Lê Xuân Nhuận

VỀ VÙNG CHIẾN-TUYẾN

        Tôi bước vào phòng giấy của Chuẩn-Tướng* Huỳnh Thới Tây, Trưởng Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương, với phong-thái điềm-nhiên nhưng tâm-trạng bồn-chồn.

*Chuẩn-tướng: tướng một sao.

        Tôi đang làm việc ở Ngành Đặc-Biệt Vùng II, mà trụ-sở đóng tại Thành-Phố Nha-Trang, thì nhận được một cú điện-thoại từ Văn-Phòng Trưởng Ngành, bảo tôi về gặp Chuẩn-Tướng Tây ngay.

        Trong phạm-vi công-tác chuyên-môn, Trưởng Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương trực-tiếp tiếp-xúc với tôi là một chuyện thường; nhưng, trong lĩnh-vực quản-trị nhân-viên, việc Trưởng Ngành gọi tôi, lúc ấy là một Phó Giám-Đốc cấp Vùng, mà ở Trung-Ương thì không qua Nha Tiếp-Trợ, và ở địa-phương thì không qua Trưởng Cơ-Quan, là một chuyện bất-thường.  Dạo đó, nội-bộ Cảnh-Sát Quốc-Gia đang bị xáo-trộn vì nhiều đợt liên-tiếp thay bậc đổi ngôi, nên chuyện xuống chó hay lên voi, dù không xảy đến cho mình, cũng khiến mọi người bàn-tán xôn-xao.  Từ lúc tôi nhận được lệnh ấy cho đến trước khi tôi bước vào phòng làm việc của Tướng Tây, nhiều người đã phỏng-đoán với tôi về mục-đích của cuộc gặp-gỡ này; tuy tất cả đều trấn-an tôi rằng đây là một việc vui, nhưng hầu hết đều không dám chắc rằng đây không phải là một điều xui.

        Tôi đã thầm tự kiểm-điểm sinh-hoạt của mình trong thời-gian qua, xem thử có gì sai trái, hầu chuẩn-bị tinh-thần mà đón nhận, nếu có, mọi sự chẳng lành.

Chính-Sách Quân-Cách-Hóa*

        Năm 1971, Lực-Lượng Cảnh-Sát Quốc-Gia của Việt-Nam Cộng-Hòa lại được cải-tổ; lần này rõ-ràng là để chuẩn-bị cho tình-hình hậu-chiến Việt-Nam.

*Không phải quân-sự-hóa hay quân-nhân-hóa.

        Thêm nhiều sĩ-quan Quân-Lực được biệt-phái qua nắm giữ các chức-vụ chỉ-huy quan-trọng trong Ngành Áp-Pháp.  Trừ một thiểu-số có khả-năng, còn thì đa-số đã không thạo việc mà không chịu học lại còn lợi-dụng cương-vị mới — có quyền-hành trực-tiếp đối với dân-nhân — để làm lợi riêng cho bản-thân, do đó, làm hại chung cho hoạt-động của cơ-quan trọng-yếu này của Chính-Quyền.  Tôi thấy trước hậu-quả bất-lợi cho chế-độ nói chung, nhất là qua chính-sách quân-cách-hóa guồng máy này, nên đã gửi lên Trưởng Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương, hồi đó là Trung-Tá Nguyễn Mâu, một bức thư điều-trần quan-điểm của mình.

        Sự-việc xảy ra thì Trung-Ương cử trung-tá quân-nhân Nguyễn Văn Long đến Vùng II giữ chức-vụ Giám-Đốc Ngành Đặc-Biệt thay-thế tôi, và giáng-chức tôi từ Trưởng xuống Phó. .

        Trung-Tá Nguyễn Mâu phải phái Đại-Tá Đặng Văn Minh, Phó Trưởng Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương, ra Vùng II triệu-tập một cuộc họp nội-bộ các cấp chỉ-huy, để xoa dịu tình-hình.

        Sau ngày Hiệp-Định Paris 27-1-1973 được ký-kết và có hiệu-lực, chiến-tranh Việt-Nam chấm dứt, đáng lẽ Lực-Lượng Cảnh-Sát Quốc-Gia phải là công-cụ đắc-lực cho chính-quyền và dân-chúng Miền Nam trong công-cuộc đấu-tranh chính-trị trực-diện với cộng-sản ở thời bình, thì Hành-Pháp Trung-Ương, trong tay các cấp nhà-binh, đã chỉ xây-đắp Cảnh-Lực Việt-Nam Cộng-Hòa thành một “con cọp… lười”.

