THĂNG HOA CUỘC ĐỜI – Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI
Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng
Kỳ 77 Núi Lam Sanh Đế Vị
Mây đen kéo tới vào khoảng xế trưa thì chạng vạng trời đổ mưa như thác lũ, đồng ruộng vốn hạn hán từ mùa hè năm Giáp Thân nên trận mưa này là một ân sủng cho nông gia, nhưng thành An Tôn lại bị sạt lở lũy tây nam, cuốn hết những kỳ hoa dị thảo trong vườn thượng uyển trôi ra sông Mã (Sông Mã là một con sông của Việt Nam và Lào có chiều dài 512 km, trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam dài 410 km và phần trên lãnh thổ Lào dài 102 km. Lưu vực của sông Mã rộng 28.400 km², cao trung bình 762 m, độ dốc trung bình 17,6%, mật độ sông suối toàn lưu vực 0,66 km/km². Phù sa sông Mã là nguồn chủ yếu tạo nên đồng bằng Thanh Hóa lớn thứ ba ở Việt Nam. Sông Mã bắt đầu bằng hợp lưu các suối ở vùng biên giới Việt – Lào tại xã Mường Lói phía Nam huyện Điện Biên ngày nay)
Thật ra thành An Tôn tức Tây Đô mới vừa xây vào tháng Giêng năm Đinh Sửu (1397) dưới triều Trần Thuận Tông niên hiệu Quang Thái thứ Mười, tổng công trình sư do quyền thần Hồ Quý Ly đương kim giữ chức vụ Nhập nội Phụ chánh Thái Sư Bình chương quân quốc trọng sự tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương Tể tướng chỉ huy. Hoàn tất trong thời gian ngắn, họ Hồ đã nuôi mộng soán ngôi để di dời cố đô vào nơi đây cai trị, do đó mà ba năm sau tức năm Canh Thìn (1400) ông lật đổ nhà Trần rồi lập nên nhà Hồ, liền quyết định thay đổi cơ cấu trung ương.
Thành xây trên đất Tây Giai và Xuân Giai thuộc tỉnh Thanh Hóa để làm kinh đô nước Đại Ngu bằng đá ong đặc biệt với lối kiến trúc tinh vi, độc đáo hiếm có thời bấy giờ; những thành lũy bằng những phiến đá rất lớn xây dựng chớp nhoáng trong vòng ba tháng mà đến bảy thế kỷ sau vẫn còn tồn tại, đó là điều khó lý giải những đặc thù kiến trúc thời trung cổ.
Mục tiêu của Hồ quý Ly là phế bỏ triều Trần mạt vận, sáng lập vương triều mới để thực thi một loạt chính sách cải cách về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục nhằm thay đổi cuộc khủng hoảng di lụy bởi cuối triều Trần đặng củng cố chính quyền trung ương và chuẩn bị cuộc kháng chiến chống nhà Minh xâm lược. Đây là cuộc cách mạng táo bạo mà Hồ Quý Ly dám thực hiện, với cái nhìn khách quan thì ông ta là một nhà cải cách lớn với một hệ thống chính sách và biện pháp khá toàn diện, quy mô.
Tây Đô xây cất nơi địa thế đầy hiểm trở, có lợi thế về phòng ngự quân sự, bảo vệ quốc phòng bởi sông nước bao quanh, có núi non trùng điệp, vừa mang ý nghĩa chiến lược phòng thủ, vừa phát huy được ưu thế giao thông thủy bộ; nhưng về mặt chính trị, thương mại thì vô cùng khó khăn. Lối kiến trúc bao gồm thành nội và thành ngoại, phía ngoài được đắp bằng đất với số lượng gần trăm ngàn mét khối, trên trồng tre gai dày đặc cùng với một khoảng hào sâu có bề mặt rộng gần tới năm mươi thước bao quanh.
Bên trong là thành nội có mặt bằng hình chữ nhật chiều bắc nam và đông tây dài gần một cây số, phía ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối kích thước trung bình dài hai thước, rộng một thước và dày bảy phân, mặt trong đắp đất. Bốn cổng thành theo chính hướng tiền nam, hậu bắc, tả đông, hữu tây đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, trong đó to nhất là cổng chính Nam gồm ba cửa cuốn dài ba mươi bốn thước, cao mười thước, rộng mười lăm thước; các phiến đá xây đặc biệt lớn có độ dài tới bảy mét, cao gần hai mét, và nặng chừng mười lăm tấn.
Sức người như vậy phải điểm tô non sông hùng vĩ hơn, các triều đại hưng thịnh hay suy trầm đều nghĩ đến việc rèn luyện nhuệ khí thanh niên, kiến thiết nơi quyền lực kiên cố để lãnh đạo muôn dân bảo vệ giang sơn.
Người dân bao đời vẫn một nắng hai sương, triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần cũng vậy mà sau này cũng chẳng đổi thay nhiều. Cánh đồng bát ngát phía chính nam luôn trù phú, trúng mùa nên con trâu có phần mập mạp mà ruộng rẫy phía tây cũng sản sinh bao nhiêu ngô khoai đậu sắn khả dĩ làm phong phú cuộc sống nhân dân.
Tây đô nằm giữa sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa giới của Vĩnh Tiến, Vĩnh Thành, Vĩnh Long, Vĩnh Yên, Vĩnh Quang, Vĩnh Ninh, Vĩnh Khang, Vĩnh Lộc và Vĩnh Phúc. Những chữ “Vĩnh” này là một ý chí của tiền nhân trong sự nghiệp bảo vệ dân tộc vĩnh cửu trường tồn.
Làng Cổ Định nằm trên hữu ngạn sông Mã, một vùng quê với ruộng đồng trù phú, phong cảnh hữu tình mà dân cư lại vô cùng khai phóng. Trong làng từ buổi ban sơ đã có người thi đỗ đại khoa. Xuyên suốt dòng lịch sử các triều đại Lý, Trần thì làng này đã có người được cử làm Chánh sứ sang bang giao với nhà Tống, nhà Nguyên, lại có kẻ làm đến chức Thừa tướng. Cuộc sống của hơn ba nghìn người đầm ấm yên vui, kẻ nông dân chăm lo cày cấy trên đồng, bậc nho sĩ miệt mài sôi kinh nấu sử, trẻ em thành thạo chữ nghĩa thánh hiền, phụ nữ tuân hành tam tòng tứ đức thì tai hoạ ập đến với làng….
