Tạp ghi

Những Ngày GĐLMV-AIV Làm Nên Lịch Sử tại Washington D.C.

Những Ngày GĐLMV-AIV Làm Nên Lịch Sử tại Washington D.C.
Sau nhiều cuộc họp liên tục của Ban Chấp Hành anh chị em Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ kể từ khi có thông báo quyết định bãi nhiệm Bà Khúc Minh Thơ, và ông MC Nguyễn Nam Lộc trong chức vụ Cố Vấn cho Gia Đình Mỹ Việt, và đồng thời đổi tên Gia Đình Mỹ Việt thành Gia Đình Lai Mỹ Việt do Ban Chấp Hành mới với hơn 15 đại diện của các tiểu bang tham gia trong buổi họp đồng ý. ( Quyết Định Mang Số: QĐ 02/14112008 http://giadinhmyviet.org/forums/showthread.php?t=889)

Một trong những kế hoạch được đưa ra, đó là kêu gọi tất cả anh chị em mang hai dòng máu Mỹ Việt tập trung về Washington D.C để cùng tham gia ngày lễ tri ân người Cha, và đặt vòng hoa, thắp lên ngọn nến tưởng niệm hơn 58,000 linh hồn những người lính anh hùng đã tử trận hoặc mất tích trong chiến tranh Việt Nam tại Bức Tường Đen ở Washington D.C. Trong tờ báo Amerasian Voice số đầu tiên được ra mắt vào mùa Thu của năm 2008, chúng tôi cũng đã có thư thông báo và thư mời được gởi ra.

Vào ngày 28-2-2009, ngày Đại Hội Kỳ II của Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ cũng được nhắc đến trên website và qua nhiều trang báo điện tử, và nhiều email được gởi đi rộng rãi để thông báo đến anh chị em Lai từ khắp nơi hãy cùng nhau quy tụ về Vinh Danh Người Cha vào đúng ngày Father’s Day 21 tháng 6 năm 2009.
Gần đến ngày Father’s Day, chúng tôi nhận được “Thư Mời tham dự Đại Lễ Thắp Nến tại Bức Tường Đen” do bà Khúc Minh Thơ tổ chức hay bảo trợ, chúng tôi rất ngạc nhiên. Tại sao lại có chuyện chận đầu chận đuôi kỳ cục như vậy? Ttuy nhiên chúng tôi vẫn không bỏ cuộc và tiếp tục làm theo đúng kế hoạch đã dự trù từ lâu.
Cùng tiến về DC! Đó là câu khẩu hiệu kêu gọi mà chúng tôi phát động thành phong trào trong chuyến công tác ở Washington D.C., chuyến công tác này được hoạch định gồm bốn ngày:

Ngày thứ nhất:

Ngày 20 tháng 6 năm 2009: Khoảng chừng 4 giờ chiều chúng tôi có mặt tại Nghĩa Trang Quốc Gia Hoa Kỳ (Arlington National Cemetery). Sau khi tham khảo với người nhân viên trong văn phòng nghĩa trang, chúng tôi được cung cấp những giấy tờ cần thiết, cũng như bản đồ của khu nghĩa trang. Trước khi đến đây, chúng tôi cứ ngỡ rằng những người lính chết trong cuộc chiến nào thì sẽ được chôn cất riêng biệt theo khu đó, nhưng không phải như vậy. Anh chị em chúng tôi chia ra những lá cờ Mỹ nhỏ, và đi từng khu một để tìm những ngôi mộ nào có đề chữ Việt Nam thì chúng tôi cắm một ngọn cờ để Vinh Danh những người Cha, Chú của chúng tôi đang nằm trong lòng đất.


Sau hơn 4 tiếng đồng hồ thăm viếng, mặt trời cũng đã xuống dần và nghĩa trang cũng đã sắp đóng cữa, chúng tôi liên lạc với nhau để tập trung lại một địa điểm kiểm tra quân số trước khi ra khỏi cổng nghĩa trang, tuy làm việc quần quật hơn 4 tiếng đồng hồ nhưng tất cã anh chị em chúng tôi rất vui và cũng đã mãn nguyện với một ngày làm việc đầy ý nghĩa.


