Cao Mỵ Nhân,  Văn

VĂN: “THU VÀNG” – “VIÊN ĐẠN ĐỊNH MỆNH” – “THƠ PHÚ BUỒN TÊNH” – Cao Mỵ Nhân

 Getty Images/iStockphoto

THU VÀNG

Ở Hoa Kỳ, mùa thu thật khô ráo, có một chút ẩm ướt nếu sương rơi hững hờ, hay khói tỏa mơ hồ …

Tôi đang cư ngụ ở quận Los Angeles, sát biển tây , nên chuyện khói sương từ xa khơi bay vào thành phố, cho ta một chút hắt hiu êm đềm, để bảo rằng thiên hạ đã …cộng tri thu, cùng biết mùa thu mênh mông đầy trời …

Nhưng mùa thu đó hơi khác lạ với thu vàng VN đúng nghĩa …nhất là thu ở Hà Nội, thời còn giới trí thức tiểu tư sản .

Hay là mùa thu chưa lấm đất bùn …lao động xã hội chủ nghĩa, một mùa thu lãng mạn của tầng lớp trung lưu, mặc dù lớp trung lưu ấy, có người cũng xơ xác không kém giới bình dân nghèo khổ .

Nhưng mùa thu miền bắc nói chung, đã đi vào văn chương, nghệ thuật như những thiếu nữ rong chơi thủa xuân thì …

Mùa thu ở xứ sở có đủ mầu sắc xuân hạ thu đông, thì đậm nét văn học ngay từ thực tế, chưa cần thể hiện trong những tác phẩm nghệ thuật.

Thế nên, cho tới giờ này, sách truyện thơ nhạc vv…mô tả mùa thu ở Bắc Kỳ …vẫn không thể thiếu mây vàng, mưa bay lất phất, nắng nhàn nhạt, gió hiu hiu nhè nhẹ thôi …

Lần đầu tiên thủa mùa thu mơ màng đó, tôi vừa học hết bậc tiểu học, mới lên đệ thất trung học, tức lớp 6 ngày nay …tôi đã xem tiểu thuyết !

Đúng ra là 2 cuốn truyện …như tuỳ bút, hay sự thật 100% trong đời tác giả, mà thời nay gọi là truyện ký, hồi ký, thậm chí quý vị còn kêu ” ký ” ngắn gọn .

Đó là tác phẩm Mưa Thu và Quán Gió của nhà văn Ngọc Giao ở Hà Nội vào năm 1953, trước khi tôi di cư vô Nam .

Cả 2 cuốn truyện trên, nhà Văn Ngọc Giao đều đưa khung cảnh Mùa Thu đất Bắc vô nội dung Tác phẩm của ông.

Vì hôm nay tôi chỉ muốn kể chuyện về mùa thu chan chứa sắc vàng ở phần đất, mà trong văn chương và ngoài cuộc đời thể hiện song hành .

Nếu mùa thu ở các tỉnh Bắc kỳ gọi là vùng ” tề ” như Hà Nội, Hải phòng vv…thủa trước di cư năm 1954 mấy năm, trời đất mang vẻ thanh bình đô thị .

Thì ở những vùng gọi là …kháng chiến chống Pháp, hay rừng núi, làng thôn xa xôi,những miền quê mà thủa ấy còn gọi vùng Việt Minh, mùa thu mang rất nhiều tâm sự của rất nhiều hoàn cảnh khác nhau …

Trong Mưa Thu của nhà văn Ngọc Giao, nhân vật chính là những gã trung niên vốn ở thị thành, đi theo tiếng gọi mơ hồ về một miền rừng núi nào đó, để giải tỏa lòng mơ ước, để thực hiện hoài bão … Chưa định hình rõ rệt, kiểu Thâm Tâm viết Tống Biệt Hành .