Triều đại nhà Hồ đã bị tiêu diệt năm Đinh Hợi (1407) do đoàn quân xâm lược của Minh triều. Tháng Mười năm đó, Trần Ngỗi được Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân phò trợ lên ngôi lấy hiệu là Giản Định Vương. Mưu đồ đại sự của các đại tướng triều hậu Trần này là chiêu dụ nhân tài chống giặc ngoại xâm, nhưng sự nghiệp chưa thành mà Giản Định Vương lại hay nghe lời gièm pha của kẻ nịnh thần nên hai năm sau sát hại các trụ cột triều đình là Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân rồi kéo cờ khởi nghĩa chống Minh, cuộc cờ chưa bao lâu thì Giản Định Vương lại thất bại nên các người con của hai trụ cột triều đình là Đặng Dung (thân tử của Đặng Tất) và Nguyễn Cảnh Dị (Thân tử của Nguyễn Cảnh Chân) lập Trần Quý Khoáng lên ngôi, niên hiệu là Trùng Quang vào năm Kỷ Sửu (1409). Cuộc khởi nghĩa tiếp tục chống quân nhà Minh kéo dài được bốn năm đến mùa Thu năm Quý Tỵ (1413) thì Trùng Quang cũng thất bại và bị tiêu diệt. Trong đoàn quân của triều đình có một võ quan nhỏ xuất thân từ nông dân tên là Nguyễn Chích, sức khỏe mạnh bạo, võ thuật cao cường bèn trốn thoát chạy về núi Hoàng Nghiêu phía tây tỉnh Thanh Hóa gần làng Cổ Định lập căn cứ chống lại giặc Minh.
Tướng giặc là Trương Phụ, Mộc Thạnh nhiều lần mang quân đến vây diệt, nhưng lần nào cũng thất bại nặng nề. Giặc Minh nhận thấy, ngoài căn cứ Hoàng Nghiêu, thì cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Chích phụ thuộc nhiều vào việc cung cấp lương thực và quân binh của nhân dân quanh vùng, trong đó có làng Cổ Định. Vì thế, năm Ất Mùi (1415), tướng giặc Trương Phụ xua quân đến vây giết cả làng. Hơn ba nghìn người bị sát hại, một số bị bắt đưa về Trung Quốc, chỉ còn mười tám người chạy thoát. Trong số trai tráng trốn thoát ấy có năm người thanh niên tên là Lê Lôi, Doãn Nổ, Lê Thìn, Lê Luận và Lê Lai.
Ngược thời gian về những năm tháng trước đây thì gia đình của Tiến sĩ Thanh Vận Sứ Lê Duy Luật trong thời đại cuối nhà Trần có ba người con trai tên là Lê Luận, Lê Lai và Lê Lôi đều là những người trai tráng sức khỏe cang cường. Khi Trương Phụ xua quân tới đánh giết dân làng thì ba anh em họ Lê bị bắt áp giải mang về Tàu. Trên đường lội bộ với quân Minh thì Lê Luận giả đò làm kẻ ngu đần, điếc lác, vừa la, vừa khóc, vừa cười nên bọn binh lính nhà Minh không thèm để ý. Khi đi ngang qua vùng núi hiểm trở ở Thanh Hóa vào ban đêm thì Lê Luận cùng hai em là Lê Lai và Lê Lôi trốn thoát vào rừng. Trong khi vượt thoát đầy hiểm nguy thì Doãn Nổ và Lê Thìn cũng tìm cách thoát thân, chạy theo ba anh em Lê Luận đào tẩu xuống hướng đông dọc bờ biển rồi tìm cách quy tụ dân làng quyết khởi nghĩa chống lại ngoại bang.
Đất Lam Sơn thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa là nơi có phong thủy hữu tình, cây cối tươi tốt, ruộng đồng phì nhiêu và dân tình khoáng đạt. Từ cuối đời nhà Trần thì nơi đây hoang vu, chướng khí được gọi là Lộ Khả Lam như những làng xã của thời cận đại. Một hôm có chàng thanh niên nho nhã đi dạo chơi ven bờ rừng thấy bầy chim bay lượn trên không ra chiều đất lành chim đậu. Chàng thanh niên sau đó có vợ và nghĩ đến vùng đất có nhiều bầy chim bay về làm tổ nên cùng vợ đến đây khai hoang, lập ấp. Người thanh niên đầy gan dạ ấy là ông Lê Hối cùng vợ là bà Nguyễn thị Ngọc Duyên ngày đêm phát gai làm ruộng, đốn cây làm chòi, chăm lo đồng áng, một nắng hai sương. Chẳng bao lâu sau, nơi ấy đã quy tụ vài chục nóc gia gồm những người thân tộc và hàng xóm kéo về đây cùng khai hoang, xây dựng tổ ấm. Ông Lê Hối là người tiên khởi nên được dân làng bầu làm Trưởng Lộ, hàng ngày lo việc phát triển xóm giềng, mở trường dạy học và xây dựng trại ấp lớn mạnh. Sau vài năm chung sống, Ông Lê Hối sinh được người con trai là Lê Đinh thông minh, cường tráng, Lê Đinh lấy bà Nguyễn Thị Quách được dân làng yêu mến tôn làm Hào Trưởng. Con trai của Lê Đinh là Lê Khoáng tính tình điềm đạm, hiền hòa, hiếu khách nên nhà cửa lúc nào cũng có bạn bè tứ phương thăm viếng. Lê Khoáng lấy vợ là bà Trịnh Thị Thương thì gia trang trở nên trù phú, sung túc mọi bề. Danh tiếng của dòng họ nhà Lê đất Lam Sơn trở nên uy tín vì sự chăm chỉ khai khẩn đất đai trở thành hào phú, vì thế mà dân làng kính nể, mến phục và nhiều người ở những địa phương khác cũng muốn dời nhà đến đây lập nghiệp.
Vào giờ tý ngày mùng sáu tháng tám năm Giáp Tuất (1384) bà Trịnh thị Thương đã khai hoa nở nhụy sinh cho chồng một cậu quý tử mặt mày khôi ngô tuấn tú. Người con trai chào đời thì gia đình ắt phải đầy lộc, đầy tài, đầy phước, đầy hạnh nên được đặt tên là Lê Lợi. Quả nhiên, Lê Lợi càng lớn lên thì gia trang càng mở rộng, trâu bò heo gà từng đàn, ruộng nương khai khẩn hàng ngàn mẫu và những phúc lợi cho dân được hình thành để đất Lam Sơn sống trong hạnh phúc, thanh bình.
====
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI
Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng
Kỳ 78 Anh Hùng Lê Lợi
Thực ra Lê Lợi sinh tại quê mẹ nơi Bản Chủ Sơn, Huyện Lôi Dương tức là làng Chủa, còn đất Lam Sơn tục danh là làng Cham, vì thế người đời thường gọi quê quán của Lê Lợi là “Nội Cham, Ngoại Chủa” để khẳng định gốc gác xuất thân từ đấy. Thuở nhỏ, Lê Lợi có thiên tư tuấn tú khác thường, tinh thần và dáng người tinh anh, mạnh mẽ, mắt sáng như sao, miệng rộng hình cánh cung, răng đều với vai u thịt bắp có nốt ruồi bên phía trái. Lê Lợi có giọng nói sang sảng như chuông đồng, đi mạnh như rồng, bước lẹ như hổ, kẻ thức giả nhìn thấy đều biết rằng đây là bậc phi thường. Ông có ba anh em trai là Lê Học, Lê Trừ và Lê Lợi đều theo nghiệp cha coi sóc điền trang, ngày đêm lấy việc đọc sách và đem điều hay nói cho những người thuộc hạ học hỏi, noi theo.
