Sinh hoạt VTLV

Cao Sơn : LỄ PHÁT GIẢI VĂN THƠ LẠC VIỆT THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP

Mời quý vị xem qua Phóng sự đã được phát trên Truyền hình SBTN  và đã post ở link này 

do phóng viên Nghệ Lữ.
http://www.youtube.com/watch?v=pSBpw2LpEJc

LỄ PHÁT GIẢI VĂN THƠ LẠC VIỆT THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP VỚI GẦN 200 VĂN THI SĨ, TRUYỀN THÔNG BÁO CHÍ CÙNG CÁC HỘI ĐOÀN THAM DỰ TRONG TINH THẦN BẢO TỒN VĂN HÓA VIỆT

 



SAN JOSE (TVNs) – Lễ phát giải “Giải Thơ Văn Lạc Việt” được tổ chức vào lúc 2:00PM Thứ Bảy, ngày 12-2-2011 tại Hội Trường Học Khu Franklin-McKinley, số 645 Wool Creek Dr., San Jose 95111 được đánh giá thành công tốt đẹp với sự tham dự của gần 200 người.

 

Sau phần nghi thức khai mạc với sự điều khiển của Alfa Hoàng Thưởng, thuộc Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức QLVNCH Bắc California, nhà báo Thư Sinh đã giới thiệu thành phần quan khách hiện diện gồm có:

– Về phía văn giới: cây đa cổ thụ của giới văn nghệ sĩ, nhà thơ người làng Hà Thượng, thi sĩ Hà Thượng Nhân (được biết thi sĩ Hà Thượng Nhân đã đến tham dự buổi phát giải trên xe lăn do vợ chồng con trai và con gái đẩy); nhà văn Ngô Đình Chương; nhà thơ Hoàng Ngọc Văn; nhà thơ Trường Giang; Thi Văn Đoàn Bốn Phương; nhà văn Nguyễn Thị Thanh Xuân; nhà thơ nhàvăn Đào Tiến Luyện; Đại náo kiêm đại lãn thơ phở, nhà thơ Cung Diễm tức Tú Lắc; Cở Sở Văn Thơ Cội Nguồn; nhà thơ Hoa Hướng Dương; nhà văn Giao Chỉ Vũ Văn Lộc; nhà văn Nguyễn Trung Dũng; nhà thơ Phan Tưởng Niệm; nhà thơ Hải Phương; ngâm sĩ Ngô Sĩ Hùng và phu nhân; nhà văn Nguyễn Phước Đáng, nhạc sĩ La Vân; nhà thơ Mạc Lan Đình, giáo sư Nguyễn Cao Can; nhà văn Trần Trị Chi; nhà thơ Nguyên Phương; nhà thơ Song Linh; nhà văn Diệu Tần; nhà văn Katy Trần; nhà thơ Vũ Gia Sắc; nhạc sĩ Lynh Phương; nhà thơ Ngọc Bích thuộc Thi Văn Đoàn Bốn Phương và Cô Kim Chung, phái đoàn Mây Bốn Phương; nghệ sĩ Kiều Loan, ái văn nhà thơ quá cố Hoàng Cầm; nhà văn Nhật Nguyệt đến từ Nam Cali; giáo sư Nghiêm Xuân Trí, ca sĩ Ái Lan, ca sĩ Nguyên Đán.

– Về phía các Hội Đoàn Cộng Đồng: Hội Người Việt Cao Niên Vùng Vịnh Cựu Kim Sơn với cụ Lê Nhật San, cụ Trương Đình Sửu, Ông Bùi Thanh tùng, Ông Nguyễn Hữu Lục, Ông Nguyễn Hữu Luyện; Gia Đình Mũ Đỏ San Jose và vùng phụ cận với Chi Hội Trưởng MĐ Lê Hữu Dư và niên trưởng MĐ Bùi Đức Lạc; LL/SQTĐ/QLVNCH với Chủ Tịch Alfa Nguyễn Minh Đường, Alfa Ngô Tôn, Alfa Hoàng Thưởng, Alfa Phan Tuấn, Afla Phan Lâm; Hội Lực Lượng Đặc Biệt với niên trưởng Hội Trưởng Đỗ Hữu Nhơn, Nhóm Cựu Tù Suối Máu với Bùi Xuân Thái; Hội Phật Giáo Việt Nam San Francisco với ông Nguyễn Đức Chương; Hội Đồng Cư Dân Việt Nam thành phố San Jose với Bác sĩ Lysa Hà Vũ, Văn Bút Tây Bắc Hoa Kỳ với Chủ Tịch nhà thơ Hoàng Xuyên Anh.

