Cao Mỵ Nhân

VĂN: NƠI NHỮNG CHIẾC BÀN QUEN & TIẾNG ĐÀN TRÊN SÔNG – CAO MỴ NHÂN

TIẾNG ĐÀN TRÊN SÔNG .      CAO MỴ NHÂN 

Ngày xưa… cách đây mấy chục năm thôi, Mệ Bửu Lộc, cây đàn tranh và đàn bầu danh tiếng, linh hồn của những buổi diễn ngâm thơ ca ở Saigon, sau 1980, một số bạn thơ và tôi đã đi tù cải tạo về, được nghe tiếng đàn tranh hay tiếng đàn bầu của Mệ, thì thật quả là quên…chết.

Tiếng đàn tranh, đàn bầu ấy mà đệm cho các tay ngâm cũng hàng chức sắc như quý chị Hồ Điệp, Tôn Nữ Hỷ Khương, quý nam nghệ sĩ như Đoàn Yên Linh, và nhất là Vân Khanh cũng mới tù cải tạo về, thì kể như sống lại một thời Tao Đàn đã quá vãng. 

Tôi rất lấy làm lạ là không phải giọng ngâm nào cũng có thể ngân nga theo tiếng đàn nào đâu. Hình như thơ đàn cũng có duyên phận với nhau, và đúng duyên phận thơ đàn, nghe thơ ngâm mới hay được. 

Bấy giờ nhà thơ thiếu tá Tô Kiều Ngân chưa ra tù cải tạo, nên giọng ngâm Huế nam, Vân Khanh rất ăn ý với tiếng đàn Mệ Bửu Lộc, tôi đùa là nhị vị rất Huế, nên thơ đàn cứ quấn chặt vào nhau, nhưng vẫn nhớ giọng ngâm và tiếng sáo trúc của thi ngâm sĩ Tô Kiều Ngân, tôi viết ” vịnh Vân Khanh” có 2 câu mở đầu:

Nghe anh, tôi lại nhớ Tô lang

Tiếng Huế chan chan, tiếng Huế vàng …

Mệ Bửu Lộc cười một cách cũng rất Huế, rằng: ” Tiếng Huế chan chan là răng Cao Mỵ Nhân hè ? ” 

Tôi dấu nụ cười thú vị: ” Con không biết nữa Mệ nờ, nó răng khó nói lắm tề …”

Ở đời có những điều mà người ta giải thích mãi, vẫn không hiểu nổi, trái lại đôi khi chỉ cần một biểu tượng, một hình ảnh, hay một câu nói lưng  chừng, mà người nghe hiểu hết mới thần sầu chứ. 

Biểu tượng bài viết “Thâm cung Thơ” của Cao Mỵ Nhân mới đây, là một con đò trôi trên sông, và chỉ ngó sơ qua, là ai cũng biết dòng sông Hương rồi. 

Chính vì con đò đó sẽ đưa quý vị vô thâm cung bí sử, hay chính ” thâm cung thơ ” tác giả Nhịp Tim Thơ nêu trong bài viết, là cả một hoàng thành tình cảm, đã khiến tâm hồn ngườithơ lênh đênh trên sông dài vậy. 

Mệ Bửu Lộc là một nhạc công cao cấp, một nghệ sĩ trên cả nghệ sĩ, vì chỉ có tiếng đàn thôi, mà vận dụng cả trăm tình tiết trữ tình, lãng mạn đến tuyệt vời .

Ngày tôi mới ra tù cải tạo, tôi cảm thấy hụt hẫng … cứ nghĩ mình không còn là mình xưa nữa, muốn nói về tâm tư tình cảm thôi, tôi tìm đến một bờ sông chạy ngang nhà thờ Bình Triệu, để ngắm mãi dòng nước chảy…

Có lẽ nào cuộc sống như một bãi đá hoang, một rừng nguyên sơ ? 

Tôi tự hỏi sẽ làm chi để tiếp tục hành trình cuộc đời, mà mình mới đi được 1/3 đường trường gió bụi ? 

Tất nhiên là phải duy trì lẽ sinh tồn cho bầy con 4 đứa rồi, nhưng đôi mắt lúc nào cũng muốn trào lệ ra…

Thế rồi bạn cũ xa xưa tìm lại với nhau, tụm lại một nhóm gọi là lang thang cho hết ngày …  đúng ra không phải lang thang, mà cũng không phải tiêu hao năm tháng đâu, vì người nào cũng có một hoàn cảnh riêng, chưa biết sẽ ra sao, và chưa biết …đi về đâu. 

