Cao Mỵ Nhân,  Văn Thơ

CHÙM THƠ CAO MỴ NHÂN & Các Bài Viết: “Từng Mảnh Chiều Rơi”-“NÂNG NIU TÌNH BUỒN”

THÁNH CA.     CAO MỴ NHÂN 

*

Tôi có niềm vui hát Thánh Ca

Tâm tư bay bổng tới Ngân Hà 

Hình như đôi cánh Thiên thần mở

Cứ mỗi năm buồn một xót xa

*

San sẻ cô đơn với tuyệt cùng 

Nhìn ra bát ngát, thấu không trung

Hình như bóng Chúa mơ hồ đó 

Vừa thoáng đâu đây, đã mịt mùng

*

Thánh nhạc mênh mang, theo gió bay

Vượt trần gian, lên vút trời mây

Chúa ơi, nước mắt như mưa nhẹ 

Chúa ở trong tim, cảm xúc đầy

*

Khúc hát lênh đênh, lãng đãng trôi

Chơi vơi, thanh thoát, Chúa muôn đời

Trước, sau, mãi mãi nguồn vô tận

Nhân ái, thương yêu, ấm nụ cười…

*

      CAO MỴ NHÂN 

VAI DIỄN.    CAO MỴ NHÂN 

*

Thưa anh, mưa nắng qua rồi

Gió mùa đại dịch chưa thôi loạn cuồng

Bây giờ giữ mảnh hồn suông

Để năm tháng đóng hết tuồng thế nhân

*

Kịch đời nào cũng phù vân 

Phân vai em, Thượng Đế cần hỏi anh

Rằng sao lệ tủi long lanh

Bởi em chỉ muốn trở thành người yêu

*

Đã đành vai được nuông chiều

Nữ lưu kiều mị với nhiều kiêu sa

 Nhưng em lại vẫn xót xa

Vì anh vẫn cạnh người ta  xum vầy 

*

Gió mưa chưa hết kiếp này 

Kịch đời chưa dứt tháng ngày khổ đau 

Trên cao, Thượng Đế buồn rầu

Phân vai em, đợi đời sau đẹp tình …

*

      CAO MỴ NHÂN 

 THỨ SÁU.   CAO MỴ NHÂN 

*

Thứ sáu, ngày Chúa vong thân

Đã không bén mảng tới sân Nhà Thờ

Lại còn hò hẹn người thơ

Là hôm nay rảnh, tha hồ ghé chơi

*

Thưa rằng: Có chuyện gì vui

Đem Kinh ra đọc, hay ngồi nghe Thơ

Tại sao không đến nhà thờ

Xin Cha: xưng tội bây giờ mới yêu

*

Thì thôi mai sớm trưa chiều 

Tóc em buông thả những điều nhớ nhung

Cúi mình tạ khắp không trung

Đôi tay Chúa đã giải mông mênh tình 

*

Phép Trời vạn sự hồi sinh

Niềm tin vĩnh cửu thượng đình cao xa

Chúa từ bát ngát, bao la

Về bên cạnh mỗi chúng ta nguyện cầu…

*

       CAO MỴ NHÂN 

NẾU ANH.   CAO MỴ NHÂN 

*

Nếu anh nói nhỏ một lời

Rằng khuya nay sẽ tới mời em …vui

Thì em đã chẳng ngậm ngùi 

Là không gặp Đấng Thánh Trời ghé qua

*

Nếu anh biết được anh xa

( Nhưng em vẫn tưởng anh đà quanh đây )