– Về phía truyền thông có sự hiện diện của nhà báo lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh; nhà báo Nguyễn Văn Sĩ (VNNB); Bà Trần Thị Thu, Chủ nhiệm và nhà báo Cao Sơn, (Tin Việt News); Phạm Thái (Đài Truyền hình và Đài Phát Thanh Quê Hương); nhà báo Nguyễn Vạn Bình, Chủ nhiệm và phu nhân Mã Phương Liễu (Ý Dân); phóng viên Nghê Lữ (SBTN), nhóm phóng viên cộng đồng (Hệ Thống Truyền Thông Viên Thao); nhà báo Lê Văn Hải (Thằng Mõ San Jose và Sacramento); phóng viên nhiếp ảnh Huỳnh Minh Nhựt (V-Times); phóng viên nhiếp ảnh Trương Xuân Mẫn (Việt Tribune); Phạm Phú Nam và phu nhân (Dân Sinh Media); Lân Nguyễn (Truyền Hình Việt Nam); XNV Thủy Tiên (Đài Little Saigon Radio San Jose); nhà báo Lâm Văn Sang (V-Times), ông Phạm Bằng Tường, nhà văn Ngọc Thủy, chương trình Tiếng Việt Mến Yêu); cùng một số thân hữu ghi nhận được như Cô Kim Hà, nhà thơ Cẩm Vân, cô Tina Hằng, bà Chinh Nguyên…

* Quốc gia nào mất ngôn ngữ, trước sau gì quốc gia đó cũng bị xóa tên trên bản đồ

Trong lời chào mừng của BTC, KQ Lê Văn Hải, Chủ nhiệm hệ thống tuần báo Thằng Mõ San Jose và Sacramento, Trưởng Ban Tổ Chức Lễ phát giải giải Văn Thơ Lạc Việt năm 2011 đã trình bày:

“Thật là một vinh dự cho tôi được đại diện quý anh chị em trong Cơ Sở Văn Thơ Lạc Việt, quý Ban Giám Khảo cuộc thi, quý anh chị em trong Ban Tổ Chức, quý thí sinh để có lời mở đầu cho buổi lễ phát giải ngày hôm nay.

Lời đầu tiên xin được đại diện quý anh chị em nêu trên, xin gởi lời chào mừng nồng nhiệt nhất đối với tất cả quý vị hiện diện nơi đây. Quý vị đã vì tình thương mến “Tiếng Nước Tôi” được bảo tồn phát triển, nên đã dành chút thời giờ quý báu trong một buổi chiều Thứ Bảy đẹp trời để tham dự buổi phát giải này. Sự quan tâm của quý vị nói lên phần nào “Tình Yêu Quê Hương” vì “Tiếng Việt Còn Nước Việt Còn”. Sự hiện diện đông đảo của quý vị thật là niềm khích lệ to lớn cho công tác bảo tồn và phát huy tiếng Việt và cũng là niềm hãnh diện lây cho Ban Tổ Chức chúng tôi.

Kính thưa toàn thể quý vị,

Một định luật khó có thể chối cãi, đó là quốc gia nào mất ngôn ngữ, trước sau gì quốc gia đó cũng bị xóa tên trên bản đồ. Chính vì thế nhiều người cho rằng “ngôn ngữ là linh hồn của một quốc gia” và chính vì thế Giáo sư Kim Định đã kết luận chắc nịch: “Nếu không biết giữ, hồn mất trước, nước mất sau!”

Thật may mắn thay, cha ông chúng ta đã ý thức ra điều này. Thời kỳ đô hộ, người Tàu bắt chúng ta mặt y phục Tàu, tóc để dài đuôi sam, nói tiếng Hán, tiếng Tàu. Nhưng cha ông chúng ta vẫn có tiếng Nôm để giữ hồn, rồi tiếng quốc ngữ ra đời, đẩy mạnh những phong trào “tiếng Việt còn nước Việt còn!” Chính vì sự ý thức quan trọng này mà chúng ta không bị đồng hóa.

