Giao Chỉ,  Kiều Mỹ Duyên,  Lê V. Hải,  Phương Hoa,  Thái Phạm,  Tin Buồn: Phân Ưu,  Văn Thơ Lạc việt

TRANG TƯỞNG NIỆM: Giáo Sư Tiến Sĩ Khoa Học Gia NGUYỄN XUÂN VINH

Tin Buồn:

Giáo Sư,

Khoa Học Gia Không Gian,

Cựu Tư Lệnh Quân Chủng Không Quân VNCH:

Cụ An Phong Sô Nguyễn Xuân Vinh

Vừa được Chúa gọi về, lúc 2 giờ 49 phút chiều Thứ Bảy (Hôm nay!) ngày 23 tháng 7 năm 2022, tại Nam Tiểu Bang California, Hoa Kỳ.

Hưởng Thọ 92 Tuổi.

Đây là một mất mất lớn cho Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại nói riêng và Đất Nước Việt Nam nói chung. Một “nhân tài” đoạt nhiều giải thưởng không gian giá trị quốc tế, mà rất nhiều người trên thế giới biết đến tên Ông.

Vô Cùng Thương Tiếc!

LÊ VĂN HẢI.

BÀI VIẾT VỀ GS NGUYỄN XUÂN VINH CỦA TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP VTLV

THÁI PHẠM

Vai-Net-ve-Giao-su-Nguyen-Xuan-Vinh-4

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC

*

Vô cùng thương tiếc NGUYỄN XUÂN VINH

Chuyến cuối Người bay chỉ một mình

KHOA HỌC GIA, lừng danh trí tuệ

APOLLO, nổi tiếng công trình

TOÀN PHONG văn sĩ, bao thành quả

Tư lệnh Không Quân, lắm nghĩa tình

Giải thưởng Hàn Lâm ngời rực rỡ

Gia tài toán học sáng lung linh

Tri ân rạng mặt dân Nam Quốc

Kính tiễn Cụ về diện Thánh Linh.

*

Thánh Linh Chúa rước bậc tài hoa

Nắng Hạ dường như khóc vỡ oà

Sự nghiệp, năm châu hừng ánh tỏa

Công danh, bốn biển chói quang lòa

Không Gian Kỹ Thuật cùng bay vút

Khoa Học Phi Thuyền giúp tiến xa

Gãy cánh Đại Bàng đau Việt Tộc

XUÂN VINH thanh sử mãi không nhoà

     Phương Hoa – July 24, 2022

VINH DANH HỌC- GIẢ NGUYỄN XUÂN VINH                  (1930-2022)

Thiên tài giã biệt kiếp nhân sinh

Tổ-Quốc Không-Gian giữ vẹn tình

Thông thái, uyên thâm vừa khuất bóng

Hào hoa, phong nhã đã tan hình

Nam Tào mở sổ nhìn thương tiếc

Bắc Đẩu quay lưng muốn hoãn đình

Hãnh diện ngôi sao dòng Lạc-Việt

Vinh Danh Học Giả Nguyễn Xuân Vinh!

DUY ANH – 07/24/2022

***

CÁC BÀI HỌA

Thương Tiếc Giáo Sư Tiến Sĩ NGUYỄN XUÂN VINH 

       (1930 – 2022)

Thương tiếc Giáo Sư…dạy học sinh 

Không Gian Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Vinh

Không Quân Đại Tá từng Tư Lệnh 

Quân Lực Phi Đoàn thuở chiến chinh 

Công đức Phương Nam nguồn nước Việt 

Tinh hoa nòi giống vốn Thiên Đình 

Tự hào Tổ quốc nhà khoa học…

Tạ thế thời danh Tiến Sĩ Vinh…!

Mai Xuân Thanh 

  July 24, 2022

*

GÃY CÁNH SẮT

*

Giáo Sư Toán Học đông môn sinh

Khoa Học Gia : ông Tiến Sĩ Vinh

Tư Lệnh một thời Không Lực mạnh

Nasa ngàn thủa, dấu trường chinh

Apolo 11 còn vang tiếng

Quỹ tích văn chương vẫn nổi đình

Chim sắt nghiêng trời, thôi gãy cánh

Việt Nam danh tiếng Nguyễn Xuân Vinh…

   Los Angeles  24 – 7 – 2022

            CAO MỴ NHÂN 

*

   QUẢ THẬT VINH

*

Khoa học gia tiến sỹ Nguyễn Vinh 

Xuân thời danh tiếng lắm môn sinh 

Không quân Đại tá bao lừng lẫy 

Nổi bậc nhân tài chiến quốc chinh 

Toán học Nasa Người định hướng 

Đường bay quỹ đạo đến cung đình 

Đa năng xuất chúng vẻ vang Việt 

Con Lạc cháu Hồng quả thật vinh …

                     Yên Hà 

                   25/7/2022

Sau đây là chút tiểu sử, công nghiệp của người mới qua đời:

Con Người Đa Tài Trên Nhiều Lãnh Vực:

Ông nguyên là Tư lệnh thứ hai của Quân chủng Không quân Việt Nam Cộng hòa. Ông cũng là Giáo sư, Tiến sĩ, Viện sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Không gian người Mỹ gốc Việt nổi tiếng trên thế giới. Năm 1962, ông là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên ở Đại học Colorado được cấp bằng Tiến sĩ Khoa học Không gian, sau khi ông thực hiện thành công nghiên cứu công trình tính toán quỹ đạo tối ưu cho Phi thuyền do NASA tài trợ. Những lý thuyết của ông đã góp phần quan trọng đưa các Phi thuyền Apollo lên được Mặt trăng thành công, đồng thời được ứng dụng vào việc thu hồi các Phi thuyền con thoi trở về Trái đất an toàn. Ông còn là nhà văn với bút danh Toàn Phong với nhiều tác phẩm nổi tiếng được xuất bản.

Đời Binh nghiệp

Cấp bậc: Đại tá Không Quân VNCH

Phục vụ trong quân ngũ từ năm1951đến năm 1962.

Ông Nguyễn Xuân Vinh (sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930), nguyên là sĩ quan Không quân cao cấp của Quân đội Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Đại tá. Xuất thân từ khóa Sĩ quan Trừ bị đầu tiên được Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra ở miền Nam Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.

