Văn Thơ

Đọc Thơ Hoàng Song Liêm

Kính thưa quí vị,

Giới thiệu một tác phẩm thơ luôn luôn làm tôi bối rối. Bối rối vì người làm thơ nói lên cảm xúc rất riêng tư của mình  mà người đọc nhiều khi chỉ thấy thoáng qua, nên có thể không giới thiệu tới cái phần xâu xa của tác gỉa.  Khác với chính khách, thi sĩ không đại diện cho đám đông, không nhân danh quần chúng. Người làm thơ chỉ phát biểu cảm xúc của riêng mình, với cảm quan rất cá biệt. Nói như nhà thơ Nguyễn Đức Sơn: “thơ là những gì phức biệt có riêng tôi”. Chính với cái cá biệt đó thi sĩ đã dựng lên một thế giới của riêng mình.  Trong thế giới riêng đó thiên nhiên đột nhiên có sức sống, có mầu sắc, có hương vị riêng mà chỉ thi sĩ nghe thấy nhìn thấy ngửi thấy.  

Với người không làm thơ buồn vui không liên quan tới mưa nắng. Chẳng hạn trời mưa chỉ nghe tiếng mưa rơi, nhưng nơi một người làm thơ như Huy Cận ông thấy cả sức nặng của bầu trời tạo nên cái buồn của mình:

Đêm mưa làm nhớ không gian

Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la

Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn

Ngược lại nơi Xuân Diệu, một tri kỷ của Huy Cận, thì cái buồn nó tới vì thi sĩ thấy trời nhẹ đi:

Hôm nay trời nhẹ lên cao

Tôi buồn không hiểu vì  sao tôi buồn

Cùng là nỗi buồn mà ngừơi thì thấy vì trời nặng, người thì thấy vì trời nhẹ. Hoàn toàn ngược chiều nhau. Thi sĩ là người đã tái tạo thiên nhiên như vậy. Chính cái cảm xúc khác biệt đó đã làm một người viết thành thi sĩ. Thi sĩ thấy và cảm những điều mà chỉ ông ta thấy và cảm mà người khác không thấy, không cảm.

Nhìn mây bay ta có thể nghĩ tới trời nắng hay sắp mưa, nhìn hoa nở ta thấy mùa xuân đang tới, nhưng ở Lý Bạch mấy trăm năm trước thì:

                               Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung

Nghĩa là nhìn mây bay ông nhớ tới xiêm áo tha thướt của nàng, nhìn hoa nở ông nhớ tới khuôn mặt diễm lệ của nàng. Những xúc động đó tới từ môt tâm hồn phong phú mà cũng rất riêng tư. Nhà thơ Joseph Brodsky, trong diễn văn nhận giải Nobel Văn Chương năm 1987 viết là: “Nếu nghệ thuật có dạy một cái gì cho nghệ sĩ thì đó chính là cái tính cách riêng tư của cuộc sống con người.” Ông nhận xét là người ta có thể chia sẻ nhiều thứ như bánh mì, chiếc giường, niềm tin nhưng không thể chia một bài thơ.

Chính vì cái rất đỗi tư riêng đó nhận xét về thơ luôn luôn là môt nghi vấn. May thay dù khởi đi từ cảm xúc riêng, bài thơ thành công luôn luôn truyền đạt đuợc tới người đọc cái cảm xúc của tác gỉa để người đọc cùng cảm cái rung động của tác gỉa. Từ một nỗi niềm tư để hòa vào một cái rất chung. Từ một cái riêng lẻ thành một cái rất tập thể.

Chính nhờ thế mà thơ trở thành phổ biến. Nó chuyên chở cái mà nhiều người cảm thấy nhưng không viết ra: tình yêu, nỗi nhớ nhung, mối hoài cảm v…v…. Băn khoăn, yêu vu vơ ở tuổi 20, dào dạt nỗi nhớ quê ở tuổi trưởng thành, ngậm ngùi với những hoài cảm khi xa quê hương. Thơ Hoàng Song Liêm là như vậy. Trong 100 trang thơ, từ những bài làm vào thập niên 50 tới những bài làm gần đây người đọc thấy tràn ngập tình yêu và nỗi nhớ nhung quê hương mà ông muốn truyền tới người đọc.

