Cao Mỵ Nhân,  Văn Thơ

VĂN & THƠ: NGƯỜI ĐI – Cao Mỵ Nhân

Người Đi

Người đi là một tiếng nói vô cùng âm điệu của những nỗi lòng không diễn tả hết được sự hốt hoảng, âm thầm và đầy than thở, trách cứ.

Người đi, vâng, người đi đó đã mang theo một nửa hồn của người ở lại.

Người đi, một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ…

(Những giọt lệ – Hàn Mặc Tử)

Hai câu thơ trên đã trở thành ngôn ngữ của cộng đồng Việt Nam bất kể ở không gian, thời gian nào.

Tôi cũng là một trong những người khổ sở, quay quắt về hai chữ người đi, và còn kèm theo nỗi buồn bã của hai chữ cũng nặng nề niềm thương cảm xót xa không kém: kẻ ở.

Song hôm nay, tôi dành tất cả những suy tư, luyến tiếc cho hình ảnh người đi để không bị phân tung phân tán tan loãng âm hưởng người đi trong trạng thái nào, tức là trong hoàn cảnh nào chẳng hạn.

Trong lịch sử thi ca cận đại, hai chữ người đi hay đến nỗi không ai tưởng tượng, hình dung văn chương thêm cho bằng hình ảnh nơi bài Tống biệt hành của Thi sĩ Thâm Tâm.

Người đi, ừ nhỉ, người đi thực
Mẹ thà coi như chiếc lá bay
Chị thà coi như là hạt bụi
Em thà coi như hơi rượu say

(Tống biệt hành – Thâm Tâm)

Đó có thể là người đi vì đại mộng, vì phiêu bồng, vì những cuộc lữ trình không hoàn toàn đóng khung trong tình cảm gần gụi giữa một người với một người.

Khác hẳn với người đi trong bài này, tôi muốn đề cập tới một người bị là kẻ ở: bị người đi lấy mất một nửa tâm hồn.

Cụ thể như một mảnh hồn bị xé ra, người đi mang theo một nửa rồi, khiến người ở lại là nhà thơ Hàn Mặc Tử, chỉ còn một nửa mảnh hồn đó thôi:

Họ đã xa rồi, không níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi, một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ…

(Những giọt lệ – Hàn Mặc Tử)

Như trên đã trình bày, âm hưởng hai chữ người đi thật tuyệt cùng. Nó có vẻ như là không nói hết được hoặc nói rất nhiều mà vẫn không đầy đủ, không đan cử được “tinh thần” của thực cảnh người đi.

Có lẽ với tôi thì chỉ có hai tình huống xảy ra để người ở lại không bị day dứt khổ đau, ấy là:

Người đi… không đi nữa, bỏ chuyến đi.

Hoặc kẻ ở quá chán ghét người nào đó, muốn họ phải đi đi cho rảnh mắt, cho rồi chẳng hạn.

Thi sĩ Hàn Mặc Tử (Nguyễn Trọng Trí, 1912 – 1941) chưa 30 tuổi đã gánh một nỗi khổ toàn thân, toàn thể…

Nỗi khổ của Hàn Mặc Tử có thể gọi là… đại nan y, vĩnh viễn không bao giờ dứt được ngoài cái chết.

Một nỗi chết đã do ông trời dọn sẵn cho nhà thơ gánh chịu, khiến nhìn đâu cũng chỉ thấy màu máu: từ mặt trăng đến mặt trời, cả một loài hoa vô tư là hoa phượng của học trò cũng nở trong sắc máu:

Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si…

Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu…

(Hàn Mặc Tử)

Trong bối cảnh đau thương như vậy, những người đi từ thân thích tới quen biết đã đi rồi, Hàn Mặc Tử không níu lại được, dẫu lòng thương chưa đã, mến chưa bưa.

Vâng, “chưa bưa” là chưa đủ, chưa vừa với lòng mình vậy.

Để rồi nhà thơ mang bút hiệu họ Hàn lạnh lẽo kia phải thốt ra lời chua xót, nhưng thiết tha rằng người đi đó đã mang một nửa hồn của nhà thơ đi mất hút. Và khiến nửa hồn còn lại bỗng ngơ ngác dại khờ.

