Giải trí

Cờ tướng

Nghiên Cứu Lịch Sử

 · 

  • Tại sao trên bàn cờ Trung Quốc hai bên đều có năm quân Tốt?

Cờ tướng Trung Quốc đã ra đời trước đây hơn hai nghìn năm trong thời kì Chiến Quốc. Thời bấy giờ các nước chư hầu tranh cướp lãnh thổ và quyền lực của nhau, vì thế chiến tranh luôn luôn nổ ra.

Tiểu tốt là một binh chủng trong cờ tướng của Trung Quốc, mỗi bên đều có năm quân Tốt, cách bố cục như thế không thể tách rời khỏi ảnh hưởng của hình thức chiến tranh thời bấy giờ. Thời bấy giờ, hai bên đánh nhau chủ yếu dựa vào bộ binh, mà biên chế cơ bản trong quân đội là ngũ, đó tức là năm lính bộ binh thì họp thành một ngũ, tức là một đơn vị chiến đấu. Mỗi người dùng một trong năm thứ binh khí là cung, thù, mâu, qua, kích. Thế chiến đấu hoàn chỉnh với năm thứ vũ khí như thế này đã được phản ánh trong cờ tướng. Vì thế mỗi bên chơi cờ đều có năm con Tốt, bên đỏ có năm con Tốt, bên đen cũng có năm con Tốt.

Nội dung cờ tướng Trung Quốc đã có một quá trình biến hóa và phát triển. Chẳng hạn : người chơi cờ đời xưa đã tham khảo cờ vây của Trung Quốc, biến 60 ô thành 90 điểm. Đến đời Tống, theo với sự phát minh thuốc súng lại có thêm quân pháo, nhưng tình trạng mỗi bên chơi cờ có năm quân Tốt thì vẫn còn được giữ

  • Tại sao trên bàn cờ tướng Trung Quốc có “Sở hà, Hán giới”?

Các bạn đều thích chơi cờ, nhất là cờ tướng Trung Quốc thì càng được yêu thích. Trên bàn cờ tướng Trung Quốc có một dải trống, dùng làm ranh giới giữa hai bên đỏ và đen, trên dải này có ghi “Sở hà, Hán giới” (sông nước Sở, biên giới nước Hán).

Theo truyền thuyết, sở dĩ có vùng trống này là vì cờ tướng bắt nguồn từ cuộc chiến tranh giữa nước Sở và nước Hán, đã từng diễn ra trong lịch sử Trung Quốc. Năm 206 trước Công nguyên, sau khi nước Tần bị diệt vong, Hạng Vũ tự lập làm Tây Sở Bá vương và phong Lưu Bang làm Hán vương. Đến năm 203, Hạng Vũ mang quân tiến ra ngoài, Lưu Bang thừa cơ kéo quân tiến chiếm vùng Quan Trung và tiến thêm về phía đông. Hạng Vũ đem quân về đánh bại Lưu Bang. Lưu Bang bèn liên hợp các lực lượng chống Hạng Vũ ở các nơi, và lần nữa lại giằng co với Hạng Vũ. Trong hoàn cảnh thiếu lương thực, binh sĩ bị kiệt quệ đến cùng cực, Hạng Vũ phải nêu ra phương án “trung phần thiên hạ” tức là đem đất nước chia làm hai. Hai bên thương lượng với nhau và quyết định lấy Hồng Câu làm đường phân giới, phía tây con sông này thuộc về nước Hán, còn phía đông thuộc về nước Sở. Từ đó đã nảy sinh ra cách nói “Sở hà, Hán giới”.

“Sở hà, Hán giới” này ngày nay ở vào một dải phía đông bắc Vinh Dương ở tỉnh Hà Nam. Đất này phía bắc lên tới sông Hoàng Hà, phía tây dựa vào núi Mang Sơn, phía đông liền với Bình Nguyên, phía nam tiếp với Tung Sơn. Đó là vùng đất mà binh gia các thời đại ắt phải tranh giành với nhau. Ngày nay trên núi Quảng Vũ ở Vinh Dương vẫn còn lưu di chỉ của hai toà thành cổ đối diện với nhau từ xa. Toà thành phía tây gọi là thành Hán vương, còn toà thành phía đông thì gọi là thành Bá vương.

Truyền thuyết kể lại rằng hai toà thành này xưa kia do Lưu Bang và Hạng Vũ xây dựng. Giữa hai toà thành này có một con sông lớn rộng khoảng 300m tức là sông “Hồng Câu” mà người ta thường nói tới.

Khi sáng chế ra cờ tướng Trung Quốc, người ta cho rằng hai bên bố cục thành lũy rành rọt, tựa như con sông Hồng Câu được dùng làm đường phân giới cho hai nước Sở và Hán. Như vậy Sở hà Hán giới đã được đưa vào cờ tướng dùng làm đường phân giới giữa hai bên trên bàn cờ.

  • Cờ tướng Trung Quốc đã ra dời như thế nào?

Cờ tướng là một hoạt động tương đối phổ cập. Cờ tướng đã có lịch sử hết sức lâu đời, đại khái nó bắt nguồn từ trước đây hơn hai nghìn năm. Cuối thời kì Chiến Quốc, trong tập thơ cổ trứ danh Sở Từ đã có viết về cờ tướng. Thời bấy giờ đã thịnh hành một cách chơi gọi là “Lục bác”, mỗi bên có thể đi sáu quân cờ. Đồng thời ở đời Chiến Quốc, các nước chư hầu tách rời nhau và tranh đoạt đất đai của nhau, chiến tranh diễn ra hết năm này qua năm khác. Tình hình xã hội như thế này cũng đã tạo điều kiện cho cờ tướng ra đời. Mà trên bàn cờ “Sở giang (sông nước Sở) và “Hán giới” (biên giới nước Hán) đã có nguồn gốc từ thế kỉ II trước Công nguyên. Đó là do Lưu Bang và Hạng Vũ chống lại ách thống trị của nhà Tần, đi tới thành lập hai nước Sở và Hán.

Đời xưa cờ tướng đã được quảng đại nhân dân ham thích. Cách bố cục của cờ tướng cũng không ngừng được cải tiến. Đến đời nhà Đường, các quân cờ đã có những cái tên : Tướng, Mã, Xa, Tốt. Về cơ bản, cách đi các quân cờ này cũng giống như ngày nay.

Cờ tướng ngày nay đã được định hình vào cuối thời kì Bắc Tống và đầu thời Nam Tống. Nếu suy đoán theo trước tác của những người như Tư Mã Quang, thì dưới triều Bắc Tống đã lưu hành ba loại cờ tướng. Trong đó một loại có 32 quân cờ Tướng, Sĩ, Tượng, Mã, Xe, Pháo, Tốt. Bàn cờ chiều ngang và chiều dọc đều có 9 ô, không có sông. Nhưng đến đời Nam Tống thì thêm con sông ngăn bàn cờ làm đôi, và loại cờ tướng này được lưu hành rộng rãi trong dân gian.

Cuốn Sự lâm quảng kí của đời Tống còn có ghi bản “Tượng kì phổ” (sách ghin cờ tướng) sớm nhất mà hiện nay chúng ta còn có thể được xem.

Sang đến đời Minh, con Tướng ở một bên được đổi tên thành con Sư. Từ đấy cờ tướng Trung Quốc đã được định hình không thay đổi nữa.

Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, cờ tướng được đưa vào các hạng mục thi đấu thể dục thể thao. Để phân biệt với cờ vua quốc tế, cờ tướng truyền thống được gọi là “Trung Quốc tượng kì” (cờ voi Trung Quốc).