Sinh hoạt VTLV

Ngọc Huyền: Giải ba. Năm Truyện Ngắn trúng giải Văn Thơ Lạc Việt 2010

03-Văn

Bài văn Nón Quai Thao sau đây của tác giả Ngọc Huyền là bài được giải Ba về Văn trong Giải Văn Thơ Lạc Việt 2010. Được biết Giải Văn Thơ Lạc Việt khởi đầu từ năm 2008, đến nay đã được 3 năm. Cuộc thi hàng năm gồm có 3 giải chính thức và 2 giải khuyến khích cho mỗi bộ môn thơ và văn nhằm khuyến khích mọi người sang tác để phát huy văn hóa Việt Nam ở hải ngoại.

Chúng tôi xin giới thiệu cùng quý độc giả bốn phương.

VTLV

 

 Nón Quai Thao.

Ngày giỗ bố mẹ lần thứ mười nhưng cũng giống như lần đầu tiên, tôi dạy sớm lo lau chùi bàn thờ để trưng bày thức ăn chay cùng hoa quả. Cái gì ban đầu cũng tạo cảm giác thật phấn chấn như ngày đầu đến thăm nhà mới của bố mẹ mới dọn về. Tôi sắp trái cây ngũ quả lên bàn thờ, đâu phải chờ tết mới có ngũ quả mẹ nhỉ, lúc nào trong nhà của bố mẹ cũng có trái cây tươi, hoa lys thơm mới hái còn đọng sương, nhang có mùi trầm mà mẹ thường thích, ly nước trà xanh bố vẫn nhâm nhi; Vừa lau tôi vừa như đang hàn huyên với mẹ. Nhà mẹ có đủ rộng cho mẹ ở không? Có đủ chỗ cho mẹ ngồi đong đưa mỗi chiều ngắm hoa thơm sau vườn không? Có các bạn láng giềng tốt bụng cho mẹ nhờ vả khi gặp khó khăn không? Hay chỉ riêng 1 mình bố mẹ lẻ loi mới dọn tới? khu mẹ ở có gần nơi sầm uất như ý mẹ muốn khi còn sống không hả mẹ? Trên tường bên cạnh bàn thờ bố mẹ, tôi vẫn treo nón quai thao mà đã được sơn phết lại cho đẹp, dù sao đó cũng là kỷ niệm của mẹ con tôi!! …Tôi miên man nhớ…..

 

Hồi chúng tôi còn ở Việt Nam, mỗi lần đi chợ vào ngày thứ bảy, năm chị em gái chúng tôi đều được mẹ cho đi tháp tùng chợ vải Tạ Thu Thâu ở Saigon để chọn những mẫu vải mình thích mặc. Tôi là đứa con gái út, chưa đến 10 tuổi nên tất cả tùy ý mẹ và các chị. Nói là cho đi chọn vải nhưng thực ra mẹ muốn đưa chúng tôi đi chung cho gần gũi mẹ, nhân tiện mẹ dạy chúng tôi cách chọn vải, chọn màu cho hợp với từng lứa tuổi để lỡ sau này không còn mẹ nữa thì chúng tôi biết cách ăn mặc và có mắt mỹ thuật với người ta!! Mẹ không ngừng giải thích cho chúng tôi biết đời sống lao động khổ sở như thế nào để có được đồng tiền, miếng cơm manh áo nên phải biết quý trọng những gì mình đang có, không được phung phí, và bên cạnh đó phải biết chia xẻ cho những người không bằng mình. Chúng tôi quấn quít bao quanh mẹ, nghe mẹ giải thích như kể chuyện cổ tích, các chị tôi còn cho thêm ý kiến với mẹ, nhưng tôi còn quá nhỏ để đóng góp nên chỉ biết thu thập mà thôi, bất chợt có tiếng quen thuộc gọi to sau lưng:

          Huệ Dung! Bà đưa cả gia đình ngũ long công chúa ra mua hết vải của Tạ Thu Thâu đấy à! Vào đây, tôi để đặc biệt cho, muốn lấy khúc màu gì??

