Tạp ghi

Cao Ánh Nguyệt : Dư Hương Ngày Tháng Cũ.

DƯ HƯƠNG NGÀY THÁNG CŨ

CAO ÁNH NGUYỆT

Có lẽ trong tất cả những nỗi buồn da diết nhất, không có nỗi buồn nào lại ẩn chứa một chút giận hờn như nỗi buồn của người góa phụ. Bởi lẽ sự ra đi của một nửa kia không chỉ để lại nỗi cô đơn tưởng chừng như vô tận mà còn là một lần lỗi hẹn vĩnh viễn không bao giờ gặp lại. Một lần, đọc dòng tâm sự đầy xúc cảm của Thu Huyền, tôi dường như có thể nhìn thấy được đôi mắt in sâu nỗi buồn đau chấp chới dù chưa một lần gặp chị. Nỗi buồn này không đơn thuần chỉ là nỗi nhớ nhung khắc khoải hay sự trống vắng đến chơi vơi mà dường như nó đã được nhân lên gấp vạn lần, bởi Thu Huyền đã vĩnh viễn mất đi một điểm tựa tinh thần vững chắc nhất – cố nhạc sĩ Trường Kỳ. Thật đột ngột và ngỡ ngàng, tin anh ra đi đến với Thu Huyền trong lúc chị vẫn tin chắc rằng anh phải trở về và đang trở về. Bởi vì mới ngày hôm qua khi tiễn chồng ra phi trường anh còn dặn dò: “nhớ nhé ngày mai đón anh đúng chỗ này nhé…” và anh còn vui đùa: “ Chưa có chuyến đi xa nào lại ngắn ngày đến như thế…” Rồi chẳng bao giờ còn có lần trở về ấy nữa, ngày mai ấy mãi mãi là một ngày không bao giờ đến trong cuộc đời Thu Huyền. Điều đó khiến cho sự đau khổ tột cùng kia còn ẩn hiện một chút giận hờn qua tâm sự: "Tôi không còn biết gì nữa, trong đầu chỉ nghĩ đến cái hẹn với anh chiều nay đi phi trường đón anh về, nhưng anh đã lỗi hẹn với tôi."…” không tin, không tin, tôi nhất định không tin, người ta có nhầm lẫn không?”. Mặc cho Thu Huyền gào khóc, kêu la, chối bỏ nhưng sự thật vẫn đến như tự nó phải đến trong cuộc đời chị. Lạ lùng thay  con người có lúc ước mơ một sự nhầm lẫn. Nhầm lẫn giữa mộng và thực hay nhầm lẫn giữa đúng và sai, mọi thứ lẫn lộn để quật ngã và dày vò cái kiếp con người.  Thu Huyền đã bị đốn ngã, phải nói chị đã gục xuống với tận cùng của sự đau khổ và mất mát.

 Huyền kể lể, ngày tiễn biệt anh có thật nhiều bạn bè, không ngờ mọi người yêu mến Trường Kỳ nhiều quá, mọi người xung quanh và con cái lo cho anh thật chu đáo. Đám tang anh hoàn thành thật tốt đẹp, từ khắp mọi nơi trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông, qua email, qua điện thoại chị nhận được rất nhiều sự chia xẻ, an ủi. Suốt thời gian tang lễ chị sống với sự vô cảm, đi đứng hành động như kẻ vô hồn, không biết mình đã và đang làm gì. Sống trong sự chia xẻ và an ủũi của bè bạn và thật sự nếu những giờ phút ấy không có bạn bè và người thân chị nói mình không biết sẽ ra sao. Rồi những ngày lao xao ấy cũng phải qua đi, đối diện với những tháng ngày  tiếp nối  theo sau nỗi đau chập chùng trĩu nặng là sự quạnh hiu não nề. Huyền nói nhìn ở đâu cũng thấy anh, từ những nơi chốn anh vẫn thường tới lui,  từ góc bàn làm việc, từ sách vở, và cả những bài viết còn dỡ dang chưa hoàn tất. Mọi thứ thật là như mới chỉ hôm qua mà hôm nay bỗng dưng biến mất hoàn toàn. Thu xếp đồ vật, sách vở anh để lại, đọc từng giòng chữ anh viết, Huyền lại nghẹn ngào, Huyền lại tức tối, giận hờn, lại vẫn chưa tin là anh sẽ không về. Mãi đến hôm nay mà Thu Huyền vẫn nói rằng chị còn cảm giác anh sẽ về sau một chuyến đi xa, chị vẫn cứ muốn chạy ra phi trường chờ đợi anh sau khung cửa kính của lần tiễn đưa hôm nào. Huyền vẫn chưa tin lần anh quay lưng bước vào khung cửa ấy là lần anh đã quay lưng lại với cuộc sống nầy. Làm sao và làm sao vẫn là câu hỏi của muôn đời không giải đáp!!