Ông sinh ngày 3 tháng 1 năm 1930 trong một gia đình khá giả tại Yên Bái, miền Bắc Việt Nam, là con trai trưởng. Cha ông là Nguyễn Xuân Nhiên. Mẹ ông là người Nam Định. Ông có nhiều em trai và em gái, tiêu biểu là tiến sĩ toán học Nguyễn Xuân Huy, kỹ sư Nguyễn Xuân Chúc (công tác và làm việc cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa), nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh… Năm 1950, ông tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2 cấp chương trình Pháp tại Hà Nội với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II).

Từ khi còn nhỏ ông đã là một người có năng khiếu toán đặc biệt. Ông tham gia viết sách từ rất sớm. Khi còn đang là học sinh, ông đã có sách được xuất bản với cuốn sách giáo khoa Bài tập hình học không gian. Cuốn sách đã trở thành tài liệu tham khảo và học vấn quan trọng thời bấy giờ.

Tháng 9 năm 1951, thi hành lệnh động viên của Quốc trưởng Bảo Đại, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc gia, được theo học tại trường Sĩ quan Trừ bị Nam Định, khai giảng ngày 1 tháng 10 cùng năm. Ngày 1 tháng 6 năm 1952, tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy và được phái về ngành Công binh. Cuối năm, ông xin chuyển sang ngành Không quân và được đi du học tại Học viện Không quân ở Salon-de-Provence, Pháp (École de l’Air). Đầu năm 1954, ông tốt nghiệp với bằng phi công 2 động cơ và bay phi cụ, đồng thời ông được thăng lên cấp Thiếu úy. Sau đó ông lưu trú và phục vụ chuyên ngành tại Pháp và Maroc. Trong thời gian này ông ghi danh học Đại học và thi đậu bằng Cử nhân toán ở Đại học Aix-Marseille.

Đầu năm 1955, khi Quân đội Pháp chính thức bàn giao cơ sở và trang thiết bị của ngành Không quân lại cho Quân đội Quốc gia, ông được lệnh trở về Việt Nam và được thăng cấp Trung úy, phục vụ trong Bộ tư lệnh Không quân. Cuối năm 1955, ông được thăng cấp Đại úy làm Trưởng phòng Nhân viên trong Bộ Tư lệnh Không quân, Tháng 10 năm 1956, sau khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm lên làm Tổng thống của nền Đệ nhất Cộng hòa, ông được thăng cấp Thiếu tá làm Tham mưu phó tại Bộ tư lệnh Không quân. Ngày Quốc khánh 26 tháng 10 năm 1957, ông được thăng cấp Trung tá và được bổ nhiệm chức vụ Tham mưu trưởng Không quân do Đại tá Trần văn Hổ làm Tư lệnh. Tháng 2 năm 1958 ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Không quân, ngay sau đó được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Ngày 27 tháng 2 năm 1962, hai sĩ quan phi công là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử điều khiển 2 chiếc Khu trục cơ thả bom Dinh Độc lập, ông bị liên đới trách nhiệm nên Tổng thống Diệm đã cách chức Tư lệnh Không quân của ông. Cùng năm này, ông xin giải ngũ và đi du học ở Hoa Kỳ. Ngay sau đó, Trung tá Huỳnh Hữu Hiền thay thế ông làm Tư lệnh Không quân.

Nhà Nghiên cứu khoa học trong lãnh vực không gian!

Năm 1962, ông đến Hoa Kỳ để bắt đầu sự nghiệp Khoa học của mình khi mới 32 tuổi. Năm 1965, ông là người đầu tiên được cấp bằng Tiến sĩ về Khoa học Không gian tại Đại học Colorado. Ba năm sau, ông được làm giảng sư (Associate Professor) tại Đại học Michigan. Năm 1972, ông được phong hàm giáo sư (Professor) tại Viện Đại học Michigan. Cũng trong năm này ông lấy tiếp bằng Tiến sĩ Quốc gia toán học tại Đại học Sorbonne, Paris, Pháp.

Năm 1982, ông là giáo sư (Chair Professor) của ngành Toán ứng dụng tại Đại học Quốc gia Thanh Hoa (National Tsing Hua University) ở Đài Loan. Hai năm sau, năm 1984, Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là người Hoa Kỳ thứ ba và là người Châu Á đầu tiên được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc gia Hàng không và Không gian Pháp (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace). Đến năm 1986, ông trở thành Viện sĩ chính thức của Viện Hàn lâm Không gian Quốc tế (International Academy of Astronautics).

Trong nhiều năm ông đã được mời tham gia thuyết trình thỉnh giảng tại nhiều Đại học lớn và các Hội nghị Quốc tế nhiều nơi trên Thế giới bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Áo, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Sĩ, Na Uy, Thụy Điển, Hungary, Israel, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan và Úc.

Năm 1999, ông nghỉ hưu, ông đã được Hội đồng Quản trị (Board of Regents) tại Đại học Michigan phong tặng chức Giáo sư Danh dự ngành Kỹ thuật Không gian (Professor Emeritus of Aerospace Engineering) vì công lao đóng góp cho khoa học và giáo dục.

Gia đình

Thân phụ: Cụ Nguyễn Xuân Nhiên (1904-1950)

Thân mẫu: Cụ Đỗ Thị Thảo (1909-2002) (sinh hạ 11 người con, giáo sư Nguyễn Xuân Vinh là con thứ 2 và là trưởng nam)

Bào tỷ: Nguyễn Thị Bính (đã mất)

Bào đệ: Nguyễn Xuân Chúc (sinh 1932), Nguyễn Xuân Đăng (đã mất), Nguyễn Xuân Quang (đã mất), Nguyễn Xuân Huy (sinh 1944)

Bào muội: Nguyễn Thị Bạch Yến, Nguyễn Thị Hoài Thanh (1936-2020), Nguyễn Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Thanh Nga, Nguyễn Thị Minh Nguyệt (đã mất).

-Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh có vợ và 4 người con, Bà Vinh đã qua đời tại San José, sau đó, Ông dọn xuống Nam Cali, thành hôn với người vợ mới, có tên Phiến Đan. Từ đó Ông định cư tại Nam Cali cho tới ngày qua đời.

Ngoài ra thân phụ ông có người vợ kế là Đỗ Thị Huyền (1920-1998), chính là em ruột của Đỗ Thị Hảo, có với nhau 4 người con: Nguyễn Thị Băng Tâm, Nguyễn Thị Vân Khanh, Nguyễn Thị Sinh và Nguyễn Chí Bảo.

Đời tư

Cha của ông là Nguyễn Xuân Nhiên, liệt sĩ hy sinh năm 1950 thời Chiến tranh Đông Dương.