Mẹ quay lại chúng tôi, giới thiệu với bác chủ tiệm vải lớn nhất của con đường ấy:

          Các con! Đây là bác Thao, bác là bạn học thân của mẹ từ xưa ở Hà Nội đấy, các con chào bác đi, sau này các con có cần vải vóc thì đến đây mua, bác chỉ tường tận lắm!

Trong lúc mọi người đang chọn vải thì tôi nghe tiếng cười khúc khích và tiếng huyên náo của mấy anh chị con bác phía sau nhà. Tò mò tôi lẻn ra, núp trong bức tường nhìn mấy anh chị, một nhóm đang đánh đũa, còn nhóm con trai thì chơi bắn súng nước, có vẻ vui nhộn lắm, tia nước bắn phụt cả vào mặt chỗ tôi đang lén nhìn, vội vàng tôi định lấy vạt áo lau mặt, thì 1 tiếng nói ồm ồm khan khan vang lên sau lưng:

          Lấy cái khăn này lau tạm đi! Xin lỗi nhe, không cố ý đâu!!…..Muốn chơi cùng không?

Tôi tần ngần còn lạ lẫm, rụt tay lại khi bị kéo ra khỏi chỗ núp. Người con trai thứ con bác Thao, Duy Tuệ, cao hơn tôi cả cái đầu, anh ốm nhom, cao ngồng, đang bước vào tuổi dậy thì, 14 tuổi, dúi cây súng nước vào tay tôi:

          Cứ bắn đi, vui lắm, mình cùng phe!! Bắn như vậy nè, để tay vào nút này bóp là nước xịt ra, bắn cho chúng nó càng ướt là mình thắng cuộc, biết không? ….núp vào đây với …anh!

Bỗng dưng tôi trở thành 1 đồng đảng bất đắc dĩ của anh, cũng theo anh lúp xúp núp vào trong bụi rậm, lúc anh bảo tôi bắn là tôi lấy hết sức bình sinh để bóp cò. Vui chơi làm tôi quên cả mẹ và các chị đang thử vải vóc bên trong nhà, tôi hả hê cười tít mắt với đám con trai nghịch ngợm vô tư của bác, cho đến khi bị gọi về thì quần áo tôi đã nhem nhuốc ướt từ trên đầu xuống chân, phải mượn 1 bộ đồ của con gái bác mặc tạm. Mẹ tôi phàn nàn với bác:

          Trong năm đứa con gái, chỉ có con bé Vĩnh An này là tinh nghịch như con trai mà thôi! Thật tôi xấu hổ quá, con gái mà cũng leo trèo, cũng bắn súng, cũng vật lộn ….chẳng có 1 chút nào thùy mị như các chị cả!!

          Không sao! Có đứa này đứa nọ thì mới vui nhà vui cửa chứ, đứa nào cũng hiền lành nhu mì hết thì trong nhà sẽ không có tiếng cười đâu. Mấy cái đứa con gái hay tinh nghịch…sau này lại được nhờ lắm!

 

Vài tuần sau, tôi theo mẹ đến bác Thao để trả lại bộ đồ đã mượn mặc hôm nọ. Gia đình bác như đang có chuyện gì rất quan trọng, cứ to nhỏ với mẹ, làm mẹ tôi cũng đâm ra lo lắng, suy nghĩ, tôi chỉ nghe được loáng thoáng:

          ….Không biết tôi có nên đóng cửa tiệm hay không?….bà cứ hỏi ý ông nhà xem sao….

Tôi lại men ra sau nhà định để gặp các anh chị con bác Thao. Sân sau im lặng trống vắng một cách kỳ lạ. Tôi nghe tiếng khá quen sau lưng, gọi:

          Ê! ….vào đây!

          …..Anh …gọi ….em??

