Trang Thơ – Lê Tuấn

This image has an empty alt attribute; its file name is Picture24.jpg

Em Cúi Xuống

Em cúi xuống để rơi ngàn giọt lệ

Khóc cho đất, cho mộ đá không tên

Cho đêm về lung linh ngọn nến trắng

Tấm thẻ bài chợt lóe sáng trong đêm.

Em cúi xuống thắp nén nhang tình nghĩa

Ngọn gió chiều làn khói tỏa bay cao

Đời chiến sĩ, linh thiêng còn vọng lại

Giữ Quê hương. Hồn bất khuất tự hào.

Em cúi xuống chắp tay quỳ bái lậy

Lệ tuôn trào vị mặn thấm trên môi

Thời chinh chiến viết đầy trang Quân Sử.

Sao còn nghe lòng trĩu nặng khôn nguôi.

Em cúi xuống lệ tuôn trào thương xót

Khóc cho người vì Tổ Quốc Vong Thân

Việt Nam ơi ! Lắng nghe hồn sông núi.

Ngọn lửa thiêng, thắp sáng bóng chinh nhân.


Lê Tuấn

Buông Rơi Súng Trận

Bình cũ rót đầy rượu đắng cay

Men nồng vị ngọt thoáng hương say

Mời người xa vắng thăm tình bạn

Uống cạn hôm nay, chén vơi đầy.

Thời đó ngày xưa tao với mày

Đã từng tham dự tiệc chia tay

Rừng chiều chia lối hai đơn vị

Mày ở đồi kia, tao chốn này.

Bạn cũ lâu ngày gặp lại nhau

Uống cạn men say xoá tan sầu

Chiến trận hào hùng thời ly loạn

Tao mày vẫn sống tuổi bạc đầu.

Chợt nhớ ngày xưa giữa tang bồng

Buông rơi súng trận, bàn tay không

Ngước mặt nhìn trời, buồn ly biệt

Tao mày ôm hận nợ núi sông.

AET. Lê Tuấn

Bóng Người Xưa

Hồn Đá Vẫn Tôn Thờ.

Bước khẽ thôi cho đất nằm yên nghỉ

Để rừng hoang che khuất bóng trong mưa

Hồn phế tích, ngả nghiêng trong thành cổ

Bom đạn thù, tàn phá chiến tranh xưa.

Chiều phố núi, ta về thăm chốn cũ

Rừng hoang vu, thoáng hiện bóng chinh nhân.

Chiến trường đó, nơi địa đầu giới tuyến

Nén nhang buồn, lan tỏa ngọn phong vân.

Chiều giới tuyến, sau bao năm cách biệt

Ta về thăm, bia mộ đá hoang sơ

Đất im lặng, cỏ buồn phơi sắc úa

Bóng người xưa, hồn đá vẫn tôn thờ.

Người nằm đó, nghe hồn thiêng sông núi

Chợt bồi hồi, ngọn gió núi khóc than.

Người chiến sĩ, người trai hùng bất diệt

Sáng muôn đời. Hồn Vị Quốc Vong Thân.

AET Lê Tuấn

Tháng Tư Về Rất Muộn

Em có biết, tháng Tư về rất muộn
Tiếng bom rơi, đạn xé gió đi tìm
Và có tiếng, đoàn người đi rất vội
Trốn quân thù, loài giặc đỏ không tim.

Tháng Tư về, ghé thăm vùng hoả tuyến
Chợt giật mình, nhìn lại bóng thời gian
Đoàn Hùng Binh, đứng chờ trong hoài niệm
Tro bụi thời gian, vẫn cháy đỏ chưa tan.

Đêm đen tối, tháng Tư ngày Quốc Hận
Cuối đường chiều, còn lạc bước nơi đâu
Trên đất khách, lòng bồi hồi tưởng nhớ
Tháng Tư buồn, nỗi nhớ gợi thêm sầu.

AET. Lê Tuấn

Ta Về Đứng Giữa Dặm Trường

Ta về rừng hỏi han cùng

Núi vang tiếng gọi nghìn trùng xa xăm

Hoang sơ phiến đá nghiêng nằm

Mộ bia nghiêng đổ, vết tăm tích người.

Hồn chinh nhân đứng giữa trời

Bóng ai thoáng hiện dấu đời đi nhanh

Từ trong hốc đá lạnh tanh

Gió như than khóc, cao xanh nghẹn ngào.

