Tạp ghi

Dòng Ðời Bất Hạnh

Dòng Ðời Bất Hạnh

Kính thưa mẹ!

Những dòng này con viết để kính dâng mẹ. Không phải để khơi lại một sự bất hạnh mà Thượng Đế đã đổ xuống cho gia đình chúng ta, mà là con muốn ghi nhớ lại những nỗi đau thương, tận cùng mà gia đình chúng ta đã chịu đựng trong những tháng năm dài cơ cực.
Kính lạy mẹ!
Bây giờ, mẹ đã vĩnh viễn ra đi, từ nay chúng con sẽ không còn gặp lại bóng hình thân yêu của mẹ. Chúng con đã thật sự mất mẹ rồi. Lần về thăm mẹ để rồi ra đi, con cứ nghĩ đó chỉ là buổi sinh ly, chứ nào ngờ đâu chính là ngày vĩnh biệt.
Dù biết rằng – có sinh ắt có tử, đó là định luật mà đấng tạo hóa đã sắp bày, nhưng sao lòng con vẫn cảm thấy thương xót ngậm ngùi.
Thôi , mẹ hãy yên lòng yên nghĩ nghe mẹ. Đêm nay, từ một góc trời xứ lạ – Thành phố Chicago lạnh rét run người, trong một aparment rét giá, nhớ đến mẹ nên con viết những dòng này kính dâng lên mẹ đây. – PTN
* * *
Khi tôi vừa lên bảy tuổi thì cha tôi cũng vừa lìa khỏi cõi đời sau một cơn bạo bệnh. Ba tôi chết đi là một sự mất mát to lớn đối với gia đình chúng tôi, vì cha tôi là người lao động chính trong gia đình. Từ miếng cơm, tấm áo đều do ông mà có.
Năm đó, mẹ tôi vừa tròn hai mươi tám tuổi, chị tôi lên mười, tôi lên bảy và em gái tôi lên năm. Tội nghiệp cho mẹ tôi, một người đàn bà chưa đầy ba mươi tuổi đã phải gánh lấy trách nhiệm nuôi nấng ba đứa con thơ trong một quê hương ngập đầy khói lửa.

Ba tôi chết đi trong khi đất nước vẫn còn ầm vang tiếng súng –
Chiến tranh đã cướp đi biết bao hạnh phúc của mọi gia đình, trong đó có gia đình chúng tôi. Đêm đêm tiếng đại bác từ quận, huyện bắn về, chúng tôi chỉ còn biết chun xuống gầm giường niệm Phật.

Ba tôi mất đi đã để lại cho mẹ con chúng tôi một con số không – một con số không thật sự, bởi vì trước khi ba tôi mất vài tháng, ngôi nhà tranh chúng tôi cư ngụ
đã bị một trận hỏa hoạn thiêu hủy tất cả, ba tôi chỉ dựng tạm lại căn chòi mà chúng tôi đang ở để có chổ che nắng, che mưa rồi dành dụm sẽ cất lại căn nhà khác, nhưng căn nhà chưa cất được thì ba tôi đã ra đi. Nỗi bất hạnh tột cùng đã đến với gia đình chúng tôi.

Thế rồi hằng ngày mẹ con chúng tôi sẽ sống ra sao?
Tôi và mẹ tôi ra đồng mót từng cọng lúa còn xót lại, đem về nhà giã ra nấu cháo cho cả nhà cùng ăn, hoặc vô các nương rẩy làm công để chiều về được người ta trả cho một ít khoai lang, khoai mì sinh sống qua ngày, còn chị tôi ở nhà trông em gái tôi.

Cuộc sống của gia đình chúng tôi, hay nói đúng hơn của đa số dân làng Bình Thành đều vậy. Dù mới bảy tuổi nhưng tôi đã biết thế nào là chiến tranh – đói nghèo cùng cực, chết chóc tang thương. Và tôi cũng đã biết tự hỏi – người ta tạo ra chiến tranh để được gì? Tại sao người ta không thể gạt bỏ những sự thù hằn chém giết mà tạo một cuộc sống an lành cho người dân? Khi đó, tôi chỉ biết hỏi nhưng chưa nhận được câu trả lời. Đêm đêm tôi thường nghe tiếng thở dài của mẹ và thấy được những dòng nước mắt của bà chảy dài xuống má. Mỗi lần thấy mẹ tôi khóc, tôi thương mẹ tôi lắm, tôi muốn ôm hôn bà thật nhiều và tôi nghĩ – tôi có thể chết theo bà nếu bà không còn sống nữa

Dù mới bảy tuổi đầu, nhưng có lẽ vì cuộc sống quá khổ cực nên tôi đã có trí khôn, tôi luôn thầm nghĩ – Nếu mai này đất nước được hòa bình, có điều kiện tôi sẽ xin mẹ tôi cho tôi đi học. Tôi sẽ cố gắng học thật giỏi, đỗ đạt thành tài để thay đổi cuộc sống mà lo cho mẹ tôi được sung sướng như người, nhưng đó là ý nghĩ trẻ thơ của tôi, còn thực tế như thế nào cũng do định số.

