Tạp ghi

TRƯỜNG MẸ CỦA TÔI NGÀY ẤY.

                                                                     Hoài Niệm:


                                                                      
TRƯỜNG MẸ  CỦA TÔI NGÀY ẤY.

 

Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng

Cựu học sinh Trung học Banmêthuột

(1959-1966)

 

                                                                                                     Nếu cha mẹ đã có công sinh thành dưỡng dục tôi khôn lớn thành người, thì Trường Trung học Banmêthuột đã là Người Mẹ sinh ra tôi về mặt tri thức vì đã trang bị cho tôi những kiến thức căn bản chặng thứ hai con đường học vấn. Là vì sau chặng đầu tiểu học, suốt bẩy năm Trung học, tôi đã học và chỉ học một Trường Mẹ Banmêthuột mà thôi.

        Vì vậy, nhận cuộc Hội Ngộ ở Washington DC, Thủ đô của nước mỹ vào các ngày 3&4 tháng Bẩy năm 2010, của các giáo sư và các cựu học sinh Trung học Công lập Banmêthuột, tôi muốn ghi lại một chút hòai niệm về “Trường Mẹ Của Tôi Ngày Ấy”, để gửi tới Quý Thầy Cô, Quý Niên Trưởng và các Bạn đồng môn qua Đặc san Kỷ Yếu ấn hành trong dịp này, nhân kỷ niệm 55 năm thành lập Trường Mẹ của chúng ta (1955-2010).

 

  • * * * * * * * *

         Ngày ấy, cách nay đúng nửa Thế kỷ (1959-2009), sau khi đậu bằng Tiểu Học, Cha tôi nói, nếu không thi đậu vào trường công, thì phải ở nhà làm ruộng rẫy, chứ gia đình nghèo, không có tiền bạc đâu mà học trường tư. Cha tôi nói thật, vì gia đình tôi lúc ấy nghèo thật, sống bằng nghề làm ruộng rẫy ở Chi Lăng, một khu dinh điền cho những người di cư từ các nơi đến lập nghiệp, cách thành phố Banmêthuột khỏang 7 hay 8 cây số về phía Nam.

        Vì không muốn con thất học, Mẹ tôi đã cố gắng dành dụm riêng cho tôi được học lớp luyện thi đệ thất của Thầy giáo Thùy và may mắn thay nhờ đó tôi đã có tên trong danh sách 100 thí sinh thi đậu chính thức vào trường Trung học công lập Banmêthuột niên học 1959-1960.Cha mẹ tội đều rất vui mừng, riêng cha tôi thì có vẻ ngạc nhiên khi biết tôi đã thi đậu được vào trường công. Bởi trước đó Cha tôi vốn có định kiến với xã hội, không tin tưởng vì nghĩ rằng  muốn vào được trường công học giỏi chưa đủ mà còn phải có thần thế hay chậy chọt tiền bạc mới vào được. Nay thấy tôi thi đậu vào trường công Ông nhạc nhiên là phải. Trước ngày tựu trường Cha tôi đã vui ra mặt, dẫn tôi đi lên thành phố mua cặp bút, sách vở học cụ và hai bộ quần áo đồng phục quần xanh nuớc biển và áo mầu xanh lơ, đôi dầy vải mầu nâu, thay ví áo trắng, quần xanh, giầy vải trắng  như đồng phục học sinh trung học ở các tỉnh thành khác thời bấy giờ; có lẽ để cho phù hợp với thổ nhưỡng cao nguyên đất đỏ của nơi đây chăng? Đồng thời, mua lại cho tôi một chiếc xe đạp cũ làm phương tiện đến trường, xa nhà cả bẩy tám cây số, đường đất, đường nhựa đồi dốc quanh co.

        Tôi còn nhớ lúc đó, thành phố Banmêthuột còn hoang sơ, dân cư thưa thớt, đó đây rừng cây um tùm. Trường Trung Học Công Lập Banmêthuột ở vị trí hiện nay mới xây dựng xong. Trước đó, cơ sở nhà trường và các lớp, nếu tôi nhớ không lầm, vốn là một khách sạn cũ của người Pháp để lại có tên là Hotel Nicholas. Cơ sở này  nhìn ra công viên thành phố, bao quanh công viên là Biệt điện của vua Bảo Đại (Vị vua cuối cùng nhà Nguyễn, triều đại phong kiến Việt Nam), Bệnh viện Banmêthuột, Tòa Đại Biểu Chính Phủ và Ty Ngân Khố của Tỉnh Darlak (?). Trường lúc ấy có tên là Trung học Nguyễn Trường Tộ, chỉ có các lớp từ Đệ thất đến Đệ ngũ hay Đệ tứ thì phải. Trường dựa lưng phía sau là trại Trần Hưng Đạo, một thung lũng dinh điền tập hợp đông đảo các gia đình di cư từ nhiều nơi đến lập nghiệp và cũng có khá đông học sinh của Trường Mẹ gốc ở trại di cư này, trong đó có những người bạn cùng lớp với tôi.

    Nhớ lại, cách nay đúng 50 năm, kề từ năm đầu tiên được học Trường Mẹ, cũng là năm đầu tiên Trường Mẹ được đặt ở địa điểm mới này (1959-2009), không biết những căn nhà sàn dành cho các học sinh nội trú Việt gốc Thượng phía sau nhà Thầy Hiệu Trưởng , sát sân bóng rổ, thư viện phía trái cộng trường do chúng tôi tự xây dựng dưới sự điều động của Gs. Bùi Dương Chi sau này… bây giờ có còn không hay đã thay đôi hoặc bị  dỡ bỏ từ khi nào, sau khi tôi về Sàigòn theo học đại học .

