Tạp ghi

200 YEARS US CENSUS, 30 NĂM ÐI ÐẾM ÐẦU NGƯỜI. (Giao Chỉ)

200 YEARS US CENSUS
30 NĂM ÐI ÐẾM ÐẦU NGƯỜI.
GIAO CHỈ, SAN JOSE
                                                                                                      (VietTribune)
Dò sông, dò biển, ai dò được lòng người
Ðó là thành ngữ của ông cha ta chỉ dẫn từ ngàn xưa. Nhưng Hoa Kỳ ngày nay đo cả sông, cả biển và đo được cả lòng người. Mười năm kiểm kê dân số. Hỏi đi hỏi lại có vài câu mà biết được lòng người. Suốt 200 năm dân số Nữu Ước tăng dần từ 33 ngàn vào năm 1790 lên đến 8 triệu vào năm 2008. Ai cũng biết là người Mỹ yêu New York. Bèn in áo thung “I love New York”, bán chạy như tôm tươi.
Từ khi lập quốc, mới chỉ có 13 tiểu bang, chưa có California. Hơn 200 năm sau, Hoa Kỳ có 50 tiểu bang, với dân số Cali dẫn đầu toàn quốc, chính phủ biết ngay lòng dân thích về sống ở miền Tây. Vì vậy cứ 10 năm 1 lần, Hoa Kỳ đứng lên đếm đầu người để biết lòng dân mà cai trị. Dân số chỗ nào tăng thì làm thêm nhà cửa, nhiều trẻ con thì mở trường học, nhiều cụ già thì mở trung tâm cao niên. Rồi nhà thương, xa lộ, đô thị, thương mại, chính trị, tất cả đều căn cứ vào con số thống kê, so sánh quá khứ, điều chỉnh hiện tại và dự phóng tương lai.
Vốn liếng chữ nho của tôi chẳng được bao nhiêu nhưng vẫn nhớ câu: “ Bất thức nhân tâm hướng, hà năng cử đại công.” Không biết lòng người, làm sao lo việc lớn. Quả thực việc kiểm kê dân số của nước Mỹ là một công tác thăm dân cho biết sự tình, hết sức vĩ đại và khoa học. US Census là một nỗ lực tiến bộ của ngành địa lý nhân văn và khoa nhân chủng học.
 
 
Ðếm từ bao giờ:
Ðọc lịch sử kiểm kê tại Mỹ, chính tôi cũng không ngờ là Hoa Kỳ đã Census ngay từ khi mới tuyên bố độc lập, thời tổng thống Hoa Thịnh Ðốn. Ðó là năm 1790 nước Mỹ mới chỉ có 3,929,214 người và 13 tiểu bang. Vào cái kỳ Census số 1 đó, vị giám đốc là chính trị gia danh tiếng Thomas Jefferson, sau này ông là tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ. Cũng trong thập niên đầu tiên, tổng thống Washington đã ra đọc diễn văn trước lưỡng viện ngày 08 tháng 01 năm 1790. Sau đó thủ đô Hoa Thịnh Ðốn khánh thành năm 1791 và tổng thống Hoa Thịnh Ðốn qua đời năm 1799 trước kỳ kiểm kê thứ 2 vào năm 1800.
Và từ đó cứ 10 năm 1 lần, toàn thể nước Mỹ đứng lên để cho chính phủ Mỹ đếm lại. Lần thứ 21 vào tháng 4 năm 2000 và lần thứ 22 sẽ vào tháng 4 năm 2010.
Tuy nhiên, “ủy ban đếm kỹ” cho năm 2010 đã bắt đầu chuẩn bị từ hơn một năm trước. Tức là vào tháng 4 năm 2009.
 
So sánh 2 thế kỷ kiểm kê:
Trong khi chờ đợi kết quả năm 2010, chúng ta hãy so sánh những con số khác biệt của hơn 200 năm Census. Dân số từ 4 triệu lên 300 triệu. Con số tiểu bang từ 13 lên 50. Ngày xưa đất rộng người thưa. Một dặm vuông chỉ có lối 4 hay 5 người dân, bây giờ một dặm đất là 80 người. Ngày xưa mẫu in ra là 6 câu hỏi, bây giờ mẫu ngắn là 7 câu, mẫu hỏi chi tiết là 52 câu. Ngày xưa kiểm kê tốn 44 ngàn US. Qua năm 2000 tốn kém gần 7 tỷ Mỹ kim.
Sau cùng, thành phố vĩ đại nhất là Nữu Ước từ 30 ngàn dân lên đến 8 triệu.
 