Một ngày, trong nhà chúng tôi không còn gì để ăn, tôi và chị tôi rũ nhau vô vườn của một người trong làng bẻ chuối trộm, chẳng may chúng tôi bị chủ vườn phát hiện, ông chủ vườn bắt chị em chúng tôi trói lại dưới gốc cây soài, ông hỏi chúng tôi – “ Tại sao chúng mày vô vườn bẻ trộm chuối của tao”. Chị tôi run rẫy khóc sướt mướt, còn tôi vẫn bình tĩnh trả lời với ông ta – “ Thưa ông Ba ( ông ta thứ ba), sở dĩ chúng con bẻ trộm chuối của ông là vì nhà chúng con không còn gì để ăn, chúng con đói quá”. Ông Ba nhìn trừng vào mặt chúng tôi rồi lớn tiếng – “ được, chúng mày trả lời ngon lành lắm, tao cho chúng mày đói rục xương”. Ngày đó, chúng tôi bị ông ba trói cả buổi mới được thả ra. Khi đó, tôi đã biết suy nghĩ – Tại sao, người lớn không biết thương trẻ thơ? Tại sao người ta không có lòng nhân ái bố thí cho trẻ nhỏ một vài trái chuối trong lúc chúng đang đói khát? Tại sao cùng là đồng loại mà người ta không thương yêu, giúp đở cho nhau – T&igra
ve;nh người đi đâu rồi, có lẽ chiến tranh đã cướp mất rồi chăng?

Một hôm, mẹ tôi ôm chúng tôi vào lòng căn dặn: – “ Hôm nay, mẹ xuống phố kiếm việc làm để mua gạo về cho các con ăn, các con ở nhà đừng đi đâu xa, chiều mẹ sẽ về” . Trước khi đi, mẹ tôi còn bảo chị tôi: “ con nhớ lời mẹ dặn, nhớ trông các em, đừng cho chúng ra nắng .”Tôi còn nhớ, buổi sáng hôm đó là buổi sáng đầy mưa rơi và gió lạnh. Mẹ tôi, đầu đội chiếc nón lá cũ kỹ, người mặc bộ bà ba đen có nhiều chổ vá, chân mang đôi guốc đã mòn, vừa đi vừa ngoáy đầu nhìn lại. Chúng tôi đứng nhìn theo bóng hình mẹ mà thương nhớ ngập đầy. Và rồi chị tôi đã khóc, em tôi đã khóc và tôi cũng đã khóc. Buổi sáng đó đã khắc ghi vào ký ức tôi cho đến suốt cả cuộc đời này.

Ngày hôm đó, mẹ tôi chẳng trở về. Một ngày, rồi một ngày chẳng thấy bóng hình mẹ đâu. Trong nhà chẳng có gạo, đói quá chúng tôi chỉ còn biết ôm nhau mà khóc. Đứa em gái tôi, lúc nào cũng luôn miệng hỏi:
– “ mẹ đi đâu rồi chị?”
-“mẹ đi làm em à”.
– “làm ở đâu hả chị?”
– “chị không biết”
– “ bao giờ mẹ về hả chị?”
– “chắc mai mẹ về”
– “chị ơi! em nhớ mẹ quá.”
– “chị cũng vậy”.