Rụt rè như:

Đo đắn phong thư gìn giữ mãi

Mong chờ hẹn dịp để trao đưa

Nhưng rồi e ấp tay dè dặt

Tha thiết bao nhiêu bấy hững hờ

Bâng khuâng như:

Hái bông hoa trong một vườn dị thảo

Ngát hương lòng ta gửi tặng riêng em

Em chẳng nhận cả trời sẩu não

Ta trở về ngồi đợi bóng trăng lên

Tập thơ gồm 46 bài tác gỉa sáng tác từ 1952 tới những năm gần đây. Sinh ra trong một đất nước chiến tranh, và chính ông là một sĩ quan đứng trên một chiến tuyến nhưng thơ ông không hề có dấu vết chiến tranh. Học Chu Van An từ 1948 tới 1954, rồi di cư vào Nam ông đồng hóa vào quân đội, làm trưởng ban biên tập cho Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Sau đó chuyển sang Không Quân phục vụ trong ngành cơ khí cho tới 1965 mới chuyển sang Tâm Lý Chiến, làm chủ bút cho báo Lý Tưởng của Không Quân.

Từ khi còn đi học ông đã làm thơ đăng báo. Ông cộng tác với báo Tia Sáng, Giác Ngộ, Hồ Gươm, Giang Sơn khi chưa tới 20 và nhiều bài thơ trong tập thơ ra mắt hôm nay ông đã sáng tác vào thời kỳ trên dưới 20 tuổi.

Chất liệu trong thơ của ông ở thời kỳ này là tâm sự của tuổi 20, có tình yêu, có viễn mơ:

Đò ơi Ta một kẻ phiêu linh

Trọn tuổi hoa mơ mộng viễn trình

Ghé bến đây rung chèo dật sóng

Cho cùng theo với kiếp lênh đênh

Cũng như mọi thanh niên cùng lứa tuổi, ông cũng nghĩ tới chiến tranh đang chờ đợi:

Ngày mai khói lửa ngụt sa trường

Thân dấn vào trong lớp súng gươm

Khí uất căm hờn say bóng nguyệt

Quên tình dứt đứt cả tơ vương

Nhưng những xúc động về chiến tranh chỉ thoáng qua, hầu hết thơ trong thời kỳ này là tình yêu.

Hơn một nửa sau tập thơ là nỗi nhớ:

Nhớ thời bạch diện áo thư sinh

Nhớ thủa hàn vi ước mộng lành

Nhớ thủa mắt trong tình mới chớm

Ngẩn ngơ mầu áo, áo ai xanh

Mặc dù có 20 năm quân ngũ, và trưởng thành trong giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, thơ Hoàng Song Liêm không hề mang một dấu vết chiến tranh hay hận thù. Thơ của ông không có bom đạn, không có lửa cháy, không có nước mắt. Có lẽ tình yêu chan chứa đã che đi những vết hằn của chiến tranh.

Nếu đọc thơ là để nghiêng tâm hồn mình xuống với kỷ niệm, đề những hoài cảm xôn xao trở về thì phần 2 trong thơ Hoàng Song Liêm đã đưa người đọc tới những hòai cảm đó.

Khi lưu vong mỗi người có một phản ứng khác nhau, có người chua xót, có người ngậm ngùi. Phần lớn là cay đắng vì đã bị bứt khỏi gốc rễ để đối diện với thử thách mới; xót xa vì bị đẩy khỏi thân quen để vật lộn với xa lạ. Thơ vì thế chua cay, bao phủ bởi những day dứt quê hương. Như thơ Cao Tần:

Mai mốt anh về có thằng túm hỏi

Mày qua bên Mỹ học được củ gì

Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi

Nói mày hay ông thượng đẳng culi

Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ

Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan

Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió

Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan

Nhưng dù với những đắng cay chất ngất, lòng nhung nhớ quê hương vẫn trán đầy đâu đó với những hình ành ngọt ngào:

Em hãy tìm về sau căn nhà cũ

Đứng bên rào mà ngó lại vườn xưa

Em nhớ nhé dưới tàn cây trứng cá

Những trái mọng hồng trong ánh nắng sau mưa

Với Hoàng Song Liêm người đọc không thấy cái cay đắng, cái hận thù của kẻ lưu đầy. Tràn ngập trong thơ ông là cái diụ dàng trong hoài niệm. Buồn đấy nhưng không là cái buồn chua xót, nhớ đấy nhưng không là cái nhớ đắng cay. Đó là những xúc động trước cảnh trí nơi quê người làm trạnh nhớ quê hương đất tổ:

Vầng trăng ai xẻ nửa

Chênh chếch mãi non đoài

Mây trời mây viễn xứ

Lòng ai thương nhớ ai?

Cũng như hầu hết những người xa quê hương trong cái lạnh nơi quê người ông nhớ lại những hình ảnh quê xưa,; nhưng những nhung nhớ đó không hằn học, không chua chát mà nhiều tình người:

Bên ấy mùa này đã lạnh chưa

Sầu nghiêng gối lẻ bóng trăng mờ

Tình xa một nửa tim còn thiếu

Thao thức năm canh giấc mộng chờ

Bên ấy giờ này qúa nửa đêm

Phòng riêng nệm ấm giấc mơ chìm

Hành tinh ai cắt làm hai mảnh

Chiều xế bên này bóng nhớ em

Và cùng với thời gian tăng, lòng tha thiết với quê càng tăng thêm, ta thấy thơ ông bàng bạc những cảm xúc về quê hương:

Ôi quê hương gợi nhớ thủa nào xa

Hong tuổi dại nghe lời ru của mẹ

Bài ca dao thuộc nằm lòng tấm bé

Thương cái cò lặn lội mãi bờ ao

Với tuổi thất thập mà vẫn sáng tác thơ, ông đã cho thấy cái tha thiết với thi ca với văn chương Việt Nam. Thông thường cái mất mát lớn trong văn chương khi xa quê hương là người viết mất đi cái sức sáng tạo mà khi trong còn trong nước rất dồi dào. Chúng ta có thề thấy hiện tương này phổ biến trong rất nhiều giới làm văn hoá Việt Nam. Vẽ không như xưa, viết không như xưa, làm nhạc không như xưa. Như cây trồng đất mới, rất ít bén rễ mới.

Sáng tạo và xuất bản trong điều kiện lưu vong là đã nuôi dưỡng dòng văn học Việt không những cho chúng ta, thế hệ ra đi đầu tiên, mà còn cho những thế hệ mai sau. Nước Nhật có một tục lệ là mỗi năm chọn mười bài thơ hay nhất sáng tác trong nước và ngoài nước để chính tác gỉa đọc thơ cho Nhật Hoàng trong một buổi lễ vào dịp Tết. Nhà văn Võ Phiến có nhắc tới Thi Sĩ Minoru Fujita một người sống lưu lạc ngoài nước Nhật từ nhỏ đã được chon. Đó là một trường hợp rất đặc biệt vì ông ta đã sống xa quê hương rất lâu, trở nên xa lạ với sinh hoạt trong nước. Có môt người tìm được một bài thơ ngắn của ông dịch sang tiếng Anh:

I no longer know

What they are saying

In my native land

But I know the flowers

Smell the same

Tạm phóng dịch: Quê hương cho dù biến đổi, và mình cho dù đã xa lạ với vấn đề của xã hội mới, ngôn ngữ mới, nhưng tôi biết nơi đó hoa vẫn tỏa một mùi thơm cũ, mùi hương đó mãi mãi không thay đổi.

Như vậy chừng nào hoa xưa vẫn tỏa mùi thơm cũ nhà thơ vẫn cảm đươc mùi hương xưa, chừng đó nhà thơ vẫn thấy gần gũi với quê hương, vẫn làm thơ với ngôn ngữ quê hương và vẫn được tán thưởng cho dù sống trong hay ngòai nước.

Xin cám ơn qúi vị.

