CUNG LAN

THIÊN THẦN GÃY CÁNH- Cung Thị Lan (Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại Hoa Kỳ)

Thiên Thần Gãy Cánh

Theo thông lệ, mỗi khi làm việc nhà, tôi thường mở Ipad để nghe các truyện văn học nước ngoài, sử ký hay tin tức. Những lần như thế, youtube thường gửi cho thêm cho tôi những video có những chủ đề liên quan. Thế mà, suốt cả một tuần, kể từ ngày 23 tháng 8, tôi không hiểu sao Ipad của tôi liên tiếp hiện ra những clip nhạc của một cô gái với giọng ca thật trong trẻo và thống thiết.


“I’m so lonely broken angel. I’m so lonely listen to my heart. One and only broken angel. Come and save me before I fall apart.”


Những lời ca đơn giản và âm điệu của bài hát được nhắc đi nhắc lại nhiều lần khiến tôi thuộc ngay. Tò mò, tôi ngưng công việc mình đang làm và ghé mắt nhìn vào màn hình xem hình ảnh trong ấy để thực sự hiểu rõ ý nghĩa của bài hát. Hình ảnh cô gái rơi từ cao xuống sau câu hát: “Hãy đến và cứu em trước khi em gục ngã!” (Come and save me before I fall apart.) đã làm tôi khá hồi hộp đến độ tôi phải kéo ngược trở lại đoạn video ngắn xem lại nhiều lần.


Rồi, tôi cảm thấy lo khi nghĩ bài hát và hình ảnh ấn tượng này có thể gây nên sự khích động cho các em trong tuổi thanh thiếu niên đang trong tâm trạng trầm cảm hay tuyệt vọng vì một vấn đề gì đó, dễ dàng nghĩ đến cái chết. Nhưng, mối bận tâm của tôi dần phôi phai vì những công việc khá bận rộn của tôi.
Chiều ngày thứ Sáu hôm đó, tôi cảm thấy khoan khoái tôi đã hoàn tất việc làm của sở. Vui hơn là tôi không phải chuẩn bị bữa cơm tối mà được con mời ăn tiệc ở nhà hàng. Một bữa tiệc với toàn bộ bà con và người thân quen. Không gì vui hơn chuyện được gặp con cháu trong đại gia đình sau một tuần bận rộn. Thế nhưng, một cặp vợ chồng đứa cháu họ từ chối không đến với lý do bận. Chuyện bận vì việc làm trên đất nước Cờ Hoa này luôn được thông cảm, cho dù ngay trong buổi tối thứ Sáu nên chúng tôi không thắc mắc gì. Nhưng vài ngày sau chúng tôi mới biết sở dĩ đứa cháu họ không đến được vì gia đình vợ của cháu đang đau buồn vì nhận tin em gái ruột duy nhất của vợ cháu mới quyên sinh. Tôi bàng hoàng khi nghe tin dữ này. Khi biết cô bé tự tử bằng cách trầm mình dưới nước, tôi càng đau nhói hơn. Bỗng dưng những âm giai của bài hát Broken Angel (Tạm dịch là Thiên Thần Gãy Cánh) vang dội trong đầu tôi như những lần tôi mở Ipad.


“I’m so lonely broken angel. I’m so lonely listen to my heart. One and only broken angel. Come and save me before I fall apart.”


“Come and save me before I fall apart.”  “Hãy đến và cứu em trước khi em gục ngã!”
Những lời trong bài hát khiến nước mắt tôi trào ra liên tục. Tưởng tượng cảnh cô bé đã ở trong tình trạng hết sức tuyệt vọng và buồn khổ trước khi quyết định kết liễu cuộc đời mình, tôi cảm thấy tim mình đau nhói với cảm giác thương tiếc khôn nguôi. Càng nghĩ đến cô bé, tôi càng thấy đau lòng với tin dữ. Có thể nào một cô gái trẻ đẹp trong lứa tuổi hai mươi, hồn nhiên vui vẻ thế mà giờ đây đã trở thành người thiên cổ. Tôi nhớ mãi hình ảnh cô bé trong ngày Đám Hỏi và Đám Cưới của con trai tôi. Cô luôn nở nụ cười vui tươi kèm theo những cử chỉ dịu dàng và sự quan tâm hết sức chu đáo đối với tôi:


“Bác muốn con giúp gì không?”
“Con xếp mấy cái bánh như thế này đúng không ạ?”
“Bác còn muốn con làm gì nữa không?”
“Bác muốn con chụp hình với bác ở đâu?”
“Bác cháu mình đứng như thế này nhé? Kiểu này nhé…”


Trời ạ! Có thể nào một cô gái hồn nhiên, hăng hái, hoạt bát như thế lại hủy hại thân thể mình. Tôi không thể nào chấp nhận tin vừa nghe. Khi nghe cháu tôi báo gia đình cô sẽ không gửi Cáo Phó và sẽ không cho bất cứ người nào thăm viếng từ biệt, tôi tự an ủi với ý nghĩ cho rằng mình chưa hề nghe tin dữ này, sẽ bình thản sống với sự tin tưởng rằng cô bé đang ở tiểu bang nào đó, bận rộn với công việc gì đó mà mình không thể gặp lại.


Thế nhưng, tôi không thể đành tâm tảng lờ như không có việc gì xảy ra. Qua tin nhắn điện thoại cầm tay, tôi đã viết vài hàng cho cô cháu dâu. Tôi khuyên cô nên chăm sóc ba mẹ kỹ lưỡng trong thời gian này vì ba mẹ cô đang tâm trạng rất đau lòng, cần được an ủi.


Vài ngày sau, chồng tôi cho biết ba mẹ cô cháu dâu cho phép vợ chồng tôi đến nhà quàn tiễn cô bé lần cuối nhưng chúng tôi chỉ có thể đến đó trong vòng nửa giờ, từ mười một giờ đến mười một giờ rưỡi ngày 29 tháng 8. Có lẽ những người làm việc ở nhà quàn hiểu tâm lý thương tổn của bậc cha mẹ mất con trong tình trạng như thế nên tổ chức ngắn gọn và mau lẹ. Y theo lịch, vợ chồng tôi không muốn mất một giây phút nào trong ba mươi phút ngắn ngủi ấy nên rời nhà rất sớm. Mười giờ bốn mươi lăm phút, chúng tôi đã có mặt tại trước nhà quàn. Đậu xe xong, chúng tôi ngồi im trong xe chờ đợi. Đây là nơi nông thôn rất yên tĩnh và biệt lập vì cách thành phố rất xa. Nhà quàn nhỏ gọn có hai ống khói lớn bằng thép song song, thẳng đứng lên trời. Bầu trời u ám với những đám mây xám làm cho khung cảnh vắng vẻ càng trở nên ảm đạm hơn.

Bỗng một cơn mưa nặng hạt rơi xuống, xóa tan cái màn u ám trước mặt kính xe của chúng tôi. Những giọt nước mưa lớn liên tiếp chảy dài trên mặt kính như những giọt nước mắt lăn không ngừng.