Năm ngoài hai mươi tuổi, Lê Lợi cưới bà vợ cả họ Trịnh Thị sinh ra Tư Tề, và bà vợ thứ là Phạm Thị sinh ra Nguyên Long. Năm ông hai mươi lăm tuổi thì anh cả là Lê Học qua đời, Lê Trừ bịnh hoạn nên Lê Lợi đảm nhận chức Trại chủ Lam Sơn, coi sóc việc điền trang rộng lớn. Đất rộng người thưa, ông cho khai vỡ đất hoang, xây dựng xóm làng nên người bốn phương tụ về đông đúc. Những con sông chạy quanh Lam Sơn như sông Lường là mạch nước tưới tiêu, ruộng đồng phì nhiêu phát triển, đường thủy lộ thuận tiện giao thông nên việc mua bán cũng trở nên sầm uất. Từ thời lập nghiệp các cụ tổ của dòng họ Lê là những bậc tôn trưởng có phẩm chất đạo đức và lòng nhân hậu từ tâm nên được mọi người trọng vọng nể vì. Lê Lợi tiếp tục thừa hưởng nền đạo đức gia phong đó nên phẩm chất của ông cũng đượm nghĩa đồng bào bởi không nỡ thấy cảnh chèn ép, đô hộ của giặc Minh mà làm ngơ, cúi đầu cam chịu. Hàng ngày chăm sóc công việc gia trang, Lê Lợi thường chong đèn đọc sách binh thư, thao lược, nghiền ngẫm về binh pháp, kinh văn. Trong thơ Nguyễn Trãi có câu: “Ức tích Lam Sơn ngoạn võ kinh, Đương thời chí dị tại thương sinh” nghĩa là xưa kia tại Lam Sơn đã đọc võ kinh, binh thư nên cái chí vì dân vì nước đã tỏ lộ từ đấy. Quả thật, là một người chủ trại giàu có nhưng Lê Lợi luôn băn khoăn về niềm uất hận của toàn dân trước cảnh nô lệ ngoại xâm. Ông quyết nuôi chí phục thù, rửa hận cho quê hương, thách đố đối với những kẻ đã gây nên khổ nạn cho nhân dân, gieo đau thương, tai hoạ đến đồng bào khiến mảnh đất không còn đơm hoa nẩy lộc.
Trong buổi gian truân này, biết bao sĩ phu phải ngao ngán than trời trách đất như “bạc đầu không phụ ái dân tâm” nghĩa là đầu bạc nghĩ phụ tấm lòng dân thương mà chưa làm gì cho họ được. Lê Lợi cũng vậy, ông cũng đau buồn và uất hận, nhìn tình cảnh của quần chúng sa sút, ông đã chỉ đích danh kẻ thù là nguyên nhân đày đọa dân tình. Lê Lợi đã vạch mặt bọn xâm lăng, tố cáo kẻ ác độc mà giờ đây đọc lại áng văn phẫn uất, chúng ta đồng thừa nhận nó trở thành văn kiện lịch sử của văn học cổ truyền dân tộc như trong sách Lam Sơn thực lục(1) có chép rành rành:
“Tội ác của giặc đầy dẫy, thần và người đều căm giận. Chúng đào mồ mả của ta, bắt bớ dân ta, chém giết người trung lương, ngược đãi kẻ cô đơn, góa bụa, nhân dân trong nước không thể sống nổi: pháp luật và hình phạt của chúng thì hà khắc, càn rỡ, chẳng việc gì là chúng không làm, nào là cấm mắm muối làm cho nhân dân khốn đốn về việc ăn uống, nào phu phen thuế má nặng nề, làm cho của cải nhân dân cạn kiệt. Chúng bắt dân lặn biển mò châu, đào núi lấy vàng, ngà voi, sừng tê, lông trả, gỗ thơm. Bất kể những thứ gì ta có, là chúng cố hết sức vơ vét, không sót tí nào để lấp cái lòng tham muốn sâu như hang hốc. Còn người dân nước ta, chúng bảo là người phản trắc khó trị; trước hết chúng dùng mẹo, lừa bịp, buộc dân dời đi nơi khác, hòng dễ bắt lính, gây chuyện binh đao không chán. Chúng lại xây đắp hàng chục tòa thành, chia quân lính đóng giữ để trấn áp lòng người, làm cho những bậc sĩ phu mưu trí của ta không thể nhấc chân, múa tay gì được. Chúng xảo quyệt đặt dinh này, ấp nọ, xếp đặt nào quan, nào tước, lừa bắt sĩ phu ta đưa về triều rồi đem họ đi an trí ở đất Bắc, v.v..”
Những sự kiện khổ đau của nhân dân đã khiến ông quan tâm lo lắng. Trại chủ Lam Sơn đã tiếp đón biết bao nhiêu số phận hẩm hiu của đồng bào, những cảnh ngộ éo le gây nên bởi giặc Minh tàn ác. Từ những nỗi niềm đó mà Lê Lợi đã biến thành hành động, ông thiết lập Lam Sơn thành nơi trú ẩn cho người sa cơ, nuôi kẻ mưu sĩ chuẩn bị thời cơ, phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi ngoại xâm.
Phải thừa nhận Lê Lợi là người mưu trí, trại Lam Sơn cách thành Tây Đô khoảng nửa ngày đường, sát nách quân thù mà hành động không bị lộ liễu. Chủ soái Lam Sơn được thương mến và là nơi quy tụ của anh hùng hào kiệt cả nước là do lòng nhân từ, đạo đức, tâm hỷ xả từ bi; vì điều tốt lành này mà nhân dân kính trọng chắc chắn giặc Minh cũng biết mà không hại được Lê Lợi, cho thấy sự khôn ngoan và uyển chuyển của ông đã đến hàng thượng thặng. Lê Lợi thường nói: “Kẻ trượng phu ở đời nên cứu nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ đâu chịu bo bo làm đầy tớ người ta…Ta dấy quân đánh giặc không phải vì tham phú quý mà vì muốn cho ngàn đời sau biết rằng ta không chịu thần phục quân giặc tàn ngược(2)”. Chính những lời tuyên bố dõng dạc này đã nói lên tư cách của một anh hùng, không dễ gì bị giặc mua chuộc, không nao núng trước quân thù, không lơ là đến nỗi thống khổ của đồng bào và quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm, xây dựng một quốc gia độc lập.
Năm ba mươi bốn tuổi, bước vào ngưỡng cửa trung niên ông quy tụ nghĩa binh, chiêu mộ anh hùng nhân kiệt, tích tụ lương thảo, phất cờ khởi nghĩa ngày Mùng hai tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418), ròng rã kháng chiến liên tục mười năm, cuối cùng cũng đuổi bọn xâm lược Minh triều cuốn cờ trốn về phương Bắc, dựng xây nền tự chủ, độc lập cho nước nhà.