Thu Huyền đã nói: Ngày tháng kế tiếp sau đó, khi mà mọi người đã trở về với công việc thường ngày của họ, mọi thứ đều yên ắng, chỉ còn một mình tôi ngồi đối diện với sự trống vắng cô đơn, tôi hụt hẫng, chới với, tôi thực sự bị khủng hoảng với sự lẻ loi này, tôi mất ngủ và thường mơ thấy anh. Nhiều đêm tỉnh giấc, tôi bàng hoàng hoảng hốt tự hỏi: chuyện gì đang xảy ra với mình vậy? Có phải đang nằm mơ không? Rồi sáng mai thức dậy mình làm gì đây? Không có anh, từ nay cuộc sống tôi – sẽ thay đổi hoàn toàn, tôi cảm thấy mình bị lạc mất phương hướng.

Tháng 3 ở Montreal, tuyết đã ngừng rơi nhưng vẫn còn những cơn mưa kéo dài và lạnh, cái lạnh còn sót lại của mùa đông vừa đi qua, cây cối còn tiêu điều xơ xác, nhìn đâu tôi cũng thấy buồn, thấy lạnh, tôi lạnh lắm, tôi đuối sức cả tinh thần lẫn thể xác, hình dáng tôi lúc này chắc tiều tụy lắm, vì người nào gặp mặt cũng đều nói:  Huyền không được như vậy, phải kiên cường lên, vững vàng lên chứ, Huyền mà cứ như thế này, anh Kỳ cũng buồn lắm đó. Biết vậy, nhưng chịu thua, tôi hoàn toàn sụp đổ, tôi đã cố gắng hết sức làm ra vẻ bình thường khi về nhà gặp mặt con cháu hoặc người thân bởi không muốn các con lo lắng nhìn thấy gương mặt sầu ủ rũ suốt ngày của mẹ, nên bù lại, để giải tỏa sự kiềm chế đó, tôi thường lái xe tìm chỗ vắng vẻ, vì trời còn lạnh, tôi đóng kín cửa, tự do gào khóc thỏa thích, không sợ ai nghe, không sợ ai thấy. Đôi lúc khóc xong, mệt mỏi quá, tôi thiếp luôn trong xe không biết bao lâu, thức dậy cứ suy nghĩ, lại thấy giận anh vôcùng”.

 