Buổi chiều ngày thứ ba, từ ngày mẹ tôi ra đi, mẹ tôi lại trở về với một thân hình tiều tụy, mặt đầy thương tích. Chúng tôi hỏi mẹ “vì sao!” thì mẹ tôi cho biết là bị tai nạn xe, vô nằm ở nhà thương nên không về được. Lúc đó với tuổi dại khờ, nghe mẹ nói sao hay vậy chứ chúng tôi nào biết gì hơn, nhưng sau này mỗi ngày mỗi lớn, trở về lại Ninh Hòa, hỏi ra tôi mới hiểu sự thật là ngày đó mẹ tôi đã ăn cắp gạo của người ta, nên bị người ta đánh và lính Tây bắt nhốt ở quận. Biết được điều này, không những tôi không oán trách mẹ tôi mà trái lại tôi thấy thương mẹ nhiều hơn. Mẹ tôi đã vì chúng tôi mà làm bất cứ chuyện gì, miễn là có chén cơm cho chúng tôi sống. Từ ngày biết chuyện mẹ tôi bị đánh đòn, bị ở tù cũng vì chúng tôi, tôi cảm thấy phải có trách nhiệm với mẹ tôi trong quảng đời còn lại của mẹ. Tôi đã nguyện với lòng là phải tiến thân để đền đáp công ơn của mẹ.

Chiến tranh chấm dứt, dân làng Bình Thành thở phào nhẹ nhỏm và mẹ tôi nghĩ đến việc trở về quê ngoại – Quy Nhơn.

Theo lời mẹ tôi kể lại, gia đình ngoại tôi không phải giàu sang gì lắm nhưng cũng thuộc hạng trung lưu, nghĩa là không đến nỗi phải lo từng miếng ăn chạy bửa. Mẹ tôi, đã sắp xếp mọi việc theo sự suy nghĩ của bà khi chúng tôi trở về quê ngoại – tôi sẽ được đi học; chị tôi ở nhà trông em; mẹ tôi lo mua bán.

Từng đêm, từng đêm tôi đã nằm mơ tưởng đến một ngày mai ấm no và hạnh phúc – Tôi sẽ sung sướng biết chừng nào khi tôi sẽ trở thành là một cậu học trò – đến trường có thầy, có bạn. Đời tôi không còn khổ cực, lầm than – cơm không có ăn, áo không có mặc.Nhưng khi chúng tôi vừa đặt chân đến Quy Nhơn, tìm được căn nhà của ngoại tôi thì niềm mơ ước của tôi cũng tan thành mây khói. Căn nhà ngoại tôi đang ở là một căn chòi che bằng lá dừa, được dựng bên hông ngôi chùa Tàu Quảng Đông, diện tích chưa được mười mét vuông. Hỏi ra mới biết, những gì ngày xưa ngoại tôi có, chiến tranh đã cướp mất hết, nghĩa là bom đạn đã làm sập nát hết. Chiến tranh! – tất cả không còn gì. Tôi thầm nghĩ.

Rồi một ngày, mẹ tôi dẫn một mình tôi trở lại Ninh Hòa và bà nói với tôi – " Mẹ xa con, mẹ chẳng đành lòng nhưng vì tương lai của con. Mẹ muốn con được ăn học, nhưng ở Quy Nhơn mẹ không có khả năng và bà con cũng không ai giúp được gì nên mẹ dẫn con về Ninh Hòa gởi cho anh Ba – con bác của con, con hiểu cho mẹ.” Nghe mẹ tôi nói vậy, tôi chỉ còn biết khóc chứ biết làm sao hơn, trong khi tôi chỉ là một thằng bé mới lên bảy, dù rằng tôi rất muốn ở gần mẹ, gần chị, gần em.

Về lại Ninh Hòa, hàng ngày tôi đi học ở trường làng Ninh Hiệp, trưa ghé ăn cơm nhờ ở nhà một người bà con – cô Hai – em bà con với ba tôi, tối về thui thủi một mình với một bà già gần tám mươi tuổi – bà con xa bên nội tôi mà anh con bác tôi nhờ ở trông nhà giùm ( anh, chị con bác tôi cha , mẹ mất sớm. Chị đi ở cho người ta và ông anh đi học nghề nên không về nhà). Cơm buổi tối là phần cơm buổi sáng mà bà già bà con nấu để dành – cơm chỉ ăn với nước mắm, hoặc nước muối.

Năm tôi lên chín tuổi thì mẹ tôi dẫn tôi trở lại Quy nhơn. Về lại Quy Nhơn tôi nghĩ – sẽ được gặp lại chị em tôi, tôi mừng lắm nhưng khi bước vô nhà, tôi chẳng thấy chị tôi đâu, hỏi ra tôi mới biết là mẹ tôi đã cho chị tôi lên ở với người dì – chị của mẹ tôi trên xứ thượng – Kon Tum. Vậy là vì sự sống, chị em chúng tôi đã không được sum hợp.