Nhân vật chính Mưa Thu, hoài phí thời gian suốt tuổi thanh niên qua trung niên, có gia đình rồi, có cả bầy con, mà đôi khi, ông ta không nhớ mặt cả những đứa con đang sống âm thầm với người vợ ông ở quê nhà .

Người vợ ấy tưởng tháng năm khổ cực, vừa lo cho bố mẹ chồng, vừa lo cho con cái vv…bằng những củ khoai củ sắn, gạo hẩm, cơm thiu …cũng không biết sinh sống tối tăm thế nào hơn nữa …

Người chồng, tức nhân vật trung niên trong Mưa Thu lang bạt kỳ hồ, đi mãi không về, lấy nhà thiên hạ là nhà mình …lang thang, lênh đênh …mong ước điều gì đó…

Vì hễ ông ta phải bó gối ngồi nhà, thì lập tức không chịu được hoàn cảnh khốn cùng nên lại lén mở cửa lên đường vô định, bỏ lại đằng sau cặp mắt đỏ hoe của người vợ, có lẽ không bao giờ biết đến niềm vui …

Thảng, trung niên kia có dịp hay tình cờ đi ngang làng xóm quê mình, người chồng ương ngạnh ấy, chợt thấy lòng chùng xuống, tìm cha mẹ, vợ con …để chỉ ngó, cười trừ nhìn mưa thu bay lất phất bụi trên vạt áo sông hồ bạc phếch buồn tênh…

Cha mẹ vợ con lại dốc ống, tức là tiền để dành ra, đi mua rượu trắng, đĩa lòng heo đãi khách, chính là người con, người chồng, người cha lang bạt mới dợm về, tức chưa chắc đã về ở luôn với gia đình khốn khổ miên man đó .

Tâm tư lênh đênh của người trung niên thời kỳ Hữu Loan, Quang Dũng bỏ thị thành đi tìm ý nghĩa sống, bị bế tắc trong học thuyết.

Trước đó thì Thâm Tâm, Nguyễn Bính …cũng mơ màng trong hình ảnh ” người đi ” …

Để sau này, tỉnh táo hơn, bắt kịp suy nghĩ của lớp trí thức, tiểu tư sản thế giới, sau những tan hoang của đệ nhị thế chiến ( 1939-1945 ), quý văn nghệ sĩ, trí thức VN ” chung chung ” như thi, hoạ sĩ Tạ Tỵ, nhạc sĩ Phạm Duy đã hiện diện ở bên này chiến hào ý thức hệ .

Quý vị ” dinh tê “, tức tìm lại cho mình những gì tư hữu, mà trước đó đã theo phong trào yêu nước tự phát, lãng phí ít nhất 5 năm cho …Thiên đường không bao giờ mở cửa ở trần gian, trong đó Mưa Thu giãi bày tất cả nỗi lòng của giới trung niên đã mệt mỏi …

Mưa Thu là vừa qua những sôi nổi nhiệt tình của mùa hạ, chỉ còn thấp thoáng ngọn lửa hắt hiu trong tư duy phá sản mịt mù .

Mưa Thu nói riêng, mùa thu Hà Nội hay mùa thu Bắc kỳ nói chung, trong cái nghĩa mộng mơ, trữ tình , lãng mạn …chắc chắn không còn sau 1954 ấy .

Nhưng may mắn hơn, hai mươi năm ở miền Nam tự do ( 1954 – 1975 ) quý vị và chúng tôi, có lại thứ cảm giác nhẹ nhàng, mơ màng, lãng mạn một cách chan hoà, trời đất sáng tươi, an lành, và lớp thanh niên, trung niên …miền Nam thực sự khí phách, thực sự biết được lý tưởng của mình, hân hoan nhập cuộc …

Vì họ đã biết rõ đường đi và điểm tới …dù có mưa thu làm ướt tóc, lạnh vai người lãng tử … đi nữa .

Tuy nhiên, gió mưa là chuyện của trời, mà buồn, vui, chung thủy, phụ bạc, lại là chuyện của người ta.