Làm sao để người góa phụ Thu Huyền có thể lau khô giòng lệ, vơi đi nỗi nhớ và góc đời thiếu vắng Trường Kỳ khi ngày còn rạng nắng, đêm vẫn mịt mờ? Dẫu biết rằng thời gian có thể xoa dịu mọi vết thương và làm vơi đi nỗi nhớ, nhưng có lẽ đối với Thu Huyền lúc nầy, thời gian càng làm cho sự cô đơn kéo dài thêm nỗi giận hờn. Giận anh lừng lững ra đi biền biệt, giận anh chưa nói năng gì, giận anh làm em đau đớn không nguôi. Chị vẫn ngày đêm muốn kể về anh, nhắc nhở đến anh. Huyền nói anh Kỳ chưa biết giận là gì, ai nói gì cũng tin, ai bảo gì cũng nghe, tánh tình hiền lành, chịu đựng nên lúc nào cũng thua thiệt. Anh sống rất vô tư, không phiền giận ai đến vợ giận cũng không biết. Say sưa viết lách, đam mê nghệ thuật, nhiều lúc chị có cảm tưởng mình bị bỏ quên và Huyền giận dỗi vì mỗi lần nhắc anh điều gì anh lại bảo.. để tuần sau…rồi lại…tuần sau. Trách anh như thế nhưng Thu Huyền tâm sự rất nể phục và yêu thương anh Trường Kỳ rất nhiều. Huyền nói: Anh đem bình an đến cho tôi trong cuộc sống, vì chúng tôi chẳng bao giờ có kẻ thù. Trường Kỳ học trường Tây từ nhỏ nhưng lại viết tiếng Việt rất lưu loát, vững vàng và pha chút dí dỏm. Anh rất thích được gọi là ông nhà báo, anh mê báo chí và viết lách hơn tất cả mọi thứ đam mê khác.

Cũng nhân ngày giỗ đầu, đúng 1 năm ngày mất của chồng, Thu Huyền vừa viết cho tôi một điều trong cuộc đời của Trường Kỳ mà chị nói rất ít khi thổ lộ cùng ai, đó là hình ảnh người mẹ của anh mà mãi cho đến tận ngày anh ra đi, Trường Kỳ vẫn đau đáu trong lòng một nỗi khắc khoải, chờ mong. Chị viết: “Thiếu tình mẫu tử từ lúc mới mấy tháng tuổi, anh lớn lên trong tình thương của ông bà nội, của bố, của các cô chú, tôi muốn bù đắp cho anh tình thương của người mẹ nên thường hay chiều chuộng anh để anh xuất ngoại, gặp gỡ bạn bè thoải mái. Tôi biết anh luôn làm như dửng dưng, không để ý gì đến chuyện thiếu đi người mẹ trong đời, nhưng cho dù anh bao nhiêu tuổi, trong anh vẫn luôn mong muốn có một người mẹ, để được gọi tiếng mẹ như những người chung quanh. Tôi không hiểu anh nghĩ gì, khi nghe mọi người ca ngợi về lòng mẹ bao la, vì lòng mẹ của riêng anh không là biển thái bình, không là bóng mát, là tàn che cho anh khi anh mỏi mệt, không có bàn tay kéo chăn đắp ngực khi anh đau ốm, không có vị ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một và ngọt lịm như đường mía lau mà thiền sư Nhất Hạnh đã ví, mà chỉ có duy nhất một chút dư âm đủ để biết mẹ anh vẫn còn hiện diện ở một nơi nào đó trên thế gian này.

Và cứ thế, theo năm tháng mơ ước vẫn hoài ước mơ, cho đến ngày anh vĩnh viễn ra đi….Không biết bây giờ ở bên kia thế giới, anh có còn tiếp tục mơ ước nữa hay không? Hãy bình yên anh nhé”.

 Riêng tôi khi bài viết này được đăng lên báo, đưa lên Website ước mong rằng một ai đó đọc được hãy mang nỗi lòng này đến người mẹ vẫn còn sống của anh Trường Kỳ. Hay có một may mắn nào đó chính bà đọc được những điều mơ ước của anh qua lời tâm sự của Thu Huyền để biết rằng có một nỗi niềm và một ước mơ vẫn luôn dành cho bà, dù bây giờ Trường Kỳ đã không còn nữa nhưng chắc chắn người mẹ vẫn mãi là hình ảnh mà anh hằng mơ ước trong suốt cả cuộc đời.

