Kiều Mỹ Duyên,  Văn

CÒN NHÌN THẤY NHAU – Kiều Mỹ Duyên

KIỀU MỸ DUYÊN

Hình từ trái sang phải: Phạm Lang (chủ nhà), nhà văn Phương Hoa, Như Hảo, Minh Thúy, Đỗ Dung, Lê Diễm và Kiều Mỹ Duyên.

(Hình do cô Phạm Lang cung cấp.)

          Nhiều người lớn tuổi nói với nhau:

          – Bây giờ chúng ta còn nhìn thấy nhau là quý lắm rồi.

          Đúng vậy, thấy đó rồi mất đó.

          Một phái đoàn đến từ San Jose, gồm có Lê Diễm, Đỗ Dung, Phương Hoa và Minh Thúy. Họ là những nhà văn nữ có tác phẩm đã phát hành. Trong phái đoàn này chỉ có một ông, mọi người chọc ông Sơn là gươm lạc giữa rừng hoa. Phụ nữ dù lớn nhưng gặp lại bạn cũ thì ăn nói rất tự nhiên. Nơi gặp gỡ tại một ngôi nhà thật đẹp ở gần biển, có cổng an toàn. Gió biển lồng lộng dù trời đang nóng như lửa. Các bà ăn mặc rất đẹp, vẫn còn đang kiêu sa của một thời vàng son. Một ông khách và ông chủ nhà, Tiến Sĩ Barry từng là giáo sư dạy ở Đại học Hawaii, và là Giám đốc kỹ thuật Lực Lượng Chống Tàu Ngầm, Hạm Đội khu vực Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.

          Nhà đẹp từ trước nhà vào trong nhà. Hoa nở rực rỡ, nơi nào cũng có hoa tươi. Phụ nữ chiếm đa số, chỉ có hai ông phải chụp hình, quay phim các nữ nhà văn này.

          Bước vào hành lang của ngôi nhà, chúng tôi thấy một phụ nữ với bình dưỡng khí bên mình. Người phụ nữ đẹp này tươi cười như hoa. Cách đây không lâu, bác sĩ bảo cô ấy chỉ sống được 2 năm nữa, nhưng năm nay là năm thứ sáu, cô ấy vẫn sống vui vẻ. Trời nóng trên 90 độ mà từ San Jose đi một đoạn đường thật xa đến thăm bằng hữu ở Orange County thì còn gì quý bằng?

          Họ chỉ ở lại một đêm thứ bảy, rồi Chúa nhật trở về San Jose. Tình bằng hữu tuyệt vời, có sức mạnh mãnh liệt khiến những người phụ nữ này phải đi 6 giờ và về 6 giờ, trong lúc Trời nóng như thiêu như đốt. Tôi phục những người phụ nữ yếu ớt nhưng có sức mạnh tinh thần mãnh liệt.

          Sức mạnh tinh thần khiến họ đâu cũng tới, đến đâu cũng được. Hai vợ chồng chủ nhà rất nhiệt tình tiếp khách. Người chồng là người Mỹ không nói được tiếng Việt, nhưng rất nể vợ. Nếu không nể vợ thì đâu có tiếp một phái đoàn đông như thế? Trong lúc mọi người nói chuyện ào ào, ông chủ nhà không hiểu gì hết? Bà chủ nhà là thi sĩ, các nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bản nhạc hay từ thơ của cô. Thức ăn nhiều quá, món nào cũng ngon. Mọi người nói chuyện xưa, chuyện nay, và ăn uống, không còn thì giờ để nhắc đến các tác phcủa chủ nhà. Thôi thì để khi khác vậy?

Hình từ trái sang phải: Đỗ Dung, Minh Thúy, ông Sơn, Bary Root (chủ nhà, chồng cô Phạm Lang), Phương Hoa, Kiều Mỹ Duyên, Lê Diễm và Như Hảo.

(Hình do cô Phạm Lang cung cấp.)

          Tình bạn ngọt ngào như thế? Quen nhau mấy chục năm, hiểu nhau mấy chục năm, tình bằng hữu nếu hiểu nhau dù xa cũng gần. Người ở bên này đại dương và người ở bên kia đại dương vẫn thương mến nhau, vẫn thấy gần nhau, vẫn hiểu nhau, nhưng gặp mặt nhau vẫn tốt hơn, nhìn ánh mắt của nhau đâu cần nói nhiều. Có người đi đến một nơi xa dự một cuộc họp nào đó chỉ cần gặp một người, đâu cần gặp tất cả thiên hạ, hạnh phúc được gặp người đó, chỉ chào hỏi nhau, hay nói vài câu cũng đủ. Tình cảm là như thế, có những việc làm không ai hiểu nổi, không ai giải thích được, không ai phân tích và hỏi tại sao?

Kiều Mỹ Duyên cầu mong mọi người sống yêu thương và bình an.

Còn nhìn thấy nhau là quý lắm.