        Tính đến nay, số lượng quân-nhân biệt-phái từ đại-tá xuống đến binh-nhì đã tràn ngập từ Trung-Ương xuống đến Xã Phường, nâng tổng-số nhân-số Cảnh-Lực Quốc-Gia từ mấy chục ngàn người lên đến khoảng mười tám vạn người.  Thời-gian sau cùng, Thiếu-Tướng* Nguyễn Khắc Bình, Đặc-Ủy-Trưởng Tình-Báo Trung-Ương, đã qua kiêm-nhiệm Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia, đem theo thêm nhiều sĩ-quan cao-cấp Quân-Lực thay-thế hầu hết các viên-chức Cảnh-Sát cao-cấp chuyên-ngành.

*Thiếu-tướng: tướng hai sao.

        Giai-đoạn đầu của chiến-lược Việt-Nam-Hóa đã qua một cách giả-tạo, và giai-đoạn nhì đã đến trong tình-thế bấp-bênh.

        Mỗi ngành nghề đều có những đặc-tính và quy-luật hoạt-động riêng của mình.  Nhưng Cảnh-Lực mà tổ-chức sao y theo Quân-Lực thì dư phòng-giấy, thừa cạo-giấy, và thiếu việc-làm; và điều-hành rập khuôn theo Quân-Lực thì mất thì-giờ, tốn nhân-lực, và phí hiệu-năng.  Các bộ-phận phụ-dịch thì lấn át chính-nghiệp.  Guồng máy Áp-Pháp đã không bắt nguồn mà cũng không bám rễ trong dân-nhân.

        Tội tự thấy mình có nhận-thức đúng, như đã từng có nhận-thức đúng về các biến-cố lịch-sử trước đây; và tôi đã biểu-lộ bằng cả lời nói lẫn việc làm công-khai, trong khuôn-khổ trách-nhiệm và quyền-hạn có sẵn, cái nhận-thức “cấp-tiến” và “quá-khích” ấy của mình.

        Hồ-sơ nội-vụ còn nằm ít nhất là trong văn-phòng của Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương.  Có thể là tôi sắp bị trừng-trị vì sự chống-đối kể trên?

Kế-Hoạch “Cảnh-Sát-Hóa”

        Có một điều lạ, là hầu như ít ai biết đến cái-gọi-là “Kế-Hoạch Cảnh-Sát-Hóa”, vốn là một món quà hậu-Việt-Nam-Hóa mà người Mỹ thân tặng cho Việt-Nam Cộng-Hòa để làm “quốc-sách” sau-chiến-tranh.

        Các nhà lãnh-đạo Miền Nam chỉ miễn-cưỡng cho thi-hành Kế-Hoạch ấy một cách qua-loa, tại một số Tỉnh, trong một thời-gian ngắn, rồi dẹp bỏ luôn.

        Tôi đã tự mình kiếm được bản chính của Kế-Hoạch ấy bằng chữ Anh, đọc kỹ để có ý-niệm chính-xác về ý-nghĩa và mục-đích chiến-lược của nó, hầu có căn-bản lý-thuyết mà đối-chiếu với thực-tế thực-hành.

        Tôi là người duy-nhất đã đến các Tỉnh như Ninh-Thuận, Bình-Thuận, v.v… thuộc Vùng II, quan-sát và nghiên-cứu tại chỗ việc thi-hành Kế-Hoạch Cảnh-Sát-Hóa tại Vùng này, sau khi Kế-Hoạch ấy đã được thử-nghiệm có kết-quả tốt tại Tỉnh Gò-Công thuộc Vùng IV, và một số Tỉnh khác của Miền Nam.

        Tại Trung-Ương, không có một bộ-phận đầu-não xứng-đáng, để đảm-trách nó.

        Kế-Hoạch “Phụng-Hoàng”, vốn là một giai-đoạn của Kế-Hoạch “Cảnh-Sát-Hóa”, không được hiểu đúng, nên các Trung-Tâm Thường-Trực, những khi không có người Mỹ nhúng tay vào, chỉ là những văn-phòng ngoại-vi, tập-trung tin-tức tình-báo đã nguội, và báo-cáo kết-quả hành-quân đã lạnh.

        Những vấn-đề chiến-thuật nhất-thời, như: Trại Giam, mà dư-luận trong nước cũng như ngoài nước chỉ-trích nặng-nề, vì chứa quá nhiều người và thiếu tiện-nghi; Ủy-Hội Quốc-Tế Kiểm-Soát Và Giám-Sát Ngưng Bắn (ICCS), mà trong đó có hai thành-viên cộng-sản Đông-Âu là Hung-Gia-Lợi và Ba-Lan; các Ban Liên-Hợp Quân-Sự 4-Bên và 2-Bên, mà trong đó có các thành-viên cộng-sản Việt-Nam (Cộng-Sản Bắc-Việt Xâm-Lược và Cộng-Phỉ Miền Nam); v.v… đều thuộc phạm-vi chính-trị và phản-gián, thì bị tách rời ra khỏi Ngành Đặc-Biệt là trung-tâm chuyên-môn về các lĩnh-vực này.

