Tin Văn Thơ Lạc Việt

Cựu Tù Suối Máu Họp Mặt

Clip sử tử rất tàn ác, cho thấy bản chất của chế độ, và các hành xử pháp luật tại VN hôm nay !!! 
 
 

Clip một cảnh xử bắn ở VN:

 

 

Bai Vo Lien Quan Den Suoi Mau

 

 

Trại Tù Suối Máu

Phần 1:
Ở Một Nơi Không Có Màu Xanh

Trại Suối Máu là nơi trước đây chính phủ VNCH giam giữ tù binh Cộng Sản. Đó là một khu rộng lớn gần thị xã Biên Hoà, gồm những căn nhà mái và vách đều bằng tôn kẽm. Trong trại có đủ nhà thờ, chùa, khu câu lạc bộ; nhưng nay đã bị quân đội Bắc Việt đập phá tan nát, hoặc dùng làm kho chứa hàng. Từ trại nhìn ra, có thể thấy xa xa, bên kia đường xe lửa xuyên Việt, những tháp chuông nhà thờ bao quanh bởi xóm nhà ngói đỏ.

Trong phạm vi trại không có lấy một cành cây ngọn cỏ. Đất như loại bột mịn màu vàng, nhưng khi nắng thì khô cứng. Chẳng có chút màu mỡ nào.

Có tất cả năm trại, gọi là K. Chúng tôi ở K-5. Nơi đây có chừng chín, mười dãy nhà san sát nhau. Gần cổng là một nhà lớn mái tôn, vách thấp, dùng làm hội trường. Cổng ra vào bị rào hẹp lại; chỉ chừa lối đi vừa đủ một người lách qua. Bên ngoài có một chòi gác mà cây súng đại liên luôn luôn chĩa nòng vào trại. Đến đây, thì dù ngu ngơ đến mấy, anh em chúng tôi cũng phải nhận rõ thân phận của mình chỉ là những người tù, không hơn, không kém.

Lúc mới đến, tôi ở tổ 6, nhà 2, đội 20. Sau đó, nhờ công tác làm lược kẹp, tôi được chuyển qua tổ 3, nhà 1, là tổ chuyên về mộc và rèn. Tổ 2, nằm đối diện với tổ 3, có hai hoạ sĩ Phi Long và Thái Tăng An. Các anh đang làm việc trang trí trên ban Chỉ huy trại. Một nhân vật rất đặc biệt, là anh Nguyễn Hoàng N., Thiếu tá phi công Chinook CH-47 ở Biên Hoà. Anh N. rất trẻ, tính tình cởi mở, ai cũng quý mến anh. Sau ngày tan hàng, anh N. được bộ đội Cộng Sản lưu dụng để huấn luyện cho phi công Bắc Việt. Anh cũng thực hành nhiều chuyến bay đi Kampuchea. Theo anh kể lại, họ đối xử với anh rất đàng hoàng, nể trọng. Nhưng sau khi thấy không cần anh nữa, họ đã bảo anh nên đi “học cải tạo một thời gian ngắn để biết đường lối chính sách của đảng.” Thế là anh được đưa vào Trại Suối Máu. Ban đầu, anh tưởng là đi “học ở trường cải tạo”, nên đã mang theo một xấp những bằng khen, giấy thưởng của quân đội Bắc Việt với hy vọng đó sẽ là những minh chứng về sự phục tòng và “nhiệt tình cách mạng” để anh có thể về sớm mà tiếp tục bay. Kể ra thì anh cũng về sớm thật, nhưng cũng phải mất một vài năm trong trại. Sau này, tôi gặp anh ở Sài Gòn. Anh có một cửa hàng bán rèm, sáo trang trí trong nhà ở đường Trần Quốc Toản, gần Trường Đua Phú Thọ. Chúng tôi nghe nói anh cưới một chị bộ đội. Nhưng qua trò chuyện, tôi không thấy chị ấy có chút nào là bộ đội Cộng Sản cả.

Trong đội tôi có nhiều nhân tài. Anh Trần Văn Thịnh và Trần Văn Ngữ là hai cây guitar rất nhuyễn. Hai anh dùng tôn, tự đóng đàn cho mình. Âm thanh không thua gì các cây đàn thật bán ngoài thị trường. Sau này, qua giai đoạn dùng ván ép để làm mặt đàn, thì tiếng đàn nghe trong trẻo, vang dội hơn. Chiều chiều, hai anh kéo nhau ra ngồi ngoài sân, chỗ giữa hai nhà 1 và 2, hợp tấu những khúc nhạc cổ điển. Các bạn tù kéo đến ngồi xung quanh, trầm trồ thưởng thức.

Biết tôi là em họ của ca sĩ Duy Khánh và có giọng hát tốt, các anh trong đội đã yêu cầu tôi hát giúp vui. Từ việc ham vui này, tôi đã vướng vào một điều lầm lỡ – tham gia vào ban văn nghệ của trại – mà về sau, tôi vẫn cảm thấy xấu hổ. Dĩ nhiên, trong thời điểm này, chúng tôi phải hát những bản nhạc của “Cách mạng” nếu không muốn bị chụp mũ, rắc rối. Thỉnh thoảng, khi nào ngồi lại với nhau những người thân tín, chúng tôi mới khe khẽ hát những bản nhạc vàng thời xa xưa của mình.

