Văn Thơ

Nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi .

Nhà thơ Hoàng Cầm đã ra đi .

Hà Linh

Hoàng Cầm sinh năm 1922. Ở tuổi xấp xỉ 90, vì một cú ngã dẫn đến bại chân, nhiều năm qua, ông hoàng thơ tình Việt Nam chỉ còn quanh quẩn nằm ngồi trong căn phòng nhỏ trên con phố Lý Quốc Sư. Tối 2/5, bệnh trở nặng, ông được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội) cấp cứu. Hơn 3 ngày sau, tác giả Bên kia sông Đuống qua đời, hưởng thọ 89 tuổi.

Nhà thơ Hoàng Cầm.
Nhà thơ Hoàng Cầm.            Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

  

     Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, hôm 3/5, ông cùng Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh và một số bạn văn nữa vào viện thăm Hoàng Cầm. "Lúc này, nhà thơ không nói được nữa, tuy ánh mắt vẫn còn tỏ vẻ nhận ra mọi người. Tay ông dường như đã lạnh".

"Tôi đã lường trước được chuyến đi cuối cùng của Hoàng Cầm. Nhưng khi nghe tin ông mất, tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác bàng hoàng, đau xót. Đối với tôi, Hoàng Cầm là một nhà thơ lớn với những tác phẩm mang đậm dấu ấn truyền thống, nhưng lại có đóng góp rất quan trọng trong công cuộc cách tân thơ ca Việt Nam. Thơ ông ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thi sĩ Việt Nam", Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ.

Hiện tại, thi hài nhà thơ đang được quàn tại phòng lạnh Bệnh viện 108. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Hội và gia đình nhà thơ đang bàn bạc về ngày giờ và địa điểm tổ chức tang lễ cho Hoàng Cầm. Ông không chỉ là tác giả  là một tên tuổi lớn trên văn đàn Việt Nam .

Nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Kim Lân năm 2003.
Nhà thơ Hoàng Cầm và nhà văn Kim Lân năm 2003.  Cả hai giờ đều đã là "người của muôn năm cũ".
Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

        Hoàng Cầm, tên thật là Bùi Tằng Việt, sinh ra tại làng Lạc Thổ, nay là xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh, trong một gia đình nhà Nho nghèo sống bằng nghề làm thuốc Đông y. Ông làm thơ từ năm lên tám, chín tuổi, bắt đầu được in từ những năm 1936 – 1937. Bút danh Hoàng Cầm xuất phát từ tên của một vị thuốc quý.

Những năm kháng chiến, Hoàng Cầm gia nhập quân đội, chuyên hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Năm 1957, ông là một trong số những hội viên tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Sau đó, ông tham gia nhóm Nhân văn Giai phẩm và thôi công tác tại Hội Nhà văn.

Hoàng Cầm được biết đến trong nhiều lĩnh vực, nhưng nổi tiếng nhất là thơ ca. Những tác phẩm chính trong sự nghiệp sáng tác của ông gồm: Trương Chi (xuất bản năm 1993), Bên kia sông Đuống (thơ, 1948), Kinh Bắc (thơ, 1959), Men đá vàng (truyện thơ, 1973), Mưa Thuận Thành (thơ, 1959), Lá Diêu Bông (thơ, 1993), Đến từ hư không (thơ, 2000)…

Lá Diêu Bông

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều,
Cuống rạ.
Chị bảo: Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng.
Hai ngày em đi tìm thấy lá
Chị chau mày:
Đâu phải Lá Diêu Bông.
Mùa Đông sau em tìm thấy lá
Chị lắc đầu,
Trông nắng vãn bên sông.
Ngày cưới chị
Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim.
Chị ba con
Em tìm thấy lá
Xòe tay phủ mặt chị không nhìn.
Từ thuở ấy
Em cầm chiếc lá
Đi đầu non cuối bể.
Gió quê vi vút gọi.
Diêu Bông hời…
ới Diêu Bông!