Ngày thứ hai:

Ngày 21 tháng 6 năm 2009: Từ sáng sớm anh chị em chúng tôi đã gọi liên lạc với nhau để đến điểm tập trung. Happy Father’s Day cho nhau xong là chúng tôi cùng bắt tay nhau vào công việc. Chương trình của ngày hôm nay là buổi sáng phải cố gắng sắp xếp hơn 400 lá thỉnh nguyện thư vận động cho vào folders cho bên Hạ Viện và 100 cái folders cho bên Thượng Viện, để chuẩn bị cho chương trình vận động ngày thứ hai 22 tháng 6.

Khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi cùng nhau ra Bức Tường Đá Đen dù những chồng Folders và những lá thư viết cho Các Dân Biểu và Thượng Nghĩ Sĩ còn nằm ngổn ngang chưa sắp xếp xong.
Nhưng tới giờ phút quan trọng cho nên bắt buộc phải ngưng tất cả những việc đang làm dở dang. Dù đã có bản đồ và sự hướng dẫn của Chị Nguyệt Lâm, là trưởng ban Đại Diện của Gia Đình Lai Mỹ Việt tại vùng Washington D.C., nhưng anh chị em chúng tôi đến được điểm hẹn cũng thật là vất vả.

Tại đây, chúng tôi đã gặp sáu vị đại diện cho các hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, trong có ông Bill Bennet, Maryland Chapter President of Vietnam Veterans of America, thân nhân và bạn bè cũng đến tham dự thật đông theo lời mời của Gia Đình Lai Mỹ Việt. Đặc biệt, ông Larry Taylor, một cựu chiến binh đã đưa vợ và con gái đến từ Cleveland. Ông cũng đang cố tìm lại đứa con của ông sinh tại Việt Nam mấy mươi năm mà không gặp.

Chương trình được bắt đầu với những lời khai mạc của Huy Đức. Anh Nhật Tùng và chị Luật Sư Tara Linh đại diện cho toàn thể anh chị em cùng đặt vòng hoa lên bức tường, sau đó chị Tara Linh đã chia sẻ dòng tâm sự của mình, chị là một trong những người Lai được may mắn đi trong những chuyến bay của chương trình Babylift Operation vào cuối tháng ba đầu tháng 4 năm 1975. Sự chia sẻ của chị đã làm cho mọi người xúc động.

Kế đến anh Nhật Tùng, đại diện cho Gia Đinh Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ đang sống trên khắp 50 tiểu bang, đã nói lên những nỗi niềm của những người con mang hai dòng máu, những nhọc nhằn mà một người con mang hai dòng máu phải gánh chịu sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Anh nói: “Chúng ta là những đứa con mang hai dòng máu có nguồn gốc từ hai bên bờ lục địa. Trong chúng ta có rất nhiều anh chị em không biết mặt Cha, nhưng giờ đây trước Bức Tường Đen được khắc tên hơn 58,000 quân nhân Hoa Kỳ, dù không biết Cha chúng ta còn sống hay đã qua đời, nhưng giờ đây chúng ta hãy xem như Cha của mình trên bức tường này.

Chị Nguyệt Lâm, đại diện cho Gia Đình Lai Mỹ Việt tại vùng Washington D.C., đồng thời là trưởng ban đại diện của Gia Đình Amerasian Voice của vùng Washington – Maryland – Virgina, và cũng là trưởng ban tổ chức ngày lễ Father’s Day tại D.C. lần nàỵ. Những lời chia sẻ của chị như đã thay mặt chúng tôi nói lên hết tất cả những gì đã dồn nén trong tâm trạng của chúng tôi từ bấy lâu nay, những lời nói của chị đã làm chúng tôi thật sự xúc động đến rơi lệ, bao nhiêu dòng nước tuôn trào, bao nhiêu nước mắt cũng không đủ để khóc, khóc không phải vì mít ướt mà khóc là vì tủi thân cho tâm trạng của những đứa con bị bỏ rơi, bị thiếu thốn tình thương yêu bảo bọc của cha mẹ. Khóc vì tình thương của anh em trong cùng cảnh ngộ, khóc vì hạnh phúc đang được đứng bên cạnh Cha mình dù Cha mình có thể chỉ là một cái tên nào đó trong hơn 58 cái tên trên bức tường đá hoa cương kia .