Nhạc sĩ Đại tá Nguyễn Văn Đông – lúc đó đã bệnh trầm trọng, đi đứng rất khó khăn – viết riêng cho tôi một bản nhạc điệu slow rock Bài hát mang tên Sài Gòn Trong Trái Tim Tôi. Anh nói:

Phúc hát bài này sẽ rất hợp.

Tôi còn nhớ những câu tha thiết trong bản nhạc của anh “Nhưng trong tin yêu muôn người, Sài Gòn tiếc nuối khôn nguôi; Hà Nội héo hắt răng môi, cho nhớ thương vời vợi… Sài Gòn luôn trong trái tim tôi…”

Phía cổ nhạc thì có hai anh Cao Văn Trầm và Lê Văn Tuồng. Tiếng đàn guitar của anh Tuồng thì không thua gì tiếng đàn Văn Vĩ. Giọng anh Trầm đúng như tên anh, rất ấm. Tôi đã học từ anh Tuồng những điệu lý, Nam Ai, Nam Bình, Phượng Hoàng rất mùi. Nhưng khi tôi ngân nga sáu câu vọng cổ, chắc chắn sẽ có một anh nào đó phán:

Nghe cứ như là kép đoàn Kim Chung!

Phần 2:
Ai Dám Giỡn Mặt Bác Hồ

Độ này tin tức bên ngoài dồn dập đưa vào. Thêm các tờ báo Nhân Dân mà chúng tôi phải đọc hàng đêm trong khi sinh hoạt tổ, chúng tôi biết tình hình biên giới đã rất nghiêm trọng. Bên Kampuchea, bọn Khmer Đỏ đang thành lập các công xã kiểu Cộng Sản nguyên thủy. Chúng cũng xua quân qua biên giới, giết người, hiếp dâm đồng bào ta một cách tàn bạo. Mỗi khi đọc tin tức Kampuchea, tôi thường nhấn mạnh đến các hành vi dã man của Khmer Đỏ, như để ngầm so sánh với những hành vi man dã của Cộng Sản Việt Nam. Tỉ dụ như việc bắt người thay trâu để kéo cày mà chính đang xảy ra tại trại giam chúng tôi và nhan nhản trên khắp các nông trường ở hai miền Nam Bắc Việt Nam.

Ngay chính giữa cái gọi là hội trường, có đặt một cái tượng bán thân Hồ Chí Minh sơn trắng trên một cái bàn thờ trải vải đỏ. Trước bàn thờ, là cái bàn thấp hơn có cái TV đen trắng cũ mèm do gia đình một anh tù cải tạo đem biếu. Hàng đêm, trại cho coi TV từ 7 đến 9 giờ. Khi xong, đèn tắt tối om. toàn hội trường chìm vào một màn đêm dày đặc. Tiếng người nói chuyện, bàn tán râm ran xen vào tiếng guốc dép lộp cộp, lẹp xẹp tạo thành một âm thanh hỗn độn. Sáng sớm sau, thế nào trên miệng ông Hồ cũng có ai đó gắn điếu thuốc rê hút đã gần hết, hay một cục đàm xanh lè nham nhở trên má. Một hôm có một sợi lông xoắn ngay trên chóp đầu tượng. Thế là toàn liên trại tập họp. Bọn cán binh kéo vào đứng chật hai bên hội trường. Anh Thượng uý chính trị viên Trung đoàn vào đứng trước hàng trăm người, nói một cách mếu máo:

Bác Hồ là người ai cũng yêu quý, kính trọng. Nhi đồng Việt Nam thương yêu “bác”, hát nhiều bài ca tụng “Bác”. Các anh cải tạo ở đây cũng nặn tượng thờ “Bác”. Thế mà có anh lại dám bứt lông dái bỏ lên đầu Bác…

(Tôi xin thề là nhắc lại đúng nguyên văn của tên thương úy).

Đầu năm 1977, nhân ngày Tết, ông bạn Dương Văn Trinh (Khóa 1/CTCT/Đà Lạt) ở một K (phân trại) khác xúc một chén bobo đầy, cắm hai cây tre vót nhỏ rồi để trước cái tượng Hồ kèm hai câu thơ mỉa mai:

Tết đến không dưa hành không muối mỡ.
Chỉ xin dâng bác chén bobo.

Ngay trên sân khấu, có treo thường trực một biểu ngữ chữ vàng trên nền đó chót: “Hồ Chủ tịch vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp chúng ta!” Chẳng rõ anh nào chơi nghịch, đã thay chữ “ta” bằng chữ “mày”, làm cho cả trại được những trận cười khoái chí suốt một thời gian dài.

Cán bộ Đội 20 là một trung úy thuộc đoàn 775, bộ đội chính quy. Anh tên là Vũ Đình Lét, dáng người cao, tính tình cởi mở. Anh thích biết những chuyện về miền Nam thời trước 1975. Anh đội phó là một Thiếu úy, hiền lành nho nhã. Khi biết tôi từng tham chiến mặt trận Snuol năm 1971, anh cho hay vào thời gian đó, anh là hạ sĩ thuộc trung đoàn 174, công trường 7. Đây là đơn vị chạm súng rất nhiều lần với tiểu đoàn 4/8 của tôi ở phía Tây quận lỵ Snuol. Anh thú nhận rằng quân đội VNCH chiến đấu rất ác liệt và anh đã may mắn sống sót trong những trận đó.