        Hơn nữa, các bộ-phận chủ-trì biệt-lập kia ở trung-ương thì không có cấp dưới trực-hệ để chấp-hành chỉ-thị của mình tại các địa-phương.

        Tôi không chịu nổi cảnh bế-tắc ấy trong công-vụ — sứ-mệnh đa-diện của Lực-Lượng Cảnh-Sát Quốc-Gia đối với Quốc-Dân, chứ không phải chức-năng phiến-diện của các cá-nhân nắm giữ chức-vụ chỉ-huy trên mặt giấy-tờ.  Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương thì không biết hết các nhiệm-vụ mà cấp dưới đảm-trách ở các địa-phương; Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng thì hễ thấy gì có dính-dáng đến cộng-sản và chính-trị là giao khoán ngay cho Ngành Đặc-Biệt tự lo.

        Vì thế nên tôi quyết-định làm liều.

        Tôi đã tự ý tổ-chức các đại-hội, tại các Tỉnh lớn và Thành-Phố quan-trọng, như: Bình-Định, Phú-Yên, Khánh-Hòa/Nha-Trang, Cam-Ranh, Ninh-Thuận, Bình-Thuận, Kontum, Pleiku, Darlac, Tuyên-Đức/Đà-Lạt; mời tất cả các cố-vấn Hoa-Kỳ thuộc 4 địa-hạt là Phụng-Hoàng (Phoenix), Cảnh-Sát Sắc-Phục (PSD tức Public Safety Division=An-Ninh Công-Cộng), Tình-Báo (PSB tức Police Special Branch=Ngành Đặc-Biệt, và PRU tức Province Reconnaissance Unit=Thám-Sát Tỉnh), và Cảnh-Sát Dã-Chiến (NPFF tức National Police Field Force), cùng dự với tất cả các đại-diện của các cơ-quan quân-sự và các Bộ khác, các cấp chỉ-huy Cảnh-Sát, từ cấp Vùng xuống đến cấp Quận khắp Vùng II; để tôi thuyết-trình quan-điểm của mình về các vấn-đề sau-chiến-tranh.

        Tôi cũng tự-nguyện đảm-trách một số giờ giảng-dạy tại Trung-Tâm Huấn-Luyện Phụng-Hoàng Quân-Khu II, dành cho các sĩ-quan Quân-Lực (Phòng 2, An-Ninh Quân-Đội, Chiến-Tranh Chính-Trị…), viên-chức các Bộ khác (Thông-Tin, Chiêu-Hồi, Dân-Ý-Vụ, Xây-Dựng Nông-Thôn…), và các cấp cảnh-nhân (Đặc-Cảnh, Cảnh-Sát Sắc-Phục, Cảnh-Sát Dã-Chiến, Thám-Sát Tỉnh…), cũng với các đề-tài nói trên.

        Ngoài ra, tôi còn nắm lấy nhiều cơ-hội khác để phổ-biến nhận-thức của mình, thí-dụ: tại Trung-Tâm Tu-Huấn Tình-Báo Sơ-Cấp Vùng II trực-thuộc quyền tôi; tại Trung-Tâm Huấn-Luyện Cảnh-Sát Căn-Bản Vùng II; tại các Khóa Đào-Tạo Trưởng Cuộc CSQG cấp Xã/Phường, dành cho từng đợt sĩ-quan Quân-Lực biệt-phái qua; v.v… là những nơi mà chương-trình giảng-huấn có dành cho tôi nhiều giờ.

        Trước năm 1972 thì tôi tham-gia công-tác Phụng-Hoàng với tư-cách Ủy-Viên; từ năm 1972, Giám-Đốc Ngành Đặc-Biệt cấp Vùng không còn là Ủy-Viên Ủy-Ban Phụng-Hoàng cấp Quân-Khu nữa; nhưng vì tôi muốn lợi-dụng tổ-chức này để làm lợi cho công-cuộc chống-Cộng về sau, nên tôi dựa vào uy-tín cá-nhân của mình để vẫn tiếp-tục giảng-dạy tại Trung-Tâm Huấn-Luyện của Ủy-Ban Phụng-Hoàng Quân-Khu II, với tư-cách “chuyên-viên” là một tư-cách do tôi tự-phong và được mọi người hữu-quan cả Việt lẫn Mỹ mặc-nhiên nhìn-nhận.