Nên việc bảo toàn và phát triển ngôn ngữ  Việt là một việc làm lúc nào cũng cần thiết, nhất là chúng ta đang sống tạm dung tại hải ngoại. Trong mục đích này, giải văn thơ Lạc Việt đã ra đời do những anh chị em trong Cơ Sở Thi Văn Lạc Việt chủ xướng, nhằm tạo điều kiện nuôi dưỡng và phát triển ngôn ngữ Mẹ.

Năm nay đánh dấu là năm thứ 3, hy vọng với sự góp tay của quý vị, giải sẽ càng ngày càng lớn mạnh, hy vọng vẫn còn được sống liên tục hàng năm.

Đến đây, dù có ai chỉ trích “Mèo Khen Mèo Dài Đuôi”, tôi vẫn xin một tràng pháo tay cho những anh chị trong Cơ Sở Thi Văn Lạc Việt đã có thiện chí rất đáng ngưỡng mộ, trong công tác đầy khó khăn này.

Để giúp anh chị em chúng tôi mang lại mùa Xuân cho ngôn ngữ Việt, vì một con én không làm ra mùa Xuân, xin quý vị hỗ trợ chúng tôi thành đàn én. Để giải này còn được tiếp tục mãi mãi.

Tiện đây, tôi xin được thay mặt Cơ Sở Thi Văn Lạc Việt cám ơn đến cả gần cả trăm thí sinh tham gia cuộc thi. Quý vị trúng giải hay không trúng giải, đều đáng được trao một bông hồng cho tấm lòng của quý vị, cho thiện chí đã bồi thêm cây củi cho ngọn lửa Việt ngữ bùng sáng hơn.

Và tôi cũng không quên cám ơn các nhà bảo trợ. Vì thời giờ không cho phép đọc toàn bộ danh sách của quý mạnh thường quân bảo trợ cho giải vì sẽ được đăng tải trên nhiều cơ quan ngôn luận trong vùng vào những ngày tới. Quý vị đã giúp chúng tôi có những phần thưởng thiết thực đến các thí sinh trúng giải. Với sự góp tay của quý vị, hy vọng những năm tới, giải sẽ càng ngày càng lớn dần.

Giải thưởng vật chất dù có lớn cách mấy cũng là nhỏ, giải thưởng tinh thần mới là quan trọng, quý thí sinh, quý bảo trợ đã cùng góp tay gìn giữ  và phát triển ngôn ngữ, là hồn của người Việt chúng ta. Điều này thật là đáng quý báu.

Còn một điều thiếu sót nếu tôi không nhắc đến, xin gởi lời cám ơn đến toàn Ban Giám Khảo, đã bỏ rất nhiều thời giờ để có những kết quả thật công bằng, tốt đẹp.

Để chấm dứt lời phát biểu của tôi. Giải Văn Thơ Lạc Việt được phát vào mùa Xuân mỗi năm. Chúng ta đang ở vào mùa Xuân, tôi xin thay mặt Ban Tổ Chức kính chúc quý vị và gia quyến một năm tràn đầy hạnh phúc, an khang, thịnh vượng, mọi điều như ý.

Kính chúc quý vị có một buổi chiều thật đẹp, thật ý nghĩa của những đứa con muốn gìn giữ và bồi đắp ngôn ngữ của mẹ.

Và sau cùng, Ban Tổ Chức chúng tôi chỉ là những anh chị em nghệ sĩ, không phải những nhà tổ chức nhà nghề, nên chắc chắn buổi phát giải hôm nay sẽ có nhiều điều sơ sót, kính xin quý vị niệm tình thứ lỗi cho.

Xin hết lời và chân thành cảm tạ”.

* Tường trình về cuộc thi giải VTLV 2011

Kế tiếp, nhà thơ Đông Anh Nguyễn Đình Tạo, Chủ Tịch Cơ Sở Thi Văn Lạc Việt trong phần tường trình giải VTLV 2011 đã cho biết:

“Cuộc thi văn thơ của Giải Văn Thơ Lạc Việt đã kết thúc. Vượt qua hàng trăm tác phẩm hàng trăm tác giả khác, mười thi văn hữu đã đạt đến kết quả mỹ mãn. Họ được trao giải vào đầu Xuân Tân Mão theo truyền thống của giải văn thơ. Những đầu xuân năm trước cũng đã có một số người nhận giải và từ đó vươn lên tạo thành tên tuổi trong làng viết, có tác phẩm ấn hành. Có người nhận lời trở lại làm giám khảo cho những cuộc thi sau.