Vừa đây, nghe ca sĩ Khánh Ly ” lên lớp ” trên sân khấu ca nhạc Hà Nội, bảo rằng cô mơ được thấy lại ” mùa thu Hà Nội”

sau bao năm xa cách .

Tôi nghĩ ca sĩ Khánh Ly muốn tới Hà Nội thay đổi không khí, cũng như nhu cầu đi Bắc Kinh, Bình Nhưỡng vv…và cả những nước Tự Do khác là do ” đi làm ăn xa ” thôi, chớ cái gọi là chất Hà Nội thì phải xem lại ” vấn đề” .

Theo như, chẳng ai bảo, mà cứ khai ra, Cộng Sản có biệt tài bắt làm tự khai lắm, ca sĩ nêu trên tâm sự : cổ sanh năm 1943, tức ngày di cư 11 tuổi …

Như vậy, tuổi đó, nếu con trai thì chơi ve sầu, con gái thì ăn sấu chín trên các vỉa hè Hà Nội là đã trữ tình lắm rồi, chuyện mộng mơ ngắm mây thu vàng trên thành phố Hà Nội, có lẽ phải quý vị như Mai Thảo, Kiều Chinh vv…thì họa may đi tìm lại, e còn có vẻ…

Song le, cảnh thì phải đi đôi với người, ” nhân dân Hà Nội ” từ 1954 tới nay, là gần với hình ảnh mặt trời đỏ rơi trên luống cày, chứ ngắm mây thu vàng lãng đãng quanh Hồ Tây, thì phải chờ ngày ” các anh về quang phục quê hương” đã nhé . ..

CAO MỴ NHÂN

VIÊN ĐẠN ĐỊNH MỆNH.     CAO MỴ NHÂN 

Cả năm nay tôi không liên lạc với nhà văn Duy Lam và phu nhân, lý do rất đơn giản là nhà văn Duy Lam thì đã quên quên nhớ nhớ mấy lâu rồi, còn bà lại thường yên trí với những sự việc suy diễn hay liên tưởng nhiều hơn thực tế. 

Tôi không hề phiền buồn bất cứ một điều gì đối với ông bà, mà mối thân tình của chúng tôi trải suốt 58 năm cứ hoà hợp vui vẻ, thân mến  thêm. 

Nếu kể trong số người thân quen, tôi không dám nói là bạn, vì lúc nào tôi cũng xem nhà văn Duy Lam và phu nhân ông,  như anh chị ruột thịt, vì chúng tôi có nhiều ” tình thân đơn vị ” mà đại tộc KaKi của tôi, luôn “sống chết có nhau” . 

Đến nỗi chúng tôi thuộc cả tính nết nhau không sai một dấu phẩy, nếu phải viết ra trên giấy trắng mực đen chuỗi tháng năm thân thiết từ quá khứ tới nay. 

Thế nhưng tôi nghe tin phu nhân nhà văn Duy Lam  mãn phần vào ngày 25 -4 – 2018 vừa qua, khiến tôi bùi ngùi tưởng nhớ dĩ vãng của anh chị và chúng tôi nơi khung trời kỷ niệm Đà Nẵng xa vời.

Ngay khi Dịch giả Ái Cầm và Thi sĩ Thái Tú Hạp, giám đốc tuần báo Saigontimesusa tin cho hay chị Duy Lam đã mất,  tôi lại thầm trách: Tại sao tôi không phone cho anh chị mỗi tuần, để chị muốn nói chi thì nói, vì chị rất thích tâm sự cùng bạn bè khắp nơi. 

Tôi lại ỷ y các cháu con anh chị chu đáo trong mọi hoàn cảnh lâu nay, dù sao thì cuộc sống cuối đời của gia đình nhà văn Duy Lam cũng hơn hẳn những thân hữu, chiến hữu , bằng hữu 2 lãnh vực văn chương và đảng phái của ông. 