Khoảng mười phút, những giọt mưa trên mặt kính xe được xóa nhòa và tôi có thể nhìn thấy có một đốm sáng giữa những đám mây xám nhạt đã ửng hồng trên bầu trời. Mặt trời ló dạng, dần xua tan các đám mây xám khiến bầu trời sáng rực hơn. Một chiếc xe tiến vào bãi đậu. Không phải chiếc xe của ba mẹ cô bé mà là chiếc xe của con trai đầu của chúng tôi. Cháu xin phép hiệu trưởng nghỉ dạy vài giờ để đến đây. Đậu xe xong, cháu đi thẳng vào nhà quàn. Chúng tôi vẫn ngồi yên trên xe chờ xe của ba mẹ cô cháu đến. Đúng mười một giờ, xe của cháu họ tôi, vợ chồng chị của cô bé, trờ tới. Chiếc cửa xe vừa mở, mẹ cô bé khụy xuống đất, ba của cô và chị của cô vội vàng bước ra khỏi xe, cùng nhau dìu bà vào nhà quàn. Khó khăn lắm, họ mới có thể dìu bà đến cửa vì bà nhất quyết ghì ra phía sau, không muốn vào trong nhà quàn. Với những tiếng khóc nấc đau thương và thê thảm bà nhất định kéo trì cái thân hình ốm yếu của bà, không để vượt qua cái ranh giới của chiếc cửa mở do người quản trị đang kìm giữ. Khá đau lòng, tôi mở cửa xe, ào chạy về phía họ, ôm bà, khóc than với những lời an ủi mà tôi không nhớ mình đã nói điều gì. Cuối cùng, chúng tôi cũng đưa bà vào căn phòng, nơi có một số ghế xếp ngay ngắn trước một chiếc quan tài đơn giản, nắp che kín phần bên dưới và chỉ để lộ một nửa phần trên. Trong nửa phần trên ấy là khuôn mặt của cô gái trẻ trắng nhợt và đôi tay chắp ngay ngắn trên bụng. Hình ảnh này khiến bà mẹ khóc nức nở, gào thét rất thương tâm. Những tiếng khóc than xé lòng người và thân hình gầy guộc vật vã của bà khiến chúng tôi đau lòng không kém. Sáu người chúng tôi, mắt đỏ hoe, nghẹn ngào quây quanh bà nhưng bất lực, không biết tỏ cử chỉ hay dùng lời khuyên lơn an ủi nào để có thể xoa dịu được nỗi đau đớn trong lòng bà. Tôi gọi là “bà” vì vai vế nhưng thực sự bà còn rất trẻ, chỉ khoảng bốn mươi mấy tuổi.
Vài phút sau, một vị linh mục người da trắng với khuôn mặt nhân hậu, khoảng thất tuần, bước vào. Với lời nói dịu dàng, ông giới thiệu về mình và sự vinh hạnh làm Phép Xác cho cô bé. Bà mẹ vốn là người trọng lễ nghĩa nên im bặt khi thấy sự hiện diện của vị linh mục, nhưng sau đó, bà nức nở khóc bất kể những lời giảng đầy ý nghĩa của vị linh mục ra sao. Tôi chú tâm từng lời nói của ông về sự tạm bợ của cuộc sống, về sự giang tay cứu rỗi của Chúa, sự bình an của cô bé trên nước thiên đàng và cả cơn mưa bất chợt khá mầu nhiệm mà chúng tôi vừa chứng kiến cách đó hai mươi phút. Những lời thuyết phục của ông hết sức tâm lý dành cho tâm hồn đầy thương tổn của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng không thể nào bù đắp sự đau khổ tột cùng của người Mẹ mất đứa con thân yêu.


Ngay khi lễ vừa xong, người đàn bà quản trị bước vào cho biết đã đến giờ đưa linh cữu vào phòng thiêu. Bà mẹ đau đớn nhào đến chiếc quan tài như muốn níu kéo lại nó, cố gắng hy vọng đứa con mình được sống lại và mình có thể ôm ấp nó như xưa. Sức mạnh của cái nhào bất thần ấy khiến chiếc quan tài trượt vào tận bức tường nên chồng bà phải kéo bà về lại ghế ngồi. Cô cháu dâu, trong trạng thái vô hồn, bước đến vị linh mục xin phép cho chúng tôi đặt những hoa trắng vào linh cữu của cô bé. Linh mục gật đầu rồi nhận vài chiếc hoa trắng đặt trên đầu cô bé. Chúng tôi lần lượt chia nhau những chiếc hoa trắng đặt xung quanh cô. Riêng tôi, khi đặt hoa vào bên cạnh cô bé xong, tôi đã đặt bàn tay mình trên đôi bàn tay của cô. Đôi bàn tay lạnh ngắt của cô làm tôi tưởng tượng sự lạnh buốt mà cô chịu đựng khi chìm trong nước sông. Tôi nghĩ phải chi mình có mặt trong lúc ấy để có thể nắm đôi bàn tay cô và kéo cô ra khỏi sức hút của Tử Thần. Có lẽ bất cứ người thân của cô hiện diện nơi đây cũng ao ước được làm điều tương tự như thế! Nhưng, có mấy ai có thể ngờ sự việc đã xảy ra như vậy cho dù mỗi người, khi còn trẻ, đã từng nghĩ đến chuyện quyên sinh khi gặp những điều bất như ý hay tuyệt vọng.