(Hình chụp ở Costa Rica)

          Thế giới này nếu có tình người, cha mẹ thương con, con thương yêu ông bà, cha mẹ, bằng hữu thương nhau như ruột thịt, người này giúp đỡ người kia thì thế giới không có chiến tranh, không có hận thù, không có nhà tù, không có Cảnh Sát, không có quân đội.

          Chúng tôi đã từng đến một quốc gia tuyệt vời như thế. Chúng tôi đến Costa Rica dự lễ Quốc Khánh của Tòa Thánh Vatican theo lời mời của Khâm sai Sứ thần Tòa Thánh Vatican, Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì ra đường không thấy Cảnh Sát. Mỗi cây đèn đều có cây Thánh Giá ở góc đường, nơi đó có nhà thờ. Nhà thờ khắp nơi, Đông, Tây, Nam, Bắc, chỗ nào cũng có nhà thờ. Một quốc gia có 4 triệu dân, có 94 % là đạo Công Giáo, xứ sở không có Cảnh Sát, không có nhà tù. Costa Rica cách California 3 giờ đồng hồ đi máy bay. Nơi đây là Thiên Đường của những người yêu thiên nhiên, yêu không khí trong lành. Người dân có tuổi thọ rất cao vì họ sống với biển, với gió biển, suối, rừng, cây xanh khắp nơi.

Khâm sai Sứ thần Tòa Thánh Vatican, Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt.

          Khi về tới California, mọi người trong phái đoàn ai cũng nhắc đến biển, đến nơi Đức Mẹ hiện ra, và đặc biệt nhớ một xứ sở thanh bình không có Cảnh Sát. Suốt hành trình viếng thăm Costa Rica, đi khắp nơi không thấy bóng dáng một Cảnh Sát nào hết. Một xứ sở bình yên, tối ngủ không cần khóa cổng, khóa cửa, tuyệt lắm đồng hương ơi.

          Tôi mong đồng hương, nhất là những nhà văn nên đến Costa Rica một chuyến. Hãy để cho mình một thời gian sống với biển, suối, rừng cây xanh, ăn thật nhiều trái cây ngọt lịm, sẽ thấy đời đẹp hơn, vui hơn, đáng sống hơn, không lo lắng gì hết, quên hết muộn phiền, mệt mỏi, vất vả của cuộc sống thường ngày. Hãy nhìn từng đàn chim bay trên mặt biển. Hãy nhìn những khuôn mặt vô tư, nhảy múa, ca hát suốt ngày, vui như vui thời trẻ thơ, vui như sống ở Thiên Đường, không có chiến tranh, không có người ăn mày trên đường phố. Những người nào có tính nghệ sĩ sẽ tha hồ sáng tác những bản tình ca tuyệt diệu, những bài thơ, bài văn, đem niềm vui và lẽ sống cho người khác.

Kiều Mỹ Duyên đi giữa rừng cây ở Costa Rica.

          Nếu tôi là ca sĩ, tôi sẽ ca những bản nhạc tuyệt vời về tình người. Nếu tôi là thi sĩ, tôi sẽ làm những bài thơ về tình người tuyệt vời. Nếu tôi là văn sĩ, tôi sẽ viết về những mối tình bất hủ. Tôi ca ngợi hòa bình, không có chiến tranh, không có ai sản xuất vũ khí, không có người giết người, chỉ có người yêu người mà thôi.

         Tôi thích nói về tình yêu hơn thù hận. Yêu thương nhẹ nhàng hơn, thù hận sẽ làm cho đầu óc mình nặng nề, khó thở. Hãy thương nhau, hãy cho nhau nụ cười hay lời thăm hỏi ân cần, ấm áp. Hãy nhìn những người ra đi nhưng lòng không muốn từ giã cõi đời này. Ai mà không thích sống với gia đình và người thân của mình mãi mãi chứ?

          Đã nhiều năm, chiều nào chúng tôi cũng vào thăm đồng hương ở viện dưỡng lão. Tôi đã từng nghe:

          – Tôi không muốn chết, tôi không muốn chết.

          Tiếng rên rỉ của bệnh nhân làm cho người nghe xúc động, nhưng rồi thần chết cũng đến và đem người bệnh ra đi về cõi nào đó không ai biết?

          Còn sống thì còn yêu thương. Tình yêu ơi đừng cất cánh bay cao, bay xa. Tình yêu vĩnh cửu!

          Tôi rất trân quý tình yêu, tôi rất trân quý những buổi gặp gỡ với các bằng hữu từ xa đến. Họ đến từ những nơi rất xa, từ San Jose, Arizona, Florida, Chicago, Michigan, Boston, D.C, Seattle, Pháp, Úc, Á Châu, v.v.

          Tôi tự hỏi mai này mình còn gặp những bằng hữu này nữa không?

          Xin chúc sức khỏe, bình yên và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Orange County, 21/7/2021

KIỀU MỸ DUYÊN

(kieumyduyen1@yahoo.com)

error: Content is protected !!