Bên kia sông Đuống (trích)

Em ơi!
Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông luyến tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay

Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thêm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp
…………………

Mong mỏi

Em về chữ phận yên vì/ Chữ duyên anh xé chữ nghì em vương…

Em về chia hết trầu cau
Anh đi chia nửa câu đầu cho ai
Là câu thưa với đất trời
Nhờ ơn bác mẹ thành đôi từ ngày

Em về bác mẹ vui ngay
Anh đi làng xóm nhớ ngây dạ buồn

Em về trải rạ êm đường
Anh đi manh áo phố phường bụi pha
Em về én thức canh ba
Anh đi lưới nhện nhập nhoà theo đi

Em về chữ phận yên vì
Chữ duyên anh xé chữ nghì em vương
Ước sao dàu nát đoạn đường
Anh đi bão táp phải nhường heo may

Thoảng hơi sương lạnh má gầy
Duyên em quyết tái sinh ngày… còn không…

Hoàng Cầm

——————————————————————————————————————————————–

 

 

… Hoàng Cầm vẫn lặng lẽ nằm chiêm nghiệm đời mình trên ô gác xép tồi tàn của Hà Nội. Bao nhiêu thăng trầm cuộc sống đè nặng trên mắt ông, khiến chúng có phần nào tối tăm hơn những lần gặp trước đây. Hoàng Cầm vẫn nằm nghiêng, ấp ủ những câu thơ gãy gập như cơ thể ông, mặc cho màu thời gian tái tê trên từng vuông đất sàn nhà nơi ông nằm cô quạnh…
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trang giấy điệp
(Bên kia sông Đuống)
 
Chỉ vài nét chấm phá, Hoàng Cầm không những đã truyền được hương vị, màu sắc, chất liệu của sản vật quê hương ông mà còn thổi vào đó linh hồn ngàn đời của đất trời Kinh Bắc. Những bức tranh Mẹ con đàn lợn âm dương, Đám cưới chuột, Hứng dừa, Đánh ghen… chắc chắn còn đọng lại mãi trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam như hương lúa nếp thơm nồng. Câu thơ tuyệt nhiên không nhắc đến Mùa Xuân, cũng không nói đến ngày Tết, vậy mà khi đọc, chúng ta cảm nhận niềm hân hoan của những ngày Tết cổ truyền.
Nhắc đến Hoàng Cầm không thể không nhắc đến ‘Bên Kia Sông Đuống.’
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/110682-Hoang-cam.jpg

Hoàng Cầm (Hình: Người Việt)

Đây là bài thơ nổi tiếng trong thời kháng chiến chống Pháp. Không phải vì nhạc điệu, cũng không phải vì mục đích tuyên truyền mà bài thơ nổi lên hơn tất cả những bài thơ khác xuất hiện cùng thời. Bên Kia Sông Đuống nổi bật bởi tính sử thi của tác phẩm.

Bài thơ ngợi ca lòng yêu quê hương, rộng ra là lòng yêu nước, của một lớp thanh niên trí thức trong những ngày đầu kháng chiến. Hình ảnh mà Hoàng Cầm miêu tả trong bài thơ nhắc nhở một cách thao thiết những yếm thắm, những lụa hồng, những trẩy hội… Bất cứ ai, khi đọc lên, đều thấy hiển hiện màu sắc thanh bình, đã từ lâu không còn nữa…
Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh

‘Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh” bừng nở cả không gian Kinh Bắc. Ánh sáng nào thành em mà tỏa sáng? Tỏa sáng bởi nụ cười của em, nụ cười rất đẹp, rất lạ, rất khó nắm bắt, được vờn vẽ bằng ngòi bút siêu thực và nhìn bởi không gian tâm linh của Hoàng Cầm. Bài thơ khép lại với khát vọng trở về. Về với ‘sông Đuống,’ về với quê hương, về với cội nguồn để tận hưởng Mùa Xuân của tạo vật, tận hưởng Mùa Xuân của lòng người. Về với ‘Em!’

Viết về Mùa Xuân, Hoàng Cầm còn nổi tiếng với bài Tâm sự đêm giao thừa được ông sáng tác vào dịp Tết 1948, khi ông xa nhà đi kháng chiến. Bài thơ này chính là tâm trạng của Hoàng Cầm trong chiến tranh, đã được những người lính thời đó chép tay, rồi chuyền cho nhau đọc và cất giữ cẩn thận trong ba lô của họ trên đường hành quân. Bài thơ vẽ ra trước mắt người đọc bức tranh vừa sinh động vừa cảm hoài của người lính xa nhà, đứng gác một mình trong đêm giao thừa, giữa không gian bao la của rừng thiêng, nước độc. Trong thời khắc thiêng liêng đó, anh hướng lòng về quê hương, nơi có người vợ nghèo và đứa con thơ:
Đêm nay hết một năm
Đứng gác đến giao thừa
Quê hương chừng rét lắm
Lất phất mấy hàng mưa