Và rồi một ngày, mẹ tôi lên Kon Tum thăm chị tôi, mẹ tôi đã khóc hết nước mắt, khi tận mắt nhìn thấy sự khổ cực của chị tôi làm việc như một người tôi tớ. Một đứa trẻ mới mười ba, mười bốn tuổi phải làm đủ mọi việc trong nhà, từ cơm nước, giặt giũ mà còn bị la mắng đủ điều. Thương con, mẹ tôi đã dẫn chị tôi trốn đi, (vì mẹ tôi rất kiên sợ dì tôi), nhưng cuối cùng dì tôi đã tìm được mẹ và chị tôi ngoài bến xe đò, bà giận dữ đánh mẹ tôi tại bến xe và lột lại chiếc áo ấm mà bà đã mua cho chị tôi sau mấy năm làm lụng cực khổ. Tình đời là thế, tình người là vậy.

Khi mẹ tôi dẫn chị tôi trở lại Quy Nhơn, bà kể cho chúng tôi nghe những nỗi thống khổ của chị tôi, chúng tôi đã ôm lấy chị tôi khóc thật lâu. Nghĩ thương chị tôi quá.- Bây giờ ngồi viết những dòng chữ này, hình ảnh của ngày xưa cũ lại hiện về, nước mắt tôi lại chảy. Nhớ lại ngày xưa, tôi thấy nhớ mẹ, thương chị và em tôi nhiều, dù bây giờ mẹ tôi đã không còn và chị và em tôi trên đầu ai cũng đã có sợi bạc.

Rồi việc gì đến cũng đến, một hôm có người bà con với mẹ tôi ghé nhà thăm, bà là cô giáo của một trường tư thục nhỏ, do bà tự cai quản, sau
khi chuyện trò, bà đồng ý cho tôi vào học trường của bà với điều kiện – bà ta không lấy tiền học, còn tôi mỗi ngày giúp bà quét dọn, làm vệ sinh cho trường. Được đi học là tôi mừng quá rồi, điều kiện gì tôi cũng chịu hết, vậy là tôi được đi học trở lại.

Ngôi trường “ tiểu học Nhơn Phước” của cô giáo Tý – người bà con với mẹ tôi, nói là ngôi trường cho đúng chữ nghĩa, chứ nó chỉ là một ngôi nhà đã mục nát, ngồi trong trường nhìn lên trần thấy ánh mặt trời. Bàn học chỉ có sáu cái, học sinh khoảng hơn bốn chục người nhưng đủ mọi lớp – từ lớp mẫu giáo đến lớp ba, học sinh ngồi chen chúc chật chội, vì vậy nên tôi là người học sinh “đặc biệt” được ngồi trên đống gổ (mà ai đó đã để nhờ) làm bàn học. Nhưng dù sao đi nữa, được đi học là tôi thấy vui sướng lắm rồi.

Hằng ngày, mẹ tôi đúc bánh xèo bán bên ngoài hiên nhà của ngoại tôi, chị tôi phụ giúp mẹ tôi, còn tôi thì mỗi tối bưng quả hột dưa, được gói sẵn đem vô rạp hát “ Cộng Hòa” bán. cuộc sống của gia đình chúng tôi tạm thời là vậy, nhưng sự đời cũng không thể im xuôi. Một hôm, cô giáo Tý nói với tôi:
“ Con à! Dì ( bà thường xưng với tôi như vậy, vì bà có bà con với mẹ tôi) rất thương con vì con hiếu học nhưng dì không biết sao hơn, vì trường Dì chỉ dạy đến lớp ba là hết, mà con đã học đã hai năm lớp ba rồi. Đáng lẽ nếu có điều kiện thì con không phải chịu thiệt thòi vậy, mỗi năm con đủ khả năng lên một lớp. Suy nghĩ kỷ, không vì quyền lợi của Dì mà không nghĩ đến con, do đó Dì muốn con nên về nói lại với mẹ con cố gắng cho con đi học trường khác để lên lớp trên học, chứ học với Dì uổng phí thời gian lắm. Nghe cô giáo Tý nói, tôi biết là bà nói đúng nhưng sao lòng tôi vẫn cảm thấy buồn.

Vậy là sau mấy năm học với cô giáo Tý, tôi lại phải chịu cảnh thất học. Tôi buồn lắm nhưng biết sao hơn.