ĐỌC THƠ  HOÀNG  SONG  LIÊM

HÀ  THƯỢNG  NHÂN

Hoàng Song Liêm  là  một  trong  những  con  người  di  tản  tương  đối  thành  công. Anh  là  một  Sĩ  quan  Không  Quân  cấp  Tá.  Cộng Sản  vào  Nam, anh  đã  sớm  đào  thoát  chạy  ra  nước  ngoài.Anh  không  bị  một  ngày  tù  như  phần  đông  những  người  bạn  cùng  trang  lứa với  anh. Sang đến  Hoa  Kỳ,anh  làm  ăn  khá  giả, con  cái  tương  đối  thành  công nhưng  lời  thơ anh  vẫn  u  uất  buồn :

           Tết  lạnh  quê  người  phai  sắc  áo

           Người  đi  nẻo  khuất  vẫn  chưa  về

           Nghiêng  bầu  lại  rót  mùi  cay  đắng

           Gió  lạnh  phòng  không  chẳng  liếp  che  !

 Không  có  liếp  nào  che  cả. Mới  biết  tấm  lòng  thương  quê  nhớ  nước  mãnh  liệt  đến  chừng  nào. Bỏ  nước  ra  đi  vì  anh  không  thể  sống  dưới  một  chế  độ  không  có  Tự  do,Dân  Chủ.Có  tự  do, Dân  chủ  rồi  nhưng  còn  một  cái  gì  đó  anh  không  có. Đó  là  quê hương. Quê  hương  không  phải  chỉ  là  song,là núi, là  mồ mả  ông  cha,là  họ  hang, làng  mạc. Quê  hương  lại  còn  là  những  làn  gió, những  ánh  trăng, những  cơn  mưa  gió  thất  thường, những  con  đường  lầy  lội, những  mái  rơm, mái  rạ, những  con  người  lầm  than, đói  khổ. Nó là  cuộc  đời, là  tuổi  trẻ của  chúng  ta. Là  tiếng  mẹ  ru, là  mùi  thơm  hoa  cau, hoa  bưởi, là  đêm  khuya tiếng  chiếc  mo  cau  rụng  ở  vườn  sau. Ôi  quê  hương !  Là  thứ  chúng  ta  không  thể  diễn  tả  bằng  lời nhưng  nỗi  mất  mát  quê  hương  vẫn  hiện  hữu   trong  chúng  ta  từng  giây, từng  phút.

Toàn  thể  tập  thơ  không  bài  nào  là  không  đề  cập  đến  quê  hương. Quê  hương  và  tuổi  trẻ. Quê  hương  và  thời  gian. Càng  về  già,chúng  ta  càng  quý  tuổi  trẻ,càng  ngậm  ngùi vì  thời  gian  qua  mau.

Dài  tay  năm  ngón  xanh  xao

Sầu mây  tóc  trắng chiêm  bao  nửa  vời.

Dài  tay  mười  ngón  tay  xuôi,

Sầu  đôi  hộc  mắt, môi  cười  ngẩn  ngơ.

Quẩn  quanh  năm  tháng  thừa  dư,

Gai  chông  nhọn  hoắt,chân dò  dẫm  đi.

“Sầu  đôi  hộc  mắt”hai  con  mắt  lõm  xuống  vì  đêm  không  ngủ  được vì sống  ở  đây không  thực  sự  là  sống. Sống  ở  đây  đối  với  người  chỉ  còn  có  nghĩa  là  tồn  tại….

Năm  cửa  ô  xưa  băm  sáu  phố

Xa  quê hương, nhất  là  quê  hương ấy  lại  là  Hà  Nội  thanh  lịch  thì  là  sao những  người  con  của  Hà  Nội  có  thể  quên  được  năm  cửa  ô, quên  được  Hà  Nội  băm  sáu  phố  phường.

Năm  1954, Mai  Thảo  bỏ  miền  Bắc  đã  viết  một  cuốn  truyện  thật  hay:” Đêm  giã  từ  Hà  Nội”. Hay vì  thực, vì  chân  thành. Nghệ  thuật  chỉ  làm  nên  những  bài  thơ, chỉ  tâm  hồn mới  là  thi  sĩ. Câu  nói  đó  của  một  thi  nhân  Pháp  viết  cách  đây  hàng  thế  kỷ  mà  muôn  đời  vẫn  đúng.