        Tôi lại biên-soạn và ấn-hành nhiều bài tham-luận, xung quanh chủ-đề đã được nêu ra, gửi khắp các cấp, các nơi trên toàn-quốc, cả Việt-Nam lẫn Hoa-Kỳ.  Việc này xảy ra sau khi đã có chỉ-thị của Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia dưới thời Thiếu-Tướng Nguyễn Khắc Bình cấm-chỉ mọi hình-thức báo-chí, tạp-chí, đặc-san, nội-san, báo tường, thư tin, v.v…, ngoại-trừ tờ báo “Bạn Dân” của Trung-Ương.

        Nói chung thì tôi đã kiên-trì nuôi-dưỡng, quảng-bá và thực-thi ý-niệm của mình, rằng tất cả các Chương-Trình, Kế-Hoạch riêng-lẻ, tuy có tính-cách chiến-thuật giai-đoạn nhưng đều tương-quan với nhau và có mục-đích chiến-lược trường-kỳ, nhằm chuẩn-bị đối-phó với tình-hình sau-chiến-tranh.  Kết-luận của tôi là phải kiện-toàn Lực-Lượng Cảnh-Sát Quốc-Gia, nhất là Ngành Đặc-Biệt, để có đủ sức đảm-nhận vai trò lĩnh-đạo và tiền-phong trong trách-vụ ổn-định tình-hình an-ninh đối-nội và đối ngoại của Quốc-Dân, đúng với tinh-thần và đường-hướng của Kế-Hoạch Cảnh-Sát-Hóa — là một “quốc-sách” đã bị giết non.

        Nhưng, Chính-Quyền Trung-Ương thì quyết bảo-thủ tình-trạng hiện-thời.

        Có thể nói là tôi sắp bị trừng-phạt vì những ý-kiến phát-biểu ra ngoài chính-sách của Trung-Ương?

Cộng-Sản Trên Đường Phố VNCH

        Theo Hiệp-Định Paris thì lĩnh-thổ Việt-Nam Cộng-Hòa được chia ra thành nhiều Khu-Vực, mỗi Khu-Vực có một Tiểu-Ban Quốc-Tế Kiểm-Soát Và Giám-Sát Ngưng Bắn; dưới mỗi Tiểu-Ban có một số Tổ, mỗi Tổ phụ-trách một số Tỉnh.

        Các Ban Liên-Hợp Quân-Sự 4-Bên và 2-Bên cũng được tổ-chức tương-tự.

        Trụ-sở Khu-Vực II đóng tại Pleiku.  Tôi đã đến phi-trường Cù-Hanh ở đây, để chứng-kiến lúc phái-đoàn Cộng-Sản Bắc-Việt bước ra từ một chiếc phi-cơ C-130 do phi-công Không-Quân VNCH và Hoa-Kỳ lái, từ Tân Sơn Nhất lên.

        Tôi đã nhìn thấy những bộ mặt khắc-khổ quắt-queo, những bộ quân-phục nhăn nhúm lụng-thụng, những bàn tay luớ-quớ sờ-soạng không biết mở cửa xe-hơi cách nào, và những cái ngoẹo đầu nheo mắt của chính các “đồng-chí” cộng-sản Đông-Âu ngỡ-ngàng nhìn ngó dáng-dấp thô-lậu và điệu-bộ quê-kệch của các sĩ-quan cao-cấp bộ-đội Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hòa.  Nhưng điều quan-trọng nhất là tôi đã ghi nhận được đầy-đủ các đặc-điểm nhận-diện của mỗi phái-đoàn trong bốn nước tham-gia Ủy-Hội Quốc-Tế, và của cộng-sản Bắc-Việt (Việt-Cộng không đến), nhất là màu cờ, kiểu-cách đồng-phục, quân-hàm, phù-hiệu của họ, là những điều mà đáng lẽ mỗi cảnh-nhân đã được Trung-Ương phổ-biến và phải thuộc lòng.

        Một thời-gian sau, Chuẩn-Tường Huỳnh Thới Tây gọi điện-thoại ra tôi, cấm toàn-thể nhân-viên CSQG/CSĐB không được tiếp-xúc với cộng-sản Hung-Gia-Lợi và Ba-Lan cũng như CSBV và VC.  Tôi nhận lệnh xong, hỏi lại Tướng Tây: Nếu họ ra phố, hỏi Cảnh-Sát về đường đi chẳng hạn, thì Cảnh-Sát có được phép trả lời, tức là nói chuyện với họ, hay không?  Chuẩn-Tướng Tây đáp rằng ông chỉ nhận được lệnh của Thiếu-Tướng Bình như thế mà thôi.

        Sau ngày Hiệp-Định Paris ra đời hơn nửa năm, có một phái-đoàn của Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia đến Bộ Chỉ-Huy Cảnh-Lực Vùng II để giải-thích về văn-kiện nói trên.

