VỀ TÁC GIẢ CỦA MỘT CÔNG TRÌNH ĐỂ ĐỜI – NGUYỄN HOÀNG QUÝ

VỀ TÁC GIẢ CỦA MỘT CÔNG TRÌNH ĐỂ ĐỜI.
NGUYỄN HOÀNG QUÝ
Có một công dân Thái được người Thái biết đến nhiều, những người làm nghệ thuật, những du khách quốc tế từng đến Thái Lan cũng nghe tiếng ông, Wikipedia cũng đưa tên ông vào từ điển và nếu bạn gõ tên ông vào Google bạn sẽ nhận được 62.500 kết quả trong 0.66 giây. Ông là Ajarn Chalermchai Kositpipat, người khai sinh một ngôi chùa nổi tiếng của tỉnh Chiang Rai, là biểu tượng của tỉnh này và cũng rất nổi tiếng ở Thái Lan.
Tôi được biết về ông và thật sự ngưỡng mộ người nghệ sĩ tài hoa này khi con gái tôi đến Chiang Rai một tỉnh cực Bắc Thái Lan làm việc 3 ngày, vào thăm chùa Rong Khun, người ngoại quốc thường gọi là White Temple. Khi về, cháu cho tôi một tập tài liệu song ngữ Anh – Thái và hình ảnh, xếp 3 lần thì thành một quyển sách khổ 15×21. Tài liệu là một bài viết rất ấn tượng gần 4 trang của (Mr.) Leo Schuur do (Associate Professor) Malithat Promathataved dịch, giới thiệu về Chalermchai Kosipipat và Wat Rong Khun, từ đó, tôi bỏ công tìm hiểu để có thể có một cái nhìn khái quát về nhân vật này.


Sinh năm 1955 tại Chiang Rai, chàng họa sĩ này theo học trường Silpakorn University. Việc anh chọn nghệ thuật truyền thống Thái khi phân ngành trong một lóp chỉ 3 SV trong lúc nghệ thuật đương đại quốc tế là ngành ăn khách thu hút hơn 40 SV ngày ấy xuất phát từ một đam mê khi mà như bao sinh viên khác, anh thích nghệ thuật hiện đại Âu-Mỹ với nhiều tên tuổi lừng danh như Monet, Van Goh, Dali, Picasso… nhưng khi điểm lại phong cách của họ thì anh nhận ra rằng những style đó không hợp với mình! Mặc cho những “lời ra tiếng vào”, những ý kiến cho rằng “nghệ thuật dân tộc Thái bị nhạo báng vì xưa cũ và không hợp thời” anh vẫn bình thản đi tiếp con đường mình chọn. Mỗi lần đụng đến nghệ thuật nước ngoài anh đều có cảm tưởng như mình “ngớ ngẩn” và những bức bích họa Thái (cổ) có sức thu hút anh hơn. Càng ngày, Charlemchai càng “fell in love and sympathized with national arts” như anh trả lời phỏng vấn lý do anh chọn ngành Hội họa, Điêu khắc và Đổ họa Kiến trúc ở trường. Vào năm thứ tư ở Đại học, khi anh đoạt huy chương vàng trong triễn lãm Bua Luang lần thứ 3 thì mọi người thấy được con đường anh đi là đúng và anh tạo đã tạo ra một hướng mới cho nghệ thuật hiện đại Thái được mệnh danh là “một khía cạnh của lối sống Thái!”