Đầu thập niên 1980, Mệ Bửu Lộc đã ngoài tuổi cổ lai hy, chúng tôi trong đoạn quanh  30 – 40, chị Hồ Điệp, sau thêm anh Tô Kiều Ngân từ tù cải tạo về là có vẻ lớn tuổi hơn, chúng tôi làng nhàng tuổi lao động trên, và vì áp lực kinh tế gia đình cũng khiến lo lắng. 

Nhưng, chúng tôi vẫn có dịp tụ tập ở mấy nhà quen khá giả thuộc chế độ cũ, để lại đàn hát, ngâm nga, mà làm như phải vậy thì cuộc sống tinh thần mới cân bằng được, tôi cứ đùa là mới nở hoa …tư tưởng. 

Tất nhiên bọn bạo quyền vẫn có những cuộc bố ráp, ngay trong nhóm chúng tôi cũng có những chuyện vào tù ra khám vì tội quần tam tụ ngũ, nhưng rồi đâu lại vào đấy, tận cùng bằng số qua rồi, chẳng ai còn sợ ai nữa. 

Thành có thể nói hồi đó, họp thơ là thú vị nhất. Trước tiên, người làm thơ được giải tỏa cái tư duy nặng trình trịch vì áo cơm và thời thế, kế tới người ngâm thơ cảm thấy tâm hồn như bay bổng lên mây, tiếp theo là người nghe thơ, tưởng cả không gian đang mở ra bát ngát ân tình, chẳng còn vướng bận ưu tư, phiền toái…

Chúng tôi đã có lại những nụ cười thủa trước 1975, còn háo hức “tham gia” các buổi hội thơ bất kể trưa, chiều hoặc tối…

Song vì để tránh những dòm ngó đáng tiếc của chung quanh, chúng tôi hay họp nhau vào trưa, hay chiều …

Chỉ sau này, sau 1985, gọi là đổi mới chính sách nhà nước csvn , chúng tôi đôi lúc họp tối nhưng không kéo tới khuya, sau Mệ Bửu Lộc mất, nhóm thi ca lớn nêu trên, đã chia ra mấy nhóm nhỏ, ai hợp với sinh hoạt nhóm nào, thì tới chơi nhóm đó. 

Cụ Bửu Lộc có ái nữ tên Thuỷ, cũng chơi đàn tranh bậc thầy, nhưng không đệm ngâm thơ, cô còn hát tân nhạc cùng phu quân tên Sơn là một nhạc công Tây Ban cầm. Đôi uyên ương này cũng thường tham dự thi nhạc giao duyên cùng các nhóm nhỏ vừa nêu. 

Một trong những nhóm nhỏ, là quý vị ưu ái Đường Thi 

đã bước vào tuổi hạ thọ, tức quanh 60 tuổi, rất thông thạo Hán nôm xướng hoạ luật thơ Đường Tống. 

Song Đường thi lại kén khách ngâm vịnh, thường chỉ giọng nghệ sĩ diễn ngâm Hồ Điệp, và giọng nam Đoàn Yên Linh là trình bầy đúng cách, bởi vì cách ngâm thơ thất ngôn bát cú không phải ngâm kiếu Tao Đàn lên bổng xuống trầm, thăng giáng lâm ly là đủ.

Với Đường thi, khi ngâm còn tưởng nghe tiếng cụ đồ giảng luận, tiếng tráng sĩ tung mây, tiếng lữ khách bâng quơ, và cả tiếng bi thương của người phẫn chí …

Do đó, tiếng đàn theo cũng phức tạp không kém. 

Vì bài viết hạn chế trong tiếng đàn tranh và đàn bầu của Mệ Bửu Lộc, nên không rẽ qua sáo trúc của Tô lang, chứ thơ có sáo đẩy lên, thì chao ôi, thành cũng phải nghiêng, nước cũng phải đổ thôi. 

Tiếng đàn tranh mà lại nhịp theo bài hát trống quân, thì thật là …trống đánh suôi, kèn thổi ngược, vì mỗi nhịp cứ tưng lên, nghe chắc là khó hài hoà lắm phải không quý vị? 

Thế mà một hôm chúng tôi thoạt thì cười, sau phải nín lặng để nghe Vân Khanh cứ xài điệu trống quân, Mệ Bửu Lộc hoà tông đàn tranh, lập tức như tiếng trống cơm tung tung theo cuộc vui trung thu chứ. 

Tôi kể chuyện giai đoạn thiếu thốn mọi mặt ở trong nước thôi, nên mọi thứ, mọi chuyện đều không đầy đủ 

như hiện nay ở khắp nơi trên thế giới về đàn tranh, đàn bầu … mà người ta đã hoà tấu, hay đơn tấu một cách tỉ mỉ bay bướm hơn hẳn các loại…  tranh, tì, nhị nguyệt âm điệu cổ xưa. 