Cali và Hoa Kỳ:
Tính đến năm 2007 tức là gần kỳ kiểm kê 2010 thì dân số Cali là 36 triệu 500 ngàn so với dân số cả nước Mỹ là 301 triệu. Xem như thế thì khi đi du lịch ngoại quốc, hỏi thăm sẽ thấy cứ 10 người Mỹ là đã có hơn 1 người ở Cali. Dù được coi là đất cạnh tranh và đắt đỏ nhưng dân số Cali trong kỳ kiểm kê vừa qua đã tăng gần 8%. Cali đi dễ khó về. Trai đi có vợ, gái về có con. Người Việt qua Âu châu nếu được hỏi thăm chắc chắn 50% là dân Cali. Nhưng nghiên cứu thêm một chút nữa về người Cali cũng là chuyện lý thú. Trẻ em CA dưới 5 tuổi 7%, dưới 18 tuổi 25%. Trên 65 tuổi 11% và nam nữ thì rất quân bình 50/50. So về sắc dân thì Mỹ trắng ở Cali 76%, ít hơn toàn quốc 80%. Da đen Cali chỉ có 7% so với Hoa Kỳ 13%. Á châu Cali 12% so với nước Mỹ 4%. Một điểm đặc biệt là dân ngoại nhập tại Cali chiếm 26% so với 11% toàn quốc. Con số hết sức đáng lưu ý là Cali có 40% dân số nói tiếng quê hương tại nhà so với toàn quốc chỉ có 18%. Sau cùng dân Cali ở nhà trung bình giá 211 ngàn trong khi nước Mỹ là 120 ngàn.
 
 
Những sự kiện lịch sử:
Kiểm kê dân số 10 năm một lần sẽ đem ra những con số thống kê để các chuyên viên nghiên cứu phân tích, giải đoán và lập kế hoạch. Tuy nhiên, đây cũng là dịp các nhà sử học ghi lại các sự kiện lịch sử đáng kể đã xảy ra trong 10 năm. Quý vị nghĩ rằng chuyện gì quan trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Ðệ nhất, đệ nhị thế chiến. Chiến tranh Việt Nam, Triều Tiên, Vùng Vịnh. Trận Trân Châu Cảng, vụ 911. Tất cả đều được chọn lọc và ghi lại. Mỗi 10 năm người ta chọn ra chừng sáu, bảy hay tám sự kiện nổi bật. Census 1790 ghi dấu về tổng thống Hoa Thịnh Ðốn, người lãnh đạo chiến tranh cách mạng dành độc lập.
Sensus 1800 Thư viện quốc hội Mỹ ra đời.
Sensus 1810 là thập niên Hoa Kỳ chọn quốc ca (1814) và quốc kỳ (1818).
1820 Thiết lập công ty Hỏa xa. Cuộc cách mạng về kinh tế Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ dựa trên phương tiện chuyển vận.
1830 Trận Alamo bên TX (1836).
1840 Chuyến xe lửa đầu tiên từ miền Ðông đến Cali (1841).
1850 Ðảng Cộng Hòa thành lập (1854).
1860 Thư tốc hành Pony Express từ Sacramento đi miền Ðông (1860).
1870 Thành phố Chicago bốc cháy (1871).
1880 Nước uống Coca Cola ra đời (1886).
1890 Trung tâm nhập cư di dân thành lập tại đảo Ellis (1892).
1900 Phim câm ra đời (1903) và Ford sản xuất xe hơi hàng loạt(1908).
1910 Con tàu Titanic đắm (1912)
1920 Radio phát thanh lần đầu (1920)
1930 tuyển thủ da đen Jesse Owens thắng 4 huy chương thế vận hội (1936)
1940 Ðệ nhị thế chiến chấm dứt (1945)
1950 Alaska và Hawai gia nhập Hoa Kỳ
1960 Lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đến Việt Nam (03/08/65)
1970 Lính Mỹ cuối cùng rời Việt Nam (30/04/1975)
1980 Apple giới thiệu Macintorch (1984)
1990 Down Jones lên đến 10,000 điểm lần đầu (1999)
2000 Vụ 911 (2001) dẫn đầu các biến cố lịch sử
 
Những chuyện 10 năm qua:
Mặc dù đến tháng 4-2010 Hoa Kỳ mới thực sự kiểm kê dân số, nhưng các  biến cố lịch sử của 10 năm đã được tính từ năm 2000 trở đi.
Toàn bộ các tin nổi bật của 10 năm qua gồm có 7 chuyện sau đây.
1/ Bà Clinton, đệ nhất phu nhân lên làm thượng nghị sĩ.
2/ Tiger Woods da đen thắng các giải quán quân đánh golf.
3/ Khủng bố dùng 4 máy bay thương mại đánh bom năm 2001.
4/ Con tàu không gian phát nổ làm 9 phi hành gia tử nạn.
5/ W. Mark Felt xác nhận vai trò thông tin mật trong vụ Watergate làm tổng thống Nixon phải từ chức.
6/ Tay đua xe đạp Lance Armstrong 7 lần vô địch vòng đua Pháp quốc.
7/ Sau cùng nghị sĩ da đen Obama được bầu làm tổng thống (2008).
Có thể biến cố thứ 8 sẽ dành cho chuyện gì xảy ra trong năm 2009.
 