Về phía trại viên, nhà trưởng nhà Một là anh Nguyễn Minh Sử (Cao học Khoa học, Sĩ quan biệt phái làm giảng viên tại Đại học Khoa Học Sài Gòn), nhà trưởng nhà Ba là anh Trần Kim Bảng (Võ Bị Quốc Gia). Hai anh đều đứng đắn và khôn khéo. Riêng nhà trưởng nhà Hai là anh Trịnh Văn Ng. [1], lại là một hiện tượng đặc biệt.

Trịnh văn N., thân hình thấp nhỏ, khuôn mặt cũng choắt nhỏ như hình ảnh Lý Toét trên các báo hồi thập niên 50. Đôi mắt vừa lé, vừa ti hí như mắt lươn, trên miệng và cằm luôn luôn lún phún vài cọng râu. Anh là người tù như chúng tôi, mà qua phong cách và ngôn ngữ, chúng tôi cứ tưởng rằng anh là siêu cán bộ. Trong các cuộc sinh hoạt nhà do anh chủ tọa, anh phát biểu rất hăng say và phê bình anh em khác rất tới như thể anh là một cán bộ đảng.

Mỗi nhà có bốn cửa ra vào: hai cửa ở đầu nhà, hai cửa ở hông nhà. Chỗ nằm của Trịnh văn N. ở ngay cửa hông. Một khuya, cả trại đang ngủ ngon, bỗng nghe tiếng N. la thất thanh:

Đứa nào đổ cứt lên mùng tôi!

Thì ra, lợi dụng đêm hôm khuya khoắt, một anh bạn nào đó đã múc một lon vừa nước tiểu vừa phân tươi quậy đều và đổ lên mùng của N. Cái mùi khó ngửi này nó bay xa tận các đội 17, 18 gần hội trường.

Tuy tình hình bên ngoài nghe có vẻ đã ổn định, nhưng tinh thần chống đối của anh em trong trại vẫn lên cao. Biết sự phục hồi là vô vọng, nhưng anh em chúng tôi cũng nuôi một ý chí lập trường kiên định. Những lần lên lớp học tập, đa số anh em lơ là, chuyện trò râm ran mà không thèm nghe lời của cán bộ đang thao thao khoe khoang những thành tựu cách mạng xã hội chủ nghĩa. Có lần, trong lúc người chính trị viên vừa nói xong câu:

Đảng Cộng Sản quang vinh đã nãnh đạo dân tộc ba nần chiến thắng thực dân Pháp, Phát xít Nhật và Đế quốc Mỹ…

Thì từ trong đám đông đang ngồi xổm trong hội trường, một giọng nói mỉa mai cất lên: “Khiếp nhỉ!”. Hai chữ như một gáo nước lạnh tạt vào mặt tên chính ủy và những cán bộ đang nghiêm chỉnh lắng nghe. Tên trưởng trại ra lệnh phải tìm cho ra ai là người vừa nói nhưng hoàn toàn thất bại, vì anh em bao che nhau rất khéo.

Trong mùa Giáng sinh năm 1978, anh em toàn trại đã liều mạng tổ chức một thánh lễ rất long trọng. Những bài Thánh ca cất lên trong đêm lạnh cuối năm. Rồi từ đó, một cuộc nổi loạn đã diễn ra đồng loạt khắp năm phân trại. Những anh em thuộc toán xung kích đi từng nhà, lôi bọn ăng ten phản bội ra tẩn cho những trận nhừ tử.

Ban Chỉ Huy trại hốt hoảng đã cho bộ đội vũ trang cùng các xe bọc sắt đàn áp. Lúc này tôi đã bị chuyển ra trại Hàm Tân nên không biết được hết chi tiết.

Phần 3:
Lò Nướng Người

Ngày qua ngày, có những toán đi cuốc đất trồng rau; có những toán đi gỡ mìn bên ngoài phạm vi trại. May mà không ai tử thương. Nhưng tình hình bệnh tật thì rất thê thảm. Bệnh kiết lị hoành hoành đã cướp đi vài sinh mạng. Bác sĩ Đại tá Nguyễn Minh Châu [2] – nguyên Cục phó Cục Quân Y – phụ trách y tế cho trại cũng đành bó tay vì không có thuốc men chữa trị.

