Phê Bình

Nhà văn phương Tây nói về phê bình văn học

I. Phê bình phương Tây đã có truyền thống từ thời cổ đại. Nhưng phải đợi đến cuối thế kỷ XIX, nhất là sang thế kỷ XX, tính chất hiện đại của thuật ngữ mới được biết đến cùng với các tên tuổi phê bình lớn của phương Tây.

Từ nguyên của “phê bình” (“kritikos”- Hilạp, “criticus” – Latin), nghĩa là phán xét. Sang các tiếng Pháp và Anh, viết hơi khác: “critique”, “critic”, nhưng tiền tố của nó vẫn được lưu giữ cũng như cách phát âm. Trong tiếng Pháp, từ này mang các nghĩa: xét, xét xử, phán xét, làm trọng tài, phán đoán, nhận định, đánh giá, tưởng tượng.

Dưới đây, tôi xin trích dịch một số ý kiến về phê bình văn học của các nhà văn phương Tây lần lượt từ thế kỷ XVII đến nay. Trong đó có cả các nhà khoa học, triết học, vi sinh học, tuy có khi chỉ trong lĩnh vực của họ; nhưng như vậy càng cho thấy tầm quan trọng và cần thiết của phê bình nói chung. Sau cùng tôi sẽ rút ra một vài nhận xét.

II. Các ý kiến:

1.“Bạn hãy sợ lời chỉ trích của công chúng đối với các vần thơ của bạn,/Chính bạn hãy là một nhà phê bình nghiêm khắc” (Boileau, 1636-1711)

2.“Thú vui của sự phê bình tước mất khỏi chúng ta thú vui được cảm động một cách sinh động từ các kiệt tác” (Jean de La Bruyère, 1645-1696) 

3.“Phê bình thì dễ, còn nghệ thuật mới khó” (Destouches, 1680-1754)

4.“Ở Pháp, ngày thứ nhất dành cho sự hâm mộ, ngày thứ hai cho phê bình, còn ngày thứ ba cho sự thờ ơ” (Delaharpe, 1739-1803)

5.“Bạn có biết các nhà phê bình là ai không? Những người bị mắc cạn (thất bại) trong văn học và nghệ thuật.” (Benjamin Disraeli, 1804-1881)

6.“Chủ nghĩa hoài nghi khôn ngoan là thuộc tính đầu tiên của một nhà phê bình giỏi” (James Russell Lowell, 1819-1891)

7.“Có lẽ không có địa ngục cho các tác giả ở thế giới khác – họ đã phải chịu đựng các nhà phê bình và các ông chủ xuất bản quá nhiều ở thế giới này rồi” (Christian N. Bovee, 1820-1904)

8.“Mọi nhà thơ lớn đều trở thành, một cách tự nhiên, định mệnh, những nhà phê bình” (Baudelaire, 1821-1867)

9.“Người ta làm phê bình khi người ta không thể làm nghệ thuật, cũng như người ta làm mật thám khi người ta không thể làm người lính” (Flaubert, 1821-1880)

10.“Bạn hãy có niềm tôn thờ trí óc phê bình” (Louis Pasteur, 1822-1895)

11.“Nhà phê bình giỏi là người kể lại các cuộc phiêu lưu của tâm hồn mình ở trung tâm của các kiệt tác” (A.France, 1844-1924)

12.“Những gì chúng ta đang làm chẳng bao giờ được hiểu, và chỉ luôn luôn được đón nhận bởi ca ngợi hoặc phê bình” (Friedrich Nietzsche, 1844- 1900)

13.“Phê bình chỉ là nghệ thuật hưởng thụ sách” (Jules Lemaitre, 1853-1914)

14.“Hãy nhân đạo: nếu bạn có đứa con trai không biết phân biệt màu sắc, thì hãy thà làm cho nó trở thành một nhà phê bình nghệ thuật còn hơn làm anh kỹ thuật viên đường sắt” (Remy de Gourmont, 1858-1915)

15.“Có ba loại nhà phê bình: những nhà phê bình quan trọng; những nhà phê bình ít quan trọng hơn; những nhà phê bình chả có quan trọng chút nào. Hai loại sau cùng không tồn tại: mọi nhà phê bình đều quan trọng” (Erik Satie, 1866-1925)

16.“Nhà văn cổ điển là nhà văn mang sự phê bình về chính mình, và kết hợp nó một cách sâu kín với công việc của anh ta” (Paul Valéry, 1871-1945)

17.“Thật bất hạnh cho một nhà phê bình có bao nhiêu vận may để sai lầm trong khi là kẻ khinh suất thì lại có bấy nhiêu may mắn trong khi là người cẩn trọng” (A.Billy, 1882-1971)

18.“Nhại và biếm họa là những thứ buốt nhọn nhất của các nhà phê bình” (Aldous Huxley, 1894-1963)

19.“Nhà phê bình cần phải, về mặt văn học, là một dạng của khoa sư phạm về niềm hứng thú” (L.Aragon, 1897-1982)

20.“Nhà phê bình, đó chính là kẻ khổ sai chung thân” (L.Aragon, 1897-1982)

III. Đọc những ý kiến trên đây, ta đã thấy, cái nhìn của các nhà văn phương Tây, theo thời gian, dần thông cảm hơn với các nhà phê bình văn học. Còn trước đó, ngay cả Flaubert (số 9) cũng không thoát khỏi ý nghĩ cay đắng, nghiệt ngã (cùng một số ý kiến khác coi thường, cả khinh miệt: 3, 4, 5, 7, 14) đối với nhà phê bình (gợi ta nhớ đến “huyền thoại” của Nguyễn Tuân – không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật (?) – là khi chết muốn chôn theo một thằng phê bình); trong khi cùng thời với Flaubert, nhà vi sinh học Pasteur (10) lại có ý kiến tích cực, bên cạnh ý kiến của nhà triết học Nietzsche (12) tỏ ra trông cậy, tin tưởng nhiều ở phê bình; nhất là Baudelaire (8), người đã nhìn thấy mối quan hệ “hai trong một” giữa nhà thơ và nhà phê bình. Những ý kiến càng về sau (từ 15 trở đi) càng trở nên thông cảm, đánh giá đúng hơn vai trò của nhà phê bình đối với văn học; bên cạnh đó là những ý kiến khuyên răn.

Ngày nay, phê bình phương Tây đã có nhiều biến đổi về chất và thành tựu của nó có thể sánh ngang với sáng tác, như đã có nhiều nhận định của các chuyên gia phương Tây. Phê bình đã thực sự trở thành một khoa học theo nghĩa rộng của thuật ngữ. Phê bình văn học, theo R. Barthes, là một siêu ngôn ngữ hay ngôn ngữ bậc hai thao tác trên ngôn ngữ bậc nhất trong hệ thống ngữ nghĩa đặc biệt của tác phẩm văn học. Và vai trò quan trọng của nhà phê bình đối với sự phát triển của một nền văn học là không còn phải bàn cãi.  

Hà Nội, tháng 6 năm 2008