Ta về thăm những chiến hào

Hồn thiêng sông núi còn cao trí hùng.

Rừng xưa che bóng chân dung

Khói hương lan tỏa một vùng đau thương.

Mầu hoa sim tím lạ thường

Kiếp nhân sinh loạn, vô thường mộ xưa

Dòng tâm thức chảy như mưa

Khóc cho thân phận dư thừa lãng quên.

Ta về theo dấu chân quen

Tiếng đêm động vỡ, ngọn đèn soi thân.

Thiên thu mờ mịt xa gần

Đất xa xuống vực, tần ngần khóc thương.

Ta về đứng giữa dặm trường

Hai vai gánh cõi vô thường mà đi.

AET. Lê Tuấn

Tháng Tư Ngậm Ngùi

Quá khứ chợt về trong hờn tủi
Lục lại thời gian thời chiến chinh
Tìm trong phế liệu mảnh bom vỡ
Ráp lại mà xem chuyện chúng mình.

Lật trang sách cũ lòng thương nhớ
Đọc lại bài thơ bỗng ngậm ngùi
Hồn chiến sĩ cơn đau thổn thức
Dòng lệ buồn thương nhớ sụt sùi.

Một đời người lính già trông thấy
Nợ núi sông buồn trả chưa xong
Lịch sử quên đi thời chiến loạn
Cố lục tim xem những chiến công.

Chỉ tiếc đời trai sao hữu hạn
Còn chưa trả hết nợ núi sông
Lòng vẫn còn đau buồn thế sự
Mà phận con người, cõi hư không.

AET. Lê Tuấn

Tháng 4 , 2020

Nỗi Oan Tháng Tư

Ta rót rượu buồn giải nỗi oan
Tháng tư trời đất nhuộm màu tang
Lòng vẫn nghe đau buồn thế sự
Tiếng động đổi dời vẫn âm vang.

Ta tưởng thời gian lướt qua nhanh
Nào ngờ dòng lệ vẫn chứa chan
Dòng máu ân tình còn tuôn chảy
Từ chiến tranh về nhang khói tan.

Tay run ly rượu đầy sóng sánh
Rải xuống thềm, cỏ dại úa vàng
Cơn gió hú. Trời câm đất nín
Đời im lìm mộng lớn chưa thành.

Cúi chào nhau mái đầu tóc trắng
Nghe nặng hồn đau nỗi oan này
Lịch sử ngơi đi cùng năm tháng
Sao tháng tư buồn nhang khói bay.

AET. Lê Tuấn
Tháng Tư 2020

This image has an empty alt attribute; its file name is image-30.png

Mộ Bia Xưa

Tường thành cũ mộ bia xưa
Hồn đau lệ ướt, còn chưa phai mờ
Chiều buông sương trắng hững hờ
Tháng tư nấc nghẹn bàn thờ khói hương.

Đợi nhau trên những đoạn trường
Ly hương hội ngộ, đọc chương sử hùng
Tìm trang lệ ướt não nùng
Người xưa anh dũng đứng chung bóng cờ.

Nền vàng sọc đỏ ước mơ
Cờ bay rợp bóng, tự do xứ người
Ngậm ngùi nhang khói giữa trời
Khóc thương vận nước đổi dời buồn đau.

Người về tóc trắng cúi đầu
Chắp tay vái lạy nguyện cầu thánh linh
Một thời gió bụi chiến chinh
Hồn thiêng sông núi hiển linh đất trời.

AET. Lê Tuấn
“ nỗi buồn tháng tư”

Thất Lạc Cõi Người

Buồn từng cơn đến rồi im

Nhói đau từng đợt, lại ghìm vết thương

Lắng nghe mộ khúc vô thường

Cõi người thất lạc, đoạn trường nào hay.

Áng mây cố cựu xa bay

Đường xa qua ải, phủ đầy tuyết rơi

Lòng buồn mang nặng nguồn khơi

Cơn đau thân phận, một thời đảo điên.

Tiếng kinh vang động khắp miền

Lòng ta tan nát cội phiền chơi vơi

Tám năm thất lạc cõi người

Thắng thua một trận, đổi dời đắng cay.

Dòng sông vô lượng vơi đầy

Dòng đời vọng động, thân này chia hai

Hoàng hôn dấu đỏ chân mây

Ta buồn muốn kéo thêm dài đêm mơ.