Đúng rồi, anh vẫn quanh đây

Trong thơ sầu mộng, em say đắm tình 

*

Hôm qua lễ trọng Phục Sinh

Sao em lại ngủ khi mình buồn đau

Nếu anh biết được tình sau 

Của em, là chính tình đầu đó thôi

*

Bây giờ thức giấc đơn côi

Thiếu anh, trống vắng đêm rồi ngày sang

Sáng nay em giận thời gian 

Nếu anh đến sớm, em càng yêu hơn …

*

             CAO MỴ NHÂN 

VAI NẶNG TÌNH ĐỜI.   CAO MỴ NHÂN 

*

Mặt trời ngày Phục Sinh

Mầu hoàng kim rực rỡ

Cuộc tình đang hồi sinh

Giữa mây vàng bỡ ngỡ

*

Chúa về gọi yêu thương

Khi hồn em tan nát

Lá cọ hoang tơ vương

Từng sợi sầu bát ngát

*

Mặt trời vút lên cao

Nửa kiếp người chìm khuất

Núi mùa xuân xôn xao

Dấu chân này sẽ mất

*

Đôi vai nặng tình đời

Vác theo Đường Thánh Giá

Thôi em bỏ cuộc chơi

Thành xưa khô lệ đá…

*

        CAO MỴ NHÂN 

Từng Mảnh Chiều Rơi -CAO MỴ NHÂN

Tôi đang ngồi trong căn phòng quen thuộc, ngắm hình ca sĩ Thái Thanh, người có giọng hát vượt thời gian như nhà văn Mai Thảo nhận xét, thì chiều đổ ập xuống…

Có phải chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn không mà âm hưởng bài thơ Cảnh chiều hôm của Bà Huyện Thanh Quan khi đi võng qua đèo Ngang để vô kinh thành Huế dạy con vua cháu chúa triều Nguyễn cũng khiến mình vương chút sầu tư…

Ca sĩ Thái Thanh đang ở viện dưỡng lão X quận Cam, Nam Cali. Bà nhìn sâu vào không gian trước mặt, giờ này, cũng một buổi chiều, để thấm ý hai câu kết bài thơ Cảnh chiều hôm:

Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn…

(Bà Huyện Thanh Quan, 1805 – 1848)

Cứ xem như tư gia của ca sĩ Thái Thanh là chốn Chương Đài, còn ca sĩ đang là người lữ thứ ở viện dưỡng lão X, con cháu bận rộn công ăn việc làm không thể thường xuyên thăm viếng nên nỗi hàn ôn phải tâm tình cùng bạn viện thôi.

Văn nghệ sĩ Việt Nam lưu vong cũng đã như một nếp gấp văn hoá địa phương lâu rồi… Tôi chỉ kể về quý vị mà tôi hoặc quen hoặc biết, theo thứ tự thời gian:

Nhà văn quân đội Phạm Huấn, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn. Nhị vị ở viện dưỡng lão Z trên San Jose và đã qua đời ở viện cũng đã lâu rồi.

Nhà văn Linh Bảo, hiền tỷ của nữ sĩ Minh Đức Hoài Trinh, ca sĩ Thái Thanh, hiền mẫu của danh ca Ý Lan. Nhị vị đang bình thường tại viện dưỡng lão X, Nam Cali.

Buổi chiều thì ở đâu cũng buồn, nhưng ở viện dưỡng lão hay nhà thương thì càng buồn hơn.

Không biết có khi nào ca sĩ Thái Thanh một mình nằm hay ngồi trong viện X nghe lại chính giọng ca của mình…

Giọng hát đã băng qua cả một bề dày năm tháng…

Thủa nữ nghệ sĩ diễn ngâm Hồ Điệp còn tại thế, trước khi mất tích trên đường vượt biên năm 1987, bà cùng ái nữ cư ngụ tại biệt thự Mả Đá trong khuôn viên tư thất cụ thi sĩ Văn Giai nhượng lại một phần.

Biệt thự Mả Đá toạ lạc tại đường Phan Xích Long, trước cửa nhà máy điện quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

Mỗi buổi sáng nơi bộ bàn ghế cẩn xà cừ kê ở hàng hiên biệt thự lại có ba vị tao nhân, mặc khách đàm đạo thi ca gồm quý cụ thi sĩ Văn Giai chủ nhân, thi sĩ Trần Lữ Vũ mới từ trại tù cải tạo ra và nghệ sĩ danh ngâm Hồ Điệp hội ẩm.