Em trai là Nguyễn Xuân Chúc, sinh ngày 30 tháng 9 năm 1932 tại Hải Phòng. Ông Chúc là kỹ sư cầu đường, tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Trái ngược với anh trai Nguyễn Xuân Vinh, ông Nguyễn Xuân Chúc tham gia Việt Minh và công tác trong chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngoài ra người em trai khác là Nguyễn Xuân Huy, sinh năm 1944, hiện đang công tác tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Người em gái Nguyễn Thị Hoài Thanh là nhà thơ nổi tiếng, sinh năm 1936, đã mất năm 2020 tại Hải Phòng.

Gần cuối đời, Ông rửa tội, theo đạo Công Giáo.

Ngày 19 tháng 10 năm 2016, ông đã được Đức cha Đa Minh Mai Thanh Lương, Giám mục Công giáo người Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ, làm phép Thanh Tẩy gia nhập Đạo Công giáo tại Nhà thờ Saint Bonaventure Church ở Huntington Beach, California. Ông lấy Tên Thánh là Anphongsô. Ông cũng được lãnh nhận bí tích Thêm Sức do Giám mục Mai Thanh Lương ban trong Thánh lễ với sự hiện diện của gia đình thân quyến và các bạn hữu lâu năm của ông.

Đoạt Các Giải thưởng

Năm 1994: Mechanics and Control of Flight Award presented do American Institute of Aeronautics and Astronautics tặng.

Năm 1996: “Excellence 2000 Award” của Pan Asian American Chamber of Commerce

Năm 2000: Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh được bầu vào Viện Hàn lâm Quốc tế du hành vũ trụ và Viện Hàn lâm Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Pháp. Ông được chọn là một trong những người xuất sắc của Hoa Kỳ Pan Asian American Chamber of Commerce tại Washington, DC.

Năm 2006: “Giải thưởng Dirk Brouwer” về Cơ học Du hành Không gian của Hội Du hành Không gian Hoa Kỳ (American Astronautical Society)

Hội Khuyến Học ở Saint Louis, Missouri, đề ra giải thưởng hàng năm tên là giải thưởng “Truyền thống Nguyễn Xuân Vinh” để khuyến khích học sinh ở địa phương.

Bút Hiệu “Toàn Phong” Nhà Văn nổi tiếng với các tác phẩm Khoa học và Văn học

Tiếng Anh

Tác giả Nguyễn Xuân Vinh đã xuất bản ba cuốn sách và hơn 100 bài báo kỹ thuật trong lĩnh vực toán học, astrodynamics, và tối ưu hóa quỹ đạo (trajectory optimization). Ông Vinh cũng từng là biên tập viên trong khoảng thời gian dài 20 năm cho tạp chí lưu trữ cho Học viện vũ trụ Quốc tế (the archival journal for the International Academy of Astronautics). Giáo sư Vinh nguyên là chủ tịch hội đồng chấm luận án tiến sĩ (chaired the doctoral committees) cho 30 nghiên cứu sinh, nhiều người trong số họ hiện nay đang là giáo sư của các Hiệp hội uy tín của Hoa Kỳ, các trường Đại học các trường học hoặc các hiệp hội nhà khoa học hàng đầu trong ngành công nghiệp hàng không vũ trụ.

Các Công Trình Đóng Góp Cho Lãnh Vực Khoa học

Ông đã viết hàng trăm tiểu luận về toán, động học không gian (Astrodynamics) và tối ưu hóa quỹ đạo (Trajectory optimization). Các sách viết bao gồm:

Hypersonic and Planetary Entry Flight Mechanics. 1980. Vinh, N. X.; Busemann, A.; Culp, R. D. University of Michigan Press.

Optimal Trajectories in Atmospheric Flight 1981. Vinh N. X., Studies in Astronautics 2, Elsevier Scientific Publishing Company, Amsterdam.

Flight Mechanics of High-Performance Aircraft. 1993. Nguyen X. Vinh. Cambridge Aerospace Series. ISBN 052134123X

Văn chương tiếng Việt:

Gương Danh Tướng, 1956.

Đời Phi Công, 1959. Truyện dài, Giải thưởng Văn chương Toàn quốc năm 1961 (Việt Nam Cộng hòa)

Theo Ánh Tinh Cầu, 1991. Truyện ký sự.

Một vì sao, lại vừa “Theo Ánh Tinh Cầu”, vụt tắt! để lại biết bao niềm thương tiếc!

LÊ VĂN HẢI

BÀI VIẾT CỦA NHÀ VĂN GIAO CHỈ VŨ VĂN LỘC

 Đời Phi Công tại San Jose 2005

Bài Tạp Văn này viết năm 2005, nhân dịp tác giả Toàn Phong tái bản Đời Phi công tại San Jose. Thứ bẩy ngày 20 tháng 9-2008 cũng tại San Jose phi công Nguyễn Xuân Vinh, tiễn đưa bác gái tức là cô Phượng yêu về nơi yên nghỉ cuối cùng. Ngày hôm nay trong tháng 7 -2022 kỷ niệm di cư 54 các ông bạn tôi từ đại tá Thường, đại tá Ước, đại tá Vinh chẳng còn ai. Tôi không viết chuyện dâu bể 2022 nên gửi bằng hữu câu chuyện cũ. Phải chi mà viết được tuổi 20 ngây ngô thiếu úy vui biết bao nhiêu. Viết về quý ông hay viết về mình. Tôi với trời bơ vơ…

 Tuổi hoa niên cùng mặc áo chinh y                             

 Lòng mở rộng giữa dòng đời ấm áp                 

 Chín mươi năm, kiếp người như gió thoảng                       

Chiều cô đơn về chậm hồn cao niên.

Trân trọng!

Giao Chỉ – San Jose tháng 7-2022

(San Jose 2005) Miền Bắc California lần lượt trải qua những ngày vui đầy những món ăn tinh thần dành cho quý vị cao niên.

Cuối tuần trước, thị xã tráng lệ San Jose mở cửa chào đón phái đoàn cao niên Việt Nam với lá cờ quốc gia bên cạnh quốc kỳ Hiệp Chủng Quốc.  Tuần vừa qua là đêm nhạc tiền chiến với các bài ca của nhiều nhạc sĩ một thời đã ra đi nhưng còn để lại những di sản văn hóa tuyệt vời.

Và tuần này đến lượt nhà văn Toàn Phong một thời vang bóng giới thiệu tác phẩm Đời Phi Công tái bản lần thứ Sáu.  Trong số các Best Sellers xuất bản tại Sài Gòn từ năm 1960 đến nay, khó có tác phẩm nào mà được in lại đến sáu lần.