Tốt nghiệp đại học năm 1977, Ajarn Chalermchai bắt đầu với việc vẽ quảng cáo phim. Những bức bích họa của ông thường pha trộn truyền thống Phật giáo thể hiện ở các chùa chiền và những hình ảnh hiện đại, việc này đã gây ra nhiều tranh cãi (hiện nay, những bức vẽ của ông ở Wat Rong Khun cũng tiếp tục có sự pha trộn như thế, ví dụ có cả những nhân vật Doremon, Angry Bird, Cướp biển… như con gái tôi kể lại, và ông trả lời cho khách nước ngoài việc ông vẽ trong con mắt của quỹ (Demon) có hình George Bush và Bin Laden rằng mình muốn cảnh báo cho cả hai người nên hướng về hòa bình và hạnh phúc trên thế giới). Dần dà, những sản phẩm nghệ thuật của ông được chấp nhận rộng rãi, trong số khách hàng của ông có cả quốc vương Thái, có một sản phẩm của ông bán với giá 17.500 USD trong một cuộc đấu giá nghệ thuật Thái của sàn đấu giá Christie ở Singapore.
Quần thể kiến trúc Wat Rong Khun (The White Temple) được xây dựng từ cách đây 17 năm (năm 1997) với sự cộng tác của một ê kíp gồm 80 người nguyện hiến dâng toàn bộ sức lực và cố gằng để công trình này đạt đến sự hoàn hảo cao nhất. Ajar Chalermchai cũng muốn trở thành một người xứng đáng và hữu ích cho đất nước mình, muốn sáng tạo nghệ thuật theo cách riêng và phát triển nghệ thuật Phật giáo Thái Lan đạt đến sự thừa nhận quốc tế. Ông muốn nhân dân nhiều nước đến và ngưỡng mộ công việc mình làm như khi họ muốn viếng thăm Taj Mahal và Angkor Wat (“I want to be good and valuable to my country. I want to create arts in my own style and to develop Thai Buddhist arts to be accepted internationally. I want people of all nations to come and admire my works, like when they want to visit The Taj Mahal or The Ankor Wat”).
Ajarn Chalermchai muốn xây dựng Wat Rong Khun thành một ngôi chùa nổi tiếng nhất trên thế giới và xiển dương sự huy hoàng của nền nghệ thuật Phật giáo Thái hiện đại. Vì vậy, ông cho rằng cần phải cống hiến tất cả thì giờ của mình cho công trình này, phải học hỏi và phóng tầm mắt của mình đến hai thế hệ học trò kế cận tiếp theo vì ông dự kiến rằng phải 60-90 năm sau khi ông mất dự án này mới hoàn thành. Từ suy nghĩ này, Ajarn Chalermchai thường thức dậy từ 2g sáng, thiền định khoảng 1 giờ và sáng tác, hoạch định chương trình làm việc trong ngày và sữa chữa những bài làm của sinh viên.
Tôi rất tiếc chưa đến được nơi này để chiêm ngưỡng toàn cảnh ngôi chùa và những bích họa của ông, chỉ nhìn thấy những mãnh rời qua hình ảnh của quần thể nghệ thuật này trên tài liệu và trên Google Images và con gái chụp nhưng vô cùng thán phục người nghệ sĩ này khi ông trả lời phỏng vấn rằng “Tôi muốn là nghệ sĩ duy nhất trên thế giới có thể sáng tạo bất cứ thứ gì với sự tự do tuyệt đối. Tôi không muốn làm việc dưới ảnh hưởng hay sự chỉ đạo của bất cứ ai. Không ai trên thế giới có thể ra lệnh cho tôi làm những việc đáng ghê tởm của họ bởi vì tôi không nhận bất cứ đồng tiền trợ cấp nào từ những nguồn bao gồm những viên chức, những chính trị gia hay những nhà triệu phú. Tiền bạc tạo cho người đem cho những quyền lực để gây ảnh hưởng trên người nhận như rất nhiều nghệ sĩ đã phải làm việc như một người làm thuê. Và như vậy, tôi phải tự kiếm tiền để tự xây dựng ngôi chùa”. Ông còn nói: “ Chỉ có cái chết mới chấm dứt ước mơ của tôi nhưng không thể chấm dứt dự án của tôi!”. Và ông cũng hy vọng rằng công việc sẽ cho mình một “immortal life”!
Cho hay, sự tự do trong sáng tác cần thiết biết bao đối với sự thành công của một người nghệ sĩ! Hoan hô và chúc mừng ông, Ajarn Chalermchai Kosipipat, được sống trong chế độ tự do để có điều kiện thể hiện tài năng của mình. Ông là một nghệ sĩ mà theo tôi, nếu không nói quá lời, xứng đáng để được lưu danh muôn thuở, ít nhất là với nhân dân và đất nước Thái Lan.
NGUYỄN HOÀNG QUÝ