Tôi  nhớ  mãi  đến  Hoàng  Song  Liêm  những  ngày  mới  chập  chững  bước  vào  đời.Khi  ấy,chúng  tôi  còn  là  quân  nhân  trong  ngành  Tâm  Lý  Chiến.  Liêm  thì  ngoài  20, còn  tôi  ngoài  3  chục.  Liêm  còn  độc  thân ,  tôi  đã  có  ba  bốn  con. Chúng  tôi  gặp  nhau và  tự  nhiên  thấy  rất  gần  gũi, thân  thiết  với  nhau,vì  chúng  tôi  cùng  làm  thơ  và  cùng  yêu  thơ…

Phương  Nam  mù  mịt  trời  phương  Bắc,

Mây  trắng  giang  hồ , mây  viễn  phưong..

Tôi  biết  tại  sao  Liêm  lại  giao  cho  tôi  viết  mấy  lời  đầu  của  cuốn  sách. Vì  Liêm  cũng  như  tôi, chúng  tôi  thích  sự  chân  thành. Nếu  như  lối  viết  của  Vũ  Hoàng  Chưong, của  Huy  Cận  cổ  rồi  thì  làm  sao  chúng  ta  còn  thưởng  thức  được  Tản  Đà, còn  thưởng  thức  được  ca  dao. Hoá  ra  cuộc  sống  của  thi  ca  còn  ngắn  ngủi  hơn  cả  cuộc  sống  của  con  người  nữa  hay  sao ? Mới  không  phải  là  tìm  ra  lối  diễn  tả  kỳ  cuc. Mới  là  cách  nhìn  sự  vật. Nhiều  người  nhìn  mà  có  thấy  gì  đâu ? hang  nghìn  năm  trước,  Lý  Bạch  nhìn  trăng  và  nói  thế  này :

Nhân   phan  minh  nguyệt  bất  khả  đắc

Nguyệt  hành  khước  dữ  nhân  tương  tuỳ.

(Người  với  lên  trăng  thì  không  được,

(Nhưng người  đi  đâu  thì  trăng  theo  đó )

Hoặc:

Kim  nhân  bất  kiến  cổ  thì  nguyệt,

Kim  nguyệt  tằng  kinh  chiếu  cố  nhân.

Người  ngày  nay  không  thấy  trăng  ngày  xưa

( Nhưng ) trăng  ngày  nay  vẫn  thấy  người  ngày  xưa.

Kiếp  sống  của  con  người  thật  là  phù  du  so  với  cảnh  vật. Lý  Bạch  chỉ  nhìn  và  diễn  tả. Ông  không  cần  biện  luận. Cần  gì  phải  biện  luận. Chúng  ta  chỉ  đọc  cũng  đủ  thấm  thía  cho  cuộc  sống  ngắn  ngủi  của  kiếp  nhân  sinh.

Hoàng  Song  Liêm  năm  mươi  năm  rồi  anh  mới  lại  cho  tôi  đọc  thơ . Thơ anh  vẫn  trẻ  như  ngày  nào. Hình  dáng  chúng  ta  không  còn  như  xưa  nữa  nhưng  tinh  thần  chúng  ta  nào  có  gì  đổi  khác.

Tôi  mừng  cuộc  đời chưa  làm  tôi  mất  một  người  bạn, một  người  thơ.

HÀ  THƯỢNG  NHÂN

ÐỌC THI PHẨM CỦA HOÀNG SONG LIÊM,

MỘT NGƯỜI ANH TRONG LÀNG VĂN NGHỆ

Trần Tuấn Kiệt

          Có những người văn nghệ đã thành danh từ vài thập niên trước, nhưng vì hoàn cảnh lịch sử, cuộc đời họ đã một thời gian im lặng, hay sinh hoạt văn hóa ở một nơi xa xôi nào mà người trong nước không biết, đó là trường hợp anh Hoàng Song Liêm. Anh vừa cho xuất bản thi phẩm Hoàng Song Liêm, nhà xuất bản Văn Nghệ, đồng thời có riêng một ấn phẩm đặc biệt kèm theo để bạn thơ thưởng thức phần thơ riêng của anh. Tôi vốn thích cái gì riêng biệt không muốn ai đó kiểm duyệt mình nên vội đọc phần này trước.