Cả ba vị tao nhân, mặc khách đều lặng lẽ nghe giọng ngâm Hồ Điệp từ băng thơ Hồ Điệp vẳng lên chơi vơi, mênh mông…

Thỉnh thoảng có dịp tìm thăm chị, cánh bướm của trời thơ trữ tình, lãng mạn, tôi lại gặp ba vị nêu trên ngồi thả hồn theo tiếng sáo Tô Kiều Ngân, tiếng đàn mệ Bửu Lộc, giọng Hồ Điệp ngâm nga trong những cuốn băng thơ bồng bềnh, dư âm vang xa vời vợi tình buồn…

Sự kiện khiến tôi liên tưởng tới hoàn cảnh văn nghệ của những ai lỡ mang tâm hồn mẫn cảm sau này…

Tôi cũng có những kỷ niệm hết sức âm thầm nhưng vô cùng mê đắm, tưởng như một phần đời mình đã đóng băng kiên cố trong tình nghĩa huynh đệ chi binh hiện nay ở sân chơi dành cho lính mà tôi thường thấm ý khoe với bạn bè về nơi vườn tình ấm áp ở phương Nam…

Tất nhiên thời gian không biệt lệ cho ai, dẫu có là vua thần thoại trong cổ tích Mỗi ngày một chuyện đi nữa, và dù có cố gắng tưởng tượng thêm nhiều tình tiết cho thật kỳ ảo, tôi vẫn phải ngồi lặng lẽ ngó từng mảnh chiều rơi trước mắt những khách tình si ưa thả lỏng tâm tư theo tơ vương thần thoại…

Buổi chiều… sao trong lòng hạnh phúc thế mà vẫn không thoát được nỗi buồn nhỉ?

Đó là chuỗi thở dài của tháng năm bất tuyệt…

Anh có chiều chuộng mình như nâng niu trứng mỏng, mình vẫn chan hoà nước mắt khóc… tình thơ!

Ô hay, tình thơ lưu ly như ngàn vạn hạt kim cương lấp lánh, chiếu rực rỡ những trái tim tha thiết luyến thương nhau…

Ở đây không ai trong chúng ta phải ở chốn Chương Đài, cũng không khiến người nào giữa huynh đệ phải lang thang nơi lữ thứ, vì chúng ta đang trong hạnh ngộ tình thương…

Cho tới thời gian nào chúng ta buộc phải nhìn nhau qua ký ức, ấy là chuyện kể trăm năm đã hết…

Đó là dấu tích kỷ niệm muôn đời vẫn mãi còn nếu muốn đi tìm hình ảnh hôm nay… từng mảnh chiều rơi bên những người tình muộn.

CAO MỴ NHÂN

NÂNG NIU TÌNH BUỒN.     CAO MỴ NHÂN 

Đã mệt mỏi quá rồi, tôi đi tìm cái nghĩa vẹn toàn của cuộc sống. 

Chỉ cần là lý tưởng, chỉ cần là học thuyết, và mãi mãi là trừu tượng thôi, nào muốn gì hơn. 

Không nói là tràn đầy, là dư thừa, chỉ mong được anh chia sẻ cho một chút tin yêu cuộc sống, cho đời mình vui vẻ bình thường…

Anh cũng biết vậy, nhưng anh im lặng, anh xa cách, anh trầm thống theo ý anh, cái bản chất cố đô vương giả, không muốn dứt niềm đau ra khỏi cuộc đời mình. 

Một trăm chuyện tình nghệ sĩ, gần như đủ một trăm nỗi ưu tư, sầu tủi được đẩy qua người mang tâm hồn khốn khổ vì yêu thương kẻ đối diện, chứ có bao giờ khách được hay bị yêu phải khổ đâu. 