Cơ sở Văn Thơ Lạc Việt mở cuộc thi văn thơ với mục đích kết hợp các cây viết mới và cũ với nhiều hệ phái khác nhau để cùng nhau bảo vệ và phát huy tiếng Việt, chữ Việt tại hải ngoại. Do vậy các cuộc thi sẽ trở thành truyền thống hàng năm để công bố kết quả vào ngày 1-1 đầu năm dương lịch và phát giải vào đầu Xuân âm lịch.

Hôm nay giải Văn Thơ Lạc Việt năm 2010 xin giới thiệu thi văn hữu đã đoạt giải. Xin chào mừng quý bạn đã từ các nơi xa xôi về đây lãnh giải để cuộc thi thêm phần long trọng và niềm hy vọng mới trong tương lai.

– Về Thơ:

1. Lê Văn Phúc, quê Gio Linh Quảng Trị, mới định cư tại Mỹ năm 2009. Khi còn ở VN anh làm giáo viên và tham gia với các báo chí và trang web trào phúng để bài trừ nạn tham nhũng và cậy quyền thế ăn hiếp dân lành.

Nay định cư tại San Jose hãy còn rảnh rang nên làm thơ viết báo chơi. Bài trúng giải của anh là bài thơ Xót Xa, thể lục bát mà chút nữa đây quý vị sẽ được nghe Kiều Loan ngâm.

2. Người trúng giải nhì là nhà thơ Vũ Sơn, hiện còn ở tại VN. Trước năm 1975 anh là phóng viên chiến trường đã theo chân các đơn vị hành quân tại quân khu 2. Vì vấn đề an ninh, anh yêu cầu đừng nêu tên thật và quê quán. Chúng tôi tôn trọng việc này. Anh thường xuyên viết cho các trang web hải ngoại trong đó có trang Web VTLV. Bài thơ trúng giải là bài Phạm Nhân, anh viết về một người bạn cùng tù và là phế binh của VNCH ngày xưa. Bài thơ kiên cường và cao ngạo rất đáng khen.

3. Bài trúng giải thứ ba là bài Khóc Mẹ Đêm Mưa của Nguyễn Vạn Thắng. Đây là lần thứ hai ông Thắng gửi bài thơ dự thi cho giải VTLV và kỳ này ông đoạt giải. Trước năm 1975 ông là sinh viên luật tại Sài Gòn. Nay định cư tại Colorado, tại đây ông hoạt động cộng đồng và hiện là chủ tịch cộng đồng VN tại Colorado.

4. Hoàng Anh là bút danh của ông Trần Sơn quê quán Nam Định, hiện ở tại Garland, Texas. Ông xuất thân khóa 21 Sĩ Quan trừ bị Thủ Đức. Bài thơ trúng giải là bài Chân Dung Mẹ Việt Nam. Ông vẽ lại chân dung mẹ VN qua chiến tranh tù đày nhưng “mẹ vẫn giai nhân một địa đàng”.

5. Hoàng Khanh sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị, mãi đến năm 1986 mới rời cư vào Sài Gòn làm giáo viên mầm non. Nay định cư tại San Jose. Hôm nay vì lý do đặc biệt bà không có mặt tại đây, nên ủy thác cho người con gái tên Tú Lê thay mặt mẹ lãnh giải, một giải thưởng văn thơ mà bà cho là rất may mắn. Bài trúng giải là bài Về với biển với hai câu kết mênh mang buồn:

“Con dã tràng không biết hát,

Đâu dám cùng biển biếc hòa âm”.

– Về Văn:

1. Giang Thiên Tường, người đoạt giải văn tên thật là Tô Vĩnh Phúc, hiện cư ngụ tại Sacramento. Vào thập kỷ 90 anh là chủ nhiệm tuần báo Phù Sa, phát hành tại Bắc Cali. Tờ báo đó đã làm nguồn cảm hứng cho bài dự thi Đứa Con Đầu Lòng. Anh tả lại cảnh khi đi xin tiền để dựng tờ báo, gặp được ông bác sĩ yêu văn chương nên ủng hộ anh hết mình, cho nên tờ báo cũng sống được vài ba năm.

