ, cứ như thể chỉ những nơi Hương Ngọc Lan và Định Kiến này mới là chuẩn mực cho một nếp sống Hà Nội, như vậy rõ ràng không có tính thuyết phục xã hội. Có người nói muốn biết có phải người Hà Nội gốc hay không, phải xem gốc gác 3 đời. Theo tiêu chí này nếu đời ông bà là người Hà Nội, bố mẹ là người Hà Nội, và bạn sinh ra lớn lên ở Hà Nội, thì mới được tính là người Hà Nội. Đây quả là một kiểu phân loại lố bịnh và đầy ý niệm giai cấp, được lịch sử phong kiến để lại. Ông bà ngoại tôi là người Hải Dương, ông bà nội tôi ở Nam Định, mẹ tôi sinh ở Hà Giang và bố tôi ở Thái Lan. Sinh ra tại Hà Nội, nếu tôi không phải người Hà Nội thì sẽ là người ở đâu bây giờ?

Ở Hà Nội còn có bao nhiêu người vô danh không thể « đếm mặt, đặt tên ». Đó là những người bán hoa, bán hàng rong, bán quà sáng, những em bé đánh giày, bán báo, những anh xe ôm, đạp xích lô. Họ không phải người Hà Nội ư ? Cũng có thể. Vấn đề là một khi cuộc đời họ đã gắn bó với Hà Nội, nếp sống của họ sẽ hòa vào dòng chảy văn hóa nơi đây. Vì sao chối bỏ nó, vì sao ruồng rẫy nó ? Nếu thiếu nó thì Hà Nội cũng đâu còn là Hà Nội. Có hề hấn gì không khi ta không phải người Hà Nội gốc, nhưng hàng ngày vẫn sống cùng với nhịp đập của thành phố ?

Hà Nội, thành phố ở trong sông, cái tên ấy thật đẹp. Nhưng ngày hôm nay, Hà Nội không còn là thành phố ở bên trong sông. Con sông Hồng bãi lở bãi bồi đã từ lâu rồi lọt vào tầm ngắm quy hoạch dự án xây dựng. Những vườn hoa đào đang mất dần, thay vào đấy là những dự án lấy đất làm chung cư và khu giải trí. Một nguy cơ to lớn là văn hóa Hà Nội đang có khuynh hướng trở thành một thứ tạp pí lù, bao trùm khắp to nhỏ. Nó sẽ phủ rộng từ nông nghiệp đến công nghiệp, từ doanh nghiệp đến tiểu thương, từ thất nghiệp đến văn phòng, từ ăn mày đến hàn lâm, nghệ sỹ. Nó đang bị biến trở thành một thứ văn hóa của siêu đô thị trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Nó trộn vào cuộc sống hiện đại sự du nhập của văn hóa tiêu thụ phương Tây, văn hóa hào nhoáng lòe loẹt của Trung Quốc, văn hóa gia phong khép kín của lịch sử, văn hóa chợ búa lừa đảo. Trong cái đống hỗn độn ấy của tắc đường, của chen lấn và khói bụi ấy, làm sao giữ được mùi hương ngọc lan? làm sao gìn giữ được những nét thanh lịch hào hoa mà chúng ta đang cố định hình ?
***

Tôi có quen một người Pháp đã giúp đỡ rất nhiều sinh viên Việt Nam du học tại Paris. Vốn sẵn máu phiêu lưu lại làm về quan hệ quốc tế nên ông đã có dịp đặt chân lên rất nhiều nơi trên thế giới. Thuộc týp người chỉ cần một balô trên vai và một chiếc máy ảnh trên cổ để đi từ những cánh đồng tuyết Siberi tới những đỉnh cao của dãy Himalaya, ông chụp rất nhiều ảnh. Ông đã cho tôi xem những bức ảnh của phố cổ Hà Nội những năm 1990, ngay đầu thời kỳ đổi mới. Ông có hơn 1500 bức ảnh chụp Hồ Gươm cũng vào cùng giai đoạn. Tôi thích lắm vì nó gợi lại cả một ký ức tuổi thơ khi tôi mới lớn, những thứ mà tôi đã được nhìn, nhưng chẳng bao giờ còn được nhìn lại. Ông thản nhiên nói với tôi rằng, Hà Nội là thành phố đẹp nhất châu Á không thể bàn cãi. Câu nói đó vô tình làm sống lại trong tôi tình yêu và kỷ niệm của quê hương. Tôi nhớ cái lạnh đầu đông Hà Nội. Tôi nhớ mùi hương ngọc lan. Tôi nhớ những con phố phủ đầy lá rụng trên vết rêu phong. Tôi nhớ chiều 30 Tết, tôi và em được cô đơn chiêm ngưỡng những vườn hoa đào bạt ngàn không bóng người ở Nhật Tân, những luống violet, hoa hồng, hoa cúc, hoa layơn muôn sắc. Cả Hà Nội đã bỏ trốn, để lại mình chúng tôi trên cánh đồng.

Tôi muốn tin là Hà Nội thanh lịch. Tôi muốn Hà Nội trở nên thanh lịch như Paris, London hay những thành phố lớn khác mà tôi đã đi qua. Nhưng tôi chán ngán với những sự thanh lịch giả dối. Kết cục của sự giả dối là sự pha trộn tạp nham những điệu bộ kịch cỡm, những cái bắt tay hững hờ và những ngôn ngữ cử chỉ trần trụi, vô học. Và tôi không muốn nhìn thấy một Hà Nội là con rồng cất cánh vật vờ thiếu bản sắc giữa một thế giới của quy luật tư bản đơn điệu. Những kiến trúc hào nhoáng, những trung tâm shopping liên hoàn, và những ngọn tháp chọc trời không biến sa mạc Arập Xêút thành nơi hội tụ văn hóa. Những cây phong, cây bàng, cây cơm nguội, những mái nhà rêu phủ, những cô gái xinh đẹp như hoa lan, nụ cười trong như nước, với tôi đấy mới là Hà Nội. Ở nơi đây một cành hoa mai trắng mong manh trong vườn, một nụ cười thân thiện, những tiến
g cám ơn giữa hai người không quen biết đã và đang biến mất dần. Làm thế nào để sống với Hà Nội mà không có những thứ đó ? Tôi chợt nghĩ đến một câu nói nổi tiếng mà không nhớ chính xác của ai: « Văn hóa là những gì học suốt đời vẫn không đủ. Văn hóa là những gì còn sót lại khi tất cả đã bị lãng quên ».

Đông A

http://vi.wikipedia.org/wiki/Hà_Nội
Vũ Trung tùy bút, Phạm Đình Hổ. Bản dịch của NXB văn học 1972
http://www.sachxua.net/forum/index.php?topic=74.0
– Lịch sử của Hà Nội, Philippe Papin – Trường Viễn đông Bác Cổ, NXB Fayard, 2001 (Nguyên văn : Histoire de Hanoi)
(*) lời dẫn do biên tập viên thêm vào.