        Sau khi đại-diện Trung-Ương nói xong, tôi nhắc lại với các Chỉ-Huy-Trưởng và phái-đoàn đại-diện Cảnh-Lực của 13 Tỉnh và Thành khắp Vùng II, những điều tôi đã thông-tri cho Ngành Đặc-Biệt nhưng có một số bộ-phận Sắc-Phục chưa rành, về kiểu-thức và màu-sắc quân-phục, cấp-hiệu, đặc-điểm của các phần-tử cộng-sản khác nhau.  Tôi cũng nêu lên giả-dụ, nếu cộng-sản hỏi những chuyện thông-thường, thì nhân-viên Cảnh-Sát phải lịch-sự trả lời, như Cảnh-Sát Paris trong thời-gian có Hội-Nghị Quốc-Tế về chiến-tranh Việt-Nam.  Phái-đoàn các địa-phương mừng-rỡ tập-trung sự chú-ý về tôi, vì những tin-tức cụ-thể như thế đã đáp-ứng nhu-cầu tìm hiểu thực-tế trước mắt của mọi người.  Nhưng, có một viên-chức sở-tại là Đại-Úy Nguyễn Khắc Nghị, đã phát-biểu: “Phái-đoàn Trung-Ương không đề-cập gì đến vấn-đề đó; không ai được phép nói rộng ra ngoài giới-hạn nội-dung đã được thuyết-trình!”

        Chắc-chắn chuyện đó không bị bỏ sót trong bản tường-trình về chuyến đi công-tác này của phái-đoàn.

        Có thể là tôi sắp bị trừng-phạt về việc ấy, vì đã vượt quyền Cấp Trên?

Một Vở Kịch-Thơ Bị Cấm Xuất-Bản

        Suốt mười năm nay, tôi đam-mê công-vụ đến nỗi không còn đầu-óc và thì-giờ để sáng-tác và liên-lạc với các bạn văn thơ.

        Nghĩ rằng mình cần trở lại với giới tao-nhân, tôi bèn chuẩn-bị ấn-hành một số tác-phẩm, hoặc đã đăng báo, hoặc còn là bản thảo; và tôi bắt đầu với vở kịch-thơ xã-hội “Lão Ăn Mày”.  Kịch viết đã lâu, đã được công-diễn tại sân-khấu “Hội Quảng-Tri” ở Huế, trước năm 1960 là năm tôi bị lưu-đày từ cố-đô lên Cao-Nguyên.  Để kỷ-niệm thời-gian sinh-sống và sinh-hoạt văn-nghệ sôi-động ở thủ-phủ của Miền Trung, tôi đã kèm theo phần chính cuốn sách, gửi Bộ Thông-Tin để xin kiểm-duyệt, một phần phụ-lục trong đó có một bức thư của tôi gửi các bạn thân ở Sài-Gòn như nhạc-sĩ Lê Mộng Bảo, thi-sĩ Xuân-Huyền, nữ-sĩ Huyền-Chi, v.v…, tường-thuật vụ trình-diễn vở kịch thơ “Hồ Quý Ly” của tôi tại Huế vào cuối thập-niên 1940.

            Thuở đó, Hội-Đồng Kiểm-Duyệt Trung-Việt là một cơ-quan biệt-lập, do cụ Hồ Đắc Định, một nhân-vật trí-thức thức-thời, làm Chủ-Tịch, và nghệ-sĩ Vũ Đức Duy, một kịch-tác-gia kiêm đạo-diễn kiêm diễn-viên tài-danh, làm Tổng-Thư-Ký.  Hai vị chủ-chốt này đã ký cấp giấy phép cho tôi công-diễn và xuất-bản vở kịch kia.  Thế nhưng ngay đêm đầu tiên, đang diễn dở chừng thì viên Tỉnh-Trưởng địa-phương, là người được mời đến xem trong hàng quan-khách danh-dự, đã ra lệnh ngưng diễn và cấm tiếp-tục, viện lý-do rằng vở kịch ấy đề-cao nhân-vật lịch-sử Hồ Quý Ly đề-kháng Trung-Hoa xâm-lăng, gợi lên liên-tưởng đến Hồ Chí Minh cũng đang chống Pháp ngoại-xâm (quân-đội viễn-chinh Pháp đã đổ bộ lên các Thành Thị lớn từ đầu năm 1947).  Hội-Đồng Kiểm-Duyệt, cũng cùng có mặt tại chỗ, liền bác-bỏ quyết-định của Tỉnh-Trưởng, cho rằng đây là một vấn-đề văn-nghệ thuộc quyền-hạn của Hội-Đồng.  Các Giám-Đốc Thông-Tin, Công-An, v.v… đều là nhân-vật Quốc-Gia, chống-Cộng nhưng cũng chống Pháp – chống Pháp bằng chính-trị và ngoại-giao – nên tán-thành quyết-định của Hội-Đồng Kiểm-Duyệt.  Rốt cuộc vở kịch của tôi đã tạo nên dư-luận sôi-nổi và đã được trình-diễn liên-tiếp nhiều lần…

        Chắc Bộ Thông-Tin, vào năm 1973, hốt-hoảng liên-kết vở kịch “Lão Ăn Mày” ngày nay với vở kịch “Hồ Quý Ly” ngày xưa, nên đã đóng vào tập bản thảo của tôi 3 chữ “CẤM XUẤT BẢN” to-tướng.