AET Lê Tuấn

Thất lạc cõi người, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Tôi đã trải qua tám năm tù tập trung cải tạo, trong những trại tù tại miền bắc.

Lê Tuấn

Nỗi buồn sau tám năm tù cải tạo

Phù vân không nhắc tên Lê Tuấn

Tạo hoá cũng quên mất Tế Luân

Văn Thơ lưu lại đôi ba khúc

Góp tiếng cho đời thêm ý xuân

Lê Tuấn

Người nghệ sĩ lang thang hoài trong tâm tưởng

Đi Tù Biệt Xứ

Một lần định mệnh, xô về vô định

Chuyến xe đi, chở chật cứng tù binh

Ra bến cảng, đoàn tàu chờ đợi sẵn

Nhốt hết xuống hầm, đầy đọa nhục hình.

Nêm chật cứng người lính vừa buông súng

Tăm tối mịt mù, chẳng rõ mặt người

Ta gọi nơi đây cõi đời thất lạc

Hồn ai đó, nấc nghẹn tiếng không lời.

Tàu rẽ sóng ra khơi trời hừng sáng

Qua khe hở ghi nhớ phút giây này

Lênh đênh con tàu trên biển lớn

Cuộn cuộn sóng gào, nôn mửa cơn say.

Ta sống chết với điêu tàn đất nước

Nhắm mắt mù nhìn khoảng trống tối đen

Một lần gục ngã, gồng mình đứng dậy

Không bao giờ cúi mặt sống đê hèn.

Gót chân ta đạp sao ngàn viễn xứ

Bước chân đi rừng núi phải cúi đầu

Hòn đá cuội mấy ngàn năm vẫn thế

Hồn ta đau vì sông núi đổi màu.

Thân xác này đã quen trời sương gió

Mặc những đốt xương va đụng nhói đau

Ngày mai chỉ là con đường vô vọng

Ta đã hóa thành loài khỉ rừng sâu.

Nhìn hun hút trong điêu tàn lịch sử

Dòng sông Hồng máu lệ chảy xuyên ngang

Bến Ô Lâu đường đi vào Nghĩa Lộ

Hoàng Liên Sơn, trại giam khắp núi ngàn

Vĩnh biệt người trên đoạn trường uất hận

Tháng năm buồn vuốt mặt nuốt đau thương

Chốn hoang sơ loài người không nhìn thấy

Những con người vất vưởng sống tha hương.

Ta nuốt dòng lệ đắng, sao còn nghẹn

Lòng ta ơi! Ghi lại những đoạn trường

Thời đại mới, vỡ tung từng mảng lớn

Ta bước đi trong dấu tích hoang đường.

Đời sống vẫn mỉm cười theo số phận

Ta vẫn trôi theo dòng nước thượng nguồn

Vùng đất lạ nửa đời ta còn lại

Trên xứ người, chợt nhớ đến chuyện buồn.

AET. Lê Tuấn

Chứng nhân của một giai đoạn tù tập trung cải tạo.

Năm 1975, sau ngày miền nam rơi vào tay cộng sản

Tôi đã bị lưu đầy đến vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn,

và trải qua nhiều trại tù trên đất bắc

Ta Về Nghe Nặng Cơn Đau

1

Ta về ngơ ngác trên đường phố

Đổi thay nhiều, mất dấu hôm nay

Phố thân quen bỗng thành xa lạ

Tám năm tù, cát bụi gió bay.

2

Ta về như dạng người thiên cổ

Từ rừng hoang, gặp lại cõi người

Hỏi sao không ngẩn ngơ mất hướng

Nghe tàn phai, nấc nghẹn tiếng đời.

3

Ta bật khóc nhìn đời thay đổi

Bước chân buồn, một bóng đơn côi

Tám năm rừng rú, tù biệt xứ

Tâm thức còn buồn chốn xa xôi

4

Ta cúi mặt cõi lòng câm nín

Đời quanh đây nghe nặng lòng đau

Tám năm Sài Gòn như cơn sốt

Tìm tự do, thiên hạ rủ nhau

5

Cuối phố lá me bay nỗi nhớ

Tám năm rồi gặp lại nơi đây

Em vội vã bước đi hướng khác

Cuộc tình tan theo gió mây bay.