          Thoạt đầu khiến ta chưa dở vội trang thơ trong vì khổ thơ và mẫu bìa vẽ một nàng thơ tuyệt vời màu sắc tươi thắm đậm tình dân tộc. Tôi nghĩ đó là một nét họa của Ðằng Giao. Quả nhiên, khi xem lại thì tranh của Ðằng Giao thật nhưng tôi cứ lớ ngớ tìm hoài không thấy tên họa sĩ, ngoại trừ bức chân dung sắc nét của anh ký tên là Toại 6/29/01 thế thôi. Anh Hoàng Song Liêm tỏ ra rất trân trọng với thơ mình từ việc chọn khổ in thơ, tranh và những trang giấy hoa đẹp vẽ những viền mây bao phủ và làm nền cho thơ bay trên đó.

          Tôi xin diễn sơ ngoại cảnh một chút. Tôi từ chỗ cô Nguyễn thị Hàm Anh về, hiện trời mưa như trút, trời đỏ như gạch son, những ngày cuối năm đầy mưa gió lạnh lùng ở Saigon. Cũng chính Hàm Anh trao cho tôi hai bản thơ quý của anh mà từ lâu rồi, tôi chưa thấy ai in thơ đẹp như thế. Tôi ra đóng chặt cửa trên gác lại, mưa ào ạt và sấm động liên hồi. Tôi vốn rất sợ sấm, hồi nhỏ ở quê tôi bị sét đánh hụt một lần, bà ngoại tôi bay chiếc  nón lá khi cùng tôi chạy qua cầu sắt Sa Ðéc. Vì thế sau này tôi rất sợ sấm chớp… Ðóng cửa lại, mặc cho mưa gào bên ngoài, trong căn gác vắng tôi ngồi đọc thơ Hoàng Song Liêm.

          Ðọc bài “Hoài Vọng” tôi nghe như có một chút gì khắc khoải, u hờn mặc dầu dấu vết thời gian đã đẩy đưa rất nhiều hư ảnh về quá khứ. Ngôn từ Việt, những chữ: đó, nọ, kia, mà… như âm vang của một tiếng đàn cổ reo lên trong thời đại này đem lại rất nhiều hoài  cảm thiêng liêng

          Lửa của lòng ta nay đã tắt

          Thôi nhắc làm chi những lúc xưa

          Những chiều mơ mộng rồi hoài vọng

Mà… bóng thời gian đã xóa mờ

Anh nói đến ngọn lửa, dù anh cho là đã tắt nhưng ta cảm thấy nó đang giục nhiều nỗi đời nung nấu trong thâm tâm nhà thơ… dễ gì đã tắt!

Bài “Hẹn” tiếp theo cho thấy một tay thơ đã chín, đã điêu luyện tự bao giờ với nghệ thuật thơ lục bát ngày xưa. Người ta thấy dòng thơ lục bát này đi từ Nguyễn Du, đến Huy Cận, đến Hoàng Trúc Ly, Hoài Khanh… Giòng lưu ly của thơ lục bát đã hòa với giòng sông lớn của thi ca Việt đem đến một tòa hoa gấm bền bỉ và bất tử. Sẽ có những người em tiếp theo đi trên những dòng lục bát sâu xa trường cửu đó mai sau.

Bây giờ hãy đọc:

Mai này… hẹn sẽ về thăm

Ô hay sao vẫn ruột tằm rối tơ?