Hình ảnh người Mẹ đau đớn bất lực khi mất đứa con khiến những người chứng kiến đau lòng khôn tả. Ngay cả những người làm trong khu Nhà Quàn cũng không thể che giấu được những khuôn mặt đầy căng thẳng và những đôi mắt chứa chan niềm đau khổ vô biên. Không gì đau khổ hơn chuyện không có phương cách nào để an ủi người đang trong tình trạng đau khổ tột cùng. Những tiếng gào thét đau thương của bà mẹ xé nát lòng của chúng tôi và tôi đã xin cáo từ ngay khi chiếc quan tài đẩy vào phòng thiêu. Tôi cảm thấy mình không còn đủ can đảm để chứng kiến thêm chuyện đau lòng. Vợ chồng tôi và con trai tôi lần lượt ôm ba mẹ cô bé chào từ biệt. Tôi không biết nói gì hơn ngoài những lời nghẹn ngào là chúng tôi rất thương ông bà và mong ông bà giữ gìn sức khỏe.


Trên đường về, tôi chợt nhớ ra là Ngày Từ Biệt hôm nay chỉ có vỏn vẹn bảy người của gia đình tôi và gia đình của cô bé. Phải chăng đây là ước muốn của cô xui khiến ba mẹ cô cho phép chúng tôi tiễn đưa cô lần cuối cùng. Dù sao, tôi cố gắng an ủi mình bằng cách xóa sạch những diễn biến mà tôi chứng kiến trong ngày. Sự đau đớn của người Mẹ làm tôi kinh hoàng, tưởng chừng như bà sẽ ngất lịm sau khi mọi việc kết thúc chứ không thể nào chịu đựng thêm được nữa. Và khi tưởng tượng mình trong hoàn cảnh của bà, tôi cảm thấy tim mình đau thắt từng cơn.


Người Mỹ thường nói câu: “Hãy quên đi quá khứ buồn đau và tiếp tục cuộc sống bình thường với những người đang sống xung quanh mình!” Tôi cố gắng làm theo lời khuyên ấy bằng cách khuây khỏa qua những video hài hước. Thế nhưng, khi mở Ipad thì bài hát Broken Angel lại vang lên. Lần này thì bài hát được thêm vào bởi giọng ca nam đáp lại lời thống thiết khuẩn khoản của nữ ca sĩ:


You, you are the one
I miss you so much. Now that you’re gone
Don’t, don’t be afraid
I’ll be your side, leading the way
 
I wish that I could touch, touch you again
Feeling in love, don’t want it to end
Two, two worlds apart
Less in a dream, it’s breaking my heart
 
Những lời ca “I’ll be your side, leading the way” (Tôi sẽ bên cạnh em dẫn đường), “Two, two worlds apart. Less in a dream, it’s breaking my heart” (Hai thế giới cách xa. Dần tan trong giấc mơ làm tim tôi tan nát!)
 
Tôi tự hỏi: Hai thế giới biệt lập này là hai thế giới nào? Phải chăng là khoảng cách của hai người sau khi tình yêu tan vỡ hay khoảng cách của biệt ly của hai thế giới sống và chết. Có thể nào khoảng cách này xảy ra trong tích tắc, gây cho cảnh chia ly bất ngờ đến kinh hoàng.