Thật ra Lam Sơn là vùng núi rừng bao phủ bởi những ngọn đồi chập chùng mà dân địa phương quen gọi là núi Rồng ở hướng Tây Bắc, núi Hổ, núi Voi ở phía Tây Nam, núi Dầu ở hướng Bắc và núi Cốc ở hướng Đông Nam. Tất cả địa danh núi rừng nơi đây đều gắn liền với sự kiện lịch sử mà hàng hậu bối từng bùi ngùi khi nghe lại một khúc quanh lịch sử đầy hào khí song hành với sự nghiệp chống nhà Minh xâm lược của trại chủ đất Lam Sơn. Trước khi đi vào rừng núi ấy phải ngang qua ngọn núi Dầu, đất màu nâu và cây sậy cây lau mọc um tùm phủ kín. Tương truyền rằng, Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi đi tìm minh chủ ở đất Lam Sơn nhưng không gặp được, Trần Nguyên Hãn đã giả làm một người bán dầu, đội trên đầu một thùng lớn đi bán dạo, ngang qua khu núi nầy thì dầu tung tóe đổ ra làm cho đất trở nên nâu sẫm và lau sậy ở đây dễ đốt cháy, sau này chính loại lau sậy nơi đó đã góp phần trong công tác hỏa binh, đốt cháy biết bao đồn giặc, tạo nên thắng lợi cho nghĩa quân. Cũng từ chân núi này có một bà lão thường mang dầu tiếp tế cho nghĩa quân bằng ngọn đèn leo lét trong đêm khuya. Bà là một người yêu nước tình nguyện đốt đuốc chỉ đường cho ai muốn tìm về đất Lam Sơn hội tụ. Nhiều anh tài tuấn kiệt đến được với Lê Lợi cũng nhờ ánh đèn trong đêm khuya thanh vắng đó. Sau này giặc Minh dò xét được và bắt bà giết tại ngọn núi màu nâu ấy. Chủ Trại Lam Sơn cảm niệm và thương xót hành động vì đại nghĩa nên đặt tên đỉnh ấy là núi Dầu và di chúc cho con cháu nhớ giỗ bà hàng dầu kế sau ngày Lê Lợi mất. Thành ngữ có câu, “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi, hăm ba giỗ bà hàng Dầu” là ý nghĩa đấy.
Dòng sông xanh thẳm và uốn lượn, bao bọc núi rừng Lam Sơn phát xuất từ thượng nguồn Sầm Nưa bên đất Thượng Lào có tên là sông Chu dài khoảng một trăm ba mươi lăm dặm mà người địa phương thích gọi là tên sông Lường. Mãi về sau, sông Lường được đổi sang âm Hán Việt là Lương Giang Hà đã đi vào lịch sử dân tộc Đại Việt chống quân Minh trong giai đoạn tiền khởi nghĩa. Trong Đại Nam quốc sử diễn ca có câu: “Lương Giang trời mở châu nhân, Vua Lê Thái Tổ ứng tuần mới ra”.
Suốt năm tháng hình thành để chuẩn bị mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn mà Lê Lợi là người khởi xưóng ra cuộc tranh đấu ấy đã đề ra chủ trương, trực tiếp đứng lên tập hợp lực lượng, xây dựng tổ chức, tạo nên cơ đồ của một cuộc khỏi nghĩa đi từ phôi thai đến binh bị hùng cường và cuối cùng giành thắng lợi kinh hoàng dưới lá cờ đại nghĩa Lam Sơn là một kỳ tích vô tiền khoáng hậu. Trước đó những phong trào chống Minh phát xuất từ nhiều xu hướng chính trị khác nhau như phong trào Hậu Trần do một số quý tộc họ Trần lãnh đạo để chống Minh, khôi phục vương triều Trần gia nhưng thời thế đã khác, nhân dân chán ngán các đời vua nhu nhược nên phong trào đó dù dấy lên mạnh mẽ một thời cũng không huy động được quần chúng ủng hộ và kết quả nhanh chóng tan rã, đi đến thất bại, tàn rụi theo năm tháng.
Cũng có những cuộc khởi nghĩa chống Minh của con cháu Hồ Quý Ly nhưng dù biểu hiện lòng yêu nước, khát vọng chống ngoại xâm nhưng lãnh tụ thường cục bộ, những khuynh hướng chính trị hẹp hòi, không đoàn kết đem theo bao nhược điểm và sai lầm chủ quan dẫn cuộc kháng chiến chống Minh đến chỗ bại vong.
Từ những bài học kinh nghiệm chết người đó mà cuộc khởi nghĩa Lam Sơn từ lúc bình minh, Lê Lợi đã chuẩn bị ngã theo một hướng đoàn kết cùng sinh tử có nhau. Mười chín thanh niên yêu nước đồng tham dự hội thề Lũng Nhai cùng hơn năm mươi tướng văn, tướng võ của nghĩa quân cho một quyết tâm lấy sanh mạng làm niềm tin quyết thắng.
Từ núi rừng Lam Sơn và Thanh Hóa đã đón chào những công dân ưu tú của mọi miền đất nước chung lòng, đồng sức, cùng hội tụ về đây: nào Nguyễn Xí từ Thượng Xá, Nghệ An; Nguyễn Trãi từ Thăng Long, Hà Nội; Phạm Văn Xảo từ vùng kinh lộ, Thăng Long; Trần Nguyên Hãn từ Sơn Đông, Vĩnh Phúc; Bùi Quốc Hưng từ Cống Khê, Hà Tây; Lưu Nhân Chú cùng cha là Lưu Trung, anh rể là Phạm Cuống từ Đại Từ, Thái Nguyên… và hàng trăm thanh niên ưu tú nhất tề tập hợp thêm anh hùng hào kiệt bốn phương xây nên binh hùng tướng mạnh Lam Sơn tụ nghĩa.
Nhờ sự tổng hợp của trí thức, hoàng gia, nông dân, thợ thuyền, nhân dân nam nữ các cấp một lòng yêu nước nên dễ dàng thu nhiếp những cuộc khởi nghĩa khác quy về một mối như trên đất Thanh Hóa, Nguyễn Chích là một nông dân nghèo đã cầm đầu một cuộc khởi nghĩa khá lâu từ căn cứ núi Nghiêu-Hoàng đã mở rộng hoạt động khắp vùng nam Thanh Hóa, bắc Nghệ An nhưng rồi nghe danh Lam Sơn nên Nguyễn Chích đã sớm hưởng ứng hịch cứu nước của Lê Lợi, đem toàn bộ lực lượng gia nhập khởi nghĩa Lam Sơn.
Hữu xạ tự nhiên hương, đất Nghệ An có các lực lượng chống Minh như Phan Liêu, Lộ Vãn Luật ở Ngọc Ma, Nguyễn Biên ở Động Choác, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; Nguyễn Vĩnh Lộc ở Trang Niên, Yên Thành, Nghệ An; đều tự nguyện gia nhập hàng ngũ nghĩa quân Lam Sơn, đứng dưới lá cờ cứu nước của Bình Định Vương Lê Lợi.
Nhờ sự tài tình vận dụng được sức mạnh muôn dân thì kháng chiến chống Minh đến cuối cùng nhất định phải thắng lợi. Đó là yếu tính nhân quả của văn hóa dân tộc Đại Việt từ ngàn xưa, niềm tin quyết thắng.