Đúng ra tôi phải viết về Trường Kỳ, một người nghệ sĩ tài hoa và hiền hòa nhất tôi đã từng được tiếp xúc. Thế nhưng, bạn bè anh, người yêu mến anh đã viết về anh quá nhiều và quá đầy đủ. Cũng như anh trước đây đã từng viết về rất nhiều khuôn mặt nghệ sĩ, nhưng chắc chắn anh chưa hề viết về người vợ yêu mến của mình. Thay anh làm điều đó mong rằng anh sẽ mĩm cười. Chắc chắn  sẽ không có ai viết về Thu Huyền hay hơn Trường Kỳ nhưng vì anh đã từ bỏ cuộc chơi, lỗi hẹn ngày về nên bạn bè phải viết thay anh. Cũng không có ai viết về Trường Kỳ một cách đầy đủ, chính xác và tuyệt vời bằng Thu Huyền, bởi Huyền sẽ viết về anh bằng con tim người góa phụ thường lái xe tìm nơi vắng vẻ để gào khóc vì thương nhớ chồng. Và cũng không một lời thơ, câu văn nào có thể bộc lộ được cái đáng quý của Trường Kỳ bằng chính nỗi niềm trân qúy mà Huyền vẫn nâng niu ấp ủ trong những tháng ngày không còn anh bên cạnh.

Thu Huyền đã kể cho tôi nghe câu chuyện một lần nửa đêm tỉnh dậy, buồn qúa Huyền lấy sách ra đọc, vừa bật đèn lên thì có con bướm bay quanh trên đầu và đậu ngay trên trang sách chị vừa lật ra. Huyền đã hỏi: Có phải anh không anh? Anh về bên em, Anh hiện diện trong nhà này phải không? Huyền đã tin rằng có linh hồn, tin rằng anh vẫn quanh quẫn bên chị, Huyền nói người ta vẫn mượn bướm về báo mộng đó mà. Mùa đông Montreal trời lạnh lắm, nhà lại đóng kín cửa, làm sao bướm bay vào được. Cho nên chuyện con bướm đối với Huyền thật lạ kỳ. Thu Huyền nói, Huyền rất ngại viết, nhất là viết về chồng, gần 40 năm chung sống từ 1974 đến 2009 chưa bao giờ Huyền viết cái gì về Trường Kỳ nên chị nghĩ là chị không có khả năng và cũng không biết phải bắt đầu từ đâu. Thế nhưng chị vẫn viết, vừa khóc vừa viết, nước mắt ràn rụa và không hiểu sao Huyền đã viết một mạch. Chắc anh Kỳ đã viết thay Huyền. Nghe Huyền kể lại thấy thương và buồn.

Bây giờ Thu Huyền đang sống một mình, cô đơn với hoài niệm của những ngày tháng cũ. Huyền rất sợ phải sống trong căn nhà đã từng chung sống với Trường Kỳ, sợ thấy lại hình ảnh cũ nhưng làm sao Thu Huyền có thể xóa bỏ được những tháng ngày hạnh phúc như vẫn còn đong đầy. Chị vẫn bàng hoàng và từng tỉ mĩ ngồi đếm thời gian và cứ mãi u sầu trong tiếc nhớ: Tháng nầy, ngày nầy năm ngoái anh ấy vẫn còn ngồi ở đây, cạnh bên Huyền….Mãi mãi Thu Huyền vẫn còn nhìn thấy bóng dáng anh vừa khuất sau khung cửa  để nắm bắt tuyệt vọng sự quay về, mong rằng với thời gian tiếng khóc thương sẽ thay bằng nỗi đau đằm thắm để không còn một Thu Huyền quay quắt, đau đớn. Hãy tin rằng giữa sự cô đơn đến tột cùng kia, Thu Huyền luôn còn bên mình một tình yêu tuyệt vời hiện hữu.

Huyền phải cố để quen dần với nỗi trống vắng … Bởi Huyền có biết không?  Cuộc sống này vốn rất quạnh hiu dù không phải chỉ có một mình…

 

CAO ÁNH NGUYỆT

(Nhân một năm ngày giỗ cố Nhà báo Trường Kỳ,

22/03/2009- 22/03/2010 viết tặng Thu Huyền)

Xin quí vị click vào : Trường Kỳ : Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng của Nhà Văn Nam Lộc.