Nhân dịp này, chúng tôi xin trình bày những cảm nghĩ và những kỷ niệm của tuổi trẻ, của quân ngũ liên quan đến bằng hữu không quân, chuyện văn chương bay bổng, và những ước mơ thời niên thiếu.

Mùa thu năm 1951, khi chàng thanh niên Nam Định Nguyễn Xuân Vinh nhập ngũ khóa sĩ quan trừ bị thì tôi vẫn còn là cậu học sinh trung học Nguyễn Khuyến, Nam Định.  Phải chờ đến 1952 tôi mới lên học Hà Nội. 

Nhớ lúc đi vòng bờ hồ Hoàn Kiếm gặp một ông trung úy không quân Việt Nam.  Cặp lon vàng trên cầu vai có cánh chim.  Trên ngực áo đeo phù hiệu cánh bay của phi công.  Mặt mũi trẻ trung, miệng cười như hoa nở.  Chàng không đi với một người đẹp mà có ba bốn cô bên cạnh.  Cuộc đời không quân vui vẻ vô cùng.

Anh chàng phi công hào hoa như vậy, có vẻ như các người đẹp 36 phố phường muốn chấm ai cũng được.  Hình ảnh của anh phi công năm xưa in vào trong đầu tôi như một thần tượng, sẽ chẳng bao giờ quên.  Những ước mơ có ngày trở thành Pilot.  Chẳng biết anh chàng sĩ quan hào hoa phong nhã đó là ông đại tá Ước bây giờ ở Nam Cali hay ông đại tá Vinh hiện nay ở Bắc Cali.

Tháng 3-1954, tôi có giấy gọi vào Đà Lạt.  Dự trù sẽ ra sĩ quan rồi xin chuyển qua không quân cũng chưa muộn.  Nghĩ rằng mình vào học trường Liên Quân, sau khóa căn bản rồi qua không quân học nghề bay hay sang hải quân để sau này có ngày làm quan ba tàu thủy.  Đời còn dài, không đi đâu mà vội.  Nào ngờ, ra trường đổi về tiểu đoàn bộ binh, bị tống xuống tận đáy mũi Cà Mau đóng đồn Cái Nước.  Giấc mộng viết văn và bay bổng xẹp dần như bong bóng nước. 

Trong đời chúng ta đã từng có biết bao nhiêu mộng ước tuổi thanh xuân.  Nhiều giấc mộng không thành sự thực.  Hôm nay nhân dịp niên trưởng Nguyễn Xuân Vinh ra mắt Đời Phi Công, cuộc đời của một giấc mơ thành sự thực, tôi xin kể về giấc mơ không thành của riêng mình.

Số là lúc đóng đồn Cái Nước, bên cạnh bộ tư lệnh tiền phương của chiến dịch Tự Do có một sân bay dành cho phi cơ quan sát.  Bên kia sông là hàng quán có cô hàng bán cà phê, mấy ông sĩ quan bộ binh vẫn tà tà ghé lại thả lời ong bướm.  Chưa anh nào được người đẹp lưu ý.

Một buổi có anh bạn học Nguyễn Khyến của tôi là Pilot Nguyễn Khắc Huề hạ cạnh L-19 ghé vào tán tỉnh.  Nhờ bộ đồ bay với cả một khung trời mây trắng yểm trợ, ông Pilot quê Nam Định đã làm cho cô hàng cà phê ngơ ngẩn cả tháng dài.  Dường như hai bên lại còn viết cả thư tình.

Mấy anh sĩ quan bộ binh chúng tôi hết sức phiền lòng.  Ai nấy đều trù ếm là anh tài xế máy bay sẽ đi mãi không trở về.  Không ngờ, lời đùa nhảm đã thành sự thật.  Pilot Huề cùng học Nguyễn Khuyến với tôi, đã không tìm thấy xác rơi trong một phi vụ.  Nhưng đó là chuyện sau này. 

Ngày xưa, vào thời kỳ cuối thập niên 50, những ngày tháng dài ở tiền đồn thuở thanh bình cho phép tôi chìm đắm vào “Cõi Người Ta” của một thần tượng văn học Pháp là Saint Exupéry.

Quả thực nhà văn hào phi công đã viết ra tác phẩm Terre des Hommes cùng một lượt với các danh tác phiên dịch ra Việt ngữ như Hoàng Tử Nhỏ (Le Petit Prince), Bay Đêm (Vol de Nuit), Phi Công Thời Chiến (Pilote de Guerre), Đưa Thư Về Miền Nam (Courrier Sud).  Chắc hẳn không phải riêng chúng tôi mà hầu như cả thế hệ thanh niên miền Nam vào đầu thập niên 60 nếu chịu hảnh hưởng văn hóa Pháp đều mê thần tượng là tay phi công mở đường cho cả văn học lẫn phi trình vượt Đại Tây Dương.

Ngay từ năm 1926, Saint Exupery đã trở thành Pilot khai phá các đường bay mới từ Đông sang Tây, Nam Mỹ, Phi Châu.  Ông là nhà văn và đồng thời lại là một phi công thời chiến được người Pháp tôn thờ ngang với Victo Hugo về văn chương và nổi danh ngang với Charles de Gaules về chính trị.

Sau này, khi những thanh niên Việt Nam trẻ tuổi vào các trường không quân Pháp học bay thì câu chuyện về chuyến bay cuối cùng của Saint Exupéry đã trở thành huyền thoại lịch sử của nghề bay.

Trước khi Đệ Nhị Thế Chiến chấm dứt 1945, nhà văn hào phi công đã lái chiếc P-38 của Không Lực Hoa Kỳ trong phi vụ cuối cùng và được ghi là mất tích.

Người Pháp với truyền thống lãng mạn đã lưu truyền giả thuyết máy bay bị hư và phi công đã làm một thao tác ngoạn mục cuối cùng là đâm thẳng đầu xuống biển với một tốc độ thật cao để đi vào huyền sử.

Cũng vào thời kỳ đó, phía mặt trận phương Đông ở Á châu, những phi công còn lại của phi đội Thần Phong Nhật Bản thực hiện chuyến bay cuối cùng về phía mặt trời lặn. 

Sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng, mỗi máy bay của đội Thần Phong đổ nửa bình xăng bay theo đội hình để khi hết xăng sẽ đâm xuống biển.  Máy bay của vị tư lệnh Thần Phong đổ đầy bình xăng sẽ còn đủ nhiên liệu bay xa hơn, kéo dài hơn cái chết chậm chạp đợi chờ, trong một chuyến bay cô đơn.