Sau đó là anh chị em đại diện của từng tiểu bang lên phát biểu. Từ tiểu bang Utah, California tới Texas, đến Pennsylvania… hầu hết những anh chị em ở các địa phương lần lượt lên phát biểu cảm tưởng của mình.
Khi những vị đại diện cho các Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ lên phát biểu, tâm trạng chúng tôi càng bàng hoàng và xúc động nhiều hơn, từng lời nói của Cha/Chú chúng tôi như những liều thuốc trợ lực đi vào từng trái tim, từng tâm hồn của chúng tôi.

Sau nghi thức lễ đặt vòng hoa xong thì cũng đã gần 8 giờ tối, mặt trời cũng đã bắt đầu từ từ lặn xuống. Anh chi em chúng tôi bắt đầu chia nhau những ngọn nến cho số người tham dự, những ngọn nến từ từ thắp sáng lên, những ngọn nến ấm áp sưởi lòng cho linh hồn phảng phất của hơn 58 ngàn người anh hùng của nước Mỹ, và ấm luôn cả những trái tim bơ vơ của những đứa trẻ lạc loài như anh chị em chúng tôi nay đã tìm về cội, lòng tôi chùng xuống và đâu đây như có những đôi mắt vô hình đang hướng về anh chị em chúng tôi như thầm nói: “I am proud of you too, my children”.

Lúc này, số người tham dự từ các Hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ và thân nhân của họ càng ngày càng đông, đứng chật luôn cả khu vực trung tâm của Bức Tường Đen, vì vậy mà nhân viên cảnh sát tới yêu cầu chúng tôi là xin vui lòng sắp xếp chừa một lối đi cho người bộ hành, những người bộ hành này cũng đi viếng thăm thân nhân của họ, và khi thấy chúng tôi là những người con hai giòng máu làm một việc ý nghĩa và linh thiêng cho những người Cha, Chú dù chưa một lần gặp mặt, nên họ càng tụ lại đông hơn để hiệp thông với tấm lòng của chúng tôi. Một sự hiệp thông đốt xuất mà làm cho chúng tôi thật bất ngờ con số người tham dự càng ngày càng đông, đông không thể đếm nổi.

Sau khi làm lễ dâng nến tại Bức Tường Đá Đen xong, chúng tôi tuần tự tuần hành qua khu vực Tượng Đài Đợi Mong, cùng nắm tay nhau kết lại thành một vòng tròn, cùng nắm chắc tay nhau, cùng dâng tâm hồn của mình lên trong khi những người Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ cất lên lời cầu nguyện, chúng tôi ngậm ngùi xúc động trong lời cầu nguyện của ông Larry Taylor, lúc bấy giờ trong tim tôi thầm nghĩ rằng: “Thưa Cha dù Cha đã qua đời hay Cha vẫn đang còn sống, dù Cha đang sống bất cứ một nơi nào chúng con vẫn cảm nhận được Cha đang ở gần bên chúng con, chúng con vẫn luôn luôn cầu nguyện cho những người Cha, Chú đã qua đời an vui nơi vĩnh hằng, và cầu nguyện ơn trên ban nhiều sức khoẻ và bình an đến cho những người Cha/Chú còn tại thế”.

Sau khi nghi thức Dâng Hoa và Thắp Nến hoàn tất, chúng tôi còn nán lại để tâm tình trao đổi với những nhà báo Ngoại Quốc cũng như những nhà báo Việt Nam và những người cựu chiến binh Hoa Kỳ. Trời cũng đã tối hẳn, anh chị em chúng tôi chia tay với họ trong tình thân vừa mới chớm nở, kéo nhau ra khu trung tâm thương mại Eden Center của Việt Nam để dùng bữa cơm tối. Bữa cơm tối này thật là thân tình, anh chị em chia sẻ tâm tình và những gì mà chúng tôi đã trải qua trong hai ngày qua. Sau bữa cơm chúng tôi về lại khách sạn, và cùng nhau tiếp tục xếp những hồ sơ đang ngổn ngang chờ đợi tất cã anh chị em cùng làm cho đến đến 2 giờ sáng.