Tôi đọc được một câu của Edmond Haraucourt (1856 – 1941):

Partir c’est mourir un peu… (Edmond Haraucourt)

Hiểu là đi là chết trong lòng một ít (un peu).

Hoá ra cái sự ra đi của người Tây phương không nặng buồn như người Đông phương, nói trắng ra như nhà thơ Hàn Mặc Tử tưởng phải mất hẳn một nửa lẽ sống ở đời rồi.

Hôm nay, ngó thấy chiếc lá vàng bay sớm trước nhà, tôi chợt thương cảm nỗi xót xa sâu thẳm trong cuộc đời thi sĩ Hàn Mặc Tử.

Như khi tôi trở về Quy Nhơn, đứng trên Ghềnh Ráng (đúng ra phải gọi là Ghềnh Tráng: nơi những con rùa bò từ ven biển lên), trông xuống trại cùi Quy Hoà.

Chạnh nhớ nhà thơ Hàn Mặc Tử đã quay quắt, khổ sở về bệnh phong cùi của ông thời nửa đầu thế kỷ trước.

Hàng thông đứng bên đường heo hút, thốt reo vào lòng khách mộ điệu những bản tình thơ điên loạn, thảm thiết những tiếng gió lạnh buốt hồn câm.

Hàn Mặc Tử đã chết cùng niềm đau khắc khoải trong vòng tay thượng đế tối cao, tối đại từ vô cùng tới suốt cả tận cùng vô hạn mông lung, qua hình ảnh người đi vô tình vô cảm bỏ lại nhà thơ với “những giọt lệ ” não nùng…

Hawthorne, 1 – 10 – 2019
CAO MỴ NHÂN

NGƯỜI ĐI.    CAO MỴ NHÂN 

Quên rồi, chẳng nhớ gì đâu

Khói hương lại tưởng mây sầu bay qua

Không gian bát ngát là nhà 

Tìm ai trong cõi ta bà nào đây

Người đi hương khói là mây

Chưa chào nhau đã chia tay mơ hồ 

Trăm năm một thoáng hư vô

Bao nhiêu lời tụng ” Nam mô ” chập chờn

Người đi khói tản hương vờn 

Chung quanh chúng gọi hồn đơn lạnh về

Quên rồi, tục luỵ lê thê

Từ đây bảng lảng não nề âm dương 

Thôi nghe gió chuyển mười phương 

Người đi lặng lẽ trên đường hoa bay

Mai sau xót với xa này 

Lẫn trong mộng mị  tháng ngày bâng khuâng…

      CAO MỴ NHÂN 

CHIỀU MÂY.     CAO MỴ NHÂN 

 Chiều nay mây rất nhiều

 Em thầm hỏi tình yêu

 Có nhiều như mây nổi 

 Mang thương nhớ về theo

 Bầu trời bỗng thấp hơn

 Vì mây bay lượn vờn

 Mây tìm ai mây hỡi 

 Anh hay nỗi cô đơn

 Nỗi cô đơn của mình

 Làm nhạt nhoà trang kinh

 Khiến bài chú vô nghĩa

 Chuông mõ bỗng điêu linh

 Rồi mây cũng tan thôi

 Nhưng, lạnh lẽo chỗ ngồi

 Nghe từ xa vọng lại

 Anh đã bỏ cuộc chơi …

    CAO MỴ NHÂN 

KHI HOA ĐÀM NỞ.    CAO MỴ NHÂN 

Bao giờ khói tản đồi mơ

Sương tan dưới lũng, cho thơ mộng về 

Tình rồi cũng hết u mê

Gió tha phương cuốn lời thề lên cao

Bấy giờ trăng bỏ muôn sao

Cô đơn trôi giữa chiêm bao đất trời 

Cây trường sinh suốt cuộc đời 

Không hề rụng lá, hoa vời nguyệt tan

Thế rồi hồn lịm than van

Thoắt chơi vơi giữa hoang tàn mênh mông 

Sô tang gói chặt phiêu bồng

Đưa chân tri kỷ, tiễn hồng nhan đi

Ôi chao tử biệt, sinh ly

Là thôi, trả lại từ bi cho người

Ma ma Phật Phật, nụ cười

Đoá ưu đàm nở trên môi muộn màng …

     CAO MỴ NHÂN