6

Ta về như lá thu vàng úa

Nghe tiếng tàn phai vọng cuối mùa

Ai gọi ngoài kia, chiều phố vắng

Dừng chân nhìn lại ngọn gió lùa.

7

Chỉ còn lại đất trời câm nín

Một mình ta ôm chọn chia ly

Phù suy, phù thịnh, tình nhân thế

Đổi thay, vô thường, mấy ai ghi

8

Lịch sử có thêm trang cải tạo

Xin hãy viết thêm một chữ tù

Tám năm chết dấp nơi rừng rú

Thân phận còn đau nhói hận thù.

9

Ta về giữa phố người xa lạ

Nghe hồn nặng trĩu nỗi xót xa

Tám năm biệt xứ, ngày trở lại

Tàn tạ kiếp người trận phong ba.

10

Ta về, Mẹ mừng rơi nước mắt

Em thì ngơ ngác nhận không ra.

Đêm nay bếp ấm khơi thêm lửa

Chó ánh hồng lên sáng cả nhà.

Lê Tuấn

(Sau 8 năm tù trở về năm 1983)

Ghi Dấu Ngày Về

Ngày đánh dấu, ta trở về phố thị

Bỏ lại sau lưng vách đá trại tù

Bước chân ta dẫm nát lối hoang sơ

Từng nhịp bước chuyển rung rừng núi.

Đếm năm tháng, tám năm buồn tăm tối

Ta hóa thân, loài vượn giữa núi rừng

Chốn rừng thiêng, mất dấu bóng loài người

Xác thân đó trong hình hài cổ quái.

Em thấy ta, mắt tròn xoe kinh hãi

Chân dung người, biệt xứ mới trở về

Tám năm rồi tỏ mặt với nhau đây

Xao động cả, buồn vui ngày hội ngộ.

Người qua lại nhìn ta không thăm hỏi

Bước chân đi, từng cặp mắt e dè

Ta mất dấu, nhìn phố xưa xa lạ

Đời lặng im, sét rỉ đến không ngờ.

Và ta thấy thành phố già hơn trước

Cờ máu treo, nhuộm đỏ cả phố phường

Ta xót thương, căm giận lũ hung cuồng

Ta bật khóc, nỗi đau buồn thế sự.

Lòng chợt nghe, tin buồn vang khắp xứ

Gió cát vụt bay, che khuất đoạn trường

Ta chẳng buồn nhìn lại bóng quê hương

Những mảnh vụn, treo toàn cờ máu đỏ.

Ngày gặp gỡ, trong lòng còn chút mộng

Ta đi tìm người con gái khi xưa

Nàng không đợi, bỏ đi tự bao giờ

Nỗi xót xa, mối tình đầu cũng mất.

Ôi nhân thế! Với lưỡi dao thật sắc

Cắt vụn đời người, cắt nát trái tim

Loài ma quỷ, sùng bái những lũ điên

Bán linh hồn, thâm tâm nào vọng động.

Ta ngước lên, trời cao buồn muôn thuở

Nhìn lại mình, thân phận đã hư hao

Hoàng hôn đến, mái đầu vương tóc trắng

Ta chẳng buồn, tìm hiểu bởi vì sao.

Lê Tuấn

Khóc Tháng Tư Đen

Buồn lắm tháng Tư, khóc từ đâu

Giữa trời đất lạ, gợi thêm sầu

Tiếc thương chiến sĩ, hờn vong quốc

Giải khăn sô trắng, quấn ngang đầu.

Đau lắm tháng tư, phủ màu tang

Hàng triệu người đi, bỏ xóm làng

Con đường quốc lộ, thây người chết

Xác chồng lên nhau, thịt nát tan.

Còn đó tháng tư, lửa hờn căm

Đốt lên hàng triệu nén nhang buồn

Khói hương phong tỏa ngày Quốc Hận.

Cho dòng lệ khóc, gió mưa tuôn.

Khóc thương vận nước vẫn nổi trôi

Tháng Tư ngày đó, bỗng bồi hồi

Lá cờ cuốn lại, Tự Do mất

Uất nghẹn trào dâng, nước mắt rơi.

Aet. Lê Tuấn

Sài Gòn Ngày Cuối Tháng 4 Đen

Giữa mênh mông, đất trời vang tiếng súng
Đêm Sài Gòn, ngày cuối tháng 4 đen

Thành phố bàng hoàng, trắng đêm không ngủ
Nghe sôn sao, nghe tiếng gọi chưa quen.