Có lẽ không việc gì phải ngần ngại khi tôi đề cập đến 2 sinh hoạt sau cùng nêu trên, là văn chương nghệ thuật, và lý tưởng xã hội mà nhà văn Duy Lam đã phụng sự Việt Quốc, tức Việt Nam Quốc Dân Đảng vậy. 

Trước hết, tôi phải khẳng định nhà văn Duy Lam là …ai ? Rồi từ đó lướt qua sinh hoạt cuộc sống gia đình ông, mới nổi bật được vai trò người vợ của nhà văn tên tuổi ấy, là bà Chu Thị Thịnh, phu nhân nhà văn Duy Lam, đã giã từ cõi thế.

Nhà văn Duy Lam tên thật là Nguyễn KIm Tuấn, trưởng thành trong binh nghiệp, ông nguyên cấp bậc Trung tá VNCH, lại hầu như chuyên trọng trách các chức vụ Chánh Văn Phòng Tư Lệnh Quân Đoàn, Sư Đoàn.

Song ông lại được kiêm nhiệm phụ trách các vấn đề hành chánh, văn hoá, xã hội thuộc lãnh thổ Quân Đoàn I/ Quân Khu I, các đảng phái hoạt động lâu đời, mà các vị Tư Lệnh muốn chuyên chú về quân sự, để việc hậu cứ phức tạp cho Trung tá Nguyễn Kim Tuấn, tức nhà văn Duy Lam trách nhiệm . 

Do đó vai trò của madame Thịnh Chu xuất hiện , bà hiền thê xuất sắc của nhà văn Duy Lam đã cáng đáng các thứ công việc mà bình thường phải mấy nhân viên mới làm tốt được. 

Đi sâu vào chi tiết vị “nội tướng” của nhà văn Duy Lam, quý vị mới thấy là bà Chu Thị Thịnh thật hoàn hảo từ ngày bắt đầu cuộc sống ” Đồng chí VN Quốc Dân Đảng ” của Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn. 

Vâng, thay vì bà  Thịnh Chu chỉ việc làm phu nhân một vị Trung tá Chánh Văn Phòng Tư Lệnh, hay làm ái thê một nhà văn danh tiếng là đã …sáng giá lắm rồi. 

Chị lại ôm đồm công việc ngoại vi của một phụ nữ đã rất giỏi nội trợ. 

Ngoài công việc chợ búa tảo tần, với những bữa ăn gia đình ấm cúng, chị còn đảm đương luôn những bữa tiệc lớn mà nhà văn Duy Lam phải trụ trì các buổi họp VNQDĐ cấp cao, hay địa phương, thường tổ chức ngay tại biệt thự ” tư thất ” nơi cư xá Bác Ái, vốn thuộc Bộ Chỉ huy 1 Tiếp vận ( Quân Khu 1 ) Đà Nẵng . 

Phần việc này, tôi chỉ xin trích ngang, vì thường kỳ tôi không theo dõi, bởi không phải công việc của tôi.

Nhưng mỗi năm vào mùng 2 Tết Nguyên Đán, nhà văn Duy Lam tổ chức buổi tiếp tân lớn tại tư thất ông bà nêu trên, bằng tất cả những món mặn ngọt mà đều do chính tay bà thực hiện .

Thí dụ : nấu bánh chưng, bánh tét, tất cả các thứ bánh ta, tây, mứt món, thực đơn chính thức cỗ bàn, và nhất là không thể thiếu các thứ rượu khai vị ta tây như nếp cẩm, nho, mận, vv…

Thức ăn , thức uống như nêu trên, phu nhân nhà văn Duy Lam đã một tay thầm lặng dành dụm, tích lại từ cả tháng trước đó. Nên chỉ nhìn vào thực chất buổi tiếp tân thịnh soạn là thấy thiện chí của người vợ ” đồng chí ” VNQDĐ ngay rồi.