       Tất nhiên, theo thời gian tôi chỉ biết rằng Trường Mẹ chắc là đã phải thay da đổi thịt theo hướng phát triển và ngày một phát triển mọi mặt. Số lớp học cũng tăng lên cùng với sĩ số học sinh ngày một gia tăng. Từ mỗi cấp lớp lúc đầu chỉ có hai lớp ban Anh văn, ban Pháp Văn, theo năm học tăng lên ba, bốn hay nhiều hơn nữa. Niên học đầu tiên của trường mới chỉ đến lớp Đệ Tứ, tức hết Trung học Đệ nhất cấp, năm học sau đôn một cấp lớp, có thêm lớp Đệ tam, rồi Đệ Nhị, các ban, rồi Đệ nhất ban A, Ban B, Ban C. Thời chúng tôi học, hết năm lớp Đệ Tứ còn thi lấy bằng Trung học Đệ nhất cấp, ngòai thi viết, có cả thi vấn đáp, thi ngay tại Trường. Năm Đệ Nhị thì thi lấy bằng Tú Tài I, hết năm Đệ Nhất thì  lấy bằng Tú Tài II ban A, B hay C. Mỗi khi đi thi, chúng tôi phải khăn gói quả mướp xuống thành phố Nha trang để dự thi. Vì lúc đó Nha Trang, một thành phố ven biển Miền Trung được chọn là trung tâm khảo thí dành cho các học sinh thi Tú tài I và Tú Tài II từ một số tỉnh vùng cao nguyên và duyên hải Trung phần Việt Nam như Darlak (Banmêthuột), Đà Lạt, Bảo Lộc, Quy nhơn, Khánh Hòa (Nha Trang)…về dự.   

 

        Có thể nói, tôi thuộc lớp Đệ thất đầu tiên được học trường mới cùng với cái tên mới là trường Trung học Công Lập Banmêthuột, với cái huy hiệu đầu con voi to tổ bố bọc plastic gắn trên ngực áo, biểu tượng đặc thù của một thành phố núi rừng Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Cổng trường chắc bây giờ vẫn thế, song cơ sở văn phòng Ban giám hiệu, học vụ, trường lớp thì đã thay đổi nhiều theo thời gian năm tháng cả về số lượng lẫn chất lượng?

         Ngày ấy mới chỉ có một dẫy nhà dài mái tôn xanh nằm phía bên tay phải cổng trường nhìn ra sân cột cờ ở giữa sân, với hàng cây trứng cá và phượng vỹ xen nhau chậy dọc theo trước hành lang các lớp. Dẫy nhà dài này được xây trên nền cao ngang thắt lưng, có các bậc tam cấp đề thầy trò bước lên hành lang phía trước cửa lớp, phía sau chỉ có cửa sổ kiếng đóng mở, nhìn ra sân sau dất đỏ hoang sơ của trường, với nhà vệ sinh nằm sát ven đường đất đỏ Lê Lợi.

      Ngày ấy tôi học lớp Đệ Thất B ban Pháp văn, vì lúc đó mới chỉ có hai lớp, Đệ Thất A,  Anh văn,


Đệ thất B Pháp văn. Cha tôi vốn ảnh hưởng văn hóa Pháp, tốt nghiệp Trung học Pháp, từng là thầy giáo nói và viết thông thảo tiếng Pháp, nên ông muốn tôi học Pháp văn, có lẽ để ông có thể kèm dậy thêm cho tôi chăng, chứ thực tế sau này tiếng anh thông dụng hơn tiếng Pháp nhiều, vì thời thế đã đổi thay, khiến tôi gặp nhiều thất lợi trong học tập, nghề nghiệp và cuộc sống sau này.

      

       Lớp Thất B của tôi nằm ngay cuối dẫy, mà đầu dẫy là văn phòng Hiệu Trưởng và học vụ, chỉ cách ngôi nhà dành cho gia đình Thầy Hiệu Trưởng Phạm Văn Đồng lúc đó một khỏanh đất hẹp. Vì ở cuối dẫy xa “Mặt trời” nên chúng tôi có nhiều thế thuận lợi để thực hành cái mà người ta thường gọi chẳng oan là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba …học trò”.

 

        Tất nhiên, về đại thể thì đúng, nhưng cá thể thì sai vì rất nhiều học sinh không phải như thế mà “hiền như ma Seur”, trong đó có tôi; bằng cớ là suốt 7 năm Trung hoc tôi đã không bị gán cho một “Biệt danh” nào cả, không tin quý Bạn  cứ hỏi quý Thầy dậy tôi và quý bạn cùng lớp mà xem, tôi không nói sai đâu! Nói cho ngay, chăng qua vì biết thân phân nghèo, muốn có trương lai tốt đẹp hơn, nên tôi chỉ biết cắm đầu lo “vừa học vừa làm” , không dám phá phách nghịch ngợm, để phải ở lại lớp hay bị kỷ luật thế thôi. Chứ nếu có điều kiện sống đây đủ chỉ biết ăn học thì chắc tôi cũng chẳng chịu thua kém ai để thể hiện câu “ranh ngôn” của tuổi học trò đâu.

        Vị thế lớp Thất B của tôi còn có một lợi thế thứ hai là gần quán của anh chị Kiếm, tùy phái kiêm bảo vệ nhà trường ngày đêm. Lợi thế là khi kẻng báo giờ ra chơi, chúng tôi có thể đến mua quà sớm nhất, không phải hì hục chen lấn, đổ mồ hôi, có đụng chạm, xô sát, xung đột mất đòan kết. Lớp Thất B của tôi ngày ấy sĩ số gần con số 60, với chị Lan làm trưởng lớp, anh Cường …yếu một mắt làm phó lớp, cả hai vị lúc đó dường như là cao niên nhất lớp.Nghĩa lả ở tuối ấy theo các cụ xưa thường nói, có thể dựng vợ gả chống có con có cái rồi đấy. Chẳng biết sau năm Đệ Thất hai vị này đi đâu lúc nào không biết và giờ này hai vị ở đâu?