Ngày thứ ba: Ngày Vận Động Cho Dự Luật H.R.4007

Ngày 22 Tháng 6 năm 2009: Theo như bên ban liên lạc cho biết hôm nay chúng tôi gồm có 5 cuộc hẹn, bốn cuộc hẹn với bốn văn phòng Dân Biểu ở Hạ Viện, đó là:
– Congressman James Matheson (UT)
– Congressman Pete Sessions (TX)
– Congressman Jeb Hensarling (TX)
– Congresswoman Cathy McMorris Rodger (WA)
Và một cuộc hẹn với văn phòng Thượng Viện:
– Senator Barbara Boxer (CA)

Khi gặp những vị dân biểu của Hạ Viện, chúng tôi trình bày những khó khăn của anh chị em mang hai giòng máu khi còn sống ở Việt Nam, vì những lý do về mặt chính trị mà chúng tôi không được may mắn có cuộc sống như con người, và càng không được đến trường vì những lý do bị đối xử kỳ thị, cho nên kể cả ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cũng là một trở ngại cho chúng tôi, huống hồ gì phải qua một cuộc trắc nghiệm thi tuyển bằng Anh Ngữ. Bên cạnh đó, chúng tôi là những người con mang hai giòng máu Mỹ Việt, là những người con của những người chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam được trở về quê Cha theo diện trở về nhà trong Luật Amerasian Homecoming Act, do Cố Tổng Thống Ronald Reagan đã ký khi ông còn tại chức, chứ không phải chúng tôi đến Hoa Kỳ theo một diện tỵ nạn hay một diện nhân đạo nào khác.

Bên cạnh đó khi gặp bà: Ann Norris là đại diện cho Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer, chúng tôi trình bày về hiện tình anh chị em Lai chúng tôi còn kẹt tại bên VN, với một con số phỏng đoán khoảng hơn 500 người với nhiều lý do khác nhau mà hồ sơ của họ bị từ chối, vì nhu cầu cần thiết và cấp bách của sự việc, nên chúng tôi cần đến sự giúp đỡ của các vị Thượng Nghị Sĩ can thiệp với bên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về vấn đề mấy trăm người con mang hai giòng máu còn kẹt lại tại Việt Nam.

Bên cạnh tổ chức những phái đoàn đi gặp những văn phòng Dân Biểu và Thượng Nghĩ Sĩ, còn lại số anh em khác chúng tôi chia nhau những Folders để đi gõ cửa từng văn phòng một của 441 văn phòng Dân Biểu tại ba tòa nhà Cannon-Longworth-Rayburn của Hạ Viện Hoa Kỳ.

Thật là một ngày làm việc thật là vất vả mệt nhọc, nhưng anh em chúng tôi rất là vui vẻ và hào hứng, có nhiều anh chị em lần đầu tiên đi vào Quốc Hội nên rất là ngạc nhiên và bỡ ngỡ, nhưng ai cũng ra về với khuôn mặt rạng rỡ vui tươi vì vừa làm được một nghĩa cữ cao đẹp cho chính bản thân mình và cho anh chị em Lai của mình.


Ngày thứ Tư:

Ngày 23 tháng 6 năm 2009, sau một ngày lội bộ khắp ba toà nhà của Quốc Hội Hoa Kỳ, chúng tôi ngỡ rằng anh chị em sẽ mệt mỏi và dậy trễ, nào ngờ mới sáng sớm là anh chị em đã gọi nhau liên tục. Đúng 10 giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại Tòa Nhà Thượng Viện.

Việc đầu tiên là chúng tôi có cuộc hẹn với văn phòng Thượng Viện của Senator Patty Murray tiểu bang Washington. Sau hơn 20 phút trao đổi và chia sẻ với ông Anrew J. Rowe, phụ tá lập pháp, vị đại diện cho Thượng Nghị Sĩ Patty Murray gặp chúng tôi. Chúng tôi đã trình bày và cung cấp cho họ đầy đủ hình ảnh mà anh em còn kẹt lại bên Việt Nam, khi họ nhìn thấy những tấm hình này họ rất là ngạc nhiên, bởi vì họ cứ ngỡ rằng không còn một người mang hai giòng máu nào còn kẹt lại ViệtNam nữa. Sau khi nghe chúng tôi thỉnh cầu, họ cho chúng tôi biết họ sẽ làm việc trực tiếp với bên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để tìm hiểu và làm rõ vấn đề.
Sau đó chúng tôi ghé thăm văn phòng của Thượng Nghị Sĩ John McCain, người đã hứa sẽ ủng hộ cho Dự Luật H.R. 4007. Đồng thời chúng tôi có ghé thăm văn phòng Thượng Nghĩ Sĩ Mel Martinez của tiểu bang Florida, và chúng tôi cũng gõ cửa vận động tất cả những văn phòng còn lại của ba toà nhà của các Thượng Nghĩ Sĩ Hoa Kỳ.

