Tạp ghi

Hà Thúc Sinh – Lan Man Chuyện Thơ

Hà Thúc Sinh – Lan Man Chuyện Thơ  

Có lẽ trên đời này không gì sướng bằng một người làm thơ in được tập thơ đầu tay. Cảm giác sung sướng ấy chắc không khác nhau nhiều lắm giữa một thi sĩ trẻ chưa thành danh hay một ngòi bút lão luyện đã bước vào cái thập niên có thể là cuối cùng của một đời người. Và có lẽ cũng chẳng ai hào sảng hơn các thi sĩ khi in được tập thơ đầu tay ấy.

Ôi thôi họ ký tặng kể chi. Còn nhớ cách nay 36 năm, khi HÐHQ ngoài Trung vào nhờ người viết trực tiếp đứng ra lo việc ấn hành thi tập “Chiến Tranh Việt Nam và Tôi” cho Nguyễn Bắc Sơn, vì gần nhà, gia đình lại có sự quen biết qua lại với cha Lãm, với ông Ngọc quản lý, người viết đem tập thơ sang in ở nhà in của nhật báo Xây Dựng trong đường Thánh Mẫu. Khi nhìn cái maquette, ông Ngọc có ý quan ngại hỏi rằng: “Các anh in thơ bià ruột cầu kỳ thế này thì đời nào lấy được vốn về.” Nguyễn Bắc Sơn đứng sau lưng cất cái giọng Phan Thiết nói ngay: “Ý anh bác ơi, in thơ để tặng chớ ai in thơ để bán bao giờ!” Tập thơ “in để tặng” ấy thất bại não nề về tài chính cho nhà xuất bản Ðồng Dao dù mấy chục năm sau nó được ngợi ca như một kỳ thư của thời chiến tranh VN. Ngay Võ Phiến khi ngoài bảy mươi mới ấn hành được một thi tập, và hiển nhiên ông đâu có bán, chỉ để đắc ý ký tặng văn thi hữu. Nhưng khác với thơ Nguyễn Bắc Sơn được người cùng thời lẫn người lớp sau ái mộ, thơ Võ Phiến không tệ, nhưng rõ ràng nó không được tiếp đón nồng nhiệt bởi giới trẻ. Khi còn sống gần nhau ở Nam Calif., có lần ông ghé tệ xá uống trà và than rằng: “Tôi có tặng cho X (một người viết phê bình trẻ bên Úc) một cuốn, và cậu ấy có thư cho tôi bảo rằng ‘cháu đã nhận được tập thơ của bác và đã đọc, nhưng nếu chọn cháu chỉ có thể chọn được cái tựa tập thơ thôi.’”

Như thế, thơ ngày nay, nói không sợ thậm xưng, quả đã rẻ rúng lắm. Nó chẳng những rẻ với giới bán sách mà rẻ với cả báo giới, với cả những nhà phê bình. Xin cứ để ý mà xem. Ở các nhật báo, tuần báo… thơ lai cảo thường được dùng để trám những khoảng trống. Nó đứng ngang hàng với những cái khung chia vui chia buồn; thảm hơn, có khi nó được dùng như một cái vignette trám vào bên dưới mấy cái quảng cáo “Nhiều em mới về…” vân vân và vân vân. Trừ những tạp chí có tính văn học nghệ thuật hẳn hòi thì không nói, kỳ dư thơ ngày nay mang cái số phận hẩm hiu giống đám lưu dân không ai muốn chứa chấp. Sở dĩ người viết tự nhiên viết về thơ một cách khá chua chát như thế là vì mới đây có một người bạn từ VN viết thư qua nhờ tìm mua giúp cho anh một số thơ của những thi sĩ tị nạn tại Mỹ. Càng nhiều càng tốt. Nội dung lá thư cho biết bạn ta lại đang lăm le trở thành một nhà phê bình đây. Nhưng chiều bạn, nhiều dịp đi qua những thành phố lớn đông người Việt như quận Cam, San Jose, San Diego, Houston, Virginia… hễ thấy có tiệm sách Việt ngữ là lại tạt vào lục tìm cho bạn được tí nào hay tí nấy. Thế mà kết quả chẳng có là bao. Có lần hỏi một bà chủ tiệm sách quen ở quận Cam về thi tập của một nhà thơ mới nổi tiếng thì bà lắc đầu nói rằng “Chưa nghe thấy tên bao giờ”. Giở ngay một tạp chí loại văn học nghệ thuật đang bày bán trên quầy chìa cho bà ấy xem trang điểm sách có kèm quảng cáo về một thi tập đang được to tiếng tán tụng trên thi đàn, có hàng chữ “Tìm mua nơi các tiệm sách Việt ngữ trên khắp thế giới,” thì bà cười bảo: “Bộ nói dóc bị đánh thuế hay sao hả ông? Ông biết mà, tôi bán sách chỗ này đến nay đã gần 30 năm, nói thật với ông tôi chưa nghe cái tên ông này bao giờ; mà có nghe chăng nữa, tiệm bằng cái lỗ mũi thế này đào đâu ra chỗ bày bán mấy cái thơ thơ thẩn thẩn ấy.”