Người gác đêm, mở tròn xoe đôi mắt
Nhìn lũ điên, chạy khắp phố trong đêm
Mẹ Việt Nam, bàng hoàng rơi nước mắt
Nhìn đàn con, tan nát khắp bao miền.

Bà cháu giắt nhau, cuống cuồng chạy giặc
Mẹ gọi con, chồng dục vợ đi nhanh
Gánh quê hương, ra đi tìm đất mới
Lòng quặn đau, tan tác kiếp lưu đầy.


Quân Cộng Sản, tràn vào hô giải phóng
Đem tự do, đốt cháy giữa sân trường
Đem nhân quyền, trà đạp không thương tiếc
Giải phóng đây sao? Cả miền Nam tang thương.

Giải phóng đây sao? Hỡi loài quỉ đỏ!
Quỉ đến đâu, dân chạy trốn không ngừng
Triệu người vượt biển, triệu người đau xót
Biển Đông than khóc, tiếng thét giữa rừng.

Từ mênh mông, biển Đông vang tiếng sóng
Sóng hận thù, biển đau nhói Việt Nam
Rừng bật khóc, khóc cho người nằm xuống
Cho quê hương còn tăm tối lầm than.

 AET. Lê Tuấn

Mộ Bia Xưa
Tường thành cũ mộ bia xưa
Hồn đau lệ ướt, còn chưa phai mờ
Chiều buông sương trắng hững hờ
Tháng tư nấc nghẹn bàn thờ khói hương.


Đợi nhau trên những đoạn trường
Ly hương hội ngộ, đọc chương sử hùng
Tìm trang lệ ướt não nùng
Người xưa anh dũng đứng chung bóng cờ.


Nền vàng sọc đỏ ước mơ
Cờ bay rợp bóng, tự do xứ người
Ngậm ngùi nhang khói giữa trời
Khóc thương vận nước đổi dời buồn đau.


Người về tóc trắng cúi đầu
Chắp tay vái lạy nguyện cầu thánh linh
Một thời gió bụi chiến chinh
Hồn thiêng sông núi hiển linh đất trời.


AET. Lê Tuấn
“nỗi buồn tháng tư”

Một Đời Gió Bụi
Tro tàn khơi lại quá khứ
Ta vẫn còn tìm được chữ yêu thương
Dù cho cội rễ vô thường
Dù cho thế sự nhiễu nhương thói đời.


Chữ yêu trọn vẹn ý trời
Một đời gió bụi thương người chinh nhân
Hương xưa nối lại tình gần
Bên dòng lưu thủy phù vân ngập hồn.


Hoa rơi nằm gốc cội nguồn
Người trăm năm cũ lại buồn tình xưa
Cánh chim đậu nhánh hoa thưa
Bóng mây gió chuyển cơn mưa chợt về.


Xót xa thương hận não nề
Tháng tư gãy cánh ê chề lòng đau

Buông theo vận nước nỗi sầu
Chắp tay vĩnh biệt bạc đầu nhớ thương.


Hoa tàn nhụy vẫn còn hương
Tình xưa chung một con đường bước đi
Tháng tư lịch sử còn ghi
Lòng buồn gợi nhớ ướt mi ân tình.


AET. Lê Tuấn
“Tháng tư buồn nhớ về một thời gió bụi”

Hạt Bụi Thời Gian

Hạt bụi bay về vướng mắt ai
Xót xa dòng lệ, nhớ thương hoài
Tháng tư chuyển dời, bao xung xát
Tiếng người còn nghe nỗi lạc loài.
Thức dậy mà đi, đêm đã mỏi
Còn ai nhớ lấy, phút giây này
Tháng tư trời đất, cơn giông lửa
Lồng lộn điên rồ, khói bụi bay.
Thành phố, nhạt nhòa những hàng cây
Tà áo nữ sinh thoáng gió bay
Chưa vội làm quen, đời tan hợp
Chỉ tiếc ngày xưa, chưa nắm tay.
Cơn đau nỗi nhớ buồn than khóc
Tổ Quốc từ nay đã đổi thay
Tiếng thét giữa trời, đêm nổi gió
Nghe cả hồn ta, những đắng cay.
AET. Tế Luân
“Người lính già chưa giải ngũ, chợt buồn nhớ lại tháng Tư Ngày Quốc Hận 1975”

Mừng Ngày Giải Phóng

Mọi người dân đều biết

Bác Hồ đọc tuyên ngôn

Bản tuyên ngôn nước Mỹ

Giọng nói Bác vang dồn.