Như thế, quý vị cũng thấy được lòng yêu thương, tính tháo vát, đức hạnh của một phụ nữ VN tiêu biểu cho nền nếp xã hội vừa phong kiến vừa tân tiến của phu nhân nhà văn Duy Lam.

Một nét đặc thù của những thành viên xuất xứ từ cái nôi dòng dõi Tự Lực Văn Đoàn, mà chị là dâu trưởng của cụ bà nhà văn Nguyễn Thị Thế, người phụ nữ duy nhất trong dòng văn học cách mạng trí thức tiểu tư sản thập niên 30, 40 thế kỷ trước ở Hanoi, gồm quý ông Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam  là những người bác, cậu của nhà văn Duy Lam vậy. 

Với một tiểu sử khá ly kỳ, trong phạm vi bài này, tôi không đề cập tới các mặt văn chương hay xã hội của Tự Lực Văn Đoàn, mà Duy Lam là người cháu chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ quý ông đương nêu.

Để có thể …nhắm mắt hiểu rằng: nhà văn Duy Lam với thêm vào một số dữ kiện, đồng thời là một vị quan 5 VNCH, cá nhân Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn đủ để thu hút phần nào quý vị nữ lưu giai nhân thủa ấy. 

Nên không thể không ca tụng phu nhân trung tá nhà văn Duy Lam , vốn là một nữ lưu sáng giá cả về nhan sắc lẫn phẩm hạnh. 

Tư tưởng ” Tự Lực Văn Đoàn ” cũng thấm ít nhiều trong tính độc lập của phu nhân nhà văn Duy Lam, nên chi trong cuộc đổi đời bất hạnh của miền nam VN, trung tá VNCH Nguyễn Kim Tuấn cũng bị đi tù cải tạo như các quân cán chính chế độ cũ. 

Phu nhân nhà văn Duy Lam đưa 3 con gái dưới 15 tuổi về Đà Lạt tá túc với bà nội, tức cụ bà Nguyễn Thị Thế, rồi chị bị bắt đi Kinh tế mới ở Lâm Đồng .

Tại đây đã có sự tranh chấp giữa bà và bạo quyền Cộng sản địa phương. 

Bà đã nói thẳng vào mặt bọn cán bộ quản lý việc đưa dân đi khắc phục ma thiêng quỷ khốc rằng: 

” Ông Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã nói một câu mà hồi đó thì chúng tôi không tin, nhưng nay, hoàn toàn đúng: Đừng nghe những gì cộng sản nói , mà hãy nhìn những gì cộng sản làm ” . 

Tất nhiên chị bị hành hung vì chúng bắt chị cải chính câu nói trên, nhưng chị đã không cải chính mà còn nhắc lại 3 lần câu vừa nêu, dù chúng giao hẹn một cách thổ phỉ tàn ác là không theo lệnh chúng, chúng sẽ dùng vũ lực kết thúc . 

Chị Thịnh Chu đã đi tù cải tạo lâu hơn tôi, một thiếu tá QLVNCH. Tôi đang vội vàng vô Bưu Điện Bình Thạnh, thì nghe tiếng gọi : ” Mỵ Nhân, Mỵ Nhân” . 

Tôi quay nhìn lại, té ra phu nhân nhà văn Duy Lam. Mặc dầu chị đang trong bộ quần áo đen bạc phếch, chiếc nón lá mà tôi không thể nào quên, nón cũ rách đã đành, nhưng quai nón đã nối tới 3 đoạn dây vải cũ xấu xí, thế mà ngó chị vẫn trẻ đẹp như hồi còn ở Đà Nẵng trước 30 -4 -1975. 

Vị phu nhân sang trọng quý tộc này đã từng có tới mấy tủ quần áo toàn đồ đầm, sang trọng,  chị chỉ may vài áo dài để mặc khi lễ lạc cần thiết .

Ngay tức khắc lúc tái ngộ đó, tôi nhớ tới viên đạn chị tự bắn vô đầu năm 1968, tôi ứa nước mắt hỏi thăm chị : 

” Chị ơi, chị có khoẻ không ? ” . 