Nghe xong mà thấy choáng váng mặt mày. Nhớ lại thời tiền 75. Chiến tranh như thế, máu đổ xương rơi như thế, những tiệm sách từ  Sài Gòn xuống tới các tỉnh lỵ chật hẹp như thế, nhưng người yêu thơ vẫn có thể ghé qua tìm được rất nhiều loại thơ của nhiều loại thi sĩ. Thơ ta, thơ tây, thơ tàu, thơ nhật, thơ tiền chiến, thơ thời chiến, thơ tình, thơ thiền, thơ cay chua mặn ngọt, nói tóm thơ gì cũng có. Ngày nay thơ không còn chỗ dung thân. Và phải chăng vì thế rất nhiều thi sĩ đã thôi không còn làm thơ và một ngày kia ở đất người họ sẽ nằm xuống như một người… thợ (ở một ngành nghề nào đó) thay vì giấc mộng ban đầu ước sao ngày trăm tuổi mình sẽ nằm xuống như một người thơ được yêu mến như Ðinh Hùng từng mơ ước:

Khi anh chết các em về đây nhé
Về quanh anh và xoã tóc bên mồ…

Thơ và thi sĩ ngày nay như đều lọt vào những âm mưu hủy diệt non. Những người tri kỷ của nó thì lần lượt đã qua đời. Hãy xem như ông Khai Trí. Gặp nhau trước khi ở tù ông thao thao nói về việc in thơ; gặp nhau trong tù ông tiếp tục thao thao nói về chuyện in thơ; gặp lại nhau bên Mỹ ông in thơ thật. Mười bốn năm trước gặp lại ông ở Nam Calif, ông níu lấy nói chuyện sách vở, rồi thì: “S. ơi, cho tôi mấy bài thơ nhé, kỳ này sẽ in một tuyển tập ‘Tình Yêu Trong Danh Ngôn và Thi Ca’ dày và đẹp lắm đấy.” Người viết giấu tiếng cười trong bụng. Sau 75 ông đã mất hết rồi. Giờ chạy sang Mỹ, tiền đâu ông tính chuyện in thơ, lại còn in dày, in đẹp? Mà giá gom góp được ít tiền chăng nữa, in thơ rồi ông đem bán cho ai? Nhưng cũng cứ về lục đưa cho ông hai bài nhè nhẹ. Dè đâu năm sau trước khi về lại VN tính chuyện “in ấn lớn,” và “nhà sách Khai Trí mới phải cao ba tầng và có hầm cho xe hơi đậu,” ông đã vứt tiền qua cửa sổ Mỹ một lần cho đời biết tay. Hai tuyển tập về thơ và danh ngôn ông cam kết sẽ in đã chính thức “âm thầm” ra đời. Chẳng hiểu quay về Việt Nam lần ấy, trước khi buông bỏ mọi thứ mộng lớn mộng con ông có làm được gì khá hơn thời trước 75 không; nhưng dù có hay không, tuyển tập thơ ông Khai Trí gửi đến từng tủ sách gia đình bạn bè già trẻ của ông ở hải ngoại mười lăm năm trước vẫn thường rực sáng lên cái tính tri kỷ với các người thơ của ông—nói ông là tri kỷ vì trong trường hợp in thơ này ông đã vượt ra ngoài cái con người vụ thực cố hữu; nói cách khác, việc làm của ông trong vụ này cũng có tính “mơ mộng” không khác lắm với chính các thi sĩ góp thơ cho ông in.