        Tôi đã có nhiều kinh-nghiệm bản-thân về sự phối-hợp giữa Ngành Thông-Tin với Ngành Công-An.  Có thể là tôi sắp bị trừng-phạt vì có tác-phẩm như trên?

Nỗ-Lực Cuối-Cùng Của Giới Cao-Cấp Cảnh-Sát Nguyên-Ngành

            Ngoài Chuẩn-Tướng Bùi Văn Nhu, được giữ lại với danh-nghĩa Phó Tư-Lệnh Cảnh-Lực Quốc-Gia, các cấp chỉ-huy cao-cấp chính gốc Cảnh-Sát đều bị cất chức, hoặc chuyển qua Bộ Nội-Vụ, hoặc giao cho những phần-vụ thặng thừa.

        Trước khi bị tước hết quyền-hành và đẩy ra xa, số nhân-vật ấy đã làm một việc, xem như nỗ-lực cuối-cùng của tập-đoàn lĩnh-đạo cũ, là đề-nghị Tư-Lệnh sử-dụng tôi vào một trách-vụ xứng-đáng hơn.  Những tên-tuổi vang-bóng một thời như Bùi Văn Nhu, Trần Vĩnh Đắt, Đàm Trung Mộc, Lê Khắc Duyệt, Lê Sơn Thanh, Bảo Trọng, Nguyễn Bính, Nguyễn Phúc, Cao Xuân Hồng, v.v…  Họ muốn thấy tôi qua làm ít nhất cũng là Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực một Tỉnh quan-trọng, một chức-vụ mà tôi đã từng đảm-trách và hoàn-thành xuất-chúng từ mười năm xưa.

        Hôm Chuẩn-Tướng Tây ra Nha-Trang, Đại-Tá Cao Xuân Hồng, lúc ấy là Chỉ-Huy-Trưởng Cảnh-Lực Vùng II, cũng đã gợi ý với ông là nên dùng tôi để thay-thế Nguyễn Văn Long (quân-lai).

        Tôi mà được giới-thiệu nồng-nhiệt như thế thì có khác gì hơn là bị vạch mặt chỉ tên rằng tôi là một con gà-nòi của phe kia!  Hơn nữa, tôi đã nghe kể về tính tự-ái của Tướng Tây.  Một hôm, Thiếu-Tá Nguyễn Văn Độ, Chánh Sở Đặc-Biệt Tỉnh Khánh-Hòa, bị Trưởng Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương gọi về, vì đã tuân theo một lệnh nào đó của Tỉnh-Trưởng Tỉnh địa-phương.  Tướng Tây hỏi: Giữa Trưởng Tỉnh và tôi, anh chọn ai?  Độ đáp: Tôi chọn Thiếu-Tướng.  Hỏi: Vì sao?  Đáp: Vì nếu Trưởng Tỉnh nơi này mà không bằng-lòng về tôi thì tôi còn có thể đến với Trưởng Tỉnh nơi khác; nhưng nếu Thiếu-Tướng mà không vừa-ý về tôi thì tôi không còn đất sống!  Thế là Độ được cho về, bình-an.

        Bây giờ thì đến phiên tôi.  Có thể là tôi bị xem như đã chạy-chọt với giới ngoài Ngành, trong lúc Ngành Đặc-Biệt có tư-cách chuyên-môn, biệt-lập, tự-quản về mặt nhân-viên.  Tôi sắp bị khiển-trách về vấn-đề này?…

*

        Tôi nghĩ đến những hình-phạt; có thể là khiển-trách ghi hồ-sơ, cất chức, đình thăng-thưởng, thuyên-chuyển, sa-thải, và cao hơn hết là… bỏ tù.  Nhưng, tôi thì đã nhiều lần nếm đủ các loại hình-phạt kể trên.