Biển Ðông vẫn cách đôi bờ

Chân mây đã khuất lối xưa mịt mù

Hạ buồn tóc điểm sương thu

Ðầu non đá dựng bốn mùa miên đông

Mai này… biết có về không

Ðàn mê chợt rớt tiếng đồng lạnh tanh

Mộng thầm, gối mỏng chông chênh

Chân ai bước mỏi nẻo xanh, mai về

Khí thơ êm đềm lạnh đến hư không và miên viễn như một dòng thời gian bất tận khiến ta nhớ đến bài thơ của Lưu Trọng Lư, bài Quay Tơ. Các bạn quý thơ hãy đọc và chia xẻ nỗi ngậm ngùi với Hoàng Song Liêm trong cảnh “tà huân” của cuộc đời! Tuy cảnh tà huân, nhưng anh đã lưu lại cho người đời điệu thơ vừa trữ tình sầu mộng vừa lẫn hương vị siêu hình của luật trời: Sự tuần hoàn của Tạo hóa mà không một ai thoát khỏi kiếp người như thế cả. Tôi cho đấy là một bài thơ tuyệt đẹp, một bài lục bát hiếm hoi trong vườn thơ hiện đại.

Nhưng đâu phải chỉ một nỗi miên man đến chạnh lòng đó. Bài “Tổ quốc xa” đã mang lại một thứ tâm tình viết lịch sử như anh Nguyễn Mạnh Côn, anh Vũ Khắc Khoan độ nào. Nói đến Nguyễn Mạnh Côn tôi mạn phép mở ngoặc một chút về chuyện anh bị bỏ đói khát chết trong trại cải tạo, có người đồn là do Duyên Anh gây ra. Nhưng anh Nguyễn Quốc Ðịnh cũng là bạn văn chương ở chung với Duyên Anh và Nguyễn Mạnh Côn xác định rõ với tôi là việc đó không phải do Duyên Anh tạo ra. Vậy xin ghi vài lời để anh em ngoài cuộc rõ và giải mối oan tình cho Duyên Anh từ lâu nay (?!)

Vẫn niềm hoài cổ,vẫn khắc khoải với nước non – dù tóc đã bạc, gối đã mòn, tâm hồn vẫn còn rất nhiều lửa để hong ấm nỗi niềm nhớ thương về một thời Quốc gia rực rỡ- Thời đại lịch sử đôi khi lúc vơi rồi lại đầy. Lịch sử chân chính bao giờ vẫn tồn tại trong lòng người – Nhà thơ ơi! Không mất đi đâu cả! Cũng như như dòng lục bát của anh vẫn ngân nga trong thời gian đó vậy. Tôi nhớ tới thơ Vũ Hoàng Chuơng.

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Thời đại này, lịch sử trở mặt, lịch sử của bầy ngạ quỷ chỉ muốn ăn thịt đồng bào, nòi giống còn hơn gấp vạn lần thời của nhà thơ họ Vũ khi xưa.

Simon Veil bảo lịch sử có hai bề mặt. Bề mặt đen tối đang bủa vây khắp nơi khiến cho dù nhà thơ Hoàng Song Liêm đã mệt mỏi trên đường đời vẫn buông lời thơ như Bà Huyện Thanh Quan trong ThăngLong Thành Hoài Cổ. Người có ý thức tự do và yêu nước ai có thể thờ ơ được với nước non này. Vì thế mà trong thơ ông, chúng ta còn nghe rõ tiếng hờn uy linh của sông núi, của những chiến trường xưa và chiến binh anh hùng đã một thời trận mạc để bảo vệ đất nước, giang san trước bọn giặc thù. “Màu xanh” tưởng đâu thanh thoát, nhẹ nhàng, trẻ trung vui sướng. Ai ngờ lại ẩn rất nhiều tiếng vọng của non sông một thời.

Trời xanh xanh biển xanh xanh

Ðỉnh núi che nghiêng bóng cờ thành

Phần phật cờ bay mùi khói tỏa

Nghe rền trống trận thuở đao binh

Thoáng nhìn một bài thơ, ai chớ vì cái tựa mà hiểu lầm. Ðạo ẩn ư tiểu hành. Những ngụ ngôn và phản ngôn của thi ca chứa nhiều trong đó. Màu Xanh!

Dầu sao nhà thơ vẫn còn rất nhiều tình cảm mặn nồng của tuổi thanh xuân đầy những mộng tình tha thiết. “Em” của nhà thơ là ai đây? Là người bạn đời  chăn gối, tình nhân hay nàng Thơ. Chúng ta không vội  phân tích ý nghĩa và ngôn từ, chỉ nên thưởng thức vần thơ êm đềm, châu ngọc của thi nhân. Mời bạn đọc “Viết cho em” và tự thưởng thức lấy cái hương vị diễm tình của thơ.