Hãy tưởng tượng các phi công chào nhau lần cuối, nhìn thấy máy bay tư lệnh cô đơn phía trước, xa xa là mặt trời lặn.  Cả phi đoàn kẻ trước người sau, đâm đầu xuống biển xanh.

Những Pilot của Thần Phong để lại các thi phẩm tuyệt mệnh trước khi bay vào cõi chết ở chân trời.  Các bài thơ hùng tráng được viết trên các giải lụa treo trên ngọn cây hai bên phi đạo.

Từ Âu châu đến Á châu, văn chương của người phi công, văn chương của thế giới bay bổng trong thời chiến vẫn là những tiếng gọi hồn xúc động làm cho cả thế hệ thanh niên phải nghẹn ngào.  Đó chính là hoàn cảnh khi tác phẩm Đời Phi Công của Toàn Phong ra đời tại Sài Gòn năm 1960.

Vào thời kỳ đó, vị đại tá tư lệnh không quân Việt Nam 28 tuổi đôi khi còn đến các trường dạy toán và giảng Kiều ở Sài Gòn.  Hình bóng của một sĩ quan dường như văn võ toàn tài làm cho thanh niên ai cũng đều muốn vào không quân và thiếu nữ ai cũng muốn trở thành cô Phượng.

“Dấu chàng theo lớp mây đưa,

Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà.”

Tác phẩm Đời Phi Công là các đoản văn dưới hình thức những lá thư của người chiến binh gửi về cho người yêu ở quê nhà.  Bắt đầu kể về chuyến đi Pháp học nghề bay.  Các giây phút huấn luyện, các ngày thao dượt, tốt nghiệp và tiếp theo là các sinh hoạt quân ngũ kể cho em gái hậu phương.

Vào thời đó, những lá thư bình dị và chân thực của tác giả đã làm rung động độc giả miền Nam. Phát hành năm 1960 thì năm sau, 1961 được giải thưởng văn chương toàn quốc, vị tư lệnh không quân trở thành nhà văn có tác phẩm danh tiếng nhất.

Rất tiếc sau đó tác giả đã từ giã quân đội để bước vào khoa học nên không có cơ hội đi xa hơn trên cả hai lãnh vực mà thực sự thập niên 60 chỉ mới bắt đầu.

Cuộc chiến Việt Nam của thập niên 70 sau này mới thực sự là giai đoạn thử lửa với biết bao nhiêu phi công ra đi không hẹn ngày về.  Biết bao nhiêu vận tải, thám thính, khu trục và trực thăng.  Mỗi con tàu đều là cỗ quan tài bay.  Những lần đi thực sự không ai tìm xác rơi. 

Thời kỳ 60 là giai đoạn của Pilot thời bình.  Việc bay bổng và tình yêu như mây trời lãng đãng.  Văn chương và bay bổng mới chỉ là môn thể thao nhẹ nhàng giao duyên với cuộc đời.  Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ.

Trong phạm vi văn học, khi những ngày vui của năm 60 đã qua rồi.  Văn học của 70 bước qua Giải khăn xô cho Huế, Đêm nghe tiếng đại bác, Mùa hè đỏ lửa, Dựa lưng nỗi chết.  Văn chương chữ nghĩa của những năm đất nước đau thương trên chiến trường tồi tệ sau này không còn giây phút nhẹ nhàng như thư gửi cho cô Phượng xinh đẹp, hiền lành, không biết uống cà phê.

Những cô em gái hậu phương sau cô Phượng đã trở thành góa phụ qua các địa danh quen thuộc như Bình Giả, Pleime, Chu Pao, Tân Cảnh.  Biết bao nhiêu người yêu của Pilot đã đội khăn tang để cho vị tư lệnh sau cùng phải sáng tác một tác phẩm tràn ngập đắng cay mang tựa đề là Chết Non.  Trong đó ông viết toàn chuyện tang gia nửa đường đứt gánh của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Tác giả là trung tướng Trần Văn Minh, vị tư lệnh cuối cùng của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa, từng chỉ huy cả ngàn phi cơ Việt Nam nhưng sau cùng đã phải quá giang tàu bay Mỹ trong chuyến bay vội vã lúc tan hàng.

“Cho hay muôn sự tại trời.”

Tất cả cũng là do định mệnh an bài.

“Bắt phong trần phải phong trần.

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”

Tháng 5-2005, gia đình tôi có dịp đến chơi nhà đại tá Vũ Văn Ước.  Nhìn tấm hình ông phi công mặc đồ bay.  Xem hình ông không quân thời kỳ lấy vợ Hà Nội.  Thấy mặt quen quen.  Dường như hơn 50 năm về trước, lúc tôi còn đi học ông đã là trung úy tàu bay.  Pilot Vũ Văn Ước đẹp trai, ăn nói duyên dáng, đàn bà con gái hàng Ngang, hàng Đào ông đều quen hết.  Còn bà chị ngồi đây có phải là người đẹp Hà Nội ngày xưa”  Có phải là bà tư lệnh giữa chốn ba quân thuở trước”  Sao bây giờ bà hiền như thế”  Chị Ước ngày nay ngồi trên xe lăn, nhưng vẫn mãi mãi là người đẹp Hà Nội của Vũ Văn Ước.

Ngày xưa chị Ước có một người anh là Phạm Văn Thường, bỏ nhà tha hương từ nhỏ.  Ông đi Tây làm lính viễn chinh.  Rồi trở về Sài Gòn đeo lon đại tá QLVNCH.  Khi Pilot Ước lấy cô em đem vào Tân Sơn Nhất thì ông anh Phạm Văn Thường ở Tổng Tham Mưu.  Đôi khi hai ông đại tá không quân và bộ binh bắt tay nhau mà không hề biết là có liên hệ gia đình gần gũi như thế.  Anh trai thì tưởng cô em còn ở lại Hà Nội.  Cô em thì tưởng anh trai mất xác bên Tây. 

Sau 30 tháng 4 gia đình ông Ước chạy qua Westminster.  Ông Phạm Văn Thường kẹt lại đi tù cải tạo.  Rồi ông vượt biên qua làm chúa đảo Bidong.  Rồi ông cũng qua Westminster.  Ở cùng một thành phố suốt bao năm mà anh em không biết nhau. 