Lập tức tôi nối lại ” bang giao ” những ngày xưa thân ái dưới chế độ VNCH ở miền nam . 

Và tức tốc đưa chị đến Câu Lạc Bộ Dưỡng Sinh học để kịp thời điều trị những u uất tinh thần, cùng những khó khăn vật chất, trong thời gian nhà văn Duy Lam đã từ nơi khác chuyển về trại tù Hàm Tân . 

Thế là chúng tôi vui vẻ dắt dìu nhau, chúng tôi đã luôn luôn thông báo cho nhau những tin tức mới nhất thủa hậu tù cải tạo ấy. Kể cả việc chị tự tìm cách liên lạc với Văn Bút Quốc Tế để thông báo chuyện tù đày của nhà văn Duy Lam. 

Những năm sau đó, chúng tôi vẫn cùng nhau đi thăm viếng bạn cũ thuộc Bộ Tư Lệnh QĐI/ QKI. Cho tới khi Trung tá Nguyễn Kim Tuấn ra trại trong dịp gọi là Tổng trở về đợt I, tức 2-9-1987. 

Và sau nữa là chuần bị ra đi trong chương trình tị nạn HO, nhà văn Duy Lam tới Mỹ vào đầu thập niên 90 thế kỷ trước cùng phu nhân và 2 con gái chưa lập gia đình. Cô bé đầu được ông bà bảo lãnh, cũng đã sang Hoa Kỳ sau này. 

Có một điều là tất cả mọi chi tiết sinh hoạt trong gia đình nhà văn Duy Lam, chỉ một tay chị Thịnh Chu làm . 

Thế nên các thứ như lập hồ sơ ra đi tái định cư, rồi tới Mỹ, các thứ hồ sơ xin trợ cấp để hội nhập Hoa Kỳ, xin thi vô quốc tịch Mỹ vv…đều do chị làm, chị cũng vô quốc tịch trước anh, hầu bảo lãnh cho gia đình Phương Lan . 

Làm chủ tình hình như thế, phải có một nghị lực bền bỉ, và một tình yêu … khủng khiếp lắm, mới vượt qua được những khó khăn cùng những cay đắng mùi đời nếu có.

Phu nhân nhà văn trung tá Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn là một minh chứng cho điều đó, yêu nhà văn và lo lắng cũng như nghi ngại tình yêu bị chia sẻ, đã khiến bà phải lấy súng của chồng để bắn vô đầu, trong một giây mất bình tĩnh nhất. 

Bà không biết là anh em nhà văn Duy Lam, Thế Uyên đã chẳng hề có một hình ảnh nào chấp chới trong đầu óc các ông. 

Duy Lam đã phải đưa phu nhân vô cấp cứu ở Tổng y viện Duy Tân, các bác sĩ khu giải phẫu, kể cả các bác sĩ Mỹ thời đó đều  ngưng tay, vì sao ? 

Vì đầu đạn đã ép sát vào giây thần kinh chi đó, khiến cuộc giải phẫu phải đặt lên một bàn cân suy nghĩ thế nào. 

Cuối cùng thì bà phải trở về với trạng thái nguyên vẹn nhưng không hề nguyên vẹn bình yên, vì đầu đạn vẫn cận kề giây thần kinh tối trọng đó. 

Đầu đạn định mệnh đã ở cùng chị Chu Thị Thịnh đúng 50 năm.

Nửa thế kỷ với nỗi ưu tư thảm khốc về một tình yêu to lớn, rồi nay, cuối đời bà, nỗi ưu tư vẫn ám ảnh vì đầu đạn lỳ lợm ở lại vĩnh viễn với chị, nó, miểng đạn sẽ theo chị đi mãi về hư vô …

Hiện diện ở thế gian 85 năm. 

