Cao Mỵ Nhân

CAO MỴ NHÂN – VĂN: HUYỀN THOẠI 12 – 6. Đóa Hoa Vô Ưu- Và Chùm THƠ Cao Mỵ Nhân.

HUYỀN THOẠI 12 Tháng 6

Cao Mỵ Nhân

Giai thoại thơ Tố của Hoàng ơi có hai bài chính:

Mười Hai Tháng Sáu

Tố Của Hoàng Ơi

Tìm một ý có vẻ giới thiệu cuộc tình thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, cứ như là giận lắm mối duyên gãy đổ của mình, nhà thơ viết:

Năm mười hai tháng, ai không biết

Đã tháng nào không tháng sáu chưa?

Đây là hai câu trong một đoạn thơ ở bài sau, Tố của Hoàng ơi, tác giả viết năm 1972, còn khẳng định thời gian đã trên 30 năm không có Tố, tức là khởi sự Tố với Hoàng kết thân khoảng từ 1950 đến 1952.

Bây giờ đi vào chi tiết.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương (5/5/1916 – 6/9/1976) vừa xong hoa giáp thì ra đi vào cõi mịt mù, sau cũng cả năm trời bị nhốt trong khám Chí Hoà vì là một nhà thơ trí thức tiểu tư sản, lẽ nào bạo quyền duy vật để cụ yên.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương cùng với thi sĩ Đinh Hùng (1920 – 1967) em cụ bà Vũ là hai nhà thơ lãng mạn nổi tiếng một lượt với các thi sĩ tiền chiến Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên, nhưng nhị vị đương nêu không theo cộng sản mà đã di cư vào Nam năm 1954.

Vô Nam, thi sĩ Đinh Hùng thành lập ban Tao Đàn, tiếng nói thơ văn miền tự do cùng với quý ông Thanh Nam, Văn Quang, Thái Thuỷ, v.v.. Thi si Vũ Hoàng Chương thì đi dạy học ở Sài Gòn.

Song có điều lạ là các thi sĩ lớn ở đâu cũng vậy, người ta tức là đông đảo độc giả, thính giả thường ưa nghe huyền thoại của nhà thơ hơn là theo dõi hành trình thơ đã tiến tới đâu.

Có khi những đoạn đời sau cũng có những điều riêng tư đáng ngợi ca nhưng độc giả vẫn cứ quen thuộc huyền thoại, đến không quên một chi tiết nhỏ.

Thí dụ nhắc tới thi sĩ Cung Trầm Tưởng là lập tức khách thơ nói ngay: Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế… Nhắc tới thi sĩ Đinh Hùng thì cứ đánh thức hồn mà dậy…

Và ngay với cụ Vũ Hoàng Chương thì Chúng ta mất hết chỉ còn nhau, cũng khuôn vàng thước ngọc, nhưng xem ra thua kém Tố của Hoàng ơi hẳn.

Do đó huyền thoại này là bất biến với nhà thơ. Tố của Hoàng ơi cứ lừng lững năm này qua năm khác đi vào những khúc quanh thơ ca Vũ Hoàng Chương.

Mười hai tháng sáu

Mở màn cho thiên hạ thấy tình sử, bốn khổ thơ đầu khổ nào cũng có Tố của Hoàng ơi theo thứ tự:

Tố của Hoàng ơi, hỡi nhớ thương…

Tố của Hoàng ơi, Tố của anh…

Tố của Hoàng xưa, Tố của tôi…

Tố của Hoàng nay, Tố của ai…

Tiếp tới bốn đoạn sau của bài thơ tám khổ ấy chỉ toàn hò, xừ, xang, xế với danh tính Kiều Thu.

Vậy Kiều Thu là nhân vật nào nữa đây?

Xin thưa Kiều Thu lẫn lộn trong hò, xừ, xang, xế mà thôi. Kiều Thu hề Tố em ơi có nghĩa Kiều Thu chính là Tố vậy.

Kiều Thu hề Tố em ơi

Ta đang lửa đốt tơi bời mái Tây

Hàm ca nhịp gõ khói bay

Hò, xừ, xang, xế, bàn tay điên cuồng…

Nếu huyền thoại chỉ bấy nhiêu thì thật quả câu chuyện chỉ là trách móc, rồi dùng hò, xừ, xang, xế… xênh phách cho quên đời.