          Ê…Ừ! Vào đây!

          ….Mẹ bảo là nếu con trai mà gọi con gái là « ê » là ….bất lịch sự lắm đó!

          Không biết tên ….thì gọi bằng gì??

          Sao không hỏi? ….bộ…không biết hỏi à!

          …ừm…vậy tên gì ??

          Vĩnh An!

          Vĩnh An! Vĩnh An!

          Sao ….gọi hoài thế? Có chuyện gì không?

          Tên đẹp quá! ….anh muốn cho Vĩnh An cái này….không biết Vĩnh An có thích không!

Anh nhảy lên cao, kiễng chân trên nóc tủ lấy xuống cho tôi cái nón quai thao, đủ màu sắc hồng lẫn với vàng, xanh rất đẹp. Tôi đang ngạc nhiên tại sao anh lại cho tôi món quà này thì anh giải thích:

          Đây là chiếc nón quai thao đem từ ngoài Bắc vô đấy! Quý lắm, mẹ giữ đã bao nhiêu năm nay rồi, nhưng bây giờ thì chắc ….không còn giữ được nữa đâu…chắc phải bỏ lại đấy!

          Tại sao? Tại sao phải bỏ lại? ….

          Tại vì….tại vì…không thể nói được đâu! Nếu …em thích hãy giữ nó, còn không thì tụi anh chắc phải bỏ đi …mà đây là kỷ niệm của bà ngoại cho mẹ…tính mạng còn không giữ được nữa, huống chi là vật kỷ niệm!

Lúc này tôi mới linh cảm những lời anh nói hình như quan trọng lắm, hình như là những lời nói cuối cùng tôi nghe được và cũng hình như tôi là người được giao cho phận sự giữ gìn kỷ vật của gia đình anh. Tôi còn quá nhỏ để hiểu sự việc vào lúc ấy, chỉ lờ mờ biết được vận nước đang trong cơn nguy biến; kỷ vật này tôi sẽ cố gắng gìn giữ cho anh, nhưng chẳng biết bao giờ nó mới được hoàn trả….Tôi ngây người nhìn anh, đôi mắt tròn to như đang muốn hỏi rất nhiều điều mà chẳng biết bắt đầu từ đâu. Anh chồm lên quàng tay ôm lấy cổ tôi:

          Em giữ sức khỏe…coi chừng cho mẹ…không biết đến bao giờ mình mới gặp lại!!

 

Sau ngày ấy, chúng tôi chẳng còn dịp nào gặp lại bác Thao và đám con của bác nữa. Thời gian trôi nhanh, đủ mọi biến cố xảy ra cho đất nước mà gia đình tôi không là ngoại lệ. Bố mẹ tôi bao nhiêu tiền của dành dụm bấy lâu phải đổ ra cho những lần vượt biên không thành công, tài chính ngày càng kiệt quệ, chị em chúng tôi không được ăn mặc đẹp lụa là như xưa nữa, tuy thế vẫn mang sắc diện đặc biệt của dân đô thị. Mỗi lần “đi” là chúng tôi bị mẹ bắt phải bôi lọ nghẹ cho đen xấu để đừng bị ai để ý! Thế nhưng khi mặc chiếc áo đen vào thì làn da trắng của chúng tôi cứ nổi bật trên vùng vải sậm màu ấy! Mẹ dặn dò tôi nhiều nhất vì mẹ bảo là các chị đã được mẹ dạy dỗ đủ rồi, chỉ có riêng tôi còn quá nhỏ vào lúc đó nên mẹ cảm thấy như thiếu thốn 1 cái gì đó nơi tôi. Tiền bạc đã cạn, 1 lần cuối đánh 1 ván bài cho cả cuộc đời lẫn số mạng của mỗi chúng tôi, vì nếu ở lại với đất nước Cộng Sản cũng sẽ chết dần mòn, còn nếu đi được thì cứu cả tương lai của cả gia đình! Lần đi cuối cùng này bố chia ra hai phe, bố đi với 4 chị tôi, còn mẹ đi với 1 mình tôi. Tôi năn nỉ mẹ cho tôi đem theo chiếc nón quai thao vì lời hứa năm nào với anh Tuệ! Mẹ đã không la tôi mà còn cho tôi thêm niềm tin:

          Con còn trẻ mà biết giữ lời hứa với bạn bè là điều rất quý!