2. Bài trúng giải nhì nhan đề là Gã Bất Cần, mô tả một anh tù cải tạo thuộc diện con bà phước đến nỗi khi được thả ra không có chỗ để về nên xin một khoảng đất gần trại để làm rẫy sinh nhai, lại được cô y tá cán bộ muốn chung sống bao bọc nhưng gã không cần. Kịp khi vợ con từ bên Mỹ về VN đi tìm chồng đến tận rừng U minh đón gã về để lại nỗi thất vọng cho nàng cán bộ. Truyện có tình người và nêu cao sự can cường của người tù cải tạo.

Người viết truyện là ông Huỳnh Tâm Hoài sinh năm 1943 tại Trà Vinh, ông đã từng là hội viên sinh hoạt với nhóm Chim Việt Văn Đoàn trước năm 1975.

3.  Người trúng giải ba là một nữ lưu viết truyện Nón Quai Thao. Chiếc nón là kỷ vật của một gia đình mang theo khi di cư năm 1954. Chiếc nón được trao lại cho tác giả khi gia đình sở hữu rời Việt Nam sau 1975. Chiếc nón được giữ lại và theo tác giả vượt biên và nó cũng là cái duyên nối lại mối tình từ thuở còn thơ và thành tựu nơi đất khách quê người.

Người viết tên thật Lê Ngọc Huyền sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt hiện cư ngụ tại Montréal. Ngọc Huyền còn có một bút hiệu khác là Sỏi Ngọc, và là chủ bút của tờ báo Ngọn Đuốc ở Montréal, Canada. Dự trù sắp ấn hành sách riêng cho mình với tựa đề Nắng Biếc.

4. Giải khuyến khích 1 về tay của Phùng Nhân, bút hiệu Nhan Phùng, tên trên giấy tờ theo ông cho biết là Albert Bùi, hiện cư ngụ tại Cabramatta NSW, Australia. Trong truyện ông tả cảnh đi bắt chuột đồng ở Bến Tre. Ông kể chuyện miền quê rồi từ quê người tưởng nhớ đến quê hương. Về lý lịch ông cung cấp cho chúng tôi rất ít, ngoài tên thật và địa chỉ để gửi thư khỏi thất lạc mà thôi.

5. Người trúng giải khuyến khích 2 là bà Nguyễn Thị Kim Hoa, sinh năm 1952 tại Đà Nẵng. Gia cảnh thật đáng thương tâm. Mồ côi mẹ tháng 7 năm 1960. Ba của chị Kim Hoa là Trưởng Chi Công An Quận Hiếu Đức, Tỉnh Quảng Nam. Bị Việt cộng ám sát trong đêm 21-9-1960. Sau khi Mẹ mất vừa được 2 tháng. Vì còn nhỏ nên mất hẳn liên lạc với bên nội, hàng ngày cầu nguyện cho tìm được tông môn họ hàng. Năm mươi năm sau phép lạ cho tìm được người thân rồi từ đó tìm ra giòng họ.

Bà nhớ rõ việc này nên nay viết thành truyện dự thi. Sau năm 1975 bà đi Kinh Tế Mới Huyện Bình Long, Tỉnh Sông Bé. Nay bà đang sống với gia đình tại Saigon. Bà ủy quyền cho anh Huỳnh Văn Hải người cư ngụ tại San Jose nhận giải giúp”.

* Thành phần Ban Giám Khảo

Trong phần giới thiệu thành phần Ban Giám Giám Khảo, nhà thơ Chinh Nguyên, Tổng Thơ Ký Cơ Sở Thi Văn Lạc Việt đã giới thiệu:

“Tôi có bổn phận đọc tiểu sử của những vị Giám khảo kỳ thi giải văn Thơ Lạc Việt năm 2010, tuy nhiên tôi chỉ đề cập tới những điểm chính của những quý vị giám khảo mà thôi. Chi tiết xin quý vị tự tìm hiểu. Vì nếu mang hết chi tiết ra đây thì giờ không cho phép.    