Tôi không hiểu cô bé có hình dung được cảnh mẹ cô đau khổ trước khi quyết định hủy hại thân mình không. Tôi đoán cô đã phải đớn đau trong thế giới cô đơn với lý do nào đó. Có thể là cảm giác vô vọng và cô độc vì không ai có thể thấu hiểu nỗi lòng. Có thể là bất lực với sự kém cỏi và thua sút về mặt nào đó. Có thể là sự thua cuộc hay thất tình. Không ai biết lý do vì sao cô hành động như vậy và có lẽ cũng không ai ngờ một cô gái tươi vui lại hành động một cách đường đột đối với sinh mạng của mình như vậy.
Buổi tối hôm ấy, tôi không hề chợp mắt. Suốt đêm tôi thao thức với bao nhiêu ý nghĩ xung đột trong đầu. Càng nghĩ, tôi càng thương cô bé, mẹ cô bé và thương cả những bậc làm cha mẹ và những đứa trẻ có tinh thần yếu đuối. Trên đất Mỹ, phần lớn cha mẹ chỉ dành thời giờ để lo kế sinh nhai, và chú tâm việc học của con hầu mong con có việc làm cho tương lai rực rỡ hơn mình. Sự bận rộn hàng ngày và mệt mỏi sau những ngày làm việc khiến cha mẹ không thể gần gũi con cái nhiều để có thể chia sẻ tâm tư tình cảm. Có nhiều bậc phụ huynh không biết rằng có những đứa trẻ, mà trong đó có cả con mình, có tâm lý yếu đuối, luôn mặc cảm vì bản thân thua sút kém cỏi, nên thường trầm cảm, khép mình trong thế giới đơn côi, cô độc, rồi hành động không cân nhắc, dễ thiệt thân. Nếu không có sự giúp đỡ, an ủi, hay động viên tinh thần từ gia đình, các em này thường tựa vào bạn bè hay những thú vui không phù hợp. Đây không phải lần đầu tôi chứng kiến cảnh này. Sự mất mát đột ngột của con cái và tình trạng ân hận của những bậc cha mẹ từ những câu chuyện kể của những người thân quen của tôi và sự chính mắt chứng kiến từ thực tế đã làm tôi đau đáu buồn khổ. Nhưng rồi những người ấy và tôi không bao giờ nhắc đến những vấn đề này trong lúc cùng âm thầm cố quên đi.


Giờ đây, tôi bỗng nhớ lại thời gian hai mươi năm trước, lúc ba đứa con tôi trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Hôm ấy, sau khi dự trại Hướng Đạo trên núi cao, chúng tôi về nhà khá tối. Để kịp ăn uống, nghỉ ngơi cho ngày hôm sau chúng tôi không ai nói ai, cố gắng dọn dẹp đồ đạc từ trại về. Riêng tôi, vội vã làm thức ăn tối rồi đem lên bàn ăn ngay. Khi đi ngang qua phòng khách thấy một chiếc ba lô bày bừa giữa nhà, tôi la chủ nhân của nó. Lúc đó, có lẽ vì tôi bị áp lực với thời gian cần kíp, nên tôi đã càu nhàu thêm về tính lè phè, không ý thức phải làm gì của một người đã từng đi Hướng Đạo. Chồng tôi và đứa con trai đầu của tôi cùng hùa theo lời càu nhàu của tôi, la thằng bé. Tôi lại xuống bếp rồi lên phòng ăn đem thêm những món cuối. Khi ngồi vào bàn, tôi không thấy thằng bé vừa bị la, gọi nó ra ăn cơm thì chồng tôi bảo nó vừa ra khỏi nhà, không biết đi đâu rồi. Tôi thảng thốt, nhớ lại những lời mình vừa càu nhàu. Linh tính chuyện gì không ổn, tôi lấy chìa khóa xe rồi tuôn ra khỏi nhà ngay. Trời lúc này tối đen. Ba con đường vắng ở góc nhà chúng tôi heo hắt những ánh đèn đường buồn bã. Không một người nào trên đường bộ hành và cũng không có chiếc xe nào qua lại trên những con đường nhựa. Tôi không biết tìm thằng bé hướng nào, rồ máy, tôi đạp ga trên những con đường thường đi làm theo quán tính. Đến một con đường hẹp tối đen, tôi bỗng giật mình, hãm tốc độ vì một bóng người trong y phục tối sẫm đang đi giữa đường. Bấm còi người ấy cũng không chịu bước vào lề. Tôi chiếu đèn soi rõ, nhận ra người ấy là con mình. Tôi dừng xe, bấm còi rồi kéo kính xe xuống, gọi tên nó. Thằng bé giật mình, dừng bước, đứng im nhưng không quay lại. Tôi gọi tên nó, bảo nó hãy lên xe. Nó quay lại nhìn xe tôi, ngần ngừ một lúc rất lâu rồi từ từ bước đến xe tôi. Đợi nó lên xe xong, tôi không nói gì, chở nó đi vòng vòng những con đường trong xóm. Xe chạy lòng vòng trên những con đường tối và vắng khoảng hơn mười lăm phút mà chúng tôi không ai nói với ai lời nào. Khi tôi lái xe vòng về nhà, nó chợt nói với tôi:


“Con không hiểu sao tính con khác với mọi người trong nhà. Con muốn cố gắng nhưng…”


Tôi đáp:
“Hóa ra chỉ vì sự khác biệt mà con muốn từ bỏ gia đình sao?”