Khi ông Thường chết, gần như tứ cố vô thân.  Chúng tôi đi xuống miền Nam tổ chức đám tang.  Ma chay xong đăng báo rềng rang.  Ông Pilot Vũ Văn ước đọc báo thấy tên Phạm Văn Thường sao giống tên họ của vợ tức là người yêu bé nhỏ Hà Nội.  Hỏi thăm ông Giao Chỉ mới té ra đây chính là ông anh lưu lạc giang hồ.  Thất lạc bao nhiêu năm cho đến chết vẫn chưa gặp nhau.  Dù rằng trước 75 cùng ở Sài Gòn.  Sau 75 cùng ở Westminster. 

Chúng tôi tuy ít tuổi hơn ông Pilot đại tá Ước, nhưng lại là bạn của ông anh vợ đã qua đời.  Bà Ước sai ông chồng đãi ăn đâu ra đấy.  Chị Ước bị đau, tay chân hạn chế.  Ông Ước chứng tỏ là một tay tề gia xuất sắc nhất của Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.  Công việc nội trợ một tay ông đảm đang nếu kể ra có thể làm tất cả các đấng cao niên của tập thể quân đội mất tinh thần.

Vũ Văn Ước cũng là một tay văn học và bay bổng rất có giá.  Ông là phi công thời chiến thứ thiệt.  Chỉ vì bay nhiều quá nên dù có làm tư lệnh nhưng cứ gần lên tướng thì lại được cho đi làm tư lệnh chỗ khác.  Không quân nổi tiếng hào hoa nên thường có nhiều cuộc tình duyên ngoài vòng trật tự.  Nhưng đó không phải là Vũ Văn Ước lúc về chiều.  Và giọng ca vàng Vũ Văn Ước nếu không lên tư lệnh thì đã có thể sang ngang để song ca với Sĩ Phú.

Và người thứ nhì có điểm rất cao là không quân Nguyễn Xuân Vinh.  Con người may mắn một đời, ước mơ gì thì trời cho thứ đó.  Ông muốn là tư lệnh tàu bay thì ông lên ghế lãnh đạo không quân.  Ông muốn làm giáo sư thì thế giới dành cho ông ghế hàn lâm toán học.  Ông muốn yêu cô Phượng suốt đời thì ông bà sẽ làm lễ mừng 50 năm.

Ông cũng có một cô em gái là thi sĩ nổi danh ở Hải Phòng.  Cô em vất vả một đời vì có ông anh là tư lệnh không quân “Ngụy.”  Anh em còn sống cả nhưng chưa bao giờ gặp lại nhau.  Có thể không bao giờ.

Hôm thứ Bảy vừa qua, chúng tôi đi dự đám cưới con bác sĩ Nguyễn Hoàng Hải.  Ông bác sĩ quân y của chiến trường quân khu I xếp anh em chúng tôi ngồi một bàn.  Ngay cạnh bàn của trung tướng tư lệnh Hoàng Xuân Lãm. 

Tình cờ bàn của chúng tôi lại có đến 4 gia đình gốc Nam Định.  Ông bác sĩ Quý Đài xuất thân Nam Định.  Bác sĩ Ngọc Khôi là dân Bến Thóc.  Còn tôi nhà ở Phố Hàng Rượu.  Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh của chúng tôi cũng khai là dân Nam Định.  Ông hãnh diện đọc lại cả tên tổng, tên làng, tên xóm. 

Trong giây phút rung động, người thanh niên Nam Định đã từng một thời ngang dọc, đã từng theo ánh tinh cầu của đời phi công.  Đã mang danh vọng số 1 của Không Quân Việt Nam, trải qua các bục thuyết trình của bao nhiêu giảng đường đại học, ngồi bên đám bạn già nhắc lại các danh hiệu làng quê xóm cũ.  Bên cạnh ông vẫn là cô Phượng của Hà Nội ngày xưa.  Trên chuyến bay đêm của phi cơ quân sự.  Trên các chuyến đi thuyết trình dạy học bằng của phi cơ dân sự, trước sau 50 năm vẫn chỉ có một cô Phượng của tình yêu chung thủy.

Bà Nguyễn Xuân Vinh hiện đau yếu đi lại rất khó khăn.  Và chính ông Vinh cũng đã bị tuổi già theo đuổi.  Nhưng ông vẫn chăm sóc nâng đỡ cho bà từng mỗi giây phút.  Khi ngồi xuống, lúc đứng lên.  Giữa tiệc cưới ồn ào nhộn nhịp, hai ông bà ngồi yên lặng.  Lâu lâu một vài học trò hay thân hữu ghé bên cạnh hỏi thăm.

Khi nhạc khiêu vũ của tiệc cưới bắt đầu, ông bà kiếu từ ra về.  Vẫn đi bên nhau với những bước chân ngắn và chậm.

Ông bà cùng đi ra khỏi tiệc vui.  Đi về chân trời thật xa với “Cõi Người Ta” trong văn chương và bay bổng.

Với Nguyễn Xuân Vinh, một thanh niên quê Nam Định, 75 tuổi, bao nhiêu khoa bảng chức tước rồi thì cũng chỉ là phù vân.

“Với mây che trên đầu và nắng trên vai.”  Ông Vinh và bà Phượng đi bộ quanh khu Village ở Evergreen, San Jose.  Ông bà đi từng bước rất chậm, và 50 năm mãi mãi bên nhau.

Những người như Vũ Văn Ước và Nguyễn Xuân Vinh, ai bảo là không quân không chung thủy.  Còn những anh chàng lãng từ không quân khác, dù có bay bốn phương trời thì sau cùng cũng sẽ về đi bộ với người yêu cũ.  Nếu phải đẩy xe lăn thì cuộc tình lại càng đằm thắm.

Giờ đây, bà ngồi cho tôi đẩy hay tôi đẩy, bà ngồi.  Nếu thật sang thì hai ta đi hai xe cơ giới bấm nút loại F5-E, có Radar dẫn đường chỉ lối.

Giao Chỉ – San Jose 

BÀI VIẾT CỦA NỮ KÝ GIẢ KIỀU MỸ DUYÊN

VE-MOT-NGUOI-VUA-MOI-RA-DI-GIAO-SU-NGUYEN-XUAN-VINH-KMD1

Văn Nghệ: “Gởi gió cho mây ngàn bay!” đến Tác giả “Đời Phi Công” vừa qua đời!

Gởi gió cho mây ngàn bay!” đến với Tác giả “Đời Phi Công” (Giải nhất thơ văn toàn quốc năm 1961)

 Đó là Nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh vừa xếp cánh! Hồn bay cao, hòa tan vào bầu trời Quê Mẹ! Với hàng trăm người phi công VNCH đã tan xác như tro, như bụi, như mây, như gió, trong thời chinh chiến, cho bầu trời Quê Hương, mây thêm trắng, trời thêm xanh!