Mọi người đều bình đẳng

Tạo hoá cho những quyền

Quyền con người được sống

Quyền cho người tự do

Quyền mưu cầu Hạnh Phúc

Toàn dân đều vui mừng

Người dân đều đồng ý

“Hoan nghênh phái bộ đồng minh

Ủng hộ chính phủ lâm thời”

Tại Ba Đình lịch sử

Hai, tháng chín, bốn lăm

Trên bục cao nhìn xuống

Từ nay sẽ tối tăm

Hà Nội toàn màu đỏ       

Đỏ rực những hàng cây

Đỏ tràn lan khắp phố

Mặt người cũng đỏ hây.

Mặt Hồ Gươm, nhuốm máu

Cờ bay đỏ mái nhà

Người dân đi dưới phố

Ngọn cờ đỏ mưa xa.

Đảng thực thi bình đẳng

Chia đồng đều đói nghèo

Đập tan quyền dân chủ

Bắt dân đen phải theo

Tuyên ngôn của đảng cộng

Vô sản là thành công

Vô tôn giáo, chính nghĩa

Lên thế giới đại đồng.

Không lâu sau đảng nói

Cải cách ruộng đất là

Thủ tiêu quyền chiếm hữu

Đấu tố bọn cường hào.

Huy động con địa chủ

Đấu tố cả mẹ cha

“Bố tôi rất gian ác

Bối tôi giết cả nhà”

Trên giao mày chửi bố

Chỉ bằng ấy thôi mà

Sao mày chửi nhiều vậy

Vượt chỉ tiêu con à.

Đây là cuộc cách mạng

Chia đất cho dân cày

Người dân đều hoan hỷ

Được làm chủ ruộng này.

Hai năm sau thu lại

Hợp tác xã đổi thay

Còn khổ ải hơn nữa

Khổ hơn kiếp đọa đầy

Người dân oan thường nói

Nên thận trọng nhìn người

Bọn cộng sản gian ác

Tội ác cao tận trời.            

1975

Thêm một lần chiến thắng

Đảng đánh chiếm miền Nam

Lùa dân vào cái chết

Trên dưới hai triệu người.

Từ khi đảng chiếm hết

Đất nước, thật bình yên?

Toàn thể nhân dân Việt

Mất tự do, nhân quyền.

Ngày miền Nam giải phóng

Ta có quyền tịch thu

Trưng dụng nhà, hãng xưởng

Bắt chúng nó, giam tù.

Vở chúng nó ta lấy

Xe chúng nó ta đi

Con chúng nó, nô lệ

Lời Đỗ Mười, dáng ghi.

Đỗ Mười đánh tư sản

Kẻ huỷ hoại miền Nam

Hai triệu người bỏ nước

Toàn dân đầy tiếng than.

Nghe lời đảng, dân chết

Trên dưới hai triệu người

Bên thắng cuộc tồi bại

Người thua cuộc, khóc cười.

Lính miền Nam cải tạo

Hơn triệu người đi tù

Hai trăm ngàn người chết

Chết vì đói, đòn thù.

Đảng chiến thắng vĩ đại

Đảng kiêu binh tận cùng

Đảng đầy đoạ dân tộc

Niềm vinh quang, hãi hùng.

Tội ác thật rùng rợn

Chết không vì đánh nhau

Chết vì tội diệt chủng

Thời hoà bình, mới đau.

Hãy nhìn lại lịch sử

Nên xem lại chuyện này

Chuyện người tù cải tạo

Chuyện vượt biển, lưu đầy.

Đảng phải nhìn sự thật

Chịu trách nhiệm trước dân

Đã hai lần cải cách

Lòng dân đau, bội phần.

Tại sao đảng “Giải Phóng”

Hàng triệu người bỏ đi

Một bi kịch vĩ đại

Nỗi đau nào, khắc ghi.

Mỗi năm, lại mỗi nhớ

Nhớ đến ngày phân ly

Tháng Tư ngày Quốc Hận

Triệu người Việt, ra đi.

Lê Tuấn

Viết cho ngày tháng Tư Đen