Sau khi đường xe lửa Thống nhất được phục hồi, thông thương từ Nam ra Bắc, chúng tôi thường xuyên chứng kiến những chuyến xe lửa dài hàng trăm mét chở hàng hoá miền Nam ra Bắc. Thượng vàng hạ cám, toàn bộ tài sản miền Nam bị gỡ sạch để làm giàu cho miền Bắc vốn qua hàng chục năm đói khổ. Những người miền Nam bị lùa ra khỏi những căn nhà tiện nghi, xinh đẹp để đi đến những vùng kinh tế mới. Những người chủ mới từ miền Bắc theo chân đoàn quân chiến thắng nhanh chóng chiếm ngự những biệt thự, cao ốc. Những doanh nhân miền Nam phải tự nguyên hiến nhà máy, cơ ngơi cho nhà nước để trở thành một nhân công lép vế trước những người cách mạng và công dân hạng nhất từ miền Bắc mới vào. Người miền Nam, sống trên mảnh đất màu mỡ, công nghiệp phát triển bậc nhất nhì Đông Nam Á, nay không có đủ khoai sắn để ăn qua ngày. Vợ tôi, trong một lần thăm nuôi đã kể chuyện cả gia đình có lúc phải đi dọc các con đường ngoại ô, nhặt hái những loại rau dại để ăn thêm. Mẹ tôi, nhờ chiếc tủ lạnh 50 lít đã cũ, bán từng vỉ nước đá cho hàng xóm để kiếm thêm chút tiền. Các con tôi, mới 5, 7 tuổi, ngồi xe đạp chưa với chân tới pedal, đã phải hàng đêm phụ Mẹ chở những bao cá hàng chục ký từ bến cá về nhà cho chị tôi làm mắm.

Giai đoạn này, ở trong trại tù còn sướng hơn. Vì tuy chỉ ăn bo bo, khoai lang sùng; tuy đói, nhưng ít ra không phải lo kiếm miếng ăn. Đã có nhiều anh nhịn bớt phần bo bo, phơi khô để biếu lại cho gia đình khi được thăm nuôi.

Nhiều người đặt tên cho giai đoạn lịch sử này là “Thời kỳ Bắc thuộc lần thứ Tư” Ngày xưa Bắc thuộc với ngoại bang. Ngày nay, Bắc thuộc với nội thù cùng giòng máu.

Mức độ những người được thả vào giữa và cuối năm 1977 – trước khi nổ ra cuộc chiến giữa Việt Cộng và Khmer Đỏ – tương đối cao. Gần như mỗi tuần đều có một đợt hàng chục anh. Các anh từ các phân trại khác nhau được tập trung vào phân trại bốn để làm thủ tục ra về.

Tết năm Mậu Ngọ (1978), sau những đợt tha về ồ ạt, tâm lý anh em trong trại có vẻ xôn xao, vì sắp mãn hạn 3 năm cải tạo theo như chính sách 12 điểm của Chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam. Sự chống đối lắng xuống tuy trong thâm tâm, ai nấy đều mang một mầm mống bất phục đối với chế độ mới. Chúng tôi đã nghe qua gia đình, những tin về việc vệ binh các trại khác bắn chết anh em tù trốn trại, hoặc biệt giam, tra tấn và thảm sát những anh có hành vi, tư tưởng chống đối. Ở trại tù Vườn Đào, Cai Lậy, tên đại úy Cộng Sản Ba Minh đã vào tận conex biệt giam dùng khăn xiết cổ anh Quách Dược Thanh đến chết, vì các tên cán bộ trại đã thua lý trong những lần tranh luận cùng anh Thanh (Xin xem bài Ai Giết Cha Tôi ở chương cuối). Ở một trại tù khác, họ đã nhét sỏi vào miệng một anh cho đến chết vì họ cho rằng anh ấy hay tuyên truyền chống đối trong trại. Nhiều tin khác từ trại Kà Tum (Tây Ninh) cho hay nơi đây, vệ binh bắn chết anh em tù một cách dễ dàng như người ta giết con kiến, con ruồi. Một anh, vì bệnh, không thể lên hội trường để nghe trại trưởng nói chuyện, đã bị hai cán bộ lôi xềnh xệch ra khỏi phòng. Một vệ binh kê súng vào đầu bắn một phát AK. Óc và máu tung toé khắp vách tường. Sau đó, một tên khác bồi thêm nguyên một băng nát bấy cả thân mình.

Chúng tôi nghe những tin đó mà thấy vừa kinh hoàng, vừa căm phẫn. Những người đã trình diện vào trại “cải tạo” là những hàng binh, chứ không phải tù binh bắt ngoài chiến trường. Cũng không phải loại tù thường hình sự. Nếu không được quy chế Geneva bảo vệ, thì ít ra, cũng phải được đối xử nhân đạo trong tình người; những người Việt Nam cùng chung huyết thống. Dù khi hai bên còn chiến đấu một mất một còn, Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã thi hành đúng với các công ước quốc tế với tù binh địch. Chính đơn vị tôi đã từng bắt tù binh khi giao tranh, và anh em binh sĩ đã chia xẻ thức ăn, nước uống cho họ; băng bó vết thương cẩn trọng và nói năng nhẹ nhàng trước khi chuyển họ về hậu tuyến.

Chúng tôi ở trại K-5 chưa thấy cách đối xử dã man, nhưng những anh lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm về Cộng Sản tin rằng khi cần, những cán bộ đang cười nói với ta hôm nay sẽ trở mặt trở thành thứ hung thần trong ngày mai.