Đúng 6:00 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi có cuộc hẹn với bà Dân Biểu Zoe Lofgren, tác giả của dự luật H.R. 4007, khi chúng tôi đến văn phòng thì mới biết là bà vừa xuống phi trường và chuẩn bị cho một cuộc họp để bỏ phiếu cho một dự luật nào đó. Nhưng bà cũng dành cho phái đoàn chúng tôi gần 20 phút, bà trình bày những cái khó khăn của dự luật H.R. 4007, ngược lại bên phái đoàn chúng tôi cũng đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề Dự Luật H.R. 4007 này. Sau khi chụp hình chung với phái đoàn chúng tôi để làm lưu niệm, bà vội vã cùng người phụ tá đi họp. Chúng tôi còn ngồi lại với bà Ur Mendoza Jaddou, Chief Counsel thay bà Zoe Lofgren tiếp chúng tôi để tham khảo thêm những vấn đề liên quan đến Dự Luật H.R. 4007 và anh chị em còn kẹt lại bên Việt nam. Gần 45 phút ở văn phòng Bà Dân Biểu Zoe Lofgren chúng tôi ra khỏi toà nhà Hạ Viện Cannon gần 7:00 giờ tối ngày 23 tháng 6 năm 2009.

Sau bốn ngày làm việc cực lực tại Washington DC, anh chị em chúng tôi cùng ra một nhà hàng dùng một bữa cơm cuối trong những ngày ở DC và hôm sau anh chị em chúng tôi ở tiểu bang nào lại trở về tiểu bang đó bên gia đình và tiếp tục với công ăn việc làm hằng ngày.

Với câu châm ngôn: Bởi Lai, Cho Lai và Vì Lai trong tinh thần lá lành đùm lá rách lá rách đùm lá tả tơi. Với bốn ngày đầy gian nan và khổ cực anh chị em chúng tôi hãnh diện đã tự đứng trên đôi chân của mình và đây là lần thứ nhì mà chúng tôi đã gõ cửa tất cã những văn phòng Dân Biểu Quốc Hội Hoa Kỳ và 100 văn phòng Thượng Nghị Sĩ chúng tôi đã được đón tiếp một cách rất là nồng nhiệt.

Để cho tất cả những anh chị em mang hai giòng máu thấy rằng: Không có gì làm khó được chúng ta, chỉ có chúng ta nhu nhược và không tin vào khả năng của chính bản thân mình thì chính mình đang tự làm khó mình mà thôi!
Không ai cứu được mình khi mình không chịu cứu lấy chính bản thân mình, và không ai thương Lai bằng chính anh em Lai của mình, xin hãy tự thắp đuốc lên mà đi.

Mong lắm thay…
Nguyễn Hoàng Huy Đức

Xin kính mời qúy vị dành chút thời gian qúy báu của mình để xem những Link Youtube mà chúng tôi vừa hoàn tất .
1-Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ viếng thăm nghĩa trang Quốc Gia ngày 20 tháng 6 năm 2009
http://www.youtube.com/watch?v=Hs4tTupkvp0
2-Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ tổ chức nghi lể Dâng Hoa và Thắp nến ở Bức Tường Đá Hoa Cương tại Washington DC
http://www.youtube.com/watch?v=GYOQfjQdNpI
3- Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ tổ chức một cuộc Tổng Vận Động tại Lưỡng Viện Quốc Hội Hoa Kỳ
http://www.youtube.com/watch?v=smh621q89Hk
4-Hình ảnh những anh chị em Lai còn kẹt tại Việt Nam. Anh chị em Gia Đình Lai Mỹ Việt Liên Bang Hoa Kỳ cố gắng bằng mọi cách và mọi phương tiện để giúp đỡ anh chị em ở Việt Nam.
http://www.youtube.com/watch?v=5EwLGSAKpxU

TB: Xin tất cã qúy chú bác và qúy anh chị em chuyển giùm email này cho tất cã các cơ quan truyền thong báo chí hay bạn bè mà bạn quen biết.

 

— On Wed, 7/15/09, Huyduc Nguyen <nguyenhoanghuyduc@yahoo.com> wrote:

Amerasian Independent Voice of America
Gia Dinh Lai My Viet
Tieng Noi Doc Lap Tai Hoa Ky  
(509) 263-7903)
   Live as if you were to die tomorrow
   Learn as if you were to live forever
   (Gandhi