Các thi sĩ thì ước sao khi chết có các em về xoã tóc bên mồ; không biết tri kỷ của thi sĩ như ông Khai Trí thì có ước không, nếu có, ông đã ước điều gì? Thơ ngày nay không có chỗ bày trong các tiệm sách để đến được tay các… cô em dài tóc; thi sĩ ngày nay dần dà mất đi các tri kỷ là những người yêu thơ, ngâm thơ, và in thơ của họ. Rồi họ, những thi sĩ thời mạt thơ này sẽ ra sao? Biết đến bao giờ nữa họ lại mới tìm lại được họ như Xuân Diệu thủa chưa hỏng tự tìm thấy mình:

Tôi là con chim đến từ núi lạ.
Ngứa cổ hót chơi.
Khi gió sớm vào reo um khóm lá.
Khi trăng khuya lên ủ mộng xanh trời…

Ồ mà Xuân Diệu là ai? Hỏng ở chỗ nào? Lẽ tất nhiên cái chuyện ông trổ giọng hô hào chém giết ta oán trách làm gì. Khi sợ hãi thái quá người ta đều có thể có những phản ứng bất nhân tương tự. Ðến như Nguyễn Tuân kia mà còn tay nâng lên chén rượu, nước mắt ngắn dài, than rằng sở dĩ ta còn sống được vì ta đã biết sợ kia mà. Cái hỏng của Xuân Diệu nằm ở chỗ này:

Hồi ấy, một ngày trung tuần tháng Năm năm 1975, người viết từ miền Tây mới thoát chết về được tới nhà ít ngày thì thốt nhiên có anh bạn nhà thơ Trần Tuấn Kiệt ghé thăm. Anh bảo: “S. ơi, mày có xe chở tao lên toà đại sứ Ðại Hàn xem anh em họ làm trò gì ở trển. Nghe nói hôm nay họ tụ tập đông lắm.” Thế là cái máu tò mò đã kéo chúng tôi lên đường Nguyễn Du. Thấy có mấy chiếc bàn quán cóc kê ngay trên lềâ đường chúng tôi tấp vào gọi cà phê và nhìn vào bên trong toà  đại sứ. Quả nhiên anh em văn nghệ sĩ Sài gòn đã tụ vào bên trong đông thật. Họ đang xếp hàng trình diện và đăng ký. Nơi mấy chiếc ghế bành kê ở tiền sảnh còn thấy mấy đàn anh văn nghệ ngồi uống cổ nhắc với nhau nữa. Người viết nghĩ bụng mình quân nhân thì cứ nhẩn nha xem cách mạng xử với quân nhân thế nào, hà cớ đâm đầu vào đó trình diện làm gì, mà đã có ai chỉ trán gọi tên đâu mà phải trình với diện. Bàn bên cạnh thấy có một ông già gầy, trán cao, không nhớ là có râu dài hay không. Ngồi đối diện với ông già ấy là Duyên Anh và thêm một người nữa. Hỏi Kiệt ai vậy, nói không biết. Rồi vì cuộc đối đáp giữa Duyên Anh và người lạ mặt có lúc xem ra hơi gay gắt khiến chúng tôi đều lắng tai nghe.

Giọng Duyên Anh:

– Thì việc đếch gì anh phải đi làm thơ hô hào chém giết tởm thế?

Ông già cười tỉnh bơ, đáp:

– Ðó là thơ kiếm cơm. Còn thơ tình của tớ ấy à, thơ tình Xuân Diệu ấy à, đến nay không dưới bốn ngàn bài đâu nhé. Bây giờ thống nhất rồi. Khi cách mạng không còn cần triệt để chuyên chính nữa, tớ giao cho các cậu in đấy, có khả năng thì cứ in đi.

Ðấy, đấy là thi sĩ Xuân Diệu mà ngẫu nhiên ngẫu nhĩ người viết được nhìn thấy bằng xương bằng thịt một lần trong đời, đã tự thú như thế: ông hô hào giết người chỉ là để… kiếm cơm.

°

Ðời thơ, nghĩ cho cùng, in được tập thơ đầu tay với tấm lòng nguyên chất thi nhân và được ngợi ca như NBS, hay lúc xế chiều in được tập thơ đắc ý dù kém được chia sẻ như VP vẫn có nhiều lý do để vinh dự hơn là được in 4 ngàn bài thơ như XD mà trước khi chết, nhất định đã có đôi khi chính ông ta phải tự thấy mình đã quá lấm lem.

HÀ THÚC SINH