*Tác phẩm “Đời Phi Công” là niềm cảm hứng, chất xúc tác chính cho hàng ngàn những người trai, thập niên 60, 70, đi tìm lý tưởng phục vụ Quê Hương trong thời chinh chiến. Những “người hùng” không gian này, đã trấn giữ bầu trời Quê Hương miền Nam an toàn trên 20 năm.

*Hình ảnh người phi công hào hùng, hào hoa, độc đáo, đưới đất có một cô bé hậu phương tên “Phượng” luôn luôn theo dõi những chuyến bay, ngả nghiêng theo cánh chim sắt, để chàng trút những tâm sự vui buồn đời bay bổng. Hình ảnh mơ mộng này, để những chàng trai thời chiến, chấp nhận “đi không ai tìm xác rơi!” hay “một phút huy hoàng rồi chợp tắt, còn hơn le lói suốt năm canh!” Trở thành là một trong các Quân Binh Chủng VNCH, có số sĩ quan hy sinh nhiều nhất!

Đó là hình ảnh đẹp huyền thoại của “Đời phi công!” Nhưng thực tế, hình ảnh người phi công và người yêu bé nhỏ tên Phượng, trong cuộc chiến, đã không đẹp như trong thơ văn. Nhuộm rất nhiều nước mắt thương đau.

Xin mời thưởng thức một truyện ngắn, để thấy Đời phi công, đã kéo theo những nàng nữ sinh ngây thơ trót yêu những người Lính không gian ra sao. Một trong những mảnh đời tan tác trong thời chiến, dù đã ngưng bom đạn qua gần nửa thế kỷ!

Người Góa Phụ Trẻ!

(Cảnh đời của hàng ngàn thiếu nữ VNCH, yêu những người Lính Không Quân trong thời chinh chiến!)

Ngày ấy…! Tôi lén thương anh, bởi vì cặp mắt sáng quắc, khuôn mặt chữ điền rắn rỏi, mái tóc bồng bềnh như mây, tiếng hát lúc mạnh như sấm chớp, lúc nhẹ nhàng như gió thoảng, theo tiếng đàn guita, là trưởng ban văn nghệ của trường Trung học, mà chúng tôi đã cùng học chung lớp.

Anh có lần tâm sự, Quê Hương mình đang mù mịt khói lửa chiến chinh, ăn học không yên, chắc học xong bậc trung học, anh sẽ nhập ngũ tòng chinh như các chàng trai khác, làm tròn nhiệm vụ người trai trong thời chiến.

Tôi hỏi: “Anh có ý chọn Quân Binh Chủng nào để phục vụ chưa?”

Anh trả lời: “Anh đã đọc qua tác phẩm “Đời Phi Công” của Tác giả Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, đây chính là hình ảnh lý tưởng, mà anh chọn để phục vụ đất nước!”

Yêu chàng, tôi tò mò kiếm tác phẩm này để đọc, và trở thành nhân vật “Phượng” lúc nào không hay!

Hàng đêm nhìn mây trời, theo bước chân chàng, thực hiện “Một chuyến bay đêm!” thật thú vị.

“….Giữa lòng trời khuya muôn ánh sao hiền,

Người trai đi viết câu chuyện một chuyến bay đêm.

Cánh bằng nhẹ mơn trên làn gió,

Đời ngây thơ xưa lại nhớ lúc mình còn thơ.

Nhìn trời cao mà reo, mà mơ ước như diều

Để níu áo hằng nga, ngồi bên dẫy ngân hà.

Giờ sống giữa lưng trời,

Đôi khi nhớ chuyện đời mỉm cười thôi…”

(Tác giả : Song Ngọc & Hoài Linh)

Rời ghế học học đường xong lớp 12, như quyết định, anh lên Đà Lạt vào trường Võ Bị Quốc Gia, và giống như niềm mơ ước, anh được nhận vào Quân chủng Không Quân, sau khi mất cả hàng tuần khám sức khỏe. Những năm cuối, anh được chuyển qua Trung Tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang, để thi Anh văn, khám lại sức khỏe, sửa soạn đi Mỹ học bay, đeo đuổi lý tưởng mà anh luôn tâm sự cùng tôi, khi sân trường, dưới bóng cây Phượng, khi chỉ còn hai đứa!

Sau khi anh nhập ngũ, thì tôi cũng trở thành cô giáo, dạy ở một trường trung học lớn ở Sài Gòn. Chúng tôi thường xuyên trao cho nhau những lời hẹn ước, qua bao lá thư yêu thương nồng ấm, “gởi gió cho mây ngàn bay!” Theo dõi chân chàng từng bước, để trở thành một phi công. Yêu thú vờn mây, cưỡi gió từ khi nào!

“…Ðây áo bay màu xanh xanh như tình ái
thắt lại khăn ấm chính em đan
khi gió quay cuồng sau cánh bay
con tàu thét gầm cho tim ngất ngây
phi đạo chạy dài anh cất cánh bay lên.
Ngả nghiêng cánh chim
con tàu sẽ rời, rời xa thành phố rồi
mây giăng thật thấp
mây đan lụa trắng
mây pha màu nắng.
Vượt cao vút cao
mây trời kết thành một vùng tuyết trắng ngần
tuyết ơi xin nhuộm
trắng trong tâm hồn em gái nhỏ tôi thương…”

(Tuyết Trắng – Trần Thiện Thanh) 

Sau khi anh về nước, thời gian này, là thời gian sung sướng hạnh phúc nhất, của 2 đứa chúng tôi.

30 ngày phép! Chúng tôi rong chơi khắp miền đất nước! Lợi dụng thời gian quý báu này, tôi với chàng, làm đám cưới, trở thành đôi vợ chồng trẻ. Bạn bè người thân ai cũng khen: “xứng đôi vừa lứa!”

Cuối cùng chàng nhận được lịnh, phục vụ ở phi trường Nha Trang.

Lấy chồng thì phải theo chồng, “biết ra sao ngày sau!” Tôi là cô gái trâm anh, được gia đình cưng chiều, quen sống nhiều tiện nghi ở thành phố, số mệnh đưa đẩy, khi mới hơn tuổi đôi mươi đã lấy chồng xa xứ!

Tôi làm quen với xứ lạ, nơi đó, có những dãy núi chập chùng, tạo hình ảnh như một nàng thiếu nữ, nằm xỏa tóc ra biển xanh đợi chờ ai, những bãi cát trắng ngút ngàn, nơi mà ngày đêm luôn có tiếng sóng vỗ rì rào, có những chiếc ghe thuyền luôn ra khơi khi hoàng hôn và về bến khi rạng bình minh mà ông mặt trời chưa thức giấc!