a) Ban Chung khảo gồm các quý vị sau đây:

– Thi Sĩ Hà Thượng Nhân

– Nhà Báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

– Giáo Sư Đặng Cao Ruyên

– Nhà Văn Diệu Tần

– Nhà Văn Nguyễn Trung Tây

– Nhà Văn Giao Chỉ

– Nhà Thơ Trường Giang

– Nhà Văn Hồ Nam

b) Ngoài ra trong ban sơ khảo gồm có quý vị trong Ban Điều Hành cơ sở Văn Thơ Lạc Việt có nhiệm vụ chọn lọc và trình lên ban chung khảo chấm chung kết. Ban Sơ khảo gồm các nhà thơ nhà báo sau đây:

– Nhà Thơ Đông Anh

– Nhà Thơ Phan Tưởng Niệm

– Nhà Văn Chinh Nguyên

– Nhà Báo Lê Văn Hải

– Nhà Thơ Cẩm Vân

Xin tường trình với quý vị đôi nét về Ban Chung khảo của giải Văn Thơ Lạc Việt:

– Thi sĩ Hà Thượng Nhân

Hà Thượng Nhân là một nhà thơ đầu đàn của Văn Thơ Lạc Việt, cũng có người gọi ông là Hà Chưởng Môn. Ông cùng thời với Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận. và bạn thân thiết với Nguyễn Hữu Loan, Đọc là ra thơ. Đôi khi tưởng là chơi mà thật là thơ.

Trước năm 1975 ông làm Chủ Nhiệm Nhật báo Tiền tuyến, báo quân đội và viết cho các báo tại Sài gòn. Đặc biệt phụ trách mục Đàn Ngang Cung của báo Tự Do. Ông có tài làm thơ trào phúng.

– Nhà Báo Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh

Sinh Năm 1921 tại Bắc Giang. Với hơn 60 năm làm báo, Ông đã giữ các chức vụ: Giáo sư khoa báo chí Đại Học Vạn Hạnh, và Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Tổng Thư Ký Việt Tấn Xã trước năm 1975. Quý vị muốn biết thêm chi tiết xin mở cuốn Những Mùa Xuân Trở Lại hay Tâm Pháp khí Công sẽ rõ hơn.   

– Giáo Sư Đặng Cao Ruyên

Giáo sư Đặng Cao Ruyên là một nhà nghiên cứu truyện Kiều. Năm nay đã 81 tuổi. Ông là Tam Nguyên Thủ khoa ba khóa học quân sự, giống Tam Nguyên Yên Đổ. Tôi gọi ông giáo sư Đặng Tam Nguyên.

Cũng do cơ duyên này mà giáo sư đã trở thành nhà nghiên cứu ngoại hạng về Truyện Kiều và Nguyễn Du. Bây giờ giáo sư Đặng Cao Ruyên thuộc gia phả nhà Văn Hào Nguyễn Du hơn bất cứ ai.

Giáo sư đã tham gia chấm điểm cho giải văn thơ Lạc Việt ngay từ đầu vào năm 2008.

– Nhà Văn Diệu Tần

Tên thật: Nguyễn Tinh Vệ. Bắt đầu viết văn: 1955 Ông đã xuất bản rất nhiều Tác phẩm.

Giải thưởng văn học: Giải Nhất thoại kịch Văn nghệ Toàn quân 1957, vở kịch “Bão Loạn”. Giải Nhất thoại kịch Văn chương Toàn quốc 1966-1969, vở kịch “Cơn Lốc”, huy hiệu do Tổng thống VNCH trao tặng.

Thành viên giám khảo hai cuộc thi văn thơ ở Na-Uy và Hoa Kỳ. Cộng tác với các báo chí Quân Đội trước 75, với các nhật báo, tuần san, nguyệt san ở Bắc và Nam California. Nay chuyển sang thuyết trình, viết nhận xét và giới thiệu tác phåm, viết biên khảo về Ngôn ngữ.  Ông rất sốt sắng tham gia ban giám khảo giải VTLV.

– Nhà Văn Nguyễn Trung Tây

Nguyễn Trung Tây sinh năm 1961 tại Sài Gòn, lớn lên tại San Jose, California, là thuyền nhân tại đảo Pulau Bidong. Giáo sư Kinh Thánh tại Đại Học Thần Học Yarra Theological Union, Melbourne, Úc Châu.