====
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI
Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng
Kỳ 79 Quân Sư Nguyễn Trãi Anh Tài
Lam Sơn nằm ở hợp lưu sông Âm và sông Lương tức sông Khải Lam, chảy theo tả ngạn có sông Sảo ngược lên Bát Mọt, phía hữu ngạn có sông Dặt chảy qua vùng Trịnh Vạn là căn cứ địa của các triều Lê Trung Hưng thế kỷ thứ mười tám sau này. Phía tây bắc có huyện Lạc Thủy, phía nam là huyện Cổ Lôi thuộc thị trấn Lôi Dương với vùng đất Ba Cồn xảy ra trận huyết chiến với Mộc Thạnh nên còn đền thờ tên giặc này ở ngay bờ sông Khải Lam cạnh bến phà Mục Sơn nối hai miền Thượng du ngược và miền Kinh xuôi , thông qua ngả thị xã Thanh Hóa đến vùng Thọ Xuân băng ngang đập Sóp Sim thuộc miền Quan Hóa nơi hai tráng sĩ Nguyễn Trãi và Trần Nguyên Hãn hơn một lần dò hỏi người cầm đầu khởi nghĩa chống quân Minh.
Bến phà Mục Sơn rất sầm uất kẻ qua người lại, thuyền chài tấp nập thương lái buôn bán ngược xuôi. Một hôm người chài lưới tên Nguyễn Thận ra giữa dòng sông quăng lưới kéo lên được thanh kiếm sắt, ông thả lại sông rồi tiếp tục chài lưới. Cả ba lần kéo lên bỏ xuống đều chài được thanh kiếm sắt này nên đành mang về nhà. Khi Lê Thận gia nhập đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn với nhiều thành tích vào sinh ra tử nơi trận mạc để tiêu diệt lũ giặc ngoại xâm, nhân cơ hội chủ tướng Lê Lợi đến nhà Lê Thận ăn giỗ rồi phát hiện trong gian phòng tối om lại có luồng hào quang từ thanh sắt tóe lên ánh sáng thần kỳ. Lê Lợi đến gần cầm lấy xem và nhận ra có hai chữ “Thuận Thiên” khắc sâu vào lưỡi kiếm, vì Thuận Thiên nên trao cho Lê Lợi bởi ý nghĩa từ lòng nước, phải do con người năng động tạo nên văn hóa sông nước lúa khoai để trao cho người xứng đáng, người chài lưới vẫn không quên sứ mệnh trao lại lưỡi gươm thần bảo quốc an dân cho chủ soái Lam Sơn làm thống suất. Lúc ra về, Lê Lợi bắt gặp một chuôi kiếm thật đẹp nằm trên vệ đường liền nhặt lên rồi lắp lưỡi vào chuôi thì kỳ lạ thay, vừa vặn khớp nhau.
Đất Lam Sơn bao bọc một vùng rừng núi trù phú với các địa điểm từng ghi dấu ấn của cuộc khởi nghĩa chống nhà Minh. Uyên Thọ Xuân, Ngọc Lặc, Thường Xuân đến những nơi xa hơn như Thiệu Hóa, Đông Sơn Hoằng Hóa, Quảng Xương đều lưu lại những chứng tích hoặc di tích hay huyền thoại không kém phần linh ứng. Rừng Lim gần Lam Sơn là quân trường thao tập cho nghĩa quân ngày đêm, có những vòng tròn từng cây lim cổ thụ là nơi Nghĩa Quân thường buộc chân voi. Xã Thọ Hải có dốc Hương là nơi dân chúng tụ hội đốt hương đón chào đoàn quân khởi nghĩa ca khúc khải hoàn, làng Xuân Phá sản sinh những quyền thuật lồng dưới điệu múa Bình Ngô phá trận, chư hầu lai triều để rèn luyện thanh niên nam nữ ứng biến nhanh lẹ trong nghệ thuật phòng thân, phản công hay chiến đấu trong điều kiện tay không. Mỗi làng xã đã khẳng định tấm lòng yêu nước của người dân quê đầy trung hậu nhưng kiên quyết, đầy nhân từ nhưng luôn cảnh giác cao độ.
Ca dao có câu “Sông Cầu Chày chó lội đứt đuôi” đã nhắc đến sự tích người nông dân đánh lừa đoàn quân Minh để giúp Lê Lợi có thời gian chạy thoát khi quân giặc bao vây vùng yên Định hướng đông bắc Lam Sơn. Mấy tháng sau, khi Lê Lợi đem nghĩa quân ngang qua huyện Ngọc Lặc thì thấy một thây ma vô chủ đang chết giữa đường, động lòng nhân từ, ông bèn sai đào huyệt chôn cất tử tế thì vừa lúc ấy quân nhà Minh mai phục xông lên vây đánh. Lê Lợi chạy vào gốc cây Xé thật to thì quân Minh vừa trờ tới, chúng lấy giáo đâm túi bụi vào gốc cây Xé trúng vào đùi Lê Lợi, ông vội lấy vạt áo chùi máu nên không bị phát hiện. Đến lượt chó ngao đánh hơi thì một chú kỳ đà từ trên cao nhảy xuống khiến lũ chó đuổi theo bắt kỳ đà, nhờ vậy mà Lê Lợi thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Do đó mà cánh đồng chó đã nên danh từ đấy và gốc cây Xé trở nên linh mộc được dựng miếu thờ tự. Chính chú kỳ đà là hiện thân của người đàn bà xấu số vừa được an táng nên báo ơn cứu mạng Lê Lợi khiến người dân ở vùng Kiên Thọ, Nguyệt Ấn thuộc huyện Ngọc Lặc không bao giờ săn bắt kỳ đà làm thịt. Kiên Thọ cũng là quê hương của Tráng Sĩ “dịch bào thế quốc” Lê Lai, tức là người anh hùng đổi áo thay mặt vua, vị quốc vong thân. Vùng Ngọc Lặc có nhiều đồng bào Mường cư ngụ, xa hơn về hướng tây bắc ở đất Lạng Thánh, Bá Thước thì có dân tộc Thái cư trú; những sắc dân thiểu số này đã hợp lực với người Kinh để chống quân Minh là một tình cảm thiêng liêng tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết dân tộc chống ngoại xâm thời kỳ chống bắc thuộc lần thứ tư.
Phía tây nam Lam Sơn có huyện Thường Xuân, Như Xuân và Trường Xuân là vùng đất có đặc sản quý hiếm về loài dược mộc tức cây quế đã nổi danh khắp nước từ xưa đến nay. Trên vùng đồi Thường Xuân có một hòn đá phẳng phiu day mặt về dòng Lam Giang là nơi nghĩa quân quy tụ dưới trăng mài kiếm tập luyện thi thố tài năng. Một hôm Lê Lợi cùng nghĩa quân đang nghỉ chân trên hòn đá lớn thì các bô lão trong làng mang một bình rượu hiến tặng. Cảm kích tấm lòng của những người dân chất phác nhưng chỉ có một vò rượu mà quân sĩ quá đông, Lê Lợi bèn mang chum rượu đổ xuống dòng sông Lam Giang rồi cùng ba quân tướng sĩ múc uống, ai nấy cùng hoan hỷ vô ngần nên từ đó hòn đá được đặt tên là hòn Khao, tức là khao quân đãi tiệc. Trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi có viết nên câu: “Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” phải chăng diễn tả lúc ba quân đồng lòng hiệp sức mà mang đến thành tựu vẻ vang, dựng độc lập, tự chủ cho nước nhà muôn thuở.