        Điều duy-nhất khiến tôi lo-ngại chính là đổi vùng.  Mỗi lần thay đổi chỗ ở là một lần cuộc sống đảo-điên: lương tiền ít-oi, vật-giá leo thang; Cảnh-Sát không có cư-xá, Tư-Lệnh Cảnh-Lực cấp Vùng mà còn phải ở nhà thuê…

*

*    *

        Gặp tôi, Chuẩn-Tướng Huỳnh Thới Tây chỉ nói một câu ngắn gọn:

        — Tôi cho anh về Miền Trung, làm Trưởng Cơ-Quan cấp Vùng.  Anh có 3 ngày để trả lời tôi.

        Nhìn nét mặt ông, tôi biết là tôi không thể trình-bày ý-kiến ngay lúc đó, dù chỉ là một phản-ứng tức-thời.

        Tôi đứng dậy chào, đón nhận bàn tay xiết chặt của viên chỉ-huy cao nhất trong Ngành.

        Tôi còn gì nữa mà “về Miền Trung”?  Miền Trung đối với tôi trước hết là xứ Huế thân-yêu, nơi đã để lại trong tôi biết bao kỷ-niệm vui buồn của một thời trai-trẻ khôn quên.  Tôi đã nhẫn-nại kêu xin nhiều năm mong được trở về ngoài đó, nhưng nguyện-vọng đã không thành.  Ước-muốn chôn vùi từ mười ba năm về trước, trải qua bao nhiêu tang-thương, đến giai-đoạn này mới được ngó-ngàng.  Bây giờ thì ông+bà ngoại tôi, là những người đã nuôi-nấng tôi từ nhỏ, đã mất từ lâu; mẹ tôi đã từ-trần; dì tôi đã ra đi; thân-nhân không còn; bạn-bè kẻ chết, kẻ tha-phương; cảnh-vật đổi khác; tôi có trở về thì cũng chỉ làm một khách viễn-phương.  Hơn nữa, tôi cần tiếp-tục ở lại Nha-Trang để giữ cho gia-đình khỏi bị đổ vỡ vì một rạn-nứt đã thành-hình…

        Sáng sớm hôm sau, tôi vào gặp Chuẩn-Tướng Tây.

        Ông lắng nghe tôi, nhưng không chấp-nhận những gì tôi nói.  Viên Trưởng Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương ôn-tồn bảo tôi:

        — Chúng tôi muốn dùng người đúng với kiến-thức, kinh-nghiệm, thiện-chí và tác-phong của mỗi người.  Toàn-quốc chỉ có bốn Vùng; Vùng I là Vùng quan-trọng đặc-biệt.  Hiện nay thì tôi không thiếu sĩ-quan, kể cả một số cao-cấp hơn anh.  Nhưng tôi chọn anh…

        Tôi cảm-động vì lời nói ấy.  Đó là sự thật.

            Nhưng tôi thấy rõ, Vùng I là “Vùng Chiến-Tuyến”.  Ngay tại Đà-Nẵng, thủ-phủ mới của Miền Trung, đặc-công cộng-sản vẫn có thể bất-thần ra tay bất-cứ lúc nào.  Đại-Tá Nguyễn Văn Thiện, Thị-Trưởng mà cũng bị mất tích; Trung-Tá Nguyễn Đức Am, Chỉ-Huy Cảnh-Lực Thị-Xã mà cũng bị hạ-sát; Đại-Úy Lê Diệp, Trưởng Phòng Đặc-Nhiệm của Ngành Đặc-Biệt toàn Vùng I mà cũng bị gài mìn tử-thương.

            Chuẩn-tướng Tây trấn-an tôi:

        —  Ngoài đó đã có Trung-Tướng* Ngô Quang Trưởng, Tư-Lệnh Quân-Đoàn I và Quân-Khu I.  Cộng-sản không phải là vấn-đề đáng lo!

*Trung-tướng: tướng ba sao.

        Tôi đâu có lo về vấn-đề cộng-sản.  Cả ở núi, rừng, cũng như ở Xã, Thôn, tôi đã chạm trán, chạm súng với chúng nhiều lần.  Tôi lo là lo về nội-tình Quốc-Gia với nhau.  Thấy tôi vẫn chưa dứt-khoát nhận lời, Tướng Tây thuyết thêm:

        — Các anh phải nhận lấy trách-nhiệm của mình.  Chúng tôi chỉ qua đây một thời-gian ngắn, để giúp các anh củng-cố, phát-triển; rồi một ngày kia chúng tôi sẽ trở về lại với đời quân-nhân…

        Thế là rõ-ràng.  Chuẩn-Tướng Tây nhắc đến thái-độ chống-đối của tôi, vừa để chứng-tỏ là mình không kỳ-thị gì, vừa để ngụ-ý là mình chưa hẳn đã bỏ qua.  Tuy thế, ông không dồn tôi vào chân tường.  Ông đứng dậy, đưa tay ra bắt tay tôi, nói giọng trách-móc một cách thân-tình:

        — Tôi cho anh ba ngày cơ mà!  Anh đã hội-ý với các Giám-Đốc ở Bộ Tư-Lệnh chưa?  Anh đã dò-hỏi tình-hình ở Vùng I chưa?  Anh cần những phương-tiện gì thì gặp Trung-Tá Huỳnh Kiêm Thanh…

        Tôi không dò hỏi gì nhiều.  Tôi chỉ loanh-quanh tìm gặp vài ba nhân-vật cố-tri am-thạo tình-hình là đủ.