Và chính nhờ chiếc nón quai thao ấy đã giúp tôi ra khỏi những lúc thập tử nhất sinh.

Khi lội từ tàu bé sang tàu lớn, tôi đã suýt uống 1 bụng nước xình, may quá, vì khi tôi té xuống thì trên tay còn cầm chiếc nón quai thao, nên nó đã đỡ lấy tôi! Thay vì phải té gục mặt vào nước sông đen ngòm! Mẹ đã dùng chiếc nón ấy làm thuyền đưa tôi từ chiếc tàu bé sang tàu lớn!

Lúc chiếc tàu của chúng tôi ra khỏi hải phận quốc tế, tôi thấy 1 loạt đạn ồ ạt nả không ngớt từ tàu của đối phương, tôi không hiểu là tàu của Mã Lai hay Việt Cộng; chưa kịp nhìn, tôi đã thấy mẹ tôi ngả cả thân người che khuất lên tôi, sợ tôi bị trúng đạn, vì tôi ngồi bên thành tàu. Tất cả mọi người đều như chết điếng sợ hãi vì dân thành phố chúng tôi vẫn chưa quen cảnh súng đạn như tên bay như vậy! Ai cũng nằm bẹp xuống lâm râm khấn vái đến tội nghiệp. Tôi vòng tay qua người mẹ, lấy chiếc nón to vành ấy che cho mẹ, mặc dù chỉ là đan bằng lá cọ, nhưng vào lúc ấy chiếc nón quai thao như 1 áo giáp bằng sắt cho mẹ con tôi nương náu!!

Chưa hết! những chuỗi ngày lênh đênh trên biển cả, nắng, mưa, tôi như có chiếc nón sẵn sàng bảo vệ, nó không còn giữ màu sắc tươi đẹp nữa, đã trở thành đen xì màu đất, nhưng cứng cáp và dũng cảm chiến đấu bên mẹ con tôi. Tôi cứ tưởng tượng như anh Tuệ là 1 ông tiên đã gặp tôi đúng lúc để cho tôi cái áo giáp này khi ra chiến trận. Không ai có thể tưởng tượng được, có 1 sự kỳ diệu nào đó trên con đường tìm tự do! Tôi lo cho mẹ khi thấy mẹ lớn tuổi, không quen cực nhọc, ói mửa, bệnh hoạn, đôi môi trắng nhợt thở thoi thóp, vì khát, đói, tôi muốn khóc khi nhìn mẹ, nhưng nước mắt không còn nữa để chảy, chỉ biết lấy vành nón che cho mẹ bớt nắng chói chan! Rồi nỗi cực nhọc nào tưởng như không lối thoát, cũng hết. Bến bờ mong muốn đã hiện ra. Chúng tôi lê lết lên bờ như những xác chết biết đi, tôi xin được tí sữa của những người đã đến định cư ở đảo Pilau Bidong trước tôi, đổ từng thìa cho mẹ. Đổ mãi, đổ mãi mà sao mẹ không nuốt vậy mẹ? sữa vẫn cứ tràn ra 2 mép!! Đôi mắt mẹ như căng ra trừng trừng nhìn tôi như muốn nói, muốn trăn trối, nhưng chẳng 1 hơi nào phát ra. Cuối cùng mẹ đã chịu thua số phận nghiệt ngã!! Tôi không còn hơi sức đâu để gào thét cho mẹ, hai tròng mắt tôi cũng không đủ một giọt nước để di động nhìn khắp thân thể mẹ đang từ từ co quắp, chỉ nhớ rằng tôi đã cùng mẹ gục xuống 1 lúc khi thìa sữa cuối cùng xùi ra khóe mép mẹ!!!