Tôi có người vợ nghèo
Đời vất vả gieo neo
Từ khi chồng ra lính
Nhà gianh bóng hắt heo
Hơi thơ chậm rãi, tình tiết chân thực, vậy mà lay động lòng người đến nhiều chục năm sau và sau nữa. Trong đêm giao thừa rét mướt đó, người lính chợt quên mình trong cái giá rét đêm đông để quặn thắt với hình ảnh tội nghiệp, cô đơn, đói rét của vợ con anh:
Đêm ba mươi gió thổi
Tôi lại nhớ con tôi
Vợ đói con cũng đói
Khóc lả lặng từng hồi
Mẹ thì nước mắt nhiều hơn sữa
Ngực lép con nhay đã rã rời
Một ngày bốn năm bữa
Con khóc chừng đứt hơi
Sục tìm vú mẹ không còn sữa
Há miệng uống no dòng lệ rơi
Với người Việt, hình ảnh ngày lễ Tết đồng hành cùng với sum họp gia đình. Để khởi đầu một năm mới, mọi người mừng tuổi nhau bằng những món quà, bằng những lời chúc. Vậy trong đêm giao thừa, đói rét, lại có chiến tranh, người lính mừng quà gì cho vợ, cho con?
Đêm nay Xuân sắp tới
Quê nhà ai héo hon
Vợ tản cư đâu đó
Mừng tuổi gì cho con
Xuân về với núi sông
Quê nhà ai ngóng trông
Thương vợ con nghèo đói
Mừng tuổi bằng chiến công
 
‘Mừng tuổi bằng chiến công’! Có cường điệu lắm không, khi lấy chiến công làm quà cho hai mẹ con người đàn bà khốn khó kia? Hãy nghe trong thinh lặng, tiếng thì thào của thần chết từ phía quân thù. Tiếng gió rít thê lương trong bóng đêm và tiếng ầu ơ xa vắng trong tâm trí người lính. Lúc này đây, chúng ta, những người bên ngoài, sẽ hiểu được ý nghĩa thật của hai chữ “chiến công” như thế nào. Nó vừa là ý hướng chống lại cái chết bằng niềm tin chiến thắng. Nó cũng là tấm huy chương cao nhất đổi bằng máu của người lính, vậy thì lấy ‘chiến công’ để tặng vợ hiền con dại không phải là món quà vừa lạ vừa cao quý hay sao?

Đồn giặc bên kia sông
Đêm nay tôi phải diệt
Nó chia vợ rẽ chồng
Nó làm nên đói rét
Sáng mai mùng một tết
Lửa còn bốc đồn cao
Tôi đạp đầu giặc Pháp
Cắm cờ trên chiến hào
 
Rồi người chồng, bằng sự liên tưởng của mình, anh tin rằng ở nơi quê nhà, vợ con anh sẽ nhìn và thấu hiểu được những chiến công của anh. Và thật kì diệu, quà mừng của anh đã tiếp thêm sức mạnh cho vợ con anh trong ngày tết, làm tươi thắm lại niềm hạnh phúc từ lâu ngỡ như đã héo khô:

Lửa bốc con tôi nhìn cũng rõ
Cờ bay vợ cũng thấu tình thương
Dân sự truyền đi tin thắng trận
Một chiều nao nức chợ quê hương
Vợ tôi ngồi trong quán
Mưa lùa tóc rối tung
Bỗng có người đến bảo
– Chồng chị lập chiến công!
Mặt vợ nghèo lấp lánh
Da xanh ửng sắc hồng
Sẽ vuốt lại mái tóc
Ôm chặt con trong lòng
… Như một cơn mưa sớm
Ươm mầm non sắp thui
Sữa căng lên đầu vú
Máu chảy mạnh trong người
Vợ tôi cho con bú
Con uống mạnh từng hơi
Đứa bé no rồi ngủ
Xuân ấm nồng trên môi
 
Tài năng thơ của Hoàng Cầm thể hiện ở chỗ kêu gọi lòng yêu nước nhưng không mang tính tuyên truyền, không cường điệu, không giả tạo. Bởi vì thơ Hoàng Cầm cũng chính là tiếng chuông lòng của thi sĩ, nhằm góp phần thức tỉnh hồn quê, hồn người trong mỗi chúng ta.
Sau khi chiến tranh kết thúc, năm 1956, Hoàng Cầm cùng với Văn Cao, Trần Dần, Lê Đạt, Sỹ Ngọc, Phùng Quán… họp nhau lại và thành lập Nhân Văn Giai Phẩm với khát vọng đổi mới nghệ thuật, nhất là nghệ thuật thơ ca.