Mệ Bửu Lộc cũng có sáng tác thơ, ca đặc biệt Huế nhưng không nhiều, để Mệ tự đàn chơi riêng Mệ, Mệ diễn tả tâm tình Mệ, khiến một hoạ sĩ quen phải vẽ ra cái tâm ý của Mệ, là một con đò trên sông Hương, điều đó chắc chắn quá rồi, với 2 câu lục bát bình thường : 

Bên ngoài sông nước bao la

Bên trong chỉ có mình ta với đàn …

           ( Bửu Lộc ) 

Thế nên, còn biểu tượng nào đẹp hơn bóng một chiếc thuyền trôi lãng đãng trên dòng sông quạnh vắng, hắt hiu, nói lên cuộc sống cô đơn trong thâm cung huyền bí từ đời này sang kiếp khác buồn tênh…

            CAO MỴ NHÂN 

NƠI NHỮNG CHIẾC BÀN QUEN .    CAO MỴ NHÂN 

Ngang qua những chiếc bàn ” quen thuộc ” ở ngay trung tâm khu chợ Việt Nam, Nam Cali, gọi là thành phố Westminster, mà thủa mới qua Mỹ, chúng tôi thường kêu là Santa Ana, tôi thấy hình như tôi đã mất một quê hương nào trong dĩ vãng . 

Tôi được sanh ra ở tận cực bắc Việt Nam từ 4/5 thế kỷ, nghe

thật xa xôi vời vợi buồn nhớ, chẳng dính dáng gì tới xứ sở này, cách biệt Việt Nam cả nửa vòng trái đất, thế thì quen với lạ, có ” nhằm nhò gì ” , sao lòng tôi cứ lặng đi, như là đang mất mát to lớn lắm, trầm trọng lắm vậy . 

À thì ra đúng rồi, tôi đang bị mất dần mòn những chiếc bàn trống rỗng bao quanh mấy thành phố thoạt lạ, sau quen dần bởi sự trống vắng các nhân vật ngồi đây kia, đâu đó, ở những chiếc ghế ” trỏng trơ “, xa lạ trước mặt tôi kìa…

Tôi là người tha hương thường tới chơi quanh những cái bàn xa lạ mấy chục năm nay. 

Sau biến cố đổi thay ở quê nhà ngày 30 -4 – 1975, chúng tôi đã lưu lạc khắp nơi trên thế giới, để tìm cho mình một  cuộc sống thoải mái hơn cái không khí tù túng, bất như ý ở nơi mình được chào đời rạng rỡ hay hắt hiu nhiều tháng năm xưa, tuỳ theo cách nghĩ của mỗi người.

Do đó tôi thấy ở Tiểu bang California tính từ bắc xuống nam, qua những đợt người di tản, tị nạn , lưu vong, di cư vv… tạm đếm theo thống kê của các cơ quan phụ trách về dân số nhập cư , bang Cali đã lên tới 300,000 ( ba trăm ngàn ) người VN rồi. 

Những chiếc bàn kê ở các tiệm ăn, uống, hay đôi khi ở nơi ngồi đợi mấy dịch vụ cần thiết, mà có hồi tôi đã ngồi cùng quý vị nhâm nhi cà phê, cà pháo, hay thưởng thức những món ăn được nghe đồn đoán ngon lành nay trống rỗng hình thân, bóng thuộc … tôi đứng lặng, nhủ thầm : ” những người đó đã ra đi, đã không còn trên trái đất này. 

Tất nhiên rồi tôi cũng như họ, cũng ngày một, ngày hai, sẽ ra đi . Tất cả sẽ không còn một mảy may trong giây phút bất ngờ. Bất ngờ là họ, trong đó có tôi, phải thản nhiên chấp nhận một thực tế không vui . 

Những chiếc bàn, ôi những chiếc bàn, ít nhất thì vài ba người, vừa đủ thì 5,7 người, đông đảo thì hơn chục người chẳng hạn. 

Tôi lôi ngăn tủ album ra, mở những trang hình, coi lại ” dĩ vãng và thực tại nhóm bạn tôi, tập thể tôi, hay cường điệu kiêu sa thì thế giới tôi ” .

Vâng , ” thế giới tôi đang mài mòn ” một cách tiệm tiến, là từ từ , là sẽ có một ngày, đi vào quên lãng tất nhiên thôi. 

Một tấm hình chụp ở tiệm ăn tối, nơi khu chợ VN đường King, San Jose , 4 người ngồi ăn vội vàng vì quý vị cao niên ” bạn văn thơ CMN “, gọi như thế để phân định quý vị bạn quen biết như thế nào, chứ đôi khi quý vị đáng tuổi cha chú tôi chứ ít đâu. 