 

Mười năm nhanh như thoi đưa bên xứ người, tôi đã học lại, ra trường và đang đi làm cho 1 ngân hàng quốc gia lớn ở Gia Nã Đại, quá khứ đã làm tôi lớn khôn, trưởng thành trong cuộc sống. Bố tôi cùng 3 chị đã không chịu nổi sự đau thương, khắc nghiệt trên biển khi tàu gặp cướp, đã bỏ xác trên tàu, chỉ còn có mỗi 1 chị kế tôi còn sống sót, định cư bên Mỹ. Chị không quên được cảnh tượng đau lòng xảy ra trước mắt cho những người thân nên chị cứ hay buồn khóc, rồi lâu lâu lại cười vớ vẩn đến thương tâm! Chúng tôi cũng thường xuyên điện thoại nói chuyện với nhau, nhưng đầu óc chị không còn bình thường như xưa nữa. Nhiều lúc tôi cũng mong được như chị! Cuộc đời vô thường quá, quên hết cho nước mắt ngưng chảy, cho rũ sạch nỗi nhớ nhung ray rứt người thân!! Thế nhưng, tôi cứ phải làm bộ chai lỳ, cứ phải đương đầu với cuộc sống khó khăn, làm bộ như chẳng có chuyện gì quan trọng trên cuộc đời này cả! Nụ cười tươi vẫn can đảm giữ trên môi!

Nơi tôi làm việc, chẳng có ai là người da vàng cả, khi tôi bước vào làm thì đã được nhiều đồng nghiệp người Tây chú ý giúp đỡ, trong số ấy có Charles, người dân gốc Anh nhưng sinh đẻ ở Québec, anh và tôi tuy không đồng ngôn ngữ nhưng chúng tôi hiểu nhau lắm, cùng chung sở thích, anh nghe tôi tâm sự tuổi thơ và đất nước kém phần may mắn của tôi thì anh càng thấu hiểu và thương tôi hơn nữa, anh muốn san xẻ bù đắp những đau thương ấy trong tôi. Những buổi chiều sau khi xong công việc sở, tôi và anh cùng nắm tay đi dạo trên những đồi núi hay vòng quanh bờ hồ, tôi tha hồ kể cho anh nghe quê hương tôi đẹp như thế nào, những con rạch vòng quanh chảy trong những khe núi thật tuyệt diệu, những cây bông dại vô tên nhưng đượm đầy hương thơm, anh nói rằng rất thích nghe giọng nói như chim hót của tôi, vì trong tiếng nói của tôi như có mang điệu nhạc. Anh ôm khuôn mặt tôi, nhìn sâu vào trong đôi mắt tôi bảo rằng sao đôi mắt của tôi nâu trong thế, không 1 vẩn đục, không 1 vân màu khác; còn tôi thì lại thích màu mắt xanh ve của anh, như màu của bầu trời tự do, hy vọng. Chúng tôi cứ nói, cứ kể, cứ thêu dệt đủ mọi điều đẹp nhất về đất nước tôi, làm anh rất mong được về thăm quê hương tôi vào 1 ngày gần đây, mong nhìn được ngôi nhà tôi đã sinh ra và lớn lên…Tôi cứ ngỡ rằng đây chính là mối tình muôn đời của tôi, nó sẽ là duy nhất và mãi mãi. Nhưng nhiều lúc tôi có cảm giác như giữa chúng tôi không hoàn toàn hòa nhập, anh quá phóng khóang, còn tôi hơi khép kín; những tràng cười của anh thoải mái bao nhiêu thì của tôi như có chứa đựng những tâm sự bên trong. Anh yêu tôi nên cố gắng khắc phục những điều ấy, anh đi học thêm tiếng Việt, những câu nói bập bẹ của anh làm tôi cảm động và thấy gần anh hơn nữa….Cho đến 1 ngày tôi đi thăm chị tôi bên Mỹ, và trên đường về lại Montreal…