Việt Nam và kiểm kê Hoa Kỳ
Như đã ghi ở phần trên, Việt Nam cũng có nhiều liên hệ với Hoa Kỳ trong lịch sử kiểm kê dân số. Những biến cố của thập niên 60 đã từng ghi lữ đoàn 9 thủy quân lục chiến Mỹ đến Việt Nam tham chiến chính thức ngày 3 tháng 8 năm 1965. Sau đó qua thập niên 70, những anh lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cuối cùng lên máy bay trực thăng rời tòa đại sứ vào sáng ngày 30 tháng 04 năm 1975.
Tìm hiểu về số lượng di dân vào Hoa Kỳ, suốt 200 năm lịch sử kiểm kê, cứ 10 năm một lần người ta thống kê coi sắc dân vào Mỹ đông nhất. Thập niên 90 là thời điểm các sắc dân Ðông Nam Á đến Hoa Kỳ nhiều nhất, đa số là Việt Nam.
Từ cuối thập niên 80 qua đến thập niên 90 các thuyền nhân tràn ngập trại tỵ nạn Ðông Nam Á và lần lượt được Hoa Kỳ bốc đi. Phần lớn họ đến Mỹ vào thời kỳ 90 và Việt Nam đã đứng đầu lịch sử kiểm kê về số người di dân đến Hiệp Chủng Quốc từ phía Thái Bình Dương.
Ngày 24 tháng 6 năm 1979 trên đảo Bidong, Mã Lai có 23 ngàn thuyền nhân Việt Nam. Sau này con số còn tăng lên trên 30 ngàn. Nhưng chính vào ngày 24 tháng 6 năm 1979 phóng viên Ed Bradley’s của chương trình 60 phút TV đã quay được cảnh một con tàu trên 200 người bị đắm ngoài biển khơi và được vớt vô bờ. Anh thuyền trưởng tỵ nạn vào được đất Mã, vái lạy 4 phương. Hình ảnh của đoạn phim 60 minutes bây giờ được người Việt sưu tầm và gởi trên internet trở thành một thông điệp tự do đầy nước mắt. Ðược hỏi về hoàn cảnh chờ đợi sau những gian truân sống còn trên biển cả, các thuyền nhân đều chỉ có một câu trả lời. HOPE: Hy vọng.
Ngày nay câu chuyện HY VỌNG đã trở thành kỷ niệm.
 
Việt Nam tham dự kiểm kê:
Do sự tình cờ của hoàn cảnh, chúng tôi tham dự vào ban kiểm kê thuộc sắc dân Á châu Thái Bình Dương từ năm 1980. Lúc đó nguời Việt chưa đông đảo và đa số di tản đợt đầu. Dân số chưa đáng kể. Vừa công tác vừa học hỏi, hẹn gặp nhau 10 năm sau.
Thấm thoát đến kỳ kiểm kê 90 lại có mặt. Công việc quen thuộc hơn và việc thông tin trong phạm vi Việt Nam có phần hào hứng hơn. Xong việc lại hy vọng gặp lại 10 năm sau. Qua đến kỳ kiểm kê 2000 thì số người Việt đã khá đông đảo. Hơn 1 triệu có mặt tại Hoa Kỳ và một nửa tại California. Suốt 3 lần tình nguyện cho kiểm kê dân số, tưởng là quá đủ. Vậy mà thấm thoát sắp đến kỳ 2010. Lại chuẩn bị lên đường. Năm nay 2009 tại San Jose có một ban kiểm kê người Việt thành lập và khởi sự chuẩn bị cùng với hàng ngàn ủy ban trên tòan quốc.
Chắc hẵn không cần nói, ai cũng biết rằng cần phải đứng lên để được đếm. Con số người Việt hiện diện phải được đếm đầy đủ và chính xác. Ðây là phương cách hữu hiệu nhất để góp phần hiện diện cụ thể trong xã hội Hoa Kỳ. Vì quyền lợi, vì tinh thần và vì cả lý tưởng. Tất cả chỉ là công việc đơn giản điền các câu trả lời cho phiếu kiểm kê. Ðóng góp vào lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ và cho ngàn năm lịch sử tương lai.
Bài viết khô khan với những con số thống kê rườm rà này, mới chỉ là bài viết đầu tiên cho cuộc kiểm kê vĩ đại 2010 tại Hoa Kỳ. Năm tới cũng sẽ là năm hết sức ý nghĩa vì ghi dấu 35 năm người Việt bỏ nước ra đi kể từ tháng 4-1975.
Chúng ta đã làm gì trong 35 năm qua
Xin cùng nhau kiểm kê lại một lần.
Giao Chỉ, San Jose.