Là tôi đang quan sát tình đời thôi. Và cũng chẳng để làm gì, khi thời gian không còn đủ cho mình say đắm chan hoà ân nghĩa xót thương nhau. 

Nhưng lạ, con người có thể là một Thánh Gióng, thần Herculs, thần Antee, lực sĩ Tarzan, Thạch Sanh vv…mà vẫn bất chợt mềm nhũn như loài sâu bé nhỏ, chỉ vì niềm tin bị khủng hoảng, mất mát. 

Anh là tất cả, đúng, nên không có anh, mặt trời sẽ chẳng mọc, to chuyện quá, mấy chục năm nay mình đã chứng kiến cái điều thiên hạ cho là vớ vẩn, viển vông, không thực tế…này. 

Khi ngày nào ánh sáng thái dương cũng soi rọi thế gian, một hạt cát trên sa mạc cũng mong đợi ngày lên, để nhìn thấy những hạt cát khác, cho dẫu cái cao nguyên rộng bát ngát, luôn mịt mù gió bụi. 

Cả thế giới mày râu phải là những thần, những thánh cho chúng ta người già, phụ nữ, trẻ em…được vin vào lẽ sống, để tiếp tục sinh tồn. 

Có phải tôi đánh giá quý ông, trong đó có anh, và rất có anh, là một ảnh hình chân như, lương thiện, hoàn mỹ, hầu xây dựng những cái tổ phượng hoàng nơi tột đỉnh phù sinh, trước khi ” mặt trời tắt hẳn trên môi em…” không ?

Câu thơ mình viết tặng anh từ phút giây hạnh ngộ, dù anh khẳng định là trừu tượng thôi, mãi mãi trừu tượng…đã phần nào đúng đấy . 

Tôi bật cười, lẽ nào tôi không đủ ngôn từ, chữ nghĩa để viết hộ thư tình dùm ai muốn chớp nhoáng gởi đi, khi có cả chục tập thơ tình buồn kiểu tình dang dở của nhà thơ lai 2 dòng máu Việt Hoa:

Tình chỉ đẹp những khi còn dang dở 

Đời hết vui khi đã vẹn câu thề …

          ( Hồ Dzếnh ) 

Lạm bàn về tình ái, tình yêu ở đời, thì ai cũng có thể thuyết minh hùng hồn, lý do rất đơn giản, là yếu tố tự phát từ trái tim mỗi người tuy khác nhau, song vẫn là giống nhau, bởi lẽ Thượng Đế cho loài người ai cũng có một trái tim làm vốn liếng để sống ở đời…

Anh từng bảo thế này: ” Thôi nhé, bớt …hành hạ trái tim nghe, để cho lòng hồn nhiên, thanh thản yêu đời…” 

Chẳng cần anh dặn, mình cũng biết điều khổ tâm này, cái khổ tâm của tiểu ni Thị Kính bị ma nữ Thị Mầu yêu đến chết bỏ. 

Song le, anh là anh với đầy đủ nhân dáng, sắc diện, linh hồn đấng nam nhi, nên nếu có bị yêu cũng là một thiên chức, lại ngoạ ngôn, ngạ quỷ xâm nhập đó thôi. 

Đi tìm cái nghĩa vẹn toàn của cuộc sống, mình biết chắc anh ái mộ đạo Phật bởi chân lý, không thù hận, không oán giận, không chê bai, không trách cứ vv…mà anh nhẫn nại đợi chờ …duyên nghiệp đến. 

Nếu là nghiệp duyên, thì đành nhận,  mà nếu là nghiệp …nợ, thì cũng đành nhận thôi, chẳng lẽ đưa tay gạt đánh ầm một cái duyên nghiệp xuống đáy đại vực Grand Canyon à . 

Anh sẽ nghiêm mặt: ” Tại sao…am tường thế, mà ngay từ đầu không tránh đi, như thi sĩ Luân Hoán chủ trương trong đời thi nghiệp của ông, ông loại ngay tức khắc cái danh xưng: chị, em, cháu gái văn nghệ, để khỏi rắc rối về sau “. 