Mùa Xuân 1956, tạp chí Giai Phẩm Mùa Xuân xuất hiện. Nhưng con đường nghệ thuật là con đường đầy nhọc nhằn, chông gai, trắc trở, Giai Phẩm Mùa Xuân vừa mới ra đời đã bị phê phán nặng nề. Trong tạp chí này, Hoàng Cầm có bài thơ Mùa Xuân đến rồi đây nói lên thân phận khổ đau của hai mẹ con, hai cuộc đời, cũng như nhiều cuộc đời khác trong suốt bảy mươi năm ròng dưới chế độ thực dân:
Bảy mươi Mùa Xuân không xuân
Bảy mươi năm cùng tháng tận

Dòng sông Nhị ơi!
Con cò lận đận
Bãi ngô dài cát trắng
Lòng sông cuốn nặng
Phù sa
Nước mắt mẹ con ta
Chảy ra ngoài biển rộng
Réo lên đầu sóng
Đùn đùn mây đen
Mưa lọt mái nhà rách thủng
Mưa thốc xuống tầu chuối khô
Ướt đẫm manh tải
Mẹ con nằm trong đêm mưa
Nằm trong nước mắt đỏ như máu
Nằm trong nước sông đầy bùn nhơ
Bản lĩnh nghệ sĩ của Hoàng Cầm được thể hiện qua câu chữ, qua nếp sống thanh nhã, hiền lành và điềm đạm. Con người của Hoàng Cầm xứng đáng là bài học cho những ai còn chưa đủ lòng trân trọng đối với sự sống trong cuộc đời này. Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm, Hoàng Cầm, dù bị kỷ luật, rơi vào lãng quên, vẫn lặng lẽ và bình thản đi con đường riêng của mình để tạo nên nhiều kiểu thơ, nhiều giọng thơ khác nhau, mà một trong những loại thơ khác biệt làm nên Hoàng Cầm là những bài thơ viết về Kinh Bắc.

Có thể nói, trong nền thơ Việt Nam hiện đại, khó có ai hơn được Hoàng Cầm khi viết về Kinh Bắc, đặc biệt về lễ hội Kinh Bắc. Không hẳn Kinh Bắc là vùng đất cổ còn lưu giữ được nhiều truyền thống văn hóa dân gian, mà hội hè còn là mặt chủ yếu của đời sống phi chính thức, đời sống thứ hai. Chính hội hè đã điểm trang, đã cân bằng lại đời sống thường ngày. Tất cả những hình thức hội hè ấy, nằm ngoài phạm vi sinh hoạt nhà nước, mang tính chất mua vui, chứ không mang hơi hướm tôn giáo cần sự trang nghiêm. Chúng tạo ra bên cạnh cuộc sống chính thức một thế giới thứ hai và cuộc đời thứ hai. Những hội hè Kinh Bắc được thể hiện trong thơ Hoàng Cầm như : Hội Long Khám, Hội Vân Hà, Hội Gióng, Hội Lim, Hội đền tám vua triều Lý… đặc biệt là Hội chen Nga Hoàng: nửa đêm đèn nến tắt phụt, cho phép trai gái thỏa nguyện cái tình lớn lao, say mê vào bậc nhất đời sống của con người. Trong mùa lễ hội, người đàn bà vốn bị xem thường, bạc đãi sẽ tìm lại được bản thân mình trong các hội thi trổ tài khéo léo: Thi sợi bún, Thi ăn mía thổi cơm, Thi đánh đu, Thi hát đúm, Thi dệt vải, Thi thêu gấm. Không có nhà thơ nào viết về lễ hội nhiều và hay như Hoàng Cầm.