Một buổi tối tháng tư, khi gần đến ngày kỷ niệm mất miền Nam, tôi mời được khoảng 5 anh cùng hoàn cảnh. Đó là những người đã giải ngũ trước ngày 30-4-1975. Chúng tôi ngồi trong nhà bếp, pha một ấm trà và bàn chuyện. Tôi đã viết sẵn một là đơn để yêu cầu chính quyền cứu xét cho những người đã giải ngũ được về sớm. Vì theo chúng tôi biết, tại Sài Gòn và rất nhiều địa phương khác, thành phần giải ngũ chỉ bị tập trung cải tạo có ba ngày ở địa phương. Các anh đã sốt sắng hưởng ứng ký tên. Chúng tôi hoàn toàn không thấy lo ngại gì, vì mình đã làm đơn đàng hoàng. Trong lúc bàn chuyện, chúng tôi sơ ý không để ý đến một người, anh HMD, chuyên viên lò bánh mì, đang lui cui sắp củi vào lò cho nửa đêm về sáng sẽ nổi lửa nướng bánh mì. Anh HMD là một sĩ quan phục vụ tại ban 5, tiểu khu Khánh Hoà. Anh có giọng hát hay từa tựa giọng Chế Linh, nên cũng tham gia văn nghệ rất tích cực. Nhưng có nhiều anh nghĩ không hay về HMD, vì HMD rất gần gủi với các cán bộ ngoài ban Chỉ huy trại. Mỗi sáng tinh mơ, anh thường mang bánh mì ra cho ban Chỉ Huy trại. Anh ra vào cổng thoải mái bất cứ lúc nào mà không cần vệ binh đi kèm.

Xế trưa hốm sau, tôi chưa có dịp gặp anh cán bộ Hùng (tạm thay thế anh Vũ Đình Lét đi phép về Bắc) để trao đơn, thì Thượng uý Chính trị viên đi vào cùng hai vệ binh có vũ trang. Họ ra lệnh cho đội 20 tập họp ngay trước sân nhà. Anh Thượng Úy kêu đích danh tên tôi ra khỏi hàng và đọc một lệnh tống giam nội dung tuyên án cùm biệt giam trong conex vì tội “Sách động đòi yêu sách. Anh Phúc được ăn mỗi ngày một bữa cơm với muối hột.”

Hai vệ binh bẻ quặt cánh tay tôi ra sau và kéo đi. Ra đến cổng trại, họ mở cửa thùng conex nhỏ để gần dưới vọng gác và đẩy tôi vào. Trong Conex tối om và nóng hực vì đang mùa hè. Sau vài giây định thần, tôi nhìn thấy hai thân hình trần trụi ở hai góc. Đó là Trần Hướng Đạo và Phạm Văn Nhật[3] . Họ đã bị nhốt cả tháng trước tôi.

Thùng Conex là loại thùng làm bằng sắt dày hơn 2 li để chứa và chuyên chở hàng hoá. Có nhiều cỡ, nhưng thông dụng nhất tại Việt Nam thời đó là loại army container nhỏ kích thước 1.2 x 1.6 x 1.8 mét; loai trung 1.8 x 1.6 x 1.8 mét. Thùng conex làm rất kín. Ở các khe cửa có bọc một lớp viền cao su để không khí và nước không lọt vào được. Vì thế, khi di chuyển bằng đường thủy, thùng conex có thể thả xuống nước để kéo mà hàng hoá không hề bị hư hỏng.

Có ba conex để trước cổng trại, sát chòi gác tên lính canh. Hai cái lớn thì chỉ nhốt mỗi cái một người (Đại Úy Nguyễn Văn Tuấn, tội trốn trại và Thiếu Úy Dù Nguyễn Xuân Dũng, tội viết nhật ký nói xấu chế độ). Conex nhỏ nhất (1.2 x 1.6) thì có ba người. Đó là Đạo, Nhật và tôi. Đạo và Nhật bị phạt giam vì dám gọi Hồ Chí Minh là Hồ Chó Minh. Muà hè Suối Máu, nắng đổ lửa, ít lắm cũng 40 độ C bên ngoài. Trong conex thì hừng hực như lò nướng bánh mì. Từ 9 giờ sáng, chúng tôi đã cảm thấy cái nóng nung người và chỉ dịu hẳn vào lúc gần nửa đêm. Nóng đến độ mà khi tên cán bộ coi tù và anh tù đưa phần cơm trưa độc nhất trong ngày phải dội lui vài bước sau khi cánh cửa conex được mở ra. Ba anh em chia nhau ngồi ba góc, cởi tuốt tuồn tuột. May mắn là conex đã cũ, có nhiều nơi sắt đã mục. Vì thế, mỗi ngày khi được ra ngoài một lần làm vệ sinh, chúng tôi lén nhặt các cục đá, cây đinh đem vào. Chờ khi trời làm cơn giông, thì rán đục vài lỗ cho không khí lọt vào. Anh em chúng tôi cũng lén lượm bất cứ thứ gì để quăng lên nóc conex để ngăn bớt sức nóng mặt trời. Nằm ba bốn tháng trong cái thùng sắt phơi giữa trời nóng mùa hạ Biên Hoà, thì dù Paven Korsagin trong chuyện Thép Đã Tôi Thế Đấy cũng chưa thấm vào đâu.

Mỗi ngày, chúng tôi được ra ngoài làm vệ sinh cá nhân một lần. Mỗi tuần, lại được ra giếng để tắm giặt. Nằm trong Conex, chúng tôi biết cách “tắm khô”, nên cũng chẳng thấy dơ dáy gì. Nhờ có mồ hôi đổ ra suốt ngày, chúng tôi dùng hai bàn tay chà xát da thịt. Bao nhiêu ghét bẩn đóng vón lại, chỉ cần phủi nhẹ là da thịt trơn bóng, sạch sẽ vô cùng. Tuy nhiên, mỗi lần ra tắm giặt là dịp gặp gỡ trò chuyện cùng anh em, biết thêm nhiều tin tức bên ngoài.