Thú duy nhất, là nghe lời kể cuốn hút, bay theo chàng sau mỗi phi vụ: Ngắm nhìn bầu trời đẹp quê hương khi bình minh vừa ló dạng, cảm giác tống ga. kéo cần lái “vượt cao” khỏi phi đạo, vẫy vùng trong bầu trời mênh mông xanh ngắt, mà tất cả mọi thứ đưới đất kia, thành nhỏ bé như đồ chơi! Tâm hồn mở rộng, mà người dưới đất khó mà có cảm giác này.

Từ ngày tôi về làm vợ, làm dâu nơi xứ biển được hai năm dài. Giấc mơ làm cô giáo, phấn bảng ngây thơ học trò, cũng gác lại, vì phải phụ đời sống mẹ chồng chăm lo gia đình đông con, vì là dâu cả trong nhà!

Những buổi chiều về, nghe hàng dương liễu rì rào, buồn lắm! nhớ ánh đèn đô thị, người thân, bạn bè. Cuộc chiến càng ngày tăng cấp độ cao, đơn vị chàng càng bận rộn yểm trợ hết cuộc hành quân này, đến cuộc hàng quân khác, chưa bao giờ nghe chồng bảo tôi cùng chồng, về thăm gia đình bên vợ, dù đó chỉ là một lời nói an ủi lúc tôi buồn nhớ mẹ! nước mắt đong đầy trên má.

Anh là một phi công thời chiến, ngày đêm trên chiến trận mịt mù khói lửa đạn bom! Thỉnh thoảng về phép đôi ngày thăm gia đình và nhất là dành nhiều thời gian cho tôi!

Và một hôm, trong giấc ngủ đến thật khó khăn dù đã cố vỗ giấc, sao nụ cười với khuôn mặt chữ điền, đôi mắt vẫn hiện rõ trong tâm trí, sao những lời yêu thương khi xưa cứ văng vẳng bên tai suốt năm canh. Cảm giác lo sợ điều gì đó mông lung cứ chạy dài theo sống lưng, áo ướt đẫm mồ hôi dù sương đêm phủ dày, trời còn đang lạnh!

Rồi chuyện đến… đã đến!

Chiều hôm sau, một chiếc xe Jeep mầu xanh KQ, theo sau chiếc xe GMC chở cái quan tài phủ cờ Vàng lên trên, anh lính hỏi thăm nhiều người, rồi lần đến nhà…tôi!

Tôi ngất lịm khi anh lính đã nói đúng tên tuổi, và đưa ra chiếc thẻ bài có sợi dây đeo bằng những hạt nhôm nhỏ kết lại, với chiếc đồng hồ cực mỏng màu vàng, do tôi tặng cho anh. Cái ví nữa, trong có bức hình nhạt nhòa chân dung của tôi! Anh lính thông báo, chiếc phi cơ chiến đấu của chồng tôi đã bị địch bắn rớt! nhưng kiếm được xác, và lượm lại được những vật dụng trên.

Bầu trời như sụp đổ! Tất cả chỉ còn lại là mầu đen! Đen! đen lắm! không nhìn thấy gì cả!

Tôi đã khóc hết nước mắt! sưng vù! Vậy thì một mình tôi đi về quê cũng được, nhưng chồng tôi mãi mãi ở lại trên quê hương của anh ấy! nơi có trời xanh mây trắng mà anh đã chọn! “Đi không ai tìm xác rơi!” có nghĩa thê thảm đến thế này sao? Tình yêu trai gái thật thơ mộng và đẹp đẽ! Tình nghĩa vợ chồng son chưa đơm hoa kết trái của chúng tôi, sao ngắn ngủi và chia ly sớm quá!

Sao anh lại vội vàng buông tay người thương nhanh vậy! Anh hỡi! Anh còn nợ tôi những chuyến bay đêm mà anh kể nữa kia mà! Còn hứa ngày nào theo anh, thưởng thức thú vui trời cao gió lộng này!

Sài Gòn của tôi có xa xôi gì cho cam, cách xa một giờ bay, chỉ vài trăm cây số thôi!

Tôi đã trở thành góa phụ trẻ trở về quê hương khi được sự đồng cảm, gợi ý của mẹ anh! Vì tôi còn quá trẻ, để có cơ hội làm lại cuộc đời. Nhưng tôi sẽ không làm lại đâu.

Thắt vòng khăn tang trắng trên đầu, người ta gọi tôi là “Góa phụ trẻ!”, ba tiếng nghe thật đau lòng, xót sa, thật buồn cho thân phận, duyên số của tôi! Không biết rồi cuộc đời sẽ ra sao? Tương lai sẽ như thế nào?

Tôi sẽ gặp lại gia đình thương yêu của tôi! Tôi sẽ mang theo hình ảnh của anh trong suốt cuộc đời!

Chiều nay, nghe câu hát ru con của chị hàng xóm cận nhà, lòng tôi lại đau đớn dâng lên một nỗi niềm, mà tôi vẫn hằng mong anh hiểu:

Chiều chiều chim vịt kêu chiều

Trông về quê mẹ chín chiều ruột đau!

Anh ơi! Nếu có kiếp tái sinh, sống lại một lần nữa, em nguyện sẽ cùng anh làm đôi vợ chồng như thuở nào, anh nhé! Nhưng lần này, nhất định phải có một đứa con! Con mình cũng sẽ yêu trời xanh, mây trắng!

Chờ em!…anh nhé!

CÁNH SAO KHOA HỌC ĐÃ RỜI KHỎI BẦU TRỜI – Thương Tiếc Khoa Học Gia Nguyễn Xuân Vinh -PHƯƠNG HOA

https://vietbao.com/a312887/canh-sao-khoa-hoc-da-roi-khoi-bau-troi

Canh-Sao-Khoa-Hoc-Da-Roi-Khoi-Bau-Troi-

BÁC HỌC NGUYỄN XUÂN VINH

*

Tư lịnh không quân nước Việt mình

Anh hùng đại tá Nguyễn Xuân Vinh

Vang danh thế giới không gian học

Nổi tiếng năm châu vũ trụ hình

Đức độ cao ngời đời kính nể

Tài năng xuất chúng đạo quang minh 

Người người ngưỡng mộ và khâm phục

Một bậc thiên tài vượt trọng khinh !

M.Đ 

Duc-Quoc