Ông cộng tác với Làng Văn, Hợp Lưu, trang lưới Da Màu (Damau.org), và trang lưới Dũng Lạc (Dunglac.org). Có một số truyện ngắn xuất hiện trên Văn và Văn Học, và có nhiều tác phẩm đã xuất bản.

Nhà văn Nguyễn Trung Tây là một nhà truyền giáo Dòng Ngôi Lời, hiện đang làm việc với thổ dân Úc Châu tại Central Australia. Chúng tôi thường gọi ông là linh mục văn sĩ.

– Nhà Văn Giao Chỉ

Nhà văn Giao Chỉ hiện là giám đốc một cơ quan bất vụ lợi đã từng giúp cho hàng ngàn đồng hương khi mới đến định cư tại Mỹ. Ông là một trợ bút cho rất nhiều báo từ Bắc Cali đến khắp nơi có báo Việt ngữ. Các trang Web đều có trích đăng bài của ông. Ngoài ra chương trình Dân sinh do ông sáng lập hiện đang hoạt động mạnh tại San Jose. Hàng tuần đều có tiếng nói của ông trên băng tần 1500 đã thu hút rất nhiều thính giả. Cuốn Cõi Tự Do của ông đã tái bản lần thứ 4 và cũng không còn. Hiện nay ông đặc biệt chú trọng đến Viện Bảo Tàng duy nhất của Việt Nam ở San Jose.

Ông chấm điểm về văn rất khó khăn do vậy những người trúng giải rất hãnh diện.

– Nhà Thơ Trường Giang

Bút hiệu Trường Giang. Sinh năm 1928 tại Bắc Việt.

Đã tham dự thi thơ Trúng giải Nhất Đồng Hạng Thi Thơ Hội Tết Quý Dậu 1993 do Hội Quán Việt Nam (IRCC) tổ chức tại Thành Phố San Jose.

Thơ tự xuất bản: MỘT RỪNG CHÍNH KHÍ (Loại thơ Đường luật & Lục Bát) Có Thơ in chung  Trong 18 Tuyển Tập đều xuất bản tại Miền Bắc California từ  năm 1993 dén 2010. Hiện ông là Chủ Tịch Thi Văn Đoàn Bốn Phương.

– Nhà Văn Hồ Nam

Còn có một bút hiệu khác là Vương Tân, sinh năm 1930 tại Sơn Tây. Một nhà Văn đấu tranh trong quốc nội. Với gần 50 năm làm báo và viết văn. Bắt đầu Viết năm 1950 và đã xuất bản nhiều tác phẩm. Hiện ông bị quản thúc tại gia”. 

* Văn hóa không phải chỉ là văn chương chữ nghĩa mà còn là nếp sống của con người

Cuối cùng của phần phát biểu, nhà báo Lão thành Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, với cương vị Chánh Giám Khảo cuộc thi đã phát biểu:

“Trước hết tôi muốn nói về hai chữ Lạc Việt có nghĩa là gì? Chữ “Lạc” xuất phát từ chữ Lạc long quân,  vị vua đời Hồng Bàng (khoảng 2900 năm trước TCN, tức 5,000 năm trước). Chúng ta thường nói đến hai chữ Hồng Bàng là vậy.

Tục truyền Lạc long quân lấy Âu Cơ một tiên nữ, sinh ra 100 trứng, nở ra 100 người con trai là khởi đầu dòng giống người Việt chúng ta ngày nay. Bởi thế trong dân gian sau này còn có câu nói chúng ta là con cháu Tiên Rồng. Trong những dòng con của Lạc long quân, có Kinh Dương Vương, rồi đến An Dương Vương (khoảng 2500 năm TCN). Nhữõng bộ tộc thời đó từ vùng núi Tây Bắc theo sông Hồng (Hồng Hà) từ Lào Cay dọc theo giòng sông tràn xuống phía Nam sinh sốâng.

Còn một phần khác ở vùng núi Đông Bắc tràn xuống phía Nam, tức đất Cao Bằng và Lạng Sơn của Việt Nam ngày nay. Những bộ tộc này được gọi là Bách Việt, về sau gọi là “thổ dân”, nôm na là dân ở địa phương. Trong số Bách Việt này có bộ tộc Việt của Việt Vương Câu Tiễn. Chính vì thế chữ Việt đã đi liền với chữ Lạc.