Hoàng Song Liêm làm thơ cả một đời mà bắt đầu vào thời của Quách Tấn, của Vũ Hoàng Chương, Phạm Hầu. Ðọc thơ ông phải nghĩ tới linh hồn thơ ấy đi qua rất nhiều chặng đường nghệ thuật từ lãng mạn, tượng trưng đến siêu thực, siêu hình bàng bạc khắp ý thơ – từng trải qua rất nhiều nẻo đường lịch sử văn học của dân tộc Việt. Cũng không khỏi nhớ đến những người anh cả là Hà Thượng Nhân, Cao Tiêu… những người bạn như Tô Kiều Ngân còn ở lại VN.

Rồi thấm thoát bóng dương cũng mờ dần, buổi hoàng hôn lại đến và con người thi sĩ vốn hiện hữu giữa trần gian còn để lại gì? Nào những màu thời gian… của Ðoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, nào những lớp lang lịch sử xô về đưa tất cả vào thái hư tịch mịch. Nhà thơ nói về thời gian vô thường, những hiện tượng của đời vẫn sinh động đẹp đẽ… và thi nhân thay đổi với Vô Cùng nhưng còn mùa Xuân ấm nồng lại đến. Ðông sẽ tàn và Xuân lại sang như Bùi Giáng viết:

Em bảo rằng đừng tuyệt vọng nghe không

Còn trang thơ thấm lại với trời hồng

Tuy nhiên khi đọc thơ ông ta cũng cảm thấy bồi hồi xao xuyến quá! Niềm xao xuyến làm linh hồn ta cũng cảm thấy khắc khoải như thơ ông. Tiếng thơ đẹp, mẫu đẹp của tiếng thời gian, của một đời người với bao nỗi thất bại của con người thiên thu đi về trong hố thẳm của lịch sử và cuộc đời (như Con Lũ Quanh Ta). Còn một điều quan trọng là sự chân tình trong thơ. Ðọc thơ ông, người ta không thấy có sự làm dáng thi sĩ hay trí thức mà là những tiếng thơ từ tâm tình cao rộng, đầy sự cảm thông đối với con người, với lịch sử và cuộc đời.

Với “Hà Nội, đêm giã từ”, những câu thơ đạt tới một nghệ thuật thi ngữ mênh mông với mối tình xa xôi của kẻ giang hồ viễn xứ.

… Phương Nam mù mịt trời phương Bắc

Mây trắng giang hồ mây viễn phương

Có hình ảnh dấn thân trong cõi cát bụi thời gian của một người chứa đựng nhiều lửa, nhiều nhiệt huyết lúc lên đường

Lục bát Hoàng Song Liêm dàn ra một không gian rộng, tiếng thơ đạt đến sự tự nhiên như những thi tài xưa nay. Ông xử dụng thơ trơn tru, ngọt ngào và đậm tình thu bát ngát. Sự điêu luyện đó còn thể hiện trong rất nhiều vần lục bát trong thơ ông. Hoàng Song Liêm không chỉ có thơ bảy chữ, lục bát, ông còn làm nhiều bài thơ xuôi, thơ sáu chữ, thơ tự do với những kỳ tứ rất lạ…

Cuối cùng đến bài thơ “Rồi ngày tháng qua đi” do Ðỗ Nguyên phổ nhạc. Thơ và nhạc giống như đội bạn tình thường hòa quyện với nhau – trong hai thứ nghệ thuật của cuộc đời-

Những dòng viết trên chỉ là viết cho thi bản riêng biệt của nhà thơ Hoàng Song Liêm. Riêng thi phẩm lớn của ông in rất nhiều thơ hay mà tôi chưa có thời gian đọc vì sức khỏe quá kém sút trong những ngày gần đây. Khi hồi phục lại được, tôi sẽ đọc cẩn thận hơn về một tác phẩm và một đời người làm thơ, sống với thơ thật đẹp của ông.

Trần Tuấn Kiệt

12/2005

THO-SONG-LIEM-HVDS