Một ngày, tôi đến nhà Trương Phi Hùng – người bạn cùng học lớp ba với tôi nơi trường cô giáo Tý. Mẹ Hùng là một người đàn bà rất nhân ái – Mỗi sáng, tôi thường ghé nhà Hùng rũ Hùng cùng đi học, mỗi lần như vậy, bà thường cho tôi một gói xôi và thường nói với Hùng về hoàn cảnh của tôi và bà cũng thường bảo Hùng nên đối xữ tốt với tôi. Nghe tin tôi đã nghỉ học, bà thương cảm tôi lắm nên nói với tôi về nhà lấy
giấy khai sinh đem đến cho bà, để bà xin cho tôi vào trường công lập Nguyễn Huệ cùng với Trương Phi Hùng. Nghe mẹ Hùng nói, tôi mừng lắm, trên đường về tôi cứ liên tưởng đến ngày tôi được vào trường Nguyễn Huệ – với bộ đồ trắng nam sinh của ngày thứ hai, áo trắng quần xanh của ngày thường. Có thầy cô, bạn bè đông đủ – vui! chắc vui lắm.

Nhưng sự hy vọng của tôi đã tan biến mất, sau khi nghe mẹ tôi phân trần – “ Mẹ cũng muốn cho con đi học lắm, nhưng con thấy đó, nhà mình không có miếng ăn thì làm sao có tiền cho con ăn học đây, chưa nói đến, bây giờ phải đi làm giấy khai sinh cho con tốn kém không ít ( Tôi chưa có giấy khai sinh), hơn nữa, rồi tiền sách vỡ , quần áo, bút mực và bao nhiêu chuyện khác. Con hãy tạm ở nhà mua bán giúp mẹ rồi mẹ sẽ tính”. Nghe mẹ tôi nói như vậy, tôi chỉ còn biết im lặng.

Cuộc đời cơ cực nó cũng trở về cơ cực. Không còn đi học nữa, thời gian không thể để cho tôi rảnh rỗi, do đó ngoài buổi tối bưng quả hột dưa, cam, quít vô rạp “ Cọng Hòa” bán hát bội ( Rạp này, các đoàn hát bội thường mướn hát), buổi sáng, tôi và chị tôi thức dậy từ năm giờ sáng xuống lò bánh mì “Toàn Phước” gần chợ Qui Nhơn lãnh bánh mì bán cho đến mười giờ trưa, có khi ế ẫm đến cả mười hai giờ không chừng. Chị tôi khi đó đã lớn, đã biết mắc cở, làm dáng cho nên mang bao bánh mì trên vai vừa đi vừa rao:-“ Ai mua bánh mì nóng giòn không?” thì chị tôi thấy xấu hỗ. Biết tính chị tôi như vậy, tôi thương lắm. Tôi nghĩ – Nếu nhà tôi khá giả thì giờ này chị tôi cũng đã là một cô nữ sinh như người ta rồi, đâu có e thẹn mang bao bánh mì rao bán. Do đó, tôi thường bảo chị tôi, cứ đứng đợi tôi một chỗ nào đó, khi nào bán xong phần tôi là tôi bán tiếp phần chị, khi hết bánh thì hai chị em cùng về.

Ngày tháng cứ vậy trôi qua, một hôm tôi đang đi bán bánh mì nơi đường Cường Để, tôi thấy trước một ngôi nhà có dán giấy quảng cáo “ Luyện thi Tiểu học và đệ Thất”, bỗng dưng hai chữ “ Đi học!’ hiện lên trong ý nghĩ của tôi, vừa lúc đó một người đàn ông từ trong nhà bước ra gọi tôi mua bánh mì, nhân dịp, tôi hỏi thăm người đàn ông, và biết được ông ta là thầy dạy học ở đó, tôi bèn kể rõ hoàn cảnh của tôi và xin ông cho tôi được học miễn phí. Nghe tôi kể, biết được hoàn cảnh của t&ocir
c;i, ông cũng thương cảm, nhưng ông ta bảo:- “ cái khó khăn là em mới học lớp ba, còn phải học hai lớp – nghĩa là hai năm nữa em mới có thể đi thi được, hơn nữa thầy dạy luyện thi chỉ có ba tháng hè thôi, chỉ dạy toán và văn làm sao em học đủ bài vở để đi thi”. Nhưng sau, vì thấy tôi năn nỉ và muốn học quá nên ông đồng ý cho tôi học. Vậy là từ đó, mỗi tối tôi không còn đi bán hột dưa nơi rạp hát “ Cọng Hòa” nữa, mà đi học lớp “luyện thi Tiểu học và đệ thất” với thầy Tâm nơi đường Cường Để”, Và với sự cố gắng tột cùng, năm đó – 1960, tôi đã đậu được bằng Tiểu Học – một niềm vui lớn nhất trong đời tôi.