Thời hạn ba năm đã qua từ lâu. Chúng tôi chẳng biết có bao nhiêu phần trăm đã được thả về. Những xôn xao, bàn tán trong lại cứ xoay quanh những thắc mắc: Ngày nào, khi nào?

Một đêm về sáng, ba anh em đang mơ màng trong giấc ngủ thì bỗng nghe kẻng đánh liên hồi. Tiếng tu huýt vang lên từ khắp mọi hướng. Tiếng người chạy rầm rập bên ngoài sân trại. Tôi choàng dậy, cố nhìn qua lỗ đinh xem những gì nghiêm trọng đang xảy ra.

Trong sân trại, nhiều vệ binh súng đạn hườm hườm trong tay đang tất tả chạy lui chạy tới. Khoảng vài ba chục anh em tù mang lê lết những bao xách, túi tư trang ra tập họp thành mấy hàng dọc. Một cán bộ dùng đèn pin rọi vào bản danh sách đọc tên từng người. Anh nào có tên đều được vệ binh áp tải ra khỏi cổng trại. Tôi chợt thấy có ba anh bộ đội tiến tới khu đặt conex. Có tiếng lách cách mở cửa và tiếng người la lớn:

Các anh Đạo, Nhât, Phúc, Tuấn, Dũng ra tập họp ngay. Khẩn trương lên.

Bước ra khỏi conex, chúng tôi đã thấy những túi tư trang của mình do ai đó mang đến. Vệ binh dắt chúng tôi đi ngay, ra trước sân của Ban Chỉ Huy trại. Nơi đây, một đoàn xe molotova kín bịt bùng đang nổ máy chờ sẵn.

Tôi và các bạn lên cùng một xe. Trên xe đã có hàng chục người khác đang ngồi bệt dưới sàn. Cứ hai người bị còng chung một chiếc còng chân. Tôi và Đạo chia nhau một còng, ngồi gần phía cửa sau của xe.

Khi tấm bạt che xuống cửa sau xe, tiếng xích sắt khoá bửng xe nghe lạnh cứng. Xe từ từ chạy. Bên ngoài trời tối đen, bên trong thì tối hơn địa ngục. Chẳng ai nhìn ra được để biết xe chạy về hướng nào.

Vài phút sau, chúng tôi biết được tất cả những người trên xe là những anh em ở cả năm phân trại, đang bị biệt giam vì các loại vi phạm từ chống đối đến trốn trại.

Tự nhiên, chúng tôi biết đây là chặng mới của sự lưu đày mà tương lai sẽ tồi tệ hơn nhiều.

 

 

 Lon GUIGOZ Hành Trang Của Nười Tù Cải Tạo

Hoàng Chương


Vợ tôi để dành những cái lon không để đựng những đồ gia vị gồm bột ngọt, tiêu, đường, muối, mỡ… vì vừa nhẹ, vừa sạch và vừa kín. Khi đậy nắp lại không có con kiến nhỏ nào chui lọt.

Không biết vô tình hay hữu ý mà trong hành trang lên đường của tôi có chiếc lon guigoz. Guigoz là lon sữa bột của nước Hòa Lan sản xuất. Hầu hết trước năm 1975, con cái của công chức, quân nhân và gia đình khá giả đều uống loại sữa này.

Trong “ba – lô” (túi sách nhà binh) đi tù học tập cải tạo của tôi có đến hai chiếc lon guigoz. Một cái đựng bàn chải đánh răng và kem súc miệng. Còn cái kia đựng thuốc ngừa sốt rét, thuốc đau bụng và hai chai dầu gió. Đó là những việc mà vợ tôi lo xa..

Ngày 27 tháng 6 năm 1975 là ngày tôi đến trường nữ Trung Học Gia Long, đường Phan Thanh Giản, Quận 3, Sài Gòn, trình diện. Sau mấy tháng không làm việc gì nặng nhọc, khi mang ba – lô trên vai đi bộ độ mươi bước thì tôi cảm thấy người như chùng xuống.

Tôi thầm trách vợ tôi: ”đã nói học tập có mười ngày, đem theo đồ gì gọn nhẹ mà sao không nghe”. Đến trường Gia Long ở hai ngày một đêm mà tôi không buồn soạn cái ba- lô, coi trong đó đựng những thứ gì. Tôi chỉ lấy chiếc lon guigoz đựng kem súc miệng và cái khăn mặt để sử dụng hàng ngày. Thật là tiện lợi khi dùng nó vì nó chứa được nhiều nước.

Ngày 29 thang 6 năm 1975,tôi đến trại tù ở Suối Máu Biên Hòa. Sau khi điểm danh và phân chia nhà ở xong, việc đầu tiên của tôi là xách chiếc lon guigoz đi tìm nước súc miệng. Đi một vòng xung quanh trại mà tôi chẳng thấy có cái lu, cái khạp, hay cái thùng phi nào chứa nước sẵn.