        Trung-Tá Ưng Du, một sĩ-quan lão-thành xuất-thân từ thời Quân-Đội Quốc-Gia chưa ra đời, bảo tôi: “Anh được cất nhắc lên chức-vụ cao là một dịp may.”  Trung-Tá cảnh-nhân Nguyễn Văn Thuận, người từng chứng-kiến nhiều lần đổi nhóm thay phe tại Bộ Tư-Lệnh Cảnh-Sát Quốc-Gia, khuyên tôi: “Anh nên nhận lời, vì Tư-Lệnh có thể đưa anh đi một Tỉnh xa, cũng phải dời đổi chỗ ở, và cương-vị lại có thể thấp hơn, mà còn khiến ông phật lòng.”

        Đại-tá Lê Tấn Phước, một người bà-con của tôi, hỏi tôi: “Anh muốn ở yên chỗ cũ, vậy anh có sẵn một triệu đồng không?”

        Vài ba bạn khác nửa thật, nửa đùa: “Coi chừng cái tính liêm-khiết của anh.  Phải khéo-léo với bọn tham-nhũng: theo chúng thì chúng sẽ che-chở anh, vì sợ rút dây động rừng; chống chúng thì chúng có cả tập-đoàn để tiêu-diệt anh…”

        Ngay chiều hôm ấy, tôi vào gặp lại viên Tư-Lệnh của tôi.  Tôi định chỉ nói ngắn gọn, nhưng mới mở lời “Thưa Thiếu-Tướng…” thì Tướng Tây đã cười, hỏi chận: “Chịu đi rồi hả?”

        Bây giờ thì Tướng Tây vui-vẻ nhưng nghiêm-nghị vào đề:

        — Miền Trung xưa nay thì anh đã biết rành rồi.  Phong-trào “Phật-Giáo Tranh-Đấu” khởi đầu từ Miền Trung; quân-đội nổi dậy, chính-quyền địa-phương ly-khai chính-quyền trung-ương, chỉ xảy ra ở Miền Trung; các giáo-phái đụng-độ nhau cũng chỉ có ở Miền Trung.  Bây giờ thì tình-hình rối-reng hơn: đảng-phái lung-tung, nội-bộ chính-quyền chia-rẽ.  Mỗi ngày Trung-Ương nhận được không biết bao nhiêu đơn-từ tố-cáo lẫn nhau; thậm-chí báo-cáo của các cơ-quan đã trái-ngược nhau, mà mỗi cơ-quan có khi lại tự mâu-thuẫn với chính mình.  Người dân ngoài đó hầu như ăn rồi chỉ biết có việc thưa-kiện, khiếu-nại lẫn nhau.  Nhiệm-vụ của anh là phải ổn-định tình-hình chính-trị nội-bộ, từ trong Cảnh-Sát Quốc-Gia mà ra, đến các cơ-quan chính-quyền, đoàn-thể dân-nhân.  Ngoài đó có yên thì trong này mới rảnh tay…

        Chuẩn-Tướng Tây đổi giọng, nói về tình-trạng cá-nhân của tôi:

        — Cấp-số ở chức-vụ ấy là đại-tá.  Trung-Ương sẽ yểm-trợ mọi mặt cho anh.  Về nhà-cửa thì tôi sẽ giúp anh mỗi tháng hai chục ngàn đồng.  Nếu gia-đình còn ở Nha-Trang, tôi sẽ cho anh vào thăm mỗi tháng một lần.  Bao giờ thì anh sẵn-sàng?

        — Ngày mai tôi ra Nha-Trang; ngày kia tôi ra Đà-Nẵng, nhận việc ngay trong ngày.

        — Tốt!  Ngày kia là ngày 26-9-1973.  Chúc anh thành-công!

        Tôi chưa ra khỏi phòng thì đã nghe Trưởng Ngành Đặc-Biệt Trung-Ương bấm máy nội-đàm bảo Trung-Tá Huỳnh Kiêm Thanh, Giám-Đốc Nha Tiếp-Trợ, làm lệnh cho tôi về “Vùng Chiến-Tuyến”, tức Quân-Khu I, tên mới của Miền Trung.

LÊ XUÂN NHUẬN