Đất Lam Sơn đã đi vào lòng người vì nơi ấy đã trở thành chiến tích, tuy nhiên một địa danh quan trọng trong tiến trình khởi nghĩa vào ngày mùng Hai tháng Giêng năm Mậu Tuất (1814) chính là nơi Mường Tẩm (Mường tẩm tức là Mường chính thuộc xã Quang hiếu, quận Lan chánh ngày nay) xã Quang Hiếu, huyện Lang Chánh, bản Mường này cách Lam Sơn khoảng chừng ba mươi dặm nằm lọt trong khu núi rừng hiểm trở, chung quanh có các bản Mường Rang, Mường Giao Lão đầy cây cao bóng mát phủ che, để đánh lạc hướng của quân địch nhà Minh, Lê Lợi đã chọn một địa thế vừa hiểm trở, vừa bảo mật mà đường giao thông cũng có thể tiến thối an toàn.
Tại làng Chi Ngại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương có một thanh niên nho sĩ văn hay chữ tốt tên là Nguyễn Ứng Long tức Nguyễn Phi Khanh(Nguyễn Phi Khanh: Ông sinh năm 1355 tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Tây. Ông tên thật là Nguyễn Ứng Long, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống võ tướng. Nhưng ông lại là người say mê văn chương, am tường kinh sách, thơ phú, nên thuở trẻ khi chưa đỗ đạt, ông được quan Tư đồ Trần Nguyên Đán mời vào dạy học cho con gái đầu là Trần Thị Thái. Đó cũng là cơ duyên để ông trở thành con rể của vị Tư đồ danh tiếng này. Và vì thế, từ trước đến nay, ông được biết đến nhiều có lẽ chủ yếu là vì ông là con rể Trần Nguyên Đán và là cha đẻ của Nguyễn Trãi, người anh hùng dân tộc văn võ kiêm toàn hơn là với tư cách một nhà thơ tiêu biểu của thời Vãn Trần. Ông để lại nhiều tác phẩm có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của lịch sử văn học thời đó. Ông bị quân Minh bắt đem về Tàu năm 1407 và mất khoảng năm 1428) cưới con gái của quan Tư đồ Trần Nguyên Đán là Trần Thị Thái sinh ra Nguyễn Trãi năm Canh Thân (1380), tư chất thông minh, học hành thông đạt từ thuở nhỏ. Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly phế truất vua Trần Thiếu Đế, lật đổ nhà Trần, thành lập nên triều đại nhà Hồ; để kén chọn anh tài giúp nước, cũng trong năm đó, nhà Hồ mở khoa thi Nho học, Nguyễn Trãi tham dự và đỗ Thái học sinh, đứng hàng thứ tư nên được trao chức Ngự sử đài Chính chưởng. Nguyễn Phi Khanh cũng ra làm quan đến chức Hàn Lâm viện học sĩ kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám. Năm Đinh Hợi (1407), Minh Thành Tổ phái Trương Phụ đem quân xâm lược nước Đại Ngu, nhà Hồ kháng chiến thất bại, Hồ Quý Ly cùng nhiều triều thần bị bắt và bị đem về Tàu, Nguyễn Phi Khanh cũng chung số phận nên trước lúc từ biệt gia đình, dặn dò Nguyễn Trãi phải tìm mọi cách để đánh đuổi giặc ngoại xâm.
Sau khi từ biệt cha, Nguyễn Trãi lênh đênh khắp chân trời góc biển, ngày nọ qua ngày kia mà không làm sao tìm được minh quân. Suốt chặng đường mười năm phiêu lãng, Nguyễn Trãi có cơ hội nghiên cứu phương sách diệt giặc Minh, cứu muôn dân đồ thán.
Một hôm Nguyễn Trãi kết giao với người anh em phía ngoại tức Trần Nguyên Hãn và cả hai nghe tiếng của Lê Lợi đất Lam Sơn là người đang chiêu nạp anh tài giúp nước. Hai người ngày đi đêm nghỉ, chẳng bao lâu tới được đất Lam Sơn, bọn họ cùng nán lại giả làm kẻ buôn bán để dò la tin tức. Quả nhiên mỗi ngày đều thấy các anh hùng kéo tới tụ hội khá đông nên Nguyễn Trãi quyết định ra mắt Lê Lợi bằng bản sách nghiên cứu chống Minh tên là Bình Ngô sách lược, trong đó Nguyễn Trãi vạch ra ba kế sách đánh quân Minh mà chủ yếu là “tâm công”, đánh vào lòng người để đi đến chiến thắng. Lê Lợi xem xong lòng rất hoan hỷ, phục tài hiểu thấu binh thư mà văn phong sáng tỏa uyên thâm, liền trọng vọng rồi mời Nguyễn Trãi vào Ban tham mưu.
Thật ra, khi nhà Hồ mất, quân Minh xâm lược, trăm họ lầm than, Trần Nguyên Hãn người huyện Lập Thạch, cháu nội Tư đồ Trần Nguyên Đán, có học thức, giỏi binh pháplà nhà quân sự, thông thái thuộc dòng dõi nhà Trần nuôi chí cứu đời giúp dân. Một hôm đến lễ thần ở đền Bạch Hạc, thấy thần ở đền núi Tản Viên bảo với thần ở đền Bạch Hạc rằng trời đã sai Lê Lợi, người ở Lam Sơn làm vua nước An Nam. Vì thế ông mới vào Thanh Hóa tìm Lê Lợi, một lòng theo. Lê Lợi biết tài lược của ông, đãi ngộ rất hậu, cho dự bàn mưu kín, cho theo đánh giặc luôn lập công. Năm Ất Tỵ (1425), ông được Lê Lợi lệnh cho ông cùng Thượng tướng Lê Nỗ, chấp lệnh Lê Đa Bồ đem hơn 1000 quân và một con voi đi đánh các xứ Tân Bình, Thuận Hóa (tức là các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế ngày nay), bao vây Đông Quan, công phá thành Xương Giang và chặn đường tiếp tế của quân Minh trong Trận Chi Lăng, Xương Giang đem đến thắng lợi cho nghĩa quân Lam Sơn năm 1427.