Chỉ có một cái giếng duy nhất để chứa nước nấu ăn. Có giếng nước mà trại lại không phát thùng múc nước. Làm sao lấy nước lên được khi độ sâu của giếng khoảng hơn mười thước. Tôi đành xách chiếc lon guigoz đi về nhà ở. Thấy ai nấy đều đem mùng ra kiếm chỗ treo lên, tôi cũng mở ba- lô lấy cái mùng “nhà binh” màu xám (loại mùng bằng vải nylon, phía trên nóc và xung quanh chân mùng có bốn sợi dây, mỗi sợi dài hơn ba thước.)

Một ý nghĩ bỗng thoáng qua trong đầu tôi là tại sao tôi không lấy bốn sợi dây này nối lại (” một cây làm chẳng nên non”), xong buộc vào lon guigoz mà lấy nước từ dưới giếng lên. Tôi liền thực hành ngay. Quả thật tôi đã lấy nước một cách dễ dàng, không những cho tôi mà còn cho những bạn tù khác.

Đến 8 giờ 30 cùng ngày, cả nhà (gồm 44 người) ngồi lại bầu một nhà trưởng và một người phụ trách nấu ăn. Quái ác, một thằng bạn thấy tôi có sáng kiến lấy được nước từ giếng sâu lên, nó liền đề cử. Thế là cả bọn dơ tay tán thành.

Khởi sự đi nấu vào lúc 9 giờ sáng mà mãi đến 2 giờ chiều mới có cơm ăn. Độc nhất, chỉ có rau muống luộc bằng nước giếng. Nước dùng để vo gạo và rửa rau, kể cả nước để vô chảo để nấu cơm và luộc rau, cũng chỉ dùng chiếc lon guigoz lấy nước từ dưới giếng lên.

Còn củi để chụm là những khúc cây cao su bằng bắp chân cưa ngắn lại độ ba gang tay còn xanh. Làm sao nhúm lửa được mà nấu? Trại tù không phát dao cũng không phát búa, sợ tụi này dùng vật bén nhọn tấn công tụi nó.

Tôi lại một phen đi đào lấy cọc sắt” ấp chiến lược” loại ngắn độ hơn gang tay để chẻ củi. Sau đó, đi lấy bao cát nylon để đốt cho cây củi cao su khô đi mới bắt cháy được. Thật là nhiêu khê!

Sau khi làm bếp xong, tôi lấy một lon guigoz nước để” tắm búng”(thắm nước cho ướt mình mẩy rồi lấy tay se se cho đất tróc ra, xong búng nó đi)

Có một hôm trời mưa to. Cả bọn mừng rỡ chạy ra tắm mưa dưới những mái tôn nhà đang ở. Bỗng nhiên mưa đứt hột một cách đột ngột. Cả bọn nhìn nhau cười ngặt nghẽo vì đầu cổ mình mẩy đứa nào đứa nấy đều dính đầy bọt xà bông, trông rất thảm hại! Chiếc lon guigoz lại lần nữa giúp cho bọn tù chúng tôi rửa sạch bọt bèo xà bông.

Có nhiều đêm tôi muốn đi ngủ sớm vì quá mệt nhọc trong công việc nhà bếp nhưng mấy thằng ban đâu có tôi nằm yên, tụi nó thay phiên nhau tới chỗ tôi nằm để mượn chiếc lon guigoz. Đã mười giờ đêm mà tôi vẫn chưa ngủ được vì lấy lon guigoz đi, thì bốn sợi dây giăng mùng cũng đi theo.

Sau hơn một tháng, vào ngày 9 tháng 7 năm 1975, chúng tôi chuyển trại bằng đường bộ từ Suối Máu xuống An Dưỡng( Biên Hòa). Dọc đường, chiếc lon guigoz lại giúp tôi đỡ cơn khát. Ở trại mới, so với trại cũ có phần thoáng mát hơn. Cũng xử dụng nước giếng nhưng trại phát cho thùng xách nước. Còn củi thì trại có đưa búa cho chẻ củi. Cho nên chiếc lon guigoz lúc này dùng việc “ca cống”(là dùng ca và lon guigoz bằng nhôm nấu ăn hoặc nấu nước uống bằng than của nhà bếp)

Ở chung trại có anh bạn tù tên là Tuấn. Anh ta có một thân hình lực sĩ đẹp nhất trại nhưng vì anh ta hay bắt chuột làm thịt ăn nên cả bọn chúng tôi kêu anh ta bằng Tuấn chuột. Một đêm trăng, tôi nằm thao thức mãi không ngủ được, một phần thì nhớ nhà, một phần thì bụng đói cồn cào.

Tôi ngồi dậy, nhìn ra ngoài trời, dưới ánh sáng của vầng trăng tròn, tôi thấy hai con chuột đang tìm cách tha cái lon guigoz của Tuấn Chuột. Một con chuột nằm ngửa, bốn cẳng của nó ôm chặt chiếc lon guigoz, còn con kia cắn đuôi con chuột nằm ngửa mà kéo đi nhưng vì miệng hang quá nhỏ nên chúng không thể nào đem cái lon guigoz vào được.