Ngày nay người gốc Việt đã tràn đi khắp thế giới. Ở những nước lớn đã có những cộng đồng người Việt từ lâu, ngày càng phát triển. Và đến đầu Thế kỷ 21 vì  những biến chuyển mau lẹ của tình hình thế giới, một số nước nhỏ cũng có cộng đồng người Việt sinh sống. Đi theo gót chân của những người gốc Việt, cố nhiên có ngôn ngữ Việt, và quan trọng hơn hết là văn hóa Việt.

Văn hóa không phải chỉ là văn chương chữ nghĩa mà còn là nếp sống của con người, trong đó có những khía cạnh như giao tiếp và cư xử với nhau trong các lãnh vực từ nhỏ đến lớn, trong gia đình, trong xã hội, từ hàng xóm láng giềng cho đến bạn bè và những nguời đồng chí hướng với chúng ta. Đặc tính của các mối giao tiếp giữa những người Việt chúng ta là thương yêu lẫn nhau, không vì quyền lợi riêng tư mà ghen ghét,  hận thù.

Và khi đã nói đến việc đối xử với nhau trong xã hội, chúng tôi muốn nghĩ đến một  tình thương bao la hơn giữa loài người trên Trái Đất này. Đó là tình nhân loại. Ý nghĩa hoạt độâng của cơ sở Văn thơ Lạc Việt là vậy”.

Trước khi bước sang phần văn nghệ, là phần trao giải cho các thí sinh trúng giải và phần phát biểu cảm tưởng ngắn gọn của hai thí sinh trúng giải nhất về Thơ và Văn là Lê Văn Phúc và Giang Thiên Tường.

Phần văn nghệ giúp vui được diễn ra với giọng ngâm mượt mà của nghệ sĩ Kiều Loan với vài bài thơ trúng giải và tiếng hát của Ái Lan, Thủy Tiên, Cẩm Vân…

Chương trình được chấm dứt vào lúc 4:30PM cùng ngày.

Được biết, các giải thưởng được trao đến các thí sinh trúng giải ngoài quà lưu niệm của cơ sở Thi Văn Lạc Việt các thí sinh còn nhận được tiền mặt như sau:

– Giải nhất: $500

– Giải nhì: $400

– Giải ba: $300

– 4 giải khuyến khích cho Thơ và Văn mỗi giải $100.

Toàn bộ chi phí tài chánh cho việc tổ chức, phần lớn do KQ Lê Văn Hải bảo trợ và phần còn lại qua việc bảo trợ của tuần báo Tin Việt News trong công tác vận động các nhà mạnh thường quân ủng hộ tài chánh. Ngoài ra, cũng phải nói đến nổ lực tiếp tay của cô Kim Hà, một trong 2 MC của chương trình, vốn thành nhân viên của cơ quan USCC, có văn phòng trong khu vực Học Khu Franklin McKinley đã vận động giữ chỗ hoàn toàn miễn phí.

Nhìn chung, buổi phát giải được xem là thành công tốt đẹp, vì trong thời buổi mà người ta vẫn bảo “văn chương chữ nghĩa rẻ hơn bèo”, bên cạnh tình hình kinh tế khó khăn, Cơ Sở Thi Văn Lạc Việt và các nhà mạnh thường quân, những người đã trực tiếp hay gián tiếp đóng góp vào chương trình nói trên, có can đảm đứng ra tổ chức các Thơ Văn hàng năm quả là một việc làm can đảm, khác chi “đập đầu vào đá”. Nhưng ít ra, phải có những cánh én “Lạc Việt” để cho mọi người còn có biết đến mùa Xuân vì bởi “Nếu mai không nở, anh đâu có biết Xuân về hay chưa?” Vì nếu không có giải Văn Thơ Lạc Việt thì có ai biết được việc bảo tồn tiếng Việt đã đi về đâu? Phải chăng, đó là “cành mai” của “mùa Xuân” bảo tồn văn hóa Việt tại đất nước tạm dung này!

 

* Đông đảo văn nghệ sĩ, đại diện hội đoàn và truyền thông báo chí tham dự