Vẫn chuyện đương nêu, tính theo tuổi tác từ bậc cao niên xuống trẻ hơn chút,  bấy giờ gồm có : cụ bà TRÙNG QUANG trên 100 tuổi, cụ ông VÕ TOÀN cũng trên 100 tuổi, cụ bà ĐINH THỊ VIỆT LIÊN sắp 100 tuổi, CMN tôi khoảng trên 60 tuổi. 

Tôi từ Nam Cali lên San Jose ra mắt 2 cuốn thơ : ” Đưa Người Tình Đi Tu, và Lãng Đãng Vào Thu ” . Theo thông lệ VN xưa, cứ nghĩ quý cụ địa phương muốn đãi bạn, dù bạn đáng tuổi con cháu mình thôi. .. 

Chiếc bàn 4 người ngồi năm đó, nay chỉ còn mình tôi. Quý cụ đã lần lượt lên mây lâu rồi . 

Tương tự, ở Westminste, chiếc bàn khác  với 5 người ngồi vòng quanh, gồm : ông bà nhà văn DUY LAM, ông LÊ HỮU CƯƠNG Thiếu tá Võ Bị Đalat, ông NGUYỄN HẬU  Chủ Tịch Hội Tương Trợ Tù nhân Chính trị Nam Cali, và CMN tôi, chúng tôi vừa tới Đại Học IRVINE để Ban Báo Chí  ” phỏng vấn về việc Sĩ Quan VNCH bị Việt Cộng bắt đi tù cải tạo , và được Hoa Kỳ cho đi tị nạn chính trị diện HO ở đất nước tạm dung này. 

Xong công việc nêu trên, chúng tôi được ông NGUYỄN HẬU mời vô tiệm ăn một bữa cơm trưa thân mật, vì trời đã xế .

Lại cũng chụp một tấm hình chung để kỷ niệm . 

Nhưng rồi thời gian trôi qua, 4 vị trong hình fheo thứ tự ra đi là : ông Nguyễn Hậu bị trọng bệnh, Thiếu tá LÊ HỮU CƯƠNG đã tự thiêu ở Los Anggles, nhà văn Duy Lam và phu nhân đã

mệnh chung, tấm hình đó đã chỉ còn tôi hôm nay ngồi viết những dòng này . 

Đó mới chỉ là giây phút lòng chùng khi yếu tố thời gian với cuộc đời mỗi người .

Thời gian tưởng như bạn thân với người này, nhưng có thể lại là kẻ thù của người kia, với tôi thời gian là nhân chứng xót xa khi tôi xem những tấm hình chụp ở nơi những chiếc bàn bây giờ thật là đơn chiếc, buồn nao, chỗ ngồi của bạn thân quen đã trống vắng, cũ kỹ giữa mọi người . 

Còn nhiều hình ảnh như thế, ít nhất vài chục tấm hoàn toàn chỉ còn tôi ngồi một mình, mang nỗi buồn lãng đãng, bơ vơ.

Ôi, tôi cảm thấy thương mình xót xa, những người ngồi chung bàn với mình, nay cách biệt cả một không gian mờ ảo , mơ hồ tính chất âm dương vô hạn, nghiệt ngã …

Với những tấm hình của quý vị không còn hiện diện, ngắm nhìn càng buồn phiền, tôi định ” hoá ” đi, nhưng còn tôi ở đó, thì thôi cứ để …chờ, cho tới bao giờ, cho tới bao giờ, vâng, 

tới bao giờ hình kia hoàn toàn trống vắng, tức là chẳng còn ai tại thế nữa, con cháu mình sẽ hoá bớt đi, vì ai , nhà nào bây giờ cũng nhiều album quá xá. 

Ôi những bức hình sẽ mờ phai, rồi sẽ chẳng còn là chi với những người còn lại không bà con họ hàng, không bạn bè chòm xóm vv… ngoại trừ các nhân vật quan yếu trong xã hội, mà những thế hệ sau muốn đi tìm hình ảnh, để làm chi đó… chẳng hạn .

Chuyện kể về những bức hình kỷ niệm giống như bạn đang dọn dẹp phòng văn, phòng sách cho gọn sạch …

Phòng văn, phòng khách không thiết thực như bạn dọn phòng ăn, nhà bếp, thức ăn hấp dẫn khiến bạn tiện tay bốc thử miếng đường, cục kẹo nếm coi có ngọt thơm không . 

Dọn phòng văn, phòng sách bạn chỉ cần nhìn, có thể đọc qua , hay reo lên bất chợt khi tìm được một cuốn sách , một tập thơ bỏ quên lâu ngày mà bạn có ý kiếm chưa ra .  

Nhưng cũng không ơ hờ, thản nhiên như xem một bức ảnh cũ, nhất là ảnh của quý vị đã đi thật xa …

Hawthorne  2 -5 – 2023

       CAO MỴ NHÂN