====
THĂNG HOA CUỘC ĐỜI
Như Ninh Nguyễn Hồng Dũng
Kỳ 80 Chung Một Lời Thề
Cùng nhau chung một lời thề; Hết quân xâm lược mới về bên nhau!Để có một đội ngũ những người tâm huyết, tin yêu và trung thành với lý tưởng phục vụ dân tộc, vì đại nghĩa giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ của giặc Minh, sau khi đã có nhiều anh hùng hào kiệt khắp nơi kéo về quy tụ, qua những cuộc bàn bạc về kế sách đánh đuổi giặc Minh, chủ trại Lam Sơn không thể không kết thâm tình cùng sống cùng chết với những anh hùng nghĩa hiệp khác, do đó trong cuộc họp dưới ánh trăng với nhiều nghĩa sĩ khác, Lê Lợi đã đề nghị kết tình thâm nguyện cùng sống chết trung thành tuyệt đối với lý tưởng cao quý đánh đuổi ngoại xâm. Chẳng ngờ vừa đưa ra ý kiến thì toàn bộ ban tham mưu đồng nhất tề hưởng ứng đòi chích máu ăn thề như Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi của Hội Bàn Đào (Hội bàn đào là Lưu Bị kết giao với Quan Vũ và Trương Phi ở gốc cây đào sau khi ăn tiệc. Ba người rất thân thiết với nhau, coi nhau như anh em một nhà. Lưu bị làm anh, đến Quan Vũ tức Quan Vân Trường và em út là Trương Phi) ngàn năm về trước.
Bấy giờ giặc Minh lùng sục giữ lắm, Lê Lợi chọn một nơi vừa linh thiêng, vừa bí mật mà cũng là nơi lui tới của nghĩa quân, đó là Lũng Nhai tại làng Lũng Mi, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Nơi đây có một bãi đất vuông vức, sạch sẽ, cây cối chung quanh che mát. Buổi sáng ngày Mùng Một tháng Hai năm Bính Thân (1416) khi núi rừng còn chìm trong sương sớm, Lê Lai đã chuẩn bị hương hoa trà quả, đèn đuốc sáng trưng, rượu cất mấy vò và bánh mứt vài mâm. Ánh bình minh vừa chiếu tia nắng xuyên qua rừng cây tỏ lộ mọi vật thì mười tám tráng sĩ y phục chỉnh tề cũng vừa kéo đến. Những người này không ai nói với ai, sự trang nghiêm tuyệt đối đó đã toát lên tính chất linh thiêng, huyền diệu mà hồn thiêng sông núi đang tỏa sáng bước đi đại nghĩa của những anh hùng kiệt xuất này. Theo tuần tự thứ lớp, mười tám nghĩa sĩ tề tựu ngay ngắn trước bàn thờ tổ quốc với khói hương nghi ngút gồm có:
Người thứ nhất là Lê Lai (1380 – 1419) là người làng Dựng Tú, sách Đức Giang, huyện Lương Giang, phủ Thanh Hóa. Ông sinh năm Canh Thân (1380), tính tình cương trực, dung mạo khác thường, chí khí cao cả, lẫm liệt, giàu lòng yêu nước, căm thù giặc Minh. Lê Lai cùng Lê Lợi và mười bảy người tổ chức hội thề Lũng Nhai nguyện một lòng đánh giặc cứu nước, ông được trao chức Tổng quản phủ Đô, tước quan nội hầu.
Ngày 18 tháng 8 năm Kỷ Hợi (1419), khi nghĩa quân bị giặc Minh vây hãm trên núi Chí Linh lần thứ hai, không còn đường rút lui, tình hình trở nên cấp bách, Lê Lợi họp các tướng bàn cách thoát hiểm, nhiều tướng đòi quyết chiến với giặc, riêng Lê Lai đã xin liều mình đổi áo cứu Lê Lợi, bảo toàn lực lượng nghĩa quân, ông nói: “… Bây giờ nguy khốn thế này, nếu ngồi giữ được mảnh đất nguy hiểm, Vua tôi đều bị tiêu diệt, sợ sẽ vô ích, nếu theo kế này may ra có thể thoát được, kẻ trung thần chết vì nước nào có tiếc gì…”, sau đó Lê Lai dẫn hai thớt voi và năm trăm quân sĩ xông tới doanh trại giặc quyết chiến và hi sinh anh dũng năm Kỷ Hợi (1419). Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi hoàn toàn, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), xét công văn thưởng cho các vị khai quốc công thần, Lê Lai được phong làm công thần hạng nhất, tặng là: “Suy trung đồng đức, hiệp mưu bảo chính Lũng Nhai công thần”, hàm thiếu úy, thụy là Toàn Nghĩa. Tháng Mười hai năm Thuận Thiên thứ hai (1429), vua sai Thượng thư hành khiển Nguyễn Tiến viết hai bản thề ước trước và lời thề ghi nhớ công lao của Lê Lai để trong rương vàng, lại gia phong cho ông hàm Thái úy.
Năm Thái Hòa thứ nhất Quý Hợi (144) đời vua Nhân Tông, Lê Lai được ban tặng là Bình Chương quân quốc Trọng sự, ban cho túi kim ngư (túi cá vàng) và Kim Phù (ấn bằng vàng), tước huyện thượng hầu. Năm Canh Dần, niên hiệu Hồng Đức thứ nhất (1470) – đời vua Lê Thánh Tông, ông được tặng là Diên Phúc Hầu.
Năm Giáp Thân niên hiệu Hồng Đức thứ mười lăm (1484), ông được tặng Thái úy Quốc công, sau gia phong là Trung Túc Vương.
Người thứ hai là Lê Thận tên thật là Nguyễn Thận, người sách Mục Sơn, huyện Cổ Lôi thuộc thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Lê Thận là một chàng trai khỏe mạnh, thạo nghề đánh cá, vào một đêm Lê Thận quăng lưới kéo được gươm thần từ dòng sông Chu, ông đem dâng Lê Lợi, hôm sau Lê Lợi bắt được chuôi gươm ở gốc đa vừa khớp với lưỡi gươm, từ đó Lê Lợi tin là có điềm tốt và Lê Thận dốc lòng phục vụ Lê Lợi.
Sau Hội thề Lũng Nhai, Lê Thận đã cùng nhiều nghĩa sĩ tổ chức nhiều trạm đón tiếp các tráng sĩ từ khắp mọi miền gia nhập nghĩa quân Lam Sơn.
Ngày mùng hai tháng giêng năm Mậu Tuất (1418), Lê Lợi dựng cờ khởi binh đánh giặc, xưng là Bình Định Vương, Lê Thận được trao chức Thứ thụ kỵ binh trong quân thiết đột, Lê Thận cùng Lê Văn An, Lê Văn Linh, Bùi Quốc Hưng,… là những văn thần, võ tướng luôn sát cánh bảo vệ Bình Định Vương Lê Lợi vượt qua bao nguy hiểm, đóng góp nhiều công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc Minh xâm lược, đem độc lập cho dân tộc.
Sau khi đất nước hoàn toàn hết bóng giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế (1428), Lê Thận được xếp vào hàng thứ hai công thần Lũng Nhai, được phong là Trung Lượng đại phu, coi các vệ quân tả hữu Phủng thần, tước Đại trí tự.
Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), Lê Thận được phong Á hầu. Đến đời vua Lê Thái Tông, Lê Thận được phong là Nhập nội Thiếu úy Tham tri việc quân các vệ thuộc Tây đạo. Tháng Sáu năm Đinh Tỵ, niên hiệu Thiệu Bình thứ tư (1437), Lê Thận được đổi sang Tham tri Bắc đạo, sau đó ông được cử giữ chức Tư Mã coi các vệ quân Bắc đạo, tham tri chính sự; tháng Tám cùng năm Lê Thận cùng Đỗ Đại, Lê Xí, Lê Thụ coi việc tứ tụng, đến đời Lê Nhân Tông, niên hiệu Thái Hòa (1443), Lê Thận được thăng chức Nhập nội kiểm hiệu Tư đồ Bình Chương sự. Năm Bính Dần (1446) Lê Thận cùng các tướng Trịnh Khả, Lê Khắc Phục đem quân đi dẹp giặc Chiêm Thành thắng lợi.
Năm Mậu Thìn (1448), vua Lê Nhân Tông xa giá về Tây Kinh (Lam Kinh), Đại Tư đồ Lê Thận cùng Đô áp nha Lê Bí được giao trọng trách Lưu thủ kinh sư, tháng Bảy năm đó ông mất, được truy tặng là Bình Chương quân quốc trọng sự. Năm Hồng Đức thứ mười lăm (1484) Lê Thận được tặng Thái phó Hoằng quận công.
Người thứ ba là Lê Văn Linh, quê ở xã Bảo Đà, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, xứ Thanh Hoa. Ngày mùng một tháng hai năm Bính Thân (1416) Lê Văn Linh là người đứng đầu trong số ba văn thần có mặt trong hội thề Lũng Nhai đó là Lê Văn Linh, Nguyễn Trãi, Bùi Quốc Hưng. Ông là người đứng hàng thứ tư trong số mười chín người tham gia hội thề sau Lê Lợi, Lê Lai và Nguyễn Thận tức Lê Thận.Ông tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu, có những đóng góp to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm giành độc lập cho nước nhà. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa thì Lê Văn Linh cùng Nguyễn Tiến và Bùi Quốc Hưng là ba văn thần của nghĩa quân Lam Sơn từng vạch ra sách lược giúp Lê Lợi và được Lê Lợi ủy thác tất cả các việc quân cơ nội vụ. Mùa xuân năm Mậu Thân (1428), sau khi đất nước độc lập, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu là Thuận thiên năm thứ nhất, khi xét công ban thưởng cho các công thần, binh sĩ. Lê Văn Linh được phong là Bình Ngô khai quốc, Hiệp mưu bảo chính đại công thần, Nhập nội kiểm hiệu Bình Chương quân quốc trọng sự thiếu bảo, tước Khánh An hầu.
Người thứ tư là Lê Văn An sinh năm Giáp Tý (1384) tại sách Mục Sơn huyện Cổ Lôi, trấn Thanh Hoa. Từ năm mười ba tuổi Lê Văn An đã kết bạn với Lê Lợi, hai người lại cùng học một thầy nên thân nhau như anh em ruột. Lê Văn An tính tình điềm đạm, văn võ song toàn, luôn xung phong xông trận, Lê Văn An đã cùng với Lê Sát, Lê Ngân tấn công giặc Minh, bắt sống tướng giặc Chu Kiệt, chém tướng giặc Hoàng Thành tại ải Khả Lưu; cùng với Lê Ngân, Lê Bôi tiến công giải phóng châu Tân Bình và Thuận Hóa; vây hãm buộc giặc tại Nghệ An và thành Diễn Châu phải đầu hàng; cùng với các tướng Lưu Nhân Chú, Lê Sát, Lê Lý, Lê Vấn, Lê Khôi bao vây, truy sát, bắt sống tướng giặc là Thôi Tụ và Hoàng Phúc tại tả ngạn sông Hồng.
Sau mười năm kháng chiến gian khổ, với sự chỉ huy thiên tài của Bình Định Vương Lê Lợi đất nước độc lập. Sau khi lên ngôi, Lê Lợi đã ban thưởng cho Lê Văn An chức Nhập nội Thiếu úy, Tư Mã, suy chung bảo chính công thần, tham dự triều chính. Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), Lê Lợi cho khắc biển ghi danh các vị khai quốc công thần, Lê Văn An được phong tước Đình Thượng hầu. Năm Nhâm Tý niên hiệu Thuận Thiên thứ năm (1432), Lê Văn An được gia phong Tán trị hiệp mưu công thần, Nhập nội kiểm hiệu Đại tư không Bình chương quân quốc trọng sự.
Năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình thứ nhất (1434), Lê Thái Tông phong cho Lê Văn An tước Đình hầu Duệ quốc công, Cái Bắc đạo Đô đốc Đồng tổng quản, lĩnh ấn tiên phong đem quân ngự tiền, quân thiết đột và quân bắc đi dẹp phản loạn ở Lạng Sơn. Đến đời Lê Thánh Tông, Lê Văn An được gia phong là Khắc quốc công. Cả cuộc đời Lê Văn An, kể từ khi là bạn học với Thái Tổ hoàng đế đến mười năm nếm mật, nằm gai trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh cũng như trong thời bình, Lê Văn An luôn tận tâm, tận lực với dân, với nước, là bề tôi tận trung với Vua.
Người thứ năm là Trịnh Khả sinh năm Quý Mùi (1403) tại làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, Trịnh Khả là người đứng hàng thứ năm trong số người cùng Lê Lợi tham gia Hội thề Lũng Nhai. Trong những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Trịnh Khả đã có nhiều công trong việc bảo vệ Lê Lợi đồng thời góp phần giao thiệp để Vua Ai Lao ủng hộ quân, lương, khí giới, voi chiến cho nghĩa quân Lam Sơn; Trịnh Khả là tướng dũng cảm trong trận mạc, thường đi tiên phong trong các trận chiến với giặc tại Thanh Hóa, Diễn Châu, Nghệ An, chỉ huy nghĩa quân vây thành Đông Đô, giữ vững ải Lê Hoa và góp phần đánh tan viện binh nhà Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạch chỉ huy.
Năm Mậu Thân (1428), sau khi lên ngôi Hoàng đế, Lê Lợi phong cho Trịnh Khả làm Kim tử vinh lộc đại phu Tả Lân hộ vệ tướng quân, được ban túi kim ngư, ngân phù.
Năm Thuận Thiên thứ hai (1429), Lê Thái Tổ cho khắc biển công thần khai quốc, Trịnh Khả được phong là Liệt hầu, coi giữ trong cung điện và giữ chức Đô Thái giám bốn đạo, cai quản mọi việc trong ngoài, kiêm an phủ sứ ở Tuyên Quang, sau đó Trịnh Khả được gia phong chức Hành quân tổng quản xa kỵ quân sự đồng tổng quản, lĩnh các đội Thiết đột. Năm Thuận Thiên thứ sáu (1433), Trịnh Khả được thăng làm Bảo chính công thần gia kim tử vinh lộc đại phu Lương Giang trấn quán quân tướng quân, Nhập nội thiếu bảo tham tri quân sự các vệ thuộc đạo Hải Tây và chức Thái giám, coi các việc trong ngoài, Trụ quốc, ban kim ngân phù. Năm 1484, Lê Thái Tông truy tặng Trịnh Khả làm thiếu phó liệt quốc công, sau lại truy tặng làm Hiển Khánh Vương.
NHƯ NINH NGUYỄN HỒNG DŨNG