Như vậy dấu đạn thù đã hăm doạ chị từ năm chị mới 35 tuổi đầy xuân sắc. 

Nay chị về cõi khác, như tính tháo vát xưa, có lẽ chị về nơi ấy, để sửa soạn cho ngày nào anh, nhà văn Duy Lam, sẽ gặp lại hiền thê, người đã sướng và khổ vì yêu anh đến chết … 

             CAO MỴ NHÂN

THƠ PHÚ BUỒN TÊNH.    CAO MỴ NHÂN

Qua một “tai hoạ về Thơ” nho nhỏ của Nhà Thơ Phương Hoa, người nữ tài hoa, khiêm tốn nhứt nơi các diễn đàn xướng hoạ “Đường Thi” mà Cao Mỵ Nhân tôi cảm thấy nên viết ra cái điều lạ lùng của người làm thơ nửa nghịch ngợm, nửa khôi hài, ganh ghét khả năng riêng, của mỗi tác giả, đã sửa thơ để … phiền lòng bút mực.

Số là Cao Mỵ Nhân được đọc một bài thơ gọi là xướng tên

“Chờ Người Gỡ Rối” của Phương Hoa, do Nhà Thơ Hồ Nguyễn đã hoạ và chuyển lên diễn đàn (chưa hình thành hệ thống xướng hoạ),  bèn hỏi Phương Hoa có phải bài đó của Phương Hoa không, để Cao Mỵ Nhân hoạ.

Phương Hoa nói “Phải, nhưng không biết chắc là bài xướng hay bài họa, nhưng thấy câu kết sai luật bằng trắc nên phải sửa lại, do ông Hồ Nguyễn phát hiện và đề nghị.

Tất nhiên CMN cũng tiếp hoạ gởi Nhà Thơ Hồ Nguyễn.

Nỗi băn khoăn của Phương Hoa, một trong số người làm thơ am tường về các thể loại “Đường luật xưa và nay” như quý vị quen tay viết: Lý Đức Quỳnh, Cao Bồi Già, Thy Lệ Trang, Sông Thu, Như Thu, Minh Thuý …vv… và nhất là Phương Hoa, thì thường thận trọng trong cung cách xướng hoạ, lẽ nào sơ ý đến nỗi luật bằng trắc (sơ bộ nhất) lại bị đảo ngược chứ. Nếu có sơ sót cũng sẽ sớm “phát hiện” ra hoặc bạn bè nhắc nhở giùm, đâu đến nỗi từ năm …lâu lắc đến nay mới thấy.

Tất nhiên băn khoăn thì phải tìm cho ra lẽ, Phương Hoa đã kiếm ra “Chờ Người Gỡ Rối” của Phương Hoa là bài hoạ từ bài thơ xướng “Biết Tìm Đâu”của Thi Sĩ Lý Đức Quỳnh từ năm 2020, và bài họa đó không hề sai luật như bài người ta gửi lại:

BIẾT TÌM ĐÂU?!

   (Thơ đề ảnh)

Mãi những rối ren ập xuống đầu

An bình cuộc sống biết tìm đâu?!

Đường mây thẳm lộng trời giăng lưới

Bến cảng hoang vu biển đợi tàu

Xót kiếp tằm côi đào huyệt lạnh

Thương đời cỏ dại nhốt hồn đau

Ngày như ngọn gió chờ giông nổi

Bạc trắng đôi bờ sóng đuổi nhau!

Lý Đức Quỳnh

   27/8/2020

Thơ Họa:

CHỜ NGƯỜI GỠ RỐI

Sợi dọc sợi ngang tréo phủ đầu

Người ơi, biết phải gỡ từ đâu?

Đợi trang trí dũng xoay nguồn rối

Chờ bậc mưu cao chuyển mũi tàu

Tiếng quốc gọi đàn tim nhức nhối

Lời chim khóc tổ dạ quằn đau

Đêm đêm nuốt nghẹn sầu nhung nhớ

Mong đến ngày về được gặp nhau

 Phương Hoa

Aug 27th 2020

Vậy là như nhật nguyệt giữa trời, đã có vị nào đó muốn đưa Phương Hoa ghé thăm … hạ tầng cơ sở, để coi thử Phương Hoa cười hay mếu?