Nhưng có một đoạn thơ như bật cái điều bí mật ra, thi sĩ Vũ Hoàng Chương nói thẳng cho những ai muốn biết:

Huyền thoại Tố của Hoàng ơi chỉ là một cuộc tình cuồng, tình si không hơn không kém. Không vì một lý do to lớn nào hay một chuyện tình lồng trong một sứ mệnh gì của sơn hà xã tắc chẳng hạn. Chỉ là tình buồn, mãi mãi tình buồn…

Men khói đêm nay sầu dựng mộ

Bia đề tháng sáu, ghi mười hai

Tình ta ta tiếc, cuồng ta khóc

Tố của Hoàng nay Tố của ai?

Tố của Hoàng ơi

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương với hơn 30 năm nỗi oan hờn, ẩn ức không thể một mình ấp ủ được mãi.

Không lý chuyện tình cảm riêng mà bắt vợ con gia đình chia sẻ? Nỗi đau trở thành mối thù ma quái vì sự thực Tố đó không chết mà vẫn sống trong dằn vặt, oan khiên, cay đắng của một nhà thơ lớn mà cứ phải lụy tình một người…

Nên tới năm 1972, đúng ngày 12 tháng 6, cụ làm một bài thơ bảy khổ tứ tuyệt lấy hẳn tựa đề Tố của Hoàng ơi.

Bài thơ này gần như bạch hoá mối tình cuồng si, mê loạn trong hơn 30 năm.

Có thể trên cương vị một người làm thơ, dù mê đắm tới đâu, tôi nghĩ với thời gian dài dằng dặc hơn 30 năm bao tang thương đó, tình cảm cũng đứng lại. Dù Tố của Hoàng đẹp tới thế nào cũng không là tiên, là Phật trong tranh để trẻ mãi không già.

Một dịp hội thơ đầu thập niên 80 thế kỷ trước tại Uyển Đình, tư thất của nữ sĩ Uyển Hương, cũng vào một ngày tháng 6 năm 1982, tình cờ tôi lại ngồi cạnh nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh, phu nhân của thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã quá cố, đồng thời là hiền tỷ cố thi sĩ Đinh Hùng…

Nhị vị thi sĩ lớn quá, dễ gây ấn tượng.

Bất giác tôi ngó nữ sĩ Thục Oanh, mỉm cười: Tố của Hoàng ơi đâu rồi chị?

Nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh cũng hài không kém, bèn đổi giọng nói kiểu… thơ:

Tố của Hoàng xưa, Tố đã già… rồi.

Mừng quá, tự dưng biết tin Tố của huyền thoại cụ Vũ, tôi ỡm ờ: Biết rồi, nhưng Tố ở đâu xa?

Tất nhiên, nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh cũng đẩy xa câu chuyện vào huyền thoại cho đẹp mãi tình phu, nghĩa phụ cụ Vũ cùng Đinh nữ sĩ trong văn chương lẫn ngoài cuộc sống bình thường vậy.

Hoá cho nên, yêu đây là yêu cái dĩ vãng thôi, phải xoá trắng cái dĩ vãng mới gọi là không còn dính líu tới nhau:

Tháng có 30 ngày để giết

Ngày 12 vẫn sống như xưa

Hay:

Còn đó 12, còn tháng 6

30 năm lẻ vẫn chưa vừa…

Đã đến lúc tình yêu thương trở nên nghiệt ngã, hằn học, cực đoan… Thi sĩ Vũ Hoàng Chương trở thành độc đoán, dằn vặt giai nhân Tố:

Ngày mai, ngày mốt, anh nằm xuống

Ngọc đọng cơn sầu nửa kiếp thơ

Đập nát ra cho trời đất uống

Thì em sẽ rụng khỏi đêm mờ…

Đoạn trên mới chỉ khai vị, chưa uống được cái cơn say tàn nhẫn hơn nữa bởi vì bị khựng lại do trong tâm khảm người bị thất tình vẫn còn lại chút gì để tiếc nhớ.

Tới giai đoạn những gì quý giá, ân tình nhất đã bị gạt đi, chỉ còn lại hai sự kiện để chọn lựa là hy sinh hay thù hận, mới quên được người tình hay cuộc tình.

Thi vương Vũ Hoàng Chương có lẽ vì mất mát tình cảm nhiều quá nên không thể cho thêm, hay mất thêm:

Mười hai tháng sáu, cung Hồ, Xế

Một mối tình si, một mối thù

Giây phút cũng tan thành suối lệ

Trả cho cát bụi nhé Kiều Thu.

Độc giả, thính giả tưởng rằng mối tình si đã biến thành mối tình thù không sao gỡ được.