Nhưng rồi, sự học của tôi cũng chỉ giới hạn ở cái bằng Tiểu học, vì khả năng của mẹ tôi chỉ làm nổi cái giấy khai sinh cho tôi đi thi Tiểu học, chứ bà không đủ khả năng sắm áo, quần, sách vở và biết bao nhiêu chuyện khác của một người học sinh. Vì vậy, sau khi đậu xong bằng Tiểu học, tôi lại phải trở lại công việc của những ngày cũ – Buổi sáng bán bánh mì; Buổi tối bán hột dưa, cam, quít nơi rạp hát “Cọng Hòa”. Và hai năm sau gia đình tôi lại có sự biến đổi mới – Mẹ tôi tái giá.

Từ ngày mẹ tôi tái giá, cuộc sống của gia đình tôi cũng chẳng lấy gì khả quan lắm, vì người dượng ghẻ của tôi là một người đàn ông vợ chết còn mẹ già và hai đứa con gái nhỏ. Cuộc sống của gia đình ông cũng chẳng khác gì gia đình tôi. Ông là một công nhân của một hãng kem nhưng vừa bị cho thôi việc – Đang thất nghiệp. Vì vậy, gia đình chúng tôi có sự thay đổi, nhưng chị em chúng tôi chẳng có sự thay đổi gì.

Năm ấy, tôi đã mười bốn tuổi, tôi đã hiểu được một phần lý lẽ của cuộc sống –“ Muốn thay đổi cuộc đời là phải có bằng cấp. Mà muốn có bằng cấp là phải đi học”, vì hiểu rõ như vậy, nên một hôm, tôi mới nói chuyện với mẹ tôi:

“ Thưa mẹ! con nghĩ – mẹ tái giá là để cho gia đình chúng ta bớt khổ sở, con và chị hai không còn mang bao bánh mì chạy rong khắp buổi sáng; buổi tối không còn mang quả hột dưa, cam quít vô rạp “Cọng Hòa”, chứ mẹ tái giá để rồi cuộc sống của chúng con không khác gì ngày xưa thì mẹ tái giá làm gì? Thưa mẹ! bây giờ, con muốn đi học. Có đi học mới thay đổi được cuộc sống của chúng ta thôi mẹ ạ!”Và trong niên học năm đó – 1963, tôi đã nhờ cậu tôi – làm trưởng ấp Phan Bội Châu, làm đơn và ký nhận “ con nhà nghèo” để tôi vô trường Bồ Đề – cơ sở giáo dục của Giáo Hội Phật giáo xin học bổng. Được sự chấp thuận của ban giám đốc và cơ sở giáo dục Phật Giáo tỉnh, từ năm đó tôi đã thật sự là một học sinh của trường Bồ Đề với một điều kiện mà nhà trường đã đòi hỏi ở tôi một sự cố gắng và chăm chỉ tột cùng –“ Hàng tháng phải xếp hạng cao mới cho học bổng”. Và trong sáu năm học ở trường Bồ Đề, vì cái nghèo, vì muốn thay đổi cuộc sống ở tương lai, tôi đã phải tranh đấu với chính con người tôi – Không ham chơi, không đua đòi, sống ẩn mình như một cụ non. Và cũng vì cái nghèo, sự học của tôi đã phải chấm dứt khi tôi vừa thi xong mảnh bằng Tú Tài phần hai – Đối với hoàn cảnh của tôi lúc đó đã là quá đủ, tôi không còn dám ước mơ gì hơn. Và cũng từ đây, tôi bắt đầu bước chân vào ngưỡng cửa cuộc đời.

Hành trang vào đời của tôi chỉ là một bộ đồ cũ mặc trong người và hai bộ đồ cũ đựng trong xách tay. Buổi sáng, chào mẹ, chào chị, chào em một mình bước lên xe đò về miền xa lạ – Đà Lạt để vào trường Võ Bị Quốc Gia, nhưng rồi vận đen vẫn hoài đeo đuổi, nên khi tôi đến là trường đã khai giảng. Dù thế nào tôi cũng không thể trở về lại Quy Nhơn, vì vậy, tôi đành chấp nhận đi vào quân trường Bộ Binh Thủ Đức.
Những ngày tháng ở quân trường, chính là những tháng ngày thử thách sự chịu đựng tột cùng của người lính – vui, buồn lẫn lộn…..

Phan Tưởng Niệm
Sat Aug 16, 2008 11:40 am