Còn như chàng nhạc sĩ ôn nhu, dĩ hoà vi quý Vũ Thành An, đứng trước giai nhân kêu gọi tình người nở hoa nhân ái, rằng: ” Hãy cố quên đi mà sống “.

Nhưng người tình lắc đầu quầy quậy không chịu, thưa là muốn quên đi lắm, mà không được, vậy còn cách nào hơn điều quên đó, thì đành ôm thân phận ” nhược tiểu ” vậy, tức là : 

Xin em đôi môi thật thà 

Thật thà chịu nhiều xót xa…

 ( Bài không tên số 5   Vũ Thành An ) 

Nhưng được hay mất “cuộc tình này “, vẫn chỉ có nỗi 

” Nâng niu cô đơn từng ngày… ” 

Thành ra cuối cùng được Thượng Đế vỗ về, nhạc sĩ đã tìm ra ánh sáng rực rỡ từ cửa thiên đường chiếu xuống, mời gọi Vũ Thành An bước vô cõi đạo Trời , ông có được niềm vui khi tuổi không còn rung động trước một hình ảnh người nữ 

“quấn quýt vân vê tà áo ” nữa . 

Anh mỉm cười, nửa chế nhạo, nửa vị tha, ngó tôi thức trắng đêm qua vì buồn. Chắc anh không ngờ tôi dễ xúc động đến thế. 

Anh có thể không cần nói thật. Nhưng anh có biết 100 người đàn bà, thì chỉ có 10 người chịu nghe nói thật, để họ quyết định cái đời độc lập của họ. 

Còn 90 người kia, không muốn nghe cái sự thật mất lòng, không thành vấn đề, mà sự thật làm sững vững con người. 

Thí dụ: ông chồng có bồ, ai ở đời cũng biết điều đó, và thường khi bà vợ biết, là đã vỡ bét tự sự truyện rồi. 

Song le, chẳng phải là thế, những nhân vật nữ chỉ muốn nghe điều không thật của chồng họ, trái lại đàn ông lại đòi hỏi sự thật từ người vợ, phải được tôn trọng. 

Ông chồng Huế của tôi thủa sinh thời, ông nói với tôi: “M nên mừng là anh còn nói dối M, vì khi anh nói thật ra, có nghĩa là M không còn quan trọng với anh nữa “. 

Tôi đã khóc nức nở vì sự thật vốn vậy. 

Thế có phải bây giờ bạn thích tôi nói dối phải không? Anh đâu cần nghĩ vậy, vì anh quá thông minh nơi chốn sa trường, cũng như ở tình trường. 

Anh được điểm A+  nhiều lần thử thách, nhưng lại chính bộ mặt tình yêu mộc mạc, rất lính của anh, nó khiến anh vượt lên tất cả. Chao ôi, người tình Huế nào cũng có cái ưu điểm rực rỡ ấy . 

Thôi tôi cũng đã khô nước mắt rồi, vì xưa nay tôi là người không đòi hỏi một thử thách nào. 

Tôi đang xuống những bậc tam cấp, rời khỏi Thiên Mụ hay Linh Mụ gì đó, chùa đẹp, chùa buồn, có gọi hằng trăm tên, cũng vẫn có chữ Mụ, khiến tôi mụ mị cả người.

Đã đứng sát bờ sông Hương, đã soi bóng nơi dòng nước thơm rong rêu tuyệt hảo đó rồi, thì bao âm điệu ngọc châu, bao hình ảnh dát vàng, nạm bạc trên con sông quyền quý, huyền hoặc đó, cũng ám ảnh tôi suốt đời …

Đó cũng là một trong những nét vẹn toàn tôi đi tìm kiếm ở cuộc sống phiêu du, lênh đênh này, mà tình người chính là những âm vang của dòng sông đang chảy xiết đó…

Hãy nâng niu tình buồn …

        CAO MỴ NHÂN