         Một vài nhân vật có biệt danh được nhiều người biết đến trong lớp Thất B là Chư lý tóet, có cái tật ai ăn gì cũng chìa tay xin “Miếng coi” để rồi bị bạn bè xúm vào chế nhạo “Miếng coi…đồ thằng cha Lý kia kìa!”thật tội nghiệp. Lâm thò lò,Xuân ốc tiêu và một vài cô thuộc lọai “đanh đá một cách đáng yêu” cũng được phong cho biệt danh…nhưng mà thôi sợ lắm chả dám viết ra đâu. Khốn nỗi, trong số những nàng “đanh đá đáng yêu” này có một nàng tôi “yêu thầm, nhớ trộm”, tôi không giám viết ra đây sợ…nhưng đã “Thú tội riêng” với bạn cùng lớp Lương Minh Châu hôm gặp ở Cali trong dịp nghỉ hè tháng 7-2009 vừa qua, và nói Minh Châu nếu gặp “Người Ấy” thì nói riêng để “cười về một mối tình đơn phương thóang qua của tuổi học trò” thôi đấy nhé. Tất nhiên, đây mới chỉ là “mối tình đầu câm lặng” của năm đầu Trung học, mở đầu cho những mối tình câm khác trong những năm học còn lại nơi Trường Mẹ. ơ, yêu một cô bé cùng lớp vỡ lòng nơi Quê Ngọai, tất nhiên cũng chỉ là tình yêu đơn phương thơ dại…Nhưng thôi, để khỏi lạc đề, xin trở lại chủ đề tôi đang viết, còn  “Mối tình thơ dại” xin hẹn quý vị trong một “Tác phẩm nhớn” mà tôi có ý định sẽ viết sau này.

Quý vị nói tôi đa tình? Tôi không chối, nhưng tất cả chỉ là những mối tình đơn phương thanh cao trong sạch và đầy mộng mơ của tuổi học trò. Quý vị bảo tôi yêu sớm thế? Không sớm đâu, vì tôi biết nhiều bạn cùng trang lứa cũng đã biết yêu, đơn phương cũng như song phương. Có điều tôi phải tự thú, với tôi biết yêu còn sớm hơn nữa kìa, mối tình đầu của tôi đã có từ năm  sáu bẩy tuổi c

     Thời gian đầu, Hiệu Trưởng là Thầy Phạm Văn Đồng cốt cách điển hình về đạo đức tác phong mô phạm được cả các giáo sư kính nể, học trò kính sợ. Một giáo sư của Trường sau này kể cho cúng tôi nghe, Thầy Đồng rất mô phạm, không chỉ nghiêm khắc với học sinh về đạo đức, mà còn khó khăn với đồng nghiệp trên lãnh vực ái tình giữa Thầy và Trò. Hồi đó, với tư cách Hiệu Trưởng, Thầy Đồng đã lưu ý trước các Giáo sư, đại khái trong quá trình giảng dậy mà vị Thầy nào con tim lỡ yêu em học sinh nào, thì không ai cấm, chỉ yêu cầu âm thầm xin đổi đi nơi khác, để tiếp tục yêu và và sau đó có thế cưới làm vợ cũng tốt thôi.

               Tôi và các bạn cùng thời chắc không thể nào quyên được Giáo sư Pháp văn Phạm Ngọc Đỉnh, kiêm Tổng Giám Thị oai phong lẫm liệt, “Hét ra lửa, mửa ra khói” làm nhiều học sinh phát rét. Ấy vậy mà có lần Thầy tâm tình với chúng tôi đại để, nếu như đang lúc thày hùng dũng ra oai với học sinh giữa sân cờ như thế, mà xuất hiện bóng dáng “Cô nhà” đâu đó là lập tức Thầy bị “khựng lại” ngay. Thầy giải thích, chẳng phải vì “Sợ vợ” mà vì theo tâm lý chung, bất chợt có một người thân trong gia  đình xuất hiện khi mình đang thao thao bất tuyệt thí tâm lý chung đều bị “Khựng lại” như thế cả. Học sinh sợ nhưng rất kính yêu Thày Phạm Ngọc Đỉnh, nay Thầy đã qua vãng khá lâu, con trai Thầy là Phạm Ngọc Trấn cùng học chung lớp Thất B với tôi, bây giờ cũng định cư ở Hoa Kỳ, đã gặp lại trong một lần họp mặt Chsbmt tại Houston, hy vọng sẽ gặp lại lần thứ hai trong cuộc Hội Ngộ 2010 tới đây tại Washington DC.

              Về các giáo sư dạy chúng tôi năm Đệ Thất thì nhiều, song đã để lại nhiều dấu ấn trong tôi có lẽ là giáo sư Nguyễn Văn Thành dạy Việt văn, thường dành mưoi mưới lăm phút cuối giờ, sau khi kết thúc các bài giảng văn, bằng kể chuyện, một chuyện tôi nhớ nhất là  “Phi Lac Sang Tầu” của Hồ Hữu Tường, nói về nhà thông thái Mạc Đĩnh Chi đi xứ Tầu, rất lôi cuốn hẫp dẫn học sinh. Giáo sư Đặng Kim Quy dậy tóan rất phong độ, cũng thường kết thúc bài giảng bằng kể chuyển phim trinh thám gián điệp ly kỳ. Tôi còn nhớ Thầy đã dậy cho chúng tôi hát bài “Que sera Sera”  (Biết ra sao ngàysau) nhạc khúc trong một cuốn phim cùng tên thì phải. Một số câu hát lời Việt tôi còn nhớ:

      Ngày em còn thơ thường hay mộng mơ, thường hay hỏi má em, má ơi, ngày sau?