Song, như trên tôi đã thưa rồi, với khả năng thiên phú, kiểu thủa xưa bên …Tàu, thiên hạ nói bảy bước hay ba bước nghĩ được một bài thơ, thì ố la la … những người làm thơ chuyên tay, xem như chuyện … nhỏ.

Bây giờ Phương Hoa đính chính rồi.

Phương Hoa thông báo quý thi nhân “bớ lai tỉnh” đừng hoạ bài “Chờ Người Gỡ Rối” của Phương Hoa nữa, vì đó là bài hoạ, cũng có nghĩa, vị nào cao hứng thì kiếm bài “Biết Tìm Đâu” của Lý Đức Quỳnh, rồi hoạ tiếp, cho lâm viên Lãng Phong xum xuê lá cành, chứ “họa bài họa” là không đúng lẽ của làng xướng họa.

Tuy nhiên, Cao Mỵ Nhân cũng hùi hụi tiếc là mới hoạ thêm bài: “Người Về Gỡ Tóc”, vì chắc cũng đã có bài hoạ nơi bài: “Biết Tìm Đâu” của Lý Đức Quỳnh trước đây rồi, là bài “Trong Nỗi Buồn Kia”

TRONG NỖI BUỒN KIA

Dẫu khổ bao nhiêu, vẫn ngửng đầu

Bởi vì chân lý ở nơi đâu

Tóc mây đang chải xanh bờ nước

Làn khói bay lên trắng bóng tàu

Tơ nhện vẫn còn vương áo bạc

Tình đời e chửa hết niềm đau

Trốn chi cho khỏi sầu vong quốc

Tiếng gọi đăng trình, tiễn biệt nhau…

    Hawthorne  28 -8 – 2020

CAO MỴ NHÂN

Bài họa mới đây:

NGƯỜI VỀ GỠ TÓC.

 Lược nào gỡ được rối trên đầu

 Như mối tơ vò cuốn tại đâu

 Từng sợi thơm hương đang xoắn tít

 Bao điều khổ hận đổ nghiêng tào

 Bàn tay êm ái bờ vai tủi

 Cặp mắt chan hoà sóng lệ đau

 Như chỉ luồn kim cần vuốt nhẹ

Tóc thề buông thả đẹp lòng nhau…

     Hawthorne  30 – 7 – 2022

            CAO MỴ NHÂN

Chu choa, thi trường xướng hoạ cũng nhiều thâm cung bí sử, Cao Mỵ Nhân sẽ trình bày một bài thơ “xướng” của một thi hào thời đại gồm 8 câu, mà hết 4 câu thật hay, lại tạm mượn của nữ sĩ Hoa Thu (hiền tỷ của Thi Sĩ Ngân Sơn) mới là hi hữu.

Vì thế cho nên, chiếu thơ xưa chỉ hạn chế trong chiếc chiếu hoa, 4 vị ngồi ngâm nga thông cảm ngôn ngữ thơ của mình, có nghĩa bạn thơ phải cùng khuynh hướng, cách nhìn, “quan điểm thơ,” chớ không đại trà, để tắc trách, khó chịu và nhất là chẳng thấy “yêu thơ” đâu, chỉ mông lung “ghét thi sĩ” mới lạ.

Bàn ra tán vào một chút phong hoa tuyết nguyệt, để quý Nhà Thơ mỉm cười trước lối chơi thơ lạ lùng bí hiểm.

Thân chúc lâm nguyên thơ bạt ngàn tình ý tao nhã, thanh cao. Kính chúc tất cả vạn an, vạn phước. 

        UTAH cuối tháng bảy 2022

                 CAO MỴ NHÂN