 

Thấp thỏm đứng xếp hàng vào máy bay, chiếc balô nhỏ đong đưa trên đôi vai, mái tóc vừa chấm cổ làm tôi ngứa ngáy quay qua quay lại; bất chợt ở 1 góc phòng ngay hàng ghế đầu, một khuôn mặt nhỏ khá quen thuộc hiện ra, cậu bé khoảng 5, 6 tuổi thôi, nụ cười của nó làm tôi liên tưởng đến 1 người, 1 người của quá khứ, xa lắm, lâu lắc lâu lơ rồi thì phải! Ai nhỉ! Làm tôi phải lục lọi ký ức. Vì sau cái biến cố cả bố mẹ cùng mất, hình như tất cả trong tôi như bị xoá hết đi những gì của trước đó, vì tôi đã quá sức chịu đựng, đau đớn ngoài sức tưởng tượng của 1 cô bé 18 tuổi. Cho nên bây giờ muốn nhớ lại, phải cố gắng hồi tưởng. Cậu bé này là ai?? Ánh mắt của nó cũng tinh anh như 1 người tôi đã gặp! Bên cạnh đó không xa, 1 người đàn ông trẻ đứng dựa bờ tường đang nói điện thoại di động, tôi nhìn sững ông ta. Phải rồi! Hình như là… chính là Duy Tuệ! Tôi vội vàng tiến đến, với nụ cười tươi trên môi:

          Anh Duy Tuệ! Có nhớ ai đây không?

Sau 1 lúc suy nghĩ, chắc cũng như tôi, phải lục lọi trong bộ nhớ ghê lắm, anh mới thốt lên, vui mừng, ôm hai vai tôi:

          Nhớ ra rồi, có phải ….có phải cô «Ê» đó không??

Chúng tôi phá lên cười thật vui, anh ngắm tôi, hỏi không ngừng:

          Vĩnh An! Lúc này lớn lên….đẹp gái quá, nếu đi ngoài đường mà gặp thì chắc anh không nhận ra đâu! Lúc này em làm gì? Gia đình ra sao? Hai bác thế nào? Em ở đâu?…

          …Còn anh ra sao? Cháu bé thật giống anh như đúc, nhờ nó mà em mới nhận ra anh đấy, anh được mấy cháu rồi? Hay đây là cháu đầu lòng?

          …sai rồi! …đây là con bà chị của anh, anh dắt nó qua Mỹ chơi …cháu giống chú là…chuyện thường!! Anh …chưa lập gia đình…Còn em…đi đâu đây??…thật lâu quá…

Chúng tôi vui mừng tranh giành nhau kể chuyện, thì ra anh cũng ở Montreal như tôi, nhưng chúng tôi mỗi người ở 1 đầu của thành phố nên chẳng bao giờ gặp được nhau! Anh cũng thành công lắm trong việc tạo dựng tương lai xứ người. Bố anh cũng như số phận của bao gia đình không chịu đựng nổi cơn đói khát, bệnh hoạn trên tàu nên cũng đã mất, anh còn lại mẹ và các anh chị khác cũng đang định cư tại Mỹ và đã lập gia đình. Anh tiếc nuối:

          Nếu như bây giờ còn ở đất nước mình thì đâu có những mất mát lớn lao như thế này! Gia đình em đã chẳng còn ai, ngoài người chị bị bệnh thần kinh, kết quả của cuộc vượt biên; bên anh thì cũng bị mất bố! Mình trả giá quá đắt để có được sự tự do này! Có đáng không??…Bây giờ tìm lại em, anh nghĩ hình như mình đã trả hết cái vận xui của mười mấy năm rồi đó…Mình may mắn …có duyên gặp lại nhau ….