       Con sẽ thắm tơ duyên,và vui sướng hơn? Thì má khẽ khuyên bảo rằng: Biết ra sao ngày sau, đời luyến lưu vui cười khổ đau, vì sắc duyên là sóng bể dâu, nào ai biết ngày sau. Que… sera… sera” 

 

       Quả đúng thế, nào ai biết ngày sau. Thày Thành ngày sau là một luật sư có tiếng ở Đà Lạt, hiện cùng gia đình sống ở Florida, tôi đã có dịp gặp lại đôi lần, gần nhất là dịp qua nghỉ hè ờ Cali tháng 7 năm 2009. Thầy sức khỏe hơi yếu, nhưng vẫn hăng say,nhiệt thành trong cuộc sống. Thày Quy sau là một phi ông, nghe nói hiện nay cùng gia đình sinh sống êm đềm ở vùng thung lũng hoa vàng Bắc California, tôi chưa có dịp gặp lại và cũng rất mong được gặp lại Thầy. Đó là hai giáo sư trẻ lúc bấy giờ, bên cạnh hai giáo sư thuộc thế hệ già lúc đó mà tôi nhớ nhất, đó là giáo sư Nguyễn văn Ngọan dạy Pháp văn nghiêm  khắc mà khả kính và giáo sư Thụ hiền lành cổ kính như một nhà nho, dậy hán văn với bài học vỡ lòng: “Nhân chi thân thể, hữu tam bộ phận, đầu cán dự tứ chi”… Cả hai vị Thầy khả kính nay đã là người thiên cổ.

       Qua năm Đệ lục, thì một biến cố xẩy ra trong đời tôi. Cha tôi, một trí thức “bất phụng thời” phải lao động cực nhọc nơi nương rẫy, ăn uống thiếu thốn, nên đã qua đời ở tuổi 53 tại bệnh viện Banmêthuột vào ngày 18-11-1960 vì lao lực. Khi

           “Luống đất trồng khoai còn bỏ dở,

             Mẹ lại một mình đói khổ nuôi con!”

                           (Trích bài Thơ Nhớ Mẹ Hiền viết năm 1980, và đã đọc trước khi hạ huyệt Mẹ tôi tại Sài gòn năm 2003)

        

         Tôi còn nhớ, cả lớp Đệ lục và giáo sư hướng dẫn là Thầy Trần Đình Đàm, nếu tôi nhớ không lầm, đã đến tiễn đưa Cha tôi từ nhà xác Bệnh viện Banmêthuột, đối diện với Trường Kỹ thuật Y Jut và Trường Tiểu học Nguyễn Du,  đến nghĩa trang ở gần khu Xóm Đạo, cạnh phi trường L.19 lúc bấy giờ. Xin một lần nữa cảm ơn quý Thầy và quý bạn ngày ấy đã chia xẻ nỗi đau mất Cha của tôi. Năm học này (1960-1961) trong nỗi buồn mất Cha, cuộc sống bắt đầu nhiều cơ cực hơn đã đến với tôi, khi chỉ còn hai Mẹ con cùng bươn trải trong cuộc sống.

        “Mẹ ơi, Mẹ có nhớ những chiều nắng Hạ,

          Ta vào rừng tìm hái lá dong,

           Ta về ta gói bánh chưng,

           Con đem đội bán khắp vùng Chi Lăng”

 Con tủi phận nên càng gắng học,

Mẹ thương con nào quản nhọc nhằn,

Mong sao con sớm thành nhân,

Để Mẹ bớt phần nặng gánh lo toan…”

                           ( Trích bài thơ Nhớ Mẹ Hiền)

 

          Trong hòan cảnh bĩ cực này, nên tôi đã không còn nhớ những kỷ niệm nào với thầy với bạn, với ngôi trường thân yêu…trong năm học này.

         

         Bước qua năm Đệ Ngũ, nhà trường đã xây thêm dẫy nhà lợp ngói đỏ tươi trên một nền cao, khá cao, đối xứng song song với dẫy nhà tôn xanh, ôm lấy hai bên sân cờ ở chính giữ, phía bên trái cổng trường, nhìn từ con đường nhựa trước cổng. Các lớp Đệ Ngũ của chúng tôi nằm trong dẫy nhà ngói đỏ mới này. Những niên học sau đó, sân bóng rổ và dẫy nhà ngói kế bên dần dần được xây dựng thêm, tôi không nhớ rõ thời gian. Dẫy nhà này lúc đầu chia làm ba căn, căn đầu làm phòng học vụ, căn giữa làm phòng thí nghiệm và căn cuối dẫy tạm làm phòng học. Thày Tổng Giám Thị Nguyễn Đình Liễn đóng đô ở phòng học vụ, thường là nỗi kinh hòang đối với những học sinh phá phách, vi phạm kỷ luật mỗi khi bị gọi lên gặp thầy Tổng Giám Thị. Giáo sư Liễn sau này là phu quân của cưu học sinh Lâm Thị Thu Thủy, Bạn học cùng lớp với tôi từ năm Đệ Thất, rồi trở thành Cô giáo Thủy sau khi tốt nghiệp Tú tài kép trở lại Trường Mẹ làm cô giáo.

         Viết đến đây tôi không thế không ghi lại kỷ niệm đặc biệt với nhóm bạn “Bàn Tay Trắng” năm  Đệ Ngũ của tôi. Nhóm gồm năm bạn cùng lớp chơi thân với nhau là NVĐ, NVH, LTTT, ĐTTX và tôi. Cái tên nhóm “Bàn Tay Trắng” do chúng tôi tự đặt và tự biết với nhau, có ý nghĩa nhóm gồm năm người bạn chơi với nhau trong tình bạn trong trắng như cái tuổi “trắng trong thơ ngây vô tội và đầy mộng mơ của tuổi học trò”. Cái tên chúng tôi đặt này hình như có ảnh hưởng hơi hướng của chuyện trinh thám gián điêp ly kỳ rùng rợn có tên là “Bàn Tay Máu” lúc đó đang được đăng từng kỳ trên nhật báo Sàigòn Mới thì phải. Chẳng phải là hình như nữa mà chắc là như vậy, vì chúng tôi đã lấy tên của các nhân vật của câu chuyện đặt cho mỗi người, có điều tên nhân vật Nam thì đặt cho nữ và ngược lại để đánh lạc hướng và thư báo họp mặt giữa chúng tôi cũng dùng hộp thư bí mật để liên lạc y như tiểu thuyết gián điệp ly kỳ “Bàn Tay Máu”. Đúng là trẻ con phải không quý Thầy và quý bạn?. Năm ấy,cũng vì mê đọc tiếp “Bài Tay Máu” trên báo Sàigon Mới ở Ty Thông Tin BMT trên đường Amatrang Long, nhìn qua chợ BMT, nên  tôi đã bị mất chiếc xe đạp mới mà Mẹ tôi đã dành dụm mua cho….Mẹ tôi đã khóc hết nước mắt khi biết chuyện này và tôi rất ân hận, tự trách mình chứ biết làm gì hơn.

         Hồi ấy chúng tôi cũng biết và hãnh diễn rằng nhóm “Bàn Tay Trắng” chúng tôi có hai hoa khôi được không chỉ nhiều học sinh cùng lớp, cùng trường theo đuổi công khai hay thầm yêu trộm nhớ…..mà có cả dăm ba giáo sư trẻ quan tâm.Yêu thì phải ghen, hậu quả là một thành viên của “Bàn Tay Trắng”  là NVĐ bị MTT đánh ghen oan tại vườn hoa trước Biệt Điện vua Bảo Đại. Oan là vì người yêu của NVĐ không phải là một trong hai hoa khôi trong nhóm, mà là người ngòai nhóm, đó là ĐTNH. …. Nhưng thực tế cuối cùng trên trường tình “Ai thắng ai “ thì đã rõ, “kiên nhẫn là mẹ đẻ ra thành công” mà lỵ?

      Sau lớp Đệ Ngũ, lên lớp Đệ Tứ, nhóm “Bàn Tay Trắng” của chúng tôi cũng không còn, lúc đó chúng tôi đã lớn khôn hơn, đã là người lớn rồi, không còn chơi “trò trẻ con nữa”. Thêm vào đó, chúng tôi bị phân tán khác lớp, lại lo học bù đầu để thi lấy bằng Trung Học, nên quan hệ tình bạn giữa chúng tôi bình thường như với các bạn khác. Khi hết bậc trung học, tôi thì lên Đại học tiếp tục học, Đ. và H.  thì vào quân đội, T.T, T.X thì lập gia đình, chúng tôi không còn liên lạc với nhau một thời gian khá lâu. Tôi chỉ gặp lại Bạn T.T lúc qua Mỹ, trong những dịp họp mặt cựu học sinh Banmê ở Houston, còn Bạn T.X, có gặp lại đôi lần ở Sài gòn sau 1975, hy vọng sẽ được gặp lại trong cuộc Hội Ngộ 2010 tới đây. H. thì sau này gặp lại nhiều lần ở Sàigòn, và lần gần nhất cách đây cũng khỏang 6 năm khi Mẹ tôi mất tại Sàigòn, cả gia đình chúng tôi về chịu tang. Lúc đó H. đã dẫn cả một phái đòan đông đảo cựu học sinh Banmê cùng vòng hoa phúng điếu đến chia buồn với gia đình chúng tôi. Xin cảm ơn các Bạn.

               

          Trong suốt bẩy năm Trung học, trong các sinh họat học đường, tôi nhớ nhất hai buổi cắm trại tòan trường xa nhất là ở khu rừng tre trúc cạnh thác Nhà Đèn Di Linh và gần là Thác Nhà Đèn ở phía sau Trường Mẹ Banmê không xa. Trong những buổi cắm trại này chúng tôi đã tham dự  các trò chơi lớn, lần theo bản đồ, chìa khóa bí mật, đi tìm kho tàng, thi trang trí trại, văn nghệ và nấu ăn giữa các lớp thật hào hứng. Trong cuộc cắm trại ở thác Nhà Đèn gần Trường Mẹ năm ấy, tôi đang học lớp Đệ Tam, và dược chọn là một thuyết trình viên trong cuộc Hội Thảo đề tài “Học và hành”, nếu tối nhớ không lầm.

         Tôi cũng nhớ những đêm văn nghệ cuối năm tại sân trường hay tại các rạp hát Tường Hiệp, Thăng Long trong thành phố, hay văn nghệ vào dịp Noel, Lễ Tết hay kết thúc năm học phát thưởng cho học sinh tòàn trường; hay những sinh họat văn nghệ giữa giờ chơi đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn mà bụi thời gian không thể xóa mờ.

         Tôi nhớ những buổi tập dượt văn nghệ ngày đêm ở đâu đó cho các chương trình văn nghệ lớn của trường hay tại nhà Lê Văn Thể ở đường Lý Thường Kiệt chuẩn bị cho văn nghệ giữa giờ chơi mà mỗi lớp phải thay nhau thực hiện. Tiếng đàn Tây Ban Cầm độc tấu réo rắt ngân vang của anh Nguyễn Đăng Hòan, anh của Nguyễn Đăng Đỉnh người Ban cùng lớp đã mất sau 1975; tiếng ca cao vút ngân dài của Bạn Lê Văn Thể (lùn) với bản nhạc Mexico gắn liền với tên tuổi thuở học trò của anh; hay tiếng ca những nhạc phẩm quê hương truyền cảm của Lê Đức Thành trong các sinh họat văn nghệ giờ chơi hay văn nghệ nhà trường…   Riêng tôi không thể nào quên vở hài kịch “Bố Cu Tèo” năm ấy, trong đêm văn nghệ tại sân khấu lộ thiên dựng trong sân trường dựa lưng vào hành lang dẫy nhà tôn xanh, với Phạm Viết Khiết (tức Tám Phệ) đóng vai Bố cu tèo, ĐTTX đóng vai Mẹ của Bố Cu Tèo và tôi giả gái đóng vai “Vợ của Bố Cu Tèo”….

         Tôi cũng nhớ những buổi thi đấu thể thao sôi nổi, hào hứng giữa các lớp hay với các trường bạn trên sân vận động gần trường hay của thành phố, với các cầu thủ trứ danh Phạm Công Lạc, Trương Ngọc Quý (Tức Tư Híp), Oanh, Trọng (Tức Mười Lồi)….của lớp tôi. Chắng biết có phải vì mê đá bóng quá sớm mà mấy cầu thủ này đã bị tiêu hao sụn tiếp hợp ở đầu gối, nên sau này đều có một chiều cao khiêm tốn? Xin Quý Thầy dây Van Vật xác nhận có đúng vậy không a?

         Tôi cũng không thể quên những người Thầy Cô đã dậy lớp tôi hay dậy các bạn khác lớp  trong cùng thời gian này như các giáo sư khả kính và khả ái đã dạy các lớp Đệ Nhất Cấp: ngòai các giáo sư Thành, Gs Quy, Gs. Thụ, Gs. Ngọan; Gs. Đỉnh tôi đã kể ở trên, còn có các giáo sư  Quang dạy vẽ, Gs. Dần dạy nhạc và là tác giả bản Hiệu Đòan Ca của Trường Mẹ, cả hai Thầy đều quá vãng; Gs.Nguyễn Duy Trại tức thi sĩ Thái Anh Duy, dậy Việt Văn, hiện nghỉ hưu bên con cháu ờ Nam Cali; Gs. Nguyễn Văn Hường dạy Vạn Vật, Gs. Nguyễn Xuân  Các dậy Pháp Văn, Gs. Lương Em dậy tóan,; Gs. Lương Duyên Hãn dạy anh văn, cả bốn vị hiện ở Houston, Tiểu bang Texas Hoa Kỳ; Gs. Trần Văn Thịnh dạy Công dân phu quân của bạn cùng lớp Đinh Thị Thanh Xuân hiện ở Úc; Gs. Cung Kim Trạch dạy tóan thì đã qua đời tại BMT nhiều năm trước;Gs. Di dậy Anh văn hiện ở Việt Nam nghe tin mới qua đời, Gs. Đồng Văn Long dậy Việt Văn (mà chúng tôi từng đùa với nhau viết tên họ Đồng của Thày theo ký hiệu hóa học của đồng= Cu ) và Gs.Nhất dậy Pháp Văn không rõ hiện các vị ở đâu; Gs. Bùi Dương Chi dạy Anh Văn thì đã định cư ở Mỹ từ lâu có đi về Việt Nam nhiều lần song tôi vẫn chưa có dịp gặp lại; Gs. Chế Minh Điền dạy Anh văn và  Gs. Trúc dậy Anh Văn không rõ hiện hai Thầy ở đâu; Gs. Kiểm dạy Việt Văn và Hán văn không biết hiện ở đâu; Gs. Trần Đình Đàm dậy Việt Văn, nghe nói đã qua định cư tại Hoa Kỳ? Gs Tỏan dậy Việt Văn cũng không rõ hiện ở đâu, Gs. Vũ ĐìnhTiến dậy vạn vật sau 1975 có gặp lại ở Saigon, nghe nói hiện định cư tại Úc; Gs. Ngự dạy Việt văn đã qua đời tại Việt Nam; Gs. Nhàn dạy Anh văn hiện định cư tại Dallas, TX; Gs. Dũng dạy Tóan không rõ hiện ở đâu; Gs. Phúc dạy Tóan hiện định cư tại Hoa Kỳ, chúng tôi có gặp lại nhân Thày đến dự một đám cưới con một cựu học sinh BMT tại Houston; Gs. Thắng dậy Thể dục Thế thao, nghe nói đã qua đời tại Nam California. … và một số Thầy Cô nữa mà tôi không còn nhớ được.

      Và các giáo sư Đệ Nhị cấp như Gs. Nguyễn Thị Tiên dạy Việt Văn mà tôi đã được gặp lại đôi ba lần trên đất Mỹ trong các dịp Hội Ngô cựu học sinh Banmê, đặc biệt là trong dịp ra mắt sách của tôi tại New Orleans, lại được chính Cô giới thiếu tác giả là học trò cũ của mình mà cả Thầy và trò chúng tôi hôm ấy đều xúc động như muốn khóc phải không thưa Cô và Thầy Ẩn? Hồi còn học Cô, bọn học sinh chúng tôi thường nói nhỏ với nhau, các Cụ thân sinh sao khéo đặt tên cho Cô thế, thật chính xác. Vì quả thực hồi đó Cô đẹp như Tiên phải không các đồng môn Banmê? Và bây giờ Cô vẫn đẹp, có khác chăng trước đây Cô đẹp như “Tiên nữ” , giờ đây Cô đẹp như  “Tiên lão” tức đẹp lão phải không ạ, thưa CôTiên?.

          Gs. Phan Ngọc dạy Tóan, hiên dịnh cư ở Washington DC và tôi đã gặp lại khi Thầy đến Houston họp mặt với các Gíáo sư  và các cựu hoc sinh Banmê cách đây ít năm; Gs. Mai Xuân Kính dậy lý hóa hiện còn ở Việt Nam, trước và sau 1975 tôi có gặp lại đôi lần khi Thầy dậy ở trường nữ Trung Học Lê Văn Duyệt ở Gia Định và mở tiệm sửa TV, Radio sau 1975 trên đường Lê Văn Sĩ Quận 3 Sàigon, gần Lăng Cha Cả, dù vẫn tiếp tục dậy học; Gs. Trần Văn Tùng dạy vạn vật, hiện ở Canada, rất tiếc hôm Thầy ghé Houston, năm nào, tôi đã không gặp lại được Thầy. Đặc điểm của Thầy mà học sinh học môn Vạn vật của Thầy ai cũng biết, là trước khi vào bài giảng, là năm mười phút im lặng nặng nề trôi qua, dương như Thầy muốn để học sinh “ổn định tâm hồn” trước khi đi vào bài học?

        Cá nhân tôi thì một kỷ niệm khó quên với Thầy, là một nửa cấm túc Thầy dành cho tôi năm Đệ Tam về cái tội bỏ áo ngòai quần, cũng là cấm túc duy nhất trong suốt 7 năm Trung học của tôi. Tôi rất khổ sở, nên giờ ra chơi,tôi đã lẽo đẽo theo chân Thày đến tận cửa phòng Giáo sư và Hiệu Trưởng ở đầu dãy nhà mái tôn xanh để kêu oan với Thầy rằng: “Em không có ý vi phạm kỷ luật, chẳng qua là vì buổi sáng đến trường đúc gạch đất trộn xi-măng để xây thư viện,quần bị dơ nên bỏ áo ngòai quần để che đậy”, năn  nỉ Thầy cách mấy Thày cũng không tha. Ức qua, tôi đã nói “Như thế là Thày phạt oan ,em sẽ không đi cấm túc”. Không biết ThầyTùng lúc đó có nghe thấy không, chỉ thấy Thầy lẳng lặng bước vào phòng Giáo sư. Chủ nhật tôi không đi cấm túc tại trường và đã chuẩn bị một bài cãi hùng hồn vào giờ của Thầy trong tuần kế đó, nếu Thầy bắt lỗi về vụ không đi cấm túc. Kết thúc bài cãi này là tôi có ý định sẽ xin nghỉ học, tự động ra khỏi lớp, về nhà mua sách tự học…oai chưa! Thế nhưng, may quá, giờ học của Thầy không thấy Thày nói gì. Cảm ơn Thầy Tùng. Vì nếu ngày ấy, ý nghĩ nông nổi này của tôi, nếu trở thành hiện thực, thì sự ngông cuồng nông cạn của tuổi trẻ ngày ấy chắc chắn là tai hại cho tương lai đời tôi. Vì chắc gì ý định tự học mà tôi thực hiện được hay phải bỏ học luôn, và đường học vấn bị cắt ngang, tôi sẽ làm gì và ở đâu hôm nay đây?

         

         Gs. Viên dạy Tóan, vừa mới qua đời ở Sàigòn, khi tôi còn ở Việt Nam có được gặp lại Thầy trong một vài cuộc họp mặt của cựu học sinh Banmê, có cả Thầy Trại, Thầy Di tham dự…Thày là một nhà mô phạm nghiên nghị, ít nói, giảng bài chừng mực, ít gần gũi tâm tình với học sinh ngòai giảng dậy chuyên môn; Gs. Tuấn dạy Triết dường như vẫn ở Đà Lạt Việt Nam, con người Thầy đúng là triết gia,như chúng tôi thường nói với nhau. Triết đến độ một lần tôi nhớ vào năm Đệ Nhất, trong giờ Triết, Thầy gọi bạn tôi là Nguyễn Văn Sự lên trả bài, nó đang hút thốc lén, đứng lên nói “Dạ thưa Thầy em đang bận”, ấy thế mà Thầy Tuấn Triết vẫn bình thản cho qua kêu học sinh khác.Tôi đã không gặp lại Thầy sau khi rời Trường Mẹ.Nay vừa nghe tin Thầy Tuấn mới qua đời. Tôi rất súc động và xin được khóc Thầy và phân ưu với cac con Thầy cùng tang quyến. Được biết Cô Tuấn cũng đã qua đời trước Thầy đã lâu. Nơi cõi Vĩnh hằng cực lạc, nơi dành cho những người hiền đức, chắc Thày Cô đã sum họp vui vầy . Vĩnh Biện Thầy Tuấn. Vĩnh biệt Thầy!

          Gs. Đính dạy Vạn vật, là phu nhân của Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Khoa Phước, hiên dịnh cư tại Mỹ, chúng tôi đã gặp lại Thầy Cô tại Houston cách nay vài năm trong một bữa ăn trưa với anh em cưu học sinh Banmê ở đây; Gs. Võ Ngọc Lô dạy Lý Hóa hiện vẫn sống ở BanMêThuột và dạy ở Trường Mẹ Banmê, Phu nhân  của Thầy Lô là Nguyễn Thị Trâm, bạn cùng lớp Đệ Nhị cấp với tôi; Gs. Tấn dạy Tóan, Gs. Tôn Thất Diễm Bào dạy Anh Văn, Gs. Sung dậy Công dân, Gs. Doanh dậy Việt Văn cà bốn vị Giáo sư tôi không biết hiện giờ ở đâu; Gs. Ngô Thanh Châu dạy sử địa hiện vẫn ở Sàigòn, năm Đệ Nhất thấy nhà ở xa, để có điều kiện học thi, Gs. Châu đã cho tôi ở trọ chung với Thầy và Gs. Doanh tại ngôi nhà dành cho các giáo sư ở gần trường, trên đường đất đỏ Lê Lợi. Sau 1975 tôi vẫn thường gặp Gs. Ngô Thanh Châu, nhưng từ khi định cư tại Mỹ, tôi đã mất liên lạc và có ý định sẽ tìm cách liên lạc lại với Thầy …Còn một số Thầy cô nữa mà tôi quên. Xin cảm ơn tất cả Quý Thày Cô ……và chân thành tưởng niệm các Thầy Cô quá vãng.

     Về các Thầy Hiệu Trưởng  trong các năm tôi học tại Trường Mẹ, theo thời gian nếu chúng tôi không nhớ lầm:Tiên khởi là Giáo sư Phạm Văn Đồng, kế lần lượt đến Gs. Nguyễn Khoa Phước; Gs. Tôn Thất Diễm Bào (Quyền Hiệu Trưởng?), Gs. Quang. Gs. Nguyễn Khoa Tuấn và sau khi tôi rời Trường Mẹ, Thầy Trần Văn Tùng là Hiệu Trưởng cho đến 1975 và sau đó tôi không rõ.

    Về các Thầy Giám học tôi nhớ hình như  có Gs. Lâm và Gs. Cung Kim Trạch. Thày Lâm không rõ hiện nay ơ đâu. Thày Trạch thỉ đã qua đời cách nay nhiều năm tại BMT. Về các thầy Tổng GiámThị, trong thời gian tôi học dường như chỉ có hai Thầy: Gs. Phạm Ngọc Đỉnh thì đã qua đời cách nay cũng khá lâu; Gs.Nguyễn Đình Liễn, thì hiện định cư tại Washington, Hoa Kỳ, sau đó giao sư nào làm Tổng giám thị nữa thì tôi không rõ.

 * * * * *

    

         Thấm thóat mà tôi đã xa Trường Mẹ Banmêthuột 43 năm (1966-2009), chắc hẳn cảnh vật giờ đây đã có nhiều đổi thay. Những người Thầy Cô dạy chúng tôi năm nào, cũng như những người bạn học cùng lớp hay khác lớp cùng trường trong thời khỏang 7 năm tôi học nơi Trường Mẹ, hiển nhiên kẻ còn người mất. Những vị Thầy và Trò đã mất thì đã yên nghỉ trong cõi Vĩnh Hằng. Những vị Thầy và Trò còn sống đã gặp hay nay mai gặp lại, trong cuôc Hội Ngộ 2010 tới đây, xin cũng đừng ngạc nhiên nếu có thấy sự đổi thay này: rằng ngày xưa tóc Thầy còn xanh, tóc Trò cũng còn xanh, mà ngày nay sao tóc Thầy đã bạc, tóc Trò cũng trắng phau  hay muối tiêu thế này…. Vì đó  là một tất yếu theo quy luật thời gian, năm tháng đã phá hủy tịnh tiến thân xác chúng ta.

          Thế nhưng có môt điều thời gian không phá hủy được là những kỷ niệm đẹp, thân thương đáng nhớ một thời đã qua của Thầy Trò chúng ta, cái thời mà cách đây hàng nửa Thế Kỷ, Thầy Trò chúng ta đã cùng hít thở một bầu không khí cao nguyên trong lành, đất đỏ bụi mù trời theo cơn lốc vào mùa nắng hạ và dính chặt như keo sơn vào mùa  mưa rừng, cùng sinh họat theo chức năng Thầy Trò của mình và đã để lại những dấu ấn sâu đặm mà bụi thời gian không thể xóa mờ.

 

         Mong rằng Thầy Trò và đồng môn, đồng liêu Trung học Banmêthuột sẽ được gặp lại nhau đông đủ trong ngày Hội Ngộ Tháng 7 –  2010 ở Washington DC tới đây,  để hàn huyên thân tình, kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm đẹp, thân thương đáng nhớ ngày đó, để có chung cảm giác Hạnh Phúc, dù chỉ là hạnh phúc nhất thời vắn vỏi trong  dăm ba giờ, vài ngày nơi xứ lạ quê người, cách xa Trường Mẹ bằng cả một Đại Dương và xa kỷ niệm hàng nửa Thế Kỷ.

         Vì Hạnh Phúc là gì nếu không phải là những cảm giác có ý thức do những tác động của nội tâm hay ngọai cảnh? Hạnh phúc Hội Ngộ của Thầy Trò chúng ta chính là tác động từ nội tâm hòai niệm quá khứ và ngọai cảnh là bầu không khí họp mặt hiện tại của những con người có chung một quá khứ. Hiện tại và quá khứ như quyện vào nhau cho ta hạnh phúc hôm nay. Phải không, thưa Quý Thấy, Quý Niên Trưởng và các Bạn cựu học sinh Trường Mẹ Banmêthuôt?

 

                 Thiện Ý Nguyễn Văn Thắng


           Cựu học sinh Trung họcBanmêthuột

                       Niên học 1959-1966