Ngoài ra chiếc lon guigoz cũng giúp tôi khỏi bị bệnh tê liệt một thời gian ngắn. Số là ở trại tù An Dưỡng, bọn quản lý trại giam đã cho chúng tôi ăn gạo ẩm(gạo cũ bị bể nát). Chỉ trong một tuần lễ là tất cả chúng tôi đều đi đứng không được mà phải bò bằng tay và hai đầu gối. Tuấn Chuột là người khỏe mạnh mà cũng bị bò.

Riêng tôi, tôi vẫn đi đứng bình thường. Bởi trong khi đi lao động gần nhà bếp trại, tôi thấy bọn chúng vo gạo trắng, tôi liền lấy lon guigoz xin một lon đầy nước cơm vo. Mãn giờ lao dộng, tôi trở về ”lán” (chỗ ngủ của tù cải tạo) để bắt đầu giờ ca cống. Tôi xin chút than nhà bếp để nấu nước cơm vo này. Nhờ có nước cơm vo( có chất vitamin B1) mà tôi không phải bị bò.

Thấy tôi đi đứng bình thường, mấy thằng bạn nói tôi có nhiều thuốc vitamin B1 nên khám ba- lô của tôi. Đến khi lục soát xong, bọn chúng mới biết tôi chỉ có mấy viên thuốc ngừa sốt rét mà vợ tôi đã cẩn thận bỏ trong hành trang của tôi. Sau đó, Ban Quản Lý trại mới mua gạo lức về nấu cho chúng tôi ăn để khỏi bị bệnh tê liệt.

Ở trong trại, tôi có ăn chung với một thằng bạn tên Hoa. Nhân ngày lễ của bọn chúng, chúng tôi mỗi thằng được trại ”ưu ái” phát cho một cục thịt heo bằng ngón tay cái. Chúng tôi đâu dám ăn liền mà bỏ vào lon guigoz rồi lọc nước muối đổ đầy vào lon nấu thịt cho ra nước mỡ để hai đứa ăn một tuần lễ vì trại trừ phần ăn bảy ngày.

Ngày 17 tháng 6 năm 1977, chúng tôi chuyển trại từ An Dưỡng đến Căn Cứ 5 Rừng Lá,thuộc Hàm Tân, Phan Thiết (trại Z30D). Thời gian ở trại này có thêm đội nữ ( gồm có các chi quân nhân và các chị ở Biệt Đội Thiên Nga Cảnh Sát). Tội nghiệp! Các chị đều bị bệnh vì chế độ ăn uống ở đây quá khắc nghiệt.

Trong lúc này, tôi ở Đội Nhà Bếp. Hàng ngày, ngoài việc nấu cơm và luộc rau muống, tôi còn phải nấu một chảo nước sôi để chia cho đội nữ. Lợi dụng việc đi lại với nhà bếp, các chị đã gởi cho tôi sáu cái lon guigoz để gởi tôi nấu dùm. Đố các bạn biết trong đó đựng những gì? Xin thưa: đó là đậu xanh hột. Số là trong khi các chị đi thu hoạch đậu xanh, các chị đã giấu lại không nộp hết rồi bỏ vô lon guigoz đem xuống nhà bếp nhờ tôi nấu chín.

Có lần tên cán bộ ( lúc này Công An Quản Lý) nhà bếp hỏi tôi nấu cái gì trong đó. Tôi nói là nấu nước sôi cho đội nữ. Hắn ta thắc mắc hỏi. Tại sao an
h nấu một chảo nước sôi mà không đủ chia? Tôi giải thích rằng họ cần nước đun chín để uống thuốc. Thế là thoát nạn.

Trong thời gian cải tạo, người tù như chúng tôi đều trải qua những cơn đói khát kinh hoàng. Chiếc lon guigoz đã nuôi sống chúng tôi trong những cơn hoạn nạn. Chiếc lon guigoz là vật bất ly thân, đã đi theo chúng tôi từ trại tù này đến trại tù khác. Chiếc lon guigoz là người bạn đường thân thiết của tôi.

Chiếc lon guigoz cũng là hình ảnh, là báu vật mà suốt cuộc đời của người tù cải tạo không quên được.

Hoàng Chương

 

Đôi dòng tâm sự

Thân chào các bạn

     Nhằm tạo một nhịp cầu liên lạc giữa các bạn đồng tù tại trại cải tạ
o Suối Máu, Biên-hòa., chúng tôi mở trang web này như là một câu lạc bộ, nơi các bạn có thể:
– Dễ dàng liên lạc với các bạn hữu,
– Tìm kiếm hoặc cung cấp tin tức về các bạn của mình, mà đã một thời sống chung trong kìm kẹp.
– chia sẻ những vui buồn,
– Nâng đỡ nhau về mặt tinh thần…v.v…
Các bạn có thể gửi ý kiến về những gì chúng ta cần có trong web site này. Nhớ đề tên, email address, rồi viết ý kiến vào ô Message. thế là xong. Chúng tôi chỉ lưu giữ những ý kiến trong pham vi tình Chiến hữu, ban tù tại trại tù Suối máu. Xin vui lòng đừng gửi những ý kiến có tính cách phê bình cá nhân hay tập thể.

Chúng tôi dành quyền cắt bỏ những ý kiến không thích hợp với trang web này.


                  Chúc các bạn vui với Câu- lạc- bộ CTSM
                                            Thân mến.