Tôi muốn chảy nước mắt khi nghe anh nói, muốn cám ơn ông Trời đã cho tôi gặp lại anh. Tôi cứ tưởng làm người Việt Nam là bất hạnh nhất, bị trả nợ của bao kiếp trước! Anh nắm chặt lấy hai bàn tay tôi, xoay nhẹ trong lòng tay anh:

          Em! Bỗng nhiên xuất hiện trước mặt anh như 1 giọt mưa sa! Giống như một trận tuyết đổ bất ngờ giữa buổi trưa hè, thật không sao tuởng tượng được…anh sẽ không để em biến mất đi đâu nữa cả…

Anh đưa tôi về nhà, muốn viếng bàn thờ bố mẹ tôi. Anh chăm chỉ đốt nén hương, lầm bầm khấn vái. Tôi đứng bên cạnh lạy trả lễ anh, đây là lần đầu tiên từ ngày tôi rời đất nước, có người thân viếng bàn thờ bố mẹ tôi. Anh nhìn thấy trên bờ tường có treo chiếc nón quai thao, anh reo lên:

          Vĩnh An! Em còn giữ chiếc nón này à? Em làm sao giữ được nó? Gia đình anh tưởng rằng đã phải bỏ lại rồi đó chứ! Anh giao cho em, nhưng vẫn không mong là em đem được qua đây…chắc em phải khổ cực lắm hả??

Tôi kể cho anh nghe những mẩu chuyện có liên quan đến chiếc nón trong chuyến vượt biển:

          …chiếc nón ấy không phiền gì cả mà còn giúp mẹ con em qua những cơn khó nhọc…mẹ không qua được cơn đau bệnh, đó cũng là số mệnh không tránh khỏi…có phải vì em còn giữ chiếc nón này nên mới gặp lại anh hôm nay, sau gần 20 năm??

          Cám ơn em nhiều lắm, Vĩnh An! …chưa 1 người con gái nào mà anh giữ lại trong ký ức như thế! Cho dù trải qua bao nhiêu gian khổ, trắc trở, hình ảnh em bé nhỏ với chiếc nón xa dần hôm cuối cùng gặp ở nhà anh, không làm sao anh quên được, nó như 1 hành trang, 1 sức mạnh cho anh sống, đi làm và vươn lên đến hôm nay, thật kỳ diệu!!

Anh trân trọng đặt lên trán, lên mắt tôi những nụ hôn dài nhung nhớ đầy yêu thương của bao năm xa cách.

Tôi như người vừa tỉnh mộng, như người vừa ra khỏi cơn mộng du của 10 năm sống trên đất người: đây mới thật là tình yêu của tôi, mới thật là chỗ nghỉ ngơi của tôi cho suốt cuộc đời, Duy Tuệ! Anh mới chính là biểu tượng của quê hương, đất nước, tiếng nói và cùng dòng máu đỏ da vàng chảy suốt trong huyết quản của tôi….

Ngọc Huyền

Tên thật là Lê Ngọc Huyền, bút hiệu Sỏi Ngọc, hiện là cố vấn đầu tư đang làm việc tại thành phố Montreal cho 1 ngân hàng lớn, caisse populaire Desjardins.

Lớn lên ở Vn, sinh quán tại Dalat, từ nhỏ đến lớn chỉ học chương trinh Pháp, sau khi qua canada, tôi bỗng thấy nhớ quê hương, nhớ kỷ niệm hồi xưa còn bên nhà, tập tành viết tiếng Việt, làm văn, tờ báo đầu tiên tôi viết ở hải ngoại là thời mới, rồi thời báo, thời luận, ngày càng già giặn hơn trong cuộc sống và trong văn học nên tôi được nhiều nhóm văn nghệ để ý đến, nên được mời làm MC cho những chương trình văn nghệ, rồi làm ca sỹ nghiệp dư… Dự trù sắp ấn hành sách riêng cho mình với tựa đề Nắng Biếc.