Những câu thơ viết về hội hè, đình đám của Hoàng Cầm làm thăng hoa trong thơ Việt một không gian vừa thực vừa ảo, biến hóa khôn lường… tất cả được vẽ bằng một ngòi bút tài hoa, quyến rũ. Hãy nghe Hoàng Cầm thầm thì với cọng bún Kinh Bắc:
Ơi đêm Đông Hồ
Nát nhầu thân tố nữ
Sợi bún ngà vá lại dung nhan
(Thi sợi bún)

Và rồi theo vết Xuân Hương, ông đánh đu cảm hứng của mình giữa Mùa Xuân rộn rã:
Luồn tay ôm say giấc bay lay đỉnh núi
Tuột hàng khuy lơi yếm tóc buông mành
Đùi chảy búp dài thon nhún vội
Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh

(Thi đánh đu)
Đừng rụt rè, hãy đam mê, như Hoàng Cầm đã từng đam mê:
Chen Nga Hoàng
Len chèn nguyệt tận
Phụt nửa đêm đèn nến tắt
(…) Hỗn mang mê vô cùng
Địa đàng say tới tấp
Không giờ không
Thăm thẳm nguyện cầu hơi em nồng
Nhẩn nha thôi
Ôi dùi nhẹ buông tênh… tang vờ câm
Ai nện xin thương ngầm
Gõ hờ đôi ba tiếng cuối buồn vang âm
Vì tay ải tay ai
Chưa nguôi tê mê thầm
(Hội chen Nga Hoàng)
Trong Hội chen Nga Hoàng, chúng ta nghe Hoàng Cầm thầm thì với ngữ điệu và trong những đam mê huyền ảo đó, giới tính không còn phân biệt được nữa. Những nốt nhạc trầm trong thơ ông quấn quýt không gian ân ái trong hơi thở đêm của Mùa Xuân bất tận. Mùa Xuân của luyến ái, của tái sinh.

Hoàng Cầm yêu cuộc sống đến từng hơi thở, từng nhịp đập của con tim qua mỗi câu trong đời thơ của ông. Tác phẩm của Hoàng Cầm luôn toát lên sự giản dị của tâm hồn, lòng trung kiên và tình yêu vô bờ đối với mảnh đất Kinh Bắc. Hoàng Cầm muốn chúng ta cùng ông lắng nghe đời sống để nhận ra hương vị quê hương. Thơ Hoàng Cầm, như một bó hoa đẹp mà vẻ đẹp của mỗi bông hoa được thắp lên bằng chính ánh sáng của tài năng nghệ thuật.

Gần một tháng trước, tôi có dịp đến thăm nhà thơ Hoàng Cầm, ngôi nhà số 43 Lý Quốc Sư của người thơ nằm sâu trong con hẻm hẹp. Ông vẫn sống với con trai thứ trong căn gác nhỏ, hẹp trên lầu năm. Mọi vật trong căn gác nhỏ vẫn y nguyên như bốn năm về trước, lúc tôi đến thăm ông những lần đầu. Vẫn cái điếu hút thuốc lào đặt ngang tầm với, vẫn chiếc giường kê sát đất. Hoàng Cầm vẫn nằm tiếp khách như mọi khi. Cú ngã cầu thang cách đây năm năm đã neo ông lại với chiếc giường con. Nhìn ông nằm trông rất thương. Cả ngày lẫn đêm, Hoàng Cầm chỉ giữ tư thế nằm ngửa, mắt nhìn chăm chú lên trần nhà như đang nghĩ ngợi hay tìm kiếm điều gì.

Xưa nay, người ta vẫn thường nói đến cái chết đầy bi kịch của một Nguyễn Trãi. Cái con bệnh ghê khiếp đọa đày thiên tài Hàn Mặc Tử. Nhưng có ai nhắc đến bi kịch Hoàng Cầm hay không? Ông đã sống vô cùng cô đơn. Cô đơn khi còn là một cậu bé mới lên năm. Cô đơn giữa một thời đại có những Tố Hữu, những Xuân Diệu, những Chế Lan Viên hết lời cổ vũ cho văn chương Cách Mạng trong khi ông vẫn mài miệt với những vần thơ đậm tính nhân văn. Cô đơn khi bị kỷ luật, bị lãng quên. Và bây giờ, ông nằm một mình một giường, sống chung với bệnh tật, với sự cô đơn của tuổi già.

 


Hinh KHONG 
hinhkhong@yahoo.com  Cell: 408-590-3574
1620 Oakland Road # D204, San Jose, CA 95131-2448 Office PHONE: (408) 573-7699 – FAX: (408) 573-7765