Nhưng như tôi đã trình bày ở trên, sau 30 năm nhà thơ vẫn có thể viết tiếp những vần điệu cũ để tô điểm thêm cho huyền thoại, tưởng như thất thoát, mà cũng được đền bù.

Huyền thoại Tố của Hoàng ơi âm hưởng phảng phất những chuyện tình buồn trong cổ tích, ngoài dân gian ở bất cứ nơi đâu và thời gian nào…

CAO MỴ NHÂN

**

Không biết cây vô ưu cao thấp to nhỏ thế nào, nên cành vô ưu cũng là trong tưởng tượng đối với tôi, xin quý vị tha lỗi cho một kẻ tò mò, ham hố, nhưng đầy thiện chí. 

Nhưng hoa vô ưu thì hình như tôi có vài lần thấy thấp thoáng trong tâm tưởng…

Đóa hoa ấy không rõ nét, lại càng không thấy mầu sắc rõ ràng…nó mơ hồ thoắt ẩn, thoắt hiện, trên trang giấy khói hương, hay là ở một không gian nào huyền ảo khó nhận ra được nơi đâu trên thế gian này…

Tôi cứ bâng khuâng, rồi lại băn khoăn tự hỏi: ” Hay là mình hệ lụy quá, nên không được hưởng phút giây thanh thoát cao vời, thưởng lãm hương vô ưu đang ngạt ngào tỏa khắp đó đây …

Nhưng phải năng đến chùa, có đến chùa không mà đòi thấy hoa vô ưu chứ. 

Cũng đến nhưng không thường xuyên. 

Hôm xưa về Già Lam, bạn đạo dắt tới một gốc cây thật to, lối cổng đi vào Chùa, bên tay phải, bảo rằng đó là cây bồ đề. 

Mình nhìn kỹ cây bồ đề, tưởng tượng Phật tổ ngôi ngay ngắn, thẳng thớm dưới gốc cây bồ đề, ở xứ Phật xa xôi…

Mình lén hỏi: ” Còn cây vô ưu chỗ nào, xin chỉ cho tôi biết với” 

Người bạn đạo chợt nghĩ chắc tôi không phải Phật Tử mới hỏi dớ dẩn thế, bèn nhìn tôi từ đầu xuống chân, ăn mặc tầm xoàng, hỏi sao tới chùa mà không mặc áo tràng, còn ngơ ngẩn thăm hỏi …tào lao . 

Làm gì có cây vô ưu, đóa hay hoa vô ưu thôi chớ, sao hỏi lôi thôi vậy, may mà không gặp thầy, đóa hay hoa vô ưu luôn nở trên tay Phật. 

Hoa vô ưu từ lòng Phật, tâm Phật mà ra …

Phải tu tâm, dưỡng tính, ngay lành, từ bi hỉ xả…nghĩa là phải tôn trọng, thanh tịnh ghê lắm mới thấy được hoa vô ưu ấy. 

Thế thì …lâu quá, làm sao thấy được ngay …

Ô hay, nội cái tính nôn nóng của chị, đã cho mọi người thấy, và cả bản thân chị cũng thấy không có hoa vô ưu trong tâm hồn, trong tư tưởng chị rồi. 

Thế phải làm sao ? 

Phải chấm dứt ngay sự việc nôn nóng, vội vã, tồn tại trăm thứ suy nghĩ trong đầu óc chị, mới …vô ưu được chớ, phải không, thử nghĩ xem…

Bạn đạo cười: ” Tự mình sẽ tìm thấy hoa vô ưu đó, xưa tôi cũng vậy, nhưng bây giờ thì đóa vô ưu đó luôn tươi tốt trong lòng tôi đấy “.

Bạn đạo lẻn đi mất, còn mình tiếp tục hoang tưởng, giữ mãi cái trạng thái đó lênh đênh về nhà. 

Vô ưu ? Là không ưu tư, không suy nghĩ, không buông mình theo những tạp niệm vô cớ, vô tình …mà xả bỏ hết, đạt tới tuyệt đỉnh của chữ vô: vô ưu. 

Chắc cũng…khó lắm, nhưng phải kiên trì, phải nhìn tấm đại gương, coi mức chiếu sáng tới đâu, để phẩm chất tiến tới, không quá lố, vì tính chất vô ưu trước nhất phải tự nhiên. 