Nó không đáp.


Tôi lại nói:


“Thực ra, trong nhà không ai giống tính ai hoàn toàn cả con à! Có người nhanh nhẹn trong việc gọn gàng ngăn nắp, có người thì chậm chạp. Nhưng khi chúng ta nhắc nhở nhau không phải là chúng ta ghét nhau. Đó là cách chúng ta quan tâm đến nhau, giúp nhau tiến bộ hơn. Có lẽ con thường nghe ba mẹ và anh la nên con buồn. Nhưng, trong nhà đâu phải chỉ có mỗi mình con bị la. Các con làm gì không phải, đều bị ba mẹ la cả. Ba mẹ la là để uốn nắn các con chứ đâu phải là ghét các con? Hôm nay con bị ba người trong nhà la cùng một lúc vì cả bố, mẹ và anh con đều thấy như vậy nhưng con đừng bao giờ quên là gia đình mình đều thương con, và quan tâm đến con. Con nghĩ lại đi! Có phải tất cả ba mẹ anh em con đều thương con không?”


Nó ngồi im không đáp.
Tôi ngừng xe trước nhà rồi bảo:
“Thôi vào nhà ăn cơm với mẹ rồi ngủ, mai đi học.”


Nó líu ríu làm y lời khiến tôi vui mừng khôn tả. Tôi không ngờ khi dùng chữ thương yêu trong lúc đối thoại lại hữu hiệu như thế.


Giờ đây nghĩ lại, nếu lúc đó, tôi không chạy theo nó để xoa dịu sự tổn thương trong lòng nó, thì có thể tôi cũng bị lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần như bà mẹ cô bé, không thể tránh khỏi.
Trong những ngày này, tôi muốn dùng những giòng chữ giải tỏa tâm lý nặng nề của mình qua các trang nhật ký. Nhưng khi biết sự khủng hoảng tinh thần của những người mẹ mất con đến nỗi không thể sống trong căn nhà có nhiều kỷ niệm của đứa con đã mất thì tôi lại muốn gửi thông điệp đến quý độc giả (các bậc phụ huynh và các em thanh thiếu niên) để tránh những tình trạng làm đau lòng nhau.


Hãy ngay lập tức cứu các em trước khi các em ngã gục!” và “Xin hãy chia sẻ nỗi buồn của mình với cha mẹ với ghi nhớ: Cha mẹ lúc nào cũng thương yêu các con!”


Cung Thị Lan
Ngày 09.09.2024
 
 
Song: Broken Angel
 
You, you are the one
I miss you so much. Now that you’re gone
Don’t, don’t be afraid
I’ll be your side, leading the way
 
I’m so lonely broken angel.
I’m so lonely listen to my heart.
One and only broken angel.
Come and save me before I fall apart
 
I wish that I could touch, touch you again
Feeling in love, don’t want it to end
Two, two worlds apart
Less in a dream, it’s breaking my heart
 
 
Bài Hát: Thiên Thần Gãy cánh
 
Em, em là người anh nhớ em vô cùng.
Nhưng bây giờ em đã đi xa
Đừng, đừng sợ hãi!
Anh sẽ bên cạnh em, dẫn đường
 
Em thiên thần gãy cánh cô đơn
Em đơn độc nghe theo trái tim mình
Chỉ là thiên thần gãy cánh
Hãy đến và cứu em trước khi em gục ngã!”
     
Anh ước anh có thể chạm em lần nữa.
Để cảm thấy yêu đương, không muốn kết thúc
Hai thế giới cách xa
Tan dần trong giấc mơ làm tim anh tan nát
 
Cung Lan chuyển ngữ
* Nhà quàn = Nhà tang lễ.

error: Content is protected !!