Anh mỉm cười lửng lơ, một chút khôi hài, vì anh biết mình đã từng nhận một vài ” công tác ” với đám đông, trong sinh hoạt xả bỏ, nhưng phải hỉ xả, nghĩa là cho đi, vứt đi một cách vui vẻ …chớ đừng chấp nhận như bắt buộc.

Nhưng chính mình cũng thoáng chút nghi ngờ, sự cố gắng làm việc thiện, lại không phải cho đối tượng tha nhân cần thiết, mà là cho bản thân người muốn đi ban phát. 

Tôi có thể chứng minh với quý vị, một nhà thơ nữ bậc chị của tôi về tuổi tác, đã bất bình câu nói …trung thực mà tôi không cảm thấy hối hận, rằng : ” Từ bi chỉ có ở trong chùa ” .

Tại sao tôi lại nhận định vậy ? Vì quả thực tôi đã chứng kiến nỗi giận, hay phải nói là cuộc giận của bà chị nêu trên.

Bà đã gạt phứt những lý luận của mọi người đóng góp về danh xưng và danh nghĩa ” từ bi hỉ xả “, cứ cho là mình đúng vì mình, là họ không phải tôi, đã ở chùa suốt thời gian 24/24 giờ, 7/7 ngày một tuần, chỉ vì muốn xả hết, nhưng cứ gây cho người khác ấn tượng sân khiếp đảm của bậc …chân tu. 

Thành ra áo không mặc qua khỏi đầu là đúng, các cụ cố dân tộc ta, ít có dịp đánh giá sai con người: 

Thứ nhất là tu tại gia

Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa . 

Bây giờ đã nhiều nhân vật tiếng tăm một thời qua đời rồi, nhưng quả ” ngựa chết để da, người chết để tiếng “, tôi có thời quen thân với quý phu nhân của các thi sĩ nổi tiếng như nữ sĩ Đinh Thị Thục Oanh hiền thê của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, rồi phu nhân của thi sĩ Đinh Hùng. 

Quý bà nêu trên thực sự ” từ bi hỉ xả ” đến nỗi hàng chục ( tôi không dám nói hàng trăm ) giai thoại tình trường của nhị vị thi gia lớn, mà có gây điều tiếng gì trong gia đình quý vị đó đâu, nếu không phải quý phu nhân ” từ bi hỉ xả ” à ? 

Nhưng có một nghĩa cử cao đẹp, mà chúng ta cũng nên biết về tấm lòng” từ ” cùng với nghĩa ” xả ” mà người nghệ sĩ diễn ngâm hàng đầu của Tao Đàn, Tiếng nói thơ văn miền nam tự do, đó là nghệ sĩ Hồ Điệp, một lần chị rủ tôi đến cuối đường Trương Tấn Bửu nối dài, Phú Nhuận, để thăm xã giao cụ thi sĩ Đường luật Như Ý. 

Tôi thấy chị Hồ Điệp ôm khư khư một gói giấy báo trước ngực. Tôi hỏi chị mang gì vậy ? Chị bảo: ” Đó là mấy cái áo tuy cũ nhưng bà hai cụ thi sĩ Như Ý thích lắm, chị đem biếu bà ấy” 

Sau 30-4-1975, dẫu cho ở Saigon xa hoa, sang giàu, nhưng nhà nào cũng kiệt quệ vì chủ nghĩa vô sản đó, 2 con trai nữ nghệ sĩ Hồ Điệp over sea tới Mỹ, chưa có tin tức, chị vẫn chia cho bạn gái niềm vui, dù thiếu thốn. 

Chị kể là, thi sĩ tài tử Như Ý, 

Đã phải làm thơ vì hoàn cảnh 2 bà của cụ: 

Bà lớn cóc cóc, coong coong ( gõ chuông niệm Phật) 

Bà bé lịch kịch chùi soong dưới nhà ( rửa chén, nồi niêu …) Tất nhiên chị tặng bà bé của cụ thi sĩ nêu trên . 

Tôi chẳng có ý tán rộng danh tính ” vô ưu” qua sự việc tầm thường nhất . Song, để đạt tới tiến trình “vô ưu” đôi khi dễ mà khó, hay ngược lại . 

Cái tâm là chính, nếu vô tâm, vô tính, vô lý, vô lễ …thì cũng gian nan mới tới được bờ giác . Phải ở bờ giác mới đạt được 2 chữ ” vô ưu”. 

Đồng thời theo thiển ý của tôi, có mon men tới được bờ giác cũng mệt nghỉ…

Thế nên, với tôi thôi, tràn đầy say đắm, mê si…để làm thơ, thì chắc chẳng thấy được đóa vô ưu nở hoa trên tay Đức Phật, Đấng chủ thuyết ” từ bi hỉ xả ” cho đời bớt chuyện khổ tâm , xây dựng hành trình ” vô ưu” để tự cứu mình ra khỏi …bản ngã phức tạp, mê lầm suốt kiếp …

         CAO MỴ NHÂN 

==

**

HOA QUỲNH MÙA HẠ.     CAO MỴ NHÂN

Hoa quỳnh nở mùa hạ

Lạt tựa nụ hôn phai

Em tô mầu phấn má

Cho tươi thắm lòng ai

*

Nhưng hương quỳnh đã tan

Chậu cây xanh héo tàn

Đoá quỳnh buồn rũ cánh

Anh về chở nắng sang

*

Chẳng còn gì cho em

Đoá quỳnh không thức giấc

Mầu hoa vàng võ thêm

Anh buồn se ánh mắt

*

Lệ em cũng vừa rơi

Gọi sầu trong tiếng hát

Tình thoáng vụt chơi vơi

Có gì như mất mát …

   CAO MỴ NHÂN

**

SẦU M.     CAO MỴ NHÂN

Ta về gom hết vần thơ cũ

Đọc lại, xem buồn lên tới đâu

Tình vẫn đầy vì chưa rạn vỡ

Ý còn vui hẳn chẳng hờn đau

*

Nhưng sao khói toả phai hàng chữ

Để mãi sương bao đậm cõi sầu

Có viết ngàn chương, thì cũng vậy

Từ xưa và tất cả … thời sau …

*

 Hawthorne – Đại hạn Utah.

         CAO MỴ NHÂN 

**

SẮC HẠ.      CAO MỴ NHÂN

Ngó nghiêng thấy được bầu trời

Cũng nghiêng như thủa để rơi mất cờ

Từ phen chất ngất đỉnh thơ

Ánh vàng chiếu rực rỡ bờ đại dương

*

Chiều hoang nắng chiếu tơ vương

Đưa tay kéo áo khói sương che buồn

Núi sông sắc hạ đọng hồn

Bâng khuâng thấp thoáng mộng còn đây kia

*

Làm sao tình cạn mộ bia

Cuối đời lệ đổ sầu chia đôi hàng

Rằng ta vẫn khách quan san

Em ơi, nán gọi hạ mang nắng về …

*

Lẽ nào tình muộn sơn khê

Cờ bay khắp chốn nắng thề vàng hoa

Trở mình, trời đất bao la

Hình non, bóng nước vỡ oà hạ ơi…

         CAO MỴ NHÂN

**

CƠN MƯA MÙA HẠ.     CAO MỴ NHÂN

Cơn mưa mùa hạ thật buồn

Như khi thu tới, hay còn tiếc xuân

Bởi vì mưa hạ bâng khuâng

Như khi anh bỏ tình nhân xa rời

*

Một khung kỷ niệm thiếu thời

Chúng mình ngồi đếm mưa rơi bạt ngàn

Ôi mưa mùa hạ lỡ làng

Giơ tay che mặt hai hàng lệ tuôn

*

Mấy mươi năm ướt át hồn

Hong khô từ độ anh còn cạnh em

Bây giờ mùa hạ buồn thêm

Vì mưa mang cả nỗi niềm sầu đau

*

Mưa làm nát ngọc, tan châu

Đêm đi càng nhớ lời nhau giã từ

Mưa ơi, mưa đến bao giờ

Xoá xong hình ảnh trong thơ mê cuồng…

      CAO MỴ NHÂN   

**

THĂM MỘ LÍNH XƯA .     CAO MỴ NHÂN

Em về giữa buổi bình minh

Tươi như máu đổ trên hình người xưa

Cả không gian bỗng tiễn đưa

Hồn chinh phu trải gió mưa nơi này

*

Chiến trường cạn chén riêng tây

Tình yêu nước đã khô bay mộ chàng 

Trao anh nguyên sắc cờ vàng

Này đây, tất cả lỡ làng quê ta

*

Em về câm nín xót xa

Sau lưng lạnh toát hồn ma tượng đài

Bó nhang chợt tắt u hoài

Nắng hong nỗi nhớ ngang trời Tiếc Thương

*

Thôi anh, tóc rối tơ vương

Vòng tay buông lỏng nghe hương khói tàn

Một mình thương tủi vô vàn

Buồn ơi mộng